Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 5) - Chương 04 - 05 - 06 - 07

KỈ NIỆM CONGPONG THOM (tt)

Nhìn nhau cừời chừng một giờ thì phía thị xã phim chiếu đã hết. Dân chúng ùa ra khá đông. Chúng tôi phải về theo quy định. Tôi chống tay đứng dậy (do đau TK tọa) vô tình tay đè lên đùi của em… một cảm giác mát rượi ở tay.

Tôi nghe mấy anh vệ binh nói “Sơ bai” tôi cũng nói theo chứ chả hiểu gì. Em cũng nói gì đó một tràng tiếng K dài ngoằn ngoèo… tôi chỉ gật đầu cười (lỡ có chửi bố mình thì cũng cười luôn).

Về đến khu vực nghỉ… tôi cũng nghĩ miên man vì lòng đang trống vắng. Những lá thư từ quê nhà vơi dần theo năm tháng… Hoa nở có giờ, tuổi xuân có thuở mà.

Có cuộc gì tan vỡ mà lòng không nghẹn ngào, nuối tiếc, xót thương…

Đang miên man nghĩ trời nghĩ đất… không ngủ được… thì có tiếng anh vệ binh gọi, cả mấy anh em đang ngủ cũng bừng ngồi dậy. Anh vệ binh chỉ nói “Ai là Hà ra có người gặp.” Tôi choàng vội cái áo và theo anh vệ binh về khu nghỉ chân của các bộ phận trợ lí cách đó chừng 50 m. Đại úy Khoa đang ngồi chờ tôi ở một cái phòng rộng (có lẽ là phòng khách). Nhiệm vụ được giao: vẽ lại đội hình bố trí của toàn Sư đoàn từ cấp D trở lên để ngày mai Tư lệnh báo cáo. Anh Khoa phải chuẩn bị bài thuyết trình, đánh giá tình hình cho Tư lệnh. Trải tấm bản đồ rộng trên bàn… tôi vẫn cón vấn vương hơi ấm và làn da mát của em khi tối.

Anh Khoa có vẻ nhận biết cái gì đó không ổn trong tôi nên bảo “ Làm việc tập trung, tránh sai sót nhé. Lỡ có chuyện gì, cái đầu tôi và cậu không còn nằm trên cổ đâu đấy.”

Gần sáng công việc hai anh em mới xong. Anh Khoa xem lại bản đồ, hỏi chi tiết về bố trí quân của E29 (điểm nóng của F lúc đó) và rủ tôi ra bờ sông uống cà phê.

Tôi trình bày với anh Khoa bệnh đau trở lại mấy bữa nay, anh cho em ra ngoài lùng mua thuốc cho đỡ đau. Anh đồng ý ngay.

Tôi trở về khu nghỉ và mang theo ít tiền dạo quanh bờ sông Xen…

Ghé vào một quán ăn. Tôi ăn sáng với tô hủ tíu Nam Vang… và lên đường thẳng hướng tượng Con Voi.

Quán buổi sáng vắng khách. Cô chủ quán ra hỏi “Anh uống gì?” tôi trả lời cho qua chuyện, nhưng mắt nhìn vào trong quày nhưng chẳng thấy cô nào.

Bằng một động tác thuần thục… một li cà phê “vợt” to tổ bố được cô chủ quán đang thời xuân sắc mang ra.

Cô chủ quán vào trong mang ra li cà phê sữa… và ngồi nói chuyện với khách.

Qua tiếp xúc tôi cũng né tránh là tôi từ Preah vihear xuống, mà nói dối là ở Battambang xuống (tôi biết chết liền?). Cô chủ quán khá ma mãnh trường đời và khẳng định luôn “Nhìn anh tôi biết, anh mới đến đây lần đầu… và anh cũng không phải ở Battambang xuống.” Tôi khẳng định lại là ở Battambang nhưng cô vẫn không chịu. “Quần áo anh mặc không giống bất cứ anh em nào mà tôi từng gặp ở đây? Nhìn anh tôi cũng biết là anh khác người lắm.” (Tôi nghĩ bị lộ rồi vì lính QK5 trang phục khác).

