Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 05 - 06 - 07 - 08

ĐÊM GIAO THỪA MẬU NGỌ - KỈ MÙI.

(Post từ khách sạn Quỳnh trên đường Trần Phú – Nha Trang).

Có những đơn vị trong f307 thì mùa xuân năm 1979, là mùa xuân đầu tiên trên đất nước Chùa Tháp, nhưng đối với anh em e95 thì đây là mùa xuân thứ hai, vì có những thế hệ anh em nhập ngũ năm 1977 trở về trước, đã một lần ăn tết trên đất bạn năm 1978, khi đánh giải vây cho đồn biên phòng 23 Đức Cơ. Năm 1979 ngày mùng một tết hình như là cuối tháng 1/ 1979, chứ chưa bước qua tháng hai dương lịch, và đây là thời điểm tàn khốc nhất của những tháng mùa khô, ai đã trải qua sẽ không bao giờ quên trong đời của mình.

Qua đợt truy quét đầu tiên, chúng tôi về lại SCH Sư đoàn, nằm trên giao lộ 120 đi lên chùa Preah Vihear và 69 đi về Phum Kamtuot – Anlongveng. Sư bộ nằm trong một khu rừng bằng lăng khá đẹp và lí tưởng, cạnh một dòng suối vẫn còn nước chảy róc rách ngày đêm. Báo cáo tình hình với Ban Tham Mưu sư đoàn xong, Trung tá TMT sư đoàn trao cho tôi quyết định bổ nhiệm Trung đội trưởng, và quyết định thăng quân hàm từ Hạ sĩ lên Thượng sĩ vừa kí ráo mực, tôi về Ban Trinh sát và nhận nhiệm vụ phối thuộc cùng d3 e95, xây dựng tuyến phòng thủ dọc biên giới từ chùa Preah Vihear đến chân Núi Cụt. Nghỉ lại f bộ một đêm, (chờ các bộ phận của sư đoàn chuẩn bị cho công tác chiến đấu của e95) một đêm không lo nghĩ gì về chiến tranh, thanh thản tâm hồn, đi lòng vòng các đơn vị đóng quanh f bộ, kiếm trà lá điếu đóm cho vui, và đến khuya nghỉ đêm với anh em pháo 37 li.

Một đêm để nhìn lại cả một chặng đường chiến dịch, nhìn lại chính mình, suy nghĩ về vai trò của mình trong chức vụ mới, mà tuổi đời, tuổi quân còn quá non nớt về mọi mặt. Bên cánh võng, một đêm giữa rừng cùng anh em trong đơn vị pháo 37, với tách trà nóng và những phong lương khô tiết kiệm được trong đợt truy quét, hình ảnh những gương mặt khi còn ở Đức Cơ, cứ hiện về trong từng câu chuyện, nhiều anh em đã nằm lại trên mọi nẻo đường chiến dịch… tuổi mười tám, đôi mươi đã nằm trong lòng đất mẹ… những người con mãi không trở về, những sinh viên sẽ không còn trở lại trường Đại học, những ước mơ cháy bỏng, những cuộc tình tuyệt đẹp đã không còn được thăng hoa trên cõi đời… Chiến tranh đi qua chỉ còn lại nỗi đau trong lòng mỗi con người.

Một anh lính pháo nào đó hát khe khẽ bài hát “Lá đỏ” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ thơ của Nguyễn Đình Thi… khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tưởng rằng chiến tranh chỉ còn lại trong kí ức… những vần thơ đẹp về một thời đạn bom, một thời lửa cháy, ngỡ rằng đã lùi xa vào dĩ vãng, và tồn tại trong tâm thức của những người lính đi qua trên mọi nẻo đường Trường Sơn.

Nhưng không phải như vậy… hôm nay đây, cũng giống như rừng Trường Sơn đại ngàn, giữa mùa trở gió năm nào, rừng khộp mùa khô Campuchia gió vẫn ào ạt thổi… hàng ngàn, hàng vạn vô số kể, những chiếc lá trút xuống đỏ rực trời. Vẫn còn đó những đoàn quân điệp điệp trùng trùng hối hả ra trận, bước chân đi mạnh mẽ rung chuyển cả núi rừng, bụi đỏ bay mờ mịt nhòa trong trời lửa mùa khô… đâu đó vùng Konhek, anh em e94 và cả f309 đang phải chịu đựng, giành giật sự sống với khí hậu khắc nghiệt của vùng Đông bắc… Một quang cảnh, một không khí thật hào hùng và kì vĩ chẳng khác năm xưa trên đường Trường Sơn.

