Tâm lý học căn bản - Chương 10 - Phần 4
4/ Tương quan xã hội với các trẻ đồng trang lứa
Ngắm nhìn một đứa trẻ trước tuổi cắp sách đến trường chạy vội đi chơi với một bạn láng giềng, bạn sẽ biết được trẻ vui sướng được chơi đùa với các bạn đồng trang lứa ra sao. Tình bạn ấy tối hệ trọng cho sự phát triển xã hội tính của đứa trẻ. Theo nhà TLPT Willard Hartup, cần phải có kinh nghiệm cả về các mối quan hệ “hàng dọc” (quan hệ với những người có kiến thức và quyền lực xã hội cao hơn, như các bậc cha mẹ của trẻ chẳng hạn) lẫn các quan hệ “hàng ngang” (quan hệ với những cá nhân có kiến thức và ảnh hưởng xã hội ngang tầm với trẻ) để xây dựng năng lực tương tác xã hội hữu hiệu cho trẻ.
Kể từ tuổi lên hai, trẻ ngày càng ít lệ thuộc vào cha mẹ và càng có ý thức tự lực hơn, nên chúng càng ngày càng thích chơi với bạn bè hơn. Khởi đầu tính chơi đùa tương đối có tính độc lập: trẻ ở tuổi lên hai thường chú ý đến đồ chơi hơn là để ý đến các trẻ khác trong khi chơi đùa. Tuy nhiên dần dà chúng chủ động tương tác, cải biến hành vi của nhau, và sau đó thay đổi vai trò cho nhau trong khi chơi đùa.
Khi trẻ đến tuổi đi học, các tương tác xã hội tính của chúng trở nên ngày càng định hình rõ rệt, và ngày càng thường xuyên hơn. Chúng sẽ tham dự vào các trò chơi tinh vi bao gồm nhiều tình tiết phức tạp hơn. Cách chơi đùa cũng trở nên có tổ chức hơn, bao gồm các đội và các trò chơi có luật lệ vững chắc.
Điều quan trọng là phải nhận thức rằng việc chơi đùa của trẻ nhằm phục vụ các mục đích khác hơn là chỉ để được thích thú mà thôi. Nó giúp cho các em ngày càng có khả năng tương tác xã hội với người khác, học cách tiếp nhận quan điểm của người khác để tìm hiểu ý nghĩ và tình cảm của họ, thậm chí khí các ý nghĩ và tình cảm này không được trực tiếp biểu lộ ra. Hơn nữa chúng còn học được cách tự kiềm chế bản thân: tránh ra tay đánh một đối phương đã thắng chúng trong cuộc chơi, học cách cư xử lễ độ, và học cách kiểm soát các biểu lộ tình cảm và biểu lộ nét mặt của mình, để chỉ mỉm cười dù có nhận được một món quà không vừa ý. Như vậy, các tinh huống đem đến cho trẻ cơ hội để tương tác xã hội có thể nâng cao tình trạng phát triển xã hội tính của chúng – một đặc điểm đã được mình chúng bởi sự thành công của các em đi nhà trẻ.
5. Lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson
Khi nỗ lực theo dõi tiến trình phát triển xã hội tính, một số lý thuyết gia đã tìm hiểu xem liệu xã hội và nền văn hóa làm cách nào để dẫn ra các thách đố biến động theo tiến trình trưởng thành của cá nhân. Căn cứ vào khảo hướng này, nhà phân tích tâm lý Erik Erikson đã xây dựng được một lý thuyết toàn diện nhất về tiến trình phát triển xã hội tính. Theo Erikson (1963), các biến chuyển thuộc tiến trình phát triển trong suốt cuộc để chúng ta có thể xem như diễn ra tuần tự theo 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội. Tiến trình phát triển TLXH (psychosocial development) bao gồm các biến chuyển trong các tương tác và cách tìm hiểu lẫn nhau của chúng ta cũng như các biến chuyển về kiến thức và cách tìm hiểu bản thân của chứng ta với tư cách là các thành viên của xã hội.
