Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 3 - Phần 6

Tuổi đời và ngạch thuộc lại

Một cách tổng thể: tuổi trung bình của các lại viên đang làm việc năm 1896 là 37,2 đối với lại viên cấp tỉnh và 40,3 đối với các lại viên cấp phủ (huyện, châu). Khi mới vào làm 27 tuổi, họ trở thành thư lại và được ban tòng cửu phẩm sau năm năm thử thách.

Bảng 27 - Độ tuổi trung bình của các lại viên

Cấp

Phẩm trật

Chức vụ

Tuổi trung bình hiện thời

Tuổi trung bình khi nhận việc

Thời gian công tác

8a

Thư lại

44,2

39,2

5

8b

Thư lại

39,2

36,9

2,3

Tỉnh

9a

Thư lại

36,9

34,1

2,8

9b

Thư lại

34,1

32,2

2,1

Vị nhập lưu thư lại

32,2

27,1

5,1

Tổng cộng

37,3

33,9

3,4

Huyện

Lại mục

42,7

34,4

8

Thông lại

38,2

31,9

6,3

Tổng cộng

40,3

32,2

7,2

Như vậy một người bắt đầu được nhận việc vào làm vị nhập lưu thư lại phải mất mười ba năm mới leo lên bậc cao nhất là thư lại chánh bát phẩm. Chỉ có một số rất ít người trong số đó có thể trở thành thông phán hay kinh lịch. Do vậy thời gian công tác ở cấp này phải kéo dài hơn (năm năm).

Sau khi xem xét các điều kiện tuyển dụng của lại viên cấp tỉnh, hãy xem lại viên cấp huyện được tuyển dụng ra sao. Xem xét 120 lại mục ở vùng châu thổ và trung du cho thấy 41% nguyên là thông lại chuyển lên, 32,5% là từ thư lại tập sự, 12,5% là lại mục cũ và còn 9% là những nhân viên tuyển từng việc theo thời gian nhất định không có lương, gọi là hậu phái hay sai phái dưới quyền các quan tỉnh. Người ta cũng thấy một giám lâm các tỉnh thương, 1 nhà nho làm ở tư dinh quan tỉnh, 1 chánh tổng và 3 hậu phái, sai phái không lương của nha môn quan kinh lược. Phần lớn các lại mục là thông lại cũ chuyển lên. Nhưng tại sao chỉ có 12,5% trong số đó được bổ nhiệm lại mục. Có thể có hai cách giải thích: một là trong lý lịch của họ bỏ sót không nói đến chức vụ đầu tiên, hoặc là việc đưa lên lại mục là bổ nhiệm thẳng như một hình thức khen thưởng đặc biệt. Như trong đa số trường hợp, tiêu chí bổ nhiệm lại mục là trước đây có tham gia các đạo quân thảo phạt.

Nghiên cứu độ chênh lệch về tuổi đời quan và lại cũng thấy sáng tỏ thêm sự vận hành của bộ máy quan liêu. Năm 1896 tuổi đời trung bình các lại mục đều nhiều hơn chút ít (42,4 tuổi) so với tri huyện (41,5) và ít hơn đôi chút so với tri phủ (44,5). Còn thông lại nói chung trẻ hơn quan trên của họ. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu đó cần bổ sung bằng phân tích tuổi đời trung bình các lại viên theo từng huyện. Người ta thấy ở 6,6% các huyện, lại mục nhiều tuổi hơn quan tri phủ hay tri huyện. Trong 19 của tổng số 56 trường hợp được xem xét thì độ chênh lệch tuổi đó là 10. Hiếm có khi nào tuổi trung bình của các thông lại nhiều hơn tuổi trung bình của quan tri phủ (hay tri huyện). Tuy nhiên các con số đó không thể coi thường, trong 31% trường hợp được xem xét, quan trẻ hơn thông lại thuộc quyền. Những số liệu ấy chứng tỏ một lần nữa các thuộc lại có vai trò quan trọng mà một viên quan trẻ mới bước vào quan trường không thể xem thường cũng như không thể không hỏi đến những kinh nghiệm trong giải quyết công việc, trình độ hiểu biết hồ sơ, nguồn gốc vấn đề, nắm vững tình hình địa phương như ghi chép của Đặng Huy Trứ năm 1868[273]. Nhưng cũng có vấn đề đặt ra là những lại viên đó có thể phát huy ảnh hưởng quá lớn đối với quan đứng đầu địa hạt cai trị, một nguy cơ đã được nhiều đại quan cảnh báo từ đầu thế kỷ XIX.

