Tâm lý học căn bản - Chương 10 - Phần 6

Tiến trình phát triển nhận thức luân lý của nữ giới. Nhà tâm lý Carol Gilligan (1982, 1987) đã nêu ra được một thiếu sót quan trọng trong công trình nghiên cứu ban đầu của Kohlberg. Bà cho rằng công trình đã được tiến hành trong điều kiện chỉ sử dụng các đối tượng nghiên cứu là nam giới, nên thích hợp cho họ hơn nữ giới. Ngoài ra bà lập luận đầy thuyết phục rằng do kinh nghiệm xã hội hóa khác biệt nhau nên giũa nam giới và nữ giới nẩy sinh một dị biệt căn bản về cách quan niệm hành vi luân lý. Theo bà, nam giới quan niệm luân lý chủ yếu dưới dạng các nguyên tắc phổ quát như công lý và công bằng chẳng hạn, còn nữ giới xét luân lý theo khái niệm trách nhiệm đối với cá nhân và thiện chí hy sinh để giúp đỡ một cá nhân đặc biệt trong bối cảnh một mối quan hệ đặc thù. Lòng trắc ẩn đối với cá nhân là một yếu tố khá nổi bật trong hành vi luân lý đối với nữ giới hơn là nam giới.

Như vậy, bởi vì lý thuyết của Kohlberg quan niệm hành vi luân lý phần lớn căn cứ vào các nguyên tắc về công lý, nên nó không chính xác khi miêu tả tiến trình phát triển nhận thức luân lý của nữ giới. Yếu tố này lý giải được sự kiện khiến cho người ta ngạc nhiên là nữ giới nói chung thường đạt điểm số thấp hơn nam giới trong các trắc nghiệm thẩm định luân lý áp dụng chuỗi các giai đoạn phát triển của Kohlberg. Theo quan điểm của Gilligan, nhận thức luân lý của nữ giới chú trọng đến hạnh phúc cá nhân chứ không phải các khái niệm trừu tượng về luân lý, và trình độ nhận thức luân lý cao nhất được tượng trưng bởi sự quan tâm nhiệt thành đối với hạnh phúc của tha nhân.

Theo công trình nghiên cứu của Gilligan, tiến trình phát triển nhận thức luân lý của nữ giới diễn biến theo ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất được gọi là giai đoạn định hướng bởi “sự tồn tại của cá nhân”, nữ giới chú trọng tới điều gì thực tế và có lợi nhất cho họ. Trong giai đoạn này có một bước chuyển tiếp từ tính ích kỷ sang ý thức trách nhiệm, ở bước ấy nữ giới bắt đầu nghĩ đến điều gì sẽ tốt nhất cho người khác.

Ở giai đoạn thứ hai trong tiến trình nhận thức luân lý, được gọi là giai đoạn “đức hạnh vì hy sinh bản thân”, nữ giới bắt đầu nghĩ họ phải hy sinh các ước muốn riêng tư cho nhu cầu của người khác. Dù sau cùng họ sẽ thực hiện bước chuyển tiếp từ “lòng tốt” sang khái niệm “chân lý”, trong đó họ quan tâm chan hòa nhu cầu riêng tư của họ với nhu cầu của tha nhân.

Trong giai đoạn thứ ba, được gọi là giai đoạn “luân lý phi bạo lực” (morality of nonvioience), nữ giới tiến đến mức nhận thức được rằng làm tổn thương đến bất kỳ ai đều là hành vi phí luân lý – kể cả trường hợp làm tổn thương đến bản thân họ. Nhận định này thiết lập được sự bình đẳng luân lý giữa bản thân họ với tha nhân, và theo Gilligan, nó biểu trưng trình độ nhân thức luân lý tinh tế nhất.

Như bạn thấy chuỗi giai đoạn của Gilllgan rất khác biệt với chuỗi giai đoạn do Kohlberg trình bày và một số nhà tâm lý còn cho rằng sự bài bác của bà đối với công trình của Kohlberg cũng rất quyết liệt. Dù sao, hiển nhiên là giới tính đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi nào được xem là hợp luân lý, và nam giới quan niệm khác biệt với nữ giới về điều gì hình thành hành vi luân lý.

