Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 8 - Phần 1
Chương 8
SỰ VẬN HÀNH CỦA BỘ MÁY QUAN VÀ LẠI
Dưới thời Nguyễn trước 1884, quan được xác định là một nhà cai trị chung chung của chính quyền, một nhà “quản lý xã hội” như ngày nay người ta thường gọi[682]. Đến đầu thời kỳ thuộc địa thì như thế nào? Hệ thống quan lại có còn hoàn toàn cần thiết cho xã hội không? Nó có chống lại việc chuyên môn hóa không? Thoạt tiên, người ta dễ bị cuốn hút bởi câu trả lời phủ định cho hai câu hỏi đó. Với các quan tỉnh ở Bắc Kỳ người ta có thể khẳng định một cách chính đáng rằng ngay từ đầu thế kỷ XIX, chức vụ quan tỉnh không cần thiết cho xã hội nữa. Dưới thời toàn quyền Paul Doumer, vị trí của các quan tỉnh đã chấm dứt và chỉ dần dần thiết lập lại dưới thời Paul Beau. Những quyền hạn chủ yếu của họ đã chuyển sang các công sứ Pháp ở các tỉnh. Nhưng ở phủ và huyện có theo một tiến trình tương tự không? Thoạt đầu hình như những thay đổi trong quy chế quan lại đã chứng tỏ những người chủ trương cải tổ quan trường là đúng. Theo họ việc chia ba loại quan: hành chính, tư pháp, học chính theo mô hình Trung Hoa cùng thời đó có thể coi như phá vỡ thể chế quan trường[683]. Song song với nó là các quan dần dần trở thành công cụ trong tay các công sứ Pháp ở các tỉnh.
[682] Cũng như ở Trung Hoa, theo cách diễn đạt của Etienne Balazs. Xem Balazs, E., La bureaucratie céleste, sđd, tr.36.
[683] Thực tế mãi sau này mới chia làm hai loại quan hành chính và quan tư pháp (Dụ 17/6/1923) và chỉ ở cấp tỉnh, loại trừ cấp phủ, huyện. Đạo dụ 16/7/1907 và dụ năm 1923 không đả động đến tính thống nhất quyền hạn của các quan phủ, huyện. Quan tòa bậc 1 vẫn là đứng đầu địa hạt hành chính. Xem Đỗ Xuân Sáng, Les juridictions mandarinales - Essai sur l’organisation judiciaire du Tonkin, (1938), tr.101-105.
Nhưng dựa vào các hồ sơ hoạn lộ của các quan cũng như sổ sách lưu trữ của các làng ở Bắc Kỳ, chúng ta thấy trong thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1920, các quan tri phủ và tri huyện không phải là ăn không ngồi rồi, mà trái lại đóng vai trò chủ yếu trong bộ máy cai trị thời bấy giờ. Cuộc cải cách hành chính càng làm cho nhiệm vụ của các quan trở nên đa dạng và nặng nề thêm.
Chúng ta hãy lần lượt xem xét các lĩnh vực khác nhau của chính quyền cấp phủ, huyện lúc này. Trước thời kỳ thuộc địa, các tri phủ và tri huyện chỉ đề nghị hoặc quyết định việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các nha lại dưới quyền, giám sát hạnh kiểm của họ, thúc đẩy thu thuế, đảm bảo việc phân bổ thuế, kiểm tra giám sát việc miễn giảm thuế, thực hiện các lễ tiết, khuyến khích việc học, coi sóc việc tuyển mộ binh lính, bảo dưỡng đường xá giao thông và xử án. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, tiếp sau các cuộc cải cách, phạm vi can thiệp của các quan huyện được mở rộng: xây dựng ngân sách xã, tìm người xin phép độc quyền rượu và thuốc phiện, tuyên truyền khi thay đổi chế độ tiền tệ, chống dịch bệnh thổ tả, đậu mùa, tìm người bị bệnh phong để đưa đi tập trưng điều trị, thi hành các biện pháp chống dịch động vật. Ngoài ra các nhiệm vụ truyền thống như tư pháp, cảnh sát trị an, thuế, trở nên đa dạng hơn và phát triển thêm: chuyển giao giấy tờ quân sự; trợ cấp các gia đình có người đi lính; triệu tập đương sự cho các cấp chính quyền xử lý; chuyển giao tìm kiếm những người có liên can để thanh toán giấy gọi ra hầu tòa; tìm những người Việt Nam bị kết án để thu án phí và tiền phạt; điều tra khi có những chuyện bất thường trong việc đăng ký các loại giấy tờ “bản xứ”; điều tra để trả tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại trong quá trình tu bổ đường xá và đê điều; trấn áp việc nấu và buôn bán rượu lậu và thuốc phiện lậu; quản lý những sự cố xảy ra trong việc khám xét; thi hành án.
