Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 5) - Chương 01 - 02 - 03
Tập 5:
Biên giới Tây nam - Chùa Prết Vi Hia năm tháng khó khăn của chiến trường (tt)
CÂU CHUYỆN THU ĐỒ CỔ.
Phải thừa nhận rằng sau khi f307 hoàn thành mục tiêu của chiến dịch. Đội hình F rải trên toàn tỉnh Preah Vihear. Quân trang anh em ta ngày đó vô cùng thiếu thốn và khó khăn trăm bề.
Sau khi trận đánh kết thúc, nhìn dãy nhà kho của địch với bao nhiêu hàng hóa vô cùng quý giá, lính nhà ta phải dứng trước sự chọn lựa vô cùng khó khăn. Thứ gì cũng cần và thứ gì cũng quý, nhưng sức người thì có hạn.
Tổng kho gồm có những thứ như sau:
+ Võng hai lớp bằng nilon mỏng.
+ Áo Pốt.
+ Màn tuyn, mền (chăn) nỉ cá nhân màu nhà binh.
+ Kho vải hoa (loại may xà rông).
+ Kho thực phẩm như thịt hộp, cá hộp, mì tôm, bột ngọt cánh lớn của Thái.
+ Thuốc tây toàn là hàng Trung Quốc và có một số là của USA.
+ Kho vũ khí và đạn dược (lượng này hơi ít).
Anh em d3 e95 nhờ trận đánh trước, thu khá nhiều đồ cổ quân tư trang rồi, nên lúc này nhìn áo Pốt cũng không cần thiết lắm. Chỉ chú trọng võng nilon hai lớp, mền màn tuyn…
Chỉ có anh em d10 và e94 thì hầu như cái gì cũng muốn, vì chưa bao giờ tham gia trận đánh, có quá nhiều chiến lợi phẩm như vậy.
Kho vải hoa với hàng trăm cây dựng đứng trong kho… anh em chỉ tranh thủ kiếm mỗi người một ít thước về may quần đùi. Sau này khi về Kamtuot và Choamkhsant công tác, tôi thấy khá nhiều chị em K mang xà rông vải này. Có lẽ là sự trao đổi hai chiều của nền kinh tế thị trường, sự lưu thông hàng hóa chăng?
Nhìn anh em e94 ban đầu lấy nhiều thứ, khi ra khỏi khu vực thì vướng, nên bỏ cái nầy lấy cái kia. Rồi lát sau, lấy lại cái kia, bỏ cái nọ... nhìn rất buồn cười.
Lính trinh sát do được ưu tiên nhiều nên võng, mền, vải chúng tôi chả thiết lấy. Vì lấy để làm gì bây giờ? Tôi nói với anh em trinh sát, chỉ thu lấy một ít thịt hộp và cơ bản là bột ngọt. Những thứ này là thực phẩm chính của lính. Bộ phận trinh sát mang ba lô nhẹ hơn BB, nên hầu như ba lô anh nào cũng toàn thịt hộp và bột ngọt. Mỗi anh khoảng ba mươi – bốn mươi bịch bột ngọt.
Do biết một ít vốn tiếng Anh, và nhiều lần nhận thuốc đi tác chiến, nên tôi biết khá nhiều thuốc Tây. Tất cả các loại thuốc kháng sinh (tên có đuôi là line… cine…) tôi hốt sạch.
Khổ sở cho bộ phận công binh sư đoàn, phải gom mọi thứ của anh em đã xử lí để chất thành đống, làm mồi lửa cho lễ hóa kiếp của hơn tám mươi thằng Pốt “theo đúng phong tục” của người dân K.
Rời khỏi vị trí chừng hơn cây số, gặp anh em hỏa lực DKZ từ các cao điểm đang mang vác súng ống xuống, lính ta lại có một đợt phân phối lại theo nhu cầu cho bộ phận này (có lẽ khi thu đồ cổ, lính ta đã tính tới phương án này. Thực chất thì giữa lính BB và bộ phận Hỏa lực hấu hết là đồng hương của nhau).
