Để em cưa anh nhé! - Ngoại truyện 2 - Phần 1
Ngoại truyện 2
Nhật ký của Mai
Chắc có lẽ, bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng đều đã trải qua một thời giãi bày lòng mình qua những trang giấy trên cuốn sổ mang tên “Nhật ký”. Nhật ký là một hồi ức đẹp của tuổi học trò, là những trang giấy lưu lại kỉ niệm của tuổi thơ qua từng nét chữ. Đôi khi, có thể là khi ta đã trưởng thành, ta vẫn còn lưu lại thói quen vô cùng xưa cũ này- viết nhật ký.
Đọc xuyên suốt câu chuyện, chắc hẳn các bạn đều nhận ra một điều dễ thấy rằng thói quen này đều được Mai và Long cẩn thận lưu lại trong cuộc sống, tuy rằng họ không bao giờ chia sẻ cho người khác biết. Nhưng bây giờ, tôi xin bật mí những bí mật được lưu trong những trang giấy đầy niềm vui xen lẫn nước mắt ấy…
My diary…
19/4/2005
Hôm nay có lẽ là ngày cuối cùng mẹ còn nhận được điện thoại gọi từ nước ngoài bởi bố tôi. Cuộc nói chuyện diễn ra khá căng thẳng, ban đầu thì bà điên tiết lên chửi bới, rồi sau đó lại dần dần chìm vào im lặng. Tôi đứng nép vào một góc tường, trên tay vẫn còn cầm tờ giấy mời họp phụ huynh đã bị vò nát tự khi nào, vô thức cảm nhận được khóe môi mình đang mặn chát vị nước mắt. Hình như đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy mẹ khóc, và cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ cười.
Sau khi cuộc điện thoại kết thúc, chuỗi ngày địa ngục của chúng tôi cũng bắt đầu từ đó.
30/7/2005
Năm nay tôi mười bốn tuổi, đủ lớn để có thể ở phòng riêng, vậy nên tôi quyết định xin mẹ chuyển lên tầng tư ở. Hiện tại thì tôi đang ngủ cùng mẹ ở tầng hai, bàn ghế và đồ đang vẫn đang được xếp xó ở đó, sau khi nhờ mẹ bê cùng, mẹ liền chửi: “Đồ vô tích sự! Có cái bàn cùng không bê được! Mày đừng có phiền đến tao!” Lòng tự ái dâng lên khiến tôi cắn chặt môi nín thinh, chẳng thèm nói thêm một lời, liền hậm hực nín thở hì hục bê chiếc bàn kép liền ghế bằng gỗ cứng từ tầng hai lên tầng tư. Khi đặt chiếc bàn nặng như chì xuống sàn nhà, tôi lập tức ôm ngực thở dốc, bản thân cũng không thể ngờ rằng trong lúc nóng giận mình lại có thể khỏe mạnh đến như vậy!
Sau khi tôi chuyển được chiếc bàn lên phòng mới và xếp nó ở vị trí gần cửa sổ cho lãng mạn theo đúng ý mình thì mẹ mới bắt đầu lên kiểm tra. Bà điên tiết khi thấy tôi để bàn học ở cạnh cửa sổ và bắt tôi phải kê sát vào bức tường gần cửa đi lại vì nó có bóng đèn treo ngay bên trên. Bản tính cứng đầu khiến tôi kiên quyết không chịu nghe theo, vậy là bà đột ngột cầm cả một chiếc chân giường còn chưa lắp ghép hoàn thiện lên đập thẳng vào cổ tôi, gáy tôi rách toác và ứa máu…
Xong xuôi, bà ấy lẳng lặng bỏ đi. Để lại tôi đứng chết trân trong căn phòng trống trải, hướng ánh mắt nhìn theo dáng mẹ đầy uất hận.
