Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 2) - Chương 02 - Phần 1
Chương 2
Tịch nhan
Cứ như thế, giọng ca của Lăng Dung đêm nào cũng vang lên ở Thủy Lục Nam Huân điện.
Bất kể là Hoàng thượng triệu ai thị tẩm, giọng ca cao vút xuyên mây phá trăng của Lăng Dung vẫn vang vọng trong Thái Bình hành cung.
Không thể nói là Huyền Lăng không sủng ái Lăng Dung nhưng không phải là quá sủng ái. Theo quy định của tần phi được sủng ái, sau khi thị tẩm thì thường được tấn phong, vậy nên Lăng Dung được tấn phong làm tòng lục phẩm mỹ nhân. Lúc đầu, so với tôi, My Trang và Thuần Nhi, địa vị của Lăng Dung là thấp nhất. Bây giờ My Trang bị giáng xuống làm thường tại, Thuần Nhi vẫn là thường tại, địa vị của Lăng Dung chỉ còn kém mỗi tôi mà thôi.
Lăng Dung được tấn phong, tôi đương nhiên rất vui mừng, nhưng bên cạnh niềm vui còn có chút mất mát và buồn bã khó gọi thành tên, tôi không thể hoàn toàn hoan hỷ, vui sướng như thuở My Trang được sủng ái.
Có lẽ chỉ vì bức thêu quạ lạnh tình cờ nhìn thấy. Mặt ngọc nghĩ thua màu quạ lạnh, còn mang bóng nhật điện vàng bay. Phảng phất niềm thương thân trách phận, kèm theo chút ước ao… Bức thêu đó giúp tôi hạ quyết tâm giúp đỡ Lăng Dung nhưng cũng khiến lòng tôi lưu lại chút dè chừng.
Nhưng ở chốn thâm cung này, với thân thế và hoàn cảnh của Lăng Dung, tự thương thân mình cũng là chuyện đương nhiên mà thôi. Tôi bất giác tự giễu mình không phải kẻ khoan dung, độ lượng, đến một người gần gũi như Lăng Dung mà cũng sinh lòng nghi ngờ. Chân Huyên à Chân Huyên, chẳng lẽ ngươi đã quên mất những ngày thân mật, gắn bó cùng nhau ở Chân phủ rồi sao?
Tôi thoải mái hơn một chút.
Dưới con mắt của mọi người trong cung, Lăng Dung được sủng ái xem ra chẳng khác Diệu Âm nương tử thứ hai là mấy. Cả hai đều xuất thân thấp kém, dung mạo thanh nhã, lại nhờ giọng ca mà được sủng ái. Tuy nhiên, Lăng Dung dịu dàng, ít nói, không chỉ xử sự nhún nhường mà luôn dè dặt, khéo léo với các phi tần khác, không hề kiêu căng như Diệu Âm nương tử thuở trước. Chẳng những Hoàng hậu hài lòng với nàng ta, đến Huyền Lăng cũng lên tiếng khen ngợi nàng ta hiền lành, khiêm tốn.
Lăng Dung vẫn đối xử thân mật với tôi như trước, thậm chí còn thân thiết hơn. Mỗi ngày, sau khi thỉnh an Hoàng hậu trở về, nàng ta đều đến Nghi Phù quán của tôi chơi, thái độ thân thiết, hiền hòa. Trước sự sủng ái của Huyền Lăng, Lăng Dung tựa hồ không thể giữ được vẻ thản nhiên, thoải mái, mà lúc nào cũng có bộ dạng rụt rè, cư xử cẩn thận, dè dặt, thật khiến người ta sinh lòng thương hại.
Lăng Dung từng rưng rưng lệ, níu lấy tay áo tôi, nức nở: “Tỷ tỷ có trách Lăng Dung không? Lăng Dung không phải có ý muốn tranh giành sủng ái đâu.”
Tôi dừng tay, không cắt tỉa mấy cành hoa cắm trong bình nữa, tủm tỉm cười, nhìn sang nàng ta, đáp: “Sao lại trách cơ chứ? Muội có ngày hôm nay, tỷ vui mừng còn không kịp nữa là... Tỷ một tay giúp đỡ muội có được ngày hôm nay, sao tỷ có thể trách muội được!”