BẢNG 10–3

Trình tự các giai đoạn nhận thức luân lý

theo quan điểm của Kohlberg

Trình độ

Giai đoạn

Lập luận mẫu mực về luân lý của các đối tượng

Bênh vực hành vi trộm cắp

Phản đối hành vi trộm cắp

Trình độ 1: Luân lý tiền ước lệ. Ở trình độ này, quan tâm cụ thể của cá nhân nhằm vào phần thưởng được hưởng và hình phạt phải gánh chịu.

Giai đoạn 1: Định hướng bởi tuân phục và trừng phạt. Ở giai đoạn này, người ta bám chặt vào các nguyên tắc để phòng tránh bị trừng phạt, và vâng lời vì lợi ích riêng tư.

Nếu để vợ bạn chết đi, bạn sẽ lâm vào rắc rối. Bạn sẽ bị chê trách vì không chịu tốn tiền để cứu mạng, và bạn cùng với viên dược sĩ sẽ bị dư luận phê phán vì cái chết của vợ bạn.

Không nên trộm thuốc bởi vì bạn có thể bị bắt bớ và tù đày. Dù có chạy thoát tâm trạng bạn cũng sẽ bất an vì không biết lúc nào bị cảnh sát đến bắt đi.

Giai đoạn 2: Định hướng bởi phần thưởng được hưởng: Ở giai đoạn này, các nguyên tắc được tuân thủ chỉ vì lợi ích cá nhân. Người ta tuân phục vì phần thưởng sẽ nhận được.

Nếu lỡ có bị bắt, bạn vẫn có thể trả lại thuốc và sẽ không bị sử phạt nặng. Bạn sẽ không ân hận nhiều hi chịu án tù nhẹ, nếu như bạn còn gặp lại người vợ khi mãn hạn tù.

Bạn có thể không bị phạt từ nặng nếu trộm thuốc, nhưng vợ bạn có thể qua đời trước khi bạn mãn hạn tù, cho nên hành vi này cũng chẳng đem lại kết quả gì. Nếu vợ bạn có chết đi bạn cũng khôn nên tự trách mình, bởi vì bà vợ bị ung thư không do lỗi ở bạn.

Trình độ 2: Luân lý ước lệ. Đến trình độ này, người ta tìm cách giải quyết rắc rối về mặt luân lý, với tư cách là một thành viên của hội. Họ quan tâm làm hài lòng tha nhân bằng cách hành động như là phần tử lương thiện trong xã hội.

Giai đoạn 3: Luân lý “theo kỳ vọng của tha nhân”. Cá nhân ở giai đoạn này tỏ ra quan tâm duy trì lòng kính trọng của tha nhân và sẽ có hành vi mà tha nhân kỳ vọng ở họ.

Nếu trộm thuốc thì không ai cho rằng bạn là kẻ xấu xa, nhưng gia đình sẽ nghĩ bạn là người chồng bất nghĩa nếu bạn không ra tay trộm thuốc. Nếu để bà vợ chết đi, bạn sẽ không còn dám nhìn mặt bất kỳ ai nữa.

Không phải chỉ viên dược sĩ mới cho rằng bạn là tên tội phạm; mà bất kì ai khác cũng sẽ nghĩ như vậy. Sau khi trộm thuốc bạn sẽ cảm thấy mình xấu xa vì đã làm nhục gia đình và bản thân; bạn sẽ không còn dám nhìn mặt bất kì ai nữa.

Giai đoạn 4: Nền luân lý căn cứ vào uy quyền và nhằm duy trì trật tự xã hội. Ở giai đoạn này, người ta tuân thủ các nguyên tắc do xã hội thiết lập và xem điều gì đúng chính là điều xã hội cho là “đúng”.

Nếu tôn trọng danh dự của mình, bạn sẽ không để cho bà vợ chết đi chỉ vì bạn không dám làm cái việc duy nhất có thể cứu mạng vợ bạn. Bạn sẽ luôn luôn có cảm giác phạm tội đã gây ra cái chết ấy nếu như bạn không làm tròn bổn phận đối với bà “vợ”.

