Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 5 - Phần 2

Ba thí dụ trên nhằm chứng minh rằng công việc phục vụ nhà nước và tận tâm với việc công là vượt lên trên lòng trung quân. Nói một cách khác, lòng trung quân trong tâm trí các nhà nho làm quan của Việt Nam đã được vận dụng một cách rất mới mẻ vào việc quản lý công việc công hơn là gắn chặt với cá nhân ông vua hay một triều đại. Trong nho giáo, việc từ quan không đồng nghĩa với dửng dưng với việc công. Trái lại, nếu thầy Khổng khâm phục việc từ quan như biểu hiện lòng trung thành với các ý tưởng đạo đức đó chỉ là điều bất đắc dĩ. Công việc nhà nước là con đường bình thường đối với một người quân tử[406]. Như Nguyễn Trãi từ khi về ẩn dật tại Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc về am Bạch Vân, tiếp tục góp ý kiến tư vấn cho nhà vua.

[406] Holzmann, M., “Le désengagement hors du politique: quelques notes sur l’évolution de la conception de la ‘retraite’ (Yinyi) dans la Chine ancienne et médiévale”, Extrême-Orient-Extrême-Occident, 4, (1984), tr.45.

Những nhận xét trên đây có thể soi sáng động cơ của các quan Việt Nam gần mười năm sau cuộc chinh phục Bắc Kỳ của người Pháp. Thay vì mô hình mang tính ý thức hệ “Kháng chiến” hay “hợp tác”, chúng tôi đã cố gắng phân tích khách quan các nguồn tư liệu để đưa đến việc phân chia làm ba thái độ của các quan thời bấy giờ. Việc từ quan kèm theo một lập trường chờ thời, bỏ hết chức vụ để tham gia phong trào Cần Vương và cuối cùng ở lại chức vụ. Tại sao có một bộ phận vẫn ở lại sau 1884 và một số nhà khoa bảng vẫn đi làm quan trong khoảng thời gian 1884-1896. Nên hiểu động cơ của bộ phận thứ ba này như thế nào? Tìm hiểu tâm lý họ là một thách thức thật sự đối với nhà sử học. Tìm hiểu trong văn hóa chính trị của họ những yếu tố giải thích bằng cách lấy sự thuần nhất của nền văn hóa đó làm giả thiết hơn là lấy những bằng chứng hiếm hoi để suy rộng ra đối với toàn bộ các quan lúc đó. Cần phải nhắc lại rằng đa số các quan chức, các nhà khoa bảng đều được hun đúc trong văn hóa nho giáo. Các công trình nghiên cứu lịch sử đôi khi khẳng định như để tự tha thứ cho mình - là các quan người Việt đã “nhẫn nhục” chấp nhận hợp tác với nhà cầm quyền Pháp. Có thể bác bỏ cách giải thích này bằng cách coi trọng những chủ bài của bộ máy quan lại Việt Nam, phân tích thái độ “hợp tác” của họ như một thái độ “tùy thời” thông minh tức là phù hợp với bối cảnh chính trị xã hội mới của giữa thập kỷ 1890. Chắc hẳn công cuộc “bình định” đã hoàn thành và mọi hành động vũ trang chống lại người Pháp chứng tỏ là vô ích. Sự có mặt của họ ở Bắc Kỳ là không thể tránh được. Tuy phong trào Cần Vương thất bại, thì nó đã ngăn cản việc sáp nhập hoàn toàn Bắc Kỳ[407]. Lúc đó, các nhà cầm quyền thuộc địa không thể tránh được một cuộc đối thoại với tầng lớp trên của giới quan lại Việt Nam không những đỗ đạt cao mà còn có “kinh nghiệm cai trị” không thể coi thường[408]. Dưới quyền các quan phụ chánh Nguyễn Trọng Hơp và Hoàng Kế Viêm, các quan chức này chỉ có vị thế trung gian giữa một sự hợp tác nhục nhã và cuộc nổi dậy vũ trang không thể chấp nhận được đối với nhà cầm quyền thuộc địa. Đấu tranh trong 10 năm chống chính sách sáp nhập của nước Pháp, bị nghi ngờ dưới con mắt của một bộ phận dư luận thuộc địa[409], họ thừa nhận công với Jean Louis de Lanessan, toàn quyền Đông Dương, sự cần thiết phải hợp tác trong khuôn khổ chế độ bảo hộ. Đó chắc chắn là chìa khóa của sự có mặt trong bộ máy quan lại Việt Nam giữa những năm 1890, các con của các quan chức trong quá trình chinh phục đã tỏ ra là những đối thủ không chịu khuất phục. Đó là trường hợp của hai người con trai của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Hoan, tri phủ Thường Tín và Nguyễn Điềm, hậu bổ tại nha kinh lược[410]. Tương tự như vậy có Nguyễn Hữu Lệ con trai thứ tư của Nguyễn Bá Nghi một trong những người kiên quyết nhất của phe chủ chiến chống xâm lược Pháp dưới triều Tự Đức. Lệ cũng là tri huyện giữa những năm từ 1890 đến 1903[411].

