Mùa hoa dẻ - Phần III - Chương 4 - 5 - 6

4

Các đơn vị trong tiểu đoàn đã được nghiên cứu kế hoạch tác chiến trên sa bàn, sau khi đoàn cán bộ đi điều tra thực địa lần cuối cùng trở về. Không khí trận chiến đấu mở màn thật tưng bừng, háo hức. Đơn vị nào cũng mong lập công đầu trong trận đầu. Từ cán bộ đến chiến sĩ đều hạ quyết tâm riêng, đạt được thành tích chiến đấu cao nhất trong chiến dịch Đông – Xuân này.

Trong cuộc họp cán bộ toàn tiểu đoàn từ trung đội trưởng trở lên, sau khi trực tiếp giao nhiệm vụ tác chiến cụ thể cho từng đơn vị một, tiểu đoàn trưởng đã thông báo một quyết định của ban chỉ huy trung đoàn, làm mọi người sửng sốt:

“Vì trận chiến đấu mở màn chiến dịch là quan trọng, để đảm bào thắng lợi đầu tiên, xét tư tưởng hiện thời của cán bộ các đơn vị, ban chỉ huy đoàn quyết định:

- Đại đổi trưởng đại đội 3, tiểu đoàn I, Trần Chí Liêu, tạm thời nghỉ công tác, ổn định tư tưởng.

- Đồng chí Nguyễn Mẹo, đại đội phó đại đội 3, thay quyền đại đội trưởng, chỉ huy đơn vị trong trận chiến đấu này.

- Tiểu đoàn I, đại đội 3, các đổng chí trên, chiếu quyết định thi hành, kể từ khi nhận được lệnh.

Mặt trận ngày…

Thay mặt ban chỉ huy trung đoàn

Trung đoàn trưởng ký.

…………………………………………. ”

Cuộc họp cán bộ giải tán trong không khí khẩn trương để chuẩn bị cho giờ nổ súng. Mọi người ra về lòng rộn ràng. Chỉ riêng Liêu, thả từng bước nặng nề lững thững về đơn vị. Tư tưởng tình cảm của anh đang đứng trước một sụp đổ ghê gớm. Lý do cấp trên đình chỉ công tác của anh trong trận chiến đấu đã rõ. Nhưng cái điều chưa rõ thì cũng khó ai giải đáp được. Liêu vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu? Về tới lán, Liêu xót xa nằm vật xuống sạp. Chính trị viên Xuân, cùng một số cán bộ trung đội đã đến với Liêu, động viên an ủi anh vài ba câu, có lẽ để lấy lệ, vì họ thừa biết, nỗi buồn đau đó đối với Liêu quả thật là lớn.

Khoảng mười giờ đêm.

Hầu hết các chiến sĩ đã ngủ ngon sau khi chuẩn bị chu đáo cho bản thân cũng như đơn vị. Còn lại mấy anh đang loay hoay gói buộc bộc phá. Họ vừa làm, vừa rì rầm trò chuyện:

- Vui như tết các cậu nhỉ!

- Phải rồi, chúng mình đang gói bánh chưng đây

- Gói bánh chưng để “mừng tuổi” quan Tây.

Ngọn nến cà-boong thắp sáng, rọi thẳng vào những gương mặt đẫm mồ hôi của các chiến sĩ, nước da vàng ệu vì thuốc pháo.

Một cậu trương mắt tò mò:

- Đố chúng mày biết, tại sao ngày mai đại đội trưởng không đi chiến đấu?

- Nghe nói anh Liêu ốm.

Một cậu nhọn mồm nói nhỏ, giọng tham mưu con:

- Đại đội trưởng đang buồn vì thất tình, tin mật đấy, do đó mà không được chỉ huy đơn vị chiến đấu!

Anh chiến sĩ có đôi mắt thu, từ nãy đến giờ lúi húi gói bộc phá, giờ chắc ngứa tai, “xì” một tiếng rồi nói to lên:

- Thất tình thì đã sao? Chính tớ còn nhớ người yêu đây này! Chiến đấu là một lẽ khác. Ngày mai tớ đánh bộc phá cho các cậu xem!

- Tội nghiệp cho anh Liêu! Anh ấy đánh giặc giỏi đáo để.