16/9/2005
Tôi thích vẽ tranh, tôi có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong giờ học thêm. Vậy là tôi bị mời phụ huynh. Ông thầy điên rồi! Đây chỉ là giờ học thêm thôi mà, ông ta có quyền quái gì mà bắt tôi phải mời mẹ đến gặp chứ! Chỉ vì sự ích kỉ của ông ta mà tôi phải ăn hai phát tát giáng trời của mẹ đấy. Mẹ cũng chẳng hiểu tôi, chẳng thông cảm cho sở thích của tôi, thậm chí bà ấy còn hùng hổ trở về nhà, lôi hết tranh vẽ của tôi ra mà đốt, sau đó thì nhét đầy vào cổ họng của tôi, bắt tôi nuốt cho bằng hết. Tôi vừa nuốt, vừa ứa nước mắt thề sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ vì hành động này.
Những tưởng đó là lần cuối cùng mà tôi đụng vào bút vẽ. Nhưng không, sau này chuyện ấy vẫn tiếp tục xảy ra thường xuyên. Bởi vì nó là đam mê.
27/11/2005
Đã quá hạn đóng tiền học gần một tháng, kể từ ngày mẹ đoạn tuyệt quan hệ với bố, chúng tôi không còn được bố chu cấp tiền học như mọi khi nữa. Mẹ tôi cũng đã già, bà không thể kiếm được nhiều tiền nên càng lúc càng trở nên khó tính mỗi khi nhân viên đến thu tiền điện nước, nhưng đáng sợ nhất vẫn là lúc chị em tôi phải cúi gằm mặt xuống để xin tiền học thêm. Hôm nay đã là hạn cuối… của hạn cuối. Cả lớp chỉ còn mỗi một mình tôi bị cô nhắc đến lần thứ n rồi. Tôi xấu hổ vô cùng.
Cuối cùng thì chuyện này cũng kết thúc khi tôi bị cô giáo chủ nhiệm đuổi ra khỏi lớp, bắt buộc phải đóng tiền học thì mới cho vào. Tôi trở về nhà trong ê chề nhục nhã, cố gắng cắn răng quỳ xuống cầu xin mẹ, nhưng mẹ vẫn không cho. Mẹ bảo: “Tự đi mà vay hàng xóm. Tao không có nghĩa vụ phải đóng tiền học cho mày!”
Vậy là tôi đành phải muối mặt lê từng bước nặng nề sang nhà bác hàng xóm để vay tiền, cảm giác từng lời thốt ra đều kéo theo vô vàn nhục nhã. Liệu tôi có phải là con đẻ của mẹ không vậy?
15/2/2006
Ngày cuối cùng trong năm, tôi đàng hoàng xin phép mẹ đi xem pháo hoa cùng đứa bạn thân nhất trong lớp và mẹ đã đồng ý. Vậy mà khi tôi trở về nhà vào lúc gần một giờ đêm thì bà lại khóa chặt cửa ngoài bằng xích sắt và nhất quyết không cho tôi vào. Tôi đứng chết trân như hóa thạch trước bốn cánh cửa sắt màu xanh lam lạnh ngắt, càng không dám mở miệng hét to vì sợ mùng một Tết gây phiền nhiễu cho hàng xóm, thế là cái Hoa liền rủ tôi sang nhà nó ngủ tạm một đêm rồi sáng mai về nhà sau cũng được. Tôi ậm ừ nghe theo.
Vậy mà sáng hôm sau, khi tôi vừa trở về nhà, bà liền bù lu bù loa ném muối vào mặt tôi rồi chửi tôi là đồ phò, đồ đĩ, đồ nô tĩ, sao dám đi chơi đêm không về nhà. Lúc đó, tôi đã tự đứng cười mình một lúc rất lâu, tự hỏi, một đứa con gái mười lăm tuổi còn trong trắng, chưa từng một lần nắm tay bất kì một thằng con trai nào khác ngoài em trai mình liệu có đáng bị gọi là đồ nô tĩ bởi chính mẹ ruột của mình không?
