Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 7 - Phần 4

Hình 39 - Số lại viên ở các huyện bắc Việt Nam diễn biến từ 1896-1921

Nguồn: ANV-KL 2514-2524. ANV-RST 57382, 57386, 74877.

Một loại thứ hai khác hẳn các nhân viên ngoại ngạch kia, không thấy nói đến trong các thống kê thuộc địa, cũng tăng rất nhanh vào đầu những năm 1915-1920. Chắc hẳn các văn bản bị phân tán chia nhỏ khó cho việc lập danh sách theo từng địa hạt cai trị đã không cho phép chúng tôi đánh giá bằng những con số. Nhưng một công việc kiên nhẫn trên hồ sơ lưu trữ cũng cho phép chúng tôi nắm được tầm quan trọng của chúng. Các tài liệu lưu trữ đều gọi họ dưới những tên khác nhau: nho, học trò, người sao chép, nho kiết xác, nho phụ ngạch không phải trả công, nho không có lương, nhân viên tạm tuyển, nhân viên kín. Trường hợp Hà Đông là một thí dụ sáng tỏ về các loại nhân viên này. Ngày 1 tháng 12-1921 trong hội nghị quan chức họp hàng tháng, các tri phủ, tri huyện trong tỉnh đều thừa nhận nhân viên của họ hiện nay không đủ nên họ phải sử dụng những người giúp việc không phải trả lương. Người ta có thể nói đến hạ tầng song song (infrabureaucratie parallèle), các quan đều thừa nhận việc viết hồ sơ văn bản là rất quan trọng nên ngoài bốn nhân viên chính ngạch họ buộc phải sử dụng bốn người không phải trả công[648]. Gần hai mươi năm sau, số nhân viên này vẫn quá thừa nếu người ta tin vào một phóng sự của Vũ Trọng Phụng đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy. Tác giả ước số nhân viên ngoại ngạch là “từ tám đến mười người ở mỗi nha môn”. Có thể tác giả nói quá đi, nhưng phải chăng làm như vậy là cần thiết để làm cho độc giả phải xúc động về mức độ nghiêm trọng của vấn đề xã hội này[649].

[648] ANV-RST 57886.

[649] Vũ Trọng Phụng, “Một huyện ăn Tết”, phóng sự trong Tiểu thuyết thứ bảy, 246 (18/2/1939) trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1998), t.1, tr.621.

Trong đa số các trường hợp khi đã tiến hành điều tra đến nơi đến chốn thì thấy rõ những nhân viên ấy là người nhà hay bạn bè của các lại viên thực thụ hay của các quan huyện[650]. Cần phải nhắc lại ở Trung Quốc và ở Việt Nam thời tiền thuộc địa cũng có hiện tượng tương tự[651]. Năm 1829 Minh Mạng chẳng phải đã chỉ ra mối liên hệ giữa nguồn gốc địa lý của các lại và những trục trặc trong bộ máy hành chính đó sao? Đâu là những lý do đưa đến sự hình thành những hạ tầng song song của chế độ quan lại như thế? Phải chăng đó là những biện pháp ngặt nghèo đòi giảm nhẹ bộ máy hành chính[652], lại được tiến hành đồng thời một cách nghịch lý với cải cách hành chính và tư pháp, việc các nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều việc rõ ràng là một cách chống đối kém hiệu quả. Bị trói buộc trong những hạn chế về ngân sách, các viên công sứ đầu tỉnh không thể xin tăng thêm biên chế cho bộ máy giúp việc nên phải nhắm mắt làm ngơ trước việc các quan tri phủ, tri huyện tuyển dụng những người phụ việc không lương.

[650] ANV-RST 57886.

[651] “Tất cả những người này (nghĩa là nha lại), về lý thuyết đã được các quan bổ nhiệm hay xác nhận, trên thực tế đã xuất hiện trong xã hội địa phương bằng ‘bầu cử’ hay tuyển lựa bổ sung, mua bán ảnh hưởng và vô vàn thói tục khác”. Will, P.-É, Bureaucratie et famine en Chine au XVIIIè siècle, (1980), tr.86.

[652] Cũng vậy, tháng 10/1921 những dự kiến của thống sứ Bắc Kỳ đã đưa đến việc giảm 34% số thừa phái của tỉnh Hà Đông. ANV-RST 57386.