Nhà chức trách Pháp bị phụ thuộc vào bộ máy quan lại ở cấp địa phương. Nói một cách khác các quan chức Pháp thấy bất lực không thể làm tròn nhiệm vụ kể cả những nhiệm vụ mới nhất trong việc cai trị ở địa phương. Năm 1921 công sứ Hà Đông khẳng định:
Tất cả đều lên huyện. Tất cả mọi việc về quan hệ với dân chúng đều dồn lên quan tri phủ hoặc tri huyện để giải quyết qua trung gian công sứ Pháp[684].
[684] ANV-RST 57386. Circulaire sur la réduction du personnel de l’administration indigène, réponses des chefs de provinces (1921).
Thực thi quyền lực của quan: vừa làm trọng tài vừa điều khiển
Cho đến đầu thế kỷ XX, tính chất công việc của quan cai trị như thế nào? Trọng tài, thúc đẩy, điều khiển, thông tin đó là những phương thức hành động của quan tri huyện nổi lên khi nghiên cứu hồ sơ các làng xã Bắc Kỳ còn lưu giữ được đến nay. Vả lại hai tính chất đầu nói lên tính độc đáo của truyền thống cai trị Hoa-Việt.
Ảnh 12 - Đồ đạc trong phòng làm việc của quan huyện dưới triều Tự Đức
Nguồn: Trung tâm lưu trữ Đà Lạt. Phông toàn quyền Đông Dương A.1015
Ảnh 13 - Công đường quan huyện (đầu thế kỷ XX)
Nguồn: Hà Nội. Sưu tập cá nhân
Công việc trọng tài
Tri huyện là người hàng ngày phải điều hòa những lợi ích khác nhau trong cộng đồng xã hội. Biết cai trị trước hết là biết dàn hòa các mâu thuẫn về lợi ích, trong nội bộ dân làng với nhau, giữa dân làng này với dân làng khác, và thêm nữa là giữa nhà nước và lợi ích địa phương. Trong trường hợp thứ nhất, những sự xích mích xảy ra giữa các cộng đồng nhỏ trong một làng chứ không phải giữa các cá nhân người làng với nhau. Quan tri huyện phải tìm cách ngăn chặn xu hướng ly tâm, phân rã, nảy sinh trong cộng đồng, củng cố khối đoàn kết trong cộng đồng theo tình làng nghĩa xóm với nhau.
Khai thác các bãi bồi ven biển, bàn giao ruộng cúng tế, lấn chiếm đất công: vấn đề ruộng đất là nguyên nhân chủ yếu của các xung đột địa phương.
Các huyện ven biển thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Yên là những địa điểm quan sát lý tưởng. Cai trị những vùng này là một công việc tế nhị đối với quan phủ, huyện ở đây. Vì đó là những dịp thử thách khả năng làm trọng tài giữa các lợi ích mâu thuẫn nhau - giữa nông dân làm ruộng và diêm dân (làm muối), giữa diêm dân với thương chính, giữa giáo dân (dân công giáo) và lương dân không theo đạo nào hoặc theo phật giáo. Việc chiếm hữu đất đai và nghĩa vụ nộp thuế là trung tâm của các mối xung đột.
