Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 5 - Phần 3

Trường hậu bổ khuôn mẫu của trường pháp chính

Văn học và báo chí Việt Nam thường phác họa một hình ảnh về trường này. Nguyễn Công Hoan trong cuốn Nhớ gì ghi nấy đã cười nhạo cách cư xử của các học trò trường hậu bổ:

Nhiều ông cử tú đi học có đầy tớ mang tráp điều theo hầu, giữa giờ ở lớp cũng hút thuốc xe vắt cần câu, kêu cọc cọc. Thầy giáo ta gọi học trò bằng ông[450].

[450] Nguyễn Công Hoan, Nhớ gì ghi nấy…, sđd, tr.343-344.

Phạm Quỳnh cũng ra mặt chế nhạo trường này:

Các ông hậu phải tự-hạ ngồi vào ghế học-trò, tưởng học được cái bí-thuật của nghề trị-dân, ai ngờ cũng bất-ngoại mấy món thường của các cậu “Hàng Vôi”, các cô “Hàng Cót”: ám-tả, địa-dư, bốn phép của số-học, ba loài trong tạo-vật, chi-gian đó mà thôi[451].

[451] Phạm Quỳnh, “Trường hậu bổ cũ với trường pháp chính mới”, Nam Phong, 3 (1917/9), tr.153.

Nhưng những bằng chứng này đưa ra khá lâu sau khi thành lập trường - bằng chứng của Nguyễn Công Hoan đưa ra năm 1970 còn của Phạm Quỳnh đưa ra năm 1917 - dù rất chua cay nhưng không cho biết gì về nguồn gốc trường này. Vậy cần phải phân tích động cơ của người sáng lập là kinh lược Hoàng Cao Khải.

Vào đầu những năm 1890 việc phục hồi quy chế thực tập chứng tỏ là vẫn không đủ. Vì vậy tháng 1/1896, kinh lược Bắc Kỳ đề nghị cho lập ngay trong nha môn của mình một trường dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ cho ba mươi hậu bổ[452]. Đề nghị được chấp nhận và trường chính thức khai giảng ngày 2/2/1897 nhằm vào các cử nhân, tú tài, ấm sinh được xem như hậu bổ cho các tỉnh. Trường cũng tiếp nhận cả các học sinh tự do, nghĩa là các cậu cử, cậu tú và ấm sinh chưa bao giờ là hậu bổ. Sau sáu tháng họ phải qua một kỳ thi sát hạch người nào học hành chăm chỉ nhất sẽ được bổ dụng theo thứ tự thành tích công tác và đảm đương ngay lập tức một chức quan trọng trong bộ máy cai trị. Người nào có kết quả tồi sẽ tiếp tục theo học lớp sau. Cải tiến việc điều hành bộ máy cai trị, đào tạo con các quan, khắc phục tình trạng không có việc của các hậu bổ, đó là những mục tiêu của người sáng lập trường này. Chương trình học có tập đọc và tập viết chữ quốc ngữ và tiếng Pháp và những câu hội thoại dễ bằng Pháp văn với việc sử dụng các từ ngữ hành chính vận dụng vào việc thu thuế, sửa chữa đê điều, công việc tư pháp. Tham vọng sư phạm xem ra khá khiêm tốn. Tuy nhiên định hướng thực tiễn và cụ thể do Hoàng Cao Khải đưa ra đến năm 1906 và 1912 vẫn giữ nguyên không thay đổi. Chắc hẳn chương trình học mỗi ngày tăng thêm nhiều môn học và thời gian học cũng kéo dài hơn[453], nhưng các môn thực hành như canh nông, hình học và vệ sinh có vị trí quan trọng nhất[454]. Chương trình học cũng đề ra việc đi thực tập ở các tỉnh.

[452] Báo cáo (23/11/1896) của kinh lược Hoàng Cao Khải gửi giám đốc nha dân vụ trong ANV-RST 46352. Création de l’école des hậu bổ. Rapports du Kinh lược du Tonkin et de Salles, inspecteur des colonies en mission (1896-1897).