Hai bóng hồng K xuất hiện phía sau quày. Cô xổ một tràng tiếng K dài như đoàn xe lửa với mấy cô phụ quán. Cô xin phép vào trong… và sau đó là cô gái mà tôi gặp hôm qua ra lau các bàn trong quán.

Em nhìn tôi cười và nói câu tiếng K gì đó… tôi cũng chỉ nhìn và cười.

Khi cô chủ quán dắt chiếc xe đạp ra đi chợ, tôi hỏi tên cô phụ quán thì được trả lời là Khêri (chả hiểu nghĩa là gì?). Phía bên kia dãy bàn Khêri nhìn cô chủ quán cười với vẻ e thẹn…

Khách bộ đội và thỉnh thoảng có vài thanh niên K cũng vào quán uống nước. Mọi hoạt động của quán vẫn bình thường. Tôi ngồi một mình với cái bình nước, và gói thuốc thơm Samit cho đến trưa. Thỉnh thoảng nhìn em, thấy em cười… qua lại em vẫn hỏi vài câu mà tôi chả hiểu nó nghĩa gì? Chỉ cười và cười. Nụ cười nói lên tất cả.

Một chiếc xe tải đỗ xịch trước quán, bụi của nó ùa cả vào quán…

Một số anh em nhảy xuống xe và bước vào quán, hầu hết họ là sĩ quan ngành với đủ loại phù hiệu. Lập tức các em trong quán niềm nở chạy ra nhưng không có Khêri… Họ đã quen nhau như người nhà qua cách tiếp đón.

Họ ngồi bàn ở giữa quán cách tôi hai cái bàn dài. Họ nói oang oang mọi thứ chuyện trên đời cả bằng tiếng Việt và cả tiếng K… và câu chuyện xôm tụ nhất là chuyện buôn lậu mọi thứ hàng hóa từ K về Việt Nam.

Quá ngán ngẩm với những câu chuyện họ kể, thái độ của họ nhìn tôi. Tôi đứng dậy và ra khỏi quán. Lúng túng thế nào mà bỏ quên gói Samit trên bàn… Ra cửa chừng mưoi thước… tôi nghe “Con top Việt Nam”… tôi giật mình ngoảnh lại thì thấy Khêri cầm gói thuốc, chạy đến và đưa cho tôi.

Trong ánh mắt và của Khêri có điều gì đó quá dịu dàng và bối rối.

Tôi đi thẳng về hướng thị xã được một đoạn... ngoảnh lại xem Khêri đã vào quán chưa… thì em vẫn còn đứng trước cửa quán nhìn theo.

CONGPONG THOM… EM ĐẸP QUÁ ĐI THÔI!

CONGPONG THOM …QUE C’EST BEAU!

Đi được một lúc lâu gần tới chiếc cầu sông Xen. Cảm giác đói bụng, tôi rẽ vào quán phở bên đường… bất ngờ quá… chị chủ quán Hoa Anh Đào đang ăn phở ở đây. Chị rất lịch sự mời tôi cùng ăn với chị.

Cuộc đời Khêri được chị minh họa lại =…

“Khêri năm nay hai mươi hai tuổi (nhỏ hơn tôi một tuổi). Năm 1976 gia đình Khêri trốn sang Việt Nam hướng Long An. Gia đình của Khêri không đến được đất Việt vì trên dọc đường bị chết đói và bệnh tật cũng như vướng phải mìn của Pốt và cả của ta khi vượt biên giới. Chỉ một mình Khêri còn sống cùng với một người chị họ (là chị dâu của chị chủ quán). Gần ba năm Khêri được đùm bọc bởi nhân dân Long An.