Hãy nhớ lại quá trình khai thác miền nam châu thổ sông Hồng từ cửa sông Thái Bình đến huyện Nga Sơn, bao gồm các huyện Tiền Hải, Kim Sơn, tổng Hoành Thu và Ninh Nhất từ trước khi người Pháp có mặt ở vùng này. Mặc dù đất đai màu mỡ nhờ phù sa sông Hồng, cho đến cuối thế kỷ XVIII ruộng đất các huyện Tiền Hải và Kim Sơn vẫn để hoang hóa. Đây cũng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Phan Bá Vành, gồm những nông dân không có ruộng đất các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định và Thái Bình nổi lên chống Triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Công Trứ, nguyên là tri huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên (1823-1826) được vua Minh Mạng sai đi dẹp nghĩa quân (1828). Nhưng khác với người đương thời, ông cho rằng cuộc khởi nghĩa là kết quả của khủng hoảng kinh tế và xã hội cho nên không thể giải quyết bằng quân sự. Nhằm lôi kéo nông dân không đi với nghĩa quân ông tâu lên Triều đình một chương trình khai thác các vùng đất hoang bao la rộng lớn, những đất có thể khai khẩn được đem chia cho dân nghèo không có ruộng hoặc thiếu ruộng và họ có quyền được mộ thêm nông dân nghèo ở các nơi khác đến khai khẩn. Tùy theo số nông dân tập hợp được: năm mươi người, ba mươi, thậm chí mười lăm-mười người, những người đứng ra khai khẩn được mở làng lập ấp, nhỏ hơn là trại hay giáp là những đơn vị quy tụ dân khai hoang. Nhà nước còn cấp vốn ban đầu cho dân khai hoang để mua nông cụ trâu bò, xây dựng nhà cửa, đường xá cũng như những công trình hạ tầng khác. Số tiền được cấp tùy theo số dân quy tụ và diện tích khai khẩn. Các đất này sẽ chỉ phải nộp thuế ba năm sau khi thành lập các đơn vị dân cư. Nhà vua phê chuẩn đề nghị này. Chương trình của Nguyễn Công Trứ được nhà vua phê chuẩn ngay trong năm đó (1828) và ông được giao trách nhiệm phụ trách thực hiện công cuộc khai khẩn với chức dinh điền sứ. Các công trình hạ tầng, đắp đê, đào kênh mương, làm đường giao thông, được tiến hành đồng thời khắp các đơn vị khai khẩn dưới sự điều khiển, phối hợp của Nguyễn Công Trứ. Để củng cố tinh thần cố kết cộng đồng, ông đưa vào cùng một đơn vị khai hoang những người cùng một dòng họ hoặc chung một nguyên quán. Sau khi ổn định chỗ ở mới, họ quay về nguyên quán xin bài vị Thành hoàng đem về thờ trong đình mới xây ở nơi sinh cơ lập nghiệp mới[685].
[685] Phan Đại Doãn, “La mise en valeur des polders…”, trong Études vietnamiennes, 65, (1981), tr.157-179.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, quá trình khai hoang bãi bồi ven biển tiếp tục trong những điều kiện đôi chút khác trước và Nhà nước không cấp vốn ban đầu nữa. Phân tích các hồ sơ lưu trữ làng xã Bắc Kỳ cho biết tình trạng các làng mới lập ở những năm cuối thế kỷ còn khó khăn lắm. Việc đầu tư làm ăn đòi hỏi sự cố kết rất chặt chẽ của cộng đồng. Nếu một trong những người giàu mộ dân lập ấp tổ chức khai hoang lẩn tránh nhiệm vụ, thì sự tồn tại của làng bị đe doạ. Kêu gọi những người giàu có ở các nơi khác cho vay vốn lại có mặt gây thiệt hại cho người nghèo ở đây, vì có nguy cơ làm cho những người thiếu phương tiện sản xuất phải bán dần những mảnh ruộng do chính họ khai khẩn. Việc chuyển quyền sở hữu ruộng đất mở đầu quá trình phân hóa. Một số ít có tiền và có thế lực làm chủ nhiều diện tích, và ngược lại số đông bị mất dần quyền sở hữu đối với ruộng đất do chính tay họ làm nên. Vì vậy đến thời kỳ thuộc địa, nhà nước tiếp tục không cấp vốn nhưng vẫn đóng vai trò điều tiết thể hiện trong hành động của quan huyện, những người có phương tiện được phép khai phá bãi bồi phải bảo đảm lợi ích của tập thể. Không phải cứ xin là được, mà sau khi quan huyện về điều tra khả năng và điều kiện khai phá mới đi đến kết luận, hoặc bác bỏ đơn cấp đất hoặc chấp nhận sau khi được thống sứ Bắc Kỳ phê duyệt.
