Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 24 - 25 - 26

CHIẾC THUYỀN NAN CHÊNH VÊNH GIỮA SÓNG GIÓ…

Trong cuộc đời của mỗi con người, dù là ai và làm gì, đều có những giai đoạn khó khăn phải vượt qua. Có người chịu đựng được hoàn cảnh của mình và cố gắng vượt qua, có những người không thể vượt qua… và hiển nhiên cũng rất nhiều người phó thác cho số mệnh “Chán đến mức không muốn chết nữa.” Với tôi giai đoạn đó là cuối năm 1980 khi tác chiến cùng d2 e95.

Chiến trường thời đó…

Sau hơn một năm củng cố lực lượng, rồi được hà hơi tiếp sức từ nhiều thế lực khác nhau. Pốt quay lại trong nội địa đánh phá ta bằng những lực lượng nhỏ và phân tán.

Ra khỏi đường vành khăn của đơn vị, nếu thiếu cảnh giác, bất cẩn là vướng phải mìn… thương vong. Ra khỏi đơn vị có khi chưa đầy 100 m bị địch chặn đánh… thương vong. Buổi sáng ra đi … thương vong. Buổi chiều đi về… thương vong. Một không khí ảm đạm, tạo ra nhiều chấn động về mặt tâm lí. Nhìn thấy hàng rào đơn vị mà phát ngán khi vượt qua nó.

Những ngày tháng trèo đèo lội suối, ăn uống thiếu thốn, mưa rừng thác lũ, sức khỏe anh em giảm sút. Những gương mặt xanh xao vàng vọt do sốt rét hành hạ dài ngày. Những đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Một số anh em bị chứng bệnh đau lưng vẫn phải công tác bình thường. Nhập viện trung đoàn… chích Novocain vào chỗ đau… uống những viên cao gan to bằng ngón tay cái màu nâu… nằm một tuần… về đơn vị. Khi nặng quá không thể đi nổi, chân sưng đỏ vù lên, chuyển về Viện 21 tiền phương Quân khu mới biết là chứng thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm cột sống… Những Dectancyl, Doca nước đục, B Complex, Synecvit… chích vào mông đến nỗi không còn chỗ nào trống để chích.

Địch đánh du kích chỉ cần dùng AK là đủ, súng B cất vào kho để bảo quản. Các vị trí hỏa lực bắn sợ bị lộ. Từ trên đỉnh chùa Preah Vihear nhìn về hướng tây, C2 d1 bị tập kích liên tục… nhìn thấy những thằng áo đen chạy như vịt sau khi tập kích xong… điện xin hỏa lực trên chùa chi viện…” Cấp tập một quả... khi địch đã lủi vào rừng rậm.

Những lần sử dụng cối 120, 81 quá mức cho phép hoặc chưa được phép… d trưởng không dám về gặp cấp trên… d trưởng phải báo sốt thôi… tạo cớ cử d phó có máu mặt đi thay để đủ bản lĩnh nghe bài ca “cạo gió.”

Quan hệ với Thái Lan… chiếc ghế Campuchia tại LHQ vẫn do Pốt ngồi…

Hàng chục căn cứ của Pốt dọc biên giới Thái trong phạm vi của sư đoàn đảm nhiệm.

Địch ngay trước mặt bên kia biên giới không được đánh, phải chờ nó “vượt biên” mới đánh. Nhiều lúc tức nước vỡ bờ, nhìn thấy anh em thương vong, nóng mặt… d trưởng dẫn trinh sát mò qua đánh chúng bên kia biên giới hơn cây số, chỉ báo chừng 100 m để được trên chấp thuận… chỉ vì ngại Thái Lan rêu rao tố cáo Việt Nam xâm lấn… nhất là tại diễn đàn “cái chợ Liên Hiệp Quốc” (lời của Thiếu tướng Nguyễn Huy Chương, Phó Chính ủy QK5 nói chuyện với anh em e95 tại khu vực vườn xoài d1).

Đợt quân tân binh 1980 bổ sung vào đơn vị… tình hình thực tế bên nước.

