Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 17 - 18 - 19 - 20

PREAH VIHEAR NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 1979.

Đầu mùa khô 1979 - 1980, có sự thay đổi về bố trí lực lượng trên khu vực của sư đoàn đảm nhận. Tiểu đoàn một e95 đang truy quét thì nhận được lệnh quay về. Sau những trận đánh bất ngờ, bị tổn thất người và vũ khí khá nặng. Địch có vẻ chựng lại, không còn vận chuyển vũ khí qua biên giới. Thay thế vào nhiệm vụ của d1 e95 là d9 e29 từ phía sau lên. Bộ phận trinh sát f cũng có sự thay đổi, thay thế B2 chúng tôi là B3, do Chính trị viên phó mới từ trinh sát quân khu về phụ trách. Đợt truy quét sau còn có một bộ phận của d32 trinh sát Quân khu 5 và của Bộ tham gia. (Có những trận đánh của e29 và của lực lượng trinh sát hỗn hợp. Phải chờ anh em e29 nào tham gia diễn đàn mới biết được).

Khi về đến đơn vị trong f bộ f 307 (giao lộ giữa đường 69 và 120). Đơn vị cũng không còn ai, tất cả đã đi công tác phối thuộc cùng các trung đoàn, chỉ còn một vài anh em tân binh bị sốt nằm lại phẩu f. Thấy đơn vị có người, hơn nữa nằm lâu ở phẩu cũng chán, anh em tranh thủ giờ nghỉ trưa, và sau giờ cơm chiều tạt ngang qua đơn vị trò chuyện.

Nghỉ ngơi được vài ngày, tôi cùng anh em trong trung đội được BTM f cử đi phối thuộc cùng e94, chuẩn bị địa bàn cho việc di chuyển f bộ về khu vực Cầu Cháy, (nơi chúng tôi đã đánh một trận căng thẳng với một lực lượng của Pốt trước khi tiến về Choamkhsan trên đường của chiến dịch), nơi sẽ diễn ra Đại hội thi đua quyết thắng của sư đoàn. Nhưng sau này, do tình hình không thuận lợi. Đại hội phải dời về Kulen.

Từ khu vực Choamkhsan về Kulen qua Rovieng và núi Hồng địch đã bắt đầu hoạt động quấy phá ta vào cuối mùa mưa năm 1979. Trên đường dự đại hội, một xe của e95 đã bị địch tấn công, thương vong một số cán bộ chiến sĩ, trong đó có d trưởng d1 e95 Thủ trưởng Vệ (người chỉ huy cuộc truy quét Anlongveng đầu tiên) cùng anh Ứng c trưởng c2 d1 mới bổ nhiệm.

Cùng với e94 chuẩn bị địa bàn với những trận đánh nhỏ lẻ, địch bắt đầu trà trộn vào dân và chờ thời cơ tấn công ta. Căn cứ núi Hồng là nơi tập trung của nhiều đơn vị địch mà chúng ta đã đánh tan rã, nhưng vào thời điểm đó ta không đủ lực lượng để giải quyết. Sư đoàn phải đảm đương một địa bàn khá rộng, mùa mưa đi lại khó khăn. Hơn nữa nhiệm vụ chủ yếu lúc này là lo ổn định địa bàn trong dân, ổn định cuộc sống cho họ.

Mục tiêu quan trọng của sư đoàn (chùa Preah Vihear) có hiện tượng địch xuất hiện trên diện rộng. Anh em e20 CANDVT vốn không phải là những đơn vị có sở trường giải quyết những tình huống phức tạp xảy ra của chiến trường lúc đó.

Trước tình hình phức tạp như trên, f307 cần bố trí lại lực lượng phòng thủ cũng như tấn công địch, d1 e95 tiếp tục trấn giữ chùa Preah Vihear. Xa xa về phía đông là căn cứ núi Cụt, cao điểm 428 do d2 e95 đảm nhận, mùa mưa 1980 anh em d2 e95 phải vất vả mới giữ vững được đoạn biên giới này.