Bạn tuyệt vọng và có lẽ bạn không biết đã sai phạm khi ra tay trộm thuốc. Nhưng bạn sẽ biết mình đã có hành vi sai trái sau khi bị tống giam. Bạn sẽ luôn luôn có cảm giác phạm tội vì hành vi bất lương và phạm pháp của mình”

Trình độ 3: Luân lý siêu ước lệ. Ở trình độ này, người ta vận dụng các nguyên tắc luân lý được xem là bao quát hơn các nguyên tắc của bất kỳ một xã hội đặc biệt nào.

Giai đoạn 5: Luân lý căn cứ vào tự nguyện, quyền hạn cá nhân, và luật lệ được chấp nhận một cách dân chủ. Cá nhân ở giai đoạn này làm điều đúng do ý thức được nghĩa vụ đối với luật lệ đã được xã hội nhất trí thông qua. Họ nhận định rằng luật lệ vẫn có thể cải biến được phần nào do các thay đổi trong một xã ước mặc nhiên.

Bạn sẽ đánh mất sự tôn trọng của tha nhân không sao vãn hồi được, nếu bạn không ra tay trộm thuốc. Nếu để cho vợ bạn chết đi, bạn sẽ thoát được cơn sợ tù đày nhưng lại không thoát được lương tâm phê phán. Cho nên bạn nhất định sẽ đánh mật lòng tự trọng và có lẽ lòng kính trọng của kẻ khác nữa.

Bạn sẽ đánh mất địa vị và sự kính trọng của cộng đồng do hành vi phạm pháp. Bạn sẽ đánh mất lòng tự trọng nếu để mất đi thứ tình cảm ấy và quên đi lập trường theo đuổi lâu nay của bạn.

Giai đoạn 6: Luân lý theo các nguyên tắc và lương tâm cá nhân. Ở giai đoạn cuối cùng này, người ta tuân thủ luật pháp bởi vì chúng căn cứ vào các nguyên tắc đạo đức phổ biến. Luật lệ nào vi phạm các nguyên tắc ấy đều không được tuân phục.

Nếu để cho bà vợ phải chết vì không ra tay trộm thuốc, sau này bạn sẽ luôn luôn tự lên án. Bạn sẽ không bị trừng phạt vì đã sống theo luật lệ của xã hội bên ngoài, nhưng bạn sẽ không trung thành với các tiêu chuẩn lương tâm của bản thân.

Dù không bị tha nhân trách cứ vì hành vi trộm thuốc, nhưng bạn sẽ tự lên án vì đã không trung thành với lương tâm và các tiêu chuẩn lương thiện của bản thân bạn.

3. Tiến trình phát triển tâm lý xã hội: Tìm cách khẳng định bản thân

Đối với hầu hết thanh niên, trả lời các câu hỏi như “Tôi là ai?” và “Tôi làm sao để thích nghi với ngoại giới?” là một trong thách đố lớn lao của cuộc sống. Dù các câu hỏi ấy còn tiếp tục được nêu ra suốt đời người, nhưng chúng lại có ý nghĩa đặc biệt trong suốt những năm tháng thuộc giai đoạn thanh xuân.

Lý thuyết của Erikson về phát triển tâm lý, mà chúng ta vừa thảo luận, gán cho việc làm này một tầm quan trọng đặc biệt trong suốt những năm tháng ở lứa tuổi thanh xuân. Như đã đề cập, tiến trình phát triển tâm lý xã hội bao quát các diễn biến về phương thức tìm hiểu bản thân, tìm hiểu lẫn nhau và tìm hiểu thế giới chung quanh là một bộ phận thuộc tiến trình phát triển của con người.