Những thế hệ chiến sĩ mới sau chiến tranh, của các tỉnh duyên hải miền Trung, cùng với những anh em đất Hà thành, có mặt trên cánh quân Đông bắc này, cũng ra trận mang theo nỗi nhớ quê hương và tuổi trẻ của họ.

Năm xưa trên đường Trường Sơn điểm hẹn là Sài Gòn, còn hôm nay chỉ biết rằng đó chính là tổ quốc.

Sáng hôm sau, cùng theo xe của Sư đoàn về d3 e95, cách chân chùa vài kilômét, dọc đường thấy các đơn vị đóng quân trong những khu rừng xanh dọc suối, tập trung công sức vào công việc hầm hố, giao thông hào, bộ phận công binh của f đang hoàn tất những cây cầu nhỏ bắc qua những con suối, để giao thông được dễ dàng, thỉnh thoảng có vài cây mai rừng, những cành lan đuôi chồn, lan Bát treo ở các hầm của đơn vị công binh, để chuẩn bị đón Tết.

Đêm giao thừa… cùng đón khoảnh khắc của mùa xuân cùng anh em c9 d3, mỗi người đều có những tâm sự riêng, không ai ngủ, tất cả đều chờ nghe chương tình phát thanh QĐND lúc hai mươi mốt giờ, nghe đọc danh sách các đơn vị được Chủ tịch nước tặng lẵng hoa, trong đó có f307 và e95, đón nghe lời chúc tết của bác Tôn… trở lại hầm anh em cũng thao thức nói chuyện cho đến sáng.

Đêm giao thừa… đêm Trừ Tịch… đêm ba mươi… nhớ ngày xưa khi học tác phẩm “Tối ba mươi” của nhà văn Thạch Lam, thầy Hồ Phú Quế với tâm hồn lãng mạn của người con xứ Huế, giảng rất hay về khoảnh khắc giao thừa của hai nhân vật Liên và Huệ…, bối cảnh cuộc đời khác nhau hoàn toàn… nhưng nhớ nhất, là đoạn thầy viết tổng kết, thầy khuyên học thuộc, để mai kia trên đường đời, mỗi người sẽ có một kỉ niệm về đêm ba mươi… “Rất nhiều đêm qua đi để có một đêm ba mươi, rất nhiều đêm ba mươi qua đi, để có một đêm ba mươi Tết. Và cũng phải có nhiều đêm ba mươi tết qua đi, mỗi con người sẽ có một tối ba mươi xúc động tâm hồn…”

Vâng, thưa thầy… đêm ba mươi xúc động là đêm nay đây, con đang cảm nhận niềm xúc động khi nhớ về những mùa xuân qua đi trong cuộc đời con… những mùa xuân thanh bình nơi quê hương Mỹ Cát bao quanh đầm Đề Gi, với những bãi cát vàng tuyệt đẹp, với sóng biển dào dạt êm đềm cuộn vào bờ, với tiếng reo vi vút ngút ngàn của rừng dương, với từng đoàn người ra biển trong đêm giao thừa… và những năm trọ học ở Quy Nhơn, do chiến tranh lan rộng, không về nhà ăn tết cùng gia đình, chiều chiều ra biển khu Hai, dọc đường Nguyễn Huệ nhìn biển cho đỡ nhớ nhà… và hôm nay giữa rừng sâu của miền cực bắc Campuchia, trong muôn nỗi nhớ về thời gian… thời gian đã đi qua đong đầy bao kỉ niệm, khi năm tháng lùi xa, kỉ niệm cũ lại quay về…

Thời gian ơi! Hãy cho tôi và đồng đội tôi, được trở về sống với những đêm ba mươi thanh bình, hạnh phúc bên những người thân. Xin hãy bay đi màu mây trên tóc những người mẹ chiến sĩ, để trên cõi đời này… những người mẹ chiến sĩ vẫn sống mãi bên con cái mình… dù rằng đã có nhiều người con mãi không trở về bên mẹ được nữa. Những đứa con của lòng đất mẹ Việt Nam trung dũng kiên cường “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa…”

Tết năm đó, xuân Kỉ Mùi 1979, do đường vận chuyển chưa thông, nên quà Tết đến trễ cả tuần.