Hai đạo dụ của triều vua Tự Đức thứ ba mươi lăm (1882)[653] và năm Thành Thái nguyên niên (1889), thêm một quyết định của kinh lược (1897) và một thông tri năm 1904 của thống sứ Bắc Kỳ, đã ngăn cấm các quan không được tuyển nhân viên phụ việc không lương, tức là bốn văn bản trong vòng hai mươi hai năm. Không có bằng chứng nào rõ hơn về sự bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam và Pháp thời đó. Vấn đề xem ra không giải quyết được như một thông tư của thống sứ Bắc Kỳ ban hành tám năm sau đó, nhắc lại một văn bản năm 1904 và thể hiện sự mệt mỏi của các nhà cầm quyền:

Bản chức (thống sứ Bắc Kỳ) yêu cầu các ông nhắc nhở các quan bản xứ trong tỉnh rằng đạo dụ năm Thành Thái nguyên niên (1889) cấm sử dụng những nho không lương vẫn có hiệu lực (…). Các ông hãy đưa ra những huấn lệnh cần thiết để các phủ, huyện không thể dung thứ sự có mặt của các nhân viên bất hợp pháp này không được chính quyền công nhận[654].

[653] Đặc biệt nhằm vào các thư lại ngoại ngạch tại các nha môn ở kinh đô và các tỉnh. TL, kỷ IV, q.68, t.35, tr.147.

[654] ANV-RST 57886.

Cuối những năm 1930, báo chí cũng tố giác nạn hối lộ và những chuyện lộn xộn tại các làng gắn với các nho lại như hai bài báo của Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố. Hai ông thừa nhận rằng không thể ngăn chặn hiện tượng này[655] vì không thể đặt thêm các chức vụ mới. Nhưng đó không phải là lý do chủ yếu: chỉ riêng việc những công dân chân chính ý thức được quyền lợi chính đáng của mình là có thể gây trở ngại cho số nhân viên bất hợp pháp này. Cũng như vậy càng dễ hiểu cuộc chiến của các nhà văn canh tân đấu tranh cho việc phổ cập giáo dục ở nông thôn.

[655] “Chính phủ Pháp thừa biết rõ cái đoàn thể ấy, nhưng phải nhắm mắt làm ngơ, vì thiếu họ, công việc giấy má hồ sơ của quan không thể nào chạy được. Và nếu phải thuê người, Nhà nước không lấy tiền đâu mà thuê được”. Vũ Trọng Phụng, “Một huyện ăn Tết”, trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng(1998), sđd, t.1, tr.622.

“Vì hiểu thấu sự nhũng lạm ấy, mấy năm trước, quan trên đã ra lệnh cấm ngặt bọn ‘nho’ ở các nha môn phủ, huyện, bắt nha lại phải làm lấy hết thảy những công việc mà mình có quyền hành trách nhiệm. Lệnh ấy thi hành trước tiên tại tỉnh Hà Đông được một độ vắng những hạng đầu trâu mặt ngựa ấy, dân cũng được đôi phần dễ chịu, nhưng rồi sau vì không có sự kiểm soát nghiêm ngặt mà cũng một phần bởi chính sách tiết kiệm của chính phủ, nên thiếu viên chức làm việc, nhờ có bọn ‘nho’ đỡ tay thay việc được nhiều, cho nên bọn ấy dần dần lại xuất hiện ở các nha môn cũ”. Đạm Hiên (Ngô Tất Tố), “Chúng tôi rất khó chịu với bọn nho ở các phủ huyện”, trong Ngô Tất Tố toàn tập, (1996), t.1, tr.307-311.

Sự bất lực không xóa bỏ được việc “tuyển dụng từ cơ sở”[656], theo lời một quan chức Pháp năm 1921, đã phụ họa cho sự phân tích của Pierre-Etienne Will về tình hình tương tự ở Trung Quốc, đánh dấu cùng một sự bất lực của chính quyền trung ương không kiểm soát được cơ sở hạ tầng của chế độ quan lại[657]. Mưu toan muốn kiểm soát phải thỏa mãn hai đòi hỏi cấp bách: cải tiến trình độ thành thạo trong công việc, đấu tranh chống tham nhũng.