Thời gian này, bộ phận trinh sát phối thuộc cùng e95 cũng phân tán lực lượng, kết hợp cùng với các lực lượng tuần tra dọc tuyến biên giới, phát hiện nhiều căn cứ của địch trên đất Thái. Đã có nhiều ý kiến từ cơ sở xin đánh các cứ điểm này, nhưng vì các căn cứ này nằm trong đất Thái Lan, nên cấp trên không đồng ý (có lẽ do yếu tố ngoại giao giữa hai nước). Cấp trên chỉ yêu cầu bộ phận trinh sát xác định các vị trí của địch, tuyệt đối không được nổ súng khi chưa có lệnh của trên. Trên toàn tuyến biên giới của e95 đảm nhận, ta xác định có tất cả mười tám cứ điểm của địch. Có những vị trí chỉ cách ta chưa đầy 2 km (phía bên kia đồi 300 của c11 d3 e95).

Từ những cứ điểm này, bắt đầu từ tháng 7/ 1980 địch bắt đầu có những hành động vượt biên giới đánh ta.

Quanh đi quẩn lại với những nhiệm vụ trinh sát, nắm địch, củng cố địa bàn. Những ngày cuối cùng cùa năm 1979 lần lượt qua đi. Một mùa xuân nữa lại về. Những người lính trải qua cái tết thứ hai trên đất nước Chùa Tháp. Mùa xuân… mùa khô… Mùa của những tiếng ve kêu theo ca đúng giờ. Mùa của lá giang và cây ngót rừng đâm chồi non (một phần tất yếu của bữa cơm bộ đội hàng ngày). Mùa của hoa lộc vừng nở đỏ trời miền cực bắc.

MÙA XUÂN NĂM CANH THÂN 1980.

Trong cùng một đơn vị, có người là năm thứ ba ăn Tết cổ truyền trên đất bạn, có người là năm thứ hai như thế hệ lính 1978, và có người là lần đầu (năm 1979 nhận hai đợt quân, hầu hết là dân khu 5 như Quảng Ngãi, Ninh Hòa, Cam Ranh (Phú Khánh) Thuận Hải).

Trên đất bạn miền nhiệt đới chỉ có hai mùa, thì Tết của ta rơi vào mùa khô. Ai đã từng sống chắc hẳn hiểu cái khắc nghiệt của mùa khô vùng cực bắc Campuchia như thế nào. Rừng khộp trơ trọi lá, những đám cháy rừng từ tỉnh này kéo qua tỉnh khác, dưới chân rừng khộp loại cỏ tre cháy trụi, trơ lại gốc. Chỉ còn lại mầm xanh của cây lá giang và ngót rừng nơi những ụ mối ven đường. Ban đêm những cơn gió từ đất Thái thổi về lạnh buốt xương. Đàn ve rừng của xứ sở này cũng lắm cái hay. Chúng kêu thành ca: sáng, trưa, chiều và tối gần như chính xác.

Từ đỉnh đồi phía tây của chùa Preah Vihear phóng tầm mắt ra xa cả phía Cam và Thái là những khoảng trống, chỉ thỉnh thoảng thấy những chùm hoa màu đỏ của các loại hoa rừng, nhiều nhất là hoa lộc vừng. Người đi trong rừng sẽ bị phát hiện, nên mùa khô địch hầu như không hoạt động, do tầm nhìn của chùa Preah Vihear bao quát một khu vực rất rộng.

Trước Tết một tháng, nhân cơ hội sư đoàn đưa xe về đại tu định kì, mỗi tiểu đoàn cử anh Quân nhu về nước mua hàng Tết cho anh em. Mỗi đơn vị lập danh sách và gửi cho người đi mua. Từng cây kim sợi chỉ, cuốn sổ cũng được giải quyết thỏa đáng. (Quân nhu d1 là anh Kim lính 1977 dân Duy Xuyên, Quảng Nam).

Năm đó, khoảng hai mươi lăm tháng Chạp tôi được phân công dẫn một số anh em đi đón đoàn xe từ bên nước sang qua ngả Kongpong Thom. Từ Preah Vihear xuôi đường 12 qua Kulen, Rovieng về Congpong Thom. Khi tới địa bàn giáp ranh hai tỉnh, hai mặt trận 579 và 779 chúng tôi dừng tại một đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh trong một khu rừng cao su để nghỉ trưa. Khi qua ngả ba đường 12 và 6, cách tỉnh lị Congpong Thom mấy chục cây số. Nhìn những cánh đồng lúa đang lên xanh, những đàn cò bay trắng cả cánh đồng rộng bao la, gợi lại trong lòng cảnh thanh bình ở quê nhà, không như Preah Vihear chỉ toàn là quạ đen…

Xe vượt qua chiếc cầu bắc qua sông Xen, quẹo phải chạy dọc theo bờ sông một đoạn và dừng lại dưới những hàng dừa dọc sông, nơi đóng quân của một đơn vị Hậu cần thuộc Quân đoàn 4. Phía bên kia sông là chợ đông đúc kẻ bán người mua.