[273] Đặng Huy Trứ, Từ thụ yếu quy, (1982), tr. 151. Độc giả nào muốn biết sự nghiệp đa dạng của vị quan này, người đã mở hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội có thể tham khảo công trình biên khảo của nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ, con người và tác phẩm, (1990).

Chúng ta hãy xem xét đến tuổi đời trung bình của các lại viên khi mà được nhận vào làm tính từ năm 1860 đến 1896 bất kể trong thời gian đó họ có thay đổi chức vụ hay không.

Hình 31 - Các lại viên làm việc từ 1860 đến 1896 và tuổi đời trung bình khi mới được tuyển dụng.

Nhìn rộng ra việc tuyển dụng các thuộc lại có tính đến nhân thân của họ không? 84% trong số họ được tuyển lần đầu sau 1880. Như vậy họ là những người mới so với các quan. Thuộc lại không có gì gắn với quá khứ, họ vừa trẻ lại vừa mới được tuyển không lâu. “Sự nghiệp” của lại viên với triển vọng rất hạn hẹp, chỉ diễn ra trên một hoặc cùng lắm là hai địa hạt. Ngược lại với các quan, tính cơ động về mặt địa lý quan trọng hơn nhiều, vì việc thăng quan tiến chức nhanh hay chậm cũng tùy thuộc vào việc trị nhậm tại nhiều địa bàn khác nhau.

Bộ máy quan lại ở miền thượng du

Năm 1896 tức trên mười năm sau cuộc chinh phục của Pháp, trong bộ máy cai trị ở miền thượng du Bắc Kỳ số quan lại gốc địa phương rất cao là đặc điểm hành chính ở các cấp tỉnh, châu, phủ, huyện. Tại các tỉnh biên giới phía bắc 62% các quan tỉnh là người tỉnh nguyên quán (Lạng Sơn 68%, Cao Bằng 68% và Tuyên Quang 50%) trong khi ở miền châu thổ và trung du, quan người địa phương chỉ có 19%. Đối với lại viên, trung bình là 60% ở miền thượng du (Cao Bằng 74%, Lạng Sơn 70% và Tuyên Quang 37%), so với 26% ở các tỉnh châu thổ (không kể Hà Nội là ngoại lệ) và miền trung du.

Châu sinh quán và châu được bổ nhiệm có quan hệ gì với nhau? Nói cách khác, tỉ lệ lại viên người bản quán làm việc tại châu là như thế nào (lại mục, thông lại)? Có vẻ như tương đối kém. Trong 11,7% trường hợp ở Tuyên Quang, 13,9% trường hợp ở Cao Bằng và 29,8% ở Lạng Sơn mới có sự đồng nhất giữa châu sinh quán và nơi làm việc. Ngược lại các quan quản hạt (tri châu, tri huyện, tri phủ) và bang tá gốc địa phương chiếm tỷ lệ khá cao (58%) so với các phủ huyện trung du và châu thổ.

Có châu nào được tuyển dụng nhiều người làm thuộc lại không? Lấy 32 trường hợp thuộc lại được làm việc tại tỉnh nhà là Cao Bằng, thì 56% trong số họ là người gốc châu Thạch Lâm. Tại đây 58% thuộc lại ở châu và 50% thuộc lại ở tỉnh đều làm việc ngay trong tỉnh nhà. Trường hợp Thạch Lâm ở Cao Bằng rất giống với Yên Hưng ở Quảng Yên, Yên Khánh ở Ninh Bình và Thanh Trì ở Hà Nội[274]. Thạch Lâm ở sát tỉnh lỵ nên tuyển thuộc lại nhiều ở đây cũng có lý do của nó: châu này có nhiều người đã đi làm thuộc lại thì dễ mách bảo thông tin cho nhau nên tuyển càng dễ. Đó cũng là lý do vì sao có tới 40% các quan tri châu gốc Thạch Lâm làm việc tại Cao Bằng.

