Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 13 - 14 - 15 - 16

HÀNH TRÌNH TRUY QUÉT. (2)

Một đêm mất ngủ, hồi hộp, và lo âu, với nhiều tình huống được nêu ra. Hầu hết anh em phải ngồi, vì tình hình này đâu cho phép căng tăng móc võng để ngủ. Mệt mỏi và có vẻ cũng đã đuối sức, vài anh em lính mới chưa quen chịu đựng cũng ngủ được ngon lành.

Trùm tấm nilon phủ thân người, ngồi trên một phiến đá dưới một cây bằng lăng, nước từ trên núi vẫn chảy dưới chân, tôi không tài nào nhắm mắt được, tâm trí nghĩ miên man…

Tình huống ngày mai sẽ ra sao… trằn trọc mãi… có cả cảm giác sợ hãi len lỏi vào trong suy nghĩ… gần hai mươi con người đâu phải là ít, cũng ngần ấy gia đình… tất cả hãy còn quá trẻ… mới ngày nào hãy còn vòi vĩnh tiền mẹ dẫn bạn gái cùng lớp đi ăn chè, thấy con gái tim đập loạn xạ, không dám nhìn thẳng mặt, con gái hỏi ú ớ nói không ra tiếng… lắm cậu cho đến khi vào trường huấn luyện, còn là cái “đuôi ảo” của một bóng hồng nào đó. Viết thư về nhà, phải nhờ những lão tướng kinh nghiệm chỉ vẽ, lắm lúc dở khóc dở cười cho những câu văn ngớ ngẩn và ngây ngô… giờ đây vẫn bình thản ngủ ngon lành như không có gì xảy ra, giữa trời mưa to nước đổ, nơi vùng rừng sâu heo hút của vùng cực bắc Campuchia.

Nỗi nhớ quê nhà… nhớ những đêm trời mưa, giông bão, lênh đênh trên biển. Sáng sớm, từ trong bến nhìn ra, thấy những chiếc thúng câu thấp thoáng từ xa, bằng linh tính của người mẹ, biết con mình về đến bến an toàn… nhìn con trai vật lộn với sóng gió, biển cả thâu đêm… cặp mắt sâu không ngủ của mẹ,… Đêm nay giữa rừng khuya giá lạnh, bên sự sống và sự chết chỉ là làn ranh nhỏ… lần đầu tiên, con thấu hiểu chiều sâu nội tâm của đôi mắt mẹ ngày xưa.

Đêm mưa ở Đắc Đoa “ta và người” trong căn nhà xe vắng lặng, bàn tay nắm truyền hơi ấm cho nhau trên cán dù… mưa rả rích… những cơn mưa vô tình thấu hiểu lòng người… đi tìm hơi thở khát khao và cảm nhận vòng tay của tuổi thanh xuân…

“… Một buổi chiều sau Tết Nguyên Đán…

Hết giờ trực, mấy chị em trong lớp cùng ngồi với nhau trước dãy nhà tập thể của Viện, thưởng thức những miếng mứt còn lại sau Tết. Từ xa, trên khoảnh sân rộng của Viện 17, em nhìn thấy anh Dương tay quấn băng trắng toát choàng qua cổ, cùng với hai người phụ nữ khác, tay xách nách mang đi về phía chúng em. Linh tính báo có một điều gì đó sắp xảy ra, em chạy vào trong phòng chải vội lại mái tóc.

Hai người phụ nữ đó… chính là mẹ anh Dương và người kia là mẹ của anh…

Anh Dương giới thiệu… em đứng như trời trồng trước mọi người. Anh biết không? Mặt em đỏ thẹn, tim em đập nhanh như chạy đua với thời gian, hơi thở em đứt quãng, ước gì em có phép độn thổ, em độn thổ ngay lúc ấy. Mất bình tĩnh và run, em quên cả việc đáp lễ chào lại. Khi thấy các bạn nhìn sang em, nghe tiếng các bạn chào “hai bác” em mới sực nhớ, và lí nhí trong miệng chào theo. Suốt cả buổi, tay chân em lóng ngóng không làm gì được cả, ngay cả xếp đặt mấy cái ghế mời khách ngồi cũng không xong, các bạn em phải giúp.

