Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 27 - 28 - 29 - 30

ĐÔI DÒNG KỈ NIỆM VỀ THỦ TRƯỞNG NGUYỄN HỮU HÀ.

Tôi thật sự xúc động khi biết Đại tá Nguyễn Hữu Hà đã qua đời. Câu chuyện tình với nàng Ma -Li xảy ra vào năm 1982 thì phải, khi e94 hoạt động ở khu vực Choamkhsan cùng với đoàn 5504. Khi đó, Tư lệnh f 307 là Lê An, Phó Tư lệnh TMT là Nguyễn Văn Yến và Thủ trưởng Hà là Phó Tư lệnh về Chính trị (theo chế độ một thủ trưởng).

Tôi nhớ…

Lần đầu tiên tôi gặp ông vào khoảng mùa khô năm 1980, khi chúng tôi cùng với anh em d1 đang làm phương án xác định các vị trí của địch ở bên kia biên giới. Bộ phận làm nhiệm vụ đang tạm trú tại chốt tiền tiêu c1 d1, phía đông chùa Preah Vihear. Ông đến thăm với tư cách là Tân Chính ủy của Trung đoàn 95 (thay cho Chính ủy Tạ Như Quỳnh về nước chuyển công tác).

Cái nhìn đầu tiên đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu sắc. Phải công nhận Ông rất đẹp trai, vóc dáng người to cao, đặc biệt có giọng cười rất giòn và sảng khoái… thì chuyện khi còn trai trẻ “đào hoa” là lẽ tất nhiên. Mới nhìn và tiếp xúc với ông, không ai nghĩ ông là Chính ủy… ai cũng nghĩ rằng ông là một cán bộ quân sự. Nói chuyện phiếm với cánh trinh sát, chúng tôi nhận ra khả năng về quân sự khá nổi bật của ông (vì Chính ủy am hiểu khá tường tận về bản đồ như ông, không phải là nhiều).

Người Bình Định đi đâu cũng rất dễ nhận nhau ra giọng nói đặc sệt chất “nẩu” của mình (nẩu: đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều). Ông quê ở xã Bình Phú, huyện Tây Sơn Bình Định và tôi là dân Phù Mỹ.

Lần thứ hai tôi gặp ông là cuối mùa mưa 1980, khi tác chiến cùng d2 ở 428. Chiến trường đang trong thời điểm căng thẳng… Nghe d trưởng d2 báo cáo về tình hình, ông biết rằng bộ phận trinh sát đi phối thuộc cùng e95 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo nhiều thuận lợi cho d2 đánh tan chiến tranh quấy rối, có tính cách du kích của địch. Thủ trưởng Thăng CTV d2 gọi tôi lên gặp ông.

Tôi nhớ là ông kêu lên “A! dân Phù Mỹ” và chìa tay ra bắt.

Lính 95 thời đó đa số là Bình Định và Quảng Ngãi, điều làm chúng tôi cảm kích là ông khơi được tố chất của người Khu 5. Trong giọng nói của ông, chúng tôi cũng hiểu niềm tự hào đang dâng trào trong ông. Những đứa con của dân Khu 5 vẫn đứng vững trong thử thách.

Ông đi thăm vòng quanh đơn vị, khi đến vị trí hầm của trinh sát đi phối thuộc, thấy tôi ông chỉ cười và hỏi đúng chất chính trị:

Các em ở đây có gì khó khăn… và điều cần đề nghị bây giờ là gì?

Thấy d trưởng và CTV d2 cười cười, tôi cũng nói vui (ông có tính hài hước):

- Thưa Thủ trưởng, em thấy cái đường biên giới nó chỉ là cái vạch đen trên bản đồ, sao mình lại sợ không dám vượt qua?

- Có mấy cái trại lính Pốt bên đó, sao mình không nhổ đi cho rồi, để nó quậy quá Thủ trưởng ơi?

Tôi thấy mặt ông đanh lại… và cuối cùng ông cũng chỉ nói là nên kiềm chế chờ lệnh của trên. Các đồng chí không được làm ẩu. Thái Lan đang tố cáo trước diễn đàn LHQ là Việt Nam tấn công và pháo kích vào lãnh thổ Thái Lan… Để giảm bớt căng thẳng ông cho anh em trinh sát hai bao thuốc và cười hì hì…

Có một lần khi ở chùa… Ông đi cùng Thiếu tướng Nguyễn Huy Chương, Phó Chính ủy QK5 lên thăm anh em d1, và bộ phận phối thuộc của f. (Pháo 85 và TS). Ông đến thăm anh em trinh sát và mang theo ít quà của Tư lệnh QK biếu cho anh em tu ở chùa.