[274] Xem phần trên.

Nhưng đó chỉ là kết quả dựa trên nghiên cứu chức vụ đương nhiệm năm 1896. Cần phải xét đến toàn bộ quá trình làm quan của họ. Rõ ràng là tất cả các quan đi trọn con đường hoạn lộ của mình ngay trong tỉnh họ đang trọng nhậm đến năm 1896. Hơn thế, có ba quan người Tày thuộc về một dòng họ đã bám rễ rất lâu đời trong các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Nghiên cứu ba dòng họ cho thấy họ đã thường xuyên có vai trò lớn trong bộ máy phòng thủ biên giới với Trung Hoa sau những thời kỳ đoạn tuyệt liên tiếp về chính trị.

Nông Hùng Tân, tri phủ Tương Uyên sinh ra ở xã Gia Lạc, tổng Nam Quang, phủ Tương Yên, tỉnh Cao Bằng vốn là dòng dõi các thổ ty đã cai quản châu Bảo Lạc ít nhất là từ thế kỷ XI[275]. Uy thế họ Nông đã được xây dựng từ những nền tảng kinh tế và chính trị nào? Thứ nhất, cứ liệu trước thế kỷ XVII không có nhiều lắm. Marini cho biết ở Bảo Lạc lúc này đã có mỏ bạc và Baron đã nhìn thấy nơi sản xuất xạ hương và vận chuyển sang Trung Quốc[276]. Người Tày là những môi giới bắt buộc vì khí hậu vùng này rất độc.

[275] Thời kỳ đầu đi làm quan trong ANV-KL 2517, tờ 50.

[276] Marini G.F., Histoire novvelle et cvrievse des royaumes de Tvnqvin et de Lao…, sđd, tr.44. Baron S. Description du royaume duTonkin, tr. 18.

Cuối năm ngoái, Dominique Trạch một linh mục người Bắc Kỳ đã cùng với các thày bổn đi công cán trong vương quốc Bau (Bảo Lạc) lâu nay phải triều cống Bắc Kỳ (…). Xứ này có nhiều rừng, dày, núi non hiểm trở […]. Đây là nơi lam chướng và nước rất độc. Chỉ có dân sinh ra ở đây và cư trú tại chỗ là khỏe mạnh[277].

[277] Trích Journal de la mission du Tonkin, 1694, tập 657, tờ 159, trong Launay A., Histoire de la mission du Tonkin - Documents historiques, 1655-1717, (2000), tr.467-468.

Đó là điều mà các vị thừa sai của Hội truyền giáo hải ngoại đã viết năm 1694. Cuối đời Lê, họ Nông là đồng minh vững chắc của vương triều. Như năm 1787, Nông Văn Bật điều quân đến Thái Nguyên ứng cứu hoàng tử Duy Kỳ em út vua Lê Chiêu Thống. Nhưng năm 1833, Nông Văn Vân, cụ nội của Nông Hùng Tân, đã phá vỡ liên minh dựng cờ chống lại Triều đình. Thành công của cuộc đàn áp đã tạo cho Triều đình ảo tưởng về thắng lợi. Chính sách của vua Minh Mạng không thành công ở Bảo Lạc cũng như ở Lạng Sơn và Cao Bằng, họ Nông vẫn duy trì được uy thế ở đây. Nông Hùng Thác con của Nông Văn Vân tiếp tục cai quản vùng Bảo Lạc như cũ với chức tước “ông phòng” và dân chúng người Tày, nạn nhân của nạn giặc Cờ Trắng (người H’mông) năm 1862, rồi những vụ tống tiền của giặc cỏ Trung Hoa, phải nhờ vào sự che chở của Nông Hùng Thác và các con Nông Hùng Phúc và Nông Hùng Ơn. Sự có mặt của những nhóm giặc cỏ ở phía bắc Đại Nam cần được giải thích thêm. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Thái bình Thiên quốc năm 1864, những người sống sót vũ trang đầy đủ đã tràn qua biên giới Trung-Việt và tự bọn họ cũng đánh lẫn nhau để giành ưu thế. Nhóm có tên tuổi nhất là nhóm Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị.