[407] Brocheux. P, Hémery D, Indochine, la colonisation ambigue…,sđd, tr.79.

[408] Theo cách nói của Max Weber. Weber, M., Economie et Société,sđd, t.1, tr.310.

[409] Albert Pouvourville, nhà báo có uy tín khẳng định điều này không úp mở: “Quan phụ chánh Nguyễn Trọng Hợp, đối thủ ra mặt nhất của chúng ta”. Mặt Giời (Albert Pouvourville), Le Tonkin actuel, 1887-1890, (1891), tr.73.

[410] ANV-RST 14603, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Điềm.

[411] ANV-RST 34745, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Lệ.

Động lực của tính liên tục đó là ý thức trách nhiệm đối với xã hội, đối với các quan chức cao cấp của Việt Namcuối thế kỷ XIX cũng như ở thế kỷ XV và XVI là một yếu tố chủ yếu trong văn hóa chính trị của họ. Vì vậy họ bào chữa cho thái độ hợp tác của họ với nhà cầm quyền thuộc địa cốt để duy trì một nền cai trị thực sự phục vụ đất nước. Lập trường nổi tiếng nhất trong số này là quan phụ chánh Nguyễn Trọng Hơp (1834-1902) cần được làm rõ. Sau khi bị đánh giá là phản quốc, gần đây người ta có xu hướng muốn đánh giá lại vai trò của ông[412]. Giữa thập kỷ 1890 ông yêu cầu nhà cầm quyền Pháp cho bổ tri phủ hay tri huyện những người đã đỗ trong các khoa thi chứ không phải những nhân viên bình thường hay thông ngôn có trình độ học vấn quá kém thậm chí mù chữ mà những hành vi nhũng loạn gây nên sự chán ghét của nhân dân và sự căm thù đối với nhà cầm quyền Pháp. Những quan chức Pháp liền nghe theo những lời khuyên ấy dù những quyết định hãy còn lâu mới phát huy tác dụng[413].

Mối quan tâm đến lợi ích quốc gia cũng có thể giúp ta hiểu được sự phản ứng bên ngoài có vẻ như nghịch lý. Ví dụ như thái độ của Nguyễn Khuyến hay Nguyễn Thiện Thuật được xem như mẫu mực của một nhà nho bất khuất trước kẻ xâm lược Pháp. Con đường của Nguyễn Khuyến thực ra phức tạp hơn nhiều. Thái độ gắn bó với việc công soi sáng những bước thăng trầm, khổ ải, những thái độ do dự và thay đổi hoàn toàn của ông. Nếu như năm 1885 ông khước từ chức tổng đốc Sơn Tây, năm 1891 ông ra khỏi cuộc sống ẩn dật để trở lại làm phụ đạo trong nha kinh lược. Bài thơ U sầu của ông phản ánh tâm trạng giằng xé của ông:

Dục phế thi thư học Lão Trang

Tiền nhân y bát thượng nan vương

Dịch nghĩa:

Muốn bỏ thi thư học Lão Trang

Cha ông truyền thống bỏ sao đang[414].

