Trang - Chương 05 - Phần 3

Sau một đôi câu từ chối xã giao, ông Era nhận lời, và dường như không nêu chuyện kinh doanh trước khi dự một buổi tiệc. Ông trao đổi đôi lời cùng ông Khương Sơn, đoạn đứng dậy chào để ra về và hứa sẽ gặp lại nhau ngay tối hôm ấy.

Hôm ấy mỗi người lo công chuyện của mình. Ông Khương Sơn cho mời những người tín nhiệm trong thương điếm của ông đến để hỏi về cái tập đoàn Do Thái nhỏ bé xưa kia đã đến lập nghiệp tại thành phố này.

Trong bọn họ có hai người cao niên nhất; một là người đã hùn vốn với thân phụ ông Khương Sơn. Ông lão đã ngoài thất tuần. Suốt ngày lão chỉ ở trong phòng giấy. Tính ham làm việc của lão đã làm cho lũ con lão xấu hổ, nhưng họ không sao có thể làm cho lão nhượng bộ được. Để tỏ đạo làm con, mặc dầu người con trưởng không tán thành, ông vẫn lẳng lặng dẫn cụ đến vào buổi trưa, rồi trở lại tìm cụ vào lúc mặt trời sắp lặn.

Đó là một lão già tên gọi là An Huy, họ Trần. Ông Khương Sơn hỏi cụ về những người Do Thái.

Cụ Trần An Huy đáp:

- Người ta nhận thấy người Do Thái di cư dần dà đến nước ta nhất là trong thành phố chúng ta đây, vì kế cận một con sông lớn. Tôi nhớ lại tổ nội tôi nói rằng họ đến một hoặc hai đợt gì đấy, mỗi đợt hàng trăm người. Tổ tiên chúng ta đã tề tựu nhau lại tại Văn Miếu để quyết định việc có nên khoan hồng cho họ hay không. Tổ tiên chúng ta đã nghĩ rằng, nếu họ đến quá đông, họ có thể mang lại nhiều sự thay đổi giữa chúng ta. Nhưng có một vài người trong số dân Do Thái ấy nói rành tiếng của chúng ta nhờ đến buôn bán trước, trình với tổ tiên chúng ta rằng dân tộc họ chỉ xin cư ngụ tại đây, yên ổn, theo luật lệ và cổ tục của họ. Họ có một vị Chúa nhưng họ không buộc người khác tin vào Ngài; họ chỉ muốn rằng chúng ta cứ để cho mặc họ giữ những tục lệ của họ.

- Thế tại sao họ lìa bỏ tổ quốc của họ?

- Tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu, vì tôi không hề nghĩ đến chuyện ấy kể từ bao năm nay, họ bị một quốc gia hiếu chiến tấn công. Bao người Do Thái đã kháng cự lại, một số người khác thì thỏa hiệp. - Ông lão ngậm thinh, lắc đầu. - Tôi không còn nhớ lại gì hơn.

Ông Khương Sơn khẩn khoản:

- Còn một vấn đề nữa. Những người đến cư trú ở trong thành phố chúng ta đều là những người thuộc phe kháng chiến hoặc phe chủ hòa cả phải không?

Cụ Trần An Huy không thể trả lời được. Tuy nhiên, một lát sau, cụ nói với một nụ cười nở ra làm nhăn khuôn mặt đã già nua.

- Có lẽ là những người theo phe chủ hòa, vì ông xem những người Do Thái đến lập nghiệp ở đây. Đền thờ họ đã trở nên hoang phế, đến ngày lễ chỉ còn mỗi một nhóm người nhỏ mà thôi.

- Người ta lại tàn sát dân Do Thái ở phía bên kia trời Tây.

Cái miệng già móm mém của cụ Trần An Huy lắp bắp:

- Bây giờ? Vì sao?

Ông Khương Sơn Nói:

- Đó là điều mà tôi muốn biết và đó là điều mà không ai có thể trả lời tôi được cả.

Đoạn ông xuống giọng, tiếp:

- Nếu tôi không có ý định gả con gái cho nhà họ Era thì những điều ấy không quan hệ gì đến tôi cả. Nếu người Do Thái có một cái gì khác lạ thì tôi phải suy nghĩ kỹ một vài tháng trước khi quyết định.