Khêri biết tiếng Việt nhưng không nhiều vì khi ấy dân bạn ở chung với nhau không có điều kiện tiếp xúc với người Việt. Khêri cũng có thể nói được tiếng Pháp. Năm 1980 tình hình yên ổn Khêri được chị chủ quán dẫn lại sang Congpong Thom để buôn bán vì anh em trong dòng họ của chị chủ quán ở đây khá đông.

Kinh hoàng với cảnh ai biết tiếng Việt đều bị Pốt giết, nên Khêri rất ngại nói tiếng Việt.”

Chị hỏi tôi một lần nữa về nơi tôi đang đóng quân và trước sau tôi chối phăng tôi ở Preah Vihear. Do mấy ngày trước chị đã thấy cách ăn mặc, nói chuyện, và cách ứng xử có vẻ hiền lành, khác xa với những anh em “bản địa” nên chị nói như đinh đóng cột là tôi từ nơi xa đến và là lính chiến đấu thật sự… Tôi không phủ nhận điều này.

Khêri cũng có nói với chị về sự khác biệt giữa chúng tôi và anh em bộ đội mình ở đây. Khêri biết tôi là Lục thum trong nhóm nữa.

Tôi cũng thú nhận tôi có cảm tình với Khêri… tôi kể lại câu chuyện tôi quên gói thuốc khi nãy… Chị cũng thừa nhận là Khêri chưa là của ai, và có nói nếu tôi rảnh thì tối đến quán chị chơi… Khi nói điều này cặp mắt chị long lanh với vẻ hứa hẹn…

Tôi về đến khu nghỉ chân với một tâm trạng háo hức… chờ đợi ngày trôi qua nhanh cho đêm mau tới… Lục mãi trong trí nhớ mấy câu chào hỏi tiếng Pháp thông thường học hồi phổ thông để tối nay nói chuyện với Khêri. (Thế hệ tôi cũng như bác @Tran479, @vutrieuduongE1F2, @Dksaigon đều có học hai ngoại ngữ song song).

Tôi dự tính phương án tối nay phải làm sao kiếm cớ đi cho bằng được để gặp Khêri, và phương án tốt nhất là lợi dụng sau này có một số đoàn về sau nên khu nhà nghỉ đã quá tải, để xin qua ở với mấy anh vệ binh của MT.

Sau giờ cơm chiều, tôi thả bộ dọc bờ sông cùng với mấy anh vệ binh… và gặp Tư lệnh và mấy anh trợ lí cũng đang đứng ngắm dòng sông Xen trôi lững lờ qua thị xã. Chìa cho anh Khoa gói Samit (nhã ý hối lộ) và nói với anh “Khu trại chật quá tối nay em ngủ với mấy anh vệ binh, cần gì thì anh qua khu vệ binh kêu em…” Anh Khoa bảo “Éo… có gì đâu, cậu ngủ đâu thì ngủ… chỉ trừ ngủ với… dân.”

Con đường đã rộng mở…

Phải mất ba gói Samit nữa tôi mới có hợp đồng uống cà phê ở quán tới mấy giờ cũng được (thực tế thì ban đêm quán đâu có bán, nhưng mấy cha vệ binh đâu có thể đoán ra điều gì) khi nào muốn về thì chờ anh em đi tuần tra thì về.

Những hàng cây hai bên đường… như một màu xanh mướt trước mắt… dẫu cả thời gian lẫn không gian… đã bắt đầu chìm dần vào hoàng hôn.

Tôi đến với Khêri khi mọi ngả đường vào thị xã Congpong Thom đã lên đèn…

“NGƯỜI LÍNH TÌNH NGUYỆN VÀ ĐIỆU MÚA APSARA.”

Dù muốn hay không, thì vào thời đó tôi vẫn bị chi phối phần nào về nhân sinh quan của các trường phái triết học về con người, khi học môn Triết ở nhà trường phổ thông (sách của NXB Lá Bối – Sài Gòn).