Vua Tự Đức nhận rõ sai lầm của các bậc tiên đế nên đã đưa họ Nông vào bộ máy cai trị vùng biên giới. Triều đình ban chức tri phủ Tương Yên cho Nông Hùng Ơn rồi Nông Hùng Phúc thay cho các lưu quan người Việt. Nông Hùng Phúc xích mích với Lưu Văn Dương người Hoa được Tôn Thất Thuyết đưa lên làm bố chính Tuyên Quang. Đến 1886, Nông Hùng Phúc tự tử sau khi bị Dương bắt. Nông Hùng Tân lên thay Phúc tiếp tục làm tri phủ Tương Yên[278].

[278] Bonifacy, ALM., “Nông Hùng Tân”, L’avenir du Tonkin, ngày 25/4/1914, tr.1, 22-23/5/1914, tr. 1.

Một dòng họ Tày khác, Ma Doãn quê ở tổng Thổ Bình, châu Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang cũng có người làm trong bộ máy cai trị, như năm 1896 Ma Doãn Miễn làm tri châu Chiêm Hóa, và Ma Doãn Thiện làm bang tá cũng ở cùng châu. Họ Ma Doãn được thu thuế ở mỏ đồng Tụ Long và thuế tuần ty ở Bình Kinh và Đãi Man. Hình như dòng họ này được quyền khai thác mỏ từ 1802. Thật vậy, năm đó một người là Ma Doãn Viễn cũng được quyền thu thuế mỏ ở Tuyên Quang và Hưng Hóa[279].

[279] Thông tin do quan tri châu Chiêm Hóa cung cấp cho Bonifacy năm 1922. Ông nói rõ thêm rằng trong cuộc bạo loạn của bọn Cờ trắng năm 1862, cửa biên giới Đãi Man đã bị phá hủy và gia đình ông mất đặc quyền ấy. Xem Đặng Xuân Bảng, Tuyên Quang tỉnh phú trong “La province de Tuyên Quang”, Revue Indochinoise, XXV (1922), chú thích 14-15, tr. 187.

Dòng họ Vi cũng đưa ra thí dụ cuối cùng về những gia đình có công giữ gìn biên cương. Vi Văn Lý, tuần phủ Lạng Bằng năm 1896 quê thôn Lộc Mã, xã Khuất Xá tổng Khuất Xá, châu Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, xuất thân từ một trong bảy họ lớn (gọi là Thất tộc) Tày, làm thổ ty từ nhiều đời. Đó là những đại địa chủ rất có ảnh hưởng và rất đoàn kết với nhau trong vùng. Nếu lúc sinh thời Vi Văn Lý không thành công trong việc xây dựng cơ đồ thì đến đời con trai là Vi Văn Định có một tài liệu để lại chưa từng công bố đã miêu tả những tài sản của Vi Văn Định khi chia gia tài cho sáu con trai[280]. Gia sản của họ Vi chắc chắn tăng lên sau khi Vi Văn Lý chết đến năm 1940 nhưng đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy cho biết giá trị tài sản đất đai của họ Vi ở Lạng Sơn.

[280] Giấy chia gia tài của cụ lớn cố (16-6-1940). Xem phụ lục 7.

