Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 12 - Phần 5

Những người khác như Trần Nguyên Đán là bậc hiền tài trong các khanh sĩ cùng họ nhà vua, tuy mang khí phách trung phẫn, nhưng bó tay bỏ mặc vận nước không biết làm sao, lánh quyền tướng quốc để mong bảo toàn gia thuộc sau khi nước đổ. Trương Hán Siêu là ông quan văn học, vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đáng chơi, gả con gái cho người không đáng gả. Họ so với Văn Trinh, [36a] có gì đánh kể, huống hồ những kẻ còn kém hai ông này!

Bấy giờ nho thần Lê Quát cũng muốn làm sáng đạo thánh hiền, gạt bỏ dị đoan, nhưng rút cuộc vẫn không thực hiện được. Ông từng làm bài văn bia chùa Thiệu Phúc, thôn Bái ở Bắc Giang như sau:

"Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu dến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gởi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm dến nửa phần so với với dân cư, Đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng.

Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét [36b] xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hóa dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những ‘Học cung’, ‘Văn miếu’ mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta".

Tháng 12, lấy ngày sinh làm tiết Kiến Thiên.

Tân Hợi, (Thiệu Khánh) năm thứ 2 (1371), (Minh HồngVũ năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, truy tôn mẹ sinh là nguyên phi Anh Tư làm Minh Từ hoàng thái phi.

Tháng 2, đãi yến các qusan ở điện Thiên An, ban thưởng theo thứ bậc khác nhau.

Phong công chúa thiên Ninh là Lạng Quốc thái trưởng công chúa, đổi tên là Quốc Hinh.

Phong người tôn thất là Sư Hiền làm Cung Chính vương, Nguyên Đán làm tư đồ, Nguyên Uyên làm phủ quân tướng quân.

Bỏ phép cắt chân bãi bồi. Xóa lệnh kiểm kê tài sản.

Trước đây, các nhà vương [37a] hầu, công chúa lập điền trang ở ven sông thì đất phù sa mới bồi đều thuộc về người chủ (điền trang). Thái hậu Chiêu Từ (nhân đó) mới lập thành phép cắt chân bãi bồi (nghĩa là cắt lấy những đất mới bồi).

Những người quyền quý chết thì tài sản đều thuộc về con cháu họ. Dụ Tông mới có lệnh kiểm kê (nghĩa là những thứ gì quý báu phải đem nộp vào nhà nước), đều là do bọn bề tôi tham lam vơ vét xui vua làm chuyện đó. Đến đây đều bãi bỏ cả.

Tháng 3 nhuận, Chiêm Thành vào cướp, từ cửa biển Đại An1119 tiến thẳng đến kinh sư. Du binh (của giặc) đến bến Thái Tổ (nay là Phục Cổ)1120. Vua đi thuyền sang Đông Ngàn lánh chúng.

1119 Cửa Đại An: sau đổi là cửa Liêu, huyện Đại An, nay là huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Hà Nam Ninh.

1120 Phường Phục Cổ: Ở khoảng phó Nguyễn Du, Hà Nội hiện nay. Nếu đời Trần ở đó có bến thì chắc là có một nhánh sông Hồng chảy qua đó, nối với hồ Thuyền Quang.

Ngày 27, giặc ùa vào thành, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về.

Chiêm Thành sở dĩ sang cướp là vì mạ Nhật Lễ chạy trốn sang nước ấy, xúi giục chúng vào cướp để báo thù cho Nhật Lễ. Bấy giờ thái bình đã lâu ngày, thành quách biênm cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không. Nhà nước [37b] từ đó sinh ra nhiều chuyện.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Không có nước địch làm mối lo bên ngoài thì nước hay bị mất, đó là điều răn từ xưa đến nay. Chiêm Thành với ta, đời đời là cừu thù, triều Trần chả lẽ lại không biết mà phòng bị trước hay sao? Chỉ vì lòng người sinh biếng trễ, phép nước bị buông lơi, đã qua nhiều năm tháng, việc phòng thủ biên cương bị triệt bỏ, nên đến nỗi ấy. Giặc vào bờ cõi mà biên thành thất thủ, giặc tới kinh đô mà cấm binh chống lại thì còn nước thế nào được! Dụ Tông vốn quen chơi bời, cố nhiên là chẳng đáng kể. Nghệ Tông thì bản thân đã trải nhiều biến cố mà không nghĩ tới việc đó, há chẳng phải là chỉ chăm lo văn nghệ mà không trông nom gì đến võ lược ư?

