Mùa hoa dẻ - Phần III - Chương 7 - 8 - 9

7

Mặt trời vừa mới nhú lên khỏi cánh rừng phía đông, máy bay trinh sát địch đã liệng vè vè trên bầu trời Thà-Khẹt.

Đơn vị bố trí đón đánh địch ở hướng Đông Nam thành phố, đường 13 đổ vào. Còn con đường dọc theo bờ sông xuống làng Xiêng Vang thì do đơn vị tự vệ thành phố đảm nhiệm. Từ ngày vào chiếm lĩnh thành phố, đơn vị của Liêu đã nhanh chóng tổ chức được hai trung đội. Tự vệ thành, giờ đây đang phối hợp tác chiến với đơn vị của Liêu. Trong các công sự, chiến sĩ ta đều đã sẵn sàng chờ giặc đến rồi nổ súng. Nhưng giặc chưa đến, những giây phút chờ nổ súng thật căng thẳng, nên mỗi chiến sĩ đều tự tìm ra một cách giải trí. Có mấy người nhặt những hòn sỏi nhỏ, thi nhau búng đúng một tiêu. Anh thì ngồi rít thuốc lá lắng theo tiếng hét ban mai của một con họa mi từ cánh rừng vọng lại. Có người cần cù tiếp tục sửa sang lại công sự. Tuy, người chiến sỉ nhỏ bé nhất đại đội thì đang lấy đất nặn hình người, đủ các loại, Tây, Nhật có cả…

Thời gian đã đi qua rõ nhanh. Mặt trời trèo lên khỏi dãy rừng phía đông được chừng cây nứa. Lá ngụy trang trên các cộng sự đã được thay thứ khác cho tươi.

Một chiến sĩ nào đó lầu bầu chửi:

- Tiên nhân chúng nó, mỏi cả mắt chờ, không chịu dẫn xác tới. Đánh nhau vào buổi chiều thì có mà ăn cám!

Chín giờ sáng.

Liêu nâng ống nhòm quan sát tình hình địch phía trước. Mũi tấn công chủ yếu của địch theo hướng đường 13 đã dừng lại ở phía nghĩa địa cây số 3. Trước đôi kính ống nhòm, rõ mồn một những xe cộ, lính tráng địch đi lại. Động cơ các xe rú lên như người phát suyễn lúc sắp chết. Lại còn có những âm thanh là lạ, lệch kệch, lồng cồng, tựa hồ tiếng đóng nắp quan tài. Xem ra, Liêu còn sốt ruột chờ địch tới hơn cả chiến sĩ mình.

Men theo giao thông hào, có bóng một cô gái mặc áo màu sim chín đang đi tới, Chiến sĩ ta đùa theo cô gái.

- A… con thỏ nâu!

- Con thỏ nâu tha mồi cho anh em!

Gái đã được Liêu đồng ý cho ở lại cùng đơn vị, đảm nhiệm công việc giúp “anh nuôi”. Cô đang tiếp tế cho các chiến sĩ, vui vẻ phát tận tay từng người nước uống, thuốc lá. Liêu là người tiếp nhận cuối cùng.

Cầm lấy bao thuốc “Mô-li-a” trên tay Gái, Liêu ngạc nhiên:

- Lấy đâu ra thứ này?

- Thiếu gì, người ta vứt đầy ở các hiệu. Tội gì mình không lượm.

Liêu lắc đầu.

- Cô bé này hoạt động dữ quá.

Gái đứng bên Liêu cười bẽn lẽn, sung sướng như một đứa nhỏ, lần đầu biết nấu cơm được mẹ khen.

Một chiến sĩ gần đấy:

- Cô tiếp tế ơi, giá trưa nay mỗi người được vài ngụm cà phê thì khoái quá!

- Dễ thôi, anh ạ! – Đoạn Gái chia tay Liêu – Em về đây – Gái trùm tấm khăn dù xanh lên đầu.

Liêu nói với theo cô:

- Khéo không bẩn mất áo mới!

Cô ngoái lại lườm Liêu, đôi mắt trong suốt tựa mắt nai non nguýt Liêu một nguýt dài… Liêu dặn thêm!