Chắc chắn là dòng họ Vi đã thất thế từ sau 1829, nhưng sự sa sút này chỉ kéo dài ít lâu vì đến cuối đời Minh Mạng, cha Lý là Vi Thế Tuấn đã được bổ làm tri châu Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn, ông giữ chức này đến 1854. Con trai là Vi Văn Lý được bảy họ tộc ở Lạng Sơn bầu làm thiên hộ, hẳn đã giữ một vai trò quyết định trong việc phòng thủ biên cương chống lại những xâm nhập của Trung Hoa. Ông không những phòng thủ địa giới tỉnh mình (châu Lộc Bình, huyện Yên Bác), mà còn đem quân giúp Cao Bằng (châu Thoát Lãng và Văn Uyên), Quảng Yên và Thái Nguyên.

Ảnh hưởng của Vi Văn Lý và công trạng đánh lui giặc giã Trung Hoa trong những năm 1853, 1854, và 1859 đã khiến các quan tỉnh phải dựa vào ông để cai trị yên ổn trong vùng. Chúng ta hãy vẽ lại các giai đoạn của việc thu phục các thủ lĩnh người dân tộc ở vùng biên giới. Tuần phủ Lạng Bằng là Bùi Huy Phan lo lắng thấy công sự phòng thủ biên giới ở các phủ Trường Định, Trường Khánh (Lộc Bình trực thuộc Trường Khánh) không bảo đảm như không có thành lũy đồn binh nên năm 1860 đã đề nghị Triều đình chọn thiên hộ, bá hộ, cai và phó tổng trong phủ, sức cho họ mộ dân tráng mỗi phủ năm mươi người, và cấp bằng cho họ làm đội trưởng, đốc suất lính mộ đóng giữ thành phủ[281]. Nhà Vua chuẩn y[282] và Vi Văn Lý đã được ân hưởng chính sách khen thưởng này. Tỉnh thần Lạng Bằng cấp bằng “quyền sung chánh đội trưởng suất đội” cho ông. Năm đó ông mộ quân đóng giữ đồn Trĩ Mã[283]. Hai năm sau, trong việc lấy thành Cao Bằng, ông tập hợp được năm trăm quân góp phần chiếm lại pháo đài dưới quyền của tuần phủ Lạng Bằng[284]. Năm 1863 ông được phong đại chánh đội trưởng suất đội thực thụ. Một dịp biểu lộ sức mạnh của ông là năm 1876 ông quyên cho quân đội của tỉnh hai trăm hộc thóc tương đương với năm trăm sáu mươi quan tiền[285].

[281] Thiên hộ (nghìn gia đình) và bá hộ (100 gia đình) là những phẩm hàm ban cho chức dịch trong làng.

[282] Sớ tháng 1/1861. TL, kỷ IV, q.23, t.29, tr. 168-169.

[283] ANV-KL 2515, tờ 2.

[284] Như trên, tờ 3. TL, kỷ IV, q.27, t.29, tr.328.

[285] ANV-KL 2515 tờ 3. TL, kỷ IV, q.56, t.33, tr.351.

Chắc là công sức đóng góp quân sự nhiều mặt của Vi Văn Lý đã đưa đến hai đạo chỉ dụ của Triều đình năm 1880, khuyến khích toàn thể các thổ ty, các tỉnh Hưng Hoá, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng mộ thêm quân lính[286]. Vi Văn Lý được ban thưởng rất hậu, hai mươi bốn mề đay trên khắc những dòng chữ đề cao lòng can đảm của ông giữa 1853 và 1862: mười lăm ngân tiền trên khắc chữ “Sử dân phú thọ”, tám phi long đại hạng ngân tiền, một ngân bài trên khắc chữ “Thưởng công”. Ông được bổ tri huyện Yên Bác (1865), tri phủ Trường Khánh (1869) rồi trở lại Yên Bác làm tri huyện (6-11/1874), tri huyện Văn Quan (tháng 11/1874) rồi tri phủ Trường Khánh lần thứ hai (1-6/1878). Tháng giêng năm 1879 ông được bổ bang tá tỉnh vụ và năm 1883 được ban tước hàm thị giảng học sĩ tòng tứ phẩm.