[656] Theo cách nói của công sứ Tuyên Quang. Thư (16/6/1921) gửi thống sứ Bắc Kỳ, trong ANV-RST 57386.

[657] Will, P.-É., Bureaucratie…, sđd, tr.85.

Việc phát triển một cơ sở hạ tầng song song của chế độ quan liêu là do tác động của hai nhân tố: tính cách chọn lọc nghiêm ngặt của các cuộc thi tuyển dụng nhân viên cho các quan đặt ra năm 1907, và việc các lại viên tuổi cao không thích nghi với công việc. Các thư lại cao tuổi này được đào tạo trong các trường dạy chữ Hán, không biết quốc ngữ hay không quen với chữ viết này, để nhanh chóng sử dụng trong công việc và không thể thích nghi với các phương pháp hành chính mới. Không thể coi thường tầng lớp lại viên này chiếm 10% tổng số thuộc lại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Phú Thọ năm 1921[658]. Vì vậy các lại viên phải nhờ đến các khóa sinh trẻ thi trượt trong các khoa thi hương. Việc trẻ hóa đội ngũ nha lại ở các phủ huyện khó thực hiện vì những lý do chính trị. Thay thế việc tuyển dụng ưu tiên những người tỏ ra trung thành với người Pháp hơn là trình độ thành thạo công việc hành chính, là do yêu cầu về ổn định chính trị. Nhưng nhiều năm liền ổn định chính trị chưa thiết lập được. Chứng cớ là phong trào chống thuế năm 1908 ở các tỉnh miền Trung, âm mưu chống Pháp của Trần Cao Vân đã lôi kéo được Hoàng đế Duy Tân năm 1916 và vụ bạo động ở trại lính Yên Bái năm 1917[659]. Chẳng hạn như năm 1921, các quan chức Pháp đã công khai bày tỏ thái độ ngập ngừng do dự của họ không muốn đột ngột xa lánh những lại viên già đã bắt đầu sự nghiệp của họ từ lúc còn đang diễn ra cuộc chinh phục. Nhưng sự cần thiết phải bảo vệ hạt nhân của bộ máy hành chính gồm những người trung thành với chính quyền Bảo hộ không phải là vấn đề duy nhất. Trong suy nghĩ của các công sứ Pháp còn có vấn đề phải có thái độ nể trọng nhóm trợ thủ, do tính chất công việc sẽ có vị trí tốt nhất để nhận thức được ảnh hưởng của chính sách kinh tế của các nhà cầm quyền thuộc địa như công sứ tỉnh Hải Dương đã nhận xét không úp mở:

[các lại] có thể hàng ngày nhận thấy những nỗ lực của chính quyền thuộc địa đang đem lại thu nhập ngày càng nhiều[660].

[658] Đây là những lại viên mà quan chức Pháp và quan tỉnh đòi phải rời khỏi bộ máy hành chính năm 1921. Tuổi của họ dao động giữa 55 và 60 tuổi và thời gian làm việc trung bình là 21 đến 30 năm. ANV-RST 57386.

[659] Về những biến động chính trị và xã hội, xem Hémery D.,Résistance, nationalisme, mouvements sociaux (1900-1939), trong Brocheux P, Hémery D. Indochine, la colonisation ambiguë…, sđd, tr.275-304.

[660] ANV-RST 57379. Suppressions d’emplois dans le personnel de l’administration indigène (1895-1900).

Thế nhưng, những người này không phải không phản ứng gì trước chủ trương giảm nhân sự: năm 1899 tại Bắc Ninh giảm đột ngột 80% biên chế của các lại mục, khiến họ phải gửi một bức thư dài cho công sứ[661]. Nỗi lo sợ có biến loạn của các quan và lại nói riêng đã khiến cho nhà chức trách Pháp phải có thái độ thận trọng hơn: không tiến hành ồ ạt ngay một lúc việc bãi bỏ các chức trách hay cho lại nghỉ hưu mà ngắt quãng từng thời gian cách xa nhau, tránh cho nghỉ việc một cách đột ngột để khi trở về quê quán họ không tủi hổ với họ mạc dân làng, gây khó khăn cho việc sắp xếp ngôi thứ trong làng. Cho lại nghỉ việc một cách đột ngột nhiều khi được các quan chức Pháp cho là một việc làm thất sách, “vô chính trị”[662].