Mùa hạ, tháng 4, lập em (vua) là Cung Tuyên đại vương Kính làm hoàng thái tử, soạn [38a] chương Hoằng huấn ban cho. Phong vợ cả hoàng thái tử là Lê thị làm hoàng thái tử phi.

Tháng 5, lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm khu mật viện đại sứ.

Hai chị em bà cô của Quý Ly, Minh Tông đều lấy làm cung nhân. Một bà sinh ra vua, đó là bà Minh Từ. Một bà sinh ra Duệ Tông, đó là bà Đôn Từ. Cho nên vua khi mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly. Lại đem em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh gả cho ông ta (Huy Ninh trước là vợ của tôn thất Nhân Vinh, Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết hại).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Vinh chết vì thù nước, Huy Ninh để tang chồng mới được 6 tháng mà vua đã đem gả cho Quý Ly. Thế là làm hỏng nhân luân bắt đầu từ vua, mà kẻ làm chồng, người làm vợ cũngkhông có nhân tâm. Phá bỏ lẽ chồng vợ, đảo loạn đạo tam cương, thì làm sao mà chẳng sinh loạn?

[38b] Xuống chiếu rằng xây dựng cung thất cốt sao cho giản dị, môc mạc, chỉ lấy các tản quan tôn thất phục dịch, không phiền nhiễu đến dân.

Mùa thu, tháng 8, sai Lê Quý Ly đi Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ yên nơi biên giới.

Tháng 9, gia phong Lê Quý Ly làm Trung Tuyên quốc thượng hầu.

Mùa đông, tháng 10, lấy tu sử Phan Nghĩa làm Lễ bộ lang trung, soạn định Quốc triều thông chế và các lễ nghi.

Ra lệnh cho những người có chức tước phải khai báo để làm thành sổ sách. Nhưng dân gian giả dối quá lắm, lấy không làm có rất nhiều.

Tháng 12, truy phong mẹ sinh hoàng thái tử là Sung Viên1121 Lê thị làm Quang Hiến thần phi.

Nhâm Tý, (Thiệu Khánh) năm thứ 3 (1372), (Minh HồngVũ năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, xét công lao của các quan văn võ.

1121 Sung Viên: một bậc cung tần.

Mùa hạ, tháng 4, lấy Đỗ Tử Bình làm hành khiển, tham mưu quân sự.

Tháng 5, lấy Nguyễn Nhiên kiêm [39a] chức tri Khu mật viện chánh chưởng; Hồ Tông Thốc làm Hàn lâm viện học sĩ, lấy người Hóa Châu là Hồ Long làm tri châu Hóa Châu.

Mùa thu, tháng 7, ban cho quan phủ Lâm Bình là Phạm A Song tước minh tự.

Tháng 8, xuống chiếu cho các lộ làm đơn số (là sổ hộ tịch).

Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến phủ Thiên Trường, sửa lại miếu thờ ở các lăng.

Tháng 11, ngày mồng 9, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Kính. Kính lên ngôi hoàng đế. Đại xá. Vua tự xưng là Khâm hoàng. Các quan dâng tôn hiệu là Kế thiên ứng vận nhân minh khâm hhoàng đế.

Truy tôn mẹ sinh là Quang Hiến thần phi làm Đôn Từ hoàng thái phi.

