Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 4) - Chương 13 - 14 - 15 - 16

… LỜI HẸN THỀ LÀ NHỮNG CƠN MƯA...

Có một điều kì lạ... năm 1981 mùa mưa kéo dài, và mưa phùn dai dẳng cả nửa tháng trời. Trong những ngày mưa bay bay, mờ mờ, ảo ảo như sương khói ấy... tôi cũng mềm lòng, khi nhớ đến những cơn mưa phùn gió bấc nơi quê nhà. Một người tình đã bỏ ra đi, khi chiến chinh vẫn là điều hằng ngày phải đối mặt.

Một dòng hồi niệm về mùa mưa năm ấy. Choamkhsant - Preah Vihear.

*****

Những cơn mưa phùn miền cực bắc Campuchia. Trên bậc thứ tư của ngôi chùa Preah Vihear hùng vĩ nhìn về hướng đông đất mẹ Việt Nam. Toàn cảnh tỉnh Preah Vihear… chỉ một màu xanh tận chân trời.

“Anh đã gặp em cũng vào một buổi sáng mưa phùn tháng sáu âm lịch, cùng nhau chở những tấn muối cuối cùng, của mùa muối năm 1977 về kho của công ty ở xã Mỹ Thành. Sau chuyến đi đó, anh ra đi và đi mãi...

Thiên nhiên đã tạo ra những cơn mưa vừa nhẹ, như một tấm vải bằng màn nước mờ mờ… làn nước bay bay trong gió, thành những luồng nước nghiêng nghiêng trên mặt nước đầm Đề Gi lăn tăn gợn sóng. Đôi mắt em thật đẹp, và phải công nhận nó đẹp gấp trăm lần, khi những hàng mi thiếu nữ cong vút kia, trăng trắng những hạt nước… và đúng hơn là những giọt sương trên đôi mắt em. Mặt nước và những hải sản của vùng biển này đã nuôi ta lớn khôn, hơi nước từ đây bốc lên... gặp những phản ứng... rồi lại rơi... đọng lại một làn hơi nước trên mắt em. Thiên nhiên quá tuyệt mĩ, cũng như tạo hóa đã sinh ra em như một thiên thần.

Nuối tiếc vô cùng mỗi khi em nháy cặp mắt long lanh, những hạt li ti sương nước rơi xuống, nhưng bù lại khi ấy, đôi mắt em trong trẻo và thơ ngây chứa đựng bao điều mộng mơ, và những điều không cần nói ai cũng hiểu.

Dáng em mờ ảo trong làn mưa phùn, như một điều gì huyền bí mà anh chưa nhìn ra, và tâm hồn em dưới cơn mưa qua đôi mắt, cũng là điều gì mờ ảo và lung linh.

Mưa vùng cực bắc, thường là những cơn mưa tối đất tối trời, nước chảy từ dãy Dangrek về như thác đổ… và cũng công bằng thay… có những cơn mưa phùn... để cho anh cảm nhận lại một thời trong quá khứ… để anh nhớ đến nao lòng thương về đất mẹ… nơi ấy có những hạt mưa nhỏ bé, nhẹ như sương, đủ làm duyên cho những hàng mi thiếu nữ, để không một ai có thể quên đi xứ sở mình. Như thế cũng là đủ.

Và rồi em đã bước qua cuộc đời anh… cũng mong manh… cũng chợt tan… cũng chợt ẩn hiện đâu đó một nỗi nhớ thương… cũng mờ mờ dưới mưa... như con thuyền năm xưa trên bãi biển quê nhà.

Thôi cũng xin cảm ơn đời, cảm ơn những cơn mưa phùn nhè nhẹ, đã cho Anh một niềm cảm xúc ngắn ngủi… để chỉ một lần thốt lên “Thuở anh yêu em, trinh trắng đến vô ngần.”

NHỮNG ĐIỀU ĐÃ RÕ PHÍA TRƯỚC CỔNG CHÙA PREAH VIHEAR.

Khu đất chúng tăng gia là một khu đất tranh, trống trải xung quanh là các bãi đá. Chúng trồng toàn là bắp và cây đang ra trái non. Từ khu vực này tôi lấy địa bàn gióng về vị trí cột cờ của C3, xác định hướng và chọn cây cám trái to (loại quả to bằng cái bát) làm mục tiêu chuẩn.

Một số tên đang làm cỏ và số khác đang chặt một số cây non xung quanh. Bọn chúng cũng rách nát tả tơi, nhiều thằng mặc quần đùi để làm. Do cách bãi tráng nên không thể nào vượt qua được, chúng tôi phải lùi ra xa để chờ đêm đến vượt qua bãi tráng, tiếp cận với đồn biên phòng của Thái. Thực tế trên bản đồ thì nữa cái bãi đá này là đất K (bản đồ 1/ 100.000 theo hệ thống chiếu UTM chụp năm 1971), nhưng chẳng hiểu sao Thái Lan lại xây dựng đồn biên phòng ở đây.

Vị trí đồn biên phòng của Thái lan nằm ở cuối dãy yên ngựa, nếu nhìn bằng mắt thường từ Vườn Xoài của d1.

Khoảng hơn chín giờ đêm anh em vượt qua bãi tráng từng người một. Nhìn về hướng d bộ d1 trên chùa, thấy có mấy ánh đèn pin đi lại... chúng tôi biết anh em bên đó đã sẵn sàng... nếu có tình huống xấu.

Cuối bãi đá là con đường trải nhựa bề rộng khoảng 4 – 5 m, mặt phẳng lì, con đường này chạy thẳng lên đến cổng chùa, ngay tại vị trí ta treo cờ năm 1979. (Khi chiếm xong chùa ta chẳng biết treo cờ gì, lúc đó chưa chắc ai đã biết cờ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc Cứu nước Campuchia ra sao, và ta tranh thủ chỉ treo lá cờ màu đỏ).

Đồn biên phòng của Thái xây dựng tương đối bài bản, có lô cốt tròn và lỗ châu mai đàng hoàng. Toàn bộ lính biên phòng của Thái đều ở trong các lô cốt này. Hàng ngày chỉ có vài thằng ra chỗ cái barier gác và kiểm tra chung quanh, trước mặt B3 của C3 chỉ chừng hơn 100 m.

Sáng hôm sau, khi đã quan sát toàn bộ địa hình khu vực của cả hai khu vực Thái – Pốt, nắm được cách hoạt động của chúng, tổ nhận được lệnh quay về theo đường bình độ và ra đường vận động số 1 (đường chính lên chùa) từ phía đất K.

Đây là con đường mà sau này trinh sát e95, đã dùng lực lượng vượt qua và chặn đánh các đoàn xe tiếp tế của Pốt, rừng giáp với vực đá luôn rậm rạp và chỉ cần vượt qua vực đá, là ta đã tiếp cận với con đường nhựa của chúng.

Về đến chùa an toàn, ngày hôm sau bộ phận trinh sát và Trợ lí tác chiến e95, đứng ngay tại trụ cờ, xác định các vị trí của địch, và lập phương án tác chiến.

Phương án được thông qua như sau:

1. Trinh sát và công binh e95 sẽ mở một con đường từ vị trí phía bắc của chùa, tiếp cận với con đường của địch có bề ngang khoảng 4 m. Công binh rà và gỡ mìn của Thái gài trên khu vực (chúng dùng mìn Râu tôm ba chấu M18- A1) để thông đường.

2. Đây là con đường bí mật chỉ sử dụng khi thật cần thiết, vì lực lượng đánh chặn chúng vẫn là bộ phận theo bình độ phía dưới chùa (đường chúng tôi đi). Lực lượng trên chùa chỉ hỗ trợ hỏa lực khi cần thiết, vào các khu vực của địch.

Như vậy toàn bộ lực lượng và sự bố trí của Thái Lan + Pốt, xung quanh khu vực cái barier không còn là điều bí mật. Các vị trí của chúng đã nằm trong tầm ngắm các loại hỏa lực của ta.

Trên hướng của anh Trung (C trưởng trinh sát F), trinh sát khu vực cao điểm 671, ta cũng phát hiện địch tăng cường tạo hành lang vận chuyển vũ khí, về sâu trong nội địa theo lộ trình: làng Chanh – Kamtuot – Choamkhsant – Kulen – núi Hồng (thuộc phạm vi Đoàn 5504 của thành viên QSVN bmtthaoanh@).

Giữa mùa mưa như thác đổ… toàn bộ lực lượng của e95 tăng cường cho d1, hoạt động trên một khu vực khá rộng với những diễn biến phức tạp.

Trinh sát e95 và lực lượng của c2, tung quân chặn đánh làm sạch địa bàn phía tây chùa, trinh sát f và anh em d3 tung quân về hướng 671 tiếp giáp với 547 dọc dãy Dangrek. Mục đích không cho chúng vận chuyển vũ khí, chuẩn bị địa hình cho những trận đánh sau này, nhất là trận đánh 547 đầu tiên, do d3 đảm nhiệm, dưới sự chỉ huy của Đại úy Trần Bá Khánh E trưởng e95.

Trận đánh hầu như đã trang bị lại vũ khí và đạn dược mới cho e95. Áo Pốt lần đầu tiên xuất hiện với số lượng nhiều...

HÀNH TRÌNH 606 – 671 – 547.

Sau khi xác định chắc chắn vị trí, cách bố trí của lực luợng Thái và Pốt ở khu vực trước cổng chùa Preah Vihear. Chúng ta chuyển hướng vì nơi này chưa có lệnh để tính sổ. Nhằm hạn chế đến mức tối đa hoạt động của chúng trong mùa mưa 1981. Mùa mưa đầu tiên sau năm 1979, chúng dùng lực lượng tấn công quấy nhiễu, cũng như dùng loại mìn mới 65 – 2A trên địa bàn, bước đầu gây cho ta nhiều tổn thất vì mìn. Cả sư đoàn 307 như ngồi trên đống lửa, nhất là địa bàn của e29 và e95.

Thời gian này, BCH e95 có một số thay đổi về nhân sự cấp trung đoàn. D trưởng d1 Trần Bá Khánh về làm TMT e95. Là một cán bộ từng trải trên tuyến đầu của đội hình sư đoàn, với cưong vị hiện tại, vị TMT này đã có những suy nghĩ thức thời, giải quyết tình hình trên địa bàn của e95.

Điều đầu tiên mà ông quan tâm, là giải quyết địa bàn trên dọc tuyến biên giới từ cao điểm 606, qua cao điểm 671 và cuối cùng là cao điểm 547. Theo phán đoán của ta, thì các điểm này chính là cửa khẩu của chúng tuồn hàng vào nội địa.

Thời đó, mỗi trung đoàn có một D làm lực lượng cơ động. E95 chỉ còn d3 là có thể cơ động làm nhiệm vụ của trung đoàn. Do lực lượng địch chưa mạnh lắm, cơ bản vẫn là đánh du kích. D3 đã dồn toàn bộ lực lượng cho đợt công tác này. C12 hỏa lực của d3 trang bị như một c bộ binh thực sự và hỏa lực mạnh nhất là B40, B41.

Bộ phận trinh sát f phối thuộc với c9 và một bộ phận của c11 đi về hướng 547 do d phó d3 Thìn phụ trách.

Vẫn đang là mùa mưa… bầu trời trắng xóa và xám xịt… những khu rừng già dày đặc. Đội hình tiến về phía trước với muôn vàn khó khăn. Cả ngày uớt như con chuột lột, ban đêm thay ra phơi trên đầu võng, mặc bộ đồ khô ngủ. Những cơn mưa rừng kèm theo gió, lật tung những mái tăng, bộ đồ ngủ cũng không còn khô được nữa. Anh nuôi dù đã cố gắng hết sức, cũng không thể có những bữa cơm đàng hoàng. Việc cơm sống, uống nước suối là chuyện thường tình. Những anh em bị sốt, cũng được những anh em khỏe dìu dắt vuợt qua cơn sốt tiến theo đội hình. Ban đêm mình mẩy nóng như lửa đốt, và nửa đêm lên cơn lạnh đến xuơng tủy. Những cơn co giật, những tiếng rên hầm hừ suốt cả đêm. Cả đội hình gần như không ngủ được.

Ngày hôm sau vẫn tiếp tục cuộc hành quân…

Giờ đây, khi gõ lại những dòng này tôi cũng chẳng hiểu sao ngày ấy bộ đội ta có thể vuợt qua những cơn sốt rừng như vậy.

Qua hai ngày vuợt qua những gian nan, đội hình cũng tiếp cận được với bình độ của cao điểm 547. Điểm dừng chân là một Phum nhỏ không có trên bản đồ thời đó. Phum này có khoảng hơn bốn mươi nhà tranh, xung quanh trồng toàn là chanh và bưởi. Nhìn dấu đường xe bò của địch, chúng tôi hình dung là đường này dẫn về Phum Kamtuot.

Quan sát địa hình, anh Thìn triển khai lực lượng xung quanh Phum, chứ không ở trong Phum, đội hình chia thành ba khu vực quay về đất Thái Lan.

Ngày hôm sau, tổ trinh sát phối thuộc cùng hơn chục anh em c11, đi trinh sát các khu vực của các điểm xung quanh 547. Càng đi về hướng chân núi Dangrek, địa hình càng phức tạp. Bình độ nhấp nhô trơn trượt, nước từ các dốc cao chảy về,làm cho đội hình trinh sát không thể đi xa hơn.

Đội hình chốt và tuần tra xung quanh ba ngày nữa, không phát hiện gì nên đội hình rút về theo hướng trực chỉ Phum Kamtuot. Trên đường về, chúng tôi mới phát hiện dấu xe bò mới tinh của địch. Từ đó vị trí cao điểm 547 chính thức đưa vào danh mục tác chiến của sư đoàn.

Từ sự thiếu sót khách quan này mà cuối mùa khô năm đó, chúng tôi phát hiện địch tập trung nơi này cả trăm quân chính quy, chỉ cách chỗ bọn tôi trinh sát ở mùa mưa chưa đầy 2 km. Có doanh trại hẳn hoi như một căn cứ lớn.

Và trận đánh căn cứ 547 lần đầu tiên: Cuối mùa khô năm 1981.

MỎM ĐÁ ĐỒI 500 CÓ KHẨU DKZ CỦA PỐT. NGÀY MAI ANH EM TAO SẼ HỐT MẦY.

Cũng như các cao điểm nằm dọc theo dãy Dangrek,. Hướng đi về đất Thái thì thoai thoải, phía từ hướng K lên thì vách đá dựng đứng. Từ xa nhìn phát khiếp.

Cao điểm 500 là một trong những điểm quái ác nhất, trong toàn tuyến biên giới do sư đoàn 307 đảm nhiệm khi nói về độ đứng của vách đá. Chỉ thua căn cứ 547.

Qua ba lần trinh sát (một lần có trinh sát của D407 Đặc công) anh em ai cũng ngán ngẩm. Lần một kiểm tra địa hình chọn địa điểm leo. Lần hai có trinh sát đặc công đi cùng, chính thức leo thử một đoạn (phía trên có trinh sát bộ binh bảo vệ). Lần ba thực hành của đặc công.

Địch không đóng cố định ở vị trí này. Lâu lâu chúng thấy chán sống, nên đem súng lên bắn vào các vị trí của ta theo dọc lộ 120 như Vuờn xoài D1, C13 cối 120 của E95 và C11 của D3. Đã có một lần đội hình gùi hàng ra chốt của C1, do có một anh không đội mũ, chỉ lấy khăn mặt trắng chụp trên đầu. Chúng phát hiện và tương cho ba quả DKZ, nhưng do địa hình tre rừng dày đặc, nên anh em không ai việc gì. Nhưng từ lần đó lính C1 hoảng tới già không dám quấn khăn lên đầu thay mũ.

Đợt ấy đài quan sát C1 phát hiện “địch xuất hiện phía bên kia chân 500, chúng mang vác thứ gì nặng nề lắm.” Nhận được báo cáo của E95. BTM sư đoàn tức tốc đưa bộ phận đặc công từ F bộ lên… phối hợp cùng trinh sát của F và của e95, quyết tâm lấy khẩu DKZ này của địch. Nhiệm vụ phân công khá rõ ràng:

+ Trinh sát e95 đi hướng đài quan sát của c1 cắt ngang bình độ 200 dưới chân 500, nằm phục địch và nắm tình hình. Bộ phận này do anh Bửu C phó TS e95 chỉ huy.

+ Trinh sát f và anh em đặc công tập kết từ chốt đồi 300 của c11 d3 và tiếp cận vách đá nghiêng về hướng đông (rừng khu này rậm hơn, độ dốc không đứng lắm và nhiều dây leo bám trong đá, nhất là cây ngũ gia bì).

Do chúng quan sát thấy anh em C15 công binh của e95 dùng máy cưa phát quang hai bên đường ra chốt c1 (không chế việc chúng lợi dụng rừng rậm phục, cắt dây hữu tuyến của thông tin, gài mìn trên đường) nên chúng mang DKZ đặt trên đồi để tấn công bộ phận này.