[661] Như trên.

[662] Thư ngày 18/7/1899 của công sứ Sơn Tây gửi thống sứ Bắc Kỳ, trong ANV-RST 57379.

Ngoài cách dùng những tục ngữ ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc để nói về nạn tham nhũng trong hàng ngũ nha lại, cần phải tháo gỡ các cơ chế tham nhũng rồi phân tích nguyên nhân: nha lại ở quá lâu một vị trí công tác, sự bén rễ của các nhân viên không chính thức và trả lương thấp.

Cuối thế kỷ XIX các lại mục chính thức không bén rễ mấy ở các phủ, huyện. Nói một cách khác số lại làm việc ở các phủ hay huyện là sinh quán của họ rất ít[663]. Nhưng người ta không thể bằng lòng với lý lẽ phân tích này vì hai lý do: việc tôn trọng nguyên tắc hồi tỵ không có nghĩa là tính cơ động về mặt địa lý đối với lại viên chính thức là rất cao; mặc dù bị các quan tỉnh và công sứ Pháp chỉ trích, nhưng các lại mục thường được làm ở một vị trí ổn định rất lâu[664]. Ngoài ra các nhân viên bất hợp pháp do tính chất tuyển dụng họ nên không bị quy định trên ràng buộc. Đa số các trường hợp, nhân viên bình thường là dân địa phương, thường làm việc chính ở nơi sinh quán của họ.

[663] Có 10 trường hợp trên tổng số 718 trong năm 1896.

[664] Quy định năm 1836 bắt buộc sau 3 tháng phải thuyên chuyển các lại ở các phủ, huyện rõ ràng đã bị xếp xó trong thời kỳ thuộc địa. DLTY, tr.123.

Công việc của các lại viên khiến cho người làm chức vụ này có đôi chút quyền uy đối với dân làng, nếu không nói đến uy tín thì ít nhất cũng có lợi lộc. Lương thấp nên phải có những lạm dụng bổ sung vào, điều đó không tránh được. Đầu thế kỷ XX cũng như giữa thế kỷ XIX, công việc hành chính đem lại cơ hội để có những hành vi gian lận nhỏ nhặt cho những nha lại làm việc ở các phủ huyện, mặc dù có những quy định nghiêm ngặt. Theo quy định những nhân viên lạm quyền không những bị trừng phạt nặng mà còn quy trách nhiệm cho cấp trên phụ trách. Chẳng hạn như một lại viên của Cao Xuân Dục đã cưỡng đoạt sáu mươi quan tiền ở một làng. Việc bị tố giác, chính Cao Xuân Dục bị hạ hai trật và phải đổi đi nơi khác năm 1888, vì ông đã chểnh mảng trong việc thử thách đạo đức của nhân viên dưới quyền. Tương tự như vậy, tháng 10/1892, tri huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) là Đặng Huy Hồ đã cho lại viên của mình tịch thu một con trâu trong một làng vì không chịu thanh toán các khoản thuế nộp chậm. Không báo cho quan trên, lại viên nọ đã bán con trâu tịch thu được rồi mua một con trâu nhỏ hơn dắt về trình quan. Viên tri huyện sau khi bị tố giác đã phải hạ một trật nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ ở vị trí cũ (giáng nhất cấp lưu) vì ông đã không xem xét và trừng phạt lại viên phạm lỗi[665].

[665] ANV-KL 2514, tờ 23. Patris Ch, “Notice nécrologique de S.E. Cao Xuân Dục”, sđd, tr.455.