Vùng Tây bắc ngả Seamreap, Battambang chiến sự chắc vẫn còn đánh nhau, xe cứu thương vẫn còn chạy qua thành phố về hướng phà Xicun để về Phnompenh. Thành phố vẫn còn hoang tàn chưa hồi phục, nhiều con phố vẫn còn trống người qua lại.

Lần đầu tiên tiếp xúc với dân quả là vất vả, cơ bản vẫn là tiếng Quốc tế “Trần – Ra - Hiệu.” (E95 không có một đơn vị nào đóng gần dân, làm công tác dân vận). Nhiều gian hàng ở chợ người bán dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa, Anh và Pháp nên cũng có thể “ba xí ba tú” mua hàng. (Vẫn mua bằng tiền Việt Nam).

Trên đường về, gặp những anh em MT 779 đi tuần dọc đường, từ trên xe chúng tôi cũng ném cho anh em những gói thuốc APSARA và những bịch kẹo. Những chàng trai đất Việt còn trẻ măng, trên gương mặt vẫn còn những nụ cười vô tư. Nơi nào đó của miền Đông Nam Bộ những người mẹ đang ngóng chờ con của mình. Nhìn chung quần áo anh em dưới này có vẻ tươm tất hơn chúng tôi rất nhiều (cũng có thể anh em là lính mới?).

Xế chiều, đoàn xe ghé Kulen để tiếp xăng dầu và nghỉ đêm. Cuối thị xã Kulen là dòng sông Xen. Buổi chiều ra bờ sông, cả bộ đội ta và dân cùng tắm, đa phần là phụ nữ… anh nào cũng canh mánh… nhưng khi họ đứng lên chỉ một động tác xoay vòng thật khéo, tấm xà rông đã che kín không còn thấy gì…

Có một câu chuyện giờ nghĩ lại còn thấy tức cười. Khi ra chợ Kulen thấy có gạo nếp anh em ta định mua về làm cơm rượu. Tưởng chị này biết tiếng Việt, anh Cao tài vụ e95 nói chữ “gạo” chị ta trả lời “Ót miên.” Khi anh Cao chỉ vào thúng gạo thì chị ta mới nói “Việt Nam – Gộ.” Sau này khi đã quen thân (tên chị là Rin) chị mới nói cho biết có một anh bộ đội đoàn 5504 dạy chị nói tiếng Việt, có lẽ anh này là người Quảng Nam hay Quảng Ngãi, nên chị phát âm theo ông thầy của mình, nghe rất dễ thương.

Tết năm đó, có lẽ do tình hình bên nước còn khó khăn nhiều nên tiêu chuẩn Tết cũng rất hạn chế. Anh em nhờ có xe về nước gửi mua thêm nên cũng đón một cái Tết sung túc.

Là những “thầy tu” chính hiệu, hầu như những ngày tết anh em cũng không được đi đâu xa, vẫn chỉ xung quanh các đơn vị trên chùa, rất ít anh em được phép “xuống núi.”

Là đơn vị đi phối thuộc cùng e95, bộ phận trinh sát cũng được ưu tiên nhiều: Thịt trâu của d1, thịt heo của F bộ gửi lên và cả thịt heo của anh em trinh sát e95 biếu. Nên đến nửa tháng sau, chúng tôi vẫn còn thịt ram mặn trong nồi, thỉnh thoảng anh Phận c trưởng c4 d1 mang rượu qua… trao… đổi.

Những ngày tết qua đi nhanh chóng… và mùa mưa năm 1980 lại đến… bắt đầu có những người anh em ngã xuống trên hướng của d2 e95.

