Tâm lý học căn bản - Chương 05 - Phần 6
1. Hiện tượng học hỏi quy luật của loài vật
Các nhà tâm lý trung thành với khảo hướng học hỏi do hoạt động trí tuệ đã nêu ra các thách đố khác đối với quan điểm cho rằng tiến trình học hỏi chỉ bao gồm một loạt liên kết máy móc giữa các kích thích và phản ứng. Đặc biệt, họ nhắm đến các thí nghiệm mà theo họ đã chứng minh rằng loài vật rút ra được suy luận về quy tắc. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu như thế người ta cho một nhóm bồ câu nhìn thấy hàng trăm bức ảnh về cảnh vật ngoài trời. Các chú bồ câu này sẽ được phần thưởng nếu mổ vào một thanh ngang đúng vào lúc một thân cây hiển thị trên màn ảnh, và không được thưởng nếu mổ vào thanh ngang lúc màn hình không hiển thị thân cây. Chẳng bao lâu các chú bồ câu đã tỏ ra hoàn toàn phân biệt được các bức ảnh, chúng chỉ mổ vào thanh ngang khi xuất hiện ảnh có hình thân cây.
Câu hỏi then chốt ở đây là: Các chú bồ câu làm cách nào xác định được khi một thân cây xuất hiện? Đây không phải là một vấn đề thuần túy ký ức, bởi vì các chú bồ câu tỏ ra chính xác ngay khi thấy một loạt hình ảnh gồm các cảnh vật hoàn toàn mới lạ được trình chiếu. Ngoài ra, chúng không chỉ gắn bó vào một nét đặc thù nào của cái cây, như chỉ mổ vào thanh ngang khi nhìn thấy lá cây, và không mổ khi thiếu lá cây (Điều này hiển nhiên bởi vì bọn bồ câu đã phản ứng tích cực đối với những cảnh mùa đông với các thân cây trụi lá, nhưng lại không có phản ứng gì khi nhìn thấy những thân cây phủ đầy lá). Do đó, các nhà tâm lý theo quan điểm học hỏi do hoạt động trí tuệ cho rằng loài bồ câu có thể học hỏi được các quy luật ấn định một loạt thành tố cá biệt nào đó – như sự xuất hiện đồng thời của lá cây, cành cây, và kích cỡ thân cây – hợp thành một cái cây.
Các cuộc nghiên cứu khác còn cho rằng loài vật có thể suy đoán được những khái niệm phức tạp như các chuỗi số chẳng hạn, giúp cho chúng biết được sự khích lệ sẽ diễn ra theo các lề lối nhất định nào đó. Thí dụ, loài chuột có khả năng biết được số lượng thức ăn nhận được cho mỗi lần chạy hết mê cung sẽ thay đổi theo một cung cách đã ấn định, hoặc biết được phần thưởng sẽ chỉ nhận được sau khi chạy xong một số lần thử thách nhất định.
Các cuộc nghiên cứu cho rằng loài vật có thể sử dụng được các quy luật cũng như hình thành được các khái niệm phức tạp về các chuỗi số như thế đã đi ngược lại các quan điểm chủ trương học hỏi theo tiến trình tạo ĐKHC truyền thống và tiến trình tạo ĐKTĐ. Nhưng đối với các nhà tâm lý vận dụng cơ cấu lý thuyết học hỏi do hoạt động trí tuệ, các chứng cứ ấy lại phản ảnh rõ rệt rằng sinh vật hành động căn cứ vào một biểu trưng có ý nghĩa về thế giới chung quanh đã hình thành trong tâm trí của chúng, và biểu trưng này được vận dụng để kiến tạo các liên kết về các biến cố xảy ra trong một trường sống của chúng.
2. Hình thức học hỏi do quan sát: Học hỏi qua tiến trình mô phỏng
Chúng ta hãy dành chút ít thời gian quay lại với trường hợp cậu bé bắt chước phản ứng mà cậu đã quan sát trước đó trong một cuốn phim chiếu trên TV. Chúng ta sẽ giải thích ra sao về các trường hợp trong đó một người nào đó trước đây chưa hề có kinh nghiệm trực tiếp về việc thực hiện các hành vi đặc biệt nay lại học hỏi và thực hiện được các hành vi ấy. Để giải đáp được các câu hỏi này, các nhà tâm lý đã đề nghị một hình thức học hỏi khác trên bình diện trí tuệ: học hỏi do quan sát.