Phương Tây nhìn nhận con người là tác nhân của sự khám phá vũ trụ… hàng loạt câu hỏi vì sao luôn được đặt ra… tại sao? Tại sao? Thế này thế nọ?

Phương Đông nhìn con người là sự hòa hợp của tam thể Thiên – Địa - Nhân. Chỉ hiểu là thế chứ không đi sâu là tại sao nó thế. Trong tình yêu… tôi nghiêng về triết Đông nhiều hơn.

Tôi chỉ nhớ vắn tắt Tình yêu là “Hệ quả của sự kết hợp giữa bản năng và trí tuệ của con người” và “Tình yêu là một loại tình cảm giữa người và người, hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ…”

Congpong Thom! Tình yêu là gì nhỉ? Sẽ không bao giờ có câu trả lời đâu.

Chỉ biết rằng đó là một thực trạng tâm lí tuyệt vời giữa hai con người “Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara” như tựa đề của một bài hát.

Khoảng trống sâu lắng trong tâm hồn của người lính Preah Vihear và cũng là nỗi khát khao xuân thời của một thiếu nữ Campuchia. Không hơn cũng không kém.

Tình yêu là những xúc cảm, là sự rung động và ít khi nào cảm thấy được lấp đầy, giúp cho những người đang yêu nhận thấy mình đang “hiện hữu” giữa cuộc đời. Đó chính là quà tặng tuyệt đối của tình yêu.

Người lính Quân khu 5 đang hiện hữu giữa “Trời” Campuchia… “Đất” Congpong Thom… và “Nhân” nàng Khêri duyên dáng… trong bộ Xà Rông màu tím.

Nhờ mấy anh vệ binh là chỗ qua lại thân thiết, nên chị chủ quán cũng đồng ý cho hai nàng đi chơi cùng anh em chúng tôi. Cả nhóm rảo bước trên con đường chính về hướng thị xã Congpong Thom. Tiết trời mùa mưa Campuchia cũng không lạnh lắm… chỉ có điều hôm ấy do đi dọc đường lớn trống trải nên gió làm cho ai cũng thấy lạnh.

Mấy anh em vệ binh không biết vô tình hay cố ý chia cắt đội hình địch… phía sau chỉ còn tôi và Khêri.

Dáng đi nhẹ nhàng của Khêri như những vũ nữ Apsara trên sàn diễn nơi hoàng cung… uyển chuyển và lay động.

Chỉ im lặng đi bên nhau sau mấy anh vệ binh chừng vài chục mét. Cả tôi và Khêri không ai nói lời gì. Khi vào trung tâm thị xã (khu vực có rạp chiếu bóng) thì nhóm anh em vệ binh mất hút… cả hai ngơ ngác tìm nhưng chẳng thấy đâu…

Tôi đứng lại nhìn em và buột miệng hỏi “Comment allez vous!” (Em có khỏe không?).

Mắt em long lanh nhìn tôi và nói “Con tóp nói tiếng Việt!”

À ra thế! Chị Hoa nói không sai. Tôi nghĩ thế!

Tôi cầm tay em cùng ngồi xuống tại bậc thềm của bùng binh vườn hoa, trước rạp chiếu bóng sáng ánh đèn. Cổ tay em tròn và mát lạnh… như có dòng điện đang chạy trong người tôi.

Dưới ánh đèn, nhìn em càng hấp dẫn hơn với gương mặt bầu bĩnh. Tôi hỏi em rất nhiều về đất nước Campuchia thời Polpot… những hàng nước mắt lăn dài trên đôi má xinh xắn của em. Bờ vai em rung lên và những tiếng nấc xé lòng.

Tôi xin lỗi em vì đã đụng vào nỗi đau tiềm thức của em, và bất ngờ… Khêri đã ngả vào vai tôi khóc nức nở. Những giọt nước mắt của em ướt một phần cổ áo tôi. Tôi choàng tay mình qua vai Khêri và giữ yên như thế không dám làm gì khác hơn.