Tôi đang ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết mà anh em tân binh mới mang sang, đó là cuốn “Mắt tím” của nhà văn Lệ Hằng (nhà văn trước năm 1975). Ông chỉ lật mấy trang đọc lướt và đưa lại cho tôi.

Ngồi dưới phiến đá… tôi và ông bắt đầu nói chuyện văn chương. Mọt sách gặp mọt sách nên câu chuyện cũng khá thú vị. Khi chia tay, ông tặng tôi cuốn sách văn học nước ngoài mới xuất bản “Người đàn bà cuối cùng và cuộc chiến đấu sắp tới” của nhà văn Cuba M.C. Lopez…

ĐÔI DÒNG KỈ NIỆM VỀ THỦ TRƯỞNG NGUYỄN HỮU HÀ.

Cuối năm 1980, e95 có mở một lớp tập huấn cán bộ cấp a, b của trung đoàn. Từ khu chiến d2, tôi được BTM e95 rút về, để truyền đạt một số kĩ năng sử dụng bản đồ cùng với anh Lập c trưởng trinh sát e95 cho lớp tập huấn này. (Lớp trưởng là anh Lê Duy Hoa, một trong những anh em còn lại của c2 d1 sau trận ngày 8/1 ở bờ tây sông Mêkong). Tôi được phân công ở cùng phòng với anh Đỉnh (trợ lí ban tác huấn) khi đó là phụ trách lớp (trung úy Đỉnh là sỹ quan duy nhất của e95 xuất thân từ trường SQLQ 1 Sơn Tây).

Một buổi chiều sau giờ cơm… tôi ngồi trước dãy nhà ban tác huấn đọc lá thư thứ hai của người bạn gái cùng lớp, tôi mới nhận hồi chiều… (lần đầu tiên cô nàng đổi đại từ nhân xưng với tôi…)

“… Chiều về trên biển Phương Mai - Quy Nhơn… Em ngồi một mình lắng nghe tiếng sóng biển, lắng nghe những kỉ niệm ngày xưa hiện về trong kí ức.

Này sóng ơi! Sóng đang ca bài ca gì thế… bài ca của sóng khó hiểu quá… sóng vẫn lặng thầm ca bài ca muôn thuở…

Cũng chính nơi đây, giữa tiếng sóng của một đêm trăng sáng… tim em rung động lần đầu tiên, cảm nhận thầm yêu một người… Anh và em cùng ngồi trên tảng đá bên bờ nước, chúng mình không ai bận tâm đến những con sóng dạt vào người, và bọt nước làm ướt sũng quần áo… chỉ lắng nghe rất say sưa những tiếng sóng dập dìu vút lên cao, rồi lại rơi ào xuống… Sóng trườn lên bãi cát trắng tinh, vuốt ve lên đôi chân trần của em và của anh. Ngày đó, anh chỉ thích nhìn mặt trăng… khi từ từ nhô lên khỏi mặt nước…còn em, em chỉ thích nghe tiếng sóng biển, nghe tiếng đập thổn thức của con tim em. Anh vẫn vô tư hay nói đúng hơn là anh vẫn vô tâm… Anh vẫn cứ thích nhìn, thích nghe tiếng sóng vỗ mạnh vào vách đá đằng xa kia, làm phát ra những âm thanh rung tai, kéo theo những bọt nước trắng tinh lấp lánh dưới ánh trăng… khi chúng tung lên…

Anh đâu biết rằng, chính những âm thanh mạnh mẽ nhất từ con sóng, đã làm đứt gãy và khoét thủng tim em những vết thương… vì đã làm anh không biết em đang ở bên cạnh… sóng vẫn vô tình sóng ơi!

Em đã đến tiệm cho thuê sách ngả tư đường Lê Hồng Phong và Mai Xuân Thưởng, tìm lại những cuốn sách mà ngày xưa anh đã từng mượn đọc. Vẫn còn đây những dòng thơ anh chép của tác giả nước ngoài, và những lời dịch:

… And the sunlight clapps the earth,

And the moonbeams kiss the sea.