Theo nhà tâm lý Albert Bandura và các đồng sự, một bộ phận chính trong vấn đề học hỏi của con người chính là hình thức học hỏi do quan sát (observational learning), mà họ định nghĩa là học hỏi thông qua quan sát hành vi của một người khác hay của một mẫu hình (a model). Bandura và các đồng sự của ông đã minh chứng đầy ấn tượng về khả năng kích thích học hỏi của các mẫu hình. Trong một thử nghiệm hiện nay được xem là thí nghiệm cổ điển, các đứa trẻ được cho xem một cuốn phim về một người trưởng thành đã điên cuồng đấm đá vào một hình nộm bơm phồng, cao khoảng 1mét 50, treo thẳng đứng gọi là búp bê Bobo. Sau đó, người ta tạo cơ hội cho ác em chơi đùa tùy thích với con búp bê Bobo, chúng thường biểu lộ hành vi tương tự như trong phim, và một số em đã bắt chước gần giống hệt hành vi hung bạo ấy.
Tuy nhiên, người ta không chỉ tiêm nhiễm các hành vi xấu xa qua việc học hỏi do quan sát. Chẳng hạn, trong một thí nghiệm trẻ sợ chó được xem một mẫu người – gọi là Fearless Perr (Anh Chàng Lỳ Lợm) – chơi đùa với một con chó. Sau khi xem các em ấy dám tiếp cận với một con chó lạ, bạo gan hơn so với các em chưa được xem phim.
Theo Bandura, tiến trình học hỏi do quan sát trải qua bốn bước (1) chú ý và lĩnh hội các đặc điểm nổi bật nhất trong hành vi của người khác; (2) ghi nhớ hành vi ấy; (3) mô phỏng động tác; và (4) có động cơ học tập để rồi thực hiện hành vi ấy. Như vậy, ngoài hình thức học tập nhờ phương pháp thử thách – và – sai lầm trong đó thành công được thưởng và thất bại bị phạt, nhiều kỹ năng quan trọng được học hỏi thông qua tiến trình quan sát.
Hình thức học hỏi qua quan sát đặc biệt quan trọng trong việc tiếp thu các kỹ năng mà kỹ thuật uốn nắn (shaping) không phù hợp. Lái phi cơ và tiến hành một cuộc phẫu thuật não bộ chẳng hạn là các hành vi khó học tập được theo phương pháp thử thách – và – sai lầm mà không phải trả giá khá đắt – theo nghĩa đen – đối với những người liên hệ trong việc học tập.
Dĩ nhiên, chúng ta không học tập và hay thực hiện tất cả một hành vi mà chúng ta đã từng chứng kiến. Một yếu tố quyết định liệu sau này chúng ta có bắt chước một mẫu người nào đó hay không chính là hậu quả do hành vi của mẫu người đó đem lại. Nếu chúng ta quan sát thấy một người bạn được tưởng thưởng nhờ dành nhiều thời giờ hơn cho việc học là được điểm cao, chúng ta sẽ có nhiều khả năng bắt chước hành vi ấy hơn so với trường hợp người đó chẳng những không được điểm cao mà còn bị mệt nhọc hơn và địa vị xã hội sa sút đi. Những mẫu người được khen thưởng nhờ hạnh kiểm tốt dễ được bắt chước hơn so với các mẫu người bị trừng phạt. Dù vậy, điều thú vị là việc quan sát sự trừng phạt một mẫu người nào đó không nhất thiết ngăn chặn người ta bắt chước hành vi của mẫu người ấy. Người xem có thể vẫn còn duy trì hành vi của mẫu người ấy – chỉ có đều là họ sẽ bớt thực hiện đi.