Lăng Dung nghẹn ngào, ánh mắt thiết tha. “Nếu khiến cho tỷ tỷ không vui, Lăng Dung sẽ không bao giờ gặp lại Hoàng thượng nữa.”
Tôi vốn không định nói gì thêm, khi nghe nàng ta nói vậy, tôi càng không thể nói được gì, chỉ đành cười, nói đùa với nàng ta: “Đừng nói kiểu đó nữa, cứ như con nít giận dỗi không bằng. Nói gì thì nói, tỷ cũng có thể tính là nửa bà mối cho muội, có tân nương nào vì bà mối mà không thèm nhìn mặt tân lang hay không?”
Lăng Dung nghe vậy mới đổi buồn làm vui, vẻ mặt hết sức chân thành. “Tỷ tỷ lại trêu ghẹo muội nữa, nhưng chỉ cần tỷ tỷ không trách muội là được.” Trong lúc trò chuyện, vòng eo của nàng ta hơi chuyển động, tùy theo động tác, trâm ngọc khảm minh châu xanh biếc long lanh, chuỗi ngọc vàng trơn trên mái tóc mây đen nhánh tỏa hào quang lấp lánh, lộng lẫy chẳng kém gì sương sớm dưới ánh mặt trời.
Tôi chỉ tủm tỉm cười, tận tay chỉ dẫn nàng ta cách để cắm hoa vào bình sao cho đẹp nhất.
Tôi thầm nghĩ, Huyền Lăng đối xử với Lăng Dung quả thực không tệ. Lăng Dung đương nhiên đã được chuyển sang nơi khác, giờ nàng ta ở Phồn Anh các tinh xảo bên cạnh hồ Phiên Nguyệt. Số cung nữ, nội giám hầu hạ theo lệ tăng lên gấp bội đương nhiên là không cần nhắc đến, cứ ba, bốn ngày lại có phần thưởng hậu hĩnh ban xuống. Lăng Dung đắc sủng, lại được Hoàng hậu ngầm tương trợ, Hoa Phi tuy tức tối đến nghiến răng nghiến lợi nhưng cũng chẳng làm gì được, nàng ta chỉ càng thêm đề phòng tôi. Nhờ vậy, tôi cũng tạm an tâm, một lòng bày mưu tính kế giúp My Trang.
Ngày tháng vẫn duy trì bề ngoài sóng yên gió lặng, yên bình trôi qua.
Từ khi Lăng Dung đắc sủng, giọng ca lay động lòng người của nàng ta khiến Huyền Lăng sinh lòng đam mê ca vũ, thế là dạ yến hoan lạc rất hay được cử hành trong hành cung, sau yến hội, y lại nghỉ ngơi tại Phồn Anh các của Lăng Dung.
Từ khi vào cung đến giờ, tôi chưa hề thấy Huyền Lăng say mê ca vũ, yến tiệc như thế bao giờ, không khỏi có mấy phần nghi hoặc. Sau đó, khi nói chuyện phiếm với Hoàng hậu, tôi mới biết Huyền Lăng trước đây rất yêu thích những buổi yến tiệc có ca vũ này, chỉ có điều sau khi Thuần Nguyên Hoàng hậu qua đời thì y rất hiếm khi tham gia những buổi tiệc náo nhiệt như thế nữa.
Hoàng hậu tựa hồ chẳng mấy để tâm đến chuyện Lăng Dung đem lại cho Huyền Lăng nhiều nụ cười và hoan lạc, khi nói chuyện, thần thái bình tĩnh, hàng mi cụp xuống, lông mi dài cong vút, in bóng mờ mờ dưới đôi mắt. Người chỉ chú tâm vào con linh miêu ngũ sắc tên là Tùng Tử đang ôm trong lòng. Con linh miêu này là động vật quý hiếm do nước Cốt La tiến cống, lông có năm màu, màu nào cũng rõ ràng, đều đặn, lông mịn mượt bóng loáng, chẳng khác gì một tấm gấm hảo hạng. Trên mặt nó, hoa văn xám và đen hòa lẫn, nhìn thoáng qua khá giống mặt hổ, đôi mắt hổ xanh biếc, lấp lánh có thần. Hiếm nhất là nó đã được thuần phục, hết sức ngoan ngoãn, vâng lời, Hoàng hậu rất yêu thương nó, thường khen rằng “vẻ hổ tính mèo, hiểu thấu lòng người”, trừ lúc ăn lúc ngủ ra thì lúc nào cũng ôm nó vào lòng nựng nịu.