6/4/2006
Đã một thời gian khá dài trôi qua kể từ ngày bố mẹ tôi đoạn tuyệt quan hệ với nhau, hôm nay, mẹ lại bất ngờ nhận được một cú điện thoại lạ từ nước ngoài gọi về. Vẫn như mọi lần, tôi lại đứng thập thò bên ngoài mép cửa, nín thở lắng nghe từng câu đối thoại ngắt quãng, sau khi chắp nối lại tất cả, tôi nhận ra đây là cuộc điện thoại được gọi tới từ chú Hùng người ở cùng phòng với bố trước kia, trong điện thoại chú ấy nói rằng hiện tại bố đang ngoại tình với một ả người T.H đã có chồng, có con, tiền bố làm ra cũng để nuôi mẹ con bà ta, vì vậy mà bố không còn đồng nào để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Tôi cay đắng nuốt ngược nước mắt trước những tiếng gào khóc như xé trời của mẹ.
Tối hôm đó bà lại điên tiết lên đập vỡ hết bát đĩa, thấy tôi vẫn bình thản cúi mặt ăn cơm bà cũng không bỏ qua, liền xông tới đạp thẳng vào bát cơm mà tôi đang ăn. Chiếc chén sứ đang chan đầy nước canh đột ngột vỡ ra tung tóe, một mảnh dài cứa vào ngón tay tôi chảy máu, nhưng bà không quan tâm, chỉ chăm chăm bắt tôi nhặt lên ăn tiếp.
Tôi lặng lẽ cúi xuống nhặt từng mảnh vỡ từ chiếc chén sứ in hình hoa văn thanh nhã, nước mắt hòa với nước canh lã chã rơi xuống mà lòng câm lặng không nói nổi một lời.
10/11/2007
Hôm nay tôi bị dính chút nước mưa trên đường đi học về, cứ nghĩ rằng chẳng sao, vậy mà cuối cùng lại lên cơn sốt. Sắp thi cuối học kì rồi, tôi “không dám” để mình bị sốt nặng hơn nên đành muối mặt chạy xuống xin mẹ tiền mua thuốc. Nhưng mẹ không cho, mẹ nói tôi là trâu bò làm sao biết ốm? Đừng có mà giả vờ đạo đức giả…
Tôi lặng lẽ quay trở lại phòng của mình, nằm thở thoi thóp trong nước mắt.
Ba ngày sau, tôi buộc phải bỏ thi vì không thể nhấc mình dậy nổi khỏi chiếc giường. Mọi thứ như quay cuồng, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng khiến đầu óc tôi đau như búa bổ. Lúc đó, mẹ mới thực sự công nhận là “tôi có thể bị ốm”.
8/6/2008
Lần đầu tiên tôi có thể tự tin chạy về nhà khoe với mẹ rằng con được thầy khen vì học giỏi môn Toán. Thật ra tôi không hề học giỏi Toán, tôi rất sợ môn Toán. Nhưng tôi ghét việc phải công nhận rằng mình đang sợ một cái gì đó. Vậy nên trong suốt mấy tháng trời, tôi đã lao đầu vào học để thử xem sức mình có thể đạt đến đâu nếu thật sự cố gắng. Kết quả vượt qua ngoài mong đợi, tôi- từ một đứa suýt đúp lớp bất ngờ vươn lên top mười trong học lực.
Những tưởng rằng sẽ được mẹ sẽ khen ngợi, nhưng không, bỏ qua tất cả, bà vẫn chỉ tiếp tục chê bai và chế giễu việc tôi thích viết truyện, vẽ vời trước mặt bạn bè và hàng xóm.
Chưa bao giờ, chưa một lần bà thực sự nhìn vào và công nhận sự cố gắng của tôi dù cho tôi đã kiên trì hết sức mình. Chắc là tôi ảo tưởng. Bởi vậy mà tôi lại buông xuôi.
Cố gắng làm gì khi không bao giờ được công nhận?
2/3/2009
Sinh nhật tôi.
Bản thân tôi cũng không hề nhớ ngày này cho đến khi cái Quyên bất ngờ chúc mừng sinh nhật và hỏi tôi có định làm gì không.
Làm gì? Mà làm thì cũng để làm gì?
Đối với tôi ngày mình sinh ra đã là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi là cái gai trong mắt của mẹ, và chắc chắn là mẹ cũng không hề muốn nhìn thấy tôi trên cõi đời này. Bởi… khuôn mặt của tôi y như một bản sao của bố…
Mẹ tôi căm hận ông ấy… cũng như tôi vậy.