Phong bà phi họ Lê làm Hiển Trinh thần phi.

Lúc vua mới lên ngôi, thượng hoàng làm bài Đế Châm 150 chữ ban cho vua.

Ban tặng chi thiếu phó Trương Hán Siêu được tòng tự ở miếu Khổng Tử.

[39b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nghệ hoàng ban cho Hán Siêu được tòng tự ở Văn Miếu vì ông ta hay bài xích dị đoan chăng? Hình như vậy. Nhưng xét ra ông ta là người cậy tài, kiêu ngạo. Thhời Minh Tông, Hán Siêu làm hành khiển, khinh bỉ người cùng hàng, đến nỗi vu cho Phạm Ngộ, Lê Duy nhận hối lộ. Khi đuối lý bị phạt, còn nói với người khác: "Đã được chúa thượng tin dùng, đâu ngờ có chuyện xét hỏi lại.", thì thực là bằng chứng của thói kiêu ngạo, keo bẩn đấy. Khổng Tử nói: "Dẫu tài giỏi đến như Chu Công mà kiêu ngạo và keo bẩn thì những gì còn lại cũng chẳng ra sao!". Tôi nghĩ Hán Siêu hiền tài nếu có thiêng, hẳn không dám dự thờ ở miếu Khổng Tử.

Duệ TÔNG HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Kính, con thứ 11 của Minh Tông, em Nghệ Tông.

Mẹ là Đôn Từ hoàng thái phi.

Sinh năm Đinh Sửu, Khai Hựu năm thứ 9 (1337), tháng 6, ngày mồng 2.

Khi Nghệ Tông lánh nạn, quân lính, khí giới đều là công sức của vua cả, vì thế (Nghệ Tông) đem nhường ngôi cho.

Vua ở ngôi bốn năm, thọ bốn mươi mốt tuổi.

[40a] Vua ương gàn cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc, nên mang họa vào thân chứ không phải là do bất hạnh.

Quý Sửu, (Long Khánh) năm thứ 1 (1337), (Minh Hồng Vũ năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.

Tôn thượng hoàng làm Quang hoa anh triết thái thượng hoàng đế. Truy tôn Thục Từ hoàng hậu làm Thuận Từ hoàng thái hậu.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Bà hậu của Trần Thái Tổ1122 có tên hiệu là Thuận Từ. Những người bàn đặt tên thụy hồi đó không cho là sai chăng? Hay cho là thế đại đã lâu rồi mà cứ đặt nhhư thế? (Nếu vậy thì) ý nghĩa tìm về nguồn cội sẽ ra làm sao? Tiên vương theo lòng người mà đặt lễ nghi. Bàn đặt tên thụy của thái hậu lại trùng với tên thụy của bà cụ tổ thì lòng người có yên được không? Trái lẽ quá lắm!

1122 Tức Trần Thừa, cha của Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

[40b] Tháng 2, lập sổ danh sách các quan văn võ.

Sách phong nguyên phi Lê thị làm Gia Từ hoàng hậu.

Tháng 3, phong con trưởng là Vĩ làm Chương Vũ đại vương (mười bốn tuổi), định lập làm hoàng thái tử, nhưng lên nhọt độc rồi chết.

Mùa hạ, tháng 6, lấy ngày sinh làm tiết Tề Thiên.

Mùa thu, tháng 8, định việc bổ sung quân ngũ, đóng sửa thuyền chiến để chuẩn bị đánh Chiêm Thành.

Ra lệnh cho quân và dân nộp thuế cho nhà nước, (người nộp được) ban tước theo thứ bậc khác nhau.

Thi lại viên bổ làm nội lệnh sử duyệt lại.

Mùa đông, tháng 12, xuống chiếu nói việc vua thân đi đánh Chiêm Thành.

Năm ấy, giặc cướp đua nhau nổi dậy.

Giáp Dần, (Long Khánh) năm thứ 2 (1347), (Minh Hồng Vũ năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng về ở cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường.