[412] Nguyễn Quang Ân (chủ biên), Nguyễn Trọng Hợp, con người và sự nghiệp, (1996), tr.135, 140.

[413] Chương Thâu, “Nguyễn Trọng Hợp qua những lời bình”, trong Nguyễn Quang Ân (chủ biên), Nguyễn Trọng Hợp…, sđd, tr.160.

[414] Dẫn lại của Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Namtrung cận đại, (1995), tr.223.

Cùng một lý tưởng như thế từ 1886, Nguyễn Thiện Thuật tức Tán Thuật đã cầm đầu phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1892) nhưng ông lại ủng hộ thái độ nhập thế của tú tài Phạm Văn Thụ[415]:

Đỗ thì phải ra làm quan. Nhà nho mình ra làm quan buổi này, khoan phần nào dân nhờ phần nấy, chẳng còn hơn phường hàng gà hàng lợn, cũng bố [chính] cũng án [sát] cả đấy ru?[416]

[415] Phạm Văn Thụ, (1866-1930), nguyên quán làng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đỗ tú tài năm 1886, cử nhân năm 1891, đậu phó bảng năm 1892, làm đến chức thượng thư bộ Hộ và bộ Binh. Sau khi từ quan năm 1926, ông viết hồi ức nhan đề Đàn Viên ký ức lục.

[416] Trích dịch hồi ức của Phạm Văn Thụ, do Học Phi dẫn trong “Một vi thượng thư Triều đình Huế nói về nghĩa quân Bãi Sậy”, Văn Nghệ, Hội nhà Văn Việt Nam, 1, (1993/7). Tuy nhiên cần thận trọng đối với nguồn tài liệu này, được xây dựng rất lâu sau khi xảy ra sự kiện và được viết ra nhằm mục đích răn dạy người đời sau.

Khó mà nghĩ rằng đó là thái độ chung của tất cả các nhà khoa bảng Việt Nam lúc đó, nhưng có nhiều bằng chứng trong văn học chứng tỏ thái độ đó không phải chỉ là của số ít người. Nhân vật cha đẻ của quan huyện trong truyện Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, từ chức tổng đốc khi Hà thành thất thủ lần thứ nhất một năm sau không chịu ra làm việc với Pháp đã tuyên bố:

Nước mất thì đã mất rồi, mà dân thì vẫn còn. Giữa lúc này, nếu hạng sĩ phu không ra nhận cái trách nhiệm làm cha mẹ dân thì người Pháp phải nhấc bọn thông ngôn “lục tỉnh”, bọn bồi bếp lên làm quan. Cứ đế bọn ấy chiếm hết mọi địa vị trong quan trường thì thật chí hại cho dân, sỉ nhục cho nước. Âu là bọn khoa mục chúng ta tùy thời mà gánh vác việc nước còn hơn[417].

Ở đây việc so sánh với Trung Hoa giữa thế kỷ XVII là đúng. Tình hình Việt Nam vào lúc này quả là có nhiều nét tương đồng với nước láng giềng cách đây hơn hai trăm năm: một bộ máy quan lại trong một triều đại đang suy vong (nhà Minh) bị ngoại bang thống trị (người Mãn). Saé Okamoto-Kobayashi đã chỉ ra việc các erchen (nhị thần) nhà Minh ngả theo triều đại mới (nhà Thanh) đã không được chú ý. Trái lại, nhờ kinh nghiệm cai trị của họ, những quan chức cũ triều Minh đã đóng góp vào sự ổn định của Trung Hoa và tránh cho đồng bào của họ trăm điều khổ nhục[418].

[417] Vũ Trọng Phụng, Vỡ đê, 1936, tái bản trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, (1998), t.2, tr.38.