Nhìn hai người mẹ …

Một người mẹ có con ngồi bên cạnh, tay quấn băng, và cũng một người mẹ… không có con ngồi bên cạnh mình. Đứa con của mẹ vẫn còn đang ở một nơi xa lắm, giữa một chiến trường khắc nghiệt và đầy gian khổ, lành ít dữ nhiều… nghĩ tới điều này em rùng mình. Bất chợt, một điều gì đó đang dâng trào trong lòng em, muốn trào ra khỏi lồng ngực em, nước mắt em chực muốn tuôn … sao em thấy thương mẹ vô cùng.

Hai người mẹ dù tính cách có khác nhau, nhưng cùng giống nhau một điều: Tình mẫu tử thiêng liêng. Chỉ một bức điện ngắn về nhà, lặn lội gần 300 km chỉ để nhìn được con, để biết một chút về tin của con mình.

Đêm đó, mẹ ở lại với chúng em. Thấy đi đường xa, tuổi cao, em thúc giục mãi để mẹ đi ngủ sớm, nhưng vẫn không chịu. Mẹ hỏi thăm mọi điều về anh, kể lại những câu chuyện về thời niên thiếu của anh, chuyện ở quê nhà, cho đến khi Viện đổi ca trực thứ hai lúc gần ba giờ sáng.

Khi đưa hai bà mẹ lên xe về quê, cảm giác hụt hẫng tràn ngập tâm hồn em. Nước mắt em không cầm được nữa, lăn dài từng hàng trên má.

Gương mặt nhăn nheo, khắc khổ, nhân hậu. Dáng đi không còn thẳng, hấp tấp và vội vã. Tấm thân gầy, trên vai trĩu nặng những gánh muối lên vùng cao để bán, để đưa con tới ngôi trường danh giá nhất của tỉnh Bình Định (lời mẹ anh Dương kể). Cũng chính người mẹ ấy, truyền lại cho con từ trong máu thịt mình sự rắn rỏi, cứng cáp của người dân vùng biển, trước những bão táp phong ba của cuộc đời.

Trong tâm thức em, mãi mãi còn lưu lại hình ảnh: Khi mẹ anh vẫy tay tạm biệt em nơi bến xe, với đôi mắt đỏ hoe, đượm buồn, ẩn chứa nhũng điều mà em chưa biết...”

Một con sóc bay bất chợt đáp vào gốc cây bằng lăng, chạy nhanh lên ngọn cây. Tôi giật mình trở về với hoàn cảnh thực tại.

Thực tại là ngày mai… là nhóm địch kia… là một trận đánh.

HÀNH TRÌNH TRUY QUÉT. (3)

(Từ địa bàn giáp Siemreap đến thượng nguồn suối hai mùa Stoeng Sreng).

Gần sáng, tôi gọi sáu anh em lính cũ lại, những con người dù còn rất trẻ như tôi, cũng đã dạn dày chiến trường qua một chặng đường chiến dịch, để nêu ra những tình huống xấu nhất, buộc phải nổ súng đơn độc, không có sự chi viện của lực lượng bộ binh, động viên tinh thần anh em vững vàng trước thử thách khó khăn, vì đối với anh em lính mới bổ sung vào đơn vị, đây là lần thứ hai nổ súng đánh địch, sức mạnh và tinh thần của họ dựa vào những lính cũ.

Tan sương sớm, khi đã rõ mặt người, thấy bọn địch ngủ chưa dậy, chỉ vài tên lính gác hay là chúng thức dậy sớm, đi lòng vòng nhà kho chỗ hai con voi, sửa sang lại cái gì trên lưng voi.

Thời cơ nổ súng chăng?... Anh em lính cũ cũng đoán được suy nghĩ boăn khoăn của tôi, họ chỉ tay vào địch và ý muốn nổ súng. Cân nhắc và đánh giá tình huống, thấy chưa phải là tình huống bắt buộc và thuận lợi để nổ súng, (vì nhiều anh em không đọc bức điện của e95), tôi làm hiệu cứ bình tĩnh chờ đợi.

