Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 5) - Chương 08 - 09 - 10

“APSARA... VANG LỜI HÁT... THAY LỜI TỔ QUỐC...”

Tôi ngồi cùng em suốt đêm thâu giữa trời Congpong Thom tĩnh mịch.

Em nói rất nhiều, rất nhiều, về những người lính Tình nguyện Việt Nam, mà em đã từng gặp trên con đường tử địa... từ làng quê của em đến mảnh đất Long An của Việt Nam. Những người lính Việt Nam là những chàng trai khỏe và đẹp trong đôi mắt em (điều này thì hiển nhiên). Đa số họ biết chữ (với em là điều em mộ nhất), và cao cả hơn là họ dám làm mọi điều vì nhân dân Campuchia, kể cả cái chết…

Khi đoàn người của em chuẩn bị vượt qua biên giới... thì bị Pốt bắn theo, hàng loạt người dân ngã xuống… trong đó có những người thân của gia đình em.

Những người con trai khỏe đẹp ấy đã ra bắn áp đảo để bảo vệ cho dân. Em thấy có một người trong số họ đã hi sinh. Rồi cũng chính họ đưa em về nơi an toàn. Rồi họ lại đi… chưa kịp chào nhau bằng cái gật đầu.

Sau khi giải phóng Campuchia, Khêri có trở lại quê nhà... nhưng không còn gặp ai trong dòng họ cũng như xóm làng, vì hầu hết họ đã chết hay bị lùa đi đâu xa lắm.

Rồi em theo chị Hoa (là em chồng của chị họ Khêri) lang bạt khắp các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam, và cuối cùng định cư tại thị xã này.

Trong tâm khảm em, hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam mang hình bóng của thần hộ mệnh (em dùng từ Ange Gardien…).

Tôi có hỏi Khêri là ngày xưa đi học em có biết gì về đất nước và con người Việt nam hay không? Em không trả lời… và chỉ nhìn tôi.

Tôi chỉ khẳng định với em là bộ đội Việt Nam sẽ không để Polpot trở lại, giết hại nhân dân Campuchia một lần nữa. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng đùm bọc nhân dân Campuchia như em đã chứng kiến. Thậm chí sẵn sàng hi sinh – hiến dâng cả những người con trai yêu quý của mình, vì hạnh phúc của nhân dân Campuchia.

Nhìn trong đôi mắt của em tôi thấy điều gì đó hết sức diệu kì…

Em đã nhìn tôi, như những người lính tình nguyện Việt Nam, em đã gặp trong cuộc đời gian truân… dù rằng tôi vẫn đang ngồi cùng em giữa thị xã Congpong Thom bình yên và thanh vắng. Vũ trụ chỉ còn tôi và em với muôn nghìn tinh tú trên bầu trời.

Những con sóng tình trào dâng trong em, với những đợt sóng dồn dập mãnh liệt. Sự tinh khiết của em đã vỡ òa trong sự đồng cảm của cuộc đời, trong niềm tin yêu mạnh mẽ. Điệu múa và câu ca dao đã hóa thân trong đất - trời hòa quyện với nhau.

“Apsara! Ôi điệu múa hay tình đất nước.

Apsara! Anh từng yêu Campuchia qua câu chuyện cổ thành Angko… nắng chói chang. Anh từng đi vượt rừng sâu qua bao nhiêu mùa giông bão cùng với những người lính Campuchia…

Apsara! Ôi điệu múa hay tình đất nước

Apsara… vang lời hát… thay lời tổ quốc…”

547 ĐỢT TRINH SÁT MỞ ĐẦU SỰ MẤT MÁT.

(Trận I. Cuối năm 1981. Chỉ huy: Đại úy Trần Bá Khánh E trưởng E95).

Giữa mùa khô 1981, chắc chắn là vào tháng mười một vì mưa vừa ngớt, cỏ vẫn còn xanh và rừng khộp chưa cháy tràn lan.

Phải thừa nhận năm ấy Pốt nó quậy ta khá vất vả…

Anh em C1 phía sườn đông chùa chịu nhiều mất mát. Những anh em thế hệ 1978 đã cùng tôi sống một thời gian khá dài lần lượt ra đi đâu khoảng mười người. Bình Định có anh Tâm Bồ đệch, anh Chân đồng hương của tôi, anh Lại quê Hoài Nhơn, Anh Thanh quê Mỹ Hiệp… Người cuối cùng ngã xuống trên hướng này là anh Nguyễn Hồng Khanh quê Tuy Hòa Phú Yên trên đường dẫn tân binh ra chốt và đài quan sát, bị vướng phải mìn KP2 tại rừng dầu hi sinh… cùng với em tân binh Huỳnh Thu quê Quy Nhơn chỉ bị một mảnh chút xíu vào ngay tim.