[418] Obmoto-Kobayashi, S., “Erchen ron”, Tôyô bunka kênkyû kyyô, 68, Shôwa 51 (1962), tr.101-177. Tác giả xin cảm ơn Claudine Salmon đã cho biết nguồn tham khảo này.

Cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam một tinh thần trách nhiệm tương tự tăng lên, thể hiện trong dự định của một số quan chức thuộc dòng dõi những nhà cách tân Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Ví như một Nguyễn Trọng Hợp, có thể coi thái độ thỏa hiệp với Jean Louis de Lanessan như một phương sách để thực hiện những đề nghị ông đưa ra từ trước cuộc chinh phục của Pháp vào cuối triều Tự Đức[419]. Qua tập Kim Giang văn tập người ta thấy Nguyễn Trọng Hợp là một ông quan lo lắng đến việc củng cố bộ máy nhà nước, mở cửa và ngoại giao, buôn bán. Theo ông, triều đình Đại Nam nên đa dạng hóa quan hệ ngoại giao theo gương nước Xiêm La lúc đó đã biết khéo léo sử dụng người Anh để đối trọng với Pháp[420]. Nguyễn Trọng Hợp còn phê phán chính sách tự cấp tự túc của Triều đình, ủng hộ hiện đại hóa đất nước bằng cách tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật của nước ngoài[421]. Hai mươi năm sau các bài thơ của ông làm khi đi sứ sang Pháp đã phản ánh mối quan tâm đó[422]. Công trình khoa học của ông cũng đánh dấu xu hướng mở cửa với nước ngoài. Ông tham gia biên soạn Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập công trình nghiên cứu lịch sử đầu tiên của ông dưới triều Nguyễn đã nói về các nước láng giềng của nước Đại Nam với độ chính xác cao[423]. Nguyễn Trọng Hợp cũng tham gia tích cực trong các cuộc thảo luận về chính sách nội bộ. Trong lúc ông làm thự tổng đốc Định Yên (1874-1880) ông đã có đề xuất cải cách thuế khóa. Có người đề nghị lập các tổ chức độc quyền sản xuất và buôn bán sản phẩm tiểu thủ công và nông nghiệp để thu thuế được dễ dàng. Ông phản đối việc cải cách này, chủ trương tự do buôn bán, dựa trên mô hình cảng cửa sông Cấm đã được mở cho tàu buôn nước ngoài. Đây là nơi buôn bán sầm uất giữa thương nhân Việt Nam và ngoại quốc. Việc tổ chức độc quyền có nguy cơ làm cạn kiệt thương mại. Ông cũng phản đối giao cho doanh nhân đứng ra thầu việc thu thuế vì ông sợ có sự cấu kết giữa những người này với những người coi kho[424].

[419] Cao Xuân Huy, “Chủ thuyết canh tân…”, trong Tư tưởng phương Đông…, sđd, tr.281-294.

[420] Biểu tấu của Nguyễn Trọng Hợp dâng lên vua Tự Đức (5/08/1881). Phạm Văn Thắm, “Nguyễn Trọng Hợp qua tác phẩm Kim Giang văn tập” trong Nguyễn Quang Ân (chủ biên), Nguyễn Trọng Hợp…, sđd, tr.96.

[421] Biểu tấu của Nguyễn Trọng Hợp dâng lên vua Tự Đức (1874) trong Nguyễn Quang Ân (chủ biên). Nguyễn Trọng Hợp…, sđd, tr.95.