Bà càng ngày càng uất hận, bà ném sự giận dữ vào chúng tôi, không ngừng chà đạp, không ngừng đay nghiến bằng những lời lẽ độc địa nhất. Tôi sẽ không bao giờ khóc khi bị mẹ đánh đòn, nhưng tôi đã thật sự bật khóc khi bị mẹ đay nghiến. Mẹ ác khẩu quá… Dù tôi có cố gắng tỏ ra chai lì cỡ mấy thì cũng không sao chịu nổi.
Hôm nay, tôi lại trèo lên sân thượng để ngồi hóng gió, đây có lẽ là nơi duy nhất đem lại cho tôi cảm giác riêng tư và yên bình trong ngôi nhà này. Đứng lặng yên giữa khoảng trời bao la lộng gió, tôi nghiêng ngả như một chiếc lá héo úa sắp lìa cành khi phải đối mặt với những đợt giông tố lớn. Khi tôi đang miên man hướng ánh nhìn đăm đăm về phía vực sâu hun hút ngay bên dưới chân mình, tự hỏi rằng tôi có nên sống tiếp nữa hay không thì đột nhiên nghe thấy tiếng cánh cửa sắt ở tầng tum đóng lại cái rầm.
Một sợi lạnh bất giác chạy sượt qua sống lưng, tôi vội vàng trèo xuống thì nhận ra rằng mình đã bị nhốt ở bên ngoài, mặc cho tôi gắng sức kêu gào một cách tuyệt vọng thì ánh đèn nơi cầu thang vẫn dần dần tắt lịm theo tiếng bước chân của mẹ. Vậy là suốt cả đêm hôm đó, khi ngoài trời thời tiết chỉ đang duy trì ở mức mười hai độ C, tôi đã phải tự ôm lấy mình trong chiếc áo mỏng manh duy nhất, khổ sở nép vào một góc trong mái hiên nhà, thầm cảm ơn trời đất vì nước mưa không thể bắn vào nơi tôi ngồi.
Tôi căm thù mưa…
Căm thù sự lạnh lẽo, tối tăm và ướt át mà nó mang lại.
Mưa trong mắt tôi chưa bao giờ là đẹp!
9/4/2009
Kì thi tốt nghiệp cấp ba cuối cùng thì cũng sắp đến, trước kia tôi là đứa học hành lêu lổng, sểnh ra là ngồi viết truyện, sểnh ra là chơi điện tử, phần lớn thời gian còn lại là ngồi vẽ. Tôi vốn đã định hướng cho mình sau này sẽ học ngành thiết kế thời trang, nhưng mẹ thì không nghĩ vậy. Bà thấy điểm văn của tôi trong lớp khá cao nên đã tự ý đăng ký cho tôi thi vào khối C. Tôi đành ngậm ngùi cam chịu, cho đến khi tôi vô tình xem được một đoạn clip nói về “ước mơ- đam mê- và sự thành công”. Nếu như bạn không cố gắng theo đuổi ước mơ của mình thì người khác sẽ đánh thuế nó.
Vậy là vào phút chót, tất cả lại bất ngờ thay đổi. Tôi tự ý làm một tập hồ sơ khác và lẳng lặng gửi vào trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp, dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm từ kì nghỉ tết của mình để đóng phí dự thi, nhưng không hề mơ tưởng rằng mình sẽ thi đậu.
Tất cả đối với tôi chỉ đơn giản là một sự trải nghiệm. Tôi có đủ tiền để đóng phí thi cử nhưng không hề có một xu để đi học thêm ở các lò dạy vẽ. Chỉ đơn giản là năng khiếu nhưng chưa có được sự đào tạo bài bản, chắc chắn tôi không thể “ăn may” được. Huống hồ đây còn là một trường Đại Học lấy điểm rất cao.
Tôi tuyệt đối không phải người mơ mộng đâu.
Tôi suy nghĩ thực tế lắm!