[453] Thời gian học ở trường hậu bổ ấn định là 6 tháng năm 1897 rồi tăng lên ba năm năm 1903. Nghị định (6/7/1903) của Luce, quyền thống sứ Bắc Kỳ, điều 6 trong BAT, 1903, tr.509.

[454] Chương trình học chi tiết ấn định năm 1906 được đưa vào phần phụ lục của nghị định (10/9/1906) BAT, 1906, tr.874-878.

Việc đào tạo con quan để bổ sung hàng ngũ quan trường là mối quan tâm thứ hai của người sáng lập trường hậu bổ vì không có một trường học nào tổ chức riêng cho họ. Hoàng Cao Khải nhận xét rằng các trường hàng tỉnh do nhà cầm quyền thuộc địa thành lập và nơi đây người ta dạy tiếng Pháp để đi làm quan không thể hoàn thành nhiệm vụ này. Đây là những lý do dẫn đến các gia đình quan lại không mấy tín nhiệm các trường đó. Đa số học sinh đều xuất thân những gia đình nghèo, việc làm tốt nhất mà họ hy vọng là làm thông sự không bao giờ được coi như nghề làm quan. Những gia đình ở tầng lớp xã hội cao quý muốn con em họ học chữ nho và dự các khoa thi hương, để sau này có cơ hội đi làm quan. Vì vậy muốn thu hút số này vào trường hậu bổ, Hoàng Cao Khải không hạn chế tuổi vào học đối với ấm sinh. Tuy nhiên tuổi vào học của phần lớn học sinh khóa đầu tiên là tương đối cao: trung bình là ba mươi bảy tuổi đối với hậu bổ và ba mươi mốt tuổi đối với học sinh tự do[455]. Điều này được coi là một trở ngại cho công cuộc đào tạo quan trường[456].

[455] Chúng tôi đã xác định trung bình căn cứ vào tuổi do Salles cung cấp. Báo cáo (10/2/1898) của Salles, thanh tra thuộc địa trong chuyến công cán Bắc Kỳ trong ANV-RST 46352.

[456] Salles đã làm bản tổng kết thành tích của trường sau một năm hoạt động. Ông mong muốn đi xa hơn. Hoàng Cao Khải đề nghị giới hạn tuổi nhập học là 30. Đề nghị của ông được chấp nhận và đưa vào nghị định 1903 tổ chức lại nhà trường. Báo cáo (10/2/1898) của Salles trong ANV-RST 46352. Nghị định 6/7/1907 của Luce quyền thống sứ Bắc Kỳ (điều 1) trong BAT, 1903, tr.508.

Mục tiêu thứ ba là khắc phục tình trạng nhàn rỗi của các hậu bổ. Suy nghĩ của kinh lược Hoàng Cao Khải cho biết những hạn chế của việc áp dụng nghị định 1892 và nhắc lại những suy nghĩ của các vua trước 1884. Hình như các công sứ và các quan tỉnh không phải lúc nào cũng tạo khả năng để các hậu bổ có thể đi vào nghề làm quan.

Khi nào có một chỗ còn trống không phải lúc nào các hậu bổ cũng được chỉ định vào các vị trí đó mà người ta thường chọn những người chưa bao giờ làm hậu bổ. Nhiều khi các hậu bổ phải đợi ngồi không đến ba, bốn năm mà chưa có cơ hội được bổ nhiệm. Vì vậy chúng tôi lập ra trường này để cho phép họ có thể đi làm việc và được bổ dụng ngay[457].

[457] Báo cáo (23/11/1896) của kinh lược Hoàng Cao Khải gửi cho giám đốc nha dân chính. ANV-RST 46352.