[422] Những bài thơ này phản ánh lòng khát khao hiểu biết, đầu óc quan sát và mối quan tâm lo lắng của ông đến các vấn đề thời sự. Tạ Ngọc Liễn, “Nguyễn Trọng Hợp với tập thơ đi sứ Tây” trong Nguyễn Quang Ân (chủ biên), Nguyễn Trọng Hợp…, sđd, tr.91. Tạ Trọng Hiệp chú thích thêm rằng tập thơ này được xuất bản song ngữ Pháp-Việt với nhan đề Paris, capitale de la France (Paris, thủ đô nước Pháp) do Schneider công bố ở Hà Nội. Cuốn sách này đã được nhắc đến trong báo cáo trước báo chí Paris của Jules Clarétie trong báo T’oung Pao (1899). Tạ Trọng Hiệp, “Le journal de Phan Thanh Giản en France (4 juillet 1863 - 18 avril 1864)” trong Salmon, Cl., (chủ biên), Récits de voyages des Asiatique - genres, mentalités, conception de l’espace, (1996), tr.336, chú thích 8.

[423] Nguyễn Minh Tường cho biết Lê Quý Đôn cuối triều Lê đã viết Tứ Di (Các nước nhỏ ở ngoại biên) trong Đại Việt Thông sử như ông đã nói ở phần Lời tựa. Nhưng phần này về sau đã bị thất lạc. Xem Nguyễn Minh Tường, “Nguyễn Trọng Hơp và những đóng góp của ông trên lĩnh vực sử học” trong Nguyễn Quang Ân, (chủ biên), Nguyễn Trọng Hợp…, sđd, tr.67-68.

[424] Nguyễn Văn Huyền, “Bảy năm một tổng đốc Định Yên” trong Nguyễn Quang Ân, Nguyễn Trọng Hợp…, sđd, tr.34-38.

Việc cải tiến quy chế quan trường

Lập lại chế độ thực tập

Việc phục hồi chế độ hậu bổ ban hành năm 1892 kèm thêm việc quan kinh lược năm 1897[425], cấm quan tỉnh cấp bằng sắc cho các nhân viên dư thừa dưới quyền. Những bổ nhiệm như thế đã trượt khỏi sự kiểm soát của quan kinh lược nhất là của quan thống sứ. Những bằng cấp đó đã không được sự chuẩn y của nhà cầm quyền Pháp. Ngoài ra những người thụ hưởng chính sách này thường không được nhà cầm quyền Pháp trả lương hoặc trả rất ít. Lệnh cấm năm 1889[426] dùng các “hậu phái, sai phái, tùng phái, tùy phái, sĩ bổ…” đã không được tôn trọng nếu người ta nhìn các con số tuyển dụng tiến hành trong năm 1895 đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Hồng. Nếu người ta so sánh với số hậu bổ được tuyển[427] tám nhân viên so với bảy hậu hổ trong tỉnh Hà Nội, mười bốn nhân viên so với bảy hậu bổ trong tỉnh Hải Dương[428]. Ngoài ra việc phân biệt giữa năm loại “phái” đó không chắc chắn trong hồ sơ của họ cũng như tính chất công việc giao cho các nhân viên ấy. Một vài thí dụ chứng tỏ những “sai phái” ấy được chỉ định để hoàn thành nhiệm vụ nhất định, có thể mang tính chất quân sự như trong trường hợp của Phan Hữu Trí[429] hay Lê Ngữ. Ông này:

… đỗ tú tài vào năm Đồng Khánh thứ ba; đến năm Đồng Khánh thứ tư, tháng năm, được bổ đi Hưng Hóa lấy tin về hoạt động của một kẻ đứng ngoài pháp luật. Đến năm Đồng Khánh thứ năm, tháng hai, ông được thăng hàn lâm viện đãi chiếu tòng cửu phẩm được bổ huấn đạo huyện Tam Nông[430].

[425] Quyết định (21/6/1897) của kinh lược được thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn và công bố bằng thông tri ngày 3/7/1897.

[426] DLTY, tr.55.

[427] Con số hậu bổ được ấn định theo nghị định (4/1/1892) là 8 người cho các ty, phòng nha kinh lược, 7 người cho mỗi tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương và Sơn Tây, và 4 người cho mỗi tỉnh khác. ANV-RST 72003.