(Tổ chức] thi đinh cho các tiến sĩ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ thám hoa, bọn La Tu đỗ hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ.

Tất cả đều được ban yến và áo xếp, cho quan chức theo thứ bậc [41a] khác nhau.

Dẫn ba vị đỗ đầu đi chơi phố ba ngày.

Theo lệ cũ: thái học sinh bảy năm thi một lần, chỉ lấy ba mươi người thôi. Thi trạng nguyên thì không có lệ định sẳn. Nhưng thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị phần học sinh, tướng phủ học sinh và những người có tước phẩm đều được vào thi cả.

Tháng 3, xuống chiếu cho Thanh Hóa, Nghệ An đào kênh đến cửa biển Hà Hoa1123.

1123 Tức cửa khẩu, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Mùa hạ, tháng 5, tháng 6, hạn hán.

Mùa thu, tháng 8, chọn dân đinh bổ sung quân ngũ. Hạng nhất sung vào Lan Đô rồi đến hạng nhì, hạng ba. Người thấp bé nhưng nhanh nhẹn, can đảm cũng được sung vào hạng trên.

Trước đây, quân túc vệ có các quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần, sau đặt thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Ý Yên, Thiên Trường, Bắc Giang, Điện Hậu, Long Tiệp. Những quân này xâm ba chữ đen lên trán. Quân thị vệ thì xâm trán. Các quân Hoa Ngạch, Tả Ban, Hữu Ban và quân Thanh Hóa, Nghệ An, Hóa Châu, Thuận Châu, Lâm Bình đều [41b] đặt quân hiệu, có đại đội trưởng, đại đội phó làm tướng hiệu.

Mùa đông, tháng 10, định ngạch tụng quan. Đặt sáu cục Cận thị chi hậu, lấy vương hầu và tôn thất làm chánh chưởng. 800 người làm thị vệ trong các chi hậu do phán thủ trông coi đều đội mũ bồn hoa.

Xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào.

Ất Mão, (Long Khánh) năm thứ 3 (1375), (Minh Hồng Vũ năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Khu mât viện đại sứ Lê Quý Ly làm tham mưu quân sự.

Xuống chiếu chọn các quan viên biết luyện tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là người tôn thất, đều cho làm tướng coi quân.

Đổi châu Diễn thành lộ Diễn Châu, châu Hoan thành các lộ Nhật Nam, Nghệ An nam, bắc, trung. Đổi Lâm Bình thành phủ Tân Bình1124. Sai Đào Lực Đinh và Hà Tử Công đốc suất người Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình đắp sửa đường sá từ Cửu Chân1125 đến Hà Hoa1126, [42a] ba tháng thì xong.

1124 Phủ Tân Bình: thời Trần, mà trước đó gọi là phủ Lâm Bình, có lẽ tương đương với phủ Tân Bình thời Lê sau này (nghĩa là gồm cả đất hai châu Minh Linh và Bồ Chính thời Lý). Nếu đúng vậy, phủ Lâm Bình hay Tân Bình thời Trần bao gồm vùng đất các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Ninh, Tuyên Hóa, Bến Hải tỉnh Quảng Bình ngày nay, trong khi châu Lâm Bình thời Lý chỉ gồm đất huyện Lệ Ninh ngày nay.

1125 Cửu Chân: chỉ vùng Thanh Hóa.

1126 Hà Hoa: đất các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

Mùa hạ, tháng 6, sao Kim hiện ban ngày.

Mùa thu, tháng 8, làm sổ quân, thải bớt người già yếu, lấy người mạnh khỏe bổ sung vào. Những người làm thuê của các hộ, xá1127 Thanh Hóa, Nghệ An đều phải sung vào quân ngũ.

1127 Hộ, xá: những người không có tên trong sổ hộ tịch, đi làm thuê lấy tiền công, họp thành các ộ, các xá.

Xuống chiếu cho những người giàu ở các lộ đem dâng thóc. (Người dâng thóc) được ban tước theo thứ bậc khác nhau.