Liêu đang ngồi trong lán nhìn ra. Hẳn rằng anh không nghe lọt những lời bàn tán to nhỏ của các chiến sĩ. Nhưng trong lòng anh đang rung lên vì xúc động, tình cảm và trách nhiệm có gì lẫn lộn: “Biết đâu rồi ngày mai, trong sớ những chiến sĩ đánh bộc phá ấy lại chẳng có người thôi nhìn thấy anh mãi mãi…!”. Liêu đứng lên, bước đến bên họ xem xét, trao dổi với họ về cách thức gói bộc phá, sao cho tốt hơn, sử dụng trong chiến đấu thuận tiện hơn.

Cùng lúc này, ở một góc lán, bên ngọn đèn làm bằng lọ pê-ni-xi-lin, đại đội phó Mẹo đang miệt mài đọc tài liệu “Chiến đấu ban đêm”. Mẹo là một trung đội trưởng chiến đấu rất can đảm, lúc nào cũng thích mở đợt phá khẩu, đánh ở mũi chủ công. Sau chỉnh quân chính trị, anh được đề bạt lên đại đội phó. Tuy thế, Mẹo còn có những nhược điểm như xử lý tình huống đôi khi còn chậm và hay liều.

Liêu đã lại lần đến với Mẹo. Anh trao đổi thêm với Mẹo một số kinh nghiệm chiến đấu, nhất là kinh nghiệm đánh địch ở trận địa có công sự dã chiến vốn là sở trường tác chiến của Liêu.

Tên tướng Na-va, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp toàn Đông Dương, đang thiết kế trên chiến trường Trung Lào này một hành lang phòng thủ Trung Đông Dương, lấy con đường 12 làm trục. Mục tiêu đợt đầu của chiến dịch là đánh gãy nát hành lang phòng thủ của địch. Đại đội của Liêu có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt một căn cứ ngoại vi của tập đoàn cứ điểm này.

Thời tiết Trung Lào đi vào mùa khô, ban ngày nắng chang chang, như đổ lửa kéo dài hàng mấy tháng liền không một giọt mưa. Lá rừng trút xuống mặt đất một lớp dày, khô như rang, chỉ cần một tàn lửa cũng đủ gây cháy hàng chục cây số rừng. Đêm đến thì lại hoàn toàn mát, nằm ngủ hơi lạnh đủ đắp một tấm chăn mỏng… Liêu đã quá quen với thời tiết ở đây, còn rất thích nữa là đằng khác. Đêm nay, dẫu rằng trời cũng rất mát, song Liêu vẫn không sao ngủ được.

Ngoài rừng những con chồn, con cáo đi ăn nửa đêm đuổi nhau chạy lạc xạc trên lá khô. Đêm về khuya.

Ba giờ sáng, một trời đầy sao. Những ngôi sao băng như thể đua nhau rụng, vạch lên nền trời những đường sáng cong cong cần câu. Sao rơi vào cõi vô tận.

Đơn vị bắt đầu xuất kích.

Tiếng súng đạn lách cách. Lời dặn dò, nhắc nhở thì thào.

Liêu đi theo đơn vị ra khỏi một bìa rừng thì dừng bước. Chẳng mấy chốc mà đoàn quân đã mất hút trên cánh đồng cỏ ngập sương. Liêu vẫn đứng tại chỗ, mặc cho sương thấm áo, lạnh vào tận ngực.

Bốn giờ rưỡi sáng. Gà rừng gáy le le đó đây. Chim cun cút rúc từng hồi ngoài bìa rừng trên nội cỏ.

Tiếng súng chiến dịch đã nổ!

Góc trời phía Tây trước mặt Liêu bỗng dậy lên giông bão sấm chớp! Cuộc chiến đấu sẽ rất ác liệt mở màn từ đấy.

Liêu cứ một mình đứng ở bìa rừng từ lúc đơn vị xuất kích tới giờ, nhìn về hướng trận đánh, chớp lửa rực sáng cả một vùng, tiếng súng lớn, súng bé rền vang… Hình ảnh cuộc chiến đấu như thể Liêu đang được tận mắt chứng kiến, trong khốc liệt có những phút giây thật rực rỡ, huy hoàng… Các chiến sĩ bộc phá đang nối nhau xông lên dưới ánh sáng hỏa pháo và làn đạn giặc để mở đột phá khẩu… Liêu vịn vào một cành cây lạnh ngạnh đầy gai, bóp chặt cành cây trong lòng bàn tay mà không biết đau.