Vì điểm tập kết đồi 300 đến vách đá khó khăn nên anh em hướng này tiếp cận sớm. Xuất phát lúc khoảng ba giờ chiều (bộ phận Ts e95 xuất phát muộn hơn để giữ bí mật).

Toàn bộ đội hình mũi đánh được trang bị nhẹ AK + hai trăm đạn + hai lựu đạn / ngưòi. (có bốn ống bộc phá)

Đội hình gồm mười bảy ngườido tôi phụ trách.

Đặc công 407: bảy (có hai trinh sát).

Trinh sát F307: mười.

Chính thức tham gia leo núi mười hai. Bảo vệ đường rút phía dưới chân vách đá: năm. (Ts f307).

Bữa ăn chiều là phong lương khô 781 và nước trà nóng. Trời chập tối, đội hình bắt đầu leo núi.

Gian nan thật… vẫn còn mùa mưa nên rong rêu bám trên mặt đá còn nhiều, nhiều chỗ nước từ trong các hốc đá chảy ra uớt ngưòi, nhưng là món giải khát mát lạnh tuyệt vời… Đội hình dàn hàng ngang leo chậm rãi và cẩn thận, chỉ cần một cái truợt chân thì mọi điều xấu sẽ xảy ra. Lầm lũi bám từng rễ cây, cành cây ngũ gia bì bám trong các rãnh đá…

Sau hơn một giờ leo núi khi đến lưng chừng vách đá. Anh em ta nghỉ lấy sức, vốc những vốc nước tỏa vào mặt mát lạnh… và cứ thế vài lần thì đỉnh đồi xuất hiện một khoảng trời trống.

Nghỉ lấy sức đoạn cuối cùng… bắt đầu phân chia các điểm tiếp cận… vẫn âm thầm và lặng lẽ.

Sức trẻ cùng với bản năng sinh tồn của con ngườitrỗi dậy, sẽ vuợt qua tất cả những trở ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Khi toàn bộ đội hình đã chiếm lĩnh những bậc đá cuối cùng của cao điểm, gió lộng mát rượi chỉ vài phút những tấm lưng uớt đẫm mồ hôi sẽ khô trong tức khắc. Không chần chừ giây phút nào, anh em tỏa ra các vị trí và nghỉ ngơi lấy sức tại các vị trí có địa hình thuận lợi. Ta bố trí toàn bộ đội hình quay mặt về hướng đài quan sát c1.

Mặt trời hừng sáng ở hướng đông…

Kiểm tra đội hình lần cuối đúng như sa bàn ở nhà đã xác định. Chờ đợi… giờ G..

Trước khi xuất quân từ chốt 300 có một anh lính đặc công quê ở Quảng Bình nhìn lên đỉnh 500 và bảo “Đ… M… chúng ông sẽ hốt mầy.” Tôi nghe anh nói và phì cười cho việc dùng từ xưng hô “chúng ông.” Ngồi nhìn từng vừng sáng đang lộ dần từ hướng đông. Tôi nhớ lại câu nói này của anh chàng Đặc công này. Đó chính là nhiệm vụ của trận đánh này.

Trời sáng dần rõ mặt… một bãi đá rộng và bằng phẳng. Tại điểm nhô ra của mỏm đá ngoài cùng còn sót lại mấy cái vỏ DKZ. Nhìn qua các vị trí xung quanh tôi thấy đấu của anh em trùm mũ đặc công thấp thó sau các tảng đá và lùm cây…

Vẫn lặng thinh như tờ không nghe động tĩnh gì… Phía dưói chân đồi tôi nghe tiếng cưa của anh em C15 công binh đang đổ cây ầm ầm (thực ra anh em đều có hầm nấp xung quanh các cây đổ, và luân phiên đổ ở diện rộng chứ không tập trung như khi trước).

... Hai thằng ma đói xuất hiện... gùi mỗi thằng hai ống đạn… Bốn thằng khiêng cái nòng có cục u phía sau và chân bằng cây lồ ô to gác chữ thập (nhìn cũng hơi nặng)… Hai thằng gùi đạn lại quay xuống và tiếp tục chuyển đạn lên bãi đá.