Thế là rõ ràng, như các điều khoản của thông tư ngày 9/1/1897 về việc thành lập trường hậu bổ. Sau sáu tháng học sinh nào trúng tuyển kỳ khảo hạch, sau khi đã hoàn thành đủ thời gian thực tập như hậu bổ hay đã phục vụ với một chức danh nào đó, thì có thể lần lượt được bổ nhiệm theo vào các chức danh còn thiếu người đảm nhiệm, trừ khi họ muốn ở lại học thêm khóa nữa. Đối với cử nhân, tú tài hay con các công thần chưa được bổ dụng vào ngạch quan trường có thể sau khi dự kỳ khảo hạch đầu tiên được chỉ định làm hậu bổ các tỉnh để lấp vào chỗ trống do việc hậu bổ trước được bổ đi làm quan cai trị hay quan học chính.

Việc lập lại quy chế thực tập cho các quan và thành lập trường hậu bổ là những nét chủ yếu của chương trình phục quyền cho các quan sau thời “bình định” và thích nghi việc đào tạo các phần tử ưu tú trong quan trường bằng việc dạy chữ quốc ngữ và Pháp văn. Nếu việc thành lập trường là do kinh lược Bắc Kỳ yêu cầu nhằm đào tạo con quan đương nhiệm lúc đó, thì trường còn là một biện pháp để thu hút con các quan năm 1884 đã khước từ hợp tác với chính quyền thuộc địa. Chương trình của trường hậu bổ rồi trường sĩ hoạn sau này đúng là nhằm bổ sung kiến thức kinh điển cần thiết để chuẩn bị dự các khoa thi văn. Nội dung chương trình được hướng nhiều vào thực địa như đo đạc địa chính, thực vật học, nông học. Theo nghĩa đó, việc thành lập trường có mục đích kéo dài thực tập, đúng như đã được quan niệm dưới các triều vua nhà Nguyễn.

Phác qua việc quản lý hoạn lộ

Nhà cầm quyền Pháp đặc biệt là Brière cho rằng việc ồ ạt đưa người không đỗ đạt gì vào quan trường chẳng qua là họ có nhiều mánh khóe, thủ đoạn tập hợp chung quanh kinh lược Bắc Kỳ. Cách nhìn đó đặc biệt hạn hẹp giữa 1884 và đầu những năm 1890. Có nhiều con đường đi vào quan trường. Nhưng việc bổ nhiệm và thăng chức không phải chỉ dựa trên sự can thiệp của các quan lớn người Việt, các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha, công sứ và quân nhân Pháp cũng can thiệp vào việc này. Sự tiến cử của các quan kinh lược chắc chắn là tạo thuận lợi cho việc thăng quan tiến chức của những thủ túc bộ hạ nhà quan. Nhưng cũng không thể đánh giá thấp những ý kiến giới thiệu gửi gắm của quân nhân Pháp cất nhắc các bang tá, hay các quan cao cấp tham gia bình định đã ủng hộ các từ hàn (thư ký riêng) của họ và nhất là các công sứ Pháp đã tiến cử thông sự hay thầy nho làm việc ở tòa sứ vào quan trường[458]. “Làm việc trong tòa công sứ Pháp nghiễm nhiên là có cơ hội tiến thân cho nhiều nhân viên trong tòa sứ những năm 1885 và 1890.”[459] Ví như Lê Nguyên Huy, thự bố chính tòng tứ phẩm ở Bắc Ninh năm 1896 vốn là một ký lục của Pháp. Những sự can thiệp đó, bất kể từ đâu đến đã làm hỏng cơ chế tuyển dụng và cất nhắc thăng chức cho các quan. Tiếp theo việc xóa bỏ các quy định cũ về thăng chức bắt đầu từ 1885, có nhiều quan trẻ hơn mà đã được đưa vào những chức vụ cao hơn những người cùng một phẩm trật. Điển hình là các trường hợp Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Thuật và Lê Nguyên Huy. Triều đình cũng cảm thấy vai trò của mình giảm sút trong việc bổ nhiệm các quan trong những năm 1885-1890 tiếp sau việc thành lập nha kinh lược Bắc Kỳ[460]. Triều đình không phải là không nhận thấy có những vi phạm các quy định cũ liên quan đến bổ nhiệm và thăng chức. Bằng chứng là Triều đình đã có thái độ ngập ngừng trước những đề nghị của Trần Lưu Huệ, quyền kinh lược thăng chức cho Đào Trọng Kỳ và Lê Hoan[461].