Tiếng súng đôi bên cứ kéo dài, lúc cuộn lên dữ dội, khi thưa thớt, cũng có những phút im bặt như thể không xảy ra trận đánh, và sau đó lại rộ lên, khốc liệt hơn. Nghe tiếng súng cứ tiếp tục vọng vào tai, Liêu cảm thấy sốt ruột, lo lắng cho trận đánh mở màn của đơn vị.

Chân trời phía đông rạng sáng. Mặt trời đỏ rực như sắt mới ra khỏi lò, đã vươn lên khỏi rặng núi phía sau lưng Liêu. Tia nắng chiếu thẳng vào khu rừng anh đang đứng. Lá cây rừng phơi sương óng ánh dưới ánh mai.

Và, những tốp máy bay chiến đấu của địch, đã hớt hãi bay đến hòng cứu viện. Chúng nhào lộn, trút bom, trút đạn xuống trận địa! Liêu càng cảm thấy chính ruột gan mình cũng đang bị lửa đốt “Không hiểu tình hình ra sao mà gay go đến thế?”

Máy bay thôi không bắn phá.

Tiếng súng ở trận đánh hoàn toàn tắt ngấm.

Liêu xem đồng hồ trên tay, đã tám giờ rưỡi.

Lác đác trên cánh đồng cỏ úa vàng dưới nắng, Liêu nhìn thấy những chiếc tải thương. Anh chạy ngay ra đón chiếc cáng đầu tiên, chưa tới nơi đã lên tiếng hỏi:

- Thế nào rồi các đồng chí?

Anh lính tải thương, mồ hôi trán ròng ròng dưới vành mũ nan, miệng cười rất tươi gương mặt mệt nhọc:

- Thắng oanh liệt lắm, đồng chí ạ. Đánh xong mới biết địch vừa được tăng cường, gần một đại đội ở điểm ta đánh, không phải một trung đội như phương án.

Liêu lật tấn vải dù xanh, xem ai nằm trên cáng, vết thương nặng nhẹ ra sao? Một khuôn mặt máu me bê bết dưới lớp băng trắng đan ngang dọc, Liêu nhận ra đôi mắt thau của Quân, bộc phá viên. Quân bị thương không chỉ ở đầu mà còn cả ở hai chân. Tuy vậy, anh còn rất tỉnh, đang mấp máy đôi môi dày bầm máu, nói:

- Em đã đánh đúng như lời anh dặn.

Liêu xúc động:

- Quân thấy trong người thế nào?

- Em mệt lắm.

Người lính cáng thương chợt nhớ một điều hết sức quan trọng luống cuống:

- Anh Liêu! Anh Liêu! Anh có thư anh Xuân gửi về. Chỉ có thương binh về đây thôi. Đơn vị phải tập kết nơi khác để nhận lệnh gấp. Thư trong túi em đây, anh lấy hộ. Có lẽ anh phải đến đơn vị tập kết gấp đấy.

5

Dân công nằm la liệt hai bên chiến lược dưới bóng rừng im mát. Mùa khô ở vùng đồng bằng Trung Lào, trú quân chẳng cần làm lều lán, chỉ cần bẻ lá cây trải lên mặt đất là được một chỗ nằm. Rừng toàn một loại cây săng lẻ và rải rác có ít nhiều cây dẻ đỏ. Mặt rừng bằng phẳng ít gồ ghề, mùa khô được trải dày một đệm lá khô. Trong rừng đứng cách xa hàng cây số vẫn có thể thấy được người di chuyền, đi lại, rất thuận lợi cho việc trú quân.

