Mùa hoa dẻ - Phần IV - Chương 1 - 2

Phần Thứ Tư

1

Chiến tranh tàn khốc chấm dứt.

Mẹ con Hoa đã đem nhau trở về làng cũ. Làng Phước Sơn bắt đầu lấy lại màu xanh. Từ những thân cọ cháy sém, những chồi non, lá non đã xòe tán, lá che bóng mát. Lá chuối mơn mởn phơi dưới nắng… Các hố bom đều đã được san lấp, biến thành đất trồng trọt, luống khoai, vườn rau. Tuy nhà cửa chưa ai kịp xây dựng khang trang, mái lá bên nhau san sát mọc lên nhưng cuộc sống xóm làng đã bắt đầu ấm áp…

Ngày tháng thoi đưa… Chính trên mảnh đất này, năm xưa Hoa đã tiễn đưa Liêu ra đi…

Liêu khoác ba-lô trên vai đi trước, Hoa theo sau cách dăm ba bước. Họ theo con đường đi ra bãi dâu phía đầu làng. Liêu đi chậm hẳn lại và đã dừng bước, ngoái lại với Hoa.

Hoa đỏ mặt, cúi xuống, xé vụn chiếc lá dâu trên tay.

Liêu ngại ngùng bước tới gần Hoa hơn. Hoa lùi vào dưới khóm dâu ven đường. Chưa bao giờ Liêu mang trong mình một cảm giác khó tả như bây giờ, tưởng rằng bất đồ có thể bỏ chạy ngay trước mặt Hoa mà không dám ngoảnh lại. Mặt nóng ran, các thớ thịt, cơ mặt đang run lên. Anh bước lại sát vào Hoa, nói không thành lời: “Hoa ơi, tôi thương Hoa… Em ở lại, tôi đi… Em chờ anh nhé…!”. Liêu khi xưng anh, khi xưng tôi, lúng túng, lẫn lộn… Cánh tay Liêu đặt nhẹ lên vai Hoa. Lòng Hoa càng bổi hổi, bồi hồi, không sao tả xiết, mặt càng chín đỏ. Cô đứng trong cánh tay Liêu khoảng khắc mà cứ nhu đã trải qua hàng giờ, giọng lý nhí “Anh đi mạnh khỏe… Em chờ…”. Hình như lúc đó Liêu có thơm một lần lên tóc Hoa thì phải… Liêu đi khuất sau rặng dâu rồi Hoa mới ngước mặt lên nhìn theo, người cứ lâng lâng như một thứ phân tử hương có thể theo gió mà bay theo hướng Liêu…

Sáng nay Hoa đang ngồi dệt bên khung cửi, lúc thơ thẩn ngừng tay, ôn lại kỷ niệm, nhớ đến tình yêu, khi thúc vội con thoi trên khuôn vải mỏng cho ngày tháng cứ thế mà trôi qua để Liêu chóng trở lại. Chỉ một tiếng cười, một câu chào hỏi của ai trước ngõ cũng gợi cho Hoa nghĩ đến giờ phút bỏ con thoi mà chạy ra đón Liêu - Vẫn anh Liêu ngày nào vào nhầm nhà, có đôi mắt ngời sáng, có mái tóc xoắn thành từng vòng tròn, một hàm răng trắng đều đặn. Lúc bấy giờ Liêu có còn xin Hoa một bông hoa dẻ nữa không? Hoa sẽ tặng Liêu cả một mùa hoa dẻ. Đã mấy mùa hoa dẻ trôi qua, tin Liêu vẫn biền biệt.

Hoa đâu có biết trên sân bóng rổ an dưỡng đường chiều nay, Liêu đang cùng đồng đội, trai có, gái có, thảy là quân nhân về đây nghỉ ngơi sau khi chữa xong vết thương, chữa lành bệnh tật, họ rèn luyện sức khỏe để trở lại đơn vị. Họ đang mê mải chuyền bóng trong nắng chiều.

Chơi xong mấy hiệp bóng rổ, nhường lại cho anh em khác Liêu vắt áo lên vai đi ra khỏi sân.

Một nữ quân nhân bước tới trước Liêu, hớn hở:

- Xin lỗi, anh còn nhớ tôi không?

Liêu dừng bước, bị hỏi quá đột ngột, hơi ngớ người.

Người vừa hỏi, đang đứng trước mặt anh có vẻ vừa thân tình vừa “khiêu khích” là một cô gái, mái tóc tết thành hai đuôi sam dày, trên gương mặt tròn, sáng sủa nổi bật lên đôi mắt bồ câu, hàm răng đều đặn, trắng màu hoa cau.

Người nữ quân nhân nói tiếp:

- Tôi hỏi anh thế này, kể cũng hơi đột ngột, có thể là… khiếm nhã nữa phải không anh?

Liêu lưỡng lự:

- Xin lỗi đồng chí… tôi nhớ mặt mà… quên tên.

- Thì nào, chúng ta đã giới thiệu tên cho nhau đâu – Cô gái nhoẻn miệng cười với Liêu, làm anh bớt vẻ ngỡ ngàng, ngượng ngùng, cũng cười theo.

Cô gái nhắc lại:

- Hồi ấy chúng ta gặp nhau trong một chuyến đò. Hình như anh lên đường ra trận. Thế rồi đêm đó chúng ta lại cùng đứng chờ tàu ở ga Lộc Yên và cùng đi trong một toa goòng chở gạo. Anh nhớ ra rồi chứ?

Liêu vui mừng:

- À… ra thế, tôi nhớ, tôi nhớ… Một cô nữ sinh. Chà chà… cô thật chóng nhớn.

- Anh bắt tôi cứ phải bé mãi sao?

Âu cũng là chuyện thông thường, những lần gặp lại nhau, người ta rất dễ trở nên thân quen. Thế rồi chẳng ai phải mời ai, rủ ai, Liêu và người nữ quân nhân đi bên nhau, ngược lên ngọn đồi phía sau doanh trại, ôn lại những gì đã xảy ra, đã trải qua từ khi gặp nhau trên một chặng đường.

Người nữ quân nhân:

- Hồi ấy, tôi vẫn tiếp tục học. Nhiều khi động lòng cũng muốn đi phục vụ tiền tuyến, song tuổi đời còn quá non. Sau hòa bình lập lại, tôi mới được tuyển lựa vào văn công. Cũng từ đấy, tôi có niềm say mê nghệ thuật. Hiện giờ, hơi yếu tim, tôi được về đây an dưỡng.

Liêu hơi tếu:

- Tôi lại khác, hết súng đạn thì gõ mõ phất cờ…

- Là thế nào?

- Luyện tập ở thao trường, chiến sĩ mà không hiểu sao? Vết thương đau trở lại, phải đi mổ, lấy đạn ra. Giờ mới về đây an dưỡng.

Ánh nắng chiều quét màu vàng nhạt lên các mái tôn, tường vôi doanh trại, thời tiết đã có phần dịu mát, nhưng khung cảnh vẫn có phần chật chội đối với tình cảm con người. Xa hơn là thành phố Quảng Yên nho nhỏ, xinh xinh nằm bên bờ sông Bạch Đằng. Trên sông, những cánh buồm căng gió đang lướt sóng. Dãy núi đá ven biển xanh thẳm lại trong làn sương lam… Cảnh bên ngoài doanh trại đang vẽ nên một vẻ đẹp phóng túng và thơ mộng.

Hai người ngồi bệt xuống cỏ. Mấy khóm mua cạnh đấy tím sẫm màu hoa trong nắng chiều. Họ thả tầm nhìn cũng như thả rộng tâm hồn ra với phong cảnh phía trước. Nhà thờ xứ Yên Trì nằm trên ngọn đồi khom khom lưng rùa, nhà cửa, làng mạc bao quanh như đang chung vai gánh đỡ một sức nặng ngự trị… Cảnh vật ở đây, như đã được một bàn tay nghệ thuật sắp xếp, bài trí, đường nét, màu sắc vừa riêng biệt lại vừa hài hòa…

Hai người ngồi lặng yên bên nhau khá lâu, chừng như đang bị xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên.

Bỗng cô gái sực nhớ:

- Chết chửa! Chúng ta cũng nên có sự giới thiệu chứ! Tôi tên là Hiền. Còn anh?

- Liêu

- Gia đình anh Liêu ở đâu?

- Tôi là kẻ không gia đình. Thực ra là có. Cha mẹ tôi mất đã lâu, tôi lại ra đi khỏi quê nhà quá sớm theo cách mạng, cũng xem như không có gia đình.

Hiền hắt ra hơi thở nhè nhẹ, muốn nói lên niềm đồng cảm với cảnh đời cô đơn của Liêu. Hiền cất tiếng cũng rất khẽ, như thể nói một mình:

- … Chỉ biết sống với tình đồng đội, đồng chí…

Hai người cùng lúc ngước lên trời. Đàn giang đang sải cánh ngang bầu trời.

Mắt vẫn nhìn đuổi theo bóng giang, vừa bẻ những ngón tay tháp bút. Hiền vừa chuyện trò:

- Trong kháng chiến, tôi còn là học sinh… Có những đêm nằm khó ngủ, lắng tai nghe theo tiếng chó cắn, cứ nghĩ đến các anh đang trên đường hành quân, mưa gió, rét mướt… Thương các anh… Có nhiều đêm, mẹ tôi bảo đốt lửa để đón các anh qua làng nghỉ lại…

Câu chuyện giữa Hiền và Liêu đang đi dần vào chiều sâu tình cảm thì tiếng kẻng cơm chiều đã vọng lên, cắt đứt câu chuyện tâm tình buổi đầu của họ. Họ đem nhau xuống đồi khi mặt trời đã khuất sau dãy núi Yên Tử, để lại phía chân trời một hình rẻ quạt hồng hồng, vàng vàng, nguy nga…

Lần đầu gặp Hiền trên goòng, Liêu liên tưởng đến Hoa, chẳng hiểu lần này gặp lại Hiền nơi này Liêu có còn tình cảm để nhớ tới Hoa, cô gái nhỏ ở làng Phước Sơn đang chờ ngày anh về chăng?

2

Chiều nào cũng như chiều nào, đứng trên lô cốt ở một góc đồi cao mà nhìn xuống toàn bộ sân chơi khu an dưỡng, nom chẳng khác gì những ngày hội thể dục thể thao. Các sân bóng chuyền, bóng rổ sôi động và thu hút khá đông khán giả. Các môn xà đơn, xà kép, nhảy cao, nhảy dài hoạt động như các guồng máy tự động, các cô gái còn thêm môn nhảy dây, đủ các trò chơi nam nữ. Ấy là chưa tính đến những người thích bơi lội đem nhau ra bờ sông Bạch Đằng. Cũng có những người muốn cùng nhau đi bách bộ, hiểu nhau bằng một vài tâm sự. Tất cả đang gội nắng chiều và tắm gió biển…

Hiền hiện đang có mặt ở một đám nhảy dây. Cô đang ở trong vòng dây quay tít, hệt như một con chim vành khuyên lộn trong cái chuồng hình bầu dục. Khi sợi dây quay tít nhất, chân Hiền không còn tiếp đất, cũng là lúc Liêu đứng ngoài thích chí thốt lên khen:

- Hay quá! Đẹp lắm!

Nghe lọt tiếng Liêu, mặc cho dây quất vào chân, vào cổ, Hiền đứng phắt lại. Cô đưa tay gạt vội mồ hôi trán, niềm nở tươi cười với Liêu.

- Anh Liêu! Anh tới đây đã lâu chưa?

- Cứ nhẩy tiếp đi Hiền, trông đẹp mắt lắm!

Hiền lắc đầu:

- Phải giữ lời hứa chứ.

Các cô gái chung quanh lên tiếng ngay:

- Thôi, xin mời bạn Hiền ra ngoài mà nói chuyện để chị em còn tiếp tục nhảy! Nào, đến lượt ai nào? – Vòng dây bắt đầu quay tít như những guồng tơ.

Hiền và Liêu đã bên nhau về câu lạc bộ. Hiền vừa đi vừa rút mùi soa lau mặt, xong lau đến đôi cánh tay trần mũm mĩm trắng trẻo, mồ hôi đã dán vạt áo mỏng vào da làm nổi lên thân hình đầy đặn, khỏe mạnh.

Liêu cắp nách một cặp vợt bóng bàn. Tay khác tung tung quả bóng bàn. Anh hỏi Hiền:

-Trông Hiền khỏe thế, sắp ra đơn vị chưa đây?

- Vừa rồi tôi đã có ý kiến xin ra. Song chị em trong tổ bình là chưa được, phải tháng sau. Cứ phải cố làm ra bộ khỏe mà xin ra, ở đây lâu sốt ruột lắm.

- Tôi cũng cảm thấy thế, nghỉ ngơi lâu sợ bị lạc hậu. Nhưng nếu mà người chưa được khỏe thì cũng không nên.

- Tôi nhớ công tác nghệ thuật quá! Có lẽ suốt đời tôi sẽ sống chết với nghề múa.

- Có lẽ Hiền mê múa cũng như tôi nghiện rau muống chẻ.

Hiền huých nhẹ khuỷu tay sang Liêu, cả hai cùng cười. Nắng chiều đẩy bóng hai người so le lẽo đẽo đi theo họ như để nghe lỏm chuyện vui. Họ đến chỗ chơi bóng bàn ở câu lạc bộ. Mấy bàn bóng đều đầy ắp người, nhờ có Hiền là gái nên các ông anh cũng nể, nhường cho cô và Liêu chơi vài hiệp.

Sau mấy phút khởi động, ăn ý, Liêu bắt đầu ném bóng.

Liêu vẫn quen chơi với phong thái đàng hoàng chững chạc, nhất là chơi với nữ giới, đường bóng của anh tỏ ra rất hiền, bóng đi dài… Ngược lại, Hiền rất nhanh nhẹn, di chuyển sinh động và chuyên chơi bóng ngắn, bỏ nhỏ nhiều quả rất hiểm.

Trận đấu giữa Hiền và Liêu bỗng trở nên hấp dẫn đối với khán giả chung quanh.

Hiệp đầu Liêu thua.

Khán giả đã tỏ ra khuyến khích Hiền, động viên Hiền khá rôm rả. Cũng có người nghĩ bụng: “Chẳng qua thằng cha ấy “nịnh đầm” thả đấy thôi. Đường bóng nó đi đẹp lắm!”.

Sang hiệp hai, Liêu thay đường bóng.

Hiền hoàn toàn bị động, chống đỡ với đường bóng của Liêu thật quá vất vả. Anh không còn đánh bóng dài như hiệp một nữa. Quả bóng nào qua lưới sang bàn Hiền cũng xoáy, có lắm quả xoáy trệch hẳn cả hướng đón… Rồi vào lúc bất ngờ nhất, Liêu “tiu” những quả “cháy bàn”.

Hiệp hai, Hiền thua.

Đang chơi vào hiệp ba, Hiền dừng hẳn lại, chẳng để ý đến những giọt mồ hôi trán, đôi mắt bồ câu nhìn thẳng vào Liêu:

- Anh chơi bóng bàn lâu chưa?

- Tôi biết chơi năm lên chín, lên mười.

- Hồi còn là học sinh tiểu học?

Liêu cười:

- Tôi chưa hề biết sân nhà trường nhám hay trơn. Toàn là chữ học mót. Chơi bóng cũng học mót, vào cái thời sống cù bất cù bơ ở thành Huế, chuyên đi nhặt bóng thuê cho người lớn.

Hiền chống ra-két.

- Hình như thể thao, môn gì anh cũng có thể giỏi.

Liêu lắc đầu:

- Môn gì cũng biết thì đúng hơn. Tôi như con ngan ấy, bơi cũng bơi được, đi bộ cũng đi được, lặn cũng lặn được, bay cũng bay được, song chẳng có môn nào giỏi cả.

Mọi người chung quanh cũng phải phá lên cười vì câu trả lời rất hóm của Liêu.

- Cũng ít người biết chơi nhiều môn như anh nói.

Bên ngoài có người lên tiếng:

- Đề nghị chơi nốt cho hết “xéc” để anh em khác chơi.

- Cần trò chuyện, xin mời ra ngoài!

Liêu và Hiền sực nhớ, xin lỗi mọi người, không quên cảm ơn và cũng thôi chơi bóng bàn. Họ vừa ra khỏi bàn bóng vừa cầm ra-két quạt quạt vào ngực. Hai người lại ra ngồi ở chỗ cũ, ngọn đồi phía sau doanh trại. Ở đây gió nồm từ biển thổi vào không bị khuất.

Hai người đã ngồi xuống bên nhau, lặng im, như cố tình tận hưởng ngọn gió mát lành quạt vào lồng ngực.

Liêu liếc mắt sang Hiền. Đôi mắt bồ câu đang dán vào khung trời cao rộng, khi như rõi theo một cánh chim chiều lạc đàn, khi như đăm đắm nhìn về một vì sao mới lóe sáng… Đôi mắt thật mơ mộng.

Mãi lâu sau Hiền mới quay sang Liêu:

- Tối thứ bảy, được phép ra khỏi doanh trại, ta đi xem anh Liêu nhé!

- Xi-nê hay văn công?

Hiền khẽ lắc đầu.

- Không phải màn bạc và cũng chẳng phải sân khấu. Ta ra sông, xem trăng lên. Tối thứ bảy đúng tuần trăng. Có gì đẹp bằng lúc trăng lên hở anh!

*

* *