What is all this sweet work worth.

If thou kiss not me?

Anh có nghe nắng đi về lòng đất.

Trăng đêm sâu hôn biển rộng vô cùng.

Môi em đó, anh để buồn se sắt.

Trần gian này còn lại dấu hư không…”

Chính ủy đến lúc nào tôi không biết… chỉ khi ngẩng lên thì thấy thủ trưởng cười.

Tôi đưa lá thư cho ông đọc. Ông chỉ đọc lướt qua… (lính tráng đọc thư chung là chuyện bình thường thời ấy. Nhưng là thủ trưởng nên ông cũng lướt qua cho có đọc, có lẽ ông cũng không muốn đọc hết làm gì).

Ngồi ở đó tâm sự, tôi mới biết rằng ông cũng là con người rất yêu thơ. tôi có chép lại bài thơ “Lá chanh” do ông đọc, nhưng nay thì không còn nữa nên không viết ra đây được (bài thơ cảm nhận về vẻ đẹp của người con gái khi tắm (hay gội) bằng nước chanh thì phải…)

Ông đã kể chuyện về thời trai trẻ của ông trên đường Trường Sơn.

Ngày ấy, thơ là thiêng liêng, là máu thịt, là nơi duy nhất để tỏ bày, gửi gắm điều chi. Trên đường Trường Sơn hành tiến về Nam, anh bộ đội hay cô thanh niên xung phong, đều có cuốn sổ nhỏ chép những bài thơ mà họ yêu thích. Thơ là người bạn gần gũi với số phận người lính, với cái sống và cái chết của người lính, cả trong nỗi đau và khát khao cần được chia sẻ. chính thơ đã đưa những điều cộng cảm đến với con người. Trong những bài thơ ông đọc, tôi chỉ biết có bài: Màu tím hoa sim của Hữu Loan.

Chính ông cũng đưa ra những suy nghĩ về thơ…

Thơ trong chiến tranh lúc giống như người yêu, lúc giống như người đồng đội, lúc lại giống đôi mắt buồn thăm thẳm của người mẹ. Nó bất chợt như bàn tay mẹ xoa trên lưng con một chiều trước hôm tiễn biệt. Nó như giọt nước mắt người ta yêu, rơi lặng lẽ lúc đoàn xe chở quân… vang lên tiếng còi trong một buổi sáng mua đông giáp Tết năm nào. (Ông thoát li gia đình vào chiều 28 tết). Dòng thơ mập mờ ẩn hiện theo nhịp rung đều đều của con tàu chở quân ra mặt trận…

Và nhiều cảm nhận nữa mà tôi không thể nhớ hết... Thời trai trẻ có ai nghĩ rằng những kỉ niệm sẽ là phần còn lại duy nhất của đời sống con người. Nhà văn nào đó đã viết như vậy.

Đang say sưa nói chuyện về thơ, thì anh công vụ đến mời ông về họp với Phó chính ủy Vũ Minh Thái (nay là Chủ tịch hội CCB huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi)…

Chia tay tôi, ông hẹn một ngày nào đó sẽ tiếp tục câu chuyện. Nhưng rồi nhiệm vụ và môi trường công tác, cả tôi và ông đều bị cuốn sâu vào công việc, nên không có điều kiện để nói chuyện về thơ văn với nhau nữa.

Và lần cuối cùng tôi nói chuyện với ông là sau trận đánh 547 (4/ 1984), trước khi tôi và năm mươi anh em khác chuẩn bị ra quân, vì thiếu điều kiện để thực hiện “chế độ một thủ trưởng.” Khi đó ông là Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 307.

TRẬN TẬP KÍCH BẰNG CỐI 82 VÀO D2.