Đường hoạn lộ của ông tiếp tục rộng mở khi Pháp tiến hành chinh phục Việt Nam. Ông phục vụ dưới trướng đại tá Servère và ông này đã đề nghị Triều đình bổ nhiệm ông là quyền bố chính tỉnh tháng 4/1886 lấp vào chỗ khuyết quan chức ở Lạng Sơn từ sau đại bại trước quân Thanh một năm trước đó (1885). Sau vụ bắt được Cai Kinh, ông được quân nhân Pháp đánh giá cao tài năng quân sự, tháng 3/1887 được thăng lên tuần phủ Lạng Bằng. Là nạn nhân của sự tranh chấp giữa các quan văn ta và quan võ Pháp ông bị loại khỏi bộ máy chính quyền năm 1888, nhưng sáu năm sau ông lại trở lại quan trường. Thực tế trong sáu năm nghỉ việc quan đó ông vẫn nắm thực quyền ở địa phương.

[286] TL, kỷ IV, q.63-64, t.34, tr.302, 365-366.

Nghiên cứu trường hợp của Vi Văn Lý thấy rõ vai trò bảo vệ biên cương của dòng họ ông dưới triều Nguyễn vào đầu thời kỳ thuộc địa, tuy nhiên cũng cần bổ sung thêm. Nếu muốn hiểu rõ thêm thẩm quyền của ưu thế họ Vi thì phải đẩy cuộc nghiên cứu xa hơn về tình hình trước đó. Điều này có thể dẫn đến đảo ngược hoàn toàn quan điểm. Cách giải thích kinh điển lịch sử biên giới chỉ thuần túy là một quá trình hòa nhập các dòng tộc không phải là người Kinh vào chính quyền của Triều đình trung ương thì không đúng lắm với trường hợp Lạng Sơn. Nghiên cứu phả hệ của bảy dòng họ lớn của tỉnh Lạng Sơn cho thấy họ đã bám rễ vào đất này từ lâu đời và diễn ra một quá trình hội nhập chậm chạp, nếu không phải là sự đồng hóa người Kinh của một tộc thiểu số là người Tày[287]. Thế nhưng khác với việc người Kinh đồng hóa các tộc thiểu số, thì quá trình đảo ngược – “Kinh già hóa Thổ”[288] - hãy còn chưa được biết đến nhiều.

[287] Nguồn: Lạng Sơn thổ ty sự tích - Nội tự thất tộc lược sử; Những cuộc biến loạn ở Lạng Sơn và Cao Bằng từ 1850 đến 1921; Vi gia thế phả kỷ.

[288] Cụm từ này do người Tày ở huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng dùng. Theo Đàm Thị Uyên, Huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) từ khi thành lập đến giữa thế kỷ XIX, (2000), tr.38. Xin cảm ơn Nguyễn Danh Phiệt đã cho biết có công trình này.

Ảnh 4 - Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Lý và con là Vi Văn Định khi còn trẻ.

Thành phần hợp thành của dòng họ lớn nhất trong bảy thổ ty chắc chắn là đã biến dạng với thời gian và tùy thuộc vào ảnh hưởng qua lại của họ. Giữa thế kỷ XIX đó là những người đứng đầu bảy dòng họ lớn nhất đã có vai trò nổi trội nhất. Chúng ta nhớ lại rằng họ đã bầu Vi Văn Lý[289].

[289] Những cuộc biến loạn ở Lạng Sơn…, sđd, tr. 1-2.

Rõ ràng việc hình thành bảy họ lớn ở Lạng Sơn đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XV. Phần lớn họ xuất thân ở Nghệ An, tổ tiên của họ đã có vai trò chủ yếu trong việc lập nên nhà Hậu Lê. Họ đã ủng hộ nghĩa quân Lê Lợi từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418 và cung cấp lực lượng cho quân khởi nghĩa. Phụ trách tác chiến trong các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, họ được Vua đầu Triều ban thưởng như phong cấp đất đai, ban chức tước phẩm hàm cha truyền con nối. Sự liên minh với Lê Lợi xác nhận mối quan hệ xa xưa với chính quyền vương triều trung ương: một đại thần - chi thứ hai có một vị thượng thư đầu tiên dưới đời Trần Thái Tông (1251-1258), vua khai sáng triều Trần - nhiều quan võ đi đánh Chiêm Thành dưới đời Lý (chi thứ tám) hay đời Trần (Vi Kim Kính chi thứ nhất), các sứ thần tham gia các sứ bộ đi Trung Hoa (chi thứ tám).