Erikson cho rằng sự chuyển tiếp qua một giai đoạn này buộc người ta phải giải quyết một cơn khủng hoảng hoặc xung đột đặc biệt. Theo đó, mỗi giai đoạn trong số 8 giai đoạn theo quan điểm của Erikson tượng trưng bởi một cặp đôi gồm các khía cạnh tích cực nhất và tiêu cực nhất của giai đoạn ấy. Mặc dù các cơn khủng hoảng ấy không bao giờ được giải quyết trọn vẹn – bởi vì đời sống ngày càng phức tạp hơn khi chúng ta lớn lên – nhưng một cơn khủng hoảng vẫn cần được giải quyết đúng mức để chúng ta trang bị đầy đủ khả dĩ đối phó được các nhu cầu phát sinh trong giai đoạn kế tiếp tiến trình phát triển.
Trong giai đoạn thứ nhất thuộc tiến trình phát triển TLXH, giai đoạt tin cậy – ngược lại – mất lòng tin (trust – versus – mistrust stage, từ lúc lọt lòng mẹ đến khi được một tuổi rưỡi), trẻ xây dựng được lòng tin cậy nếu các đòi hỏi về thể chất và các nhu cầu quyến luyến về một tâm lý của chúng lúc nào cũng được đáp ứng, và nếu các tương tác xã hội với thế giới chung quanh thường làm cho chúng hài lòng. Ngược lại, sự chăm sóc thiếu nhất quán và các tương tác với tha nhân không làm chúng hài lòng có thể dẫn đến tình trạng mất lòng tin và khiến cho trẻ không đủ sức đối phó với các thách đố bắt buộc trong giai đoạn phát triển kế tiếp.
Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn tự chủ – ngược lại – xấu hổ vì nghi ngờ bản thân (autonomy – VS – shame – and doubt stage, từ một tuổi rưỡi đến 3 tuổi), trẻ chập chững biết đi đồng thời phát triển tính độc lập và tự chủ nếu chúng được khích lệ khám phá thế giới chung quanh và được tự do hành động. Ngược lại chúng sẽ cảm thấy xấu hổ nghi ngờ bản thân, và kém tươi vui nếu bị cấm đoán và được bảo vệ quá mức. Theo Erickson, bí quyết giúp trẻ phát triển tính tự chủ trong thời kỳ này là người chăm sóc trẻ nên có biện pháp kiểm soát đúng mức đối với trẻ. Nếu cha mẹ kiểm soát quá đáng thì trẻ sẽ mất khả năng tự khăng định bản thân và không phát triển được ý thức khống chế hoàn cảnh sống của riêng nó. Nhưng nếu cha mẹ quá xao nhãng bản thân trẻ sẽ trở nên đòi hỏi và chỉ phối quá mức.
Khủng hoảng kế tiếp mà trẻ gặp phải là khủng hoảng trong giai đoạn đề xướng – ngược lại – cảm giác tội lỗi (Initiative – vs – guilt stage, từ 3 đến 6 tuổi). Trong giai đoạn này, mối xung đột chủ yếu xảy ra giữa một bên là ước muốn đề xướng các hành vi độc lập của trẻ và bên kia là cảm giác tội lỗi xuất phát từ các hậu quả không vừa ý và không mong đợi do các hành vi ấy gây ra. Nếu các bậc cha mẹ phản ánh tích cực đối với các nỗ lực hành động độc lập của trẻ, họ sẽ giúp chúng giải quyết thỏa đáng cơn khủng hoảng này.
Giai đoạn thứ tư và cuối cùng của thời thơ ấu là giai đoạn chuyên cần – ngược lại – tụt hậu (Industry – vs – Infenority stage, từ 6 đến 12 tuổi). Trong giai đoạn này, tình trạng phát triển TLXH thành công đặc trưng bởi ngày càng tăng thêm khả năng vượt qua mọi yêu cầu, các yêu cầu ấy có thể là các tương tác xã hội hay kỹ năng học vấn. Ngược lại rắc rối trong giai đoạn này khiến cho trẻ có cảm giác thất bại và thua sút.