[458] Lê Hoan, lúc này là tuần phủ Hưng Hóa, tháng 11/1892 đã tâu lên Triều đình một danh sách đề nghị thăng chức cho những người đã tham gia công cuộc “chiêu an”. Thực tế trong số này có 3 người là trưởng phố và 2 nhà buôn chưa bao giờ ra khỏi Hà Nội. ANV-RST 54324, hồ sơ hành trạng của Lê Hoan.

[459] Theo cách nói của Miribel, công sứ Hưng Yên.

[460] Từ 1887, Triều đình đã phản đối sự thao túng của kinh lược Bắc Kỳ trong các việc bổ nhiệm. ANV-RST 76263. Lettre au Résident général Bihourd par la famille royale et la Cour de Hué proposant des modifications dans l’administration du pays (1887).

[461] Tấu (16/10/1889) của bộ Lại tâu lên Hoàng đế. ANV-RST 54165, hồ sơ hành trạng của Đào Trọng Kỳ.

Đã có nhiều biện pháp được thông qua để hạn chế những lạm dụng ở tất cả các cấp trong hệ thống quan lại, từ các thuộc lại của các quan đến các tri phủ, tri huyện, quan đầu tỉnh. Những biện pháp đó nhằm phá bỏ các mối liên hệ vây cánh bè phái để cải tiến việc tuyển dụng quan lại, đưa chế độ quan trường vào nền nếp.

- Từ 1895, đăng ký tất cả những người được cấp bằng sắc chắc hẳn là biện pháp quan trọng nhất[462]. Năm đó, một đạo dụ ban ra, thống sứ Bắc Kỳ phải phê duyệt tất cả các bằng cấp cho các quan văn từ cửu phẩm đến nhất phẩm, và quan võ từ ngũ phẩm đến nhất phẩm. Chứng chỉ của các quan võ từ cửu đến lục phẩm phải được vào sổ và nhật ký tại phủ thống sứ. Mọi chứng chỉ không có phê duyệt và nhật ký đều bị coi là vô hiệu[463]. Ý nghĩa của các dấu phê duyệt và nhật ký rất xác thực và đóng ngay vào các bằng, vượt qua sự kiểm soát đơn giản về mặt hành chính. Thật ra bằng sắc cấp cho các quan là một biểu trưng cho quyền lực đã được mã hóa nghiêm ngặt. Có hai loại: loại đầu tiên gọi là cáo trục - bằng để trong ống gọi là trục[464] - ban cho hai hạng quan: tất cả các quan văn trên hay tương đương với tòng ngũ phẩm, và để nâng cao giá trị của các quan chức cấp thấp hơn, các đồng tri phủ (chánh lục phẩm) hay kinh huyện tri huyện (tòng lục phẩm) (đương chức tại các huyện ở kinh đô) và các tri huyện và tri châu (tòng lục phẩm) với điều kiện không thể thiếu được là đã được cấp bằng hoặc đã nhậm chức. Một câu mở đầu bằng là “Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chế viết Trẫm duy…” và người được cấp bằng được xếp hạng đại phu[465]. Loại thứ hai gọi là sắc văn, màu trắng ban cho các quan từ tòng ngũ phẩm trở xuống được xếp vào hạng lang. Chữ sắc, tên và trật, chức vụ của người được cấp đều ghi trên bằng như người ta có thể nhìn thấy trong bằng cấp cho Bùi Huy Tuyên năm 1860 hay cho Ngô Duy Trinh năm 1887[466].

[462] ANV-RST 46420.