Trên đường về F bộ nhận nhiệm vụ, tôi ghé qua C1 uống nước và kiếm con gà về nấu cháo… tin buồn dồn dập đến.

Đến e bộ 95 ghé trạm xá kiếm ít rau xanh, gặp mấy ông sốt rét thấy cầm con gà, các bố kêu còn hơn là gà kêu đẻ… cúng vậy! Anh Phúc (nay là HT một trường THPT ở Đồng Nai) chạy xuống bếp giải quyết ngay.

Đang chuẩn bị húp chén đầu tiên thì có anh công vụ của anh Trần Bá Khánh e trưởng e95 gọi… phải đi cùng với anh Khánh về F bộ.

Trên bốn mươi phút từ ebộ 95 về f bộ anh Khánh không ngớt than vãn cho tình hình không khả quan lắm. D1 đang bị chúng chọc phá. D2 hầu như tách biệt với trung đoàn độc lập tác chiến ở 428.

Anh Tính ở Ban trinh sát F gọi tôi vào lán của BTM cùng uống trà với anh, chờ TMT làm việc xong sẽ giao nhiệm vụ. Anh Nguyễn Cho là báo vụ của F nhìn tôi với vẻ lo lắng (thực ra tôi không biết gì về nhiệm vụ sẽ nhận).

Tôi bước vào phòng của TMT, anh Tính kéo vội tấm màn che tấm bản đồ của toàn chiến trường K để TMT giao nhiệm vụ:

“Đài kĩ thuật của ta báo là sư 775 của Pốt đang hoạt động mạnh tại khu vực cửa khẩu 547 và nhiệm vụ của Trinh sát các anh là…” TMT chỉ lên tấm bản đồ treo ở vách và nhấn mạnh một số yêu cầu của đợt công tác.

TMT điện hỏi anh Khoa (trưởng ban tác chiến) thì được trả lời tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn tất, và chờ lệnh lên đường.

Hơn mười anh em mới cơ động từ hướng 29 về, đang chờ tôi ở ngầm Saem…

Ôm tấm bản đồ cùng với một số thuốc cho anh em, tôi vội vã lên đường về Saem vì trời đã chiều.

Ra khỏi BTM F tôi thấy anh Khánh cùng anh Tính đang trao đổi điều gì có vẻ căng thẳng lắm (trinh sát e95 sẽ có một nhóm vượt qua bên kia biên giới và nằm phục chúng). Chỉ kịp giơ tay vẫy đáp lại anh Khánh, tôi lặng lẽ cắt ra đường lớn để về ngầm Saem, ngả ba đi vào Phum Kamtuot để chuẩn bị một đợt công tác mới.

Cả đội hình gần hai mươi người cắt rừng đi về hướng Kamtuot. Trên đường đi tôi thỉnh thoảng nhìn về hướng bắc nơi có căn cứ 547, có dãy Dangrek ngoằn ngoèo với những bình độ chằng chịt khít nhau trên bản đồ. Những vách đá dựng sừng sững, mùa mưa nước chảy về như thác đổ. Mùa khô vắt trong đất cũng không kiếm đâu ra một hơi ẩm trong đất.

Tôi cũng không thể ngờ rằng: cái căn cứ ấy trong những đợt trinh sát, đã lấy của các đơn vị trinh sát trong toàn sư đoàn hơn một nửa quân số, và cũng không thể ngờ rằng cũng chính tại nơi ấy… lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh trên đất K, QK5 dùng toàn bộ binh lực để giải quyết.

CHUYẾN TRINH SÁT 547 KHÔNG THÀNH

Đơn vị c14 súng máy 12.7 của E95 đóng quân ở Phum Kamtuot và Phum Char, là đơn vị duy nhất của E95 ở với dân và làm công tác dân vận. Mùa mưa năm đó địch đã dùng một lực lượng cả trăm quân, tập kích đơn vị này từ hai hướng. Mặc dù lực lượng và trang bị có phần thua sút so với địch (địch dùng toàn cối và DKZ bắn vào trận địa cả giờ đồng hồ) nhưng Pốt không thể nhổ cái chốt tiền tiêu này.

Có thể nói đơn vị này là trạm dừng chân khá lí tưởng của các đơn vị, khi đi tác chiến vùng Anlongveng và 547. Phum Kamtuot cách ngầm Saem trên đường 120 (f bộ 307) khoảng 15 km, cách dãy Dangrek khoảng một ngày đường của trinh sát (20 – 25 km). Mọi chuẩn bị đều tập tung tại đây.