Lý thuyết của Erikson chủ trương tiến trình phát triển TLXH tiếp diễn suốt đời người và ông cho rằng qua khỏi thời thơ ấu còn có 4 giai đoạn khác nữa (mà chúng ta sẽ đề cập đến ở một đoạn sau trong chương này). Mặc dù lý thuyết của ông đã bị phê phán ở một số mặt – như sử dụng khái niệm thiếu chính xác và chú trọng đến tiến trình phát triển của nam giới hơn nữ giới chẳng hạn – nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ và là một trong rất ít lý thuyết bao quát được toàn bộ cuộc đời con người.
6. Tóm bắt học và ôn II
A. TÓM TẮT
– Trẻ sơ sinh (neonate) chào đời đã bẩm sinh nhiều hành vi phản xạ, bao gồm phản xạ sục sạo (rooting reflex), phản xạ mút (sucking reflex), phản xạ giật mình (startle reflex), và phản xạ Babinski.
– Sự tăng trưởng cơ thể ban đầu xảy ra nhanh chóng trong năm đâu, trẻ điển hình tăng lên gấp ba thể trọng lúc lọt lòng mẹ, và chiều cao tăng lên gấp rưỡi so lúc mới chào đời. Nhịp tăng trưởng này giảm xuống sau tuổi lên 3, tăng thể trọng trung bình lên 2,270kg và tăng chiều cao trung bình lên 7,6cm mỗi năm cho đến tuổi thanh xuân.
– Các khả năng cảm nhận của trẻ cũng phát triển nhanh chóng, dù chúng đã tinh vi lạ thường ngay từ lúc sơ sinh.
– Sự phát triển xã hội tính được minh chứng qua sự tăng trưởng hiện tượng quyến luyến (attachment), ràng buộc tình cảm tích cực thiết lập giữa trẻ với một cá nhân đặc biệt. Khi trẻ lớn lên, các quan hệ với bạn bè ngày càng trở nên quan trọng hơn.
– Lý thuyết của Erikson cho rằng thời ấu thơ có 4 giai đoạn phát triển TLXH, cùng với 4 giai đoạn khác kéo dài suốt quãng đời còn lại.
B. HỌC ÔN
1/ Cặp đôi tên của mỗi loại phản xạ với định nghĩa của nó.
a. Các ngón chân xòe ra khi cạnh ngoài bàn chân bị gõ trúng.
b. Trẻ vươn 2 tay ra và gò lưng lại để phản ứng với tiếng ồn đột ngột.
c. Xoay đầu về phía vật gì chạm trúng má nó.
1... Giật mình (Startle)
2... Sục sạo (Rooting)
3... Babinski
2/ Các nhà nghiên cứu tìm hiểu trẻ sơ sinh dùng hiện tượng... hay tình trạng giảm bớt phản ứng đối với một kích thích, như là một dấu hiệu cho thấy tình trạng chú ý của trẻ sơ sinh.
3/ Sự ràng buộc tình cảm thiết lập giữa đứa trẻ và người chăm sóc nó được gọi là...
4/ Trẻ thiết lập tình cảm quyến luyến chỉ riêng với mẹ chúng, vai trò của người cha tuy quan trọng, nhưng trẻ nói chung không quyến luyến cha chúng. Đúng hay Sai?...
5/ Biện pháp dưỡng nhi ở nhà trẻ, trong trường hợp có phẩm chất phục vụ cao, đã tỏ ra ít nếu không nói là chẳng gây hậu quả nào phương hại cho trẻ và mối quan hệ của trẻ với cha mẹ chúng. Đúng hay sai?...
6/ Lý thuyết phát triển... của Erickson bao gồm một loạt giai đoạn; mỗi giai đoạn đặc trưng bởi một khủng hoảng phải được giải quyết đúng mức để cho cá nhân phát triển tối thuận.