Đâu là những cơ chế dẫn đến tham nhũng? Làm đường xá, lập bộ thuế, bầu lý trưởng, tuyển lính khố xanh: đó là bốn cơ hội tạo thuận lợi nhất cho những khoản thu bất chính như “tiền giấy bút”, “tiền tem” hay “tiền trình” (đơn từ kiện cáo). Điển hình là vụ tri phủ Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, xảy ra năm 1912. Chắc chắn đây là trường hợp cá biệt, vì đã có mười bốn trong tổng số hai mươi làng khiếu nại với nhà chức trách tỉnh, và sau đó toàn bộ nhân viên thừa hành phải đổi đi tỉnh khác, sau khi quan tuần phủ điều tra thực hư[666]. Tuy nhiên việc này cho biết có rất nhiều kiểu tham nhũng. Chỉ riêng lập bộ thuế cho tháng chạp năm 1911 đã phát hiện tham nhũng 98,5 đồng, tương đương với ba tháng lương của một lại mục, trên năm tháng lương của một thông lại thứ nhất và trên ba tháng lương của một thông lại thứ hai. Còn đối với nho, anh ta tham nhũng một số tiền tương đương với một tháng lương của lại mục. Việc trả lương còm cõi đối với các nhân viên trong biên chế chính thức là một động lực chủ yếu cho những hành vi tham nhũng của các lại, mà một thế kỷ trước vua Minh Mạng đã lên án chỉ tên bằng những từ ngữ tương tự trong những tình huống tương tự.

[666] ANV-RST 31163, hồ sơ hành trạng của Đoàn Thế Tăng.

Cần phải trả lương khá hơn các quan chức để chặn đứng tham nhũng đã được tính đến từ lâu trước thời kỳ thuộc địa. Sau khi Pháp chinh phục Việt Nam, các quan cao cấp cũng đã từng lên tiếng yêu cầu nên trả lương khá hơn cho quan chức các cấp như đã chứng tỏ một bức thư của kinh lược Nguyễn Hữu Độ gửi tổng trú sứ năm 1887[667]. Tuy nhiên việc xem xét thang lương giữa những năm 1899-1928 cho biết chỉ có các quan đứng đầu địa hạt là được hưởng tăng lương. Khoảng cách lương danh nghĩa giữa một tri huyện với một nhân viên trong biên chế của phủ hay huyện khi mới vào nghề là 1 đến 10 giữa 1899 và 1919, đã được khắc phục muộn màng. Năm 1923 khoảng cách là 1-8, năm 1928 là 1-5[668]. Các nhân viên thấy như bị xúc phạm nặng trước sự thờ ơ của nhà cầm quyền, nhất là điều kiện của các bạn đồng liêu làm việc trong các cơ quan chính quyền bảo hộ thì được cải thiện như Jean Tardieu năm 1928 đã viết:

Một người An Nam làm nhân viên cấp thấp trong cơ quan chính quyền Pháp chắc chắn là giàu có, sung sướng hơn là một nha lại làm việc cho một ông quan[669].

[667] ANV-RST 57395.

[668] Như trên.

[669] Tardieu, J., Lettre de Hanoi, (1997), tr.22.

So sánh lương cho biết sự bất bình đẳng giữa hai hạng viên chức: lương trung bình của một cần vụ (planton) cao hơn nha lại (thừa phái) 20%.

Hình 40 - So sánh quá trình tăng lương của một nha lại (thừa phái) và một cần vụ (planton) theo thâm niên trung bình

Nguồn: Số liệu trong ANV-RST 57396. Requête tendant à obtenir le relèvement de soldes en faveur des thông phán et thừa phái (1920).

Chúng ta hãy thử bổ sung sự phân tích trên bằng việc trả lương thực tế mặc dù việc đó phức tạp hơn. Một bản nhận xét năm 1920 cho chúng ta một chỉ dẫn đầu tiên. Nguyễn Hữu Ích tuần phủ Sơn Tây ước tính chi tiêu hàng tháng của một nha lại và cả gia đình là 31 đồng. Biết rằng năm 1920 lương tháng của một nha lại là mười hai đồng khi mới đi làm, và ba mươi đồng là mức trần khi về hưu, người ta tính được mức sống của người ấy bấp bênh như thế nào[670]. Lương của nha lại trong biên chế đã thấp lại càng khuyến khích nhân viên ngoại ngạch tham nhũng. Loại thứ nhất thường ép buộc loại thứ hai phải chia cho họ một phần thu nhập bất chính. Việc gia tăng các nhiệm vụ gắn với cải cách hành chính và tư pháp không phải là nhân tố chủ yếu làm tăng thêm bộ máy quan liêu song song. Lương thấp cũng là một nhân tố kích thích tham nhũng khá mạnh. Một khi cuộc chinh phục đã xong, tình cảnh các lại càng khó khăn trước triển vọng của nghề làm lại không mấy sáng sủa.