Điển hình là trường hợp xã Liên Phú, thuộc tổng Quế Hải, huyện Hải Hậu. Làng lập năm 1896 bằng một nghị định của thống sứ Bắc Kỳ, cho thời hạn bốn tháng để làm nhà ở và khai phá bãi bồi. Nếu hết bốn tháng mà không thực hiện thì sẽ giao cho người khác. Làng chỉ có ruộng tư, chủ ruộng đóng thuế thân và thuế điền thổ, tiền đắp đê, công ích. Nhưng một người trong làng tên là Đinh Viết Đạt, người làng Phú Nhai, tổng Thúy Nhai, có 11 ha ruộng ở Liên Phú, nhưng lại không xây nhà ở Liên Phú và trốn thuế. Một năm sau, sau việc đê bị vỡ, tri huyện ra lệnh tu bổ lại tốn rất nhiều tiền. Đạt không cáng đáng nổi đã bỏ trốn. Vì vậy tri huyện Hải Hậu là Nguyễn Đình Giáp đã bênh vực đơn xin của dân làng đó khi họ xin phép tìm người khác để làm chủ sở hữu 11 ha đất bỏ hoang đó[686].
[686] ANV-RND 1721. Archives du village de Liên Phú, canton de Quế Hải, huyện de Hải Hậu, province de Nam Định (1896-1929).
Thiếu tiền để khai phá đất hoang, có làng buộc phải chuyển nhượng quyền sở hữu cho các quan, các nhà nho hay thương nhân giàu có. Đây là thí dụ ở hai thôn Tiên Chưởng và Diên Thọ thuộc làng Trà Lũ, có 158 ha và 108 ha đất bồi ven biển, vì không đủ tiền khai khẩn, dân hai thôn ký hợp đồng với Trần Trác, tri phủ Ứng Hòa, người làng Trà Lũ và Bùi Thức, đỗ tiến sĩ, người làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Hợp đồng quy định hai người nói trên phải bỏ tiền trả công đắp đê ngăn nước mặn, và trong thời hạn 3 tháng phải triển khai việc khai khẩn. Hết thời hạn đó, 266 ha đất nói trên đã thành ruộng cấy lúa sẽ được chia làm 3 phần, hai chủ thầu được 2 phần còn 1 phần thuộc dân hai thôn. Nếu việc đắp đê không xong, đất đai sẽ phải trả lại cho dân hai thôn Tiên Chưởng và Diên Thọ. Theo yêu cầu của Trần Trác và Bùi Thức, một nhân viên địa chính về tận nơi tiến hành đo đạc và cắm mốc giới phân chia. Hai người chủ thầu cam kết sẽ trả công cho 36 người để thực hiện công trình quai đê lấn biển, lập ấp mới đặt tên là Trà Châu, và xin chỉ định ấp trưởng[687]. Nhung họ lẩn tránh không thực hiện các điều khoản đã ghi trong hợp đồng để dân hai thôn bị thiệt. Hết hạn ba năm (1912) đất bồi vẫn chưa khai khẩn xong, đê quai chưa đắp. Trong ba năm 1909-1912 dân làng vẫn phải nộp thuế dù đất bồi chưa biến thành ruộng. Tri phủ Xuân Trường bèn đi tìm Trần Thúc Nhuận, con Trần Trác đã mất từ 1911 để đòi trả lại đất[688]. Đây là một thí dụ khá rõ về việc bảo vệ lợi ích cộng đồng.
[687] ANV-RND 1649. Archives du village de Trà Lũ, canton de Trà Lũ, huyện de Giao Thuỷ phủ de Xuân Trường, province de Nam Định (1907-1910).