Khi có đơn vị khác đến đây là điều phấn khởi nhất của anh em C14, dù chỉ là một đêm hay vài ngày. Cũng toàn là dân Khu 5 nên hầu hết là đồng hương đồng khói nhau cả. Buổi chiều anh em chúng tôi được đãi món cá (nơi đây có cái hồ to, rất sẵn cá và ốc bươu, ốc bươu to gần bằng bát 4 tấn…) và thịt gà anh em nuôi được. Thực ra thì do anh em quý nhau mà thôi, chứ thịt cá thì không phải là thiếu thốn gì đối với chúng tôi. Rau là món chúng tôi cần nhất. Nhiều anh ra hồ hái rau muống, nhưng tôi không thuận, vì theo kinh nghiệm việc ăn rau muống mọc dưới nước dễ bị lạnh bụng, gây phiền phức trên đường công tác. Tôi dẫn anh em ra cái bờ đê cao, là đường nối kết giữa Phum Kamtuot và Phum Char, theo anh Hiệp CTV C14 thì nơi đây rất nhiều rau dền, rau sam đỏ và cây nhãn lồng (anh em miền Bắc gọi là lạc tiên). Những đám rau dền xanh mượt, non mơn mởn được anh em nhổ cả rễ, và những đọt lạc tiên chứa đầy cả bao gạo Nhật (loại 25 kg, hạt gạo tròn).

Những thằng lính suốt ngày ở rừng đói rau… được bữa rau tươi chấm với nước thịt gà kho… quá tuyệt.

Một đêm an bình cùng anh em C14 E95… Một tổ phục được bố trí cách đơn vị hơn cây số, điểm xuất phát của đội hình trinh sát vào sáng sớm mai, tránh bị dân phát hiện và địch theo dõi và bám theo.

Ca gác chót cả đội hình phải lên đường.

Lộ trình của chúng tôi được BTM F vẽ trên bản đồ… từ Kam tuot đến ngoại vi Phum Bak Anlung gặp anh em c9 d9 của e29 (anh Dom c phó phụ trách, cách vị trí này chừng hơn 2 km gần biên giới vào cuối tháng mười hai, tổ phục của anh Dom hốt một đám Pốt khá đậm. Trận đánh mang tính điển hình của E29 trong năm 1981). Sau đó thẳng hướng đến 547 theo đường vòng, men theo các bình độ để nắm tình hình của địch. (E95 cũng có một toán trinh sát do anh Bửu chỉ huy xuất phát từ E bộ 95 sau chúng tôi 1 ngày, nhưng đến 547 cùng thời điểm bên sườn đông).

Chúng tôi, dù sao cũng còn đỡ hơn anh em E29, thỉnh thoảng còn có tí đồ cổ của các trận đánh. Anh em hầu hết rách nát thấy rất tội nghiệp. Tôi nói với anh em trinh sát cái gì chưa cần thiết cho chuyến công tác thì san sẻ bớt cho anh em 29, hầu hết là lính khu 5 và đa phần là Quảng Ngãi. D9 E29 tác chiến sâu nhất trên địa bàn F307 đảm nhận và rất khó khăn trong việc tiếp tế chi viện.

Sau khi bắt liên lạc với E29 chúng tôi tiếp tục đi về hướng 547 và nghỉ đêm ở một vị trí BTM F quy định.

Ngày thứ hai.

Từ vị trí nghỉ đêm chúng tôi chỉ còn cách 547 gần 10 km (khoảng ba giờ hành quân).

Sáng sớm liên lạc bằng PRC25 với bộ phận 29 và C14 E95 đều tốt. Dù không nắm được ý định của trên, nhưng tôi cũng mang máng hiểu là đợt công tác này rất quan trọng để chuẩn bị cho các trận đánh mùa khô 1981 – 1982, và thật sự trong giai đoạn này, chúng ta cũng không còn dè chừng Thái Lan về vấn đề ngoại giao nữa.

Vượt qua các bình độ với các tụ thủy dày đặc. Nhiều đoạn phải đi toàn trên đá, cũng có đoạn phải bám dây rừng để vượt qua các vách đá. Những khu rừng nguyên sinh với dây rừng chằng chịt, những khu rừng tre gai năm đó đang ra hoa trụi lá. Có cả những khu vực toàn tre lồ ô… vẫn còn những mụt măng to bằng bắp vế dù đã lên cao và cả dấu xắn măng…

Xế chiều… đội hình phát hiện một con voi chết đang trong quá trình phân hủy.