Giai đoạn thứ 5 theo lý thuyết của Erickson (được tóm tắt cùng với các giai đoạn khác trong bảng 10–4 dưới đây) được gọi là giai đoạn khẳng định bản thân – ngược lại – nhầm lẫn vai trò (Identity – versus – role – confusion stage) và bao trùm cả thời gian thanh xuân. Giai đoạn này là thời kỳ thử thách quan trọng, khi thanh thiếu niên cố gắng xác định xem bản thân họ có đặc điểm gì là độc đáo và cá biệt. Họ nỗ lực khám phá xem họ là ai, có năng khiếu gì, và vai trò gì phù hợp nhất cho họ trong quãng đời còn lại – nói ngắn gọn là nỗ lực khẳng định bản thân (identity). Sự nhầm lẫn về vai trò thích hợp nhất trong cuộc sống có thể đưa đến tình trạng thiếu khẳng định bản thân, khiến cho thanh thiếu niên có hành vi không được xã hội chấp nhận như hành động của kẻ đi chệch hướng xã hội, hoặc gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ cá nhân mật thiết sau này trong cuộc đời chẳng hạn.

Trong suốt giai đoạn này, áp lực nhận ra được điều mà thanh thiếu niên muốn thực hiện cho cuộc đời có ảnh hưởng thật sâu sắc. Bởi vì áp lực này xuất hiện vào thời kỳ xảy ra các biến chuyển cơ thể chủ yếu và các biến chuyển quan trọng mà xã hội trông đợi ở họ nên thanh thiếu niên cảm thấy thời kỳ này quả là một thời kỳ đặc biệt cam go đối với họ. Giai đoạn khẳng định bản thân – ngược lại – nhầm lẫn vai trò còn có một đặc điểm quan trọng khác nữa: khuynh hướng bớt trông cậy vào các bậc trưởng bối để tiếp nhận thông tin, với tình trạng chuyển di sang khuynh hướng dùng nhóm bạn cùng trang lứa như nguồn thông tin thẩm định các giá trị xã hội. Nhóm bạn đồng trang lứa này ngày càng quan trọng hơn, giúp cho thanh thiếu niên thiết lập được các mối quan hệ gần gũi giống như người lớn, và giúp chúng hiểu rõ các đặc điểm độc đáo của bản thân chúng.

Trong những năm tháng ở bậc đại học, hầu hết các sinh viên đều bước vào giai đoạn thân mật – ngược lại – cô lập (intimacy – versus – isolation stage, kéo dài đến thời kỳ đầu của tuổi trưởng thành, từ khoảng tuổi 18 đến 30), trong đó thanh thiếu niên chú trọng thiết lập các mối quan hệ gần gũi với tha nhân. Các rắc rối trong giai đoạn này đưa đến cảm giác cô đơn và sợ quan hệ với người khác, còn như giải quyết thành công các khủng hoảng ấy giúp cho thanh thiếu niên thiết lập được các mối quan hệ thân mật về mặt thể xác, trí tuệ, và tình cảm.

Erikson tiếp tục miêu tả các giai đoạn cuối cùng thuộc tuổi trưởng thành, trong đó tiến trình phát triển còn tiếp diễn. Trong thời trung niên, người ta đến đến giai đoạn năng động – ngược lại – đình trệ (generativity – versus – stasnation stage). Năng động tính liên hệ đến sự đóng góp của cá nhân cho gia đình, cộng đồng, sự nghiệp, và xã hội nói chung của họ. Thành công trong giai đoạn này khiến cho người ta phát sinh cảm giác tích cực về tính liên tục của cuộc đời, còn rắc rối khiến người ta có cảm tưởng hoạt động của họ là tầm thường và có cảm nghĩ như cuộc đời họ lắng đọng và đình trệ lại, hoặc có cảm nghĩ họ chẳng làm nên tích sự gì cho thế hệ mai sau. Thực tế, nếu cá nhân không giải quyết được cơn khủng hoảng khẳng định bản thân ở tuổi thanh xuân, thì giai đoạn này có thể họ vẫn còn lúng túng trong việc tìm được cho họ một nghề nghiệp thích hợp.

Cuối cùng, giai đoạn phát triển tâm lý xã hội sau chót là giai đoạn hợp nhất bản ngã – ngược lại – tuyệt vọng (ego – integrity – versus – despair stage). Giai đoạn này kéo dài từ tuổi già cho đến khi nhắm mắt qua đời. Thành công trong việc giải quyết các rắc rối trong giai đoạn này tượng trưng bởi cảm nghĩ công thành thân thoái; nếu không lẽ có hậu quả phát sinh cảm nghĩ nuối tiếc về sự nghiệp lẽ ra thành tựu, nhưng đã bất thành.