[688] ANV-RND 1644. Archives du village de Trà Lũ, canton de Trà Lũ, huyện de Giao Thủy phủ de Xuân Trường, province de Nam Định (1921-1931).
Việc vào sổ các loại đất trên, được trao cho tri huyện sở tại, là một việc khó khăn phức tạp tại các xã ven biển. Thật vậy, những biến động của khí hậu hay làm thay đổi địa giới. Hãy lấy trường hợp làng Xuân Hà ở tổng Tân Khai, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định làm ví dụ. Làng này được bao quanh một xứ đồng khá rộng, nửa ngập nước, nửa cạn gọi là Cồn Tầu. Phía đông giáp biển và con sông Ngô Đông, phía tây có con kênh Lỗ Pha, phía nam là biển và phía bắc là một con lạch (xem bản vẽ 7). Phần lớn đất đai khu nam, nơi có nhà dân đã bị nước biển tràn vào và cuốn trôi trong cơn bão năm 1896[689]. Sau cơn bão, nhà của đất đai bị chìm trong nước biển, dân làng phải tìm một đám đất bồi khác rộng 11 ha, cư dân được phép chiếm hữu tạm thời. Từ năm 1896 họ đóng thuế mảnh đất này, được xếp vào hạng tư. Từ 1896 đến 1902, đám đất này được mở rộng đến 25 ha bằng sa bồi. Dân làng xin được nhượng lại phần đất mở rộng đó và cam kết đóng thuế điền thổ như đất hạng tư, kể cả phần phía bắc đất nổi thêm khi thủy triều hạ xuống, tổng diện tích lên tới 72 ha.
[689] ANV-RND 1734. Archives du village de Xuân Hà, canton de Tân Khai, huyện de Hải Hậu, province de Nam Định (1897-1929).
Việc cấp thêm này phải tiến hành rất cẩn thận. Tri huyện Hải Hậu phải tiến hành điều tra thực hư, tính toán diện tích đất mới bồi mà dân làng Xuân Hà xin sở hữu đóng thuế. Lần thứ nhất tháng 12/1902, quan huyện về tận xã điều tra và ước tính diện tích Cồn Tầu là 50 ha. Giữa vùng này ông phân biệt những mảnh đất có thể đánh thuế - 25 ha (1) + 11 ha (2) - với 22 phía bắc còn bị ngập một phần khi triều cường (3). Viên tri huyện tạm thời cho cắm mốc và lập bản vẽ đầu tiên. Đất của lô (3) chưa ổn định, ông cho rằng chưa thể đắp đê ngăn nước biển, và chưa thể tính thuế sau 3 năm. Việc định ranh giới không gặp sự phản đối nào của dân làng quanh đó. Ba tháng sau một đoàn nhân viên đo đạc xuống đo lại để khẳng định đề nghị của ông, và kết quả đo đạc được quan tỉnh phê duyệt: khoảnh thứ nhất, năm 1896 được xếp hạng 4, nay đổi thành hạng 3, khoảnh thứ hai sẽ được ghép vào thuế của đất hạng 4 kể từ quý 1 năm 1903.
Bản vẽ 7 - Xuân Hà - đất bồi ven biển xin được khai khẩn
Nguồn: ANV-RND 1714.
Bản vẽ 8 - Vân Xâm - đất xin khai khẩn
Nguồn: ANV-RND 1734.
Bản vẽ 9 - Bản đồ thôn Phúc Khánh
Nguồn: ANV-RND 1625.
Nhằm ngăn chặn sự bành trướng của dinh cơ lớn lấn chiếm ruộng đất công, luật đòi những người xin khai hoang lập ấp phải chứng minh nguồn tài chính đủ để khẩn hoang và giải trình nguồn gốc tài chính. Thí dụ ở Xuân Hà là một trường hợp điển hình. Các giáp Nam khu, Trung khu, và Vân Xâm đều thuộc làng Xuân Hà, ngày 15/2/1912 xin cho nhượng 68 ha đất bồi tạo thành một đầm phá đất bồi ven biển nằm giữa con đường Doanh Châu và làng Xuân Hà. Mảnh đất này phía đông tiếp giáp một mảnh đất để hoang hóa, phía tây giáp con đê Doanh Châu, phía nam giáp con đê nhà Đoan[690].