Nhìn kĩ địa hình có vẻ không an toàn, anh em thống nhất dừng chân và nghe ngóng nắm tình hình. Không có gì khả nghi và đội hình tiếp tục men theo các bình độ.

Một tiếng nổ chát chúa và lạnh tanh vang lên trước đội hình (tôi ở vị trí thứ sáu), một khoảng không gian bụi mù với đất đá giữa khu rừng tĩnh mịch…

Chỉ một tiếng nổ duy nhất và không thấy động tĩnh gì.

Anh Hoa quê ở Tuy Hòa - Phú Yên lính 1980 đi đầu đội hình đã vướng mìn và hi sinh. Cả đội hình nằm yên chờ nổ súng. Anh Quang (Bắc Bình - Thuận Hải) ở vị trí thứ hai bò lên đầu tiên và quay lại báo cáo. Nhìn thi thể của anh Hoa tôi biết không phải KP2 cũng không phải K58. Nó chính là M16A1 (hay M18A1) mìn của Mỹ… lần đầu tiên chúng tôi bị thương vong bởi loại mìn này.

547... TRỞ VỀ TRONG NGẬM NGÙI VÀ ĐAU THƯƠNG.

Toàn đội hình lo việc chuyển tử sĩ ra khỏi khu vực…

Đây là cảnh khổ nhất của đời trinh sát. Ra đi nhiệm vụ không thành lại còn mang tổn thất về cho đơn vị. Dù vẫn biết rằng chiến tranh nó là vậy.

Khi rời khỏi vị trí chừng 4 – 5 km thì trời đã nhá nhem tối. Anh Hoa vẫn được nằm võng giữa đội hình, và đây là đêm mà anh ngủ không còn phải gác nữa, anh em sẽ gác cho anh ngủ (xác anh nằm giữa đội hình).

Sáng hôm sau trời sương mù dày đặc. Phải chờ khi sương tan thì mới mở máy, liên lạc về C14 sóng bắt rất tốt và chỉ dùng mật khẩu mà E95 quy định khi gặp khó khăn chứ không bộ đàm.

Tan sương sớm, chúng tôi lên đường nhắm hướng Kamtuot… chọn địa hình thuận tiện khi có tử sĩ.

Đi được hơn tiếng đồng hồ thì thấy đội hình dừng lại. Những anh đi trước đã lùi lại và quay lại phía sau: Có địch…

Khi tôi cùng anh Chín (Cam Tân – Cam Ranh) chưa kịp lên đến đầu đội hình… anh Thân (quê Sông Cầu - Phú Yên) người phân công đi đầu buổi sáng đã nổ súng. Những loạt AK dài của anh vang lên…

Theo sự phân công, thì chỉ bốn anh phía sau giữ tử sĩ… còn lại thì đội hinh tùy theo vị trí của mình tản ra hai bên để nổ súng.

Vừa ổn định vị trí, liên tiếp vài trái B và hàng chục loạt AK đổ dồn về hướng anh Thân… Địch bắn như vãi đạn vào đội hình với cả hỏa lực và xung lực của chúng. Đội hình ta lui về sau và chưa đánh trả (chưa phát hiện ra địch)… Tôi và anh Chín bám vào một ụ mối to, có cây bằng lăng phía trước che chắn và kiểm tra đội hình cũng như quan sát địch.

Anh Chín nói “Không thấy thằng Thân đâu cả!” Tôi vừa nghe trọn câu nói của anh, thì loạt điểm xạ đầu tiên của anh vang lên… phía trước một Pốt mặc bộ đồ xanh đang từ từ đổ xuống… Bắn xong, anh khẩn trương vọt lẹ qua bên phải, vào cái bụi rậm và mất hút. Xa xa phía bên kia tôi thấy cái đầu của anh Lang (quê Phan Rí Cửa - Thuận Hải) nhấp nhô… nhấp nhô… (đang canh thằng Pốt mang khẩu B đang ẩn… hiện phía trước)… và những loạt điểm xạ của Lang vang lên. Chỉ nghe thấy một tiếng la của hắn. Giữa vị trí ba chúng tôi hàng loạt đạn AK quét ngang qua đầu (không có trái B nào).

Lúc này địch đã phần nào nắm được lực lượng ta, nên bắt đầu phản công mạnh, nhưng chỉ toàn AK đạn B bắn chỉ vài trái. Những lá cây bị đạn rơi lả tả trên đầu chúng tôi.

