Tâm lý học căn bản - Chương 10 - Phần 5
2. Các khảo hướng căn cứ vào phương thức xử lý thông tin
Nếu như hiện tượng phát triển trí tuệ không tiến triển theo cung cách trải qua các giai đoạn tách biệt như Piaget chủ trương, thì yếu tố nào làm nền tảng cho sự tăng trưởng lớn lao và rõ rệt về năng lực trí tuệ của trẻ đến mức người có kiến thức bình thường nhất cũng thấy được? Đới với nhiều nhà TLPT thì nhân tố căn bản ấy chính là các chuyển biến về phương thức xử lý thông tin (information processing), tức là cách chuyển biến về mặt tiếp nhận, sử dụng, và lưu trữ thông tin của con người.
Theo khảo hướng này, nhằm tìm hiểu các khía cạnh trí tuệ thuộc hành vi ứng xử của con người mà chúng ta đã thảo luận ở chương 7, các chuyển biến về mặt số lượng diễn ra đối với khả năng tổ chức và vận dụng thông tin về ngoại giới của trẻ. Từ quan điểm này, trẻ được xem là ngày càng thông thạo cách xử lý thông tin hơn, tương tự như trường hợp một chương trình điện toán ngày càng tinh vi hơn nhờ người lập trình dựa vào kinh nghiệm để cải tiến nó vậy. Khảo hướng xử lý thông tin tìm hiểu các loại “chương trình trí tuệ” mà trẻ vận dụng để tìm cách giải các bài toán.
Người ta ghi nhận được một số chuyển biến quan trọng về năng lực xử lý thông tin của trẻ. Một mặt, tốc độ xử lý gia tăng theo tuổi tác khi một số năng khiếu ngày càng tự động hơn. Tốc độ tiếp thu, nhận hiểu, và so sánh kích thích này với các kích thích khác gia tăng theo tuổi tác. Khoảng thời gian tập trung chú ý cũng kéo dài hơn; khi tuổi tác ngày càng lớn lên, khả năng tập trung vào chú ý các đối tượng nhận thức của trẻ ngày càng vững bền hơn và mức độ sao nhãng cũng giảm bớt đi.
Mặt khác, ký ức cũng cải thiện đáng kể theo tuổi tác. Có lẽ bạn còn nhớ ở chương 6 rằng người trưởng thành cũng có thể lưu giữ từ 5 đến 9 mẫu thông tin trong ký ức ngắn hạn. Ngược lại trẻ chưa đến tuổi đi học chỉ có thể lưu giữ 2 hoặc 3 mẫu thông tin; trẻ 5 tuổi có thể lưu giữ được 4 mẫu; và trẻ lên 7 có thể lưu giữ tối đa 5 mẫu. Kích cỡ các mẫu thông tin ghi nhớ cũng tăng trưởng theo tuổi tác, mức độ tinh vi và cách tổ chức các kiến thức lưu giữ trong ký ức cũng vậy.
Cuối cùng, sự cải thiện phương thức xử lý thông tin liên hệ chặt chẽ với các tiến bộ về trí tuệ siêu nghiệm (metacognition), tức là các tiến bộ về khả năng nhận định và tìm hiểu các tiến trình trí tuệ của bản thân. Trí tuệ siêu nghiệm bao gồm việc hoạch định, theo dõi, và hiệu chính các tiến trình vận dụng trí tuệ của bản thân. Vì thiếu hiểu biết về các tiến trình trí tuệ của bản thân, trẻ ít tuổi thường không hiểu rõ được tình trạng kém khả năng của mình nên chúng thường hiểu lầm người khác và thậm chí không nhận thức được các sai lầm của chúng. Chỉ sau này khi các khả năng thuộc trí tuệ siêu nghiệm đã tinh vi hơn, trẻ mới có thể biết được rõ lúc nào chúng không hiểu được người khác cũng như các việc làm của bản thân chúng vậy.
THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH: TỐI ĐA HÓA PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
Phải chăng có các biện pháp tối đa hóa phát triển trí tuệ của trẻ? Mặc dù việc tìm hiểu vấn đề bẩm sinh và dưỡng dục giúp chúng ta hiểu rõ rằng cơ sở di truyền đóng vai trò quyết định trong việc xác định của các giới hạn trí tuệ mà chúng ta sau cùng có thể vươn đến, nhưng cũng hiển nhiên rằng các yếu tố hoàn cảnh có thể nâng cao khả năng phát huy tiềm năng của chúng ta. Các cuộc nghiên cứu do các nhà TLPT tiến hành đã nhận diện được một biện pháp nuôi dạy trẻ tạo thuận lợi cho việc tối đa hóa phát triển trí tuệ. Các biện pháp quan trọng nhất là:
– Hãy sẵn sàng đáp ứng với trẻ về mặt tình ảm và tinh thần: Các bậc cha mẹ có con cái thành tựu cao đều quan tâm đến cuộc sống của con cái, cỗ vũ và khích lệ các nỗ lực của chúng. Họ luôn luôn nhiệt tình ủng hộ và đóng vai trò “cố vấn riêng cho trẻ”. Họ chấp nhận sai lầm của trẻ, và luôn luôn làm chỗ dựa để chúng có cơ hội khắc phục sai lầm.
– Tạo cơ hội tối đa để trẻ khám phá và tìm hiểu hoàn cảnh chung quanh: Thí dụ, nếu một căn phòng đã được dọn dẹp an toàn, không nên hạn chế trẻ trong các lồng gỗ.
– Dùng ngôn ngữ chính xác và có tính miêu tả cao khi trò chuyện với trẻ:Tránh dùng “lối nói của trẻ thơ” và hãy nói chuyện với trẻ chứ đừng nói cho trẻ nghe. Hãy đặt các câu hỏi, rồi lắng nghe trẻ đáp lại, để tạo cơ hội phản hồi xa hơn.
– Đừng ép trẻ quá mức: Mặc dù các điều kiện khắc nghiệt và các nhu cầu cấp bách của cuộc sống hiện tại, thời thơ ấu vẫn phải là khoảng thời gian hạnh phúc chứ không nên xem chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho tuổi trưởng thành. Một số nhà tâm lý cho rằng chúng ta đang sáng tạo xã hội gồm “các đứa trẻ tất bật”, cuộc sống của chúng chỉ quanh quẩn ở các thời khóa biểu khô khan và bản thân chúng bị ép buộc thành công đến mức thời thơ ấu của chúng đầy dẫy căng thẳng. Hãy nhớ rằng – giống như trong quãng đời còn lại – điều quan trọng là phải biết dừng lại để có dịp thiết lập được thứ tự ưu tiên bao gồm việc làm nào quan trọng nhất và việc làm nào kém cần thiết hơn.
3. Tóm tắt và học ôn III
A. TÓM TẮT
– Lý thuyết quan trọng về phát triển trí tuệ – cho rằng phương thức tìm hiểu ngoại giới của trẻ biển động như là một hàm số của tuổi tác và kinh nghiệm – là lý thuyết của Piaget. Piaget chủ trương có 4 giai đoạn phát triển chủ yếu là giai đoạn vận động giác quan, chuẩn bị vận động năng lực tư duy, vận dụng năng lực tư duy trong bô cảnh cụ thể và vận dụng năng lực tư duy chân chính.
– Mặc dù miêu tả của Piaget về các diễn biến xảy ra thuộc phạm vi các giai đoạn phát triển trí tuệ khác biệt nhau nói chung vẫn còn giá trị, nhưng một số lý thuyết gia cho rằng hiện tượng phát triển diễn ra dần dà và liên tục hơn và do các biến chuyển số lượng hơn là các biến chuyển tính chất của trí tuệ.
– Các khảo hướng xử lý thông tin về phát triển trí tuệ chú trọng đến các biến chuyển định lượng xảy ra đối với phương thức tiếp nhận, sử dụng, và lưu giữ thông tin của con người. Các biến chuyển quan trọng diễn ra theo tuổi tác là tốc độ xử lý thông tin, thời gian tập trung chú ý, ký ức, và năng lực trí tuệ siêu nghiệm (meta cognitive abilities).
B. HỌC ÔN
1/... chủ trương 4 giai đoạn phát triển trí tuệ, và mỗi giai đoạn ấy lệ thuộc vào các yếu tố trưởng thành và hoàn cảnh.