Mười móng tay như cánh sen của Hoàng hậu sơn màu đỏ tươi rực rỡ, chẳng khác gì màu son được tỉ mỉ vẽ lên đôi môi, lẫn giữa đám lông năm màu của linh miêu càng thêm phần chói mắt. Hoàng hậu ngẩng đầu, nhìn sang tôi, nói: “Ngươi qua đây ôm Tùng Tử một lát đi, nó biết nghe lời lắm!” Tôi mỉm cười có chút chần chừ, không dám đưa tay ra. Hoàng hậu thấy vậy thì phá lên cười, nói ngay: “Bản cung quên mất chuyện ngươi sợ mèo.”
Tôi cũng cười. “Hoàng hậu quan tâm đến thần thiếp quá, chuyện cỏn con như vậy mà cũng ghi nhớ trong lòng.”
Hoàng hậu giao con linh miêu cho cung nữ hầu cận, tủm tỉm cười, nói: “Thực ra, bản cung tuy yêu thương nó nhưng lúc nào, nơi nào cũng phải để ý, nó dù gì cũng là súc vật, nếu không cẩn thận bị nó cào trúng thì không ổn chút nào.”
Tôi cụp mắt, cười thưa: “Hoàng hậu quá lo xa rồi! Tùng Tử là do người một tay nuôi lớn, hết sức ngoan ngoãn, nghe lời.”
“Vậy sao?” Hoàng hậu vuốt ve những hình thêu chi chít trên tay áo, nửa cười nửa không. “Lòng người còn khó dò, huống gì là loài súc vật. Càng thân cận, ngoan ngoãn thì càng dễ sinh lòng sơ sẩy.”
Lời nói của Hoàng hậu chứa đựng ẩn ý riêng, tôi chỉ vờ như không hiểu. Hoàng hậu cũng chỉ cười, nói: “Hoa Phi tựa hồ không ưa An Mỹ nhân.” Nghe nói Hoa Phi vô cùng tức tối, mắng chửi Lăng Dung là hồng nhan họa thủy, khiến Hoàng thượng chìm đắm trong ca vũ và mỹ nhân. Huyền Lăng gián tiếp biết được những lời của Hoa Phi, cũng chẳng giận dữ mà chỉ cười cho qua chuyện, nói rằng đúng là “lòng ghen tuông của đàn bà”. Sau đó, mỗi lần có yến tiệc, y đều dắt theo nàng ta tham dự, Lăng Dung lại càng khiêm tốn, rụt rè, khiến Hoa Phi đầy bụng tức giận mà không có cách nào phát tác.
Đêm đến, trong cung lại cử hành dạ yến như thường lệ. Vương công quý tộc đều đưa gia quyến đến tham dự. Yến tiệc linh đình, cùng hoan hô vạn tuế.
Đúng là thời thịnh thế phồn vinh, xa hoa trụy lạc.
Lý Trường khẽ vỗ tay một tiếng làm hiệu, tiếng đàn sáo trong đại sảnh du dương ngân vang. Một đám gần trăm ca vũ nhan sắc xinh tươi, tóc bới kiểu đuôi én buông thấp, mặc váy áo mỏng manh trong suốt, nhẹ nhàng lướt vào điện như chim bay, vừa hát vừa múa. Kẻ nào cũng có dung nhan quyến rũ, thân hình thướt tha như bướm lượn vờn hoa. Trong tiếng đàn sáo du dương, đôi cánh tay trắng muốt như bạch ngọc không ngừng biến hóa tạo nên những tư thế uyển chuyển, thu hút sự chú ý của mọi người. Những cô nương xinh đẹp xếp thành hàng ngay ngắn, nhìn từ xa chẳng khác nào làn sóng nhấp nhô, mềm mại.
Hoàng hậu và Hoa Phi ngồi ở hai bên Huyền Lăng, tôi và Lăng Dung ngồi đối diện nhau ở bên dưới.