[428] Trả lời của các công sứ ở Bắc Kỳ đối với thông tri 274 (5/7/1895) của tổng thư ký phủ toàn quyền Đông Dương trong ANV-RST 73541, Liste des lettrés non pourvus d’emplois officiels (1894-1895).

[429] ANV-KL 2521, tờ 25. ANV-RST 17335, hồ sơ hành trạng của Phan Hữu Trí.

[430] ANV-KL 2521, tờ 42.

Những chuyến công cán đó cũng có thể có tính chất hành chính. Ví dụ Nguyễn Tuấn Phác năm 1895 được bổ sai phái ở tỉnh Hà Nội, được cử đi các nơi trong tỉnh làm công việc nghĩa chủng (quyên tiền để khai quật các tử thi vô thừa nhận)[431]. Tương tự như vậy Nguyễn Văn Bính năm 1891 bị cách chức thự tri huyện được đưa về các tỉnh Hưng Yên (9/1891-6/1894), Bắc Ninh (6/1894-4/1895) rồi Hà Nội. Ở hai tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội ông được giao việc giám sát tu bổ đê điều[432]. Phan Kế Tiến đỗ cử nhân năm 1879 khi mới làm quan được bổ về Hà Nội rồi phái đi làm quyền tri huyện Đan Phượng từ tháng 6 đến tháng 8/1884 rồi Tùng Thiện từ tháng tám đến tháng chạp năm đó[433].

[431] ANV-RST 73541.

[432] ANV-RST 18361, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Văn Bính.

[433] ANV-KL 2521, tờ 17.

Vai trò của họ giống như các hậu bổ. Do đó có sự lẫn lộn gần như có hệ thống ghi trong hồ sơ cho tới năm 1897 giữa các chức danh như hậu phái, sai phái, tùng phái, tùy phái, sĩ bổ một bên và hậu bổ. Những nhân viên dư thừa đó bị chỉ trích vì việc bổ nhiệm họ vượt ngoài quyền hạn không được chính quyền trung ương cho phép và do không được trả lương nên họ sống bằng tham nhũng. Các quyết định ban hành năm 1892 và 1897 đã soi sáng tình hình này. Ngoài ra để tách chức hậu bổ ra khỏi hậu phái và các nhân viên dôi dư khác người ta cho các hậu bổ một khoản phụ cấp là ba mươi quan tiền mỗi tháng[434].

[434] Hoàng Cao Khải đề nghị ấn định lương hàng tháng của hậu bổ là ba mươi quan tiền, các huấn đạo, bậc trên liền kề của hậu bổ, được cấp bốn mươi quan tiền mỗi tháng. Brière đã phê chuẩn lời đề nghị này. Sau đó đề nghị này được đưa vào điều khoản 4 của nghị định (4/1/1892). ANV-RST 46376.

Việc phục hồi chức danh hậu bổ năm 1892 đánh dấu bước thay đổi từ quan chế “bình định” sang quan chế “quản lý”.

- Làm sao kiểm soát nguồn gốc các ứng viên vào các chức tri huyện? Các nguồn tư liệu có trong ghi chú cá nhân của các quan chức đầu năm 1890 là rất sơ sài. Các công sứ và quan đầu tỉnh đều thừa nhận họ không biết gì về quá khứ hay những công việc trước đây của các quan chức do họ đề nghị. Nhiều khi họ chỉ có một vài tư liệu thiếu tin cậy, đó là bản lý lịch do các quan tự khai. Việc phục hồi quy chế hậu bổ đã xóa bỏ những khó khăn đó vì từ nay nhà chức trách có thể loại bỏ các nhân viên mà việc bổ nhiệm không đúng và tuyển dụng những người đã tỏ ra đắc lực trong công việc.

- Làm sao các nhà khoa bảng trẻ có thể làm quen với công việc cai trị? Việc thay đổi này tiến hành bằng quy chế thực tập được thiết lập từ đầu nhà Nguyễn. Chính những người chủ động đưa ra quyết định năm 1892 như thống sứ Brière đã khẳng định việc kế thừa này.