[463] ĐNTY, tr.91. Phê duyệt ở đây có nghĩa là “quan thống sứ đã xem”.

[464] Trục làm bằng mai rùa cho quan nhất và nhị phẩm, bằng ngà cho quan tam và tứ phẩm và bằng sừng cho quan ngũ và lục phẩm.

[465] Có trong bằng cấp cho Nguyễn Thượng Huân. Xem ảnh 7-8.

[466] Xem ảnh 6.

Nếu một ông quan nào phạm lỗi bị tước mọi phẩm trật, Triều đình sẽ thu bằng theo một đạo dụ ban hành năm 1829[467]. Còn trong trường hợp người nào được cấp mà đánh mất bằng, sẽ bị phạt nặng. Khi cấp lại chỉ được cấp bằng cuối cùng tương ứng với phẩm trật hiện nay, không được cấp lại các bằng trước đó[468]. Chắc hẳn là kể từ năm 1895 chú thích bằng tiếng Pháp ghi trên tấm bằng - một biểu tượng của mối liên hệ trung thành của quan đối với nhà vua – đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa Triều đình và quan lại Bắc Kỳ. Tuy nhiên, nhà cầm quyền thuộc địa lặng lẽ xen vào các hình thức truyền thống. Không vội thay thế ngay lập tức bằng những luật lệ của chính họ, họ dần dần chiếm hữu các luật lệ của Triều đình. Như người ta nhận thấy trong bằng làm quan của Ngô Duy Trinh, hai chữ tiêu thu 銷收 có nghĩa là thu về để tiêu hủy, trước đây là do bộ Lễ đóng vào[469] thì nay họ dùng lại hai chữ ấy và dưới dấu ấn của vua họ ghi dòng chữ bằng đã được đăng ký tại tòa thống sứ Bắc Kỳ thấy rất rõ trong bằng của Nguyễn Thượng Huân chẳng hạn[470]. Cuối cùng sau khi giải thể nha kinh lược, thống sứ Bắc Kỳ cho làm ngay con dấu của mình mang dòng chữ kiểu truyền thống: Đại Pháp quyền lý Bắc Kỳ thống sứ đại thần đóng vào bằng cấp cho các quan như bằng tri huyện Vị Xuyên cấp cho Nguyễn Quang Bảo.

[467] ĐNTY, ti.89.

[468] Như trên, tr.91.

[469] Xem ảnh 9-10.

[470] Xem ảnh 7-8.

Được quan niệm là công cụ để làm trong sạch việc tuyển dụng các quan, đạo dụ 1895 không phải chỉ là trên giấy tờ, không có hiệu lực thực tế nào. Ví như tháng 6/1897, công sứ Hưng Yên rút lại các bằng trước đây được các quan lớn “chiêu an” cấp cho những người khai là có nhiều chiến tích tưởng tượng trong công cuộc “bình định”. Những bằng này bị thu hồi và tiêu hủy vì chúng không bao giờ được chuyển về Hà Nội để được chính thức hóa[471].

Nhưng lâu dài về sau, nhà chức trách thuộc địa đã không thể nghĩ đến làm cho việc kiểm tra bổ nhiệm đó có hiệu lực, như thống sứ Broni năm 1902 đã nhận xét:

Xem xét bảng lương mới được biết vài năm nay các việc bổ nhiệm hay chỉ định làm quan đã được tiến hành mà không báo trước hoặc tham khảo cấp trên[472].

[471] ANV-RST 46420.

[472] ANV-RHD 14.

Ảnh 6 - Sắc văn ngày 25 tháng 10 năm 1860 mang tên Bùi Huy Tuyên, giáo thụ thực thụ phủ Vĩnh Tường.

Nguồn: Hà Nội, sưu tập riêng.