Lăng Dung mắt trang điểm tỉ mỉ, váy mềm màu đỏ lệ chi bằng vải lụa có hoa văn hình bướm, thắt lưng xanh nhạt tôn lên vòng eo mảnh mai như liễu, trên mái tóc đen nhánh lấp lánh ánh châu ngọc, lúc che miệng mỉm cười lộ nét duyên ngầm kín đáo, hết sức xinh xắn. Tôi không khỏi cảm thán, Lăng Dung một khi chịu khó trang điểm, ăn mặc thì chưa thể kể là tuyệt sắc nhưng cũng có được vẻ yểu điệu khác hẳn ngày thường.
Lăng Dung chầm chậm rót đầy rượu vào chung, rồi uyển chuyển bước lên dâng cho Huyền Lăng. Huyền Lăng mỉm cười đón lấy, uống một hơi cạn sạch. Hoa Phi cười lạnh một tiếng, vờ như không nhìn thấy.
Điềm Quý nhân mỉm cười dịu dàng, nói: “An mỹ nhân chu đáo thật, bọn ta thân là tỷ tỷ mà lại sơ sót quá, đúng là hổ thẹn!”
Lăng Dung đỏ bừng mặt, không dám đáp lời, vội vã xin phép lui xuống.
Huyền Lăng quay sang nói với Điềm Quý nhân: “Dâng hoa quả trước mặt nàng lên cho trẫm!”
Điềm Quý nhân vui mừng, ngọt ngào thưa: “Vâng!” Rồi lại tủm tỉm cười. “Hoàng thượng cũng có mà, sao lại đòi của thần thiếp chứ?”
Huyền Lăng cười nhạt. “Trẫm thấy nàng có hoa quả mà chẳng thèm ăn, chỉ thích nói chuyện, vậy thì cứ đem hoa quả của nàng dâng lên cho trẫm, để khỏi lãng phí đó mà.”
Điềm Quý nhân đỏ mặt tía tai, không ngờ mới lỡ lời một câu đã bị Huyền Lăng mỉa mai đến vậy. Nàng ta nhất thời ngẩn ra chẳng biết làm sao, một lát sau mới miễn cưỡng mỉm cười, thưa: “Hoàng thượng đúng là thích trêu chọc thần thiếp mà!” Nói xong thì ngượng ngập không dám nhiều chuyện nữa.
Màn gấm buông rủ khẽ bay phất phơ, hương rượu cùng mùi phấn son và mùi hương của nữ tử quấn quýt, hòa quyện, tạo nên bầu không khí mê say, ám muội.
Tôi vờ như vô tình, khẽ đưa quạt tròn đã ướp hương trầm lên che trước mũi, giấu đi nụ cười lạnh nhàn nhạt nơi khóe môi.
Đưa Lăng Dung ra tranh sủng quả nhiên không sai, nàng ta rất được Huyền Lăng để tâm đến. Nhưng mà...
Dưới những tia nắng cuối cùng còn sót lại, mấy gốc hoa bên ngoài điện lộng lẫy như lửa như đuốc, đỏ rực tựa ráng chiều. Cành hoa dọc ngang chi chít, khẽ rung rinh trong làn gió nhẹ, in bóng lên màn cửa sổ hoa lệ, khiến người ta nhìn mà quên cả thời gian.
Tôi đột nhiên cảm thấy, cảnh phồn hoa phù phiếm, hưng thịnh, nói cười này còn chẳng khiến người ta lay động bằng chút ráng chiều sót lại ngoài cửa sổ.
Nhân lúc không ai để ý tới, tôi mượn cớ muốn đi thay y phục, lặng lẽ lui ra ngoài.
Trăng lưỡi liềm cong cong thấp thoáng sau mây mờ sương phủ cuối trời, ánh trăng lấp loáng trên mái điện bóng bẩy, óng ánh, trong suốt như lớp băng trắng bạc đóng trên vũng nước cạn, ngại ngùng sợ những chấu nhọn trên mái cong sẽ làm tan vỡ sự tĩnh mịch của nó. Bên trong vườn ngự, hương hoa lan tỏa, cành chen bóng mờ, chất chồng lên nhau trùng trùng điệp điệp, được bao bọc bởi một vầng hào quang trắng bạc.
Đã vào độ cuối tháng Bảy, đêm không còn nóng nực nữa mà có phần lành lạnh. Đôi hài thêu đính trân châu đế mềm của tôi bước từng bước trên sàn đá của hành lang quanh co uốn khúc, gấu váy cọ vào nhau sột soạt.