Có lẽ em đã chợt tỉnh, khi biết là chúng tôi đang ngồi giữa trung tâm thành phố. Một tay em nắm lấy tay tôi đứng lên và tay kia em gạt nước mắt.

Tôi và Khêri cùng sánh bước về nhà.

Phía sau quán là khoảng đất trống cỏ mọc đã cao. Tất cả các cọng cỏ đã đẫm sương đêm… Tôi và em cùng ngồi xuống trên thảm cỏ đó.

Nhìn nhau đắm đuối… tôi nhẹ nhàng kéo em vào lòng mình và hôn nhẹ lên đôi má em… nụ hôn của người lính “khát khao và cháy bỏng.” Đôi tay của chúng tôi choàng qua nhau không rời. Đất trời Congpong Thom như nghiêng ngả không bao giờ vực dậy được.

Gió vẫn thổi nhè nhẹ từ cánh đồng phía sau thị xã bé nhỏ. Những cái lạnh do sương đêm càng lúc càng tăng lên. Con người càng lúc càng cảm thấy gần nhau hơn, để chia sẻ những gì mà con người cần trao cho nhau… dù rằng tôi vẫn là người lính tình nguyện ở tổ quốc Campuchia thân yêu của em.

Tôi không còn nhiều thời gian ở cái thị xã nhỏ bé này, và biết đâu ngay trong ngày mai… tôi sẽ trở về mảnh đất Preah Vihear lành ít dữ nhiều, và điều gặp lại em vẫn là điều không tưởng. Con người thường ít khi bày tỏ được tình yêu của mình.

Tình yêu là những cảm xúc và việc bộc lộ không đi đôi với nhau, mà chỉ có thể biểu hiện bằng hành động. Nếu việc bộc lộ tình cảm là điều quan trọng nhất trong tình yêu, thì rõ ràng chúng ta đã trở nên ích kỉ với những người chúng ta yêu thương! Chỉ khi nào nhận thấy sự khác biệt giữa tình cảm và việc bày tỏ những cảm xúc ấy, ta sẽ dành được rất nhiều tình cảm cho những người xung quanh.

Trong giây phút yếu đuối của bản năng con người, cả tôi và em đã vượt qua mọi lằn ranh, mọi cách trở, và mọi thứ của cuộc đời. Người lính tình nguyện và người thiếu nữ cần được cảm thông, cần được trao gửi những gì thầm kín quý giá nhất của con người.

Chiến tranh đã lấy đi những gì yêu quý nhất, sáng giá nhất của cả tôi và em. Giờ đây trong giây phút nghìn năm một thuở… phải tìm lại một điều gì cho chính mình.

Vòng tay của em và tôi càng lúc càng xiết chặt hơn… Cùng trở về với “nguyên thủy loài người” tôi và Khêri đã hòa làm một.

Ánh bình minh đã ló dạng ở hướng đông. Những ánh đèn pin của anh em vệ binh tuần tra ngoài đường quét qua lại vài lần… báo giờ tuần tra đã vào ca chót. Tôi phải theo anh em trở về khu nghỉ chân trước khi trời sáng.

Một lần nữa thân hình em rung lên với những tiếng khóc không thành lời. Hợp rồi tan… tan rồi hợp… đó vẫn là số phận mà không ai thoát khỏi.

Tạm biệt em nàng Khêri. Tạm biệt thị xã Congpong Thom.

NHỮNG VŨ KHÚC CÒN LẠI CỦA ĐIỆU MÚA APSARA.