Cuối cùng, xuân đã về… đã về trên biên giới Thái Lan – Campuchia, thay cho pháo hoa, là những chùm pháo sáng máy bay Thái Lan thả suốt cả đêm, dọc theo dãy Dangrek.

ĐÓN XUÂN KỈ MÙI BÊN RẶNG NÚI DANGREK.

Thời gian đón tết Kỉ Mùi, tôi cũng không còn nhớ chính xác, chỉ biết rằng sau đêm nghe bác Tôn chúc tết cả tuần, thì xe Hậu cần mới đến nơi. Hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, hầu hết các đơn vị đều đã cạn kiệt về lương thực, thực phẩm, gian nan nhất là tình trạng thiếu muối, cá chuồng khô là loại cá có nồng độ ướp muối cao, được nhà bếp luộc để lấy nước muối cho đơn vị, gạo cũng còn có ít phải ăn dè xẻn từng bữa.

Khi cùng anh em Đặc công 198 đánh chiếm chùa, tôi phát hiện ở bình độ 500 có một rẫy mì (sắn) của lính Pốt, trồng rải rác theo sườn núi, do đúng vào mùa khô tinh bột nhiều nên rất ngon, luộc lên bột bở ra màu trắng đục, nhìn rất là bắt mắt, anh em e95 phần lớn là dân Khu 5 nên cũng hạp khẩu loại lương thực này, chỉ tội cho các anh em Hà Nội chưa bao giờ thưởng thức, bước đầu cũng khó khăn cho dạ dày thích ứng, qua thời gian thì cũng “hội nhập kinh tế,” những lá mì non gần đọt cũng được anh em Quảng Ngãi chế biến thành món muối dưa, phụ vào bữa cơm cho có chất rau (lúc này chưa biết đào củ mài ăn đỡ đói, hái lá ngót rừng về nấu canh, hai món này do Chính ủy e95 Thiếu tá Tạ Như Quỳnh truyền nghề, khi ông lên thăm đơn vị.

Diện tích sắn trên đồi cũng không có nhiều, nên chúng tôi không thông báo cho các đơn vị biết, mỗi ngày B trinh sát chỉ lấy vài gùi B40, về luộc ăn kèm với cơm, thỉnh thoảng anh em đói thì nướng thêm, vì lính trinh sát suốt ngày trèo đèo lội suối mà đói thì đâu được, toàn là thanh niên đang độ tuổi lớn, sức ăn mạnh, khổ sở cho anh em bộ binh, lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn trăm bề. Thấy cảnh anh em bộ binh bị sốt không thể ăn được cơm, chúng tôi bào mì nấu chung với thịt bò hộp loãng như soup, nên thời đó có giai thoại sốt không ăn cơm, thì có món soup Trinh sát, sau này do nhận nhiệm vụ đi xa dài ngày tôi mới “bàn giao kho lương thực” cho c1 d1 (chỉ có Anh Nguyễn Tiến Chăn, nay ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc là chính trị viên c1 là người duy nhất biết rẫy mì này).

Thời gian này, Sư đoàn 307 là sư đoàn duy nhất có mặt từ bờ tây Mê Kông lên đến Preah Vihear, một địa bàn quá rộng và quá xa so với công tác hậu cần, và sau chiến dịch ta còn quá nhiều việc để làm, giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống. Từng đoàn người hành hương trở về quê hương, sau bao nhiêu năm xa xứ, theo lệnh tập trung của Pốt, tràn ngập các con đường cả ngày lẫn đêm, đói khát bệnh tật, bộ đội ta vẫn phải giúp họ. Trên lộ 12 từ thị trấn Sralau giáp biên giới Lào đến Trapeng, Phnom Thbeng qua Rovieng về Congpong Thom không lúc nào ngớt người đi. Phẩu của Sư đoàn vẫn chữa bệnh cho dân, những ca đẻ khó của dân, cũng được các bác sĩ giúp đỡ vượt cạn giữa thanh thiên bạch nhật… trên những miếng ván kê tạm giữa rừng, trong những ngôi nhà bỏ hoang dọc đường… tiếng khóc của sơ sinh… giọt nước mắt hạnh phúc của những bà mẹ… Nhiều y, bác sĩ chỉ kịp buộc sợi dây vào cổ tay bé sơ sinh để chúc lành, vừa kịp gật đầu làm cha đỡ đầu cho đứa bé, theo yêu cầu của người mẹ vượt cạn, dù rằng có những anh em chưa có mảnh tình nào vắt vai, chưa biết tỏ tình là gì, gửi lại trong lòng dân tình nhân ái của một “đội quân nhà Phật.”