Tháng 9, đem công chúa Trang Huy gả cho Nguyên Dận là con trai Cung Chính Vương.

Sách phong con gái của thái bảo Trần Liêu làm phi.

Mùa đông, tháng 10, lấy Thúc Ngạn, con trai của thượng hoàng làm tư đồ coi trấn Thái Nguyên; tư đồ Nguyên Đán coi việc quân trấn Quảng Oai.

Bính Thìn, (Long Khánh) năm thứ 4 (1376), (Minh Hồng Vũ năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, gả công chúa Tuyên Huy cho quan phục đại vương Húc (con của thượng hoàng). Thượng hoàng thân đi đón dâu.

(Xét: Quan phục không phải là tước hiệu được phong. Có lẽ khi ấy Húc được phong tước, được ban mũ áo đại vương (đại vương quan phục) như Cung Giản vương được truy tặng mũ áo đại vương.

[42b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua tôi, cha con, chồng vợ là ba giềng mối, đạo nhân luân không gì lớn hơn thế. Đã gọi là giềng mối thì sao được làm rối loạn? Lễ của tiên vương thường thận trọng cả đến việc nhỏ, huống chi lại là việc lớn.

Lễ rước dâu là nghi tiết lớn trong lễ cưới. Duệ Tông đem công chúa Tuyên Huy gả cho quan phục thì người đón dâu phải là người chồng. Nghệ Tông lại tự mình đi đón thay cho con thì đạo tam cương đã rối loạn rồi! Quan phục sau không được trọn vẹn1128, điềm gở đã hiện ra ở đó rồi. Người làm vua, làm cha há chẳng nên thận trọng sao? Vả lại lễ cốt để tránh hiềm nghi. Làm vua, làm cha mà đi đón vợ của con là mối hiềm nghi lớn lắm. Việc ấy mà không thận trọng thì các việc khác cũng có thể biết được.

1128 Húc sau bị Phế đế giết vào năm Xương Phù thứ 5 (1381).

Mùa hạ, tháng 4, định lại quy chế về thuyền, xe, kiệu, lọng, nghi trượng quần áo, vì lẽ sắp làm lễ hội thề.

Tháng 5, Chiêm Thành dến cướp Hóa Châu.

Tháng 6, xuống chiếu cho các quân sắm sửa [43a] khí giới, thuyền chiến để chuẩn bị việc thân chinh Chiêm Thành.

Mùa thu, tháng 7, ngự sử trung tán Lê Tích dâng sớ can rằng:

"Binh đao là đồ hung khí, không nên tự mình gây ra. Huống chi ngày nay vừa mới dẹp được giặc trong nước, thế như cái nhọt lâu năm chưa khỏi, chúa không nên vì mối tức giận riêng mà dấy quân, tướng không thể cầu công mà đánh liều. Dù Chiêm Thành không có lòng thần phục1129 cũng chỉ nên sai tướng đi đánh để chờ trời diệt chúng, còn xa giá thân chinh thì thần trộm nghĩ là không nên".

1129 Nguyên văn "vô thần thiếp chi tâm", chúng tôi cho là có lẽ bản khắc in đã lầm chữ "phục" thành chữ "thiếp".

Vua không nghe.

Tháng 8, xuống chiếu cho quân dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu chở năm vạn hôc lương tới Hóa Châu.

Mùa đông, tháng 10, đại duyệt quân thủy, bộ ở bãi cát sông Bạch Hạc. Hai vua đích thân làm tướng.

Tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 1hai vạn quân xuất phát từ kinh sư. Đến bến sông xã Bát1130, có người làng làm lễ đám ma, vua truyền phạt 30 quan [43b] tiền. Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân.

