Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 12 - Phần 4

Năm ấy, Hán mất nước1103.

1103 Hán: là quốc hiệu của Trần Hữu Lượng. Lượng đánh nhau với Chu Nguyên Chương ở hồ Phiên Dương, bị chết trận. Chu Nguyên Chương đến vây Vũ Xương, con của Lượng là Trần Lý đầu hàng.

Đinh Mùi, (Đại Trị) năm thứ 10 (1367), (Nguyên Chí Chính năm thứ 27). Mùa đông, tháng 12, lấy Minh tự Trần Thế hung làm Thống quân hành khiển đồng tri thượng thư tả ty sự, Đỗ Tử Bình làm phó, đi đánh Chiêm Thành.

Phong Cung Định Vương phủ làm Tả tướng quốc, gia phong Đại Vương.

Năm này nhà Nguyên mất.

[28a] Mậu Thân, (Đại Trị) năm thứ 11(1368), (Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Hồng Vũ năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, sao Chổi hiện ở khoảng sao Mão.

Tháng 2, Chiêm Thành sa Mục Bà Ma sang đòi lại đất biên giới Hóa Châu.

Tháng 3, làm hành lang dài suốt từ gác Nguyên Huyền đến tận cửa Đại triều phía Tây để tiện cho việc các quan vào chầu tránh nắng mưa.

Mùa hạ, tháng 4, Trần Thế Hưng đến Chiêm Động1104. Người Chiêm phục quân đánh trộm, quân ta tan vỡ. Thế Hưng bị giặc bắt, Tử Bình đem quân trở về.

1104 Đất Chiêm Động của nước Chiêm Thành bấy giờ là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Quế Sơn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay.

Minh Thái Tổ lên ngôi ở Kim Lăng, đặt niên hiệu là Hồng Vũ, sai Dịch Tế Dân sang thăm ta.

Mùa thu, tháng 8, sai Lễ bộ thị lang Đào Văn Đích sang Minh đáp lễ.

Mùa đông, tháng 10, cho mời đạo sĩ Huyền Vân ở núi Chí Linh đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Ban cho động của đạo sĩ tên là "Huyền Thanh động".

[28b] Kỷ Dậu, (Đại Trị) năm thứ 12 (1369), (Từ tháng 6 trở đi là Dương Nhật Lể, Đại Định năm thứ 1; Minh Hồng Vũ năm thứ 2). Mùa hạ, tháng năm, ngày mồng một, nhật thực.

Ngày 25, vua băng ở chính tẩm, miếu hiệu Dụ Tông.

Ngày vua sắp băng, vì không có con, xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối đại thống.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Dụ Tông bị ngã xuống nước mà bệnh1105, chẳng lẽ lại không biết là mình không có con hay sao? Nhật Lễ là đứa làm trò, chẳng lẽ lại không biết nó không phải là con của Dục hay sao? Huống chi các con của Minh Tông đều có tài nghệ cả, nếu nghĩ tới xã tắc làm trọng thì chọn người nào có tài đức lập làm thiên tử để làm yên lòng thiên hạ, như vậy gốc nước sẽ được vững bền. Đã không biết làm như thế, đến khi ốm nặng lại không bàn với thái hoàng tính kế vì xã tắc, lại xuống chiếu gọi Nhật Lễ vào nối đại thống để cho mình bị tuyệt tự, mà sau khi chết, còn vạ lây đến thái hoàng và thái tể1106 [29a]. Nếu không có Nghệ Hoàng và các vị tông thất khác thì quốc gia đã không còn là của họ Trần nữa rồi. Vua biết tôn trọng thầy dạy, nhưng lại không bàn việc nước với thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên để chỉ làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là "không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người" vậy.