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Bạn được giao phó nuôi dưỡng một đứa trẻ trong một bối cảnh mà bạn có thể uốn nắn hoàn toàn theo ý bạn. Bối cảnh dưỡng dục trẻ tối hảo theo ý bạn sẽ là gì?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
III. TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
Giả sử bạn có 2 chiếc ly hình dáng khác nhau – một chiếc thấp và to, còn chiếc kia cao và hẹp. Giờ đây hãy tưởng tượng bạn đổ sôđa vào chiếc ly thấp đến mức nửa ly rồi sau đó đổ sôđa ấy sang chiếc ly cao. Mực sôđa lên đến 3/4 chiếc ly thứ hai. Nếu có ai hỏi bạn liệu có phải chiếc ly thứ hai có nhiều sôđa hơn chiếc ly thứ nhất không, thì bạn sẽ nói gì?
Bạn có thể cho rằng một câu hỏi đơn giản như thế chẳng xứng đáng đề trả lời chút nào; dĩ nhiên, không có gì khác biệt giữa lượng sôđa trong 2 chiếc ly.
Thế nhưng hầu hết các trẻ lên 4 tuổi đều sẽ nói rằng chiếc ly thứ 2 có nhiều sôđa hơn. Sau đó, nếu bạn đổ sođa ấy trở lại chiếc ly thấp, lúc ấy chúng sẽ nói chiếc ly thấp ít sôđa hơn chiếc ly cao.
Tại sao trẻ nhầm lẫn vấn đề này? Nguyên nhân không phải là dễ hiểu. Bất kỳ ai đã từng quan sát trẻ chưa đến tuổi đi học ắt hẳn đều hiểu rõ rằng phải tiến bộ xa đến mức nào kể từ các giai đoạn phát triển đầu đời chúng mới đủ sức am hiểu vấn đề này. Chúng nói năng lưu loát biết đầy đủ bảng chữ cái, biết đếm, chơi các trò chơi phức tạp, sử dụng máy cassette, kể chuyện và diễn đạt tình cảm rất thạo.
Song le, dù bề ngoài khôn ngoan là thế vẫn có các khoảng trống sâu sắc trong khả năng tìm hiểu thế giới chung quanh của trẻ. Một số ly thuyết gia cho rằng trẻ chỉ có thể hiểu được một số khái niệm về thế giới bên ngoài cho đến khi chúng vươn tới giai đoạn phát triển trí tuệ (cognitive development) đặc biệt – là tiến trình theo đó khả năng tìm hiểu thế giới chung quanh biến chuyển theo dạng một hàm số của tuổi tác và kinh nghiệm. Ngược lại các lý thuyết phát triển thể chất và xã hội tính đã được thảo luận trên đây (như lý thuyết của Erikson chẳng hạn), các lý thuyết phát triển trí tuệ tìm cách giải thích các tiến bộ trí tuệ về mặt định lượng và định tính diễn ra suốt quá trình phát triển.
1. Lý thuyết phát triển trí tuệ của Piaget
Không lý thuyết phát triển trí tuệ nào gây nhiều ảnh hưởng bằng lý thuyết của nhà tâm lý Thụy Sĩ Jean Peaget. Peaget (1970) cho rằng mọi đứa trẻ đều phải trải qua một loạt gồm bốn giai đoạn riêng biệt theo một trình tự nhất định. Ông chủ trương rằng các giai đoạn này khác biệt nhau không chỉ về số lượng thông tin thủ đắc ở mỗi giai đoạn, mà còn về tính chất của kiến thức và cách tìm hiểu nữa. Đứng trên quan điểm của ngươi tương tác, ông cho rằng muốn chuyển mình từ một giai đoạn sang giai đoạn kế tiếp trẻ phải vươn đến mức trưởng thành nhất định và từng trải đủ loại kinh nghiệm thích hợp. Không có được các kinh nghiệm ấy, chưa thể xem trẻ có đủ khả năng vươn được đến đỉnh điểm phát triển trí tuệ của chúng. Peaget gọi bốn giai đoạn ấy là giai đoạn vận động giác quan chuẩn bị vận dụng năng lực tư duy, vận dụng tư duy cụ thể, và vận dụng tư duy chính thức (xem bảng 10 – 2). Chúng ta hãy ước tính quãng đời và tìm hiểu nội dung của từng giai đoạn.