1130 Có lẽ là xã Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay.

Trước đây, chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai han2h khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem mười mâm vàng dâng lên (vua). Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nối dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ quan quân đến cửa biển Di Luân1131, các quân vượt biển mà tiến. Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ, men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ1132 đóng quân lại, luyện tập trong một tháng. Người Tân Bình, Thuận Hóa bắt được người Chiêm trốn sang, đem đến dâng nộp.

1131 Di Luân: tức cửa Ròn, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

1132 Tức cửa sông Nhật Lệ ở Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình.

Đinh Tỵ, (Long Khánh) năm thứ 5 (1377), (từ tháng 5 trở đi là Phế Đế năm Xương Phù thứ 1, Minh Hồng Vũ năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thi Nại1133 của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, đóng ở động Mang.

1133 Nguyên văn: "Thi Nại Hồn cảng khẩu", chữ "Hồn" có lẽ là thừa. Cửa Thi Nại nay là cảng Quy Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định.

Bồng Nga dựng [44a] trại bên ngoại thành Đồ Bàn1134, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nối dối là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn lại thành không, nên tiến quân gấp, đừng để lỡ cơ hội.

1134 Đồ Bàn: hay Chà Bàn, là kinh đô của nước Chiêm Thành hồi đó. Dấu vết của thành ngày nay vẫn còn ở Bình Định.

Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông1135, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân.

1135 Ngựa nê thông: ngựa lông sắc trắng, sắc đen chen nhau như màu bùn.

Đại tướng Đỗ Lễ can rằng:

"Nó đã chịu hàng, là muốn bảo toàn dất nước làm đầu. Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc bất đắc dĩ. Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói: ‘Lòng giặc khó lường’. Thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại".

Vua nói:

"Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp cho ta đó. Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân [44b] nói: ‘Dùng binh quý thần tốc’. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà".

Rồi sai lấy áo đàn bà mặc cho Lễ. Quân lính bèn nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn.

Giờ Tỵ, quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết. Bọn đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả. Giặc bắt sống được Ngự Câu vương, đem con gái gả cho1136. Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không đến cứu nên thoát chết. Lê Quý Ly đốc quân chở lương, nghe tin vua băng, bỏ trốn về nước.

1136 Theo CMCB 10, 41, thì Ngự Câu vương Húc đầu hàng giặc.

Ngày hôm ấy ở kinh sư, ban ngày mà trời tối om, chợ búa phải đốt đuốc để mua bán. Xe cũi chở Tử Bình về qua Thiên Trường, người ta lấy gạch ngói ném vào thuyền mà chửi hắn1137. Quân trở về, trị tội Tử Bình, tha cho hắn tội chết, phạt tội đồ làm lính. Trước đây, ngự sử đại phu Trương Đỗ (có sách chép là Xã) can vua rằng:

"Chiêm Thành chống lệnh, [45a] tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thuần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn".

1137 Theo CMCB 10, 41, thượng hoàng sai đem xe tù đi bắt Tử Bình. Khi về qua phủ Thiên Trường, người ta tranh nhau chửi hắn, lấy gạch ngói ném vào xe hắn.

Đỗ ba lần dâng sớ can vua không được, bèn treo mũ mà bỏ đi.

Đỗ là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn. khi còn nhỏ, có lần ông đi chơi Hồ Tây xem tướng quân tập bắn, nói đùa rằng: "Nghề này thì có khó gì?".

Tướng quân ngạc nhiên hỏi: "Mày có bắn trúng được không?".

Ông trả lời: "Xin thử xem". Rồi ông bắn ba phát trúng cả ba. Tướng quân rất kinh ngạc, muốn nuôi làm con, nhưng Đỗ coi khinh không theo. Sau ông bỏ nhà đi du học, thi đỗ tiến sĩ, rất nổi danh. Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gầy dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng nghèo mà trong sạch.

Đỗ người Phù Đái, huyện Đồng Lại1138, ngụ tại phường Nghi Tàm, Cơ Xá ở kinh thành, làm quan đến chức Ngự sử đài tư gián đình úy tự khanh trung đô phủ tổng quản rồi chết.