[690] Xem bản vẽ 8.
Nhằm xác định xem những người cấp vốn đứng sau các thân hào ba giáp và những người hùn vốn là những ai - quan lại, sĩ phu hay nhà buôn - tri huyện Hải Hậu tiến hành một cuộc điều tra tỉ mỉ thấy rằng những người đứng xin khai hoang lập ấp đều là thực lòng, nhưng cũng phát hiện thấy đất Nam khu và Trung khu không đủ lực để hoàn thành những công trình hạ tầng như cửa sông, đê điều mà không phải huy động vốn của người thứ ba. Sau đó ba tháng, huyện mới cấp giấy phép cho Vân Xâm được tiến hành nhượng đất cho những ai muốn xin khai hoang lập ấp[691].
[691] ANV-RND 1733. Archives du village de Văn Lý, canton de Tân Khai, huyện de Hải Hậu, province de Nam Định (1892-1925).
Kỳ mục Nguyễn Viết Cảnh và một nhóm thân hào khác, những người làm muối giàu có trong giáp, lập một dự án vào tháng 4/1913. Họ xin 108 ha đất bồi ven biển phía đông giáp một mảnh đất để hoang, phía tây giáp con đê Quế Hải, phía bắc giáp đê Hải Nhuận, và phía nam giáp một ấp khai hoang đầu tiên. Những người lập ấp dự định kéo dài con đê của ấp đầu tiên ra 2400 mét và lập hai cửa cống mới cũng rộng 4 mét để ngăn nước tràn vào. Qua trường hợp Vân Xâm thấy số tiền bỏ ra để xây dựng công trình hạ tầng rất lớn, 7000 đồng Đông Dương[692].
[692] ANV-RND 1734.
Chính quyền còn tạo điều kiện cấp đất để khai hoang những bãi bồi ven biển, lập các làng mới và tạo thuận lợi cho việc giải quyết các xung đột lương-giáo. Về mặt này cũng lấy thí dụ ở Vân Xâm làm sáng tỏ. Tri huyện sở tại hoàn toàn ủng hộ một lá đơn của kỳ mục xã này vốn là những dân của làng Vân Xâm cũ, mà phần lớn đất đai đã bị nước biển cuốn trôi. Làng có 12 ha đất thì 5,4 ha bị ngập sâu dưới nước biển trong trận bão năm 1897. Vì lẽ đó năm 1897, những dân còn lại sáp nhập vào với dân làng Xuân Hà ở bên cạnh. Đất Vân Xâm lúc đó chỉ còn có 2 bộ thuế đất hạng nhất là 6,1 ha ruộng muối, 0,36 ha đất phù sa[693]. Trong quá trình điều tra tri huyện sở tại nhận thấy rằng dân xóm Vân Xâm tất cả là bên lương, yêu cầu xin lập một làng mới quy vào một tổng khác là tổng Quế Hải, để không bị lệ thuộc vàn chính quyền Xuân Hà do người công giáo nắm giữ. Ngoài ra các hào mục Vân Xâm sống về nghề làm muối đều bị coi như đối thủ của thanh tra nhà Đoan, trưởng hạt thuế quan Nam Định[694].