A. GIAI ĐOẠN VẬN ĐỘNG GIÁC QUAN: TỪ LỌT LÒNG MẸ ĐẾN TUỔI LÊN HAI
Trong thời kỳ đầu thuộc giai đoạn vận động giác quan (senserimotor stage), trẻ tương đối ít khả năng dùng hình ảnh, ngôn ngữ hay các dạng biểu tượng khác để tượng trưng cho sự vật thuộc bối cảnh gặp phải trong tâm trí chúng. Do đó, trẻ không nhận biết được vật hoặc người nào không tức thời hiện hữu vào thời điểm cảm nhận. Chúng thiếu loại khả năng mà Peaget gọi là khả năng nhận thức tính bền vững của đối tượng cảm nhận (obiect permanence). Đây chính là khả năng nhận biết rằng vật và người – vẫn cứ hiện hữu dù chúng khuất khỏi tầm nhìn của chúng ta.
Làm sao biết được trẻ thiếu khả năng nhận thức tính bền vững của đối tượng cảm nhận. Dù không thể nghe được trẻ lên tiếng nhưng chúng ta vẫn có thể quan sát phản ứng của chúng khi một món đồ chơi của chúng bị giấu dưới một tấm chăn chẳng hạn. Mãi đến 9 tháng tuổi, trẻ mới đủ khả năng định vị món đồ chơi ấy. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó trẻ sẽ bắt đầu chủ động tìm kiếm đồ vật bị giấu đi, cho thấy chúng đã thiết lập được biểu tượng của món đồ chơi ấy trong tâm trí. Như vậy, khả năng nhận thức tính bền vững của đối tượng cảm nhận đánh dấu ngưỡng phát triển có tầm quan trọng quyết định trong giai đoạn vận động giác quan.
B. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ VẬN DỤNG NĂNG LỰC TƯ DUY: TỪ 2 TUỔI ĐẾN TUỔI LÊN 7
Sự phát triển quan trọng nhất trong giai đoạn chuẩn bị vận dụng năng lực tư duy (preoperational stage) chính là hành vi sử dụng ngôn ngữ đã được mô tả chi tiết hơn ở Chương 7. Trẻ thiết lập hệ thống biểu tượng trong tâm trí chúng về thế giới chung quanh cho phép chúng miêu tả được con người, sự việc, và các trạng thái về tình cảm. Thậm chí chúng còn sử dụng các biểu tượng ấy để nô đùa nữa. Thí dụ, chúng giả vờ đẩy một quyển sách quanh sàn nhà làm chiếc ôtô chạy chẳng hạn.
Mặc dù trong giai đoạn này năng lực tư duy của trẻ đã tiến bộ khá hơn giai đoạn vận động giác quan trước đây, nhưng vẫn còn kém sút về mặt tính chất so với người trưởng thành. Một thí dụ về sự kiện này được phản ánh qua lối tư duy quy ngã (egocentric thinking) của trẻ trong giai đoạn chuẩn bị này, trong đó ngoại giới được nhận định hoàn toàn theo quan điểm nội tâm riêng tư của trẻ. Trẻ trong giai đoạn này thường cho rằng mọi người đều có cách nhìn và kiến giải giống như chúng. Cho nên, các câu chuyện cũng như giải thích của trẻ con cho người lớn thường què quặt và thiếu sót thông tin, bởi vì đều được diễn tả tùy thích và không dựa trên bất kỳ bối cảnh nào cả. Thí dụ, trẻ có thể khởi đầu câu chuyện băng lối nói: “Nó không chịu cho con đi!” nhưng lại không nói rõ “nó” là ai hoặc trẻ muốn đi đâu. Lối tư duy quy ngã cũng thể hiện khi trẻ chơi trò cút bắt (trốn tìm). Thí dụ, các đứa trẻ 3 tuổi thường giấu mặt vào tường, che khuất tầm mắt đi dù toàn thân chúng vẫn chưa được che kín. Dường như đối với trẻ nếu như chúng không nhìn thấy ai, thì chẳng ải nhìn thấy được chúng vậy, bởi vì chúng nghĩ rằng người khác cũng có cùng cách nhìn giống như chúng.