1105 Dụ Tông chơi thuyền ở Hồ Tây, suýt chết đuối, được Trâu Canh chữa khỏi, nhưng bị chứng liệt dương (xem BK7, 10a).

1106 Thái hoàng chỉ thái hậu Hiến Từ, thái tể chỉ Nguyên Trác, làm thái tể dưới triều Nhật Lễ.

Tháng 6, ngày 10, mưa to, gió lớn.

Ngày 15, Hiến Từ Hoàng thái hậu sai người đón con thứ của cố Cung Túc Đại Vương Dục là Nhật Lễ lên ngôi. Đổi niên hiệu là Đại Định năm thứ 1.

Nhật Lễ là con người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi đóng trò có tên hiệu là Vương Mẫu (Trò có tích "Vương Mẫu hiến bàn đào ", Mẹ Nhật lễ đóng vai Vương Mẫu, nên lấy tên làm hiệu), đương có thai, Dục thấy nàng xinh đẹp, nên lấy làm vợ. Đến khi đẻ, Dục nhận làm con mình. Lúc này thái hậu bảo các quan rằng:

"Dục là con đích trưởng mà không được ngôi vua, lại [29b] sớm lìa đời. Nhật Lễ chẳng phải là con của Dục ư?".

Rồi đón Nhật Lễ lập làm vua. Truy phong cho Dục là Hoàng thái bá.

Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 4, Nhật lễ tôn Hiến Từ hoàng thái hậu làm Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu; Nghi Thánh hoàng hậu làm Huy Từ Tá Thánh hoàng thái hậu.

Lập con gái Cung Định Vương Phủ làm hoàng hậu.

Mùa đông, tháng 11, táng (Dụ Tông) ở Phụ Lăng1107.

1107 Phụ lăng: ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Nhà Minh sai Ngưu Lượng, Trương Dĩ Ninh sang tặng ấn vàng và sắc rồng, gặp lúc Dụ Tông từ trần, Lượng làm bài thơ viếng rằng:

Nam phục thương sinh điện chẩn an,

Long Biên khai quốc chống chư man.

Bao mao sạ hỷ song vương cống;

Giới lộ ninh kỳ biệt thứ quan,

Đan chiếu viễn ban kim ấn trọng;

Hàng trường tân bí ngọc y hàn.

Thương tâm tối thị thiên triều sứ,

Dục kiến vô do lệ mãn an.

(Dân cõi Nam xa được trị an,

Long Biên mở nước giữ trăm man.

Vừa mừng lễ vật sang dâng cống,

Đâu ngỡ bi ca bỏ các quan.

Chiếu đỏ xa ban kim ấn nặng,

Chén vàng mới đậy ngọc y hàn.

Sứ trời là kẻ đau lòng nhất,

Muốn gặp, còn đâu lệ ứa tràn).

Rồi Dĩ Ninh ốm chết, chỉ có Lượng trở về nước. Hữu tướng quốc Cung Định Vương Phủ làm [30a] bài thơ tiễn ông ta rằng:

An Nam tể tướng bất năng thi

Không bá trà âu tống khách quỳ,

Viên tản sơn thanh, Lô thủy bích,

Tùy phong trực nhập ngũ vân phi.

(An Nam tể tướng chẳng thơ hay,

Chỉ có bình trà tiễn khách đây.

Viên tản non xanh, Lô nước biếc,

Xin bay theo gió tới năm mây).

Lượng bảo Phủ ắt sẽ làm vua. Sau quả như lời ông ta nói.

Nhật Lễ phong Hữu tướng quốc Nguyên trác làm Thượng tướng quốc thái tể.

Tháng 12, ngày 14, Nhật Lễ giết Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu ở trong cung.

Thái hậu vốn người nhân hậu, có nhiều công lao giúp rập (họ Trần). Trước kia, khi Minh Tông còn ngự ở Bắc Cung, có tên gác cổng bắt được con cá bống trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm có ngậm vật gì, moi ra thì thấy có chữ, đó là bùa yểm, có ghi các tên Dục Tông, Cung Túc, Thiên Ninh (đều là các con đẻ của Hiến Từ). Tên gác cổng cầm lá bùa tâu lên vua. Minh Tông sợ lắm, truyền bắt hết các cung nhân, bà mụ, thị tỳ trong cung để tra hỏi.