- Nếu quy chế không cho phép các lại viên của quan và nhân viên hành chính thuộc địa như ký lục, thông sự được đi vào quan trường thì kể từ những năm 1890, thực tiễn hành chính có khuynh hướng càng ngày càng hạn chế. Biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và chút ít tiếng Pháp - chủ bài đầu tiên để được làm lại viên cho quan. Thêm nữa công việc ở bàn giấy không chuẩn bị gì cho chức trách làm quan. Biểu hiện đặc trưng là thất bại của Nguyễn Giao - nguyên là nhân viên hành chính của chính quyền bảo hộ, là ký lục hạng tư từ tháng 5/1892 đến tháng 7/1893 ở Thái Bình rồi lên hạng ba từ tháng 7/1893 đến tháng 1/1895 ở Hải Dương. Ông được về nghỉ có thời hạn rồi lại đi làm tháng 9/1898 như là ký lục của tòa sứ Nam Định. Năm 1900 ông gửi thư lên phủ thống sứ Bắc Kỳ xin được bổ làm tri huyện Bình Lục (Hà Nam). Mặc dù có lời tiến cử của bốn công chức cao cấp Pháp, trái với sự mong đợi của ông, Nguyễn Giao chỉ được bổ làm tri châu Vũ Nhai, một huyện bạc bẽo của miền núi năm 1901[473].

[473] ANV-RST 34685, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Giao.

- Năm 1887, Triều đình ban hành một quy định phỏng theo quy định trước năm 1894 cấm tiến cử cá nhân vào các chức hậu bổ, tri huyện và tri phủ. Nhằm ngăn chặn sự thông đồng, thiên vị, bản quy định chỉ được tiến cử tập thể do toàn bộ các quan ở địa phương hay trong các ty phòng mà cá nhân đó trực thuộc.

- Một đạo dụ của Tự Đức đặt các quan từ tuần phủ (tòng nhị phẩm) trở lên được đề nghị thăng chức sẽ phải thực tập để làm thử (gọi là thự) được phục hồi tháng 6/1892[474]. Ví như khi công sứ Hưng Yên năm 1898 xin thống sứ Bắc Kỳ xóa bỏ chữ thự trên bằng cấp cho Phạm Văn Toán, thự tuần phủ, nhưng đề nghị của ông không được chấp nhận theo đạo dụ trước đây của Tự Đức về vấn đề đó[475].

[474] Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với những quan nào có thành tích xuất sắc ANV-RST 31156, hồ sơ hành trạng của Đỗ Văn Tâm.

[475] ANV-RST 31452, hồ sơ cá nhân của Phạm Văn Toán.

Ảnh 7-8 - Cáo trục ngày 15 tháng 10 năm 1901 cấp cho Nguyễn Thượng Huân, hàn lâm viện thị giảng, tòng ngũ phẩm

Nguồn: ANV-RST 34700

Ảnh 9-10 - Tiêu thu ngày 26 tháng 10 năm 1898 sắc văn ngày 23-4-1887 đã cấp cho Ngô Huy Trình, hàn lâm viện biên tu, chánh thất phẩm

Nguồn: ANV-RST 31371

Ảnh 11 - Bằng tri huyện cấp ngày 22 tháng giêng năm 1908 cho Nguyễn Quang Bảo, tri huyện Vị Xuyên

Nguồn ANV-RST 34621

- Chiếu quyết định tháng 8/1893 của kinh lược được thống sứ Bắc Kỳ phê duyệt, không một quan nào được thăng lên một trật cao hơn nếu không đủ hai thâm niên ở cấp cũ.