Tôi đi càng lúc càng xa, một mình trèo lên đài Đồng Hoa.
Đài có tên là Đồng Hoa, nơi người trong cung bốn mùa trèo lên ngắm cảnh. Lấy ý từ trong câu thơ: Hoa ngô đồng vạn dặm, lời ríu rít chẳng ngừng[6].
[6] Phỏng theo Tử dạ ca, Hồ Lan Thành viết trong tác phẩm Kim sinh kim thế tặng cho Trương Ái Linh, nguyên tác: “Đồng hoa vạn lý lộ, liên triêu ngữ bất tức.”
Ngô đồng vốn là loại cây tượng trưng cho tình yêu trong sáng, chân thành nhất.
Ngày xưa, Thư Quý phi được tiên hoàng Long Khánh đế đem lòng yêu, hai người tình sâu ý nặng. Tiếc là mẹ ruột của Long Khánh đế là Chiêu Hiến Thái hậu không hài lòng với xuất thân khiến người đời dèm pha của Thư Quý phi, không cho phép sắc phong cho bà ở Tử Áo thành. Long Khánh đế bèn triệu tập tất cả những thợ thủ công khéo tay nhất trong cả nước, dựng đài Đồng Hoa ở Thái Bình hành cung, nghênh tiếp Thư Quý phi nhập cung để sắc phong và làm gia lễ. Cho đến khi Chiêu Hiến Thái hậu qua đời, Thư Quý phi sinh được lục hoàng tử Huyền Thanh thì mới được gia phong làm quý phi trong Tử Áo thành.
Lúc rảnh rỗi, tôi có lật xem Chu sử, sách sử đối với vị phi tử xuất thân đáng ngờ nhưng lại chiếm được tình yêu trọn kiếp của đế vương hệt như trong truyền thuyết này chỉ lưu lại vài ba dòng ngắn ngủi, rằng: “Phi họ Nguyễn, con gái của Nguyễn Duyên Niên, tri sự Bình Chương, năm mười bảy tuổi vào cung, được Hoàng đế sủng ái, vượt hẳn lục cung, ban đầu được lập làm phi, ban hiệu Thư, tháng Mười năm thứ mười hạ sinh hoàng tử Thanh, tấn quý phi, nhận sắc làm lễ, đại xá thiên hạ, lễ chế ngang với Hoàng hậu. Đế mất, phi tự xin xuất gia tu đạo.” Chỉ lướt qua ngắn gọn như thế nhưng đã tóm gọn cả cuộc đời của nữ nhân này. Lòng sủng ái của tiên đế đối với bà ta có thể thấy được một phần trên đài Đồng Hoa này. Đài Đồng Hoa cao ba trượng chín thước, lát bằng đá bạch ngọc, lầu quỳnh hiên ngọc, cột kèo hào hoa, lấp lánh ánh cát tường. Bên cạnh đài trồng đường lê và ngô đồng, xanh um tươi tốt. Có thể tưởng tượng được thuở xưa vào mùa xuân, hạ, hoa nở hoặc tinh khiết như tuyết, hoặc tím nhạt như sương, rực rỡ khoe sắc, mùi hương thầm thanh nhã. Thư Quý phi và Tiên đế tựa vào nhau ngắm hoa, thì thầm lời mật ngọt, đúng là cảnh tượng lãng mạn, thâm tình biết mấy.
Tôi thầm than thở: Hoa ngô đồng vạn dặm, lời ríu rít chẳng dừng, đúng là tình thâm ý trọng, ân ái triền miên khó mà tả được.
Trong số bốn đời thiên tử của Đại Chu, trọn kiếp chỉ yêu một người thì chỉ có Long Khánh đế mà thôi. Thế nhưng, nếu như đế vương chỉ chung tình với một người thì e đó chính là nguyên do dẫn đến sự chia rẽ, hỗn loạn trong hậu cung và triều đình.
Có lẽ thân là đế vương thì định sẵn phải ban ân mưa móc đều khắp cho mọi nữ nhân trong lục cung.
Nở nụ cười thê lương, tôi vốn đã thấu hiểu hết thảy, vậy còn thương cảm thêm làm gì?