- Những thể thức thực tập như thế nào? Giống như trước, thực tập ở tỉnh như hậu bổ hoặc làm học quan.

Các hậu bổ thực tập

Thoạt đầu thật đáng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng năm 1892 sắc lệnh của thống sứ Bắc Kỳ khôi phục chức hậu bổ. Từ hậu bổ thường xuất hiện trong hồ sơ của các quan tại chức giữa 1884 đến 1892. Nếu căn cứ vào sổ sách năm 1896, các hận bổ là những quan đã đứng tuổi được thăng thực thụ ở nhiều chức trách phản ánh sự phân công theo tuổi. Tám trong số họ từ hai b ảy đến ba mươi ba tuổi, hai lăm người giữa ba mươi tư và bốn mươi tuổi và mười tám người giữa bốn mươi mốt và năm mươi sáu tuổi. Một số ít còn trẻ tuổi đã được làm hậu bổ một thời gian sau khi thi đỗ các khoa thi. Tại sao có hiện tượng lưỡng phân như thế? Từ hậu bổ không phải là đồng nghĩa với thực tập. Nó có nghĩa gốc là quan chức đang chờ bổ dụng và cho tới 1892 chỉ rõ hai kiểu tình huống như sau:

- Tình trạng của người đã đi vào quan trường nhưng sau thời gian nghỉ phải chờ bổ dụng: như Đào Trọng Tề đã được làm hậu bổ trong nha kinh lược, sau thời gian nghỉ chịu tang tháng 3/1896[435]. Tương tự như vậy, Trần Xuân Sơn đã được làm hậu bổ tỉnh Nam Định năm 1884 sau một thời gian nghỉ bệnh[436]. Cuối cùng Nguyễn Hữu Tộ phụ trách việc học quan tỉnh Quảng Nam, được làm hậu bổ sau một thời gian nghỉ để về phụng dưỡng cha mẹ già[437]. Một ông quan bị đình chỉ công tác cũng có thể làm hậu bổ. Đó là trường hợp của Nguyễn Liêm được phục chức với chức hậu bổ tỉnh Thái Bình sau khi bị cách chức tri huyện Tiên Hưng vì cẩu thả nghiêm trọng trong việc giám sát đê điều tháng 9/1894[438].

[435] ANV-KL 2520 tờ 12.

[436] ANV-KL 2520 tờ 49. Nguyễn Khoa Quyền cựu tri huyện Duy Tiên năm 1845 trong tình cảnh tương tự. TL, kỷ III, q.52, t.25, tr.372-373.

[437] TL, kỷ II, q.108, t.13, tr.170.

[438] ANV-RST 2521, tờ 18-19.

- Tình cảnh một người đã đỗ các khoa thi hương hay là một ấm sinh có thể sau khi trúng kỳ hạch ở kinh đô có thể được làm hậu bổ đi thực tập ở các tỉnh. Việc học nghề tiến hành dưới hai dạng: được phái đi thực hiện một nhiệm vụ đột xuất liên quan đến thủy lợi, thu thuế, tư pháp hay tạm quyền một chức tri phủ, tri huyện.

Loại nhiệm vụ này hoàn thành được nhà cầm quyền thuộc địa sao chép giống nguyên xi như quy định của Triều đình năm 1892. “Các hậu hổ có thể được phái đi làm nhiệm vụ đột xuất trong tỉnh”[439]. Có khá nhiều thí dụ nói lên tính đa dạng và thường xuyên của các nhiệm vụ này trong suốt thời gian đã được xem xét: Các quan tùng sự (thực tập) đều được giao trông nom việc xây dựng đường sá, tu bổ đê điều, đo đạc ruộng đất[440]. Họ tham gia công việc cắm mốc giới các làng[441], giúp các quan thự tri phủ, tri huyện trong các hạt có lắm việc, hay giúp các quan huấn đạo lên lớp cho hương sư các làng[442].

[439] Nghị định (4/1/1892) của toàn quyền Đông Dương de Lanessan (điều 2) trong ANV-RST 57395. Một thông tri ban hành ngày 29/9/1904 của Fourès, thống sứ Bắc Kỳ ấn định nhưng thể thức thực tập bằng những từ rất gần với thực tập. BAT, 1904, tr.881.

[440] ANV-RST 31521, hồ sơ hành trạng của Trần Văn Kỷ.

[441] Trường hợp Đoàn Quán, thực tập trong tỉnh Hải Dương. ANV-RST 31162, hồ sơ hành trạng của Đào Quán, 1919-1922.

[442] ANV-RST 31521.

Việc thực tập cũng theo dạng quyền tri huyện nhằm thử thách năng lực hành chính của các quan tương lai như vua Minh Mạng đã dự kiến. Mối liên hệ giữa nghị định 1892 với quan chế của Triều đình khá rõ nét.

Các quan hậu bổ có thể được sử dụng như tùng sự (thực tập) tại các phủ, huyện hoặc trong các nha môn của tỉnh, hoặc được chỉ định tạm thời làm giáo thụ hay huấn đạo, tri phủ hay tri huyện trong trường hợp khuyết[443].

[443] Nghị định (4/1/1892) của Lanessan (điều2).

Có khá nhiều thí dụ về các hoạt động trên. Nguyễn Hữu Tường[444] đỗ cử nhân tại khoa thi hương ở Thừa Thiên năm 1888, bốn năm sau biệt phái về nha kinh lược như hậu bổ. Ông được chỉ định làm quyền tri phủ Nam Trực[445]. Năm 1905 Trần Văn Ký được bổ quyền huấn đạo trong huyện chuyên dạy chữ quốc ngữ[446]. Phạm Chu Trinh đỗ cử nhân năm 1909, năm 1913 được bổ tri huyện Hàm Long để lượng định kết quả cải cách hương chính: hoàn chỉnh sổ sách về hộ tịch, kiểm tra xem các tập quán tốt có được thực hiện không có được theo dõi và thi hành chính xác như các làng mong muốn không.

[444] QTHKL, tr.495.

[445] Ông là con trai Kinh lược Nguyễn Hữu Độ. ANV-KL 2520, tờ 48-49.

[446] ANV-RST 31521.

Vậy là ngạch hậu bổ đã thể hiện tính đa dạng của các nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian thực tập.

Làm học quan để thực tập

Các nhà cầm quyền thuộc địa dựa trên cách làm cổ xưa để hạn chế việc xóa bỏ các chức bang tá, thương tá vào tháng 8/1890. Các giáo thụ và huấn đạo sẽ đến thay thế các bang tá, thương tá như quy định của thống sứ Bắc Kỳ[447]. Thời gian đầu đi làm quan của Phạm Hữu Thanh (1891-1896, 1899-1905) và Đặng Văn Hòa (1898-1907) đã minh họa cho hoàn cảnh này[448]. Việc tách ngạch quan trường ra làm hai bộ phận riêng học chính và hành chính đưa ra từ 1908 kéo theo sự xóa bỏ hình thức thực tập này[449]. Các ngạch học chính sẽ không còn được chuyển sang ngạch hành chính nữa.

[447] Trích thông tri (27/8/1890) của Bonnal quyền thống sứ Bắc Kỳ gửi chánh phó công sứ các tỉnh trong ANV-RND 860.

[448] ANV-RST 31447, hồ sơ hành trạng của Phạm Hữu Thanh (1894-1924). ANV-RST 31123, hồ sơ hành trạng của Đặng Văn Hòa (1898-1916).

[449] Việc thành lập ban sư phạm trong trường hậu bổ năm 1909 là bước đầu của việc chia tách hoàn thành năm 1912. Nghị định (14/4/1909) của Morel, thống sứ Bắc Kỳ trong BAT, 1909, tr.490-491.