Chúng tôi từ từ lui quân về tuyến sau gần đến nơi để tử sĩ. Hầu hết đội hình gần như đủ mặt qua dấu hiệu của các tổ. Anh Thảo (quê ở xã, hay huyện Đan Phượng Hà Nội, tôi đã quên) báo thiếu một và tôi biết là anh Thân. Theo ý của anh Thảo là nên trụ lại, nghe ngóng tình hình và cần thiết phản công, vì thực chất lực lượng địch không đông hơn ta bao nhiêu. Cũng chỉ để lại bốn bảo vệ tử sĩ và phía sau đội hình… Còn lại tất cả dàn hàng ngang theo đội hình chữ V. Tôi bàn nhanh với anh Thảo, là đưa tổ anh vòng sang trái hơi rộng và tăng cường cho anh khẩu B40 của anh Kim (Tuy Phong - Thuận Hải), để tiếp cận với khu vực đầu tiên nổ súng… Những tay súng của anh Thảo bắt đầu tiến lên, dưới sự hỗ trợ của đội hình... (quay lại tìm anh Thân, có thể là bị thương hoặc đã hi sinh. Phải tiếp cận bằng mọi giá.)

Ở giữa đội hình tôi nói anh Bảo (quê Mộ Đức lính 1979) bắn liền hai trái B về phía trước và dồn đội hình lên.

Địch cũng phản lại ta với những loạt đạn AK quét ngang, nhưng hình như có phần yếu hơn. Cả hai bên đều dùng xung lực chứ hỏa lực không đáng kể. Không biết thằng Pốt bị anh Lang bắn là chết hay sống, chỉ thấy có máu và bông băng và một quả B còn rơi lại. Những loạt đạn của cả hai bên rát rạt trên thân cây.

Chừng mười phút sau thì địch không bắn nữa và chúng rút.

Anh Thảo tiếp cận với anh Thân khi súng vẫn còn nổ.

Khi cả đội hình lên thì tổ anh Thảo đang đưa anh Thân xuống…

Anh bị nhiều đạn AK vào ngực và bụng, máu chảy đầm đìa. Anh chỉ nhìn anh em chứ không nói lời nào, mắt anh đã đờ đẫn. Anh em chích thuốc băng bó tạm lại. Anh Thảo bế anh lên, nhẹ nhàng đặt vào võng, cáng anh rời khỏi trận địa.

Không thể làm gì hơn, chúng tôi điện cho C14 đón chúng tôi tại làng Chanh (C14 nghe súng nổ đã cho quân chuẩn bị đi về hướng 547. Chỉ chờ lệnh.)

Đội hình xuôi về hướng làng Chanh mang theo một tử sĩ và một thương binh.

Khi gần đến làng Chanh chừng hơn kilômét, anh Thân gồng mình trên võng và kêu vài tiếng, nghe anh em phía dưới nhắn, tôi và anh Thảo chạy xuống… cũng chỉ kịp nhìn anh lần cuối cùng… khi anh còn thở... và ít phút sau anh ra đi.

Anh em C14 đi giữa đội hình, đảm nhận việc đưa hai tử sĩ về vị trí quy định.

Sư đoàn đã cho xe vào cách Kamtuot 6 km, và anh em công binh của F có nhiệm vụ đưa về Sư đoàn.

Cũng trong đợt ấy trinh sát e95 cũng phải hi sinh hết hai vì bị mìn của địch và cũng phải quay về khi nhiệm vụ chưa thành.

Đành rằng chiến tranh còn có sự may rủi và khó tuân theo một quy luật nào. Nhưng anh Thân hi sinh, cũng là bài học muôn thuở cho lính trinh sát trong tình huống tao ngộ chiến. Có lẽ anh mất bình tĩnh lúc đầu, bắn nhiều loạt đạn quá và cơ động chậm, nên bị chúng phát hiện và tấn công.

Hai anh đi rồi, chúng tôi ở lại C14 ba ngày... để ổn định tinh thần, bổ sung anh em trinh sát 29... và tiếp tục con đường đến 547 lần thứ hai.

Năm 2003 khi về Phú Yên công tác tôi ghé nhà anh Thân. Mẹ anh vẫn còn. Em anh Thân giới thiệu với cụ tôi là bạn của anh, tránh cho cụ xúc động. Anh Thân không biết chữ, toàn bộ thư từ do anh em trong đơn vị viết hộ. Tôi có viết hộ anh ba hay bốn lá thư gửi về cho người yêu, nhưng những lá thư này phải do anh Thân bỏ vào bì và dán, không ai được làm thay. (Khi tôi về, cô là nhân viên bưu điện của Huyện Tuy An - Phú Yên). Khi em anh Thân giới thiệu tên tôi cùng đơn vị với anh Thân ngày xưa, cô ta nói ngay: Anh là “Chủ tịch ủy ban viết thư tình.”

Tôi chỉ cười và gật đầu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3