1138 Huyện Đồng Lại: sau là huyện Vĩnh Lại, tức là đất huyện Ninh Giang cũ, nay thuộc huyện ninh Giang tỉnh Hải Hưng và phần đất phía nam huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

[45b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là đã xứng đáng với chức vụ của mình, khi can thì nói tới ba lần, thế là đã dám chạm đến vua. Vậy mà ông không được vua nghe, thế là tâm trí nhà vua đã lẫn rồi! Người có ttrách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Đỗ đều đã hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lại hay lợi cho thân vua. Việc này có thể làm gương được.

Mùa hạ, tháng 5, ngày 13, thượng hoàng vì thấy vua chết vì nạn nước, mới lập con trưởng của vua là Kiến Đức đại vương Hiện nối nghiệp lên ngôi hoàng đế. (Vua) tự xưng là Giản Hoàng, đổi niên hiệu là Xương Phù năm thứ 1. Đại xá. Các quan dâng tôn hiệu là Hiến thiên thể đạo khâm minh nhân hiếu hoàng đế.

Tháng 6, ngày 11, Chiêm Thành vào cướp.

Đầu tiên thượng hoàng nghe tin giặc đến, sai trấn quốc tướng quân Cung Chính vương Sư Hiền giữ cửa biển Đại An. Giặc biết [ở đó] có phòng bị, mới từ cửa biển Thiên Phù1139 [46a] mà vào, rồi tiến thẳng đến kinh sư. Ngày 12, giặc lại dẫn quân về, ra cửa biển Đại An1140 bọ bão, chết đuối rất nhiều.

1139 CMCB 10 chép là cửa Trần Phù, tức cửa Thần Đầu trước kia.

1140 Nguyên văn: "… hoàn xuất Đại hải khẩu", thiếu chữ "An".

Mùa thu, tháng 9, sách phong con gái thượng hoàng là Thiên Huy công chúa Thục Mỹ làm hoàng hậu, hiệu là Quang Loan.

Chiêu hồn (của Duệ Tông) chôn ở Hy Lăng, miếu hiệu là Duệ Tông.

Sai Trần Đình Thám sang cáo phó với nước Minh, nói là Duệ Tông đi tuần biên giới bị chết đuối và báo tin lập vua nối ngôi. Người Minh từ chối, lấy cớ là có ba thứ chết không có lễ viếng là chết vì sợ, chết vì bị đè, chết đuối. Đình Thám cãi lại, cho là người Chiêm gây loạn quấy nhiễu biên cương, còn Duệ Tông có công chống nạn cứu dân sao lại không viếng. Bấy giờ vua Minh đang có âm mưu thôn tính nước ta, định lợi dụng sơ hở đó. Thái sư Lý Thiện Trường can rằng:

"Em chết vì nạn nước mà anh lập con của em lên, xem việc người như vậy, thì có thể biết được mệnh trời". Việc ấy bèn bỏ đi.

Đình Thám từ tiến sĩ thám hoa lang, trải làm trung thư thị lang, kiêm [46b] tri thẩm hình viện sự. Họ Hồ cướp nước, ông giả điếc, bị trung thừa là Đồng Thức hặc, phải giáng làm đồng giám tu quốc sử bí thư giám.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kẻ sĩ lúc bé đi học, là muốn biết những điều mình sẽ làm, lớn lên đi làm, là làm những điều mình đã học. Học ba trăm bài thơ trong Kinh Thi, đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua1141. Đình Thám được như vậy đó. Huống chi gặp thời buổi tiếm vị, cướp ngôi, lại biết tự giấu mình để tránh quyền vị, thì thực đáng gọi là kẻ sĩ, đáng coi là không phụ với học vấn của mình vậy!

1141 Lời của Khổng Tử trong "Luận ngữ".