2/ Cặp đôi giai đoạn phát triển với kiểu tư duy đặc trưng của giai đoạn ấy.
a. Giai đoạn vận động giác quan (sensonmotor stage)
b. Giai đoạn vận dụng năng lực tư duy đối tượng nhận thức chân chính (formal operational stage)
c. Giai đoạn chuẩn bị vận dụng năng lực tư duy (preoperationa/ stage).
d. Giai đoạn vận dụng năng lực tư duy trong bối cảnh cụ thể (concrete operational stage)
1... Tư duy quy ngã (Egocentdc thinking)
2... khả lưu giữ bền vững (object permanence)
3... lý luận trừu tượng (abstract reasoning)
4... nguyên lý bảo tồn; nguyên lý nghịch đảo (conservaion; reversibility)
3/ Các cuộc nghiên cứu đương thời cho rằng hiện tượng phát triển trí tuệ của trẻ sẽ diễn tiến theo cung cách liên tục, chứ không qua các giai đoạn tách biệt như Piaget quan niệm. Đúng hay Sai?...
4/ Các lý thuyết... về hiện tượng phát triển trí tuệ cho rằng phương thức xử lý thông tin là điều kiện quyết định cho sự phát triển của chúng.
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Theo lý thuyết của Piaget, trẻ phải vươn đến một mức trưởng thành nhất định trước rồi mới học hỏi được các loại thông tin đặc biệt. Phải chăng bạn cho rằng trẻ có thể tiến bộ hơn nếu như chúng định tiếp nhận các thông tin có nội dung phức tạp hơn so với khả năng tuổi tác của chúng? Lý thuyết xử lý thông tin sẽ nói gì về vấn đề này?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
IV. TUỔI VỊ THÀNH NIÊN: ĐỂ THÀNH NGƯỜI LỚN
Không dễ gì trở thành một thiếu niên ở bộ lạc Awa. Trước tiên chúng phải nếm qua các trận roi đòn. Ngồi quanh một đám lửa hồng, các cậu bé bị đánh bằng gậy và những cành cây đầy gai góc vì các lỗi lầm quá khứ của bản thân chúng lẫn để tỏ lòng tôn kính các chiến sĩ trận vong của bộ lạc.
Nhưng các trận roi đòn – kéo dài 2 hay 3 ngày trời – chỉ là khúc dạo đầu trong trường đoạn kế tiếp của nghi lễ, các bậc trưởng bối đâm mạnh những chiếc que sắc nhọn vào mũi các cậu bé cho đến khi chúng đổ máu đầm đìa mới chịu ngưng tay. Sau đó, họ dùng cây dây leo dài khoảng 12,7cm thọc sâu vào cuống họng các cậu bé cho đến chúng nôn mửa thóc tháo ra mới thôi.
Cuối cùng, những người đàn ông trong bộ lạc cắt sâu vào dương vật các cậu bé gây ra vết thương thật nghiêm trọng. Sau đó, các cậu bị thả xuống một dòng suối cho máu chảy ra hòa vào dòng nước, trong khi người lớn đứng trên bờ chứng kiến, cười đùa và chế nhạo rồi chọc vào các vết thương làm cho chúng đổ máu nhiều hơn nữa.
Tuy các nghi lễ đánh dấu tuổi dậy thì của các cậu bé ở bộ lạc Ewa thuộc Tân Guinea đối với chúng ta thật kinh dị, nhưng cũng chưa sánh bằng ở các nền văn hóa khác, ở đó các cậu bé phải chịu cắt bao quy đầu trước công chúng (public drcumdion) và quỳ trên than hồng mà không được tỏ ra đau đớn. Và không phải chỉ nam giới mới phải trải qua các thử thách như thế, ở một số bộ lạc, các cơ gái phải tung các nùi bông vải cháy đỏ rực từ tay này sang tay kia và phải để cho hàng trăm con kiến cắn vào người.
Còn các xã hội phương Tây tuy không có các nghi thức hình phạt xác thân và tâm lý để tượng trưng cho ngưỡng cửa bước vào tuổi trưởng thành – hầu hết chúng ta đều thở phào nhẹ nhõm về sự kiện này – nhưng tuổi vị thành niên, thời kỳ tiếp theo sau tuổi ấu thơ, vẫn cứ là thời gian quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Đối với hầu hết mọi người, tuổi thanh xuân được đánh dấu bởi các thay đổi sâu sắc, và đôi khi bởi tình trạng nổi loạn. Sự chuyển biến tâm lý lớn lao đánh dấu tình trạng trưởng thành về sinh lý và cơ thể của thanh thiếu niên, họ phải đối đầu với các biến chuyển quan trọng về xã hội tính, tình cảm, và trí tuệ xảy ra khi thanh thiếu niên khao khát độc lập và tiến đến giai đoạn thành niên.
Thời tuổi vị thành niên (adolescence) nói chung được xem là một giai đoạn phát triển giữa tuổi ấu thơ (childhood) và giai đoạn trưởng thành (adulthood) là một thời kỳ quyết định trong tiến trình phát triển của con người. Nếu như thanh thiếu niên phải mất nhiều năm cắp sách đến trường trước khi gia nhập vào đội ngũ lao động trong xã hội thì giai đoạn này phải là khá dài, nó bắt đầu ngay trước lứa tuổi choai choai và kết thúc ngay sau tuổi đôi mươi. Tuy không còn bị xem là trẻ con nữa nhưng xã hội lại xem họ chưa phải là người trưởng thành hoàn toàn, thanh thiếu niên đối mặt với một thời kỳ chuyển biến nhanh chóng về thân xác và xã hội tính ảnh hưởng mạnh mẽ suốt quãng đời còn lại của họ.
1/ Phát triển cơ thể: Thanh thiếu niên không ngừng thay đổi
Nếu nhắc lại thời điểm khởi đầu thời vị thành niên của riêng bạn, có lẽ các biến chuyển đầy ấn tượng nhất mà bạn còn nhớ là sự biến đổi về mặt thể xác. Nói chung các hiện tượng như chiều cao đột nhiên cao vọt lên (nhổ giò, vú nẩy nở to lên ở các em gái, giọng nói trầm xuống (vỡ tiếng) ở các em trai, lông tóc phát triển dài ra, và sự khao khát tình dục phát triển mạnh mẽ đều là nguyên nhân gây ra hiếu kỳ, quan tâm và đôi khi tình trạng lo âu cho thanh thiếu niên đang bước vào giai đoạn vị thành niên.
Các chuyển biến cơ thể xảy ra ngay từ đầu giai đoạn vị thành niên, phần lớn do nhiều loại hormone được tiết ra (xem chương 2), tác động toàn diện mọi khía cạnh trong cuộc sống của thanh thiếu niên. Kể từ giai đoạn ấu thơ đến lúc này tiến trình phát triển chưa bao giờ gây ấn tượng đến như vậy (xem hình 10–7). Thể trọng và chiều cao tăng lên nhanh chóng; sự tăng trưởng đột ngột này bắt đầu vào khoảng tuổi lên 10 đối với các em gái và tuổi 12 đối với các em trai. Chiều cao của thanh thiếu niên có thể tăng khoảng 10,7cm mỗi năm.
Tuổi dậy thì (puberty) là thời kỳ xuất hiện tình trạng trưởng thành ở các bộ phận sinh dục (sexual organs), khởi đầu vào khoảng tuổi 11 hay 12 đối với các em gái và tuổi 13 hay 14 đối với các em trai. Tuy nhiên cũng có các dị biệt rất lớn, không hiếm các em gái bắt đầu hành kinh (memarche) – dấu hiệu đầu tiên về tình trạng trưởng thành tình dục ở nữ giới – sớm nhất vào những tuổi lên 8 hoặc 9 và trễ nhất vào tuổi khoảng 16. Ngoài ra, cũng có dị biệt về mặt văn hóa trong việc xác định thời điểm hành kinh lần đầu. Thí dụ, trung bình các thiếu nữ bộ lạc Lumi ở Tân Guine chỉ bắt đầu thời kỳ hành kinh vào tuổi 18.
* Hành kinh lần đầu: Khởi đầu thời kỳ có kinh nguyệt (mernarche period). Lần đầu hành kinh này xảy ra vào khoảng thời gian từ 10 đến 17 tuổi ở các em nữ (theo Từ điển Y học)
Ở các nền văn hóa phương Tây, tuổi trung bình bắt đầu trưởng thành về tình dục của thanh thiếu niên ngày càng giảm dần trong suốt thế kỷ qua, phần lớn có lẽ là do các điều kiện dinh dưỡng và y tế tiến bộ khả quan hơn. Sự chuyển biến thời điểm khởi đầu tuổi dậy thì là một minh chứng vững chắc về tình hình tương tác giữa yếu tố hoàn cảnh với yếu tố di truyền trong tiến trình phát triển của con người.
Thời điểm khởi đầu tuổi dậy thì có ý nghĩ lớn lao đối với cách cảm nghĩ về bản thân của thanh thiếu niên – cũng như về cách cư xử của người khác đối với chúng. Các cậu bé trưởng thành sớm có ưu thế trội hơn các em trưởng thành muộn: chúng giỏi về các môn điền kinh hơn, và nói chung chúng dễ hòa đồng với mọi người hơn và nhận thức về bản thân tích cực hơn. Ngược lại, chúng hay gặp rắc rối ở học đường và dễ dàng dính líu vào các khinh tội (minor delinquency, tội vi cảnh và tiểu hình). Nguyên nhân dường như các cậu bé sớm trưởng thành có khuynh hướng kết bạn với các bạn bè lớn tuổi hơn chúng, và chính bạn bè nhiều ảnh hưởng này dẫn dắt chúng vào những sinh hoạt không phù hợp với tuổi tác của chúng. Dù vậy, để cân bằng các hậu quả của hiện tượng sớm trưởng thành lại rất có lợi cho thanh thiếu niên; thanh thiếu niên sớm trưởng thành thường sẽ có tinh thần trách nhiệm và cộng tác hơn trong cuộc sống sau này của chúng.
Hình 10–7: Các thanh ngang minh họa khoảng tuổi phát sinh các biến chuyển sinh dục trong thời kỳ thanh xuân.
Đối với các em gái, bức tranh miêu tả lại khác hẳn. Mặc dù các bé gái sớm trưởng thành thường dễ được bạn trai hò hẹn và có nhận thức về bản thân vượt trội hơn các bé gái muộn trưởng thành, nhưng một số hậu quả của tình trạng sớm trưởng thành thể xác có thể có bất lợi cho chúng. Thí dụ, sự phát triển các đặc điểm dễ thấy như vú nở to lên chẳng hạn có thể khiến các em bị cách biệt với các bạn đồng trang lứa, và thậm chí có thể là một nguyên nhân khiến các em bị chế nhạo nữa.
Ngược lại, thanh thiếu niên muộn trưởng thành có thể gánh chịu các hậu quả tâm lý do tình trạng chậm trễ này. Các em trai sẽ nhỏ con hơn và thấp vai kém lứa hơn các bạn đồng tuổi, chúng thường bị chế nhạo, bị xem là kém lôi cuốn, và có thể đến mức có quan niệm bản thân thua sút các bạn. Các hậu quả của tình trạng muộn trưởng thành có thể kéo dài đến tuổi ba mươi ở nam giới. Tương tự, thiếu nữ muộn trưởng thành bị thua thiệt ở các lớp thuộc bậc trung học. Các em thường bị xem thường trong các quan hệ xã hội, có thể không được bạn trai hẹn hò và không được tham dự vào các sinh hoạt nam nữ khác.
Hiển nhiên, mỗi chuyển biến trong giai đoạn thanh xuân ảnh hưởng lớn lao đến quan điểm của người khác đối với thanh thiếu niên cũng như đến quan điểm của chính họ đối với bản thân nữa. Tuy nhiên, cũng quan trọng ngang với các biến chuyển cơ thể là các chuyển biến về tâm lý và xã hội tính diễn ra trong suốt giai đoạn này.
2. Phát triển trí tuệ và nhận thức luân lý: Phân biệt thị phi, phải – trái, đúng – sai
Ở Âu Châu có một phụ nữ sắp chết vì một loại bệnh ung thư đặc biệt. Loại thuốc duy nhất mà các bác sĩ tin có thể cứu được tính mệnh bà là một loại hóa chất bức xạ do một dược sĩ trong tỉnh vừa mới phát minh được. Loại thuốc này phải tốn nhiều tiền mới chế tạo được, và người dược sĩ ấy tính giá đắt gấp 10 lần vốn liếng bỏ ra, tức khoảng 2000 đô la cho một liều nhỏ. Chồng của người đàn bà bị bệnh kia là Heinz, đã đến khắp mọi người quen biết để vay tiền. nhưng ông ta chỉ gom được khoảng 1.000 đô la. Ông bảo người dược sĩ rằng vợ ông sắp chết và yêu cầu bán thuốc rẻ hơn hoặc cho ông nợ lại khoản còn thiếu. Người dược sĩ nói “Không, tôi phát minh loại thuốc này và dự tính hốt bạc nhờ nó.” Heinz tuyệt vọng và toan tính đột nhập vào cửa hàng của ông ta để trộm thuốc về cứu vợ.
Bạn khuyên Heinz nên làm gì?
Theo quan điểm nhà tâm lý Lawrence Kolhberg, lời khuyên của bạn dành cho Heinz là phản ánh mức độ phát triển nhận thức luân lý của bạn. Theo Kohlberg, con người trải qua một loạt các giai đoạn tiến hóa về khái niệm công lý và phương thức lý luận mà họ vận dụng để thẩm định về mặt luân lý. Phần lớn do nhiều khiếm khuyết về mặt trí tuệ như Piaget miêu tả, trẻ vị thành niên thường hay suy nghĩ hoặc theo các nguyên tắc cụ thể và bất di bất dịch (như: “Trộm cắp luôn luôn là hành vi sai trái.” hay “Nếu trộm cắp tôi sẽ bị trừng phạt.” chẳng hạn); học do các nguyên tắc xã hội đặt ra (như: “Người lương thiện không bao giờ trộm cắp.” hay “Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều trộm cắp?” chẳng hạn.)
Thế nhưng, thanh thiếu niên có năng lực lý luận ở bình diện cao hơn, và nói chung họ đã vươn đến giai đoạn vận dụng tư duy chân chính trong tiến trình phát triển trí tuệ theo quan điểm của Piaget. Nhờ đủ sức am hiểu các nguyên tắc luân lý phổ quát thanh thiếu niên hiểu được rằng luân lý (morality) không luôn luôn minh bạch và rằng xung đột có thể xảy ra giữa 2 nhóm tiêu chuẩn được xã hội thừa nhận.
Kohlberg (1984) cho rằng tiến trình phát triển nhận thức luân lý diễn biến theo một chuỗi gồm 3 trình đô, và 3 trình độ này lại bao gồm 6 giai đoạn. Các trình độ và giai đoạn này, cùng với mẫu mực lý luận của các đối tượng trả lời câu hỏi trong trường hợp điển hình nêu trên, được trình bày ở bảng 10 – 3 dưới đây. Ghi chú rằng các lập luận hoặc bênh vực hoặc phản đối hành vi trộm thuốc có thể được phân loại để xếp vào cùng một giai đoạn nhận thức luân lý. Chính bản chất và sự tinh tế của lập luận đưa ra xác định trình độ nhận thức luân lý của đối tượng.
Hệ thống xếp hạng của Kohlberg giả định rằng con người trải qua 6 giai đoạn theo một trình tự cố định, và rằng khoảng tuổi 13 người ta không đủ sức vươn đến giai đoạn cao nhất – chủ yếu do thiếu sót trong quá trình tiến triển trí tuệ trước độ tuổi ấy chưa được khắc phục. Tuy nhiên, nhiều người không bao giờ vươn đến được trình độ nhận thức luân lý cao nhất. Kohlberg cho rằng vào khoảng 25% tổng số người trưởng thành phát triển cao hơn giai đoạn 4 trong mô hình của ông.
Đến nay các cuộc nghiên cứu sâu rộng đều cho thấy rằng các giai đoạn xác định bởi Kohlberg phản ánh hợp lý tiến trình phát triển nhận thức luân lý. Tuy vậy, các nghiên cứu ấy cũng nêu ra một số vấn đề về mặt phương pháp luận trong lý thuyết của Kohlberg. Một nghi vấn quan trọng là phương pháp của Kohlberg nhằm đánh giá các phán đoán/thẩm định (Judgments) chứ không phải các hành vi (behaviors) luân lý. Mặc dù nói chung lý thuyết của Kohlberg dường như là một lý giải chính xác về diễn biến phát triển các phán đoán luận lý, nhưng một số nghiên cứu lại khám phá được rằng các thẩm định ấy không luôn luôn liên quan đến hành vi luân lý. Ngược lại, các nhà điều tra khác lại cho rằng có mối quan hệ giữa thẩm định luân lý và hành vi luân lý. Thí dụ, một cuộc khảo cứu đã phát hiện rằng các sinh viên dễ có hành vi phản kháng để tranh đấu cho dân quyền là những người có trình độ thẩm định luân lý cao nhất. Dù sao, các chứng cứ vẫn chưa dứt khoát về vấn đề này. Phân biệt được thị phi – đúng sai – phải trái không có nghĩa là chúng ta sẽ luôn luôn hành động phù hợp với phán đoán của chúng ta.