Một thiếu sót của trẻ trong giai đoạn chuẩn bị vận dụng năng lực tư duy được minh chứng bởi nguyên lý bảo tồn (principle of conservation), là ý thức sang số lượng không liên hệ gì cách bố trí và hình dáng vật chất của đồ vật. Trẻ nào chưa am tường nguyên lý này đều không biết được rằng số lượng, khối lượng, hoặc chiều dài của một vật có thể không biến đổi dù cho hình dáng của vật ấy có bị thay đổi đi. Câu hỏi về hai chiếc ly – một thấp và to, và chiếc kia cao và hẹp – mà chúng ta dùng để khởi đầu thảo luận về tiến trình phát triển trí tuệ minh họa điều này rất sáng tỏ. Trẻ nào chưa hiểu được nguyên lý bảo tồn cứ luôn luôn nói rằng lượng sôđa thay đổi khi rót từ chiếc ly này sang ly kia. Chúng không thể hiểu rằng sự chuyển dịch biểu kiến không hàm ý sự thay đổi về số lượng. Ngược lại, dường như đều hợp lý đối với trẻ là khi chuyển dịch như thế thì số lượng ắt phải thay đổi đi trong khi người lớn không cho là hợp lý.
Có nhiều trường hợp khác nữa, và một số trường hợp thật đáng ngạc nhiên, trong đó tình trạng thiếu hiểu biết về nguyên lý bảo tồn ảnh hưởng đến cách phản ứng của trẻ. Các cuộc nghiên cứu minh chứng rằng nhiều trường hợp rất hiển nhiên và không có gì nghi ngờ đối với người lớn, thì trẻ ở giai đoạn vận dụng này lại hoàn toàn không hiểu được. Và phải đến giai đoạn kế tiếp trong tiến trình phát triển trí tuệ trẻ mới am tường về nguyên lý bảo tồn. (Một vài ví dụ về nguyên lý bảo tồn được minh họa ở hình 10 – 6 dưới đây).
C. GIAI ĐOẠN VẬN DỤNG NĂNG LỰC TƯ DUY CỤ THỂ TỪ 7 TUỔI ĐẾN 12 TUỔI
Khởi đầu giai đoạn vận dụng năng lực tư duy cụ thể (concrete operational stage) được đánh dấu bởi khả năng am hiểu nguyên lý bảo tồn, nhưng vẫn còn vài khía cạnh thuộc nguyên lý này – như bảo tồn trọng lượng và thể tích – chưa được am hiểu hoàn toàn trong vài năm.
Trong suốt giai đoạn này, trẻ phát triển năng lực tư duy theo cung cách logic hơn, và chúng bắt đầu khắc phục được phần nào lối tư duy quy ngã trong giai đoạn chuẩn bị vận dụng trước đây. Một trong các nguyên lý quan trọng mà trẻ học hỏi được trong giai đoạn này là nguyên tắc nghịch đảo (reversibility), tức là khái niệm cho thấy một số biến đổi không thực hiện được bởi đảo ngược một tác động trước đó. Thí dụ, trẻ trong giai đoạn vận dụng tư duy cụ thể có khả năng hiểu rằng một cục đất sét hình cầu được nhồi thành vật có hình khúc dồi dài có thể làm lại thành cục đất hình cầu ban đầu bằng động tác ngược lại. Thậm chí chúng có thể khái niệm hóa nguyên lý này trong tâm trí mà không cần phải nhận thấy hành động thực hiện trước mắt.