- Nhắc các anh cẩn thận, đề phòng khói nấu nướng. Địch phát hiện được thì cứ ngửa nồi mà hứng đạn!

Bóng Gái lom khom men theo giao thông hào. Cô đi tới đâu thì chiến sĩ cười nói, vui đùa tới đó.

- Bắt lấy!

- Bắt lấy con thỏ, anh em ơi!

Giọng Gái nũng nịu:

- Đừng, đừng, để thỏ tha mồi cho chứ!

Mặt trời đứng thẳng đỉnh đầu. Các chiến sĩ vẫn sinh hoạt giải trí ở trận địa, cởi cả áo, phơi lưng trần ngồi đánh tú lơ khơ, anh thì chép bài hát, chép thơ, người lấy ảnh người yêu ra ngắm, thì thầm lời gì đó, anh nọ đem lá thư vợ đã nhàu nát ra đọc… Cậu Tuy, người nhỏ bé thôi không nặn đất nữa, đang bắt tay vào sửa đôi giày đang đi sao cho vừa chân. Đây là đôi giày thứ mười bảy của cậu, kể từ ngày vào chiếm lĩnh thành phố tới nay. Có ngày cậu ta thay giày đến năm lần. Đôi giày nào cũng mõm “đơ-cu-lơ”.(1)

Thỉnh thoảng một loạt đại bác 108 ly của địch từ ngoài dội vào thành phố, “kiểu bắn thăm dò”. Giữa trưa trên bầu trời giảm bớt tiếng máy bay.

Và, đêm đã trùng xuống. Trăng hạ tuần chưa mọc. Trời tối om, sâu thẳm.

Vòng ngoài thành phố, phía địch, pháo súng được nối nhau đều đặn bắn lên, tỏa ra ánh sáng xanh. Ánh sáng rọi sang cả trận địa quân ta, thấp thoáng thấy gương mặt của các chiến sĩ đều giống nhau. Ở đây, đơn vị đang sinh hoạt văn nghệ, dẫu rằng mặt trận, không khí có phần căng thẳng.

Mọi người đang cố nài Gái hát. Chỉ cần nghe giọng hát con gái, không câu nệ hay, dở. Anh em yêu cầu dữ quá. Gái đành bẽn lẽn đứng lên, hát bài “Thanh niên hành khúc”. Bài hát này cô được thanh niên Việt Kiều tập cho sau ngày cách mạng Lào thành công. Bài hát lại tắt ngấm trong lòng cô từ sáu, bảy năm nay, giờ mới lại được hát lại. Gái hát không đúng điệu lắm, các chiến sĩ vẫn vỗ nhịp và hát hòa theo…

Buổi liên hoan không được phép kéo dài, mặc dầu các tiết mục cỏn tỏ ra khá phong phú, vì đơn vị cần nghỉ sớm… Cuộc vui được chấm dứt, đại đội trưởng Liêu đã đứng lên nhắc nhở anh em:

- … Rất đông anh em cứ sốt ruột, thắc mắc tại sao địch lại chưa vào thành phố. Chúng nó xảo quyệt lắm. Thời gian lặng lẽ thế này đang chứa đầy nguy hiểm cho ta! Chúng ta đang tiến hành chiến thuật kéo dài thật lớn vòng vây, để cuối cùng cất vó ta thật gọn. Nhưng tất nhiên ta không dại, cứ phải tìm cách giành lấy chủ động. Ban chỉ huy đã có kế hoạch. Yêu cầu anh em, xong đây, về xem xét lại mọi chuẩn bị cá nhân, vũ khí, súng đạn thật tốt, sẵn sàng. Tôi hứa, sáng mai sẽ gọi được kẻ địch vào đây, chỉ cần chúng ta bình tĩnh để nện cho chúng những đòn trí mạng.

(8)

Tiếng nổ nổi lên từ lòng thành phố. Viên quan năm chỉ huy binh đoàn ngóc đầu khỏi cái chăn tú nghe ngóng. Giường cao su dưới thân hình nặng nề của hắn, phát ra những tiếng kêu, na ná như tiếng con lợn ụt át ủn ỉn… Khi quan viên năm ra khỏi liều bạt, nhìn về phía thành phố cũng là lúc ngọn lửa trong thành phố bốc cao làm sáng rộng cả một góc trời.

Viên quan tư - tham mưu trưởng binh đoàn cũng vừa tới. Hắn muốn kịp đứng nghiêm, chào, thì tên quan năm đã hất hàm hỏi:

- Ông cho tôi biết, lửa gì trong thành phố vậy?

Quan tư tham mưu trưởng:

- Chắc rằng Việt Minh rút khỏi thành phố, đang đốt phá kho tàng.

Viên quan năm vẻ cay cú!

- Tham mưu trưởng quả thông minh: Giá ông thông minh sớm hơn nữa thì chúng ta đã hốt gọn chúng trong thành phố. Bây giờ mà ông còn “chắc rằng…“ – giọng nghiêm khắc – Trinh sát ông bố trí ra sao mà không biết địch rút lui?

Thân hình tên quan tư cao lêu đêu như đang run.

- Thưa ông… vòng vây đã kín.

Viên quan năm đanh giọng lại:

- Cấp tốc cho tiểu đoàn X chốt ngay eo núi cây số 9 trên đường 12. Còn các mũi khác, phải chịu trách nhiệm khép thật kín vòng vây của mình. Điện cho ca-nô tuần tiễu thường xuyên trên sông Mê Kông!

Quân địch lại lồng lên trong đêm! Pháo sáng, cái này chưa lụi cái khác đã bay lên tỏa sáng, tưởng soi rõ được cả lốt chân người quanh thành phố. Động cơ xe đi chạy lại chuyển quân rú như sói mất mồi. Dưới sông, đèn pha như ca-no quét ngang, quét dọc kỹ như người cầm đuôi soi ếch. Cả một lực lượng địch hoạt động sôi lên cho tới sáng.

Gà rừng gáy xào xạc ở mấy cánh rừng phía đông thành phố. Bình minh đang rạng dần. Một ngày nữa đầy căng thẳng đang đến giữa hai lực lượng đối địch không cân sức – một bên là 12 tiêu đoàn quân viễn chinh Pháp, một bên là đại đội quân tình nguyện Việt Nam do Liêu chỉ huy và hai trung đội tự vệ thành Thà-khẹt mới đươc thành lập chưa chẵn tháng.

Đúng như kế hoạch Liêu đã vạch, đêm qua anh vờ làm một động tác đốt kho tàng, cốt để đánh lừa, dụ kẻ địch vào thành phố, chủ động nổ súng đánh chúng.

Và, rõ ràng quân địch đã mắc lừa, sáng ra, cà phê xong xuôi, chúng cho một đại đội ung dung tiến vào thành phố, yên trí rằng quân ta đã rút hết trong đêm qua. Đơn vị địch tiến vào thành phố trông khá oai, cũng “Cờ-roa đờ ghe”(1) “Coóc-đông đon-nơ”(2) chói sáng từ vai xuống ngực. Mấy viên sĩ quan hành quân như diễu binh chỉ thiếu có kèn trống quân nhạc…

Sau khi hỏa lực vòng cầu dồn dập bắn thị uy, cánh quân địch vào thành phố đã vượt qua nghĩa địa, tiến vào theo mối đường 13.

Chúng đã hoàn toàn lọt vào trận địa quân ta.

_________________________________

(1) (2) Huân chương và lòng danh dự của quân đội Pháp

Hai khẩu súng máy đặt chính diện bất ngờ khai hỏa! Như bị đập một đòn bất ngờ vào trán, cánh quân địch khựng lại tại chỗ. Gần một tiểu đội địch chết ngay từ loạt đạn đầu.

Tiếp đó là trận địa mìn! Mìn nối nhau nổ long óc, cả một trung đội giặc đi đầu bị tung lên, tan tác.

Lưới lửa của ta đang chéo cánh sẻ, đè đầu hai trung đội đi sau xuống tại chỗ đê cho súng cối cứ thế mà xả vào lưng chúng tới tấp như chày giã gạo nhịp ba, nhịp bốn…

Liêu dã biết dùng đến chiến thuật địa hỏa lực để tiêu diệt sinh lực địch hết sức có hiệu quả, nhất là trong tình huống địch bất ngờ vì quá chủ quan. Cả một đại đội địch bị chặn lại giữa lưới hỏa lực, cứ láo nháo như cua đồng trong cối. Những thằng bị thương nặng nằm tại chỗ kêu cha, la trời, có đứa lầm bầm đọc kinh cầu nguyện. Chỉ còn khúc đùi, chưa đầy hai tiểu đội địch thoát khỏi trận địa hỏa lực, vất cả súng ống tháo chạy bán sống bán chết!

Hẳn rằng, bị mắc mưu quân ta, những viên chỉ huy Pháp đang lồng lên và đang cấp tốc, vội vàng tính chuyện trả đũa.

Trên trời, máy bay như chực sẵn ập đến nhào lộn, oanh tạc, mở màn cho một trận tấn công thật sự. Lửa na-pan đỏ rựng, khói đen ngòm, mùi khét lọt phủ lên một góc phố phía đông, kế đó là bom nổ. Hết máy bay oanh tạc đến máy bay hàng loạt, bốn “bát-tơ-ri” cùng dội vào một lúc, cơ hồ thành phố muốn nát vụn. Trong làn mưa đạn đại bác, tháp chuông nhà thờ lớn như một gã say cứ lảo đảo, lảo đảo…

Bom đạn địch trút xuống trận địa quân ta thật dữ dằn, có những chiến sĩ bị đất vùi chôn sống. Khẩu đội đại liên bố trí phía trái trận địa bị một quả đại bác, cả ba đồng chí hy sinh. Công sự, chiến hào nhiều quãng bị sập, sạt lở. Các chiến sĩ vẫn cắn răng, đứng vững ở vị trí của mình trong khói đạn mịt mù, chờ bộ binh chúng đến. Tàu thủy của chúng giữa sông Mê-kông cũng đang nã đại bác vào phía sau trận địa quân ta.

Sau gần một tiếng đồng hồ dùng máy bay và đại bác đánh hủy trận địa, tưởng rằng đã diệt sạch quân ta bằng hỏa lực phi pháo, bọn chỉ huy Pháp mở một mũi tấn công bằng một tiểu đoàn bộ binh vào phía đông nam thành phố.

Thế là, một trận chiến đấu hết sức quyết liệt đang diễn ra, giữa một tiểu đoàn bộ binh tiến công của quân Pháp với một đại đội quân ta trong cộng sự dã chiến. Súng nổ như xay lúa, không còn phân biệt nổi tiếng súng ta, tiếng súng địch.

Trong khi trận ác chiến đang diễn ra ở góc phố phía đông nam này thì máy bay và pháo binh địch vẫn tiếp tục oanh tạc vùng ngoại vi thành phố, không phải để chặn viện mà cốt đón đường rút lui của quân ta.

Nắng mỗi lúc một gay gắt, hun bỏng thêm trận chiến vốn đã rất nóng.

Súng máy bắn dữ quá đã đỏ cả nòng. Khẩu đại liên số 2 đang hoạt động đắc lực, bỗng nhiên bị tắt tịt.

Liêu đứng vượt chiến hào, thét hỏi:

- Vỹ! Súng tắc rồi sao?

Một giọng trả lời đau xót:

- Anh Vỹ đã hy sinh! Súng bị toác nòng!

Liêu ra lệnh:

- Vọng! Đem ngay khẩu trung liên số bốn sang vị trí đại liên, bắn gãy sườn chúng nó! Nhanh lên!

Trận chiến đấu đang rộ lên tới đỉnh cao khốc liệt, bỗng trở lại yên tĩnh một cách đột ngột. Bị tổn thất khá nặng nề, địch dừng lại để củng cố đội hình và tổ chức đợt chiến đấu mới.

Đơn vị của Liêu có hai khẩu đại liên hoàn toàn không sử dụng được, trung liên cũng đã hết đạn. Vũ khí đơn vị còn lại chỉ có súng trưởng, tiểu liên, lựu đạn và lưỡi lê. Liêu ra lệnh cho anh em tranh thủ thời gian ngưng bắn sửa sang lại công sự, lau chùi vũ khí.

Bây giờ nước uống mới chính là bức thiết. Vừa qua, còn một ít nước, thứ lo tưới nòng súng, thứ lo cho thương binh, cổ họng các chiến sĩ khan như sắp nổ, nước bọt ráo sạch, chỉ còn là chất nhờn đắng khói súng trong miệng mọi người.

Phía gần cuối trận địa, đại đội trưởng Liêu đang cật vấn một chiến sĩ.

- Đồng chí ngửa hai bàn tay ra tôi xem. Nước gì đấy?

Chiến sĩ cuối mặt nói không thành lời.

- Uống nước tiểu hả?

Chiến sĩ trả lời khẽ:

- Báo cáo… khát quá.

- Tôi cũng đang khát. Nhưng gắng chịu, sắp có nước tiếp tế rồi. Uống bậy bạ như vậy, không nên.

Đằng sau trận địa, bỗng ồn ào hẳn lên! Thì ra Gái đã đem nước tiếp tế cho anh em – không chỉ là nước, còn có cả thuốc lá nữa. Nước và thuốc đang được chuyền tay đến từng người qua từng ngóc ngách công sự.

Gái lóp ngóp bò đến bên Liêu, đem thuốc, nước lại còn nhí nhảnh đút vào túi anh một gói kẹo.

- Lẽ ra, em tiếp tế sớm hơn. Chỉ tại… chúng nó bắn rát quá, nước lại sôi lên – Gái khoe với Liêu.

Liêu khen, động viên:

- Em giỏi lắm. Thấy bóng em là cả đơn vị mừng.

Anh lính liên lạc của đại đội gọi sang.

- Cô Gái ơi! Hát một bài cho vui nào!

- Chờ tối liên hoan, giờ còn phải đánh nhau chứ.

Gái cười tạm biệt Liêu, đôi mắt nai non nhìn anh âu yếm, rồi ôm mấy cái túi vải và mấy bình toong nước bò lên phía trước.

Khói thuốc lá loằn ngoằn trên các công sự, cộng với mùi nắng khét và thuốc súng phả ra, nồng nồng, gây gây.

Bất thần một loạt pháo địch trút tới trận địa. Mọi người giật mình nghĩ tới Gái! Họ đứng bật cả dậy trong công sự nhìn ra hướng Gái vừa bò lên tiếp tế. Trong chiến đấu, một loại đạn pháo nổ như vậy có gì đâu mà ai cũng để ý. Riêng ở đây, loạt đạn đã nổ vào chỗ đứa em gái vô cùng đáng yêu của đơn vị vừa bò tới. Mắt ai cũng như đều rách ra, nhìn vào mấy cồn khói bụi hung đỏ.

Liêu thét gọi:

- Gái! Gái ơi! Trở lui! Trở lui ngay!

Không có tiếng trả lời!

Liêu bật nhảy ra khỏi chiến hào, lao mình vào đám khói bụi và phục ngay xuống bên cạnh Gái! Gái đã bị đạn nằm ấp mình lên túi thuốc lá và mấy bình toong nước. Máu từ ngực cô đang tuôn ra lênh láng.

Liêu bế xốc Gái lên tay, chạy băng trở lại chiến hào phía sau giữa những loạt pháo địch bắn tiếp ầm ầm, khói bụi mù mịt. Bê được Gái về chiến hào phía sau đôi cánh tay và ngực Liêu cũng đã bê bết máu của Gái.

Gái đã hoàn toàn tắc thở. Liêu nhìn vào khuôn mặt Gái, không còn tươi sáng nữa, nhợt nhạt. Và, đôi mắt đẹp, ngây thơ, trong suốt như mắt con nai non giờ đã mất thần sắc. Tay Liêu run run, vuốt mắt cho Gái. Đôi mắt nai non đã vĩnh viễn nhắm lại.

Trong chiến hào, trong các cộng sự, chiến sĩ truyền cho nhau tin Gái đã hy sinh. Hoàn cảnh không cho phép họ đến ngay với Gái được, chỉ biết ngồi lặng trong chiến hào, lòng hướng về Gái, thầm gửi những lời nhắc nhở “trả thù cho Gái!”.

Trên trận địa, nắng vẫn như thiêu đốt.

9

Trước khi rút lui khỏi thành phố, Liêu ra lệnh phá hủy hết kho tàng súng đạn, lương thực còn lại, không để cho địch một giọt dầu, một viên đạn, hạt gạo. Vậy mà, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đó lại xảy ra một chuyện khá rắc rối giữa bộ đội với hai thanh niên xung phong gác kho. Đã mấy lần Liêu cử bộ đội đến thương lượng với hai thanh niên gác kho nọ, lấy chìa khóa để chuẩn bị đốt kho song họ không chịu nghe Liêu phải thân hành đến.

Hai thanh niên bận quần áo nâu, súng tiểu liên Tuyn đeo bên nách. Có một anh tên là Bình. Họ đang hì hục làm cộng sự trước nhà kho. Đây là kho tập trung lớn nhất thành phố.

Liêu xồng xộc đi tới. Theo anh còn có bốn chiến sĩ. Liêu hỏi to:

- Ai gác kho đây?

Hai thanh niên cùng ngây người lên, trả lời:

- Chúng tôi! Các anh cần gì?

Liêu:

- Tôi là đại đội trưởng đơn vị chiếm lĩnh. Đêm nay bộ đội rút khỏi thành phố. Tôi hạ lệnh cho các anh nộp chìa khóa để bố trí hủy kho.

Bình, anh thanh niên làng Phước Sơn hôm nào gặp Hoa và Thìn trên đường vào thành phố, giờ hắn thừa biết người đầy hách dịch đang đứng trước mặt mình là Liêu. Chẳng cần phải làm quen, cầu thân, anh phanh khuy áo để lộ cái bụng tròn, loáng mồ hôi trong ánh hỏa Pháo dịch từ ngoại vi rọi vào.

- Rút lui, đó là công việc các anh – Bình cứng rắn – Còn chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ kho tàng đến cùng. Chưa có lệnh cấp trên của tôi, chúng tôi chưa để các anh đốt kho.

- Ủy ban tiếp quản thành phố đã rút lui từ tối hôm kia. Nay, quyền chỉ huy cao nhất các lực lượng trong thành phố này là tôi. Tôi ra lệnh, các anh có nghe không?

Câu trả lời của Bình có vẻ né tránh:

- Chúng tôi chiến đấu đến cùng, nếu địch tấn công vào đây.

- Ối dào! Hai mống các anh liệu chống nổi hai tiểu đoàn địch hả? – Liêu lật đồng hồ trên tay, xem – Còn ba mươi phút nữa là tiến hành kế hoạch, các anh có tuân lệnh không? Trả lời nhanh!

Bình vênh bộ mặt tàn nhang:

- Không tuân lệnh, trong hoàn cảnh này, tôi có thể bắn bỏ.

Trước câu nói đầy quyết liệt ấy, hai thanh niên bắt đầu nao núng. Liêu chộp tay, khóa chặt cổ áo Bình lại.

- Buông tôi ra! Buông tôi ra! – Bình lúng túng.

Liêu buông Bình, vừa ra lệnh cho chiến sĩ mình:

- Các đồng chí trói cổ hai tên phản bội này lại, lấy chìa khóa chuẩn bị đốt kho, không thể trì hoãn được!

Bộ đội rút dây thừng bên lưng ra.

Liêu chỉ thị thêm:

- Trói vào gốc phượng kia cho chúng chờ giặc tới mà chống cự giặc.

Hai chàng thanh niên liếc mắt trao đổi với nhau, run run trước thái độ kiên quyết của Liêu. Cuối cùng, đành xin tha tội trói, nộp chìa khóa kho và xin được đi theo bộ đội.

Hai thanh niên cùng mấy anh bộ đội chuyển một ít sữa, bánh quy ra ngoài, chuẩn bị lương thực cho bộ đội rút khỏi thành phố. Khoảng nửa giờ sau, kho tàng tất cả sẽ ra tro.

*

* *

Đại đội của Liêu cùng với anh em tự vệ thành đã tập trung đầy đủ, chờ lệnh cuối cùng rút khỏi thành phố. Buổi sáng, địch tổ chức hai đợt tiến công, thất bại ôm đầu máu quay tại chỗ. Chúng biết rằng đã bị lừa nên càng căm quyết bủa quân, thắt chặt vòng vây. “cất vó” trọn cả lực lượng Việt Minh và Pa-Thét Lào trong thành phố Thà-khẹt. Từ chiều tới giờ chỉ có máy bay do thám và thỉnh thoảng pháo binh bắn phá vu vơ vào những điểm mà chúng nghĩ là có quân chiến, đóng của ta như đồn khố xanh, trường tiểu học, đồn khố đỏ cũ…

Tổ trinh sát đi chưa về. Hai con đường rút lui của đơn vị đã chuẩn bị, nay bị địch chơi lại với lực lượng mạnh. Chỉ một còn một tia hy vọng yếu ớt vào con đường dự bị. Không riêng gì cán bộ, mọi người trong đơn vị đều tỏ ra sốt ruột, lo lắng, sợ địch đã bu nốt con đường dự bị. Trong khi chờ bộ trinh sát về. Liêu vẫn phải ra lệnh cho anh em tranh thủ ngủ để lấy sức sau hai ngày hai đêm vô cùng căng thẳng.

Một con gà trống sống sót đâu đó, nhớ chừng, cất tiếng gáy “Coóc… cò… co… coọc!” Tức thì có tiếng phản ứng của chiến sĩ:

- Bắn con gà chết tiệt đó ngay đi!

- Chưa gì đã gáy sáng!

Liêu giật mình, xem đồng hồ tay, mới một giờ rưỡi. Còn ba tiếng đồng hồ nữa coi như hết đêm. Ngày mai sẽ xảy ra những gì đây, nếu như đơn vị chưa ra khỏi thành phố trong đêm nay?

Tổ trinh sát đã trở lại và báo tin đáng buồn là con đường rút lui thứ ba cũng đã bị địch chốt nốt!

Biết hành động thế nào đây? Ở lại thành phố chiến đấu với viên đạn cuối cùng sao? Có những ý nghĩ mong chờ giải vây thoáng đến trong óc cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị đã tỉnh ngủ tất cả. Ngủ ngồi nên chẳng có ai ngủ ngon giấc được.

Liêu phải nhắc lại với đơn vị:

- Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên từng giao: “Trước khi rút lui phải tổ chức được một trận đánh tốt, thắng lợi…“. Bây giờ, ta không có lý do gì để ở lại đây, phải phá vòng vây mà ra.

Mọi người cố nhìn xuyên vào màn đêm để đọc được trong mắt đại đội trưởng nhưng hy vọng, những suy nghĩ minh mẫn…

Liêu đã bàn với chính trị viên Xuân họp ngay cán bộ, hội ý, hội báo, vạch kế hoạch phá vây địch. Cuộc họp thoạt đầu có vẻ bí, về sau tất cả đều nhất trí với đề xuất của Liêu: Lợi dụng sơ hở của địch, đóng bè chuối, ngụy trang cỏ rác lên trên, cử từng tổ ba người, bám lấy bè, cho trôi theo dọc bờ sông mà ra khỏi vòng vây địch.

Cả đơn vị hết buồn ngủ, ai nấy tỉnh như sáo, từng tổ ba người một, nhanh chóng đi chặc chuối trong thành phố để chuẩn bị bè.

Mặc cho đèn pha địch trên hai tàu thủy liên tiếp như cầm chổi quét ngang mặt sông, chiếc bè đầu tiên đã được hạ thủy êm nhẹ. Tổ đi đầu có đại đội phó Mẹo. Anh phải đi trước để tổ chức đón đơn vị tập kết phía dưới bản Tây chừng ba ki-lô-mét.

Liêu tiễn anh em xuống sát mép nước, bắt tay từng người. Anh hôn vào má rám của Mẹo lạnh như đồng, thì thầm vào tai:

- Nhớ chọn địa điểm tập kết thuận lợi. Phải nắm chắc tình hình quanh vùng nhé.

- Anh cứ tin vào tôi.

Sau đó chừng mười lăm phút, tình hình vẫn yên tĩnh. Các chuyến bè khác bắt đầu rời bến Thà-khet trôi xuôi. Kim đồng hồ dạ quang trên tay Liêu chậm chạp nhích từng giây một, đầy căng thẳng. Cho dù đèn pha pháo sáng của địch vẫn rọi, quét liên tục, dòng sông Mê-kông vẫn tỏ ra hiền lành, kín đáo, trải rộng lòng ấm áp, đôn hậu đưa các chiến sĩ ra khỏi vòng vây.

Đã đến lúc Liêu lên đường. Anh bắt tay ba đồng chí ở lại đi sau cùng.

- Bây giờ là ba giờ đúng. Khoảng ba mươi phút nữa các đồng chí bắt đầu tiến hành đốt kho, xong cứ xuống bè trôi xuôi theo kế hoạch, nhớ bám sát bè mà cho bè trôi. Chúng tôi sẽ đến đón các đồng chí ngay sát bờ sông.

Ba hàm răng trắng, toát ra cười với Liêu. Họ bóp chặt bàn tay đại đội trưởng thay cho lời hứa thắng lợi.

Liêu ngoái lại nhìn thành phố một lần cuối cùng, giã từ mà không hẹn ngày gặp lại. Những hàng cây đứng đặc theo bờ sông Mê-kông vẫn im lìm. Cảnh trở nên buồn. Liêu thấy lòng đau thắt lại… khi nghĩ đến Gái. Anh cắn môi đến chảy máu trong đêm: “Gái ơi! Thế là anh không đem được em về nhà với mẹ. Và, anh cũng chẳng thể ở lại đây với em… lâu hơn được” – Liêu trào nước mắt – Còn các đồng chí! Tôi biết nói sao đây? Các đồng chí đã ngã xuống đất này vì nghĩa lớn! Nhưng còn phần mộ… các đồng chí… sẽ có ngày, có ngày chúng tôi đem các đồng chí về trong lòng tổ quốc… “. Hình ảnh các đồng chí lần lượt hiện lên trước mắt Liêu với tấm gương hy sinh của từng người, Tuất, Châu, Thoan, ném lựu đạn không ngừng vào đầu giặc, Vỹ ổm khẩu đại Liên toác nòng mà chết. Rồi Gái, đôi mắt trong và thơ ngây như mắt con nai non bây giờ đã hoàn thoàn nhắm nghiền lại dưới lòng đất quê người…

Ba giờ rưỡi sáng, vị trí giặc lạnh tanh như xác chết. Sột soạt gió thổi qua các lều vải, mui xe, kéo lê những tờ giấy lộn trên mặt đất.

Thằng lính gác ngáp dài, buồn nản nhìn ra chung quanh. Sương đêm đã thấm lạnh vào vai hắn. Hắn cảm thấy lạnh đến ghê người khi đưa mắt ra xa, nhìn vào đám mộ chôn bọn mới chết sáng nay, lỏm chỏm những cây thánh giá đóng bằng gỗ bom đạn. Hắn rùng mình, khi nghĩ tới ngày rồi cũng sẽ lĩnh được một cây thập tự như vậy để về nơi an nghỉ cuối cùng trên mảnh đất xa lạ này!

Viên quan năm chỉ huy phải có lẽ sẽ phải giật mình về tiếng nổ kho đạn cháy trong thành phố. Và, hẳn rằng đêm nay cho dù tiếng nổ có dữ dội đến mấy, ngọn lửa cháy kho tàng có bốc cao bằng hai bằng ba tháp nước thành phố, bằng hai bằng ba tháp chuông nhà thờ lớn thì hắn cũng không thèm chui ra khỏi cái chăn lính. Hắn chỉ cười gằn một mình mà rằng:

- Hừ… chúng mày đừng hòng lừa nổi ông lần nữa. Đồ con nít!

Hắn yên trí cho rằng quân ta lại bố trí lừa hắn như đêm trước. Ngày mai, ngày mai, ông sẽ cho chúng mày biết đòn của quân cơ động!

Phía ngoài vòng vây, bên bờ sông Mê-kông mạn dưới thành phố Thà-khẹt, Liêu đã đón tổ rút lui sau cùng lên khỏi mặt nước. Anh đang hôn lên má từng người một cách đầy xúc động. Các chiến sĩ bóp chặt lấy tay người chỉ huy trẻ tuổi của mình, cảm phục.

Tiếng gà rừng bắt đầu le te gáy báo hiệu trời sắp sáng.