Đội trưởng dân công xã Phước Sơn, đứng cao trên một ụ mối, rúc một hồi còi, làm cho mọi người dẫu là đang ngủ cũng phải ngóc đầu dậy nghe tuyên bố:

-… Mặt trận của ta thắng lợi to, hiện đang phát triển nhanh chóng. Quân địch rút chạy liên tiếp. Bộ đội càng tiến xa, tiếng sâu để đánh giặc, càng đòi hỏi sức vận chuyển tiếp tế của dân công. Bởi vậy, chúng ta, mọi người đều phải chuẩn bị một tinh thần hết sức bền bỉ để phục vụ chiến dịch, đảm bảo việc tiếp tế cho tiền tuyến không bị gián đoạn, mặc cho chiến dịch phát triển đến đâu…

Anh đội trưởng chưa nói hết lời thì đã có người phản ứng:

- Muốn phát triển đến đâu thì phát, hết hạn bốn tháng là đây về.

Một ông già lên tiếng đáp lại:

- Công việc Nhà nước, công việc Kháng chiến mà các người cứ coi như đi phu ngày trước. Bộ đội đánh đến đâu ta đi tới đó, chẳng kể kỳ hạn gì hết.

Các cô gái thì chẳng cần tranh luận, chỉ có hát để nói lên tấm lòng, nói lên suy nghĩ của mình:

“Em đi dân công chiến trường, phục vụ chưa xong

Em còn đi mãi lập công chuyến này

Ngày qua, ngày mặc qua ngày

Em còn đi mãi có người thay em mới về…”

Hoa và Thìn như hình với bóng, chị em chẳng muốn rời nhau nửa bước. Cả hai ngồi đua nước bên bờ suối, hát theo ai đó bà hát “Em còn đi mãi” gần chỗ hai người ngồi đun nước là một nhịp cầu gỗ mới bắc tạm trong chiến dịch. Thấy có bóng người đi vội qua cầu, Thìn ngước mặt ngó lên, vừa lúc nhận ra Bình, Thìn lên tiếng ngay:

- Bình ơi! Đi đâu vội thế? Đứng lại đã nào!

Bình là cậu thanh niên cùng làng, cùng lứa tuổi với Tân. Ở nhà, Bình vốn là chàng trai chẳng có gì xuất sắc, hơi cù lần nên cũng ít ai để ý.

Thìn cùng kéo Hoa chạy lên đường gặp Bình. Hôm nay trong cậu ấy khá chững chạc, lưng cũng thắt nịt da, đeo bao đạn, lựu đạn như ai. Bất ngờ được gặp bạn, Bình mừng rỡ, rút khăn bông lau vội bộ mặt lốm đốm tàn nhang và trứng cá, lấy giọng văn vẻ:

- Đúng là quả đất quay tròn, không ngờ được gặp các bạn ở đây?

- Khỏe chứ Bình?

- Có bị sốt rét không?

- Chỉ lo cho các cô thôi.

- Cậu ở đơn vị nào?

- Đi đâu mà có vẻ vội thế?

Bình hơi ưỡn ngực, kiêu hãnh:

- Phải tức tốc hành quân cho kịp bộ đội vào chiếm lĩnh thành phố.

- Ồ… sướng thật.

- Oai thật!

Bình sực nhớ:

- Chết chưa! Suýt nữa quên! Hoa đã gặp anh Liêu chưa?

- Anh ấy ở đâu mà gặp?

- Thế thì nhanh lên! Mình vừa gặp anh ấy ở đơn vị bộ đội trú quân cách đây vài cây số.

Hoa không kịp chia tay Bình, cầm tay kéo Thìn chạy về phía anh bộ đội dân công.

Bình nhìn theo bạn, thích thú sung sướng, thấy mình đã làm được một công việc có nghĩa lý đối với bạn, anh hấp háy đôi mắt. Đoạn, Bình tỏ ra khoan khoái, rút bình toong bên lưng ra, cái bình toong Mỹ, chiến lợi phẩm vừa nhặt được, ngửa cổ tu một hơi nước, quẹt mồm và đi thẳng.

Hoa đang ngượng ngùng xin phép đội trưởng đội dân công:

- Anh cho tui đi gặp anh Liêu một tí.

- Ở đâu? - Đội trưởng hỏi lại.

- Cách đây vài cây số.

Đội trường lắc đầu ngay:

- Không được. Ở mặt trận không có ái tình, tình ái gì cả.

Hẳn không ai lạ gì anh bí thư đoàn ngày trước, tính vừa cục vừa khô khan.

Hoa nói như van:

- Tôi cần gặp anh Liêu, chỉ một tí thôi! Anh thông cảm cho! Tôi chẳng dám đi lâu đâu.

- Tôi hỏi, cô đi phục vụ hay đi kiếm chồng?

Đôi nét lông mày nhỏ cau lại, Thìn nói với đội trưởng:

- Anh cho Hoa đi là đúng. Có thế chị em mới phấn khởi. Tôi nghĩ rất hợp tình hợp lý.

Đội trưởng xua tay:

- Không tình không lý gì ở đây cả. Tiền tuyến là trên hết.

Hoa không nhịn được:

- Sao anh ác thế! Tàn nhẫn vừa vừa chứ! Nhiệm vụ tôi làm tròn là được.

Thìn cố thương lượng với đội trưởng:

- Anh cứ để Hoa đi! Nếu cô ấy về chậm, tôi sẽ gánh phần hàng của Hoa. Nhưng, gần đây thôi mà, lo gì chậm.

Đôi môi thâm xì của đội trưởng bĩu một cái:

- Tôi xin các cô!

Thế rồi đội trưởng bỏ đi, tỏ ra dứt khoát trong giải quyết công việc, cứng rắn về tư tưởng, lập trường.

Hoa nhìn theo đội trưởng nghẹn cổ, nước mắt rơm rớm. Và chừng như không chịu thấu sự máy móc nguyên tắc của đội trưởng, cô phùng má rồi nói to:

- Không cho cũng đi! – Với Thìn – chẳng cần lão ấy mình đi đã Thìn ạ. Nói rồi, Hoa bỏ chạy theo hướng lúc nãy Bình đi tới.

Thìn nhìn theo Hoa chạy, tóc bay trong gió như mớ liễu, chân không bén đất, tưởng như cây cối hai bên đường cũng vội vàng rẽ đường cho cô chạy. Ngày thường mỗi lần qua suối là Hoa phải dò dẫm từng bước, giờ cô cứ ào ào băng qua. Mổ hôi ròng ròng trên trán, ướt đẫm cả thân áo, gặp đoàn dân công từ dưới lên, Hoa hỏi ngay:

Các ông ơi, cho tôi hỏi, có đơn vị bộ đội nào trú gần đây không ạ?

Gánh nặng, chẳng ai buồn trả lời. Hoa hỏi to lên lần nữa.

- Có đơn vị bộ đội nào ở gần đây không các ông?

Một thanh niên ngửng mặt, thấy cô gái xinh xinh, gắng cười, trả lời:

- Bí mật!

Hoa nổi cáu:

Bí mật cái gì? Làm Việt gian thì ai cho đi dân công! Có việc cần tới mới hỏi chứ.

Một ông cụ giọng mệt nhọc:

- Không có đơn vị nào nữa, cháu ạ.

Hoa thất vọng, đứng đờ người ra, cho đến khi đoàn công dân nọ đi khỏi rồi mới lê bước trở lại.

Chẳng rõ, Bình đã gặp Liêu ở đâu, hiện tại đang có một đơn vị bộ đội trú quân sâu trong rừng mà Hoa không để ý thấy nên đã chạy qua. Giờ trở lại, cố mới nhìn thấy khói bếp và thấp thoáng bóng người. Hy vọng tràn đầy, lòng rộn hẳn lên, Hoa rẽ vào nơi trú quân của bộ đội.

Tại địa điểm trú quân này, xem ra bộ đội cũng ít, trước sau chỉ thấy có mấy người ốm và một anh y tá Hoa hỏi ngay:

- Thưa anh… Còn anh Liêu ở đây không ạ?

Người y tá hỏi lại:

- Anh Liêu cấp dưỡng phải không cô?

Hoa mừng rỡ đến bối rối:

- Vâng, anh Liêu cấp dưỡng.

- Vậy thì anh ấy còn nấu ăn sau suối.

- Ra lối nào ạ?

- Cô cứ đi thẳng đường ấy mà ra.

Lòng bồi hồi khôn tả xiết, chưa ra tới nơi, chỉ mới thoáng thấy bóng người bên bếp. Hoa đã lên tiếng gọi.

- Anh Liêu ơi! Anh Liêu!

- Ai đấy? Ai đấy? – Tiếng trả lời

Khi Hoa đã đến trước anh cấp dưỡng nọ, thì cả hai người đều chẳng ai nhận ra ai. Anh cấp dưỡng đành nở một nụ cười dưới hàng ria cá trê trước nét mặt hết sức sượng sùng, lúng túng của Hoa.

- Tôi cũng là Liêu. Nhưng có lẽ không phải là Liêu của cô, mà là con của tôi.

Hoa không còn nói năng được một câu, đờ người ra đứng nhìn làn khói bạc uốn éo trên mái bếp kiều Hoàng cầm.

Thấy vậy, anh lính cấp dưỡng già nọ như hiểu chuyện, thông cảm với Hoa, vội đi múc một ca nước lả đưa đến.

- Cô em uống nước đi! Chắc lại nhầm rồi đấy!

Hoa như giận dỗi, không nói thêm một lời nào, quay ngoắt trở lại, để anh cấp dưỡng đứng nhìn theo chạnh lòng.

(6)

Chiến dịch Đông – Xuân đã nổ súng và thắng lợi giòn giã. Quân ta đánh Ba-na Phào, đánh trận địa pháo binh địch trên cánh đồng Khăm-he, đánh tan tiểu đoàn 27 B.T.A. Hành lang phòng thủ Trung Đông – Dương của Na-va đã bị đánh gãy xương sống, quan quân tan rã từng mảng, chạy tơi bời. Khắp vùng rừng núi này ở đâu cũng bắt được tù binh Pháp.

Sau khi tiêu diệt xong một vị trí địch ở ngoại vi hành lang, Liêu đã được lệnh trở lại chỉ huy đơn vị, truy kích địch theo dường 12 vào tận Thà Khẹt.

Quân địch đã rút chạy nốt khỏi thành phố Thà Khẹt. Đơn vị của Liêu lại nhận được lệnh ở lại Thà khẹt làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố.

Thà Khẹt là thị xã của tỉnh Khăm-muộn thuộc Trung Lào. Thành phố nhỏ nhắn, xinh xắn nằm sát ngay bờ sông Mê Kông, đối diện với bên kia là thành phố Na-Thon của Thái Lan. Ngay từ túc mới bước vào làm công tác tiếp quản, Liêu cũng như các chiến sĩ của anh đã tỏ ra rất có cảm tình với thành phố có vẻ đẹp thơ mộng này. Ngót tháng trời, họ được sống với thành phố, đi dưới bóng mát khu vườn Bản Tày, ăn quả dưa đầu mùa ở bãi Đon-Pưới, nghe quen tiếng trống thu không chùa Bản Nứa, tiếng chuông đón bình minh của nhà thờ lớn và nhất là sự đùm bọc yêu thương của nhân dân trong thành phố mà đơn vị đón nhận từ buổi đầu. Thế mà, giờ đây họ sắp sửa phải xa rời thành phố thơ mộng xinh xắn này.

Để đối phó với tình hình quân sự xấu đi một cách nghiêm trọng trong ở vùng này. Tướng Na- va đã điều hẳn hai binh đoàn cơ động GM1 – GM2 từ đồng bằng Bắc Bộ sang tăng viện cho chiến trường Trung Lào, cố chiếm lại Thà Khẹt.

Chủ trương của quân ta trong chiến dịch này là tiêu diệt một phần sinh lực địch, thu hút và chôn chân một bộ phận của chúng tại chiến trường này tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiêu diệt hoàn toàn địch trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng ta không chiếm giữ thành phố Thà-Khẹt. Liêu vừa nhận được bức thư điện khẩn của bộ chỉ huy mặt trận cách đây một tiếng đồng hồ. Bộ chỉ huy lệnh cho đơn vị rút khỏi thành phố, song không thể rút lui âm thầm, mà phải đánh một trận tốt, thắng lợi, để giữ vững tinh thần lạc quan cho phong trào quần chúng, nhân dân.

Liêu vừa báo cáo tình hình với ông Xiêng Hằng, Chủ tịch ban quân quản thành phố rồi trở về đơn vị, chuẩn bị cho trận đánh tới. Những con đường thành phố buổi chiều đang được nắng nhuộm đỏ. Quân địch rút chạy để lại cảnh bừa bộn không sao tả hết, đồ đạc, vật dụng đủ thứ ngổn ngang, áo quần, giấy tờ rải cùng đường phố. Mấy con chó không chủ, lè dài lưỡi, thất thểu kiếm ăn dọc theo các vỉa hè.

Tình hình quân sự đang căng lên từng giờ. 12 tiểu đoàn quân ứng chiến của địch theo đường 13 tiến đến Thà–Khẹt, mũi đi đầu chỉ còn cách thành phố 7 ki-lô-mét. Các cơ quan quân quản, hậu cần đã rút khỏi thành phố. Nhân dân cũng đã được tản cư gấp khỏi cùng chiến sự sắp xảy đến. Bởi vậy chiều nay, không khí trong thành phố Thà-Khẹt không còn vui vẻ như những ngày chuẩn bị Nô-en vừa qua. Bao trùm lên thành phố là không khí lửa đạn sắp bùng nổ. Trên trời, máy bay bà già dò thám, máy bay chiến đấu của địch bay liệng không ngớt. Giữa sông Mê Kông, địch đã đem đến hai tàu chiến sẵn sàng nổ súng vào thành phố. Máy bay của không quân Thái Lan cũng diễn võ dương oai, có lúc như rà sát mặt sông.

Về đến đơn vị, sau khi hội ý hội báo ban chỉ huy đại đội xong, Liêu triệu tập một cuộc họp cán bộ cấp tốc để phổ biến kế hoạch tác chiến và hạ quyết tâm thực hiện lệnh trên: Phải đánh một trận tốt, thắng lợi trước khi rút lui…

11 giờ đêm, kế hoạch tác chiến, công tác chuẩn bị đâu đã vào đấy. Liêu ra lệnh cho đơn vị ngủ để giữ sức.

Xong, một mình Liêu lững thững đi ra phía bờ sông.

Trước giông bão sắp đến, người đại đội trưởng trẻ tuổi ấy vẫn giữ được phong thái bình tĩnh. Liêu ngồi xuống một tảng đá bên bờ sông cạnh một gốc gỗ dầu cao vút. Vừa hút thuốc lá một cách khoan khoái. Liêu như vừa thả hồn theo sông nước Mê-Kông. Gió sông hiu hiu se lạnh. Nhưng nước sông thì chảy rất xiết. Nhìn dòng nước xiết. Liêu lại nhớ đến mối hận của nhân dân Lào đối với thực dân Pháp. Sau khi nhân dân Lào giành được chính quyền tháng 10-1945, bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược Lào lần thứ hai. Chính ở thành phố Thà-Khẹt này, bọn xâm lượt đã tàn sát đẫm máu nhân dân Lào. Giữa lúc chợ Thà-Khẹt đông người, chúng cho máy bay dội bom vào giữa chợ. Khi lính bộ tấn công vào, nhân dân thành phố chống cự không nổi đành vượt sông Thà-Khẹt tản cư sang Thái Lan. Một lần nữa quân đội Pháp lại cho máy bay dội bom, bắn phá các tàu thuyền nhân dân tản cư! Hơn thế nữa, chiếm được thành phố, quân Pháp bắt cả người lớn, trẻ em nhét vào bao tải vứt xuống sông Mê Kông! Chúng đã giết chết hàng ngàn dân Lào và Việt Kiều tại khúc sông này.

Liêu nhìn mãi, nhìn mãi dòng sông như muốn nói với những linh hồn chết rằng đơn vị anh sẽ trả thù cho họ một ngày gần đây.

Điếu thuốc cháy lập lòe trên tay Liêu.

Bỗng động có tiếng người phía bên kia đường. Liêu lắng nghe, hình như là tiếng cãi cọ của một nam và một nữ. Anh lên tiếng:

- Ai đấy?

Nghe rõ tiếng Liêu, hai người kia đem nhau đến. Liêu nhận ra một chiến sĩ của anh và một cô gái, có lẽ là Việt Kiều.

Anh chiến sĩ:

- Báo cáo anh Liêu! Thành phố còn sót lại cô gái này không chịu đi tản cư.

Liêu đứng lên, hỏi cô gái:

- Giặc sắp đến, sao cô không đi tản cư.

- Thưa – cô gái lễ phép, nhưng rắn rỏi – Tôi trước nấu cơm cho tự vệ thành, nay bắt tôi tản cư, tủi thân lắm. Mong các anh cho tôi ở lại chiến đấu.

Thấy Liêu vẫn chăm chăm nhìn mình, cô trở nên cứng cỏi:

- Thưa ông… nếu cần, tôi cũng đánh được giặc.

Liêu vẫn chưa nói gì, cũng nhìn cô gái kỹ hơn. Trong ánh trăng hạ tuần, đôi mắt cô gái nom trong suốt, thoáng đôi nét ngơ ngác, cứ như cặp mắt một con nai non.

Đôi mắt cô gái không còn nhìn Liêu nữa, mà đang nhìn xuống sông. Rồi đôi môi nhỏ của cô run run, nói với Liêu mà cứ như nói một mình.

- Năm bốn sáu, cha mẹ tôi bị giặc Pháp giết ở đây.

Câu nói của cô gái có sức truyền cảm, làm Liêu không thể thờ ơ, dửng dưng được với cô. Bây giờ Liêu mới nhìn thấy quả lựu đạn mỏ vịt trên tay cô gái. Liêu bắt đầu hỏi cặn kẻ về lai lịch của cô gái. Và, câu chuyện giữa hai người dần đã trở thành tâm sự!

- Tôi hỏi thực quê quán cô ở đâu?

- Quảng Bình.

- Huyện nào?

- Em không nhớ.

- Gia đình cô lên đây bao giờ?

- Năm đói bốn nhăm, em theo cha lên đây.

- Vậy sau khi ông cụ mất, cô ở với ai?

- Làm con nuôi một nhà Việt Kiều cũ ở đây – Cô gái cuối mặt, hạ giọng – nói là con nuôi, khổ cũng như đứa ở.

- Thế mẹ cô?

- Mẹ ở lại dưới Việt. Em không biết còn hay mất.

Câu chuyện cô gái kể ra đã đến quá gần với lời dặn của bà mẹ nghèo tên là Cư đã chăm sóc anh ngủ trọ một đêm trên đường đi trận. “bà cụ bảo tên cô con gái là gì nhỉ?” – Liêu cố nhớ, rồi hỏi:

- Vậy tên cô?

Cô gái cuối mặt có phần bẻn lẻn:

- Gái.

- Vậy có phải mẹ cô tên là Cư không?

- Sao ông biết? – Cô gái ngạc nhiên.

- Thôi đúng rồi! Vậy thì bà cụ mẹ cô còn sống.

Hai bàn tay cô gái bóp lấy nhau:

- Ông biết mẹ em?

Giọng Liêu ôn tồn, ấm áp:

- Trước hết, đề nghị cô gọi tôi bằng anh, xưng ông nghe thế nào ấy.

Có lẽ mặt cô gái đang đỏ hồng trong đêm. Cô cuối mặt mỉm cười.

- Trên đường ra trận, tình cờ, tôi có ngủ trọ lại trong nhà bà cụ một đêm. Cụ ở huyện Tuyên Hóa, xã dưới Phước Sơn. Cụ kể rằng cụ có một cô con gái theo cha sang Lào năm bốn lăm, cho đến nay không có tin tức. Biết tôi sang chiến đấu bên này, cụ có nhờ tôi tìm kiếm cô giúp cụ. Tên cô là Gái, đúng rồi!

Anh chiến sĩ ban nãy vẫn đứng đây, nghe được một câu chuyện tình cờ hết sức lý thú.

Sung sướng, nước mắt cô gái ứa ra, qua ánh sáng trăng lấp lánh, trong rất rõ

Anh chiến sĩ lên tiếng:

- Như thế thì… đề nghị anh Liêu, cho cô Gái ở lại với đại đội ta luôn.

Liêu đáp giọng thân tình:

- Thôi dược. Cứ hãy ngồi xuống đây đã, tôi nói chuyện về bà cụ cho cô nghe.

Liêu ngồi lại vào tảng đá.

Cô gái dè dặt, xếp gối ngồi xuống trước mặt Liêu.

Còn anh chiến sĩ, vẫn cầm súng như người đứng gác. Liêu rút thuốc lá, trao cho người chiến sĩ một điếu, thuốc lá thơm hẳn hoi, bà con Việt Kiều tặng anh sáng nay.

Một vệt ánh sáng đèn pha từ tàu thủy quân địch đậu giữa sông quét qua trên đầu ba người.