Thái hậu thưa: "Khoan đã, sợ trong đó có kẻ bị oan, thiếp xin tự mình bí mật xét hỏi đã".

[30b] Minh Tông nghe theo. Thái hậu sai người hỏi tên gác cổng rằng: "Gần đây, phòng nào trong cung mua cá bống?". Tên gác cổng trả lời là thứ phi Triều Môn. Thái hậu nói cho Minh Tông biết. Minh Tông lập tức ra lệnh tra xét cho ra. Thái hậu tâu:

"Đây là việc trong cung, không nên để hở ra ngoài. Thứ phi Triều Môn là con gái của Cung Tĩnh Vương, nếu để hở ra thì Quan gia sẽ sinh hiềm khích với Thái úy. Thiếp xin ỉm việc này đi không xét hỏi nữa!".

Minh Tông khen bà là người hiền.

Đến khi Minh Tông băng, tướng quân Trần Tông Hoắc muốn tỏ ra trung thành với Dụ Tông, thêu dệt việc đó ra, làm Thiếu úy suýt nữa bị hại, nhờ Thái hoàng cố sức cứu đỡ mới thoát. Người bấy giờ ca ngợi bà là đã trọn đạo làm mẹ, tuy là phận con đích, con thứ không giống nhau, mà lòng nhân từ thì đối với con nào cũng thế, làm cho ân nghĩa vua tôi, anh em, cha con không một chút thiếu sót, từ xưa đến nay chưa có ai được như vậy. Người xưa có nói "Nghiêu Thuấn trong nữ giới"1108, Thái hậu được liệt vào hàng [31a] ấy. Bà từng hối tiếc về việc lập Nhật Lễ. Nhật Lễ ngấm ngầm đánh thuốc độc giết bà.

1108 Lời Tống Anh Tông ca ngợi Cao hoàng hậu nhà Tống, Nguyên văn: "Nữ trung nghiêu Thuấn".

Nghệ Tông Hoàng Đế

(Phụ: HÔN ĐỨC CÔNG DƯƠNG NHẬT LỄ, một năm)

Tên húy là Phủ, con thứ ba của Minh Tông.

Mẹ đích là Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu, mẹ đẻ là thứ phi họ Lê của Minh Tông, em gái cùng mẹ với Hiến Từ, do con gái của Nguyễn Thánh Huấn lấy một người họ Lê sinh ra.

Ở ngôi năm, nhường ngôi hai mươi bảy năm, thọ bảy mươi bốn tuổi.

Vua dẹp yên được tai nạn bên trong, khôi phục được cơ đồ to lớn. Công nghiệp lớn lao, sáng lòa vũ trụ. Song cung kính kiệm ước thì có thừa mà cương nghị, quyết đoán lại không đủ, bên ngoài thì quân giặc xâm phạm kinh kỳ, bên trong thì gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tắc suy mòn, rồi đến diệt vong.

Canh Tuất, (Thiệu Khánh) năm thứ 1 (1370), (từ tháng 10 trở về trước là Dương Nhật lễ, Đại Định năm thứ 2, Minh Hồng Vũ năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, vua Minh tự làm bài chúc văn, sai Diêm Nguyên Phục, đạo sĩ cung Triều Thiên, đem lễ trâu và lụa, đền tế thần núi Tản Viên và các thủy thần sông Lô.

Mùa hạ, tháng 4, Diêm Nguyên phục vào kinh đô nước ta, [31b] làm lễ tế xong, khắc bài văn vào đá ghi việc đó vào rồi từ biệt về nước.

Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi lại họ là Dương. Người tôn thất và các quan đều thất vọng.

Mùa thu, tháng 9, ngày 20, thái tể Nguyên Trác cùng con là Nguyên Tiết giết Nhật Lễ không được, bị giết.