Cụ Trần An Huy nói:

- Người Do Thái có một vài kỳ lạ. Không phải là tất cả, nhưng ở một vài người thôi. Ông Era thì giống như chúng ta, ít nhất, một phần máu Trung Hoa đã chảy trong huyết quản của ông ta, nhưng còn có những người khác không giống ông ấy.

- Những khác biệt nào thế nhỉ?

Cụ già do dự, rồi nói cách tế nhị:

- Những người thờ phượng Chúa đều khác lạ. Còn những người không thờ phượng Chúa thì đều giống mọi người. Suốt bao năm trời đằng đẵng sống trong thành phố này, tôi có nhận xét rằng, sự tế lễ một vì Chúa đặc biệt là cái sản phẩm của một dân tộc đặc biệt.

Ông Khương Sơn lắng nghe, thinh lặng và đầy kính trọng. Cái cụ già nhăn nheo này, gầy teo vì tuổi tác, thân thể quắt lại như một trái cây khô, lại có một sự khôn ngoan sâu xa, tâm trí sáng suốt, tóm lại, tất cả người cụ chỉ là tinh thần.

Ông Khương Sơn nói:

- Vậy chúng ta phải làm cho họ bỏ Chúa của họ đi để họ giống như chúng ta.

Cụ An Huy cười, cái cười của những người già cả.

- Hay là phá hủy Chúa của họ đi?

- Chúng ta làm thế sao được? Chúa của họ vô hình, không phải là bằng đá bằng đất như Thần Thánh chúng ta. Đó là một vị Chúa tinh tế, chỉ ngự trong lòng của họ mà thôi.

- Vậy, phá hủy đi, phá hủy trong lòng họ.

Hai người Trung Hoa nhìn nhau. Cụ An Huy nói tiếp:

- Phá hủy vị Chúa ấy cũng không khó gì. Chúng ta hãy tỏ ra tốt đối với ông Era, ông ta muốn gì, ta đồng ý nấy, làm cho ông đầy tràn ân huệ của chúng ta, giúp đỡ ông ta làm giàu, cất bỏ sự sợ sệt khỏi lòng ông, chỉ vẽ cho ông cách ăn chơi, hưởng thụ tất cả mọi lạc thú đầy dẫy trong thành phố chúng ta và nhét vào đầu óc ông cái tinh thần vô trách nhiệm, thây kệ những người Do Thái bị hành phạt ở các nơi khác, chỉ ở đây ông ta và dân tộc ông mới được đối xử tử tế mà thôi.

Ông Khương Sơn nói cách kính phục:

- Đại huynh thật là khôn ngoan! Xin đại huynh đừng có rời bỏ gia đình chúng tôi.

Cụ An Huy nhã nhặn nói:

- Xin cảm ơn.

Cụ đứng dậy cáo lỗi và trở lại quầy hàng.

Ở đấy, giữa vầng ánh sáng lọt vào từ khung cửa sổ mắt cáo, suốt ngày cụ ghi chép số hàng mua trong một quyển sổ lớn. Cụ viết bằng bút lông, chậm rãi từng chữ một, rất tốt. Công việc này chỉ chiếm có một phần mười trong tâm trí cụ, còn chín phần khác, cụ suy ngẫm đến tất cả những gì mà cụ đã nghe thấy trong đời sống lâu dài của mình.

Ông Khương Sơn ngồi lại một mình, bất động như một pho tượng đá, ông suy nghĩ kỹ lưỡng những điều cụ An Huy đã nói với ông.

Ông còn muốn biết cái lý do đã làm cho dân Do Thái bị tàn sát, vì ông không muốn cô con gái thứ ba của ông có thể trở nên góa bụa. Ông sợ nhất là những điều xấu xa có ở người Do Thái mà không có ở người Trung Hoa. Ông nghĩ đến ông Era và không thấy nơi người thương gia vui tính, tử tế và thông minh này có gì dễ ghét cả. Có thể ông ta thiếu tế nhị, thiếu học thức, hoặc vì tiếng cười quá ồn ào… nhưng ngoài những sự ấy ra ông Era cũng là một người như những kẻ khác và vì vậy nên dễ hiểu biết.

Nhưng ông Era có giống những người cùng huyết thống với ông ta không? Vợ ông ta, con ông ta, vị giáo trưởng lạ lùng, mù lòa nhưng có khả năng ấy đã nói gì về thành phố này, đã thấy gì ở đây với những đôi mắt của linh hồn họ? Vị giáo trưởng già với thằng con trai bất hạnh của ông ta hiện ở tại nhà ông Era