- Cùng một năm đó một văn bản khác, sau khi nhắc lại rằng trật phải tương ứng với chức vụ đang trống và chức tri phủ phải được ưu tiên giao cho các tri huyện, nói rõ rằng:

hay là khi cần, người phải cho lĩnh lên (hàm kém mà được lĩnh chức cao hơn) thì viên nào hiện đương tại chức, có thể lên hai trật, viên nào còn là hậu bổ, chỉ cho lên một trật,…

- Ngày 21/7/1896 ban hành một thông tư quy định điều kiện thời gian thăng chức cho các quan và lại (thư lại, thông lại và lại mục) ở trật cũ, các quan muốn được thăng trật phải có ít nhất hai năm thâm niên, nhưng với lại phải có sáu năm thâm niên ở trật cũ, tương tự như một đạo dụ triều Minh Mạng, ví như trường hợp của Dương Lâm, thực tập tòng nhị phẩm đến tháng 6/1895 thấy việc thăng chức hồi tháng giêng 1897 lên chánh nhị phẩm đã bị hủy bỏ vì không đủ hai năm thâm niên ở trật cũ[476]. Trường hợp Phạm Văn Kỷ cũng vậy, là phái viên cũ và đội trưởng dân binh trong các năm 1888-1892 ông được bổ làm quan tòng thất phẩm tháng 11/1894 đến tháng 7/1896, ông không thể thăng lên tòng lục phẩm vì không đủ thâm niên mặc dù có các quân nhân Pháp tiến cử[477].

[476] ANV-RST 54327, hồ sơ hành trạng của Dương Lâm.

[477] ANV-RST 31425, hồ sơ hành trạng của Phạm Văn Kỷ.

Đơn giản hóa bộ máy hành chính

Thắng lợi của các biện pháp cải cách đầu tiên tùy thuộc vào việc đơn giản hóa bộ máy hành chính. Đó là việc chuyển giao từng bước quyền hành chính và tư pháp của nha kinh lược sang phủ thống sứ Bắc Kỳ trong thời gian từ 1893 đến 1897. Mọi quyết định và thông tư của các quan tỉnh phải được thống sứ phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành. Thống sứ từ nay có thêm vai trò trọng tài trước đây thuộc về các quan kinh lược. Từ nay các lời khiếu kiện và toàn bộ các án quyết do các tòa án hỗn hợp hay bản xứ tuyên đều phải gửi thẳng sang thống sứ phê duyệt.

Kinh lược dần dần mất quyền quản lý hoạn lộ của các quan văn và các lại viên[478]. Các sắc văn trước đây do kinh lược chuyển cho đương sự nay phải được thống sứ Bắc Kỳ phê duyệt trước khi chuyển cho công sứ tỉnh để chuyển cho đương sự. Ngoài ra bắt đầu từ 1895 việc bổ nhiệm các lại viên được thống sứ Bắc Kỳ phê duyệt. Như vậy việc thăng chức không còn tùy thuộc vào kinh lược mà vào công sứ tỉnh.

[478] Ngoại trừ các nho không được xếp vào ngạch quan trường nhưng vẫn nhận được bằng chứng chỉ của kinh lược.

Cuối cùng việc khôi phục quyền hạn của quan lại phải đi đôi với quản lý chặt chẽ các quy chế quan trường. Việc chuyển giao hồ sơ hành trạng các quan lại giữa các cấp chính quyền không được tiến hành suôn sẻ. Các quan đầu tỉnh thường nhận xét đánh giá một cách qua loa đại khái năng lực từng người trong hệ thống quan lại, hay mang tính chủ quan thiên vị với những người được quan trên che chở, hoặc cùng một người lại có nhiều nhận xét khác nhau đối với cấp dưới. Đó là bấy nhiêu trở ngại không thể vượt qua đối với một quan chức ở phủ thống sứ lo lắng muốn xây dựng niềm tin vào số đông quan lại. Việc phục chức hay sử dụng lại một ông quan phạm lỗi quá dễ dàng hơn là luật pháp cho phép. Trước 1884 các thời hạn phục chức đều được quy định chặt chẽ mặc dù không phải lúc nào cũng được tôn trọng triệt để, quan phạm lỗi trong khi thi hành công vụ bị giáng chức phải hoàn thành một công việc đột xuất trong một thời gian quy định là ba năm để lấy công chuộc tội. Sau thời gian đó, viên quan đó có thể làm đơn xin thì được chấp nhận cho phục chức trở lại quan trường, bất kể công trạng như thế nào[479]. Thế mà trong khoảng thời gian từ 1884 đến 1896 vì có nhiều trung tâm ra quyết định và do thiếu quan để bổ sung cho các vị trí còn trống, thời gian lập công chuộc tội trong phần lớn các trường hợp đều ngắn hơn quy định. Vì vậy bắt đầu từ 1896, việc lập công chuộc tội trong các nhiệm vụ đột xuất được giao cho các quan phạm lỗi đã không còn ghi trong quy chế nữa. Từ nay, ai bị cách chức hai lần và bị hạ bốn trật sẽ bị xóa tên vĩnh viễn trên danh sách các quan. Chế độ kỷ luật phải được làm rõ. Một đạo dụ năm 1898 quy định bốn hình phạt tùy theo lỗi nặng, nhẹ và không còn bị đánh roi nữa, chỉ bị khiển trách và ghi vào hồ sơ, đình chỉ công tác nhưng vẫn giữ nguyên phẩm trật, và giáng cấp, cách chức, tước bỏ mọi phẩm hàm[480].