Chúng loay hoay nấu cơm ở đầu nhà kho, cũng có thằng đi múc nước, kiếm củi, nhóm lửa. Một số khác lom khom trong kho không hiểu làm gì, chỉ nghe tiếng chúng gõ ở phía trong. Lực lượng chúng đang tháo dỡ cái gì đó mang ra chỗ con voi và đặt ở đó.

Chúng dùng thịt hộp… xèo… xèo… khói bốc lên…

Chúng ăn cơm, chia thành ba nhóm, chính xác đếm được mười bảy thằng (có hai thằng khi chết nhìn mặt khoảng mười ba – mười bốn tuổi), chúng đựng cơm trong một khay và ăn bốc truyền thống, có thằng đứng, có thằng ngồi, có thằng vừa ăn vừa đi nhìn trời… Tất cả đều không mang súng bên cạnh.

Anh Hoàng hai lần nhìn sang tôi và chờ đợi… men theo tảng đá, tôi lại vị trí anh Hoàng làm hiệu tấn công, truyền khẩu lệnh tấn công theo phương án:

Khi tôi và anh Hoàng bắn hai trái B40 đầu tiên (đội hình chỉ có hai khẩu B40, mỗi khẩu có bốn trái đạn), đội hình bên trái (A. Hoàng) sẽ bắn yểm trợ, đội hình bên phải nhanh chóng chớp thời cơ xông lên, vừa cơ động vừa bắn vào đội hình địch với một thời gian nhanh, không cho chúng kịp trở tay (đây là lối đánh truyền thống của trinh sát).

Nhìn liếc qua thấy tôi đặt khẩu B40 lên vai, và thuận lợi về hướng bắn nên anh Hoàng bắn trước tôi vài giây, tôi nhắm mục tiêu và bóp cò… hai quả nổ ngay giữa đội hình địch, tôi đưa lại khẩu B40 cho một anh chiến sĩ, chụp nhanh khẩu AK và phát lệnh xung phong, dưới sự chi viện tối đa phía trái của anh Hoàng, bảy anh em lợi dụng địa hình và nhanh chóng áp sát địch… phía trái anh Hoàng nã tiếp một trái B40 nữa, khi thấy cánh phải chỉ còn cách địch 10 m. Địch không kịp phản ứng, không có loạt đạn nào bắn trả.

Toàn bộ đội hình ta xông lên chiếm trận địa, nhanh chóng “dọn sạch” chiến trường, ta thu được mười súng và diệt mười bốn tên (không biết ba thằng nữa nó chạy hướng nào mà nhanh thế!). Đang loay hoay thu súng và kiểm tra xác địch… một ánh chớp lóe lên… kèm theo một tiếng nổ… tưởng là địch đánh tập hậu anh em chỉ kịp nằm xuống… ánh chớp và tiếng nổ thứ hai… lúc này anh em mới phát hiện là từ trong kho… biết là kho đạn bị kích nổ… kho bắt đầu bốc cháy… anh em nhanh chóng chạy thoát ra ngoài rừng (vẫn bị thương nhẹ hai người).

Có lẽ do tiếng nổ lớn và liên tục nên d1 điện hỏi, nhưng vì thời tiết xấu, máy liên lạc không tốt, phải mất cả giờ d1 mới nhận được thông tin đầy đủ về tình hình. Lúc này chúng tôi còn cách đội hình của c2 chừng 4 km, và phải gần hai giờ sau hai cánh quân mới gặp nhau. (Nghe súng nổ, anh em c2 tưởng chúng tôi bị chặn đánh, vận động khẩn trương bất chấp địa hình. Khi gặp nhau, nhìn lại quần áo anh em bị rách tả tơi do vướng mắc vào các vật cản. Mặt mày anh nào cũng đầy bùn đất, do mưa trượt chân ngã khi leo đồi.)

Đội hình được lệnh quay về Anlongveng. Khoảng bảy giờ tối chúng tôi mới tiếp cận đường chính vào nông trường, anh em trinh sát d1 phải dùng ánh đèn pin để làm hiệu, và chúng tôi đáp lại bằng tiếng kêu như con tắc kè.