+ Tình trạng “ngăn sông cấm chợ”… làm được nông sản phải bán cho thương nghiệp không được bán ra ngoài… nuôi được con heo phải cân cho HTX mua bán của địa phương. Nếu mang ra khỏi xã thì có thuế vụ, quản lí thị trường hỏi thăm…

Và cũng một thời… những ước mơ hoài bão phải gác lại. Không phải vì chiến tranh bom rơi đạn nổ.

+ Những cánh cửa của các trường Đại học đã không còn chỗ cho con em những gia đình có vấn đề về lí lịch. Giấy báo từ trường Đại học được thay thế bằng quyết định của Hội đồng tuyển sinh tỉnh, cơ quan quyết định cuối cùng là “Được đi học - Không được đi học.”

(Báo Thanh Niên cuối những năm 1980, có đưa loạt bài về các trường hợp vì lí lịch không được đi học Đại học, trong đó nổi bật những trường hợp của Nguyễn Mạnh Huy (Quy Nhơn - Bình Định) Tống Châu Sinh (Huế). Hai bạn nam ở Quảng Nam và một bạn gái ở Ninh Thuận. Nhờ đó các bạn đã trở lại trường Đại Học khoảng năm 1989 – 1990).

+ Bên này đất K những người con đất Việt không tiếc máu xương nơi chiến trường khốc liệt. Bên kia đất Việt cuộc sống nhộn nhịp hưởng thụ với những cảnh sống phù hoa. Các HTX mới thành lập không đạt hiệu quả, cảnh cha chung không ai khóc trong công việc, đời sống khó khăn (trước khi có khoán 10) đã có những tác động rất lớn đến tinh thần của anh em chiến sĩ là con em nông dân của vùng đất khô cằn đất cày lên sỏi đá…

Rồi thư nhà…

“… Cây chùm ruột anh trồng ngày ra đi nay đã ra hoa. Hoa nở đầy bao quanh các cành cây. Mỗi lần có ai hái lá non về nấu canh, đều nhắc đến tên anh. Họ đâu có hiểu rằng, mỗi lần họ nhắc đến một người con trai còn ở xa biền biệt, là mỗi lần người con gái còn lại, lòng dạ đau như cắt… trong nỗi chờ đợi và nhớ mong. Ngồi vá lưới dưới gốc cây mỗi ngày, em đều cảm nhận được mùi da khét nắng trên thân thể anh, hơi thở mang vị mặn từ biển… nhưng rất ngọt ngào trên làn môi của anh… như vẫn còn đâu đây. Mọi khát khao bị dồn nén, một tình yêu không được thăng hoa và một cuộc đời như không còn hơi thở.

“… Quê mình năm nay mất mùa muối, thất mùa cá. Mỗi công mười điểm chỉ được hơn kí lúa. Cả mấy tháng qua gia đình anh phải ăn cơm trộn với trái còi. Cách đây một tháng hai bác đã đi vào Long Khánh để tìm kế sinh nhai. HTX đến niêm phong nhà vì ra đi không có phép của chính quyền.

Đêm gia đình anh ra đi… Em chỉ gánh phụ một gánh muối qua chợ Cát Minh - Phù Cát bán, để lấy tiền xe vào Quy Nhơn. Khi qua cầu Đức Phổ, mẹ anh quay lại nhìn lại ngôi nhà, nước mắt chảy ròng ròng. Chỉ sợ ngày anh về không còn ai ở đây. Đất nước thanh bình sau bao năm chiến tranh, giờ phải bỏ quê ra đi một lần nữa, không vì bom đạn mà vì miếng cơm manh áo. Có một ông cán bộ về thăm nhà anh, anh Dương bị thương mới phục viên đến gặp ông để trình bày. Sau đó một thời gian, khi đi làm về em thấy anh Dương đang quét sân trước nhà anh. Em nghe anh Dương nói ông cán bộ bữa trước đã can thiệp với chính quyền địa phương mở niêm phong nhà.”