[479] Chiểu theo quy định năm 1876. DLTY tr.57.

[480] DLTY, tr.495.

Ngoài ra từ năm 1889, cho lập một ủy ban điều tra tập thể để hạn chế sức ép có nguồn gốc của vây cánh bè phái và nếu quan nào mắc tội tham nhũng hay bất tài sẽ bị đuổi ra khỏi quan trường không bao giờ cho phục chức nữa.

Cuối chương này, chúng ta hãy bỏ qua những yếu tố ngẫu nhiên đột xuất trong chính sách thuộc địa mà đặt cải cách quan trường trong phạm vi rộng hơn của toàn thể bộ máy nhà nước. Chúng ta có thể tùy ý tự hỏi xem cuộc vận động cải cách quan trường bắt đầu triển khai từ đầu những năm 1890 có phải là đoạn tuyệt thực sự hay ngược lại là sự tiếp nối một chính sách cai trị của các vị hoàng đế đầu triều Nguyễn. Phản ứng của người đương thời đối với việc bãi bỏ nha kinh lược Bắc Kỳ năm 1897 có phải là trước hết bênh vực cho chủ trương đoạn tuyệt với chính sách cai trị truyền thống không. Tại sao lại có dư luận phản đối của báo chí thuộc địa đối với chủ trương giải thể nha kinh lược? Phải chăng nếu không phải xếp xó hoàn toàn hệ thống cai trị bản xứ thì cũng ít nhất là giảm bớt số lượng quá đông các quan lại và hạn chế ảnh hưởng của họ không?[481] Nhưng nếu chỉ dựa vào các thái độ phản ứng, nhà sử học có thể lúng túng trước cuộc tranh luận gay gắt giữa hai chủ trương: trực trịbảo hộ mà đương thời được rất nhiều người quan tâm. Thật ra giải thể nha kinh lược và các cải cách đầu tiên nằm trong cuộc vận động rộng rãi hơn là nhà nước chiếm lại các quyền lực đang bị các thế lực ở ngoại vi thâu tóm dần. Việc phục hồi một quy chế thực sự cho quan trường bằng cách đánh giá đúng hơn, kiểm soát việc thăng quan tiến chức và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa vây cánh, được tiến hành không có lợi cho kinh lược mà cũng là chống lại toàn bộ các thế lực đang cạnh tranh với Nhà nước xuất hiện nhờ cuộc chinh phục. Vậy Nhà nước thuộc địa phải lập lại quá trình tập trung hóa và đơn giản hóa bộ máy hành chính đã được khơi mào từ thế kỷ XI. Chắc chắn rằng vào bước ngoặt của thế kỷ quá trình đó mới ở giai đoạn phác thảo. Nhưng từ thời kỳ này đã có những công cụ cho chính quyền trung ương kiểm soát thật sự toàn bộ quyền lực.

[481] ANV-RST 54843.