Bị đặt giữa nhà đoan, dân làm muối, dân làm nước mắm và làm ruộng, các quan tri huyện ở miền ven biển Nam Định, Thái Bình, Quảng Yên đều ở vị thế khó xử và thường xuyên đòi hỏi đổi đi nơi khác. Dân chúng ở đây tính tình năng động, hoạt bát, tính khí kỳ quặc, người sống về nghề muối và làm nước mắm là những người có óc tự lập và hay chống đối, bị nhà cầm quyền nghi kỵ vì hay náo động, hay tụ tập yêu sách và hung bạo, biểu tình chống thuế. Họ không chịu được việc ban hành chế độ thu thuế trói buộc từ năm 1898 của cơ quan thuế quan và độc quyền, và thường xảy ra tranh chấp với người làm ruộng trong việc quản lý nguồn nước. Hai khó khăn chồng chất đó khiến cho việc lựa chọn các quan về trị nhậm ở đây rất tế nhị, họ phải là người có khả năng đặc biệt để làm trọng tài. Nó giải thích những việc làm trái luật theo quy định của quan trường. Vì vậy vào đầu thế kỷ, phần lớn các quan huyện của tỉnh Quảng Yên - như Đàm Quang Phượng ở Cát Hải, Nguyễn Trọng Nhị ở Yên Bác, Vũ Văn Phái ở Vân Hải - tất cả đều nguyên quán ở Quảng Yên[695]. Khả năng hòa giải của họ đã khiến các quan tỉnh và công sứ đều muốn giữ họ làm việc lâu năm ở chức vụ cũ. Như tri huyện Đàm Quang Phượng ở nguyên chức đến mười một năm (1896-1907) ở Cát Hải vì cấp trên của ông công nhận ông là người biết dung hòa quyền lợi giữa người làm muối và nhân viên nhà Đoan. Bằng chứng là vùng muối Nghiêu Phong từ 1896 đến 1902, không hề xảy ra những vụ biến loạn, bãi công của công nhân làm muối, khác với các vùng muối khác ở Bắc Kỳ[696].
[693] ANV-RND 1733.
[694] ANV-RND 1734.
[695] ANV-RST 31104, hồ sơ hành trạng của Đàm Quang Phượng.
[696] Như trên. Tương tự như vậy, năm 1894 công sứ Thái Bình đã tán dương tài năng làm trọng tài của Nguyễn Thành Nhạc, tri huyện Thụy Anh, một huyện ngày nào cũng xảy ra những vụ rắc rối tranh cãi về phân chia đất ven biển, không phải lúc nào cũng dễ giải quyết. ANV-RST 34787, hồ sơ hành trạng của Nguyên Thành Nhạc.
Khác với các huyện ven biển, ở đó các cuộc xung đột thường giải quyết bằng cách lập những ấp mới, ruộng đất công tại các làng ở các huyện sâu trong đất liền thì trước sau cũng vẫn thế không thể phát triển rộng ra được. Vả chăng việc phân phối ruộng dùng vào việc thờ cúng thường gây nên giữa lương-gíáo, trong các làng sống xen kẽ giữa lương và giáo, bởi lẽ trọng lượng dân số trong mỗi nhóm tôn giáo thường luôn thay đổi. Nhóm nào có số dân tăng nhiều thường có xu hưởng đặt lại vấn đề chia lại ruộng công. Trường hợp xã Thủy Nhai ở huyện Giao Thủy là khá tiêu biểu cho loại tranh chấp này (xem bản vẽ 9).
Đầu thế kỷ XIX, dân làng Thủy Nhai không có ai đi đạo. Từ 1805 đến 1862, 7 mẫu ruộng được dùng vào việc thờ cúng thành hoàng (gọi là thần từ). Đến năm 1862 làng chia thành hai giáp: giáp Giáo và giáp Lương. Trong 7 mẫu thần từ được lấy ra 3,5 mẫu để làm ruộng Nhà thờ. Sau 42 năm, giáp Giáo đã có 229 người có tên trong sổ bộ, trong khi giáp Lương chỉ có 58. Như vậy dân bên đạo đông hơn, đòi chia lại 3,5 mẫu ruộng thần từ cho tương ứng với số dân trong sổ bộ. Mặc dù trước đây tri phủ năm 1904, sau đó là công sứ năm 1905, đã cho rằng đòi chia lại như thế là sai. Để chấm dứt xích mích chung quanh việc này, đến tháng 12 năm đó, công sứ đã đưa ra một biện pháp tổng quát: bắt đầu từ năm 1906, việc chia đất trong các làng “xôi đỗ” sẽ chia theo tỷ lệ số dân theo đạo, và sau đó không thay đổi nữa.