Tiếng súng đã nổ trên hướng núi Cụt và những trận đánh giằng co với địch ở đồi củ khoai 428. Trinh sát chúng tôi lại lên đường.

TÌNH HÌNH CHIẾN TRƯỜNG MÙA MƯA 1980.

Khi nhận địa bàn từ anh em e20 CANDVT, đội hình bố trí của e95 có những sự thay đổi như sau (so với trước khi giao lại cho anh em e20).

1. Phía đông chùa Preah Vihear c1 d1 có một chốt tiền tiêu và một đài quan sát ở bình độ 200. (Lực lượng b tăng cường).

2. C11 d3 cũng có một lực lượng chốt giữ cao điểm 300 (lực lượng cũng b tăng cường)

3. Phía tây chùa Preah Vihear có lực lượng c2 d1 đảm nhiệm.

Về tình hình địch:

Sau hơn một năm củng cố lực lượng. Địch bắt đầu tung lực lượng qua biên giới. Trên địa bàn tỉnh Preah Vihear chúng mở các cửa khẩu: Anlongveng qua 547 về núi Cụt, chạy dài đến Phnom Tabeng, đến dãy núi Hồng giáp với địa bàn của MT779 và cả của 479. Trọng điểm là Anlongveng và khu vực cao điểm 428. Thời điểm này, Anlongveng do d9 e29 đảm nhiệm, khu vực 428 do d2 e95 đảm nhiệm. Như vậy đối với e95 chỉ còn lại d3 là lực lượng cơ động, nhưng chủ yếu tập trung bảo vệ hành lang cho Chùa Preah Vihear, cũng như khu vực f bộ 307.

Về tình hình ta:

Suốt mấy tháng mùa khô, địch không hoạt động nên ta cũng án binh bất động, chỉ chăm lo củng cố địa bàn đóng quân như hầm hố chiến hào, hoạt động ngoài biên giới có hạn chế.

Khi mùa mưa đến, cỏ non mọc mơn mởn xanh ngoài rừng, cây đâm chồi xanh tươi trở lại, là lúc chúng hoạt động thích hợp. Ban đầu chúng luồn sâu cài mìn vào các con đường mòn của ta hay sử dụng, gây thương vong cho ta ở những ngày đầu. Khoảng giữa tháng 5 hay 6/ 1980 chúng ta đã bị thương vong do mìn của địch ở hướng d2 e95 (mìn K58 và KP2, chưa có xuất hiện mìn 65 – 2A). Ngày 7/ 9/ 1980 trên hướng d1 e95 liệt sĩ Nguyễn Văn Tư c1 d1 (lính 1977 quê Duy Xuyên – Quảng Nam) là liệt sĩ đầu tiên của năm 1980, trên đường tuần tra từ chốt lên đài quan sát, anh bị vướng mìn KP2 và hi sinh, và cũng con đường này những tháng sau đó trinh sát d1 e95 cũng hi sinh ba 3 và c1 hi sinh hai.

Cũng vào tháng 9/ 1980 trên hướng d2 e95 chúng tăng cường tung quân qua biên giới và đeo bám d2, chúng tập kích vào các đơn vị của ta suốt cả ngày lẫn đêm. Ngày đó, chỉ cần ra khỏi hàng rào của đơn vị, là đã gặp địch hay mìn của chúng. Từ phía bên kia biên giới, chúng nã cối và DK vào các chốt của ta, làm cho d2 bị động không di chuyển được đội hình chi viện lẫn nhau. (c6 c7 chốt hai vị trí, c8 hỏa lực phân tán cho các đơn vị, chỉ còn c5 và d bộ đứng chân dưới các cao điểm). Ngày nào cũng có thương binh tử sĩ từ hướng d2 cáng về phẩu e95, gây những khó khăn về mặt tư tưởng cho bộ đội. Khoảng giữa tháng 10/ 1980 e95 nhận đợt tân binh của tỉnh Nghĩa Bình và Phú Khánh, nhiều anh em tân binh trên đường ra đơn vị, vấp phải mìn hi sinh, càng làm cho tình hình thêm phức tạp. (Thầy Hiệu trưởng trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Đồng Nai hiện nay là tân binh của đợt này).