Anh Khách đặc công (b phó lính Quảng Nam, nhập ngũ 1978) nháy tôi và ra hiệu vòng tay (ám chỉ bắt sống)… Nhìn lại đội hình ta mỏng, chưa nắm được thực chất quân số của địch… địa hình hiểm trở bắt sống thì dẫn đi đường nào, lỡ có lực lượng địch ứng cứu thì sao? Những ý nghĩ thoáng qua liên tục trong đầu… Cuối cùng tôi quyết định nổ súng tấn công chứ không thể bắt sống được… điều này không cần thiết cho lắm. Tôi quyết định như vậy.

Chúng nhanh chóng giá súng, quay nòng về hướng chân chùa. Những tên gùi đạn vẫn tiếp tục chuyển lên. Do không tiếp cận được với khu hang đá chúng dấu đạn nên không biết chắc quân số của chúng.

Khi đống đạn được hơn mười quả. Có hai thằng một già một trẻ đứng nhìn về hướng anh em ta cưa cây. Hai thằng kia đang lót mấy nùi giẻ dưới chân của khẩu DKZ và phía sau có vài tên đang nhấp nhô đưa đạn lên… Tôi ra lệnh nổ súng.

Loạt đạn đầu tiên của anh Khách và một anh nữa tiễn đưa hai thằng đứng ngoài bìa về chầu Diêm vuơng. Anh bắn khá chắc và điềm tĩnh. Thằng lính trẻ bị loạt đạn ngang ngực, chỉ la một tiếng và đổ sụm xuống bãi đá và rơi xuống vực đá phía dưói chừng 2 m gác ngườitrên thân cây dâu rừng. Thằng lính già giật nẩy ngưòi, chỉ kêu một tiếng và đứt luôn vì trúng toàn bộ ba lằn đạn từ ngực trở lên. Hai thằng lo cái chân đế của khẩu DKZ bị khoảng bốn anh em quất liên tục những tràng AK và chết ngay tại chỗ, cắm đầu vào khẩu DKZ máu và óc phun dính đầy nòng và chân đế. Phía dưói đuôi của tảng đá anh em ta cũng nổ súng và diệt tên địch đang gùi ba quả đạn… Có vài tên chạy thoát do chúng chưa lên hết bề mặt của bãi đá.

Đội hình phía trên nhào ra đường thu ba khẩu súng (một thằng không mang súng) và phía dưói anh Thành (TS f) cũng ra thu khẩu AK của địch.

Anh Khách khẩn trương cột ống bộc phá vào chân khẩu DKZ. Các anh em còn lại dồn các quả đạn vào một cái hố tròn tự nhiên của bãi đá. Sau khi anh em đã ẩn nấp an toàn dưới các vách đá an toàn, anh Khách thả hai ống chất nổ vào nòng của khẩu DKZ, và anh đặc công khác thả một ống bộc phá vào hố đá chứa đạn… xong hai anh nhanh chóng lăn xuống vực đá gần đó.

Ánh chớp lóe lên… Một tiếng nổ long trời, mảnh đá vụn bay nghe rào rào, táng vào các thân cây rớt xuống nghe lộp bộp. Tôi, anh Khách và hai chiến sĩ Đặc công chạy nhanh lên kiểm tra. Toàn bộ nòng khầu súng bị toác ra, chân đế văng qua một bên gần rớt xuống vực. Hai thằng địch nằm cạnh chân của khẩu DKZ chả biết nó văng đi đâu không thấy xác nữa.

Tôi quay nòng khầu AK về hướng anh em cưa cây phía dưói, bắn điểm xạ ba loạt, mỗi loạt hai viên. (Ám hiệu làm chủ trận địa, cối 82 đặt tại chốt C1 bắn cầm chừng sáu trái về phía bên kia biên giới, và anh em TS e95 chuyển từ thế phục đám địch rút chạy, sang thế chận đánh quân chi viện nếu có (tình huống này không xảy ra).

Toàn bộ đội hình rút nhanh về hướng đài quan sát c1. Hơn nửa giờ sau, chúng tôi được anh em c1 đón ở bãi đá bình độ 200. Anh em trinh sát e95 sau đó cũng rút nhanh về hướng chốt 300 của C11 D3.

Sau trận này, địch không dám đặt hỏa lực ở mỏm đồi này nữa. chúng chuyển sang dùng cối 82 đặt ở bên kia biên giới bắn liên tục vào vị trí của chốt C1.

P/ S: Bản đồ phía dưói Rongxanh cung cấp rất chính xác. Xin cảm ơn Rồng. Mỏm 500 do Bichuoi cung cấp, vì quá nhỏ nên Rồng không thực hiện được như ý của người viết.