[670] Viên quan này nói rõ gia đình trung bình có 5 người: chồng, vợ, 2 con và 1 đầy tớ. ANV-RST 57396.

Quan lại nhiều lên và già đi

Thực tiễn pháp lý của việc cải tổ bộ máy quan lại không che lấp những trở ngại và khó khăn trong khi triển khai. Biểu hiện của chúng như thế nào? Ngoài việc không kể biên chế nhân viên đã quá nặng nề, tình trạng ứ đọng của các quan thể hiện trên ba mặt sau:

- Trong mỗi chức vụ, số các quan cũng đã quá nhiều, gắn với tình trạng biên chế nặng nề về hành chính. Chẳng hạn như đến tháng 11/1905, 35% huấn đạo ở các huyện (29/83) đã làm việc được 8 năm, và 36% tri huyện đã có 6 thâm niên chức vụ.

- Tuổi trung bình các học quan cao. Năm 1910: 20% tổng số các học quan (29/145) đã trên 55 tuổi, tức 43% (6/14) đốc học, 28% (9/32) giáo thụ, và 14% (14/99) huấn đạo[671].

[671] Cần nói rõ hơn: 3 đốc học đến tuổi 60; 8 đốc học trên 60 tuổi, và 3 đốc học 65 tuổi; 9 huấn đạo trên 60 tuổi, 1 đã 67 tuổi và 1 người khác 70 tuổi.ANV-RST 46464.

- Số các quan sẵn sàng chờ tái bổ rất đông.

Lý do của những tình trạng ứ đọng là gì? Hình như nhà chức trách thuộc địa cảm thấy khó mà đẩy đi một cách đột ngột những người trung thành nhất với họ trong các cuộc hành binh chinh phục và “bình định”. Chẳng hạn những ai tỏ ra không làm được việc thì không bị thải hồi mà chuyển vô thời hạn sang danh sách những quan chờ tái bổ.

Những quan chức tuy được nhận xét tốt lúc mới đi làm quan như tri phủ hay tri huyện, thấy con đường thăng quan tiến chức của họ chậm lại, thậm chí ngừng lại vì họ bất lực không triển khai được cuộc cải lương hương chính hay tư pháp. Họ không học quốc ngữ cũng không học chữ Pháp, và cũng không đi học trường sĩ hoạn. Việc không thích hợp với nhiệm vụ mới hiện lên rõ rệt ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng được coi như địa bàn thử nghiệm tiến trình cải lương hương chính và tư pháp như Hà Đông, Thái Bình. Cũng như vậy, Đàm Quang Phượng tri huyện Cát Hải từ 1896 đến 1907, đã là một quan cai trị sáng giá trong địa hạt cai trị của mình. Ông có biệt tài hòa giải các cuộc tranh chấp giữa thương chính và dân làm muối, đặc biệt trong các vùng muối Nghiêu Phong[672]. Nhưng khi đổi về Thái Bình làm tri huyện, tuổi đã quá cao (năm chín tuổi) với hai bảy thâm niên, ông tỏ ra hoàn toàn không thích hợp với nhiệm vụ mới được giao. Ông không tiếp thu được các phương pháp làm việc mới ở một tỉnh làm thí điểm cuộc thử nghiệm những thiết chế mới, như tổ chức tương tế, hộ tịch, bầu tộc nghị[673]. Trường hợp của Phạm Duy Thanh tri huyện Phú Xuyên, và Đào Trọng Vận tri phủ Ứng Hòa cũng vậy, họ không đủ khả năng thực hiện cuộc cải cách tư pháp năm 1920[674].

Cuối cùng, các quan ngạch học chính nào không học ban sư phạm của trường sĩ hoạn, cũng không có khả năng đào tạo theo những chương trình mới đưa vào các trường. Sau khi bãi bỏ các khoa thi chữ nho, khá nhiều giáo thụ và huấn đạo không còn ai học để có thể dạy chữ Hán. Vai trò của họ giới hạn vào việc thanh tra theo định kỳ các trường tổng[675].