Nhìn những gương mặt rạng ngời của anh em hỏa lực (lính rách nát nhất của các đơn vị) ai cũng chạnh lòng. Chia nhau từng mét vải hoa, từng lon thịt… cái gì cũng quý cả.
Đại uý Khoa cũng đã mấy lần, định ra lệnh cho anh em lấy toàn bộ kho thuốc chuyển về. Nhưng nhìn lại, ai nấy cũng quần áo thiếu thốn, tấm chăn không có, tấm màn lại không, nên anh thôi ý định ấy.
Khi ra đến đường 120, lại có thêm chuyện giải quyết đồ cổ, trước khi đơn vị nào về hướng đơn vị nấy. Thì ra trong quá trình thu đồ cổ, lính ta có chuyện gửi nhau mang hộ.
Tôi thu được năm cái xà rông của một nữ Pốt rất đẹp. Không phải là loại vải hoa thường, mà là vải có thể may quần Tây được, có đường sọc kim tuyến.
Sau này rất nhiều anh ở e94 liên hệ để đổi, các bố định làm quà cho dân dịp tết cổ truyền của Campuchia. Từ ý tưởng của các bố, tôi cương quyết không chịu đổi. Sau này, Anh Hiệp CTV C14 E95 khi sang chia tay tôi, để trở về đơn vị sau đợt nằm viện F. Thấy tôi có mấy cái xà rông đẹp, anh nói hãy tặng cho vợ anh Nhàn, là trưởng Phum Kamtuot thuộc địa bàn của C14 E95 dịp tết của bạn. Vài tháng sau, đơn vị tôi nhận lại một con heo chừng 60 – 70 cân do vợ chồng anh Nhàn gửi biếu… nhưng bố Hiệp chơi trước hết gần phân nửa, lấy cớ là “chai hia.”
Và có lẽ, nói theo ngôn ngữ ngày nay thì “đồ cổ là một phần không thể thiếu của cuộc sống người lính.”
CĂN CỨ 547 MÁU VÀ HOA.
Trong đời mỗi người lính đều có những trận đánh, những địa danh, những xao động của tâm hồn mà không thể nào quên.
Với người lính F307, nhất là anh em trinh sát chịu trách nhiệm đoạn Anlongveng về đến tây cao điểm 428, thì căn cứ 547 mãi mãi không thể nào quên được.
Còn anh em BB trung đoàn 95 cũng cùng chung số phận như vậy. Người lính D3 không bỏ sót trận nào với những mức độ chiến đấu khác nhau.
Bức tường thành của dãy Dangrek ấy, với những vách đá dựng đứng, những bình độ nhấp nhô. Khốc liệt hơn, xung quanh nó không có nước khi bắt đầu vào mùa khô chứ chẳng cần giữa hay cuối mùa khô.
Liên tiếp từ các năm 1981 đến năm 1984 (năm tôi ra quân) đánh lớn, đánh nhỏ tới bốn lần. C trinh sát của F và của các E95, E94, E29 có lẽ không dưới năm mươi lần vòng qua vòng lại cái căn cứ quỷ quái này.
Từ khi nó chỉ là một căn cứ nhỏ, chừng vài kilômét vuông với quân số chừng hơn trăm tên, đến khi chúng trở thành căn cứ lớn, với độ dài cả chục kilômét, bề rộng ăn sâu vào nội địa K gần 5 km với quân số của hai sư đoàn thiếu (tôi không còn nhớ phiên hiệu).
Từ trận đánh của d3 E95 do Đại uý Trần bá Khánh chỉ huy đến cấp QK do một trong những vị tướng tài danh Nguyễn Chơn chỉ huy.
Từ khi nó còn sự che chở của nhà cầm quyền Thái Lan… và biết chắc là quân tình nguyện Việt Nam sẽ không vượt sang đất Thái. Cho đến khi đưa cả sư đoàn 307 vượt tràn qua biên giới, đánh tập hậu từ sân sau Phanom Bantung hỗ trợ cho E1F2 đánh vỗ mặt, và E143 F315 đánh giới hạn bên sườn trái.
Tàn chiến cuộc 547, C trinh sát của F mất đi ba mươi tư anh em, và bị thương giã từ cuộc chiến gần bằng con số hi sinh (Trinh sát thì con số hi sinh cao hơn bị thương, khác với anh em BB).
Trong những anh em ngã xuống có cả những chiến binh dạn dày trận mạc nhập ngũ 1978, đến những anh em mới bổ sung vào đơn vị đầu năm 1984 quê ở Tuy Hòa - Phú Yên.
Có những anh em là trinh sát F hi sinh, tôi đến nhận mặt… mới ngỡ ngàng là tân binh tôi chưa kịp biết mặt. Vì công tác triền miên, đến đợt bổ sung quân BTM F cứ cắt quân số và đưa về C (Anh Lê Sang nay ở Đức Linh – Bình Thuận cùng quê với anh em đơn vị E250 của bác Quyenkh nằm trong số này). Cán bộ thì phân tán ở các trung đoàn mỗi nơi một nhóm. Trong BCH có khi hơn một năm mới gặp mặt.
Từ trận đánh đầu tiên ta bao vây chúng… chúng không thể thoát ra khỏi giao thông hào trên hướng của C9D3… giao thông hào đầy máu và thịt của Pốt… những tên lính áo đen ngã gục hàng loạt trước nòng khẩu 12.7 của C12… những nắp hầm tung lên có hình hài của những tên Pốt bị hất tung… khi khẩu DKZ bắn chính diện lọt sâu vào hầm. Trận đánh phối thuộc cấp E do trung đoàn 95 chỉ huy chung, ta thu kho hậu cần của chúng. Sư đoàn phải huy động xe để chở chiến lợi phẩm về mất mấy ngày trời. Ba lô của lính nặng trĩu bột ngọt và thuốc Tây, những thứ rất cần cho cuộc sống, chả thiết tha gì đến quần áo vải vóc như mấy trận trước nữa.
Rồi đến lúc cả sư đoàn dồn binh lực đánh hai ngày trời vẫn không thủng nổi. Ngày thứ hai của cuộc chiến ta và chúng đánh vỗ mặt nhau từ chín giờ sáng đến gần ba giờ chiều… cả hai bên đều sức tàn lực kiệt…
Toàn sư đoàn phải lui quân, phía sau xe tăng chở nước cấp cứu cho đội hình chạy bương càn, để kịp thời gian bất chấp mìn của chúng.
Với lối phòng thủ nhiều tầng, nhiều độ cao khác nhau, bố trí hỏa lực trên các sườn đồi bao quanh căn cứ, thời tiết khắc nghiệt không thuận lợi. F307 đành phải từ xa đứng nhìn bức tường thành trên dãy Dangrek, và hẹn ngày tái ngộ.
Quân khu buộc phải ra tay, điều binh khiển tướng từ bên nước sang. Từ vùng đất An Khê, anh em E1F2 (đơn vị của @Hungnt và @Vutrieuduong) với hơn ba nghìn quân theo hành trình “Từ An Khê đến 547 Preah Vihear” tham gia cuộc chiến. E143 F315 từ thị trấn Cheep cũng bổ sung vào đội hình tấn công.
Vinh quang và chiến thắng đã thuộc về chúng ta.
Nhưng để có được buổi chiều vinh quang đó, biết bao anh em đã ngã xuống theo quy luật của chiến tranh. Các đơn vị trinh sát trong toàn sư đoàn quân số giảm hơn phân nửa. Anh em BB ít nhiều còn sức lực để chịu đựng. Nhưng anh em trinh sát của toàn sư đoàn, nhất là trung đoàn 29 gần như kiệt sức. Chiến thắng chỉ hiện trên khuôn mặt của từng người. Dáng đi đã xiêu vẹo không mạnh mẽ hùng dũng như ngày nào. Họ không đội đạn, đội cối, mang vác nặng, chịu sự ác liệt như anh em BB. Nhưng để đưa đội hình vào vị trí quy định. Họ đã vắt đến giọt sức lực cuối cùng.
Và cái tên 547 đã chấm dứt từ cuộc chiến đó.
Năm ngày sau đó, có năm mươi mốt sĩ quan từ Trung uý trở xuống, giã từ mảnh đất Preah Vihear khói lửa, giã từ thật sự cuộc chiến, vì không đáp ứng được yêu cầu về công tác cán bộ trong tình hình mới.
Nhìn người Sư trưởng dáng người nhỏ con với cặp mắt sắc sảo. Ông đau lòng khi nhìn những tờ quyết định bổ nhiệm đã kí, mà nay phải gác lại. Không thể chia tay với đội ngũ thuộc cấp trong tình huống như vậy. Ông đã nhờ Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị: Đại tá Nguyễn Hữu Hà, thay mặt Sư đoàn, ghi nhận những công lao đóng góp của từng người, đã một thời chung lưng góp sức cho thành tích của sư đoàn.
Chấm dứt cái tên 547, cũng là đặt dấu chấm hết đời lính của một thành viên QSVN.
KỈ NIỆM CONGPONG THOM
Mùa mưa năm 1981… không thể nhớ là tháng mấy vì mưa đã bắt đầu, hai bên đường từ F bộ F307 qua Phnom Tabeng… qua đường 12… hai bên đường cỏ đã xanh rì… không còn cảnh hoang tàn chết cháy của mùa khô rừng khộp…
Qua ranh giới giữa tỉnh Preah Vihear và tỉnh Congpong Thom vài giờ xe chạy… đã nhìn thấy những cánh đồng xanh với những cánh cò bay lả bay la… không khí yên bình lần đầu tiên được chứng kiến, sau hơn hai năm lặn lội dọc theo dãy Dangrek.
Ngỡ ngàng như trong mơ… và cảnh mơ nhưng thật
Khoảng năm giờ chiều, chiếc xe chở phái đoàn của F307 về Congpong Thom dự cuộc họp của MT719 bắt đầu vào thị xã. Chưa vượt qua chiếc cầu bắc qua sông Xen về phía bên phải… là giờ tan trường của một trường cấp ba. Màu trắng và xanh ngợp cả một góc trời. Nữ sinh mặc áo sơ mi trắng, thật trắng và xà rông xanh da trời, nam sinh cũng áo trắng và quần xanh…
Có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh, hầu hết học sinh trường này đã quá tuổi quy định. Xe chạy chầm chậm… lướt qua những nhóm học sinh. Những nữ sinh đã đến tuổi trưởng thành, trên thân thể lộ rõ nét xuân và tràn trề nhựa sống. Con gái K vùng này khác xa trên Preah vihear… da trắng trẻo hơn, gương mặt khả ái, và ngay cả dáng đi cũng dễ làm xiêu lòng người. Những người lính f307 cũng đắm đuối nhìn những nữ sinh mang dáng thiếu nữ đang tung tăng cười nói dọc hai bên đường.
Có vài nhóm học sinh cũng vẫy tay chào những người lính tình nguyện Việt Nam… với những bàn tay trắng nõn nà và những nụ cười quyến rũ trên đôi môi hồng.
Xe vượt qua chiếc cầu và rẽ phải theo dọc bờ sông… hai bên bờ những hàng dừa trĩu quả, và phía bên kia là chợ đã thưa thớt bóng người.
Qua một ngã tư có hình đầu thần quay bốn hướng, chiếc xe đỗ lại một khu nhà sang trọng, với mái ngói đỏ và vườn cây xanh bao bọc. Tư lệnh và bộ phận TM của F xuống xe, bước đến vọng gác nói phiên hiệu của đơn vị với anh vệ binh, và có một vị Trung tá ra đón. Tôi giao ba lô đựng bản đồ tác chiến của toàn sư đoàn cho Trưởng ban trinh sát F, và theo mấy anh vệ binh về vị trí quy định của MT719.
Đêm đó dù có mấy anh Vệ binh rủ đi chơi, nhưng vì chưa có lệnh của Thủ trưởng nên chúng tôi ở lại khu vực quy định.
Sau giờ cơm sáng, đích thân Tư lệnh đến giao nhiệm vụ, nói rõ những quy định và quán triệt một số vấn đề. Chúng tôi được phép đi chơi, không mang súng theo và có một nửa lực lượng ở nhà chờ công tác (thực ra thì chả có công tác gì cả, ở lại giữ đồ đạc và vũ khí cho anh em).
Theo yêu cầu của MT719 thì tất cả phải đeo quân hàm khi ở trong khu vực. Khổ nỗi trên ve áo chúng tôi chưa có hai cái móc để đeo quân hàm, lại đi mượn kim chỉ của vệ binh…
Việc đầu tiên là tôi đi tìm tiệm thuốc Tây để mua một ít thuốc chữa chứng đau thần kinh tọa, vì đi một ngày đường ê ẩm cả lưng. Hỏi thăm mãi mới có một tiệm thuốc Tây, ngay bên cạnh rạp chiếu bóng… Vòng qua vòng lại thấy có một quán cà phê viết bằng tiếng Việt hẳn hoi “Hoa Anh Đào.”
Mấy anh em bước vào quán.
Chủ quán là một phụ nữ Việt chừng hơn ba mươi tuổi, nhan sắc cũng còn mặn mà, có bốn em người Campuchia giúp việc. Trong quán mở toàn nhạc Chế Linh – Thanh Tuyền trước năm 1975. Hầu hết khách trong quán là bộ đội mình, và bộ đội của bác Hun.
Người mang cà phê ra là một thiếu nữ Campuchia trạc tuổi chúng tôi. Không đẹp nhưng rất có duyên với cặp mắt đẹp quyến rũ.
Ngôn ngữ bất đồng… chỉ nhìn nhau cười.
Tôi đảo mắt nhìn xung quanh quán, dè chừng đường rút khi có tình huống xấu.
Mấy anh em ngồi uống cà phê và nghe nhạc…thả hồn trong tiếng nhạc du dương của những bài nhạc vàng…
Bất chợt quay vào trong… thấy đôi mắt em đang nhìn chúng tôi. Có gì đâu mà nhìn hởi cô thiếu nữ Campuchia duyên dáng kia ơi?
Thì ra trang phục của chúng tôi khác xa với anh em QK7 và QĐ4 có mặt ở đây. Đa số là anh em bên ngành hậu cần và kĩ thuật, quần áo tươm tất và tiền rủng rỉnh trong túi.
Phía trong quán các cô đang nói và cười điều gì đấy, nhưng những cặp mắt có ánh lửa kia vẫn không rời những gương mặt của anh em chúng tôi. Tôi cũng nhìn lại đáp lễ và nhoẻn miệng cười.
Hết hai mặt của cuộn băng cassette C90 chúng tôi kêu chủ quán tính tiền. cô chủ quán đến chào hỏi rất lịch sự xưng các anh ngọt như mía lùi. Thời đó chúng tôi không có tiền Riels và phải dùng tiền Việt với tỉ lệ đổi là 1R/ 2.5 VNĐ.
Khi chúng tôi bước ra khỏi quán, các cô cũng nhìn theo và vẫy tay chào chúng tôi.
Chiều tối hôm đó, chúng tôi theo mấy anh vệ binh của MT719 đi vòng quanh thị xã. Khi ngang qua rạp chiếu bóng tôi nghe bài hát “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn (nhạc phim Việt Nam).
Do không thể vào rạp xem phim, tôi cùng hai anh vệ binh người thành phố Hồ chí Minh ghé vào quán. Vì quán nhỏ, không có điện nên ban đêm họ không bán. Chúng tôi vào ngồi chung với cô chủ quán và những cô bán phụ ngay trước quán.
Do không biết tiếng K, nên tôi chỉ ngồi nghe họ nói chuyện. Có lẽ họ đang bàn tán về tôi vì là người lạ, thỉnh thoảng các cô lại cười.
Sau đó cả nhóm kéo ra ngay tượng con voi ngồi nói chuyện phiếm. Tôi như người từ một thế giới khác… chỉ nghe… nhìn các cô…và cười.
Do chân đế của bức tượng nhỏ nên cả bảy người phải chen nhau ngồi. Tôi ngồi cạnh em, một thiếu nữ Campuchia… tiết trời mùa mưa hơi se lạnh… nhưng tôi cảm thấy hơi ấm tỏa ra từ em… vì đã lâu rồi tôi không còn cảm nhận hơi ấm ấy nữa.