Mặc dù trẻ có nhiều tiến bộ quan trọng về khả năng lý luận logic trong giai đoạn vận dụng tư duy cụ thể này, nhưng năng lực tư duy của chúng vẫn còn bị một giới hạn quan trọng: nói chung trẻ còn bị ràng buộc vào khía cạnh thực tại vật chất cụ thể của thế giới xung quanh. Phần lớn chúng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu các vấn đề có bản chất giả thuyết trừu tượng.
Hình 10–6: Các trắc nghiệm này là một vài thí dụ về các câu trắc nghiệm thường dùng nhất để đánh giá xem trẻ đã am biểu nguyên lý bảo tồn qua nhiều chiều kịch nhận định chưa.
D. GIAI ĐOẠN VẬN DỤNG NĂNG LỰC TƯ DUY CHÂN CHÍNH: TỪ 12 TUỔI ĐẾN TUỔI THÀNH NIÊN
Giai đoạn vận dụng năng lực tư duy chân chính (formal operational stage) nẩy sinh lối tư duy mới mẻ – lối tư duy logic, chân chính, và trừu tượng. Cách tư duy không còn bị trói buộc vào các sự kiện quan sát được trong bối cảnh nữa, mà lại vận dụng các kỹ thuật luận lý để giải các bài toán.
Sự xuất hiện lối tư duy chân chính được minh họa bởi cách giải “bài toán quả lắc” do Piaget sáng tạo. Người giải bài toán này được yêu cầu hình dung yếu tố nào quyết định tốc độ dao động của quả lắc. Phải chăng là chiều dài sợi dây, hoặc trọng lượng quả lắc, hoặc lực đẩy quả lắc? (để được tính điểm, câu trả lời là chiều dài sợi dây buộc quả lắc).
Trẻ trong giai đoạn vận dụng tư duy cụ thể tiếp cận bài tập theo lối tình cờ, không theo một kế hoạch hành động logic hay hợp lý nào cả. Thí dụ, chúng có thể cùng một lúc thay đổi chiều dài sợi dây buộc quả lắc, và trọng lượng quả lắc và lực đẩy quả lắc. Bởi vì thay đổi tất cả các yếu tố cùng một lúc, nên trẻ không thể nói được yếu tố nào là yếu tố quyết định. Ngược lại, cá nhân ở giai đoạn vận dụng tư duy chân chính sẽ tiếp cận bài toán một cách có hệ thống. Hành động như thể họ là nhà khoa học đang tiến hành một cuộc thí nghiệm, họ sẽ tìm hiểu tác dụng của các biến đổi một biến số duy nhất vào mỗi lúc mà thôi. Việc làm nhằm loại trữ các khả năng đối chọi nhau này là đặc trưng của lối tư duy chân chính vậy.
Mặc dù lối tư duy logic chân chính xuất hiện ở độ tuổi thiếu niên, nhưng trong một số trường hợp dạng tư duy này chỉ thỉnh thoảng mới được vận dụng đến. Hơn nữa, dường như nhiều người chưa bao giờ vươn đến được giai đoạn phát triển trí tuệ này; hầu hết các cuộc nghiên cứu đều cho thấy chỉ vào khoảng từ 40 đến 60% sinh viên đại học và người trưởng thành mới phát triển trọn vẹn đến giai đoạn này, và một số ước tính cho rằng số người này chiếm tỉ lệ thấp, khoảng 25% dân số nói chung mà thôi. Ngoài ra, trong một số nền văn hóa – đặc biệt các nền văn hóa ở các nước kém phát triển kỹ thuật tinh vi hơn các quốc gia phương Tây – hầu như chẳng có ai vươn được đến giai đoạn này cả.