Trên thảm cỏ xanh thanh vắng và nhè nhẹ gió thoảng…

Khêri bảo tôi kể những câu chuyện về quãng đời của tôi cho em nghe. Tôi kể cho nàng nghe về vùng biển quê tôi, với những con thuyền và con sóng, cảnh làm ra hạt muối… Cảnh đi học thời chiến tranh, học sinh nhiều lúc cũng chết do hai bên đánh nhau, rồi lính nghĩa quân gài mìn ban đêm chưa kịp gỡ buổi sáng… (quê tôi thuộc vùng trắng của quân đội Sài Gòn gồm ba quận bắc Bình Định: Phù Mỹ, Bồng Sơn và Tam Quan). Do những khó khăn về vốn từ tiếng Việt, nên nhiều khi em cứ nói lại “em không biết” rồi “em không hiểu” có lẽ do bí quá nên có lúc em buột miệng nói tiếng K luôn (Từ Ót… Ót…) Có lẽ giây phút nàng xúc cảm nhiều nhất là khi nói về thời đi học… Nói thật, khi đó tôi kể cho nàng nghe có lẽ nhiều ngôn từ, và nhiều hình ảnh, cũng như nhiều cảm xúc hơn ta nghe bài hát “Phượng hồng” thể hiện hôm nay:

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, Em chở mùa hè của tôi đi đâu?

Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mối tình đầu của tôi. Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,

Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ. Là bài thơ còn hoài trong vở,

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về…”

Khêri cùng thế hệ với tôi, và cũng là người may mắn được cắp sách đến trường, trong giai đoạn đất nước K cũng khói lửa chiến tranh. Em kể cho tôi nghe về hình ảnh ngày xưa nàng đi học, với những buổi học phải gián đoạn vì bom pháo. Hình ảnh những học sinh trung học cùng trường của em bị pháo Mỹ… nằm chết lăn lóc với mình đầy máu trên sân trường… Có những đoạn em phải dùng tiếng Pháp để diễn tả cảm xúc (mà tôi thì tiếng Pháp dở ẹt, phải đoán qua cách phát âm và hình dung ra từ tiếng Anh tương ứng, và bí quá thì cứ gật gù, không cần phải hiểu). Cảnh những cô giáo bị lính của quân đội của chính quyền Lolnol bắt đi ngay trên bục giảng…

Em kể rất nhiều về phong tục và tập quán của người Campuchia, về tính tình của người Campuchia mà tôi cần phải biết trong cuộc sống…

Giai đoạn đẹp nhất của tôi và em được tái hiện khá rõ nét, những lời tâm sự bằng ba ngôn ngữ… đã xua đi những hoàn cảnh thực tại mà tôi và em đang sống… người lính tình nguyện ở một mảnh đất xa xôi, và người thiếu nữ Campuchia với một tương lai không lấy gì sáng sủa. Con đường đi tới tương lai vẫn chưa được định hình trong tâm trí em.

Qua hơn hai năm thoát khỏi họa diệt chủng Polpot, em và nhiều người dân khác trên đất nước Campuchia đã cảm nhận được hơi thở của cuộc sống hòa bình. Nỗi lo của họ là khi nào bộ đội Việt Nam rút về nước, như đã từng làm trong lịch sử của xứ sở Chùa Tháp này, liệu chế độ Polpot có trở lại hay không? Với Khêri, đây là điều em quan tâm nhất.

Tôi chỉ có thể nói với Khêri những điều tôi biết: Quân tình nguyện Việt Nam sẽ ở lại giúp nhân dân Campuchia tái lập nền hòa bình, ổn định cuộc sống, đưa nhân dân Campuchia phát triển và phồn vinh. Chỉ khi nào có yêu cầu của chính nhân dân Campuchia thì Quân tình nguyện Việt Nam sẽ về nước.

Khêri hỏi tôi “Sau đó anh sẽ làm gì?”

“Anh sẽ trở lại trường học tiếp”… Tôi đáp lại.

Sự đồng cảm đã len lỏi và chiếm toàn bộ trái tim của Khêri.

Bất chợt, vòng tay em càng xiết chặt lại. Khắp gương mặt tôi là điểm đến của đôi môi dịu dàng nhưng cháy bỏng của Khêri. Đất trời và thời gian như ngưng lại…

Gió vẫn thổi về từng cơn đứt quãng.

Những ngọn cỏ vẫn đang chờ đón những giọt sương khuya của đất trời.