[672] ANV-RST 31123. Hồ sơ hành trạng của Đàm Quang Phượng.

[673] Như trên.

[674] ANV-RST 54723.

[675] ANV-RST 55397. Utilisation des services des mandarins du cadre de l’enseignement soit dans les fonctions administratives soit dans le cadre des professeurs ou instituteurs (1916-1918).

Nhà chức trách thuộc địa đã cho thi hành những biện pháp gì để khắc phục tình trạng ứ đọng nói trên? Những biện pháp triệt để nhất như cho về hưu đồng loạt nhiều quan chức hay cho nghỉ việc một cách đơn giản, đã bị giới hữu trách của Pháp lên án vì bị coi là tùy tiện. Thêm nữa, nhà cầm quyền đều gắn với các quy định do chính họ xây dựng nên. Trừ phi mắc lỗi nặng về nghề nghiệp, một viên quan tuổi cao có thể cho nghỉ hưu theo tỷ lệ hoặc cho nghỉ mất sức. Bản thân việc cho nghỉ hưu là một quyết định cá nhân và nên tiến hành thận trọng. Trong những năm tiếp sau biến cố năm 1908, người ta sợ phong trào phản kháng của văn thân lại nổi dậy như khi bãi bỏ nha kinh lược Bắc Kỳ năm 1897. Năm 1907 hội đồng cải tiến giáo dục bản xứ đã đề nghị thành lập một tiểu ban gồm có các công chức Pháp giỏi tiếng Việt để đánh giá lại toàn bộ các học quan đang tại chức. Các quan ngạch học chính nào đã ở tuổi 50 có 15 năm công tác, được đánh giá là không đủ khả năng được cho nghỉ hưu theo tỷ lệ. Năm 1910 đề nghị này đã bị tiểu ban cải cách hành chính bản xứ nhất trí bác bỏ[676]. Tương tự như vậy, hai năm sau toàn quyền Đông Dương lại bác bỏ một đề nghị giảm 61% (89/145) tổng số học quan. Trong cả hai trường hợp, việc bác bỏ là sợ “phe đảng của những người bất mãn” tức là đảng các nhà khoa bảng không có việc làm và của các quan sẵn sàng chờ bổ nhiệm[677].

[676] Biên bản kỳ họp thứ hai của tiểu ban cải cách hành chính bản xứ (26/10/1910), trong ANV-RST 46464.

[677] Chúng tôi đã tính tỷ lệ phần trăm từ các số liệu do toàn quyền Đông Dương đưa ra. Cụm từ “phe đảng của những người bất mãn” là của toàn quyền Đông Dương. Thư (3/2/1912) của toàn quyền Đông Dương gửi thống sứ Bắc Kỳ trong ANV-RST 46464.

Đưa vào vị trí với quyền hạn hạn hẹp các quan thuộc ngạch học chính được các quan tỉnh giao cho các công việc phụ về hành chính một phần tại các phủ huyện, một phần khác tại các dinh quan tổng đốc, tuần phủ ở tỉnh. Nhưng với các chức danh khác nhau như thương tá ở tỉnh, thương tá ở phủ và trợ tá ở phủ và huyện. Ngoài lý do không để các học quan đó ngồi không ăn lương, còn một lý do nữa được các quan tỉnh đưa ra để sử dụng họ như những phụ ngạch. Có phẩm trật cao hơn các lại mục và thông lại, họ thích hợp hơn trong việc thực hiện một vài nhiệm vụ hay điều tra do quan tri phủ hay tri huyện ủy quyền. Họ làm cho các thân hào kỳ mục ở các xã nể sợ hơn là những nha lại bình thường, theo cách nói của tổng đốc Nam Định. Một lý do thứ ba nữa có thể được đưa ra. Căn cứ vào những đợt giảm biên chế liên tiếp đối với các lại ở phủ và huyện, giải pháp này được bản thân các quan đưa ra như là nhất thời. Nó cho phép bảo đảm thực hiện một số lớn nhiệm vụ gắn với sự phát triển các dịch vụ công, những nhiệm vụ mà các quan tỉnh, phủ hay huyện không thể bảo đảm với số nhân viên quá ít ỏi như đã chứng tỏ trong khá nhiều thư của các quan. Ngoài ra công việc tại các phủ huyện tăng gấp đôi trong mùa mưa lũ hay thu thuế, điều này đã xác nhận sự cần thiết phải huy động những nhân viên phụ việc[678].

[678] ANV-RST 55397.

Việc cai trị khó khăn ở các vùng lam chướng

Phân tích hoạn lộ của các quan đương nhiệm ở một số vùng lam chướng tại các tỉnh thượng và trung du ngoại vi châu thổ sông Hồng cho biết những khó khăn của nhà chức trách thuộc địa trong việc tuyển dụng nhân sự thích hợp. Việc đào tạo con em các thổ hào địa phương để làm việc theo các phương pháp hành chính mới xem ra rất chậm phát huy hiệu quả. Nói một cách khác, học sinh các trường trung học dành cho Thanh niên Thái và trường Bảo hộ quá ít để thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng. Việc kế tục các chính sách của giai đoạn tiền thuộc địa ở đây là đáng kể: Minh Mạng đã từng ban dụ nói rằng con em các thổ hào địa phương phải được vào học ở trường Quốc tử giám và nhà vua đã gặp những vấn đề khó khăn giống như hiện nay.

Do người Kinh thường e sợ không muốn lên làm phận sự ở vùng mạn ngược nên cần quan đầu tỉnh và công sứ ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng thường xuyên chuyển lên vùng thượng du những viên tri huyện bị đánh giá là vô kỷ luật, bất tài hoặc về chính trị có thái độ thù nghịch với nhà cầm quyền thuộc địa[679], lên những miền lam chướng[680]. Kế tục chính sách từ trước khi có chính quyền thuộc địa, tuần phủ Thái Nguyên là Nguyễn Đôn Bân và Conrandy, công sứ tỉnh này, năm 1902 đã đề nghị thăng chức nhanh cho các quan ở các miền lam chướng nhằm đảo ngược hình ảnh về các nhiệm sở đó, để không còn bị coi là những nơi thất sủng, nơi lưu đày, mà là bàn đạp để:

Các viên quan trẻ tuổi có nhiều tham vọng muốn được thăng tiến nhanh, như nhiều khóa học sinh trường hậu bổ đã cung cấp cho chúng ta[681].

[679] Xem trường hợp của Nguyễn Thiện Kế đổi lên Yên Bái, xem đoạn dưới.

[680] Từ ngữ do tuần phủ Thái Nguyên là Nguyễn Đôn Bân đưa ra trongANV-RST 31537, hồ sơ hành trạng của Trần San.

[681] ANV-RST 31537.

Đề nghị này đến năm 1912 lại được chấp thuận: một số lớn nhiệm sở chính thức được liệt vào loại miền lam chướng, và với danh nghĩa đó, các quan đến làm việc tại đây từ nay được thăng quan tiến chức nhanh hơn.

Bảng 34 - Các nhiệm sở được liệt vào miền lam chướng năm 1912

Tỉnh

Nhiệm sở

Bắc Giang

châu Hữu Lũng, phủ Yên Thế, huyện Sơn Động

Bắc Cạn

toàn tỉnh

Hà Nam

châu Lạc Thủy

Hòa Bình

toàn tỉnh

Phú Thọ

phủ Đoan Hùng, châu Yên Lập và Thanh Sơn

Ninh Bình

phủ Nho Quan và huyện Yên Hòa

Hải Ninh

toàn tỉnh trừ tỉnh lỵ

Lạng Sơn

Quảng Yên

huyện Yên Bác

Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên

toàn tỉnh

Yên Bái, Lào Cai

Các đạo quan binh

tất cả các nhiệm sở

Nguồn: Nghị định 18/4/1912 của thống sứ Bắc Kỳ. Một nghị định khác ngày 3/9/1912 bổ sung toàn tỉnh Tuyên Quang vào danh sách này. ANV-RST 13655,46464.

Chuyên nghiệp hóa và trung lập hóa: đó là những nguyên tắc chỉ đạo của cuộc cải cách mà nét chủ yếu là duy trì tính liên tục của vương quốc Việt Nam xưa. Nhưng liệu cuộc cải cách có làm thay đổi cách cai trị của các quan phủ, huyện không. Không chắc!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3