Sau khi chiếm được chùa, bộ phận Trinh sát Sư đoàn cùng các đơn vị của e29 và e95 bám theo dãy Dangrek, làm công tác truy quét, xác định địa hình, chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ biên giới, máy bay Thái Lan vẫn hoạt động liên tục ngày đêm.

Khi anh em trở về đơn vị dưới chân chùa Preah Vihear, thì hàng Tết, lương thực, thực phẩm đã được cung cấp, nghe anh em nói lại, ta phải dùng cả xe tăng T54 để đi bảo vệ xe chở lương thực. Gạo mới gặt trắng tinh chở ngay ra chiến trường, đã nói lên hoàn cảnh khó khăn của đất nước (các anh em lính cũ bảo như vậy, vì bộ đội ăn gạo dự trữ thì mới ổn định an ninh lương thực như cách nói hiện nay) cùng với bắp xay, bo bo.

Tôi về f bộ để nhận quà Tết cho anh em, nói chung là cũng đủ các món để vui Tết: đường, sữa, thuốc lá, kẹo… khi ngang qua SCH Sư đoàn, thấy tôi khệ nệ mang hàng tết, Tư lệnh Sư đoàn Đại tá Phạm Bân kêu tôi lại, và cho hai gói thuốc lá thơm thủ đô (in hình chùa Một Cột) để làm quà cho anh em (sau này tôi được biết chính ông đã chỉ đạo cho bộ phận Hậu cần cấp gấp đôi tiêu chuẩn cho bộ phận Trinh sát.) Chính ủy Lê Lung cho thêm hai chai rượu chát.

Trên đường về, khi qua ngầm của đơn vị pháo 37 li vào giờ cơm trưa, anh em mời ở lại ăn cơm, có ít thịt heo rừng, tôi mang một chai rượu ra đãi anh em, cả bộ phận chốt ngầm hôm đó ai cũng vui hẳn lên.

Bữa cơm chiều, có chút thịt rừng của anh em pháo 37, cộng với li rượu chát ai cũng phấn khởi, thấy anh em trinh sát hô dô… dô… Thủ trưởng Giữa d trưởng d3, bưng chén cơm chạy sang, cũng làm một ngụm nhỏ, tất cả mọi người đều vui trong ngày mừng muộn năm mới. Trước khi đi hội ý trên d bộ d3, tôi phát cho anh em mỗi người điếu thuốc thơm, cả khu rừng như được bừng tỉnh với hương vị thơm ngát mùi thuốc lá thủ đô. Anh em trong miền Nam hầu như không chuộng thuốc miền Bắc, vì nó nhẹ không đủ độ ép phê, họ vẫn chuộng thuốc lá đen như Đà Lạt hay Hoa Mai hơn.

Anh Bảo c trưởng c10 (nổi danh là con sâu thuốc) khi ngồi vào bàn họp nói ngay “Ông nào có thuốc Bắc bỏ ra, đừng chơi xấu với anh em.” Khi cuộc giao ban kết thúc, anh Bảo lại một lần nữa khẳng định là có mùi thuốc miền Bắc, anh đoán ra ngay vì hậu cần đâu có cấp thuốc thơm cho đơn vị, quay sang tôi anh mỉm cười và bảo “Ông trinh sát! Đừng chơi xấu mà, ông mới về Sư bộ sáng nay, chắc o bế các thủ trưởng, điếu đóm với Hậu cần, chia sẻ cho anh em chút hương thơm quả ngọt…” Tôi móc gói thuốc trong túi áo ra, chia cho mỗi người một điếu, nhưng D trưởng bảo hút chung, dành lại vài điếu để nói chuyện phiếm với nhau tới khuya.