Bảng 28 - Các dòng họ lớn ở Lạng Sơn

Số thứ tự

Dòng họ

Tỉnh

Huyện

1

Vi

Nghệ An

Đông Thành

Vạn Phần

2

Nguyễn Đình (1)

Nghệ An

?

Đức Quang

3

NamĐịnh

Giao Thủy

?

4

Nông

Sầm Châu

?

5

Hoàng Đình

Nghệ An

?

?

6

Nguyễn Công

Nghệ An

Thiên Lộc

?

7

Nguyễn Khắc

?

?

?

8

Hoàng Đức

Nghệ An

?

?

9

Nguyễn Đình (2)

Nghệ An

Thiên Lộc

?

Giải thích như thế nào phương thức cai trị của chính quyền trung ương dựa vào các thủ lĩnh địa phương. Nếu vấn đề này ngay từ đầu chúng tôi không có ý định đi sâu vào chi tiết để phân tích chính sách của chính quyền vương triều trung ương rồi của chính quyền thuộc địa từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, tuy nhiên do đối chiếu so sánh nhiều nguồn cứ liệu (biên niên sử, phả hệ, bi ký) cũng cho phép làm sáng tỏ sức mạnh tương ứng của các dòng họ ấy. Rõ ràng là việc cai trị dân địa phương giao cho các nhà cầm quyền theo tập quán địa phương là hình mẫu nổi trội ở các vùng biên giới Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Chính sách ổn định chính trị trên các vùng chiến lược làm nền tảng là chính sách “ít tốn kém” mà vẫn bảo vệ được lợi ích kinh tế của quốc gia (xạ hương Bảo Lạc, đồng Tụ Long). Đó là ba lý do để biện hộ cho chính sách ưu tiên đó.

Việc duy trì ổn định chính trị trong các vùng chiến lược là mấu chốt đối với chính quyền trung ương. Vậy liên minh hòa hợp với các đương cục địa phương[290] có tầm quan trọng lớn nhất. Đó là cái giá phải trả để có hòa bình với Trung Hoa. Ngược lại mất ổn định ở các quyền lực ngoại vi, kết quả của sự thay đổi, không còn phục tùng chính quyền trung ương nữa tất phải dẫn đến xung đột giữa hai nước. Nghiên cứu phả hệ họ Nông và họ Vi sẽ dẫn đến chứng minh rằng những nỗi lo sợ của các vua Việt Nam không phải là không có căn cứ: xu hướng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Triều đình của Nông Trí Cao, tổ tiên của Nông Hùng Tân, năm 1041, chứng tỏ rằng sự trung thành của dòng họ này với các triều vua Việt Nam không phải đã vĩnh viễn giải quyết xong. Điều này càng cần thiết với Triều đình khi tính hiệu lực về quân sự của dân chúng địa phương lớn hơn người Kinh rất nhiều, vì người Kinh thường không thông thạo địa hình bằng người sở tại. Nói một cách khác, chính tính mong manh của các phên giậu bảo vệ các tỉnh Châu thổ chống sự xâm nhập của Trung Hoa đang bị thử thách. Về phương diện này, sự tương đồng giữa “chính sách các chủng tộc” của Gallieni với chính sách của Triều đình là hiển nhiên. Nhà cầm quyền quân sự không những giao cho các thủ lĩnh người Tày các tỉnh Lạng Sơn và Tuyên Quang mà còn giao cho họ Đèo người Thái miền Tây Bắc Kỳ quyền tự do cai quản phần biên giới giữa Điện Biên và Phong Thổ. Sự đồng nhất với chính sách nhà Nguyễn không có gì đáng ngạc nhiên, vì do tình hình yếu kém của các phương tiện quân sự Pháp trong giai đoạn đầu của cuộc chinh phục.