Một trong các khía cạnh lưu ý nhất trong lý thuyết của Erikson là nó chủ trương tiến trình phát triển không ngừng lại ở tuổi thanh xuân mà tiếp diễn đến hết giai đoạn trưởng thành. Trước Erikson, quan điểm thịnh hành là chủ trương cho rằng tiến trình phát triển tâm lý xã hội nói chung đều hoàn tất sau thời thanh xuân. Ông đã góp phần xây dựng một tiến trình phát triển quan trọng tiếp diễn suốt cả đời người.

BẢNG 10–4

Tóm tắt các giai đoạn phát triển theo quan điểm của Erikson

Giai đoạn

Độ tuổi ước tính

Hậu quả tích cực

Hậu quả tiêu cực

1. Tin cậy – ngược lại – mất lòng tin

Sơ sinh đến 1 tuổi rưỡi

Cảm giác tin cậy do hậu thuẫn của hoàn cảnh sống

– sợ hãi và lo ngại về người khác

2. Tự chủ – ngược lại xấu hổ và nghi ngờ

1 1/2 tuổi đến 3 tuổi

Tự mãn nếu hành vi khám phá ngoại giới được khích lệ

Nghi ngờ bản thân, thiếu tinh thần độc lập

3. Sáng kiến – ngược lại – cảm giác tội lỗi

3 đến 6 tuổi

Khám phá các phương thức đề xướng hành động

Cảm giác tội lỗi do hậu quả không mong muốn của hành động và ý nghĩa đã đề xướng

4. Chuyên Cần – ngược lại – thấp kém

6 đến 12 tuổi

Phát triển cảm nghĩ về năng lực bản thân

Cảm giác thấp kém, cảm nghĩ thiếu năng lực.

5. Khẳng định bản thân – ngược lại – nhầm lẫn vai trò

tuổi thanh xuân

Nhận định được tính độc đáo của bản thân, hiểu rõ vai trò phải theo đuổi

Không nhận định được vai trò thích hợp trong cuộc sống

6. Thân mật – ngược lại – cô lập

tuổi tráng niên

Phát triển các mối quan hệ tình yêu, tình dục, và tình bạn thân thiết

Sợ quan hệ với tha nhân

7. Năng động – ngược lại – đình trệ

tuổi trung niên

Cảm nghĩ đã đóng góp vào sự liên tục của cuộc sống

Đánh giá thấp các hoạt động của bản thân.

8. Hợp nhất bản ngã – ngược lại – tuyệt vọng

tuổi già

Cảm nghĩ đã hợp nhất với các thành tựu trong đời

Nuối tiếc đã đánh mất cơ hội thành công trong đời

4. Tuổi vị thành niên đầy sóng gió: Hư cấu hay sự thật!

Phải chăng tuổi dậy thì là điềm báo bất dịch về thời thanh xuân nổi loạn và đầy sóng gió?

Có một thời hầu hết trẻ đang bước vào tuổi vị thành niên đều bị cho rằng đang tiến đến một thời kỳ cam go và căng thẳng, nhưng hiện nay các nhà tâm lý khám phá rằng lối đặc trưng như thế nói chung là hư cấu. Hầu hết thanh thiếu niên dường như đều trải qua thời thanh xuân mà không hề gặp rối loạn đáng kể gì trong cuộc sống của họ.

Nói như vậy không hàm ý rằng thời thanh xuân là giai đoạn hoàn toàn êm ả. Hiển nhiên, hầu hết gia đình nào cũng có nhiều cuộc cãi vã to tiếng trong giai đoạn này. Thanh thiếu niên, một phần nào do khao khát khẳng định bản thân, thường trải qua sự căng thẳng giữa nỗ lực giải phóng khỏi ách ràng buộc của cha mẹ với tình trạng lệ thuộc thực tế của họ vào cha mẹ. Họ có thể thử qua rất nhiều hành vi, đùa cợt bằng rất nhiều thủ đoạn khác nhau mà cha mẹ họ, và thậm chí đến xã hội nói chung, đều thấy chướng tai gai mắt. Dù vậy, may mắn thay đối với đại đa số các gia đình, các căng thẳng ấy thường dịu xuống vào giữa thời vị thành niên – khoảng tuổi 15 hay 16 – và sau cùng lắng dịu hẳn vào tuổi 18.

Một trong những nguyên nhân làm tăng thêm xung đột trong tuổi vị thành niên dường như là do chính trong thời kỳ căng thẳng kéo dài ấy thanh thiếu niên lại phải ở nhà với cha mẹ. Trước đây khá lâu – và trong một số nền văn hóa ở các nước đang phát triển hiện nay – thanh thiếu niên phải rời khỏi gia đình ngay sau tuổi dậy thì để tìm kế sinh nhai, nên xung đột ít có cơ hội xảy ra. Ngoài ra, hiện nay tuổi trưởng thành tình dục của thanh thiếu niên lại diễn ra sớm hơn 7 hay 8 năm so với thời cha mẹ chúng. Các con số thống kê hiện nay thậm chí còn báo trước tình hình bành trướng xung đột của thời thanh xuân quá lứa tuổi choai choai xảy ra đối với rất nhiều người. Khoảng 1/3 nam giới chưa lập gia đình và 1/5 nữ giới độc thân trong độ tuổi từ 25 đến 34 vẫn còn tiếp tục sống chung nhà với cha mẹ họ.

Tuổi vị thành niên cũng gặp rất nhiều căng thẳng bên ngoài gia đình. Nói chung, thanh thiếu niên thay đổi trường học ít nhất đến 2 lần (từ tiểu học đến trung học rồi đến ban tú tài), và các quan hệ với bạn bè cũng như người đồng trang lứa đặc biệt hời hợt. Nhiều thanh thiếu niên phải làm việc bán thời gian, nên các nhu cầu ở học đường, nhiệm vụ trong gia đình, và hoạt động xã hội chiếm hết thời gian nghỉ ngơi của họ. Các nguyên nhân gây căng thẳng đó có thể dẫn đến bầu không khí khẩn trương trong gia đình.

V. TUỔI TRÁNG NIÊN VÀ TRUNG NIÊN: ĐOẠN GIỮA CUỘC ĐỜI

Các nhà tâm lý thường xem tuổi tráng niên bắt đầu từ khoảng 20 tuổi kéo dài đến khoảng tuổi từ 40 đến 45, và tuổi trung niên kéo dài từ tuổi 40 hay 45 cho đến khoảng tuổi 65. Mặc dù tầm quan trọng lớn lao của các thời kỳ này trong đời – cả về các thành tựu diễn ra trong các thời kỳ này lẫn quãng thời gian nói chung của chúng (gộp chung kéo dài khoảng 40 năm trời) – nhưng chúng lại được các nhà khảo cứu ít chú ý đến so với bất kỳ giai đoạn nào khác. Một nguyên nhân là các biến chuyển cơ thể vừa ít thấy rõ hơn vừa xảy ra chậm chạp hơn so với các thời kỳ khác trong cuộc đời. Ngoài ra, các biến chuyển về xã hội tính lại quá đa dạng đến mức không thể phân loại một cách đơn giản được. Dù vậy, mới đây các nhà tâm lý phát triển đột nhiên lại quan tâm nhiều hơn đến tuổi trưởng thành, đặc biệt chú trọng đến các chuyển biến về mặt xã hội tính xảy ra dưới dạng các vấn đề gia đình, hôn nhân, ly hôn, và nghề nghiệp đối với nữ giới.

1. Phát triển cơ thể: Đỉnh cao sức khỏe

Đối với hầu hết mọi người, thời tráng niên đánh dấu đỉnh cao sức khỏe thể chất. Từ khoảng tuổi 18 đến 25, thế lực của con người lên đến đỉnh cao nhất, phản xạ nhanh nhất, và rất ít xảy ra trường hợp tử vong vì bệnh tật. Ngoài ra, khả năng sinh sản ở giai đoạn này lên đến mức cao nhất.

Các chuyển biến khởi đầu từ độ tuổi 25 trở đi phần lớn có bản chất định lượng chứ không phải về mặt tính chất. Cơ thể con người bắt đầu hoạt động kém hữu hiệu hơn và phần nào dễ bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, nói chung triệu chứng bệnh tật vẫn là ngoại lệ; hầu hết mọi người vẫn còn rất khỏe mạnh ở độ tuổi này. (Bạn có thể tưởng tượng được bất kỳ cỗ máy nào ngoài cơ thể con người có thể hoạt động không hề ngừng nghỉ trong một thời gian dài đến thế không?)

Biến chuyển sinh học chủ yếu xảy ra trong thời trung niên – tuỳ thuộc khả năng sinh dục. Nói chung, vào cuối các năm bốn mươi hoặc đầu các năm năm mươi nữ giới bắt đầu mãn kinh (menopause) là thời điểm nữ giới chấm dứt hiện tượng hành kinh và không còn khả năng thụ thai nữa. Bởi vì hiện tượng mãn kinh đi kèm với hiện tượng giảm bớt tiết ra oestrogen, ít loại hormone sinh dục nữ, nên đôi khi nữ giới trải qua các triệu chứng như đỏ mặt, hay cảm giác nóng bức đột ngột chẳng hạn. Dù vậy, hầu hết các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh đều chữa trị được dễ dàng bằng oestrogen nhân tạo.

Ngày xưa, người ta đổ lỗi cho hiện tượng mãn kinh là nguyên nhân gây ra rất nhiều triệu chứng tâm lý, bao gồm chứng trầm cảm; nhưng hầu hết các cuộc nghiên cứu hiện nay đều cho rằng các rối loạn ấy, nếu như quả có xảy ra, chính do nữ giới đang trong tình trạng tiến đến tuổi “già” lại gặp phải các phản ứng của một xã hội vốn quá ưu đãi giới trẻ chứ không phải do bản thân hiện tượng mãn kinh. Như vậy, chính thái độ của xã hội chứ không phải các biến chuyển sinh lý trong thời kỳ mãn kinh gây ra các rối loạn tâm lý.

Đối với nam giới, tiến trình lão hóa trong thời trung niên tế nhị hơn đôi chút, bởi vì không có các dấu hiệu sinh lý phản ảnh tuổi tác tăng thêm tương tự như sự kết thúc hiện tượng hành kinh ở nữ giới. Ngoài ra nam giới vẫn còn khả năng sinh lý và có thể có con cho đến khi bước hẳn vào tuổi lão suy mới dứt. Tuy nhiên, một số triệu chứng sút giảm sinh lý xuất hiện dần dần: khả năng sinh sản tinh trùng giảm đi và tần số đạt đến mức cực khoái cũng có khuynh hướng giảm xuống. Dù vậy, một lần nữa bất kỳ rối loạn tâm lý nào dù có xảy ra cũng không phải phần lớn do tình trạng bất lực của cá nhân tuổi tác cao trong việc đáp ứng với các tiêu chuẩn ưu tiên quá mức cho tuổi trẻ vốn hiện hữu trong xã hội chúng ta.

* Thời kỳ mãn kinh (menopause): Thời gian trong đời sống 1 phụ nữ, khi các noãn sào ngừng sản sinh một tế bào trứng vào mỗi chu kỳ kéo dài 4 tuần lễ thì người này không còn kinh nguyệt và khả năng thụ thai nữa. Thời điểm mãn kinh có thể xảy ra vào bất kỳ tuổi nào trong khoảng từ giữa các năm ba mươi đến cuối các năm năm mươi. Kinh nguyệt có thể giảm dần trong các kỳ hành kinh tiếp theo sau, hoặc khoảng cách giữa các kỳ hành kinh kéo dài ra; cũng có trường hợp đột ngột ngưng toàn bộ các kỳ hành kinh hàng tháng. Ở thời kỳ mãn kinh có thể có thay đổi tình trạng cân bằng hormone sinh dục trong cơ thể, đôi khi dẫn đến đỏ mặt, hồi hộp, và khô niêm mạc âm đạo. Một số phụ nữ nói trên có triệu chứng rối loạn cảm xúc (theo Từ điển Y bọc).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3