Máy bay Thái Lan vẫn thả pháo sáng liên tục, cả bầu trời sáng rực, ngồi dưới gốc cây bằng lăng cổ thụ khoảng năm, sáu người ôm, anh em nói chuyện tới khi hết phần đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN, ban ngày các đơn vị vẫn công tác bình thường, có bộ phận tuần tra xa, bộ phận tuần tra gần, lo đào hầm hố công sự, và hầu như cũng không còn ai quan tâm gì đến những ngày Tết đầu tiên trong cuộc đời lính.

P/ S. Bài viết này kết thúc giai đoạn I “ Nhiệm vụ dân tộc.”

Giai đoạn II: “ Preah Vihear – Những năm tháng huyền thoại” Sư đoàn 307 và các đơn vị khác của QK5 như F2, F315, Đoàn 5504 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng …thực hiện “Nghĩa vụ quốc tế” giúp bạn xây dựng và củng cố chính quyền tỉnh Preah Vihear, trong đó có những trận đánh mang tính chiến lược của MT 579.

CON ĐƯỜNG TỬ THẦN TRÊN ĐẤT THÁI LAN

Cuối tháng 2/ 1979, từ vị trí đài quan sát phía tây chùa Preah Vihear, chúng tôi phát hiện trong nhiều ngày liền, dân chúng tập trung sát biên giới rất đông, bộ phận trinh sát báo cáo tình hình cho SCH e95 và BTM Sư đoàn, trực tiếp trưởng ban tác chiến f đến nơi quan sát và đưa ra nhận định: Có thể Thái Lan lùa dân qua biên giới để hồi hương, cũng như khả năng Pốt lùa dân làm bia đỡ đạn để tấn công ta. Tư lệnh Phạm Bân chỉ thị bộ phận trinh sát phối thuộc cùng e95, bám sát mục tiêu cùng với các đơn vị bộ binh của d1 e95, khóa cửa biên giới khu vực phía đông chùa. Cùng với mười lăm anh em trinh sát e95, chúng tôi vượt qua biên giới để quan sát tình hình. Khu vực chúng lùa dân là khu vực thoải nhất của các bình độ quanh khu vực chùa, bám theo các khe suối và tảng đá trên bình độ, chúng tôi phát hiện những xác chết đã thối rửa còn trơ bộ xương nằm rải rác trên dọc đường mòn qua biên giới. Quan sát kĩ hơn để có nhận định chính xác là quanh khu vực này có dấu vết của các loại mảnh mìn, và chúng tôi kết luận là trước đây trên đường qua đất Thái, dân đã bị vướng mìn (vị trí này sau tháng 4/ 1979 là bãi mìn số một của anh em trung đoàn 20 CANDVT, khi e95 bàn giao cho e20 để đi truy quét khu vực Anlongveng mùa mưa 1979). Lợi dụng ánh sáng của đèn hỏa châu máy bay Thái thả vào ban đêm, chúng tôi vượt qua biên giới với giới hạn tối đa khoảng 2 km, phát hiện dân tập trung dọc theo con đường lộ chạy lên cổng chùa Preah Vihear, với chiều dài gần 1 km, ước tính cả nghìn người. Tảng sáng chúng tôi rút về bên này biên giới và phục kích các vị trí then chốt, từ vị trí này chúng tôi nghe toàn bộ các động tĩnh. Khoảng trưa thì nghe tiếng súng nổ và khu vực này hỗn náo lên, có cả tiếng khóc la của dân… súng nổ càng lúc càng gần và chúng tôi báo về BTM f. Chúng tôi vẫn được lệnh quan sát và nắm tình hình khu vực, báo cáo cho f tọa độ, vì có khả năng f sẽ dùng tới pháo binh nếu cần thiết, cùng với các loại hỏa lực khác. Dưới chân núi hỏa lực của d1 như cối 82, 120 đã chuẩn bị. Một đoàn người đông đúc bắt đầu đến đường biên, chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm bám phía sau đội hình dân và nhóm khác chận đầu để quan sát.

Từ vị trí phía sau, chúng tôi phát hiện khoảng một trăm tên lính Thái, đang dùng súng tiểu liên AR15 bắn chỉ thiên để lùa dân vượt qua biên giới, như vậy ý định của địch đã rõ. Chúng tôi báo về e95… một cảnh hết sức tàn nhẫn là khi đoàn người đến đường biên giới, lính Thái Lan xả súng bắn vào dân với mục đích đốc thúc dân đi nhanh hơn để tránh đạn của chúng. Những thân người ngã xuống, những tiếng khóc kêu la, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hãi hùng… và càng hãi hùng kinh khủng hơn là khi chạy tránh đạn của lính Thái, đoàn người đã lọt vào bãi mìn (không hiểu bãi mìn này do lính Thái hay Pốt gài) những tiếng nổ liên tục, những thân người bay lên cùng bụi mù đất cát, tiếng kêu khóc thét gào cùng những tiếng kêu rên rỉ giữa bãi mìn, cảnh hoảng loạn như trong phim chứ không tin là thật. Nghe súng nổ SCH e95 điện hỏi chúng tôi liên tục, khi nắm tình hình chắc chắn, chúng tôi được lệnh không được nổ súng vì lực lượng ta ít hơn địch, và khi biết là địch chỉ lùa dân chứ không có ý định tấn công ta, chúng tôi mới được rút về bên đất Campuchia. Bộ phận trinh sát vẫn bám theo dân ở cự li thích hợp, toàn bộ anh em phải di chuyển trên đá, vì nằm trong bãi mìn của địch, những tiếng mìn nổ vẫn không ngớt vang lên và đoàn người vơi dần vơi dần… Khi đoàn người vượt qua bãi mìn, xuống đến chân núi, họ dừng lại nghỉ ngơi bên dòng suối nhỏ, chúng tôi quan sát kĩ và không thấy hiện tượng khả nghi có Pốt trong đội hình, chúng tôi xuất hiện cùng anh em Bb d1… những gương mặt dính đầy máu mang vẻ kinh hoàng, những ánh mắt đầy sợ hãi, những tấm thân run rẩy (khi thấy anh em ta nhiều người hoảng quá khuỵu xuống không đi nổi nữa) bộ đội ta băng bó vết thương những người bị thương (dĩ nhiên là còn đi được, còn nặng thì đã nằm lại trong bãi mìn). Chính trị viên d1 Nguyễn Năng điện cho e95 chi viện thêm quân để đưa dân về khu vực an toàn. Thủ trưởng Năng hỏi anh em ta có người nào nói được tiếng Anh, Pháp để nói chuyện với họ, tôi và anh Vinh (trinh sát e95 học sau tôi một lớp tại trường Cường Để Quy Nhơn, đã hi sinh trong trận đánh căn cứ 547 mùa khô năm 1981) cũng tìm được gần mười người biết tiếng Anh để trấn an họ, trong đó có một phụ nữ gần ba mươi tuổi nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp (đa số người Campuchia biết nói tiếng Pháp).

Được tăng cường c11d3, ta đưa dân về tập trung cách chân chùa 2 km, bên cạnh một hồ nước (sau này là vị trí của d210 e20 CANDVT). Qua tiếp xúc tôi được biết đa số họ là người dân miền Nam Campuchia quanh khu vực Phnôm Pênh, bị Pốt đưa đi lưu đày lên vùng Preah Vihear, do bị Pốt tuyên truyền, họ sợ ta nên phải chạy qua đất Thái Lan.

Họ ở đây hơn một tháng, ta chi cho họ cả 10 tấn lương thực, và nhờ họ mà anh em d1, d3 e95 đã giảm mức độ ăn cơm độn bắp và bo bo.

HÀNH TRÌNH TRUY QUÉT KAMTUOT – NÔNG TRƯỜNG ANLONGVENG.

Rời Phum Kamtuot và Phum Char, đội hình truy quét chia thành hai bộ phận, bộ phận trinh sát cả của f và e95, cắt đường rừng vào các Phum có trên bản đồ, để nắm tình hình địch, và bộ phận trinh sát e95 còn lại, cùng với đội hình d1 dưới sự chỉ huy của Thủ trưởng Nam (nguyên d trưởng d1 e95 lúc này là Tham mưu phó e95, d trưởng d1 là Thủ trưởng Vệ) theo lộ 69 hành quân. Mưa vùng cực bắc thật khủng khiếp, mưa cả ngày rả rích, các dòng suối cuồn cuộn nước đỏ ngầu từ đất Thái chảy về, vượt qua các dòng suối vào mùa mưa là điều cực kì nguy hiểm, đi dọc theo suối tìm những vị trí thích hợp để vượt, thông thường hay lợi dụng những gốc cây to bị đổ vắt ngang qua lòng suối, bộ phận trinh sát đi cả ngày chưa được 20 km, đi trong rừng quần áo ướt sũng, ve rừng (loại này nếu bị cắn là lên sốt ngay), vắt rừng đeo bám tới tận ba lô, độ che phủ của rừng nơi đây cao nhất Campuchia, với một màu xanh đậm ngắt.