BẢNG 10–2
Tóm tắt các giai đoạn phát triển trí tuệ
theo quan điểm của Piaget
Độ tuổi ước tính |
Giai đoạn phát triển |
Các điểm đặc trưng chính |
Từ lúc lọt lòng mẹ đến tuổi lên 2 |
Vận động giác quan |
Phát triển khả năng nhận định tính bền vững của đối tượng cảm nhận, phát triển các năng khiếu vận động; không hoặc có đôi chút khả năng thiết lập biểu tượng trong tâm trí. |
Từ 2 đến 7 tuổi |
Chuẩn bị vận dụng năng lực tư duy |
Phát triển ngôn ngữ và khả năng tư duy căn cứ vào các biểu tượng trong tâm trí; phát triển lối tư duy quy ngã. |
Từ 7 đến 12 tuổi |
Vận dụng năng lực tư duy cụ thể |
Phát triển khả năng am hiểu nguyên lý bảo tồn, am tường khái niệm nghịch đảo. |
Từ 12 tuổi đến tuổi trường thành |
Vận dụng năng lực tư duy chân chính |
Phát triển lối tư duy logic và trừu tượng. |
E. PHÁT TRIỂN QUA CÁC GIAI ĐOẠN NGƯỢC LẠI PHÁT TRIỂN LIÊN TỤC: QUAN ĐIỂM CỦA PIAGET CHÍNH XÁC KHÔNG?
Chưa có lý thuyết gia nào trình bày cho chúng ta một lý thuyết phát triển trí tuệ toàn diện bằng Piaget. Thế nhưng, một số lý thuyết gia đương đại lại cho rằng cách miêu tả tiến trình phát triển trí tuệ của trẻ sẽ hoàn hảo hơn nếu người ta dùng các khảo hướng không phân chia tiến trình thành các giai đoạn tách biệt. Chẳng hạn, trẻ không luôn luôn đáp ứng được các yêu cầu mà – nếu như lý thuyết của Piaget chính xác chúng có nhiệm vụ phải hoàn thành đúng mức ở một giai đoạn nhất định. Tương trợ về một số mặt Piaget đã ước tính chưa đúng độ tuổi trẻ có đủ năng lực tìm hiểu thế giới chung quanh; bởi vì thực tế dường như chúng có năng lực trí tuệ tinh nhuệ hơn ông tưởng.
Ngoài ra, một số nhà TLPT cho rằng sự phát triển trí tuệ diễn tiến liên tục hơn so với tiến trình gồm các giai đoạn tách biệt của Piaget. Họ chủ trương trí tuệ tăng trưởng chủ yếu về mặt định lượng hơn là về mặt tính chất. Họ lập luận rằng mặt dù có các dị biệt về thời gian, cách thức và mức độ thể hiện năng lực trí tuệ của trẻ – phản ánh các biến động về số lượng – nhưng các tiến trình trí tuệ căn bản lại tương đối ít chuyển biến theo tuổi tác.
Ngược lại, hầu hết các nhà TLPT đều tán thành rằng tuy các tiến trình làm cơ sở cho các chuyển biến về năng lực trí tuệ có thể không giống như quan điểm của ông, nhưng nói chung Piaget đã cống hiến cho chúng ta một lý giải đúng đắn về các biến chuyển liên hệ với tuổi tác trong tiến trình phát triển trí tuệ. Hơn nữa, ảnh hưởng của lý thuyết này vô cùng lớn lao. Thí dụ, thành tích tăng trưởng trí tuệ sẽ không thể thực hiện được nếu như không hội đủ cả yếu tố trưởng thành lẫn yếu tố hoàn cảnh kích thích phù hợp. Chính quan điểm này đã ảnh hưởng đến việc quyết định bản chất và cơ cấu của chương trình giáo dục cũng như biện pháp giáo dục thiếu nhi. Lý thuyết và phương pháp do Piaget đề ra cũng được vận dụng để tìm hiểu các nghi vấn xoay quanh khả năng trí tuệ của loài vật, như nghi vấn liệu các loài linh trưởng có khả năng lưu giữ bền vững đối tượng cảm nhận trong tâm tư chúng hay không chẳng hạn.