3. Ý thức tình trạng bất lực: Cam chịu những điều không thể chấp nhận
Phải chăng bạn đã từng nghe những câu nói đại loại như: “Bạn không thể đánh nhau với ông đổ quan.”; “Dù có học chăm đến đâu tôi cũng chẳng thể đậu được môn học này.”; “Dù có luyện tập bao lâu tôi cũng chẳng bao giờ biết chơi quần vợt.”? Theo nhà tâm lý Martin Seligman, mỗi câu nói ấy đều là thí dụ về ý thức tình trạng bất lực (learned helplessness), một niềm tin của một cá nhân hay sinh vật nhờ học hỏi mà biết được rằng mình không thể nào khống chế hoặc kiểm soát được hoàn cảnh gặp phải.
Lần đầu tiên vấn đề ý thức tình trạng bất lực được minh chứng trong các thí nghiệm trong đó các con chó bị nhiều cú giật điện không phương tránh né; những cú giật đến này tuy rất đau đớn nhưng không gây tổn thương thể xác của chúng. Mặc dù thoạt đầu lũ chó nỗ lực tìm đường thoát một cách vô vọng, nhưng cuối cùng chúng đành chấp nhận chịu giật điện, dường như với thái độ cam chịu. Song giai đoạn kế tiếp của thí nghiệm mới là khám phá quan trọng nhất: bầy chó được nhốt trong một phòng gồm hai ngăn, có rào chắn thấp để chúng có thể dễ dàng nhảy qua. Nhảy qua rào chắn, chúng có thể tránh khỏi bị điện giật ở ngăn thứ nhất. Những con chó trước đây chưa từng bị điện giật bèn nhanh chóng biết nhảy qua ngăn thứ hai, còn bầy chó đã từng bị điện giật không trốn thoát được trước đây có khuynh hướng nằm yên chờ cho cơn giật điện qua đi. Seligman kết luận rằng bầy chó ấy đã ý thức được tình trạng bất lực. Chúng không còn kỳ vọng điều gì giúp chúng ngăn chặn các cú điện giật, nên chỉ đành phải chấp nhận mà thôi.
Con người cũng học được tình trạng bất lực. Chẳng hạn, trong một thí nghiệm các sinh viên đại học phải nhận chịu âm thanh ầm ĩ không thể trốn tránh đi đâu được. Đến sau này khi được yêu cầu làm bài thì trong một tình huống có cơ may trốn tránh được tiếng ồn ào, nhưng họ ít chịu nỗ lực tìm cách tránh né nên đã gặt hái thành quả kém hơn so với nhóm sinh viên trước đây tuy đã bị ồn ào nhưng đã có cơ hội trốn thoát. Các sinh viên ấy dường như đã bị ám ảnh bất lực khi đối mặt với một trường hợp nào đó nếu chỉ cần cố gắng là họ có thể thoát được.
Khái niệm “ý thức tình trạng bất lực” giải thích được một số hiện tượng nan giải. Thí dụ, những đứa trẻ bị ngược đãi đôi khi không chịu tìm cách né bớt dù có cơ hội, đành cam chịu bị đánh đập. Cách giải thích duy nhất là chúng ý thức tình trạng bất lực khi phải đối mặt với trừng phạt không thể trốn thoát được. Tương tự như chúng ta sẽ thảo luận ở Chương 12, việc ý thức được tình trạng bất lực có thể là nguyên nhân gây ra các trường hợp trầm cảm nghiêm trọng trong đó người ta sa sút đến mức cảm thấy rằng họ là nạn nhân của các biến cố vượt khỏi phạm vi kiểm soát khiến họ đành chịu bất lực trong hoàn cảnh ấy.
4. Điểm mâu thuẫn chưa giải quyết được trong lý thuyết học hỏi do hoạt động trí tuệ
Mức độ học hỏi căn cứ vào các nhân tố nội tại vô hình chứ không dựa vào các yếu tố ngoại lai vẫn còn là một vấn đề gây bất đồng nghiêm trọng giữa các lý thuyết gia nghiên cứu vấn đề học hỏi ngày nay. Cả hai thuyết tạo ĐKHC và tạo ĐKTĐ đều nghiên cứu tiến trinh học hỏi căn cứ vào các kích thích và phản ứng bên ngoài – một dạng phân tích “chiếc hộp đen” theo đó mọi kích thích cũng như phản ứng ấy đều là các đặc điểm quan sát được thuộc môi trường chung quanh, chứ chẳng phải là những gì diễn ra bên trong bộ óc con người. Đối với các lý thuyết gia nghiên cứu các vấn đề học hỏi trên bình diện trí tuệ thì phân tích như thế là phạm sai lầm; bởi vì sự kiện tối quan trọng là hoạt động tâm trí (mental activity) – các ý tưởng và kỳ vọng – đã diễn ra.