Chiến trường… những trận đánh… những chuyến đi dọc biên. Thấy cuộc đời lính sao quá gian nan không thấy gì là hi vọng dù là nhỏ nhoi đơn sơ. Ngày mai, ngày kia hay tuần sau có thể ngã xuống giữa chiến trường khắc nghiệt và tàn khốc này. Nhắm mắt ra đi khi còn cha mẹ đã già, hai em gái chưa đến tuổi lao động… đang kiếm sống ở một nơi xa xôi.

Cũng có thể… sẽ để lại một phần thân thể ở một nơi nào đó, dọc theo dãy Dangrek từ giáp Congpong Thom vòng qua đến giáp Seamreap. Cuộc sống sau này khi thân thể không còn nguyên vẹn…

Người con gái kia… tuổi xuân qua đi từng ngày… chờ đợi trong niềm vô vọng… ngày đi thì có ngày về thì...

Liên tiếp những tiếng nổ, những trận địch tập kích. Những anh em không còn nữa. Giờ phút căng thẳng, một mất một còn với những bóng ma áo đen kia. Thôi tự nhủ lòng mình… không chùn bước nao núng. Những ánh mắt cậy trông của anh em trong giờ phút nguy hiểm nhìn mình. Chỉ cần một chút nao lòng, mất tỉnh táo... máu sẽ đổ một cách vô ích.

Ngần ấy con người… ngần ấy gia đình… ngần ấy nỗi đau... đâu phải chỉ mình ta.

Đâu chỉ một thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa đại dương bao la. Bão gió sẽ qua đi, và sau cơn giông bão thì trời lại sáng.

CUỘC CHIẾN THẦM LẶNG

Sau khi được bổ sung tân binh, đội hình d2 tương đối ổn định. Các vị trí, các bộ phận đều đủ lực lượng. Bị ta đánh cho mấy trận làm địch chùn lại. Mức độ tập kích có giảm, nhưng chúng tăng cường gài mìn, bám sát phục kích các nhóm tuần tra của ta. Có những lúc, chúng theo ta cả ngày nhưng không tấn công, chờ trên đường trở về chốt, anh em có tư tưởng chủ quan mới tổ chức đánh. Bước đầu cũng làm cho ta thương vong.

Trung đoàn 95 tăng cường một lực lượng trinh sát, c10 d3 thay thế cho nhiệm vụ của c9 phối thuộc cho d2. Sau thời gian tác chiến quân số c9 có hao hụt, tình hình sức khỏe giảm sút. Có ngày quân số lên cơn sốt đến mười người.

Tình hình có phần bớt căng thẳng. Ta cũng thay đổi cách đánh. D trưởng d2 tung lực lượng ra khỏi chốt, tổ chức tuần tra tấn công địch. Phần chốt giữ bước đầu giao cho anh em c10 d3. Rút kinh nghiệm chiến trường, là không nên để anh em đóng chốt lâu, tạo ra những tâm lí co cụm, rất khó cho cánh đánh chống du kích mà địch đang áp dụng (Thực tế đây là ý định của d2 tung lực lượng ra biên, kiên quyết chận đánh lực lượng của chúng, trong trường hợp cần thiết sẵn sàng phá rào cho quân vượt biên giới). Lực lượng chủ lực ra biên là c5 cùng với lực lượng trinh sát e, f. Tất cả các c còn lại của d2 đều phải có lực lượng trấn giữ bên ngoài, nhất là lực lượng ở cao điểm 428.

Chuẩn bị và củng cố đội hình xong. Đội hình hành quân về hướng biên giới. Lực lượng ta và địch cùng tác chiến trong một địa bàn không rộng. Đường mòn cắt dọc cắt ngang còn hơn bàn cờ, không biết đường nào ta đi, đường nào địch đi. Địch cũng có vài lần bị vướng mìn của ta do chúng đi trên đường mòn.

Đêm đầu tiên ra khỏi đơn vị, cùng d trưởng d2 mắc chung võng trên một thân cây. Thủ trưởng tâm sự khá nhiều về đời lính và chuyện riêng của gia đình. Nhập ngũ 1972 lần phép đầu tiên năm 1977 ở nhà hơn hai tháng trở lại đơn vị. Chiến tranh đã nổ ra trong phạm vi hẹp theo dọc tuyến biên giới. Cuộc chiến đã cuốn vào đó những dự tính của thủ trưởng trong tương lai. Tất cả đều phải gác lại. Bao năm chiến tranh ngần ấy năm cha mẹ vợ con phải chịu đựng nhiều gian khổ. Rồi những bất công trước mắt ở địa phương. Cầm tiền vợ đưa trả phép Thủ trưởng nước mắt phải chảy ròng. Phải bán con heo hơn 80 cân cho HTX để lấy tiền làm lộ phí vào đơn vị. Vẫn chưa làm gì được để đỡ đần, chia sẻ cùng vợ con…

Tiếng súng đã nổ ở Đức Cơ… ở đường 14 vùng Đắc Lắk (nơi đơn vị của Bác vutrieuduong@ tác chiến thời đó)... Lại phải lên đường.

Giờ đây… Địch đánh liên tục vào đơn vị với nhiều hình thức khác nhau. Anh em thương vong. Có những tình huống vượt quá quyền hạn của một d trưởng… chuyện đánh qua biên giới để giảm sức tấn công của chúng. Ngồi ở chốt để địch tìm đến tập kích. Thủ trưởng của một đơn vị, chưa tìm ra cách tốt nhất để làm đúng lệnh trên và giảm thương vong cho đơn vị, nỗi khổ tâm đến nhiều đêm mất ngủ… Những lần bị “hỏi tội” về những quyết định chưa được phép của cấp trên.

Suốt hai ngày tổ chức lùng sục và phục kích dọc biên, không phát hiện địch cũng như chúng cũng không tấn công tập kích ta. Một khoảng im lặng, cả khu vực không nghe thấy tiếng súng, tiếng nổ nào.

Thấy tình hình có vẻ khả nghi d trưởng d2 nhắc nhở các đơn vị tăng cường cảnh giác. Có thể địch đang chuẩn bị lực lượng tấn công ta đội hình lớn hơn là có thể.

Trưa ngày thứ ba, bộ phận của hướng đông phát hiện địch đang di chuyển về hướng 428 với lực lượng nhiều nhóm nhỏ. Phán đoán là chúng đang tổ chức lực lượng, toàn bộ đội hình rút về phục kích và ém quân chuẩn bị hỗ trợ cho 428. Chiều ngày thứ ba lực lượng bám sát chân 428 và tổ chức đội hình phục. Tại đây, ta phát hiện địch đang di chuyển về hướng nội địa.

THẦM LẶNG (tt)

Qua quan sát, lực lượng địch cả trăm tên chia thành hai lực lượng, một lực lượng đang tìm cách bám vào sườn đông 428. Căn cứ 428 ba hướng là những bình độ dày, vách đứng, rất khó đi. Khu vực duy nhất để có thể tiếp cận là sườn phía đông, có phần thoải hơn. Lực lượng còn lại ít hơn ở 428, chúng di chuyển về hướng d bộ d2 (do c10 d3 đang chốt giữ). Ban đầu d trưởng d2 có ý định nổ súng luôn để tiêu diệt lực lượng lớn, nhưng thấy địa hình khá hiểm trở, khó có thể đánh thiệt hại chúng, nên ta cũng tổ chức bám và phục lại. Dự định cho anh em ở 428 rút ra ngoài chốt để tạo thế đánh phản công địch phải hủy bỏ, vì thấy rằng nếu chúng tập kích bằng cối vào khu vực, thì anh em không có công sự dễ bị thương vong cao. Một tổ trinh sát e95 bám men theo bình độ phía tây để bắt liên lạc với chốt 428, và truyền đạt mệnh lệnh của d trưởng về ý đồ tác chiến.

Lực lượng ta tập trung triển khai sau lưng địch khoảng 100 m. Đồng thời điện báo cho d bộ ở nhà đưa lực lượng bớt ra ngoài để ngăn chặn địch tập kích (nhưng sau trận đánh ta thấy địch chỉ dùng lực lượng này phục kích ta ở vòng ngoài, chặn đường chi viện của c10 cho 428, khi chúng nổ súng hướng 428). Lực lượng cối 82 quay ra ngoài chuẩn bị trong cự li < 100 m để bảo vệ d bộ. Cối 120 chi viện cho 428 vào khu vực địch đang chuẩn bị tấn công.

Tình huống xảy ra không như ta dự đoán. Địch dùng cối 82 từ bên kia biên giới Thái bắn cấp tập vào d bộ và 428 với mục đích ta không thể chi viện lực lượng vì cả hai vị trí đều bị tấn công. Chúng bắn liên tục trong vòng hai mươi phút với cường độ cao, do địch bắn từ bên kia biên giới ta không quan sát được nên cối ta không phản ứng gì. Dứt đợt cối địch dùng mìn quét (không hiểu có phải loại như DH của ta không) phá toàn bộ dãy hàng rào sườn đông của chốt 428 và tấn công. Do biết được ý đồ của chúng nên ta dồn lực lượng và hỏa lực về hướng tấn công. Bị chặn ngay từ bước đầu, chúng dùng cối chi viện lần hai khoảng hơn mười phút và tranh thủ bám theo hàng rào để vào phía trong chốt 428. Do không lường được tình huống này, một đoạn hào chừng 30 m của ta bị địch đột nhập và phân đội trấn giữ khu vực này hi sinh hết ba và bị thương một. Không thể chậm trễ d2 cho cối 120 bắn mấy quả vào đội hình địch, và sau đó là cối 82, quả đầu tiên do sai lệch nổ gần quá ta bị thương hết một chiến sĩ c5. Sau khi điều chỉnh, cối ta rơi vào đội hình địch và gây cho chúng sự hỗn loạn về đội hình. Vốn lì lợm, chúng vẫn tổ chức tấn công chốt và đưa đồng đội ra khỏi trận địa.

Thấy tình thế không thuận lợi, d2 buộc phải cho đội hình nổ súng từ phía sau, không chờ chặn đánh đường rút của chúng. Đội hình ta từ hai phía phản công địch. Nhóm địch bốn, năm tên làm công tác tải thương về phía sau bị B3 c5 tấn công tiêu diệt đầu tiên. (Có một tên chân bị gãy không hiểu là hắn tự sát hay bị đạn kích nổ, chết không toàn thây, khi hướng này ta không dùng B40). Do lực lượng chúng khu vực này cũng khá đông nên chúng kiên quyết đánh trả ta. D2 điện trực tiếp trên bộ đàm chỉ thị cho lực lượng ở chốt chỉ đánh trả chúng phía trong hàng rào, không bắn đạn vượt quá hàng rào có thể gây thương vong cho ta. Cả hai hướng ta áp sát địch và đánh trả dồn chúng về hướng bắc 428 là vùng trũng của con suối nhỏ. Cối 82 từ nhà bắn chi viện lên khoảng hai quả và cối 60 từ chốt 428 bắn ra chận vùng thung lũng. Bằng kinh nghiệm của d trưởng d2 không nên dồn địch vào thung lũng (sau nhiều năm ở chiến trường tôi mới cảm nhận điều này là đúng, chứ lúc ấy thì chỉ biết nghe theo), vì khi cùng đường chúng đánh trả đến đường liều mạng, không có lợi cho đội hình lúc đó. D2 điều một b của c5 và trinh sát hỗn hợp, vòng sâu lên hướng bắc chận đường rút của chúng. (D trưởng bảo là đánh nơi chúng không ngờ là ta sẽ phục! Điều này thì…) Từ trong đánh ra và ngoài đánh vô từ hai hướng địch không trở tay kịp, lực lượng chiếm hào đầu tiên của ta bị diệt khi chưa kịp rút (bị lựu đạn là chính). Kế hoạch cố đánh giải vây nhóm phía trong không thành công nên chúng rút lui. Không biết thế nào, mà khi đội hình chính của ta phía ngoài áp sát vào hàng rào, thì cối chúng lại bắn vào trận địa ta (ta chưa kịp thu súng mấy thằng chết tại chỗ). Đạn chúng cơ bản rơi bên ngoài chốt là nhiều. Do bị lộ nên toàn bộ đội hình ta rút vào chốt trú ẩn dưới hầm, không còn lực lượng nào bên ngoài. Cối địch bắn như mưa vào trong và ngoài chốt, khu vực nuôi quân bị cháy hết một căn hầm. Chúng bắn liên tục trong khoảng mười phút thì ngưng. Nhanh chóng chiếm lĩnh khu vực trảng trống phía bên kia thung lũng của con suối, đội hình chừng gần ba mươi người của ta dưới sự chỉ huy của c trưởng c5 tổ chức phục kích. Khoảng gần nửa tiếng thì chúng xuất hiện đang cố gắng vượt qua bãi tráng để về bên kia biên giới. Toàn đội hình dàn hàng ngang chờ lệnh.

Lực lượng địch không đông lắm chỉ bằng lực lượng ta. Chúng dừng lại tại một khu rừng khuất cách ta chừng 50 m, có vẻ chờ lực lượng khác. Bỗng nhiên có tiếng súng nổ hai viên từ phía sau đội hình ta. Bọn chúng bắt đầu cắt rừng về hướng tiếng súng nổ (sau này ta mới biết là tiếng bắn kêu rút). C trưởng c5 khẩn trương cho bắn hai quả B40 làm hiệu lệnh nổ súng, và sau đó là hỏa lực cá nhân. Do đường đi của chúng là đường lên đồi nên tốc độ chậm cũng như luôn bị trượt té nên hỏa lực ta bắn rất hiệu quả. Địch cũng bắn lại nhưng do địa hình nên không phát huy được. Hầu như sáu tên địch chết nơi này, đều súng một nơi, người một nẻo.

Lực lượng chốt 428 cơ động ra chi viện khi ta đã làm chủ chiến trường. Ta thu mười hai súng (không rõ sao súng nhiều hơn người trong đó có một AT).

Kết quả sau trận đánh: Ta diệt mười bốn tên thu mười bảy súng và rất nhiều mìn KP2. Phía ta hi sinh ba bị thương năm.

Thu dọn chiến trường xong thì trời đã gần chiều tối, bộ phận tác chiến buộc phải đưa liệt sĩ và thương binh về d bộ d2. Trên đường về, một thương binh là tân binh quê Phù Cát - Bình Định, bị miếng cối vào ruột rất nặng nên hi sinh giữa đường.

Cuộc đời người lính, phải chiến đấu giữa cái sống và cái chết, giữa niềm vinh quang và gian khó. Những tiếng cối nổ ùng oàng, tiếng nổ đanh như thép của các loại mìn, và cả tiếng bắn kêu hỗ trợ khẩn thiết của đồng đội. Không hẳn như vậy, và cũng không phải chỉ có thế. Người lính trước hết là một con người, có một thân phận và cũng có một tình yêu… có thể nó là cung bậc của sự thăng hoa, hay chỉ là sự hoang tưởng, và nhiều khi là cả một thời để hối tiếc, và cũng để hối tiếc mà thôi.

Tôi đã rơi vào trương hợp như vậy.

Giữa những ngày khốc liệt ở 428 cùng anh em d2 e95…

“… Cùng một số bạn bè ngày xưa của lớp mình, về đưa tang bạn Đức đến nơi an nghỉ cuối cùng… Cả bọn mới biết bạn đã nhập ngũ mấy năm, và đang chiến đấu ở một chiến trường đầy khắc nghiệt và gian khổ. Mình vô tâm quá…

Khi chia tay nhau sau kì thi nghiệt ngã... Bờ sông Hàn Đà Nẵng một đêm hè… Những quán cơm bình dân dọc đường Ông Ích Khiêm… đầu cầu Trịnh Minh Thế, khi những bàn tay rời nhau sau mấy ngày thi, để từ đây mỗi con người là một số phận… Thời gian năm năm trôi qua sao mà nhanh thế…

Mình cũng không đủ điều kiện để vào Đại học, cũng phải lao động mọi thứ để nuôi sống mình và giúp phần nào cho gia đình… Những đêm trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời… trong đó có hơn một nửa là nghĩ về một người… (mà không ngờ đã là một anh bộ đội)… Phù Mỹ chỉ cách Quy Nhơn chưa đầy 60 km, sao thấy xa quá… nhiều lần đã bạo gan xin mẹ đi chơi… nhưng cuối cùng phải hoãn lại, vì đâu biết chính xác địa chỉ…

Những năm ở Trung học Đệ nhất cấp, chỉ là lòng ngưỡng mộ trí thông minh, khi giải những bài Đại số khó cho lớp… Những phương pháp giải các bài tập Ngữ pháp về câu bị động, những mẹo về cách chia thì trong tiếng Anh.

Rồi năm cuối Trung học Đệ nhị cấp… một người thanh niên mạnh mẽ cá tính và hết lòng với bạn bè.

Mỗi buổi sáng…ngồi ở quán ăn trên đường Võ Tánh… chỉ có một điều duy nhất: nhìn thấy bước chân thoăn thoắt của một người con trai cùng lớp, trên đường vội vã đến trường ….

Cả nhóm xuống nhà bạn, nhưng nghe đâu gia đình đã vào Nam hết rồi… lại một dịp may hiếm có vuột mất. Mẹ Đức bảo: cách đây không lâu, đài truyền thanh của xã còn đọc thư của bạn gửi về cho gia đình. Cả bọn lên tìm, và may quá còn sót lại mấy lá, và theo địa chỉ viết thư cho bạn đây.

Cũng nét chữ đẹp như hoa ấy, giọng văn cục mịch, đôi chỗ sang sảng như văn bình luận… chỉ có điều đã là một người lớn… có nói hơi nhiều đến hiện thực khách quan… đâu còn con người của ngày xưa nữa… còn gì sống động hơn là những cánh thư của lính gửi về cho gia đình.

Nước mắt mình không thể cầm được trên những trang thư của bạn. Ngả rẽ cuộc đời sao nhiều điều bất ngờ quá…

Trên đường trở lại Quy Nhơn… khi qua những nẻo đường xứ sở... trí thông minh, lòng kiên trì, biết sống vì mọi người, và coi mọi sự khó khăn, thậm chí cái chết như một làn sương mỏng…

Dọc đường, những em bé đen thủi đen thui, quần áo cái còn cái mất… chạy tung tăng trên những bãi cát trắng tinh, trong buổi chiều nắng chói chang của vùng biển…

Chín năm về trước, năm 1971, cũng có một đứa con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nắng và gió này, ngơ ngác bước vào ngôi trường xa lạ… để sáu năm sau đó ra đi… và đi về một nơi... có tiếng súng đang nổ vang.

Không biết rằng người ấy… giữa bão táp của chiến tranh… mang trong mình mọi sự cứng rắn mãnh liệt kia… có ẩn chứa phía sau là một trái tim còn rực lửa hay không? Có còn cảm nhận được rằng… nơi mái trường xưa… cũng có một người mong ngóng, những bước chân trở về… dù rằng không ai biết có một nỗi niềm như thế…”

Tôi lẩn thẩn hết mấy ngày… như người không hồn.

À ra thế! Trong lớp ngày xưa sao mãi nhìn mình. Nhà có xe máy… luôn đi chơi với bạn bè toàn bằng xe đạp sườn ngang, không có baga phía sau… ngồi phía trước bắt mình chở gần đứt hơi… khi lên dốc mộ thi sĩ Hàn… vẫn… phình… phường…

Mái tóc ngắn thơm mùi bồ kết, tung bay trước gió biển Quy Nhơn… vùng da trắng nõn nà sau gáy… cú ngoảnh mặt vô tình mỗi khi nói chuyện, chạm vào mặt mình với chiếc áo cổ tròn hơi rộng…

Tất cả đã được lập trình và có ý đồ chiến thuật hẳn hoi…

Giờ đây… nơi cao điểm 428… cũng chỉ là sự nuối tiếc.

“Ta trả lại và cảm ơn sự chia tay thầm lặng,

Lá vàng thu, tiếc nuối giữa tay người…”