Mặc dù có quyết định này năm 1907, rồi năm 1908, 22 người dân công giáo trong đó có 18 người mới quy theo giáp Giáo (thôn Phúc Khánh), kéo đến yêu cầu đại diện công sứ ở Lạc Quần cho phép họ lấy 3 mẫu trong số ruộng thờ cúng để đóng góp vào việc xây dựng nhà thờ. Viên tri huyện bèn ra lệnh cho chánh tổng xuống thôn Phúc Khánh để xem lại sổ đinh căn cứ vào lời khai của mỗi giáp: giáp Lương có 168 xuất đinh, còn giáp giáo có 34 xuất. Nhưng lý dịch giáp Lương cho rằng giáp Giáo chỉ có 25 xuất đinh, con số 34 là đưa sai vào cả những người chưa đến 18 tuổi và trên 60 tuổi. Ngoài ra ở thôn này, mỗi xuất đinh còn có phần 3 miếng 7 khẩu. Quan huyện thấy yêu cầu của dân giáp Giáo là quá đáng. Ông bèn đề nghị cấp cho giáp Giáo 9 sào 3 miếng 4 khẩu ở xa dân bên lương, tại xứ Cồn Con. Nhưng tháng 9/1908, những người bên đạo lại yêu cầu một chỗ khác, xứ đồng Cửa Đình, với lý do là xứ Cồn Con quá xa và có nhiều mồ mả. Quan huyện ra lệnh cho thôn giao lại 9 sào 3 miếng 4 khẩu cho dân có đạo ở chỗ họ đề nghị, lúc đó không có ai khiếu nại gì.
Nhưng đến tháng 2/1909, dân bên lương đã lên tới 500 xuất đinh, kéo đến phá nhà ở của dân bên giáo và cả nền móng nhà thờ đang xây dựng, lấp ao của nhà chung, mặc dù có quan tri huyện đến kịp. Quan liền mời dân cả hai giáp ngồi họp với nhau để phân chia lại theo thỏa thuận. Ông đề nghị các bên ký vào văn bản một bản thỏa thuận về việc chia lại đất công. Ông ngạc nhiên thấy dân bên lương đã không phản đối gì và yêu cầu họ đền bù cho dân bên giáo. Nhưng lần này việc thỏa hiệp vẫn không đạt kết quả như lần trước. Giáo dân được các chức sắc trong nhà thờ xúi giục đòi cao hơn nên càng tỏ ra không chịu thỏa hiệp[697]. Ba tháng sau một toán dân bên lương đã đến xứ đồng Cửa Đình gặt lúa. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra làm một người chết và năm người bị thương.
[697] Cuộc tranh chấp đã vượt khỏi phạm vi của làng, khiến các chức sắc công giáo lo ngại và sự can thiệp của Giáo hội lại tăng thêm sự căng thẳng giữa hai cộng đồng lương-giáo. Đức giám mục Munagossi, khâm mạng tòa thánh trung tâm ở Bắc Kỳ đã than phiền về các vụ phá phách đó và chính Cha đã cho đắp lại nền móng nhà thờ.
Thất bại của đại diện công sứ và quan tri huyện đã khiến công sứ và tổng đốc Nam Định cử án sát về mở cuộc điều tra. Quan án sát cũng cho dân xứ đạo sai và cho rằng đáng lẽ nếu có một trong hai giải pháp được thực hiện thì tránh được cuộc xung đột, hoặc là giữa hai cộng đồng lương-giáo thỏa thuận được với nhau hoặc là do công sứ và tổng đốc quyết định[698]. Nhưng ta thấy việc trọng tài của quan tri huyện đã vấp phải nhiều trở ngại: hai cộng đồng lương giáo ở xen kẽ nhau, sự can thiệp của giáo hội đã vô hiệu hóa quyền lực của chính quyền.
[698] ANV-RND 1625. Archives du village de Thủy Nhai, canton de Thủy Nhai, huyện de Giao Thủy, phủ de Xuân Trường, province de NamĐịnh (1907-1930).
Cuộc đấu tranh chống lý dịch chiếm đoạt ruộng đất công là lĩnh vực thứ ba mà các quan huyện phải ra sức hòa giải.