P/ S: Sau nhiều tháng không tác chiến, trận đánh của d1 e95 được báo cáo thành tích tại Đại hội thi đua quyết thắng Sư đoàn 307 lần thứ nhất (cuối năm 1979). Trận đánh tiêu diệt địch của trinh sát Sư đoàn, cũng được báo cáo tại Đại hội, được coi là trận đánh mang tính điển hình cho các đơn vị trinh sát trong toàn Sư đoàn,. Sau năm 1979, địch dùng chiến tranh du kích quấy phá ta, nên nhiều khi Trinh sát cũng phải tác chiến độc lập ở cấp B, nhất là khi đánh vào các toán nhỏ lẻ của chúng dọc theo biên giới Thái Lan.

HÀNH TRÌNH TRUY QUÉT (4)

Nghỉ ngơi được vài ngày, trang bị thêm cơ số đạn, lương khô cho bộ phận trinh sát (không còn 701 và 702 mà là 781 của Việt Nam, giống như bột gạo lứt Bích Chi ép cứng) gạo và thực phẩm cho anh em bộ binh. Chúng tôi lại lên đường.

Bộ phận trinh sát f vẫn đi độc lập, d1 sử dụng c1 và c3 tiến hành truy quét cách biên giới 5 – 10 km theo hướng về chùa Preah Vihear. Khối d bộ và c2 ở lại Anlongveng. (Khi về đến f bộ, chúng tôi mới biết là e29 đưa lực lượng lên thay cho d1 e95, có nhiệm vụ tiếp tục truy quét và chốt giữ khu vực này. D1 e95 quay về Kamtuot, chuyển đội hình về lại chùa Preah Vihear, để bố trí lại đội hình phòng thủ, vì tình hình không ổn khi anh em e20 CANDVT chốt giữ khu vực này).

Từ Anlongveng chúng tôi cắt thẳng về hướng bắc – đông bắc dọc theo biên giới (khu vực cửa khẩu 547 sau này). Qua một ngày hành quân chúng tôi thấy khu vực này địch đi thường xuyên, có những nơi thành đường mòn nhẵn, bề ngang có nơi cả mét chứng tỏ lực lượng chúng khá đông. SCH e95 lệnh cho chúng tôi triển khai bám theo các con đường mòn về hướng biên giới. Phục kích cả ngày chúng tôi không phát hiện gì, có lẽ bị ta chặn đánh hai trận, thương vong nhiều và mất kho vũ khí nên có thể chúng chững lại, không vào sâu trong nội địa nữa.

Ngày thứ ba, khi gần tiếp cận với khu vực 547, trinh sát phát hiện địch tại một Phum nhỏ. (Phum này không có trên bản đồ. Nhà lợp bằng tranh, không có vườn cây ăn trái. Xung quanh có những nương nhỏ trồng mía, chuối, đậu xanh). Do lực lượng mỏng và địa hình Phum trải rộng không theo chiều nào nên rất khó quan sát. Chia nhỏ lực lượng thì không ổn, lỡ có gì bất trắc không xử lí được. Điện hỏi SCH e95 thì được biết đội hình truy quét của c1 và c3 cách chúng tôi trên 20 km (hơn cả ngày đường). Yêu cầu của trên là trinh sát phải nắm chắc lực lượng, cách bố trí và chúng đang làm gì? Không còn cách nào khác, chúng tôi tổ chức bám địch theo từng khu vực. Chúng có khoảng bốn mươi – năm mươi tên, chia thành bốn nhóm nhỏ trong toàn bộ khu vực, nhiệm vụ của chúng là tất cả đang đào hầm, từng nhóm có lính cảnh giới phía ngoài chừng vài chục mét. SCH e95 quyết định điều c1 về khu vực tác chiến (có d phó d1 theo mũi này).