Một số nhà tâm lý lập luận rằng riêng bất cứ khảo hướng nào cũng không đủ giải thích toàn bộ tiến trình học hỏi. Thay vì xem các khảo hướng tác phong và tâm tư (behavioral and cognitive approaches) đối chọi nhau, các nhà tâm lý này cho rằng cách giải thích vấn đề học hỏi thông qua các khảo hướng ấy tuy có khác biệt nhau nhưng lại bổ sung cho nhau. Một quan điểm lý thuyết như vậy đã giúp cho các nhà tâm lý gặt hái được nhiều tiến bộ quan trọng trong các lãnh vực như chữa trị các dạng tác phong cư xử bất bình thường, như chúng ta sẽ thấy ở Chương 13.
Như vậy, trong khi sự mâu thuẫn giữa các khảo hướng khác biệt nhau về tiến trình học tập nổ ra một vấn đề quan trọng trong môn tâm lý học, thì nhiều tiến bộ lạ thường đã đạt được trong việc ứng dụng thực tiễn các nguyên tắc rút ra từ nhiều lý thuyết khác biệt nhau, như chúng ta sẽ thấy trong phần còn lại trong chương này trình bày dưới đây.
THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA MÔN TÂM LÍ HỌC: PHÂN TÍCH HÀNH VI VÀ CẢI BIẾN HÀNH VI ỨNG XỬ
Một cặp vợ chồng sau khi chung sống được ba năm mới bắt đầu xung đột thường xuyên hơn. Nguyên nhân xung đột từ các vấn đề rất tầm thường, như ai sẽ lo rửa bát đĩa, đến các vấn đề sâu sắc hơn như bản chất cuộc sống tình yêu của họ và vấn đề liệu họ có tìm thấy lạc thú trong cuộc chung sống không. Bị phiền phức do lề lối tương tác ngày càng khó chịu này, hai người đã cùng nhau tìm đến một nhà phân tích hành vi (a behavior analyst), tức là nhà tâm lý chuyên nghiên cứu các kỹ thuật cải biến hành vi ứng xử. Sau khi phỏng vấn riêng từng người rồi nói chuyện chung với họ, ông yêu cầu hai người ghi chép lại tỉ mỉ các tương giao của họ trong một thời gian kéo dài hai tuần lễ – đặc biệt chú trọng đến các biến cố xảy ra trước những cuộc cãi vã của họ.
Hai tuần lễ sau, khi họ quay lại, ông thận trọng phân tích cả các hồi ký ấy cùng với họ. Làm như vậy, ông đã vận dụng được một kỹ thuật giúp cặp vợ chồng ấy tự mình quan sát rồi ghi chép lại từng sự việc đã diễn ra: mỗi cuộc cãi vã đều nổ ra ngay sau khi người này hoặc người kia không chịu làm việc nhà. Thí dụ, người vợ sẽ nổi xung khi đi làm về thấy anh chồng, là một sinh viên, để bát đĩa bẩn từ bữa cơm trưa trên bàn và thậm chí chưa chịu nấu cơm tối. Còn người chồng lại nổi giận khi thấy quần áo của bà vợ vắt trên chiếc ghế duy nhất trong phòng ngủ; anh cứ khăng khăng buộc người vợ phải có bổn phận nhặt lên.