[290] Nguyễn Thế Anh “La frontière sino-annamite du XIe au XVIIesiècle” (Biên giới Trung-Việt thế kỷ XI đến XVII), dẫn trong Lafont P.B (chủ biên), Les frontières du Vietnam. Histoire des frontières de la péninsule indochinoise, (1989), tr.69.

Nhà nước thuộc địa cũng như Triều đình phong kiến phải được điều hành theo cách tiết kiệm ở các vùng biên giới phía bắc cũng phải tiết kiệm hơn các tỉnh vùng châu thổ và trung du. Giới hạn bởi sự nghèo nàn phương tiện, các quân nhân Pháp phải dựa vào các thuộc hạ của các thủ lĩnh địa phương để tổ chức chính quyền ở các vùng biên giới[291].

[291] Trường hợp của Vi Văn Lý có nhiều sức thuyết phục. Trong số đề nghị bổ nhiệm vào bộ máy chính quyền đưa ra năm 1887, nhà đương cục Pháp chỉ chuẩn y có 52 (có nghĩa là chỉ huy đạo quan binh, rồi thống sứ Bắc Kỳ).ANV-RST 31621, hồ sơ hành trạng của Vi Văn Lý.

Phạm vi khảo sát điều tra về vấn đề này của người Pháp là rất rộng như năm 1891, Pavie đã gửi về Bộ ngoại giao những đoạn trích trong một văn kiện Trung Quốc về việc cai trị vùng biên giới, nhan đề Ethnographie des peuples étrangers à la Chine (Tứ Duệ) trích trong Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm (1254-1325)[292] được Hervey de Sant Denys dịch sang tiếng Pháp và xuất bản gần 10 năm trước. Cuốn sách đã nêu thí dụ về Lưu Chương (223-263) vị vua cuối cùng của nhà Thục-Hán ngắn ngủi đã thống trị Tứ Xuyên, khôi phục trật tự trong các vùng có các dân tộc ít người ở bằng cách giao cho thủ lĩnh địa phương đứng đầu các bộ máy chính quyền ở các vùng. Đây là giải pháp tiết kiệm và hữu hiệu và đã tạo nên sự ổn định chính trị cả vùng này[293].

[292] Văn hiến thông khảo, q. 324-348.

[293] “Giao bọn dã man cho bọn chúng xử lý với nhau dưới quyền thủ lĩnh của họ, tôi thoát khỏi nhiều trách nhiệm nặng nề và tôi củng cố liên minh thành thật mới được thiết lập”, trích dẫn trong thư 28/9/1891 của Pavie gửi bộ ngoại giao Pháp, trong Fourniau, Ch., Les contacts franco-vietnamiens en Annam et au Tonkin 1885-1886, (1983), tr. 1962.

Đối với châu thổ sông Hồng cũng như đối với các tỉnh biên giới với Trung Hoa, sự kế tục xã hội học của bộ máy quan liêu đã thắng thế. Có sự đoạn tuyệt rõ rệt giữa các quan và lại mà phạm vi chỉ giới hạn ở làng xã. Tuy số lượng không nhiều địa vị thấp kém trong cấu trúc, số thuộc lại có vai trò bản lề giữa nhà nước và chính quyền cấp xã. Tuy nhiên quan tri huyện không phải vì thế mà tách khỏi thực tế địa bàn. Tuy ít tuổi hơn, ít gắn với quê hương hơn trong công việc cai trị dân nhưng quan huyện hàng ngày tiếp xúc với công việc. Còn quan tỉnh thì phần lớn có kinh nghiệm phong phú về cai trị. Đó là ba yếu tố quyết định chất lượng của bộ máy cai trị cấp tỉnh và địa phương. Tuy nhiên sự phát triển của hệ thống tay chân người nhà và một sự quân sự hóa nào đó đã bắt đầu. Điều này dẫn đến phải nghiên cứu về chiến lược quan trường của họ.