Một chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Sau khi ăn bữa trưa xong, có hai chiến sĩ bỗng lên cơn sốt. Mặt mày đỏ bừng, người lạnh run như cầy sấy, hai môi đánh lập cập từng cơn. Đây là chuyện bình thường, nhưng nói thật lúc ấy tôi cũng bối rối không biết xử lí ra sao, trước giờ đi trong đội hình lớn có quân y sĩ và y tá họ lo, đâu có ngờ tới cảnh này. Để lại bốn anh chăm sóc, chúng tôi vẫn phải tiếp tục bám địch. Trước khi đi tôi cho anh em uống thuốc phòng ba (bọc nhựa tám viên màu nâu của Trung Quốc) và chích cho mỗi người một mũi Quynin Dihidro Sulfate 50 % (theo chỉ dẫn của quân y).

Xế chiều, lợi dụng trời đổ mưa to, tên lính gác chạy sâu vào trong trú mưa, ta bám sâu vào khu vực địch. Một nhóm địch đang nổi lửa, nhưng không biết chúng làm gì, quan sát kĩ không thấy hiện tượng gì khả nghi, ta rút ra ngoài hơn 200 m nghỉ đêm.

Một đêm anh em mất ngủ. Căng hai tấm tăng che mưa, móc võng cho hai chiến sĩ bị sốt, còn hầu hết anh em ngủ ngồi, thay phiên nhau canh giữ bệnh. Ban đêm tình hình cũng không thuyên giảm, hơi nóng từ trong người tỏa ra, ngồi bên cạnh có thể cảm nhận được. Anh em vẫn sốt li bì và mê man. Sợ nhất là anh em lên cơn mê sảng, la lối bị địch phát hiện hoặc rớt xuống võng (lính gọi là giật kinh phong). May sao gần sáng, có vẻ thuốc đã có tác dụng anh em tỉnh dậy và đòi nước. Lợi dụng buổi sáng trời nhiều sương mù, tranh thủ đun sôi nước pha sữa. Mỗi người cũng cố gắng uống được hai ca “loonl trâu.” Mọi việc gần như ổn khi trời sáng hẳn.

Ta tiếp cận khu vực sớm, không phát hiện tên địch nào trong khu vực, vẫn giữ khoảng cách 50 – 70 m và quan sát, không vào sâu thêm.

Khoảng tám giờ, chúng xuất hiện khoảng vài chục tên, vác trên vai cuốc và xẻng, không thấy chúng mang súng. Cũng có một tên địch mang khẩu AK ra phía ngoài vài chục mét, leo lên một cành cây bằng lăng ổi ngồi cảnh giới. Chúng tiếp tục đào, từ dười hố chúng vãi đất lên bờ thấy rõ. Biết được vị trí chúng cảnh giới, ta để lại năm anh em tiếp tục quan sát, còn lại chuyển qua hướng khác để tiếp cận địch.

Phía trong Phum cách vị trí chúng đào hầm vài chục mét có một toán địch đang gõ gì đó nghe leng beng. Lát sau thấy chúng khiêng ra những thùng gỗ, ống đạn DKZ… bỏ ở phía ngoài.

Buổi chiều, khoảng ba, bốn giờ chúng mang vác các thùng gỗ ra hố chúng đào và đưa xuống hố. Nhưng do trời mưa to chúng dùng tấm nilon xanh phủ lại và rút vào trong (hôm nay thằng lính gác mặt non choẹt, nhỏ con không chạy vào trong cho các bố nó nhờ). Bước đầu ta phán đoán địch đào hầm để chôn vũ khí và báo cáo về nhà. (Lúc này C1 cách chúng tôi chừng 5 km, và cả hai lực lượng cùng lấy dòng suối để bắt liên lạc). Anh em c1 cũng cố gắng tăng tốc hành quân và trinh sát cũng nhanh chóng đi dọc theo bờ suối để gặp nhau. Khi trời gần tối hai bộ phận mới gặp nhau, cách vị trí chúng gần 2 km. Không kịp để triển khai lực lượng, đành phải dừng quân lại nghỉ, riêng bộ phận trinh sát vẫn bám địch không rời vị trí. Thượng úy Thìn d phó d1 cùng anh em trinh sát 95 men theo bờ suối tiếp cận với khu vực.

Đêm đó, anh Thìn lên phương án tác chiến căn cứ vào báo cáo của trinh sát. Tờ mờ sáng bộ phận c1 đã nằm phía sau đội hình trinh sát, chờ phân công vị trí. Để cơ động nhanh, ta không biên chế hỏa lực mạnh đi cùng. Toàn đội hình có ba khẩu B41, c1 có bốn khẩu B40 cùng với hai khẩu của trinh sát, hai khẩu RPD và còn lại là AK. Lực lượng ta khoảng gần một trăm anh em.

Phương án tác chiến như sau:

+ C1 đánh chính diện bao gồm ba mũi (mỗi b là một mũi). Mỗi mũi có hai trinh sát f dẫn lót đội hình.

+ Bộ phận trinh sát f còn lại (hơn mười người) nhanh chóng vòng phía sau, chốt chặn đường rút của chúng về phía bên kia biên giới Thái Lan.

Nhận lệnh xong, anh Giang c phó c1 cùng các anh em trinh sát f rút ra ngoài, vòng phía sau lưng chúng. Phía sau là một bãi tráng toàn là cỏ tranh và một khu ngập nước, có một con đường mòn lớn chạy về hướng biên giới cách đó chừng 2 km. Do địa hình khó bố trí nên anh Giang chỉ bố trí dọc theo con đường (có một quả mìn Claymore), vì bên kia là bãi tranh, trống trải dễ bị phát hiện.

Anh em vào vị trí và chờ lệnh nổ súng.

DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ TRẬN ĐÁNH.

Dẫn anh em b1 vòng qua con suối nhỏ và bố trí cách đội hình địch khoảng gần 100 m, tôi và anh Đỗ Phu (b trưởng b1, lính 1977 quê Duy Nghĩa, Duy Xuyên - Quảng Nam) bám sát vào sâu hơn 20 m xem tình hình địch (mũi này có CTV c1 Nguyễn Tiến Chăn quê Lập Thạch, Vĩnh Phú chỉ huy). Quan sát thấy địch ra vào khu vực bình thường, không có gì nghi là bị lộ, tôi và anh Phu bàn với anh Chăn cho anh em vào sâu hơn nữa. Men theo các bìa đá và các hỏm suối sâu, anh em b1 tiếp cận địch một cự li khá lí tưởng.

Một tình huống nằm ngoài phương án xảy ra. (Đoạn này khi kết thúc trận đánh, nghe anh em b3 kể lại). Khi b3 (mũi chính diện) lót xong đội hình, một chiến sĩ bị chột bụng và anh ta lui về sau khoảng 20 m để giải quyết tình huống. Đang “làm phận sự” thì anh phát hiện phía sau khoảng mười tên địch đang đi về hướng ta và có khả năng vào vị trí b3. Anh ta kịp thời quay về, và run rẩy báo cáo với anh Diệc CTV phó c1. Khi đội hình b3 được thông báo đầy đủ thì địch chỉ còn cách ta vài chục mét. Không thể chậm trễ d phó d1 phát lệnh nổ súng tiêu diệt nhóm địch này và làm hiệu lệnh tấn công cho toàn toàn trận địa. Anh Diệc chỉ huy nhóm anh em bắn vào trong, và lực lượng còn lại của b3 đánh bọn từ phía sau.

Nghe súng nổ từ hai phía cánh b3, anh Chăn phán đoán là b3 bị địch tấn công từ phía sau. Anh đốc thúc anh em nhanh chóng vừa bắn mạnh vừa cơ động nhanh chiếm trận địa, để chia lửa với b3. Những quả B liên tiếp nã vào trận địa địch. Do tiếp cận địch quá gần, chỉ qua vài loạt đạn không có phản ứng của địch anh em b1 đã bám sát vào sau các ngôi nhà của địch... Nhóm địch đầu tiên đang ngồi gò lại mấy miếng tôn (tôi và anh Phu phát hiện lúc nãy), đã bị loạt đạn B đầu tiên tiêu diệt, một căn nhà phát hỏa cháy. Thấy có hai Pốt bị thương (chỉ một thằng có súng) anh Chăn bắn đuổi phía sau uy hiếp tinh thần chúng và dự định bắt sống, nhưng hai tên này cũng bị hướng b2 phát hiện và anh em b2 kết liễu đời chúng bằng loạt RPD (Anh Khoa lùn, lính 1978 quê Hòa Xuân, Tuy Hòa - Phú Yên là xạ thủ).

Khó khăn lúc này là b3, do không đủ lực lượng uy hiếp địch ngay từ loạt đạn đầu, b3 bị địch phản lại bằng các loạt AK và cả AT, lực lượng địch nơi đây cũng vài chục tên (cân bằng với hướng b3) mức độ chúng phản công cũng dữ dội.

Có lẽ biết hướng b3 bị khó khăn, cả hai cánh đều tấn công mạnh với sự cơ động nhanh, nhằm giải tỏa cho hướng chính diện. vòng qua phía phải, tôi thấy anh Diệc nấp sau một cây gõ to đùng chỉ tay vào trong phất mạnh, (vì anh đang giữ một liệt sĩ và băng cho hai thương binh) tôi cùng bốn anh em nữa chọc thẳng vào hướng trước mặt, những tên địch cuối cùng vừa rút vừa bắn loạn xạ về phía sau.

Từ xa tôi phát hiện một trinh sát f (hướng b2) băng ngang qua cái hố to và biết là hai cánh đã khép, b2 đang truy kích địch rút chạy về phía sau.

Bỗng một tiếng nổ to từ phía sau, những loạt đạn AK dài bắn liên hồi, có những tiếng bắn phản lại nhưng ít.

Bên trong khu vực của địch ta đã làm chủ, d phó d1 lệnh cho các hướng rút ra ngoài, phòng ngừa nổ kho đạn của chúng. Một bộ phận nhỏ lực lượng của ta thận trong tiếp cận vào trận địa, thu dọn chiến trường

Địch trên các hướng bị ta tiêu diệt:

B3: năm (có ba súng); b1 chín (bốn súng); b2: hai (ba súng); đón lỏng: ba (không súng). Phía sau ta diệt tám tên (tám súng, có một B41). Tất cả hai mươi bảy tên và mười tám súng.

Qua quan sát thì đây cũng là một khu vực trung chuyển vũ khí của địch. Bị ta đánh ở mấy trận trước nên chúng có ý định chôn các loại vũ khí được bọc ngoài bằng kim loại xuống đất như thùng B40, nhiều nhất là ống đạn DKZ.

Do không có lực lượng vận chuyển số vũ khí này, ta dùng bộc phá để phá hủy.

Ta hi sinh hai bị thương năm (có một liệt sĩ là chiến sĩ mới về đơn vị, khi cố gắng vượt qua khu hào của địch đào để chôn vũ khí, anh bị trượt chân do đất ướt trời mưa, ngã lăn trên đống đất cao, bị địch phát hiện ở cự li gần).

Phá xong kho đạn của địch, đội hình rút ra đường 69 nghỉ đêm. Ngày hôm sau di chuyển về hướng Kamtuot. Mưa như trút nước cả ngày, các dòng suối nước đổ về cuồn cuộn đỏ, khi đưa hai liệt sĩ và thương binh vượt qua những dòng suối, phải đưa qua khỏi đầu tránh cho anh em bị ướt.

Khi về đến Kamtuot, trong bản tin mười tám giờ của Đài TNVN: báo tin buồn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng qua đời.

P/ S: Dù vẫn được khen là tiêu diệt được địch, thu nhiều súng và phá hủy kho tàng của chúng. Cấp trên vẫn đánh giá là c1 tác chiến hiệu suất chưa cao (căn cứ vào thời cơ ta có trong tay, lực lượng ta gấp đôi chúng) còn để địch chạy thoát nhiều (hai mươi – ba mươi tên).

Trinh sát chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, (quan sát và bám địch phía sau chưa chắc chắn) tạo khoảng trống cho địch chạy thoát. Do địa bàn địch ở rộng, lực lượng ta mỏng, phía sau trống. Khi vào khu vực này địch bên kia biên giới có thể phát hiện ta, nên anh em trinh sát không thể làm khác được. E95 có đề nghị tặng Huân chương chiến công cho bộ phận trinh sát trong đợt truy quét. Nhưng hầu như không được chấp thuận.