Bám theo các Phum trên bản đồ, bộ phận trinh sát không phát hiện gì ngoài sự hoang tàn, chắc có lẽ trong thời Pốt không có dân ở những nơi này, xưa kia những nơi này cũng khá sung túc, cây trái vẫn sum suê đủ chủng loại, nhiều nhất là chanh, cam, bưởi… nhiều Phum có cả những rừng dừa hàng mấy trăm cây, nhà cửa đã hư hại theo năm tháng. Anh em trinh sát rất cảnh giác với những Phum này, chỉ vào Phum từng toán nhỏ, có bộ phận chốt giữ phía sau, tránh tình trạng bị chúng đánh tập hậu, tranh thủ kiếm những gì có thể ăn được, và nhanh chóng rút ra khỏi khu vực, không dừng lại lâu những nơi này. Ban đêm kiếm những vị trí cao, dừng quân nghỉ và nấu cơm (mỗi người mang một ruột tượng gạo 7 kg), kinh nghiệm chiến trường không nên dừng chân ở gần suối, vì dễ bị chúng tấn công dồn ra suối và đánh hai bên.

Càng về sát biên giới Thái là những cánh rừng khộp, rừng già, và đường đi không bằng phẳng, hầu như phải leo đồi liên tục. Theo ta phán đoán, thời gian cuối mùa mưa 1979 địch đã củng cố lực lượng, dùng lực lượng dân chạy theo chúng hay bị thúc ép phải theo, vượt biên giới mang vác vũ khí chuyển vào trong nội địa. Quan sát theo dõi thì thấy nhận định của ta là chính xác, dọc theo các con suối vẫn còn dấu vết của chúng để lại, cơm chúng vứt lại có chỗ chỉ vừa lên mốc xanh (khoảng một tuần), đội hình rất đông vì đường chúng đi mòn nhẵn, có cả dấu chân voi, ngựa đi thồ hàng, càng lên sát biên giới mức độ càng rõ hơn.

Thấy tình hình có vẻ không ổn, bộ phận trinh sát (khoảng hơn hai mươi người) điện xin ý kiến của SCH e95. Trinh sát nhận được lệnh: đội hình bộ binh không bám theo đường 69 nữa, chuyển hướng nhập cùng bộ phận trinh sát về hướng biên giới… đêm thứ ba của cuộc truy quét, hai cánh nhập lại và dừng chân trên con đường mòn chaỵ từ biên giới về, khu vực này chúng đi rất nhiều, đường mòn ngang dọc, có cả những nơi chúng bỏ lại các loại đạn, mìn. Đội hình bộ binh ở lại phục kích, và trinh sát vẫn đi dọc theo biên để theo dõi tình hình.

Ngày thứ năm của đợt truy quét, mũi trinh sát phát hiện có địch tại một Phum nhỏ gần với nông trường Anlongveng (Phum Kouk), dấu chân chúng rất mới, nước đọng lại trên dấu chân đó vẫn còn đục, linh tính cho biết rằng lực lượng chúng ở đây cũng khá đông. Sau khi thống nhất với anh Bửu b trưởng trinh sát e95, chúng tôi lui đội hình về sau khoảng vài kilômét, nơi không có dấu vết chúng qua lại, và báo cáo tình hình về SCH e95. Lúc này bộ phận trinh sát cách đội hình d1 gần 20 km (tức gần một ngày hành quân), chúng tôi triển khai đội hình ẩn vào các khu rừng sâu, giữ bí mật và chờ ý kiến ở nhà.

Đêm đó sau ca gác đầu (khoảng chín giờ) những ánh đèn pin quét sáng loáng qua lại cách ta chỉ chừng 300 m, tiếng dấu chân qua lại rất rõ, những tiếng động, âm thanh lộn xộn đang bao quanh, ánh đèn pin càng lúc càng nhiều, chứng tỏ rằng khu vực này chúng rất chủ quan.