Chiều hôm đó khoảng một – hai giờ, tôi đang nghe chương trình tập hát của ĐTNVN. Bài “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” trong hầm của B3 C5. Đang ôm chiếc đài National 3 band của D2 cho mượn, và nằm trên võng mơ màng thưởng thức phần hát mẫu của một ca sĩ nào đó, thì lình lình có hai tiếng cối nổ ở hướng đường vành khăn ra suối. Tôi chỉ kịp bật dậy vớ vội khẩu súng và chạy về hướng C bộ. Đang vận động thì tôi nghe những tiếng đề pa liên tiếp của cối 82 từ bên kia biên giới, và đạn bắt đầu nổ khắp đơn vị. Tôi lao nhanh xuống hào, và chui vào hầm chữ A của C bộ dẫn về hầm trung tâm. Trong hầm chỉ còn anh thông tin và anh cối 120 đi phối thuộc. Cả BCH đều đang có mặt ở các B. Những quả cối cấp tập rơi vào trận địa, bụi đất tung mù, những cành cây bị gãy rớt xuống các đoạn hào, mảnh cối bay phạt ngang cây nghe lộp bộp… Anh thông tin vội vã nhấc máy đưa lên vai và cầm bản số mật mã thì tôi đã nghe tiếng gọi của ai đó trong máy. Thoắt cái, đã thấy xuất hiện C phó và anh trả lời bức điện liện lạc với D. Do cối bắn rát quá, cả bốn anh em đều chui vào hầm chữ A, và một trái cối rớt ngay miệng hầm chính BCH, làm nổ tung đường vào hầm, đồng thời một trái khác nổ phía trên làm cháy phần nổi mái tranh, các loại tranh tre nứa cháy rớt xuống che khuất cả miệng hầm. Tôi bám theo hào cơ động về hướng B1 là hướng chính diện. Tất cả anh em đều ẩn trong hầm chữ A, và ngoái đầu ra ngoài quan sát phòng ngừa địch phá hàng rào tấn công vào đơn vị. Gặp C trưởng C5 đang ở vị trí của B1, anh đang đôn đốc bộ đội bám các đoạn hào chính yếu. Cối của địch càng lúc càng bắn mạnh và có thêm vài căn chòi nữa bị bốc cháy.

Thấy tình thế nguy cấp, C trưởng C5 gọi tôi lại và ra lệnh cho bộ phận trinh sát: Giúp anh em khẩu đội cối bằng mọi cách rời khỏi đơn vị. Ban đầu chúng ta phán đoán là sau tập kích bằng cối, là chúng tổ chức tấn công ngay. Hỏa lực ta do bị cối chúng khống chế, không phát huy được, vì đâu có biết chúng đặt ở vị trí nào bên kia biên giới. Khẩu đội cối di chuyển ra vị trí dự bị, cách đơn vị hơn 100 m ở phía ngoài. Mệnh lệnh được triển khai mỗi khẩu cối phải chuẩn bị hai mươi trái đạn. Bộ phận trinh sát được giao hỗ trợ cho bộ phận cối và mang đạn hỗ trợ cho anh em. Giữa làn đạn địch, chúng tôi lao nhanh về hướng khẩu đội cối của C8, và nhanh chóng truyền đạt mệnh lệnh. Nhận lệnh xong anh em cối mang vác các bộ phận rời khỏi trận địa, trinh sát mang theo mỗi người bốn quả cối. Trận địa dự bị là một trảng trống cạnh một con suối, ban ngày có hai chiến sĩ của ta canh gác, ban đêm có một tổ phục. Phải thừa nhận cối của chúng bắn khá chính xác, tất cả đều rơi trong đơn vị, nhiều nhất là rơi vào trận địa cối 82 của ta không quả nào rơi phía ngoài đường vành khăn. Chứng tỏ chúng bám và theo dõi các vị trí của ta rất cụ thể. Băng qua các đoạn hào ngầm thì tới khu vực suối, cả khẩu đội cối 82 và 120 chuẩn bị, những hố pháo chưa bao giờ sử dụng phía dưới đọng nước nhão nhẹt anh em phải sửa lại một lúc mới giá cối lên được.

Từ bên kia biên giới khoảng năm - sáu khẩu cối 82 vẫn đang thay nhau bắn một cách mãnh liệt về vị trí D2… cách 100 m bộ phận phía ngoài còn nghe cả tiếng gãy đổ của cây, và những mảnh đạn bay xào xạc.

Chúng tập kích trong khoảng một giờ thì chúng ngưng. Phía trong, anh em ta khẩn trương vận động, chiếm lĩnh các vị trí xung yếu của toàn tuyến giao thông hào chuẩn bị đón đánh đợt tập kích bằng bộ binh của chúng.

Năm… mười… mười lăm… phút trôi qua.

Cả khu vực vẫn im lìm không động tĩnh. Chốt của D2 bây giờ ngổn ngang cây đổ, nhà che hầm có bốn căn vẫn còn đang cháy âm ỉ, đất bị cày xới và các đoạn hào bị hư hao rất nặng. May mà anh em ta không việc gì, vì toàn bộ chốt này bằng hầm âm sâu khoảng 4 m các cột bằng thân cây Lim đường kính 30 – 40 cm, phía trên lót khoảng 1 m bằng cây, trên nữa lấp đất dày khoảng 2 m.

Từ BCH D2 chúng tôi được biết anh em C19 vận tải của e95 đang vận chuyển hàng ra chốt, vì địch tập kích cối nên anh em phải chốt lại ngoài rừng, cách D2 khoảng hơn cây số. Bộ phận trinh sát rời khỏi trận địa và men theo con đường để bắt liên lạc với bộ phận phía sau.

Khoảng hơn ba mươi anh em đang mở đường về chốt của D2 (không đi trên đường mòn), bao gồm C19 và một bộ phận bộ binh của C1 D10 đi bảo vệ, chúng tôi nhận ra nhau khi cách D2 chừng hơn 300 m, toàn bộ hàng được bỏ lại ngoài rừng và đội hình vận tải được bổ sung vào bộ phận bảo vệ khẩu đội cối. Hai trận địa cối lúc này chúng ta có khoảng gần năm mươi người và tranh thủ sửa sang lại phần xạ giới cho thoáng.

Chúng chỉ tập kích bằng cối chứ không tấn công bằng bộ binh.

Hàng hóa anh em chuyển ra cơ bản là muối và mắm kem, thịt heo hộp Hạ Long Hải Phòng, và có khoảng vài gùi rau, rau muống, rau lang, lá khoai mì, đậu đỏ dùng làm giá. Lá khoai mì anh em ta muối dưa vì nghe đâu chúng rất độc, nhưng khi xào với thịt hộp thì cũng ngon ra phết. C15 Công binh và C16 DKZ của e95 hỗ trợ D2 vài miếng da nai khô.

Đêm đó bộ phận cối vẫn nằm phía ngoài do anh em D10 bảo vệ.

Mỗi lần có anh em từ trong E bộ ra, ai cũng thấy chốt ấm lại, thêm được vài chục tay súng là rất quý. Những ca gác sẽ ngắn lại và không khí bớt phần lạnh lẽo. Đêm xuống, dưới hầm… tin tức sốt dẻo ở hậu cứ và tình hình của các đơn vị khác là những câu chuyện nóng hổi. Vui nhất là có chút khói thuốc và ấm trà tỏa mùi thơm, cùng những cánh thư từ quê nhà. Anh em đồng hương đồng khói cũng chả có gì để biếu nhau, có khi chỉ là một hũ ớt, tỏi, hành ngâm với nước muối để ăn dần cũng rất là quý. Không hiểu sao ngay cả hương vị trái ớt cũng thèm, mỗi bữa ăn cả A chỉ được dùng vài trái. Trung đoàn 95 có C16 nổi tiếng là đơn vị trồng nhiều ớt nhất. Khi nghe tin có đoàn ra D2, anh em trong E bộ và D10 và khối các C trực thuộc đóng quân gần đó, cũng tìm cách kiếm rau hay bất cứ cái gì mà chốt D2 cần gửi ra. Tôi được anh Lập C trưởng trinh sát 95 gửi cho hai gói Samit và hai bánh thuốc rê Kulen… Quý vô cùng.

Bữa cơm chiều… những đặc sản từ trong E bộ mang ra bày biện khắp bàn ăn. Bát nước trà thơm bốc khói… khói thuốc bay lên ngoằn ngèo giữa không trung. Quá tuyệt… Những gương mặt tươi tỉnh… Cho đời bớt khổ.

ĐÀI QUAN SÁT D2 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH.

Sau trận địch tập kích cối vào đơn vị D bộ. BCH D2 buộc phải có một phương án đánh địch mới, khắc phục tình trạng ta bị động. Thực tế thì ta không phải bị động nhưng vấn đề là “làn ranh biên giới.” Kinh nghiệm chiến tranh được vận dụng đến mức tối đa: lập đài quan sát.

D trưởng D2 quyết định đi tìm vị trí thích hợp để đặt đài quan sát.

Bộ phận tiền trạm bao gồm D trưởng D2, trợ lí tác chiến của D, C phó C5 và C trưởng C8, khẩu đội trưởng DKZ, cùng trinh sát của F và E và anh em bộ binh c5.

Từ d bộ d2 chúng tôi hành quân đến vị trí, qua các bãi tráng và bám theo các bình độ để tiếp cận dãy yên ngựa. Đội hình hơn ba mươi người trang bị nhẹ để việc leo trèo được dễ dàng… lầm lũi từng bước từng bước… Những vách đá gần như là dựng đứng, bọc quanh các kẽ hở của vách đá là rễ cây ngũ gia bì và thân của những dây leo. Trinh sát và trợ lí tác chiến leo đầu tiên mở đường. Phải bám, đu vào các thân cây, bò men theo các vực đá thậm chí phải đu dây sóng rắn, dây ngũ gia bì để chuyền từ vách này sang vách kia như một con khỉ. Thực hiện những động tác này theo kinh nghiệm, là đừng nhìn xuống vực sâu dễ tạo tâm lí sợ sệt…và thực tế, nhiều anh em bộ binh khi ôm dây ngũ gia bì mà run như cầy sấy. Khu vực này trái hồng dẹt rất nhiều, chín vàng từng chùm trông rất bắt mắt (hồng có hai loại, loại như trái thanh trà và hồng tròn. Hồng dẹt nhỏ trái nhưng thơm và ngọt. Hồng tròn thì to quả nhưng độ ngọt không bằng hồng dẹt). Phải mất hơn hai giờ leo trèo như khỉ, bộ phận tiền trạm mời đến đỉnh của dãy yên ngựa. Hoang sơ, nguyên thủy và vắng lặng… chưa có bàn chân người đặt chân lên mỏm đá này. Sau hơn một giờ vòng quanh tìm địa thế, cuối cùng cũng tìm được một vị trí thích hợp.

Đài quan sát là một mỏm đồi nhỏ, diện tích bằng phẳng có thể sinh hoạt chừng 30 m2 ở hướng đông cao điểm 428, nó là mỏm đồi vì nằm trên yên ngựa có bình độ cao nhất nhì trong địa bàn đứng chân của D2. Đứng trên đỉnh đồi này có thể quan sát được toàn bộ khu vực D bộ D2 và một phần bình độ chân của 428. Điểm độc đáo của vị trí này, là phía bên kia biên giới muốn leo lên được mỏm đồi này, phải vượt qua nhiều vách đá dựng đứng. Nhưng bên đất K thì thoải hơn có thể leo lên nhờ các rễ bám của cây ngũ gia bì vào các khe đá. Hướng bắc mỏm đồi nhìn về đất Thái rất rõ do độ cao của nó.

Sau khi chọn xong vị trí, trinh sát cài lại khoảng hơn mười trái mìn KP2 quanh khu vực, đánh dấu các vị trí có mìn và quay lại tìm đường xuống, vì từ đỉnh đồi và yên ngựa có một độ vênh khá lớn. Để đảm bảo cho việc di chuyển sau này bắt buộc chúng ta phải chọn ra một con đường lên xuống phù hợp, có thể vận động được và điều cực kì quan trọng là yếu tố bí mật, làm sao cho địch khó phát hiện.

Vị trí cơ động được chọn ở phía tây của mỏm đồi, hơi lệch về bên kia biên giới một chút, độ dốc thoai thoải dễ đi, và chỉ có một vách đứng không nguy hiểm lắm (sau này ta làm thang tre lồ ô bám vào vách để lên xuống).

Trên đường trở về ta xóa mọi dấu vết, không để cho địch phát hiện. Đội hình vẫn men theo các bình độ và trở về khu vực d bộ d2.

Sau nhiều ngày bàn thảo và được e95 chấp thuận, ta bố trí một khẩu DKZ 75 với cơ số ban đầu năm mươi viên đạn, một tổ trinh sát có trang bị ống nhòm loại tốt để theo dõi tình hình. Từ vị trí này ta đã khống chế mức độ tập kích bằng cối của địch vào các vị trí của d2, tạo điều kiện cho các bước “đột phá” sau này của đội hình e95. Thuận lợi cho tác chiến, nhưng về mặt bảo đảm hậu cần, sự chi viện cho đài quan sát khi cần thiết, quả là nan giải khi chỉ có mười lăm con người trên một chốt tiền tiêu nóng bỏng nhất, của những tháng cuối mùa mưa năm 1980 đầu mùa khô 1981.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3