Đêm hôm ấy, cha con Nguyên Trác và hai người con của công chúa Thiên Ninh1109 đem người tôn thất vào thành định giết Nhật lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật lễ vào cung, chia người đi bắt mười tám người chủ mưu. Bọn Nguyên Trác đều bị hại.

1109 Công chúa Thiên Ninh: là con gái Minh Tông do bà Hiến Tử sinh ra. Hai người con bà sử không nói rõ tên.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhật Lễ tiếm ngôi trời, là người tôn thất nhà Trần lẽ nào lại có thể điềm nhiên ngồi nhìn để cho xã tắc dời sang họ khác? Lúc [32a] Nhật Lễ đang có tội giết thái hậu, tiếc rằng các đại thần tôn thất không biết kể tội và giết đi, mà mưu chước vụng về, lại bị nó giết hại. Đáng thương thay.

Mùa đông, tháng 10, vua vì có con gái làm hoàng hậu (của Nhật Lễ), sợ vạ lây đến mình, tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên Vương Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại1110, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Khi ấy, Nhật Lễ chuyên dùng thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với vua. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, (Ngô Lang) đều bí mật bảo họ theo vua đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về, Ngô Lang cũng xin đi, Nhật Lễ không cho.

1110 Tức sông Lèn, một chi lưu của sông mã, tỉnh Thanh Hóa.

Trước đây, vua vốn không có ý định làm vua. Công chúa Thiên Ninh bảo:

"Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô [32b] dẹp nó cho!". Lúc ra đi, vua làm bài thơ gởi cho em là Kính rằng:

Vị cực sàm thân tiện thứ quan, Trắc thân, độ lĩnh, nhập sơn man. Thất lăng hồi thủ thiên hàng lệ, Vạn lý môn tâm lưỡng mấn ban, Khử Vũ đồ tồn Đường xã tắc, An Lưu phục để Hán y quan. Minh Tông sự nghiệm quân tu ký, Khôi phục thần kinh chỉ nhật hoàn. (Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ quan, Né thân, vượt núi, tới sơn man, Bảy lăng1111 ngoảnh lại châu tuôn chảy, Muôn dặm đau lòng, tóc bạc lan. Diệt Vũ, giữ gìn đường xã tắc, Phò Lưu lại thấy hán y quan. Minh Tông sự Nghiệp em nên nhớ, Thu phục thần kinh sắp khải hoàn.) Người bấy giờ cho bài thơ ấy là sấm.

1111 Bảy lăng: Là Chiêu Lăng chôn Thái Tông, Dụ Lăng chôn Thánh Tông, Đức Lăng chôn Nhân Tông, Thái Lăng chôn Anh Tông, Mục Lăng chôn Minh Tông, An Lăng chôn Hiến Tông, Phụ Lăng chôn Dụ Tông.

Khi vua chưa ra đi, chi hậu nội nhân phó chưởng là Nguyễn Nhân khuyên ngài: "Người ta muốn hại ông, sao ông không xem thời cơ mà hành động trước?". Đến khi vua lên ngôi lấy Nhiên làm hành khiển, thăng làm tả tham ty chính sự. Nhiên chữ nghĩa ít, khai phê giấy tờ, vua thường bảo vẽ các nét chữ đưa cho Nguyễn Nhiên xem.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Báo cho vua tai nạn là ơn riêng, ban tước cho người tai nạn giữa triều là việc công. Vua nhớ ơn của Nguyễn Nhiên, đền đáp bằng vàng, lụa thì được, cho làm hành khiển [33a] là chức quan trọng thì không được. Chức hành khiển đời bấy giờ cũng như "lục khanh" đời Chu, là các quan chức điều hành chính sự của đất nước, mà lại để cho người không biết chữ làm, thì không phải là lựa chọn vì việc công vậy.