Sử dụng các dữ kiện thu thập được, nhà phân tích đề ra một biện pháp cho cặp vợ chồng ấy cùng nhau thực hiện. Ông yêu cầu họ liệt kê ra mọi công việc lặt vặt có thể phát sinh ra, và gán cho mỗi công việc một số điểm thành tích căn cứ vào thời gian phải mất để làm xong. Sau đó, ông buộc họ chia đều số công việc ấy ra và thỏa thuận trong một giao kèo viết tay chấp nhận hoàn thành các công việc được giao. Nếu ai không thực hiện công việc được giao nào, người ấy sẽ phải bỏ một đô-la cho mỗi điểm đánh giá vào quỹ chi tiêu của người kia. Họ cũng thỏa thuận thi hành kế hoạch khen ngợi công khai bằng lời nói, hứa khen tặng lẫn nhau khi mỗi người làm xong một việc.
Mặc dù nghi ngờ giá trị của biện pháp, cặp vợ chồng cũng đồng ý thử áp dụng biện pháp ấy trong một tháng và cẩn thận ghi chép lại số lần cãi vã xảy ra trong suốt thời gian này. Họ ngạc nhiên nhận thấy số lần cãi vã đã giảm đi nhanh chóng, và thậm chí những vấn đề căn bản hơn trong mối quan hệ của họ dường như cũng đang được giải quyết.
Trường hợp miêu tả trên đây là một thí dụ về sự ải biến tác phong cư xử (behavior modification), một kỹ thuật đã được chính thức sử dụng nhằm khích lệ sự tái diễn các hành vi mong muốn và giảm bớt các hành vi bất lợi. Nội dung các nguyên tắc căn bản thuộc lý thuyết học hỏi, các kỹ thuật cải biến hành vi đã tỏ ra hữu ích trong nhiều tình huống. Những người bị bệnh chậm phát triển trầm trọng đã có thể học được cách sử dụng các điểm căn bản trong ngôn ngữ, và lần đầu tiên trong đời họ có thể tự mình mặc quần áo và ăn cơm mà không phải nhờ đến người khác. Kỹ thuật cải biến hành vi cũng giúp cho người ta giảm cân, bỏ thuốc lá, và cư xử khả quan hơn.
Các kỹ thuật được vận dụng bởi các nhà phân tích hành vi cũng đa dạng như bản liệt kê các tiến trình trong kế hoạch cải biên hành vi ứng xử – bao gồm việc vận dụng các kỹ thuật như lập kế hoạch khen thưởng, uốn nắn, huấn luyện tổng quát hóa, rèn luyện phân biệt, và giải trừ chẳng hạn. Tuy nhiên, các phương pháp cải biến hành vi trên thực tế thường tuân thủ một loạt các bước căn bản sau đây trong kế hoạch thực hiện việc cải biến hành vi ứng xử:
– Nhận diện mục đích và hành vi nhắm đến
Bước thứ nhất là xác định “hành vi nhắm đến”. Phải chăng là tăng thời gian dành cho việc học hành? Giảm cân? Tăng khả năng vận dụng ngôn ngữ? Giảm bớt hành vi gây hấn của một đứa trẻ? Mục đích phải được phát biểu dưới dạng quan sát được và dẫn đến các mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, mục đích có thể là “tăng cường thời gian học tập”, còn hành vi nhắm đến sẽ là “học ít nhất 2 giờ mỗi ngày trong tuần và một giờ vào các ngày thứ Bảy”.
– Phác họa kế hoạch ghi nhận dữ kiện vì ghi nhận các dữ kiện chuẩn bị
Muốn xác định xem liệu hành vi đã cải biến chưa, cần phải thu thập đầy đủ các dữ kiện trước khi bất kỳ những thay đổi nào xảy ra. Việc làm này dẫn ra một mức căn bản để đo lường các thay đổi sẽ xảy ra trong tương lai.
– Chọn một chiến lược cải biến hành vi ứng xử
Bước có tầm quan trọng quyết định là chọn được một chiến lược hành động thích hợp. Bởi vì tất cả các nguyên tắc thuộc tiến trình học hỏi đều có thể được vận dụng để gây ra sự chuyển biến hành vi ứng xử, nên người ta thường áp dụng “trọn gói” các biện pháp chữa trị. Trọn gói này có thể bao gồm việc sử dụng hợp lý sự khích lệ tích cực đối với hành vi mong muốn (lời ngợi khen hoặc một thứ gì đó hữu hình hơn, như thức ăn chẳng hạn), cũng như một kế hoạch giải trừ (a program of extinction) đối với hành vi bất lợi (như tỏ vẻ không quan tâm đến đứa trẻ đang nổi giận). Chọn lọc được tác nhân khích lệ phù hợp là điều tối quan trọng; bạn có thể phải thử nghiệm để tìm hiểu xem thứ gì quan trọng đối với một cá nhân nào đó. Tránh đừng dùng các lời đe dọa, bởi vì chúng chỉ là biện pháp trừng phạt đơn thuần, không hữu hiệu lắm trong việc cải biến hành vi về lâu dài.
– Thực hiện kế hoạch
Bước kế tiếp là lập kế hoạch hành động, có lẽ khía cạnh quan trọng bật nhất trong việc thực hiện kế hoạch là tính nhất trí. Một khía cạnh khác cũng quan trọng là biết chắc rằng bạn sẽ khích lệ hành vi mong muốn nào. Thí dụ, giả sử bạn muốn một đứa trẻ dành nhiều thời gian làm bài tập ở nhà hơn, nhưng ngay khi ngồi vào bàn là cô bé đòi một chiếc bánh. Nếu bạn cho nó một chiếc, thì có lẽ bạn đang khích lệ chiến thuật trì hoãn của nó chứ không phải đang khích lệ việc học. Thay vì thế, bạn nên bảo nó rằng bạn chỉ cho sau khi nó chăm chú học bài một khoảng thời gian nào đó chẳng hạn – nhờ đó, dùng chiếc bánh làm vật khích lệ học tập.
– Cẩn thận ghi chép lại sau khi thực hiện kế hoạch
Một công tác tối hệ trọng khác là ghi nhận các diễn biến; nếu không theo dõi các hành vi nhắm đến sẽ không có cách nào biết được liệu kế hoạch có thực sự thành công hay không. Đừng quá tin tưởng vào ký ức của bạn, bởi vì nó rất dễ nhầm lẫn.
– Đánh gía và cải biến kế hoạch đang tiến hành
Cuối cùng, thành quả của kế hoạch phải được so sánh với các dữ kiện trước khi tiến hành để xác định mức độ hữu hiệu của kế hoạch. Nếu thành công, có thể dần dần rút bớt đi các kỹ thuật đã được sử dụng. Thí dụ, nếu kế hạch buộc phải khích lệ liên tục mỗi khi thực hiện hành vi nhặt quần áo dưới sàn phòng ngủ lên, thì lịch khen thưởng có thể cải biến thành lịch khen thưởng theo tỷ lệ cố định, theo đó lần nhặt thứ ba sẽ được khen thưởng. Ngược lại, nếu kế hoạch không thành công trong việc cải biến hành vi mong muốn, nên quan tâm đến các biện pháp khác.
Các kỹ thuật cải biến tác phong cư xử căn cứ vào các nguyên tắc tổng quát này đã gặt hái được nhiều thành tích và tỏ ra là một trong những biện pháp cải biến hành vi có hiệu quả nhất. Hiển nhiên, có thể vận dụng những khái niệm căn bản thuộc lý thuyết học hỏi để cải thiện cuộc sống của chúng ta vậy.
5. Tóm tắt và học ôn III
A. TÓM TẮT
– Lý thuyết học hỏi do hoạt động trí tuệ (cognitive learning theory) chú trọng đến các tiến trình tâm lý vô hình diễn ra bên trong con người.
– Bắt chước (modeling) chính là học hỏi thông qua quan sát hành vị của ngườl khác. Phần thưởng mà nhân vật gương mẫu nhận được sẽ là yếu tố kích thích sự bắt chước theo hành vi gương mẫu ấy.
– Ý thức tình trạng bất lực (learned helplessness) là niềm tin mà một cá nhân hay một sinh vật nhờ kinh nghiệm học hỏi mà biết được mình không thể kiểm soát hay khống chế được tình huống gặp phải.
– Cải biến tác phong cư xử (behavior modification) là một kỹ thuật được chính thức sử dụng nhằm khích lệ các hành vi mong muốn và giảm bớt các hành vi bất lợi. Kỹ thuật này đã được vận dụng thành công trong việc thay đổi hành vi của cả bản thân lẫn của người khác.