Trước tình hình ngày càng diễn biến không thuận lợi cho ta. Tham mưu trưởng e95 Đại úy Trần Bá Khánh (người đã chỉ huy d3 đánh chiếm 547 đầu tiên) trực tiếp ra trận địa, cùng với d2 bàn phương án giải quyết tình hình chiến trường. Sau bốn ngày ở ngoài rừng cùng với lực lượng trinh sát hỗn hợp. Quan sát cách đánh của địch. Thủ trưởng đưa ra quyết định: Tăng cường vũ khí hỏa lực cho lực lượng hỗn hợp (bao gồm Ts của f + Ts e95 + c9 d3). Phân thành nhiều nhóm nhỏ trên dưới mười lăm người. Giao nhiệm vụ phục kích chặn đánh từ xa các lực lượng địch, khi chúng vượt qua biên giới (chưa có lệnh đánh qua đất Thái. Tại sao ư? Chuyện vĩ mô…), giảm bớt khó khăn cho d2, và chuyển lực lượng của ta từ thế phòng thủ sang tấn công. Lực lượng trinh sát được trang bị như bộ binh có cả B40 và RPD. Các bộ phận hỗn hợp đều có máy PRC 25 để liên lạc trực tiếp với nhau trong tác chiến. Ban đêm để phía ngoài 1/ 2 lực lượng để giữ địa bàn, hạn chế chúng bò vào gài mìn quanh các đơn vị, các con đường qua lại nội bộ của ta.

Lại phải nằm rừng cơm cục, nước đục… những trận đánh nhỏ lẻ triền miên suốt mùa mưa 1980.

TRẬN ĐÁNH ĐẦU TIÊN Ở KHU VỰC D2 E95.

Khi viết bài này tôi cũng cố gắng để nhớ thời gian xảy ra các sự kiện. Nhưng không thể nhớ nổi, vì các sự kiện các trận đánh liên tiếp xảy ra trong một quảng thời gian ngắn.

Khi chúng tôi về d2, tình hình ở đây khá căng thẳng. Anh em bước ra khỏi đơn vị là bị phục hay vướng phải mìn của địch. Nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Tham mưu trưởng e95, bộ phận hỗn hợp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ lùng sục địch, phục kích, chận đánh địch quanh cứ điểm d2 (trên bản đồ vẽ chữ S nằm ngang). Để đảm bảo sức khỏe cũng như giảm căng thẳng cho anh em. Tuần tự các tổ cứ ba đêm thì ở trong cứ của d2 một đêm còn lại hai đêm ngủ rừng. Trận đầu vẫn để lại cho tôi một ấn tượng…

Khoảng chín giờ sáng hôm đó, tôi phụ trách một tổ gồm mười ba anh em và anh thông tin là mười bốn (trinh sát sáu + bộ binh bảy + thông tin một). Trang bị hai khẩu B, còn lại là AK không dùng trung liên. Quán triệt nhiệm vụ và phân công anh em trinh sát dẫn đường xong là khởi hành ngay.

Chúng tôi cắt rừng về hướng biên giới. Rừng khu này khá rậm, và trũng nên có nhiều bãi lầy nhỏ. Lực lượng chui dưới những khu rừng vừa xanh lá, men theo các tụ thủy và suối. Tuyệt đối không đi theo các bãi tráng vì dễ bị chúng phục đánh.

Khoảng gần một giờ đồng hồ sau, một tình huống đau lòng xảy ra: Một chiến sĩ BB c9 do không tuân thủ theo vết người đi đầu đã đi (vì hướng đi vướng phải một bụi tre, anh vòng sang bên trái bụi tre cho nhanh và vướng một KP2 của địch). Anh hi sinh và làm ba anh em khác bị thương. Nghe mìn nổ và tiếng bắn gọi của chúng tôi (ba phát AK / lượt) anh em d2 vận động ra ứng cứu. Chỉ sơ hở một chút mà mất hết bốn tay súng. Có một điều anh em bộ binh thường hay mắc phải, là thiếu sự kiên nhẫn, vội vàng, nhiều lúc mất cảnh giác mà bị thương vong. Do ảnh hưởng tâm lí nên ngày hôm đó anh em lưu lại d bộ d2. Một không khí nặng nề bao trùm lên đơn vị.

Sáng hôm sau, bổ sung thêm lực lượng chúng tôi lên đường. Ra khỏi hàng rào chừng hơn 100 m trinh sát phát hiện địch cài hai quả mìn KP2, chúng quấn dây mìn cuộn cùng với dây hà thủ ô bò qua đường. Anh em cẩn thận lui ra xa và anh Nhàn khắc phục hai quả mìn. Khắc phục xong mìn và báo cáo về d2, chúng tôi cắt về hướng biên giới. Đến chân bình độ đường lên chốt c7. Bằng linh tính, tôi thấy có một điều gì đó không được bình thường (tôi đi thứ tư trong đội hình). Ra hiệu cho anh em dừng lại ngồi tại chỗ chuẩn bị chiến đấu. Tôi và anh A trưởng của c9 đi sau tôi, cùng phát hiện có tiếng xào xạc dưới chân… dây điện. Nhìn theo hướng dây điện được kéo đi. Tôi ra dấu cho anh em chuẩn bị nổ súng. Chưa kịp triển khai, thì anh trinh sát đi đầu phát hiện địch quá gần và nổ súng. (Sau trận đánh anh em đi trước kể lại là đã phát hiện địch ẩn sau các bãi đá nhỏ dọc theo bình độ và chúng di chuyển đội hình vòng sang bên trái ta, ta phát hiện và nổ súng. Lực lượng và trang bị vũ khí của địch có lẽ cũng như ta).

Thấy ta cũng không mạnh lắm về con người và vũ khí, địch cương quyết chống trả. Lợi dụng sau các bãi đá, địch bắn về phía ta. Lực lượng ta bám theo một tụ thủy nhỏ bắn trả, chúng dồn quân và bắn rất mạnh về phía đầu đội hình ta. Thấy phía trước đội hình đạn nổ căng và anh em đang lui dần về phía sau, và một số chỉ tay về phía trước. Tôi hiểu phía trước đội hình đang có vấn đề.

Tôi không biết rằng ở phía trước, chúng bị tiêu diệt một tên và đang cố tiếp cận với cái xác này, nên chúng bắn rất rát hướng này. Bằng kinh nghiệm thông thường, tôi dẫn theo anh B40 và ba BB nữa, vừa bắn vừa vận động yểm trợ cho anh em phía trước đang lui dần. Do cơ số đạn B40 ít (bốn quả) tôi chỉ cho anh bắn hai quả về phía địch. Khi tiếp cận được với bộ phận đi đầu, tôi hiểu ý đồ của chúng và ra hiệu cho anh em đánh vòng qua hai bên sườn địch. Một chiến sĩ của c9 đang lúc vận động tự nhiên ngã nhoài người xuống đất và lăn tròn (tôi tưởng anh ta trúng đạn)… bất ngờ anh quay ngoắt người lại và bắn mấy loạt đạn về phía trước. Khi lao qua phía anh, anh B40 phát hiện một thằng bị thương đang cố bò đến tảng đá gần đó, không chậm trễ anh dùng tiếp một quả B nữa và tên địch lãnh trọn quả B này.

Địch bắn xối xả mấy loạt đạn nữa rồi rút dần. Cẩn thận cho anh em vừa cảnh giới vừa kiểm tra trận địa. Trong những trường hợp này anh em đã quen với tình huống coi chừng mìn địch gài lại khi rút lui cũng như chúng đánh từ phía sau. Anh em cảnh giới các hướng và chỉ có trinh sát kiểm tra trận địa. Ta diệt hai tên thu một súng (một tên bị ngay loạt đạn đầu của anh trinh sát 95, và tên thứ hai bị B). Ta bị thương hai (Anh trinh sát 95 diệt địch bị thương ở bụng do miểng B40, và một bị đạn AK xuyên qua tay). Do có thương binh nên buộc phải thông báo về d2. Lệnh của d2 là c7 từ trên đồi đưa một lực lượng gần mười người, có nhiệm vụ hỗ trợ anh em rút về. (Thông thường chúng sẽ phục lại ta trên đường rút về.) Được hỗ trợ lực lượng của c7, tôi cắt vòng qua bình độ men theo triền núi về đơn vị, không theo đường trảng trống vì để tránh gặp địch (có thể là nhóm địch khác).

Dù lường trước những tình huống xấu, nhưng điều xảy ra vẫn phải xảy ra…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3