Tháng 11, vua cùng Cung Tuyên (vương), Thiên Ninh (công chúa) đều dẫn quân về Kinh.

Ngày 13, (Vua) đến phủ Kiến Hưng1112 (tên cũ là Hiển Khánh, hạ Nhật Lễ làm Hôn Đức công).

1112 Phủ Kiến Hưng: đời Trần, là phủ Nghĩa Hưng thời Lê, nay là đất các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng và Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Ngày 15, (vua) lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá. (Vua) tự xưng là Nghĩa hoàng. Mọi công việc đều theo lệ cũ đời Khai Thái1113. Vua từng nói:

"Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo qui chế của nhà Tống, là vì nam Bắc, nước nào làm chủ đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị1114, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc… thật không kể xiết".

1113 Khai Thái: (1342 - 1329) là niên hiệu của Trần Minh Tông.

1114 Đại Trị: (1358 - 1369) là niên hiệu của Dụ Tông.

Bởi thế, chính sự buổi đầu đều theo đúng lệ cũ đời Khai Thái.

[33b] Hôm ấy, chính phi của vua là Huệ Ý phu Nhân mất ở sông Hổ1115 châu Trường Yên, phủ Kiến Hưng, được truy phong là Thục Đức hoàng hậu.

1115 Sông Hổ: Con sông ở huyện Yên Mỗ, nay thuộc huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Các quan dâng tôn hiệu là Thể khiên kiến cực thuần hiếu hoàng đế.

Khi (quân vua) tiến đến bến Chử Gia, tôn thất và các quan đón mừng đều hô "muôn năm", nhân đó gọi Chử Gia là xã Sơn Hô.

Ngày 21, xa giá tiến đến Đông Bộ Đầu, Ngô Lang xin Nhật Lễ mặc áo thường, nhường ngôi, xuống thuyền đón tiếp vua.

Vua bảo Nhật Lễ: "Không ngờ hôm nay sự thể đến nỗi này".

Sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu1116.

1116 Tức phường Hà Khẩu sau này, ở vào khoảng phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay.

Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn, nói dối rằng:

"Ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi đi lấy về đây".

Ngô Lang qùy xuống vâng lệnh. Nhật Lễ bóp cổ Ngô Lang đến chết. Cháu của Ngô Lang là Trần Thế Đỗ đem việc ấy tâu vua. Vua sai đánh chết Nhật Lễ và con hắn là Liễu, đem chôn ở núi Đại Mông.

Truy tặng Ngô Lang làm nhập tư nội mã, ban tên thụy là Trung Mẫn á vương.

[34a] Ngày 26 trị Trần Nhật Hạch về tội lật đổ xã tắc, Nhật Hạch đồng mưu với Nhật Lễ, khuyên hắn giết hại người tôn thất, nên bị giết.

Quốc tử giám tư nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu.

An (người Thanh Đàm)1117, tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào.

1117 Chu An hay Chu Văn An (1292 - 1370), quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Huyện Thanh Đàm đời Lê là huyện Thanh Trì ngày nay. Đời Lê trung hưng, vì kiêng húy Thế Tông là Đàm, mới đổi Thanh Đàm thành Thanh Trì.

Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học. Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền [34b] thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, (Dụ Tông) không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ".

Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo:

"Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?".

Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng. Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì.

Vua sai quân đến tế, ban tặng tên Thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu.

[35a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua (sáng) tôi (hiền) gặp nhau, từ xưa vẫn là rất khó.

Những nhà nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời1118, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần, có lẽ gần được như thế. Nhưng Hiến Thành gặp được vua (sáng suốt) cho nên công danh, sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua (anh minh) nên chính học của ông, đời sau mới thấy được. Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo [35b] nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu.

1118 Dịch thoát ý từ câu "hòa quang đồng trần", nguyên là câu "hòa kỳ quang, đồng kỳ trần" (hòa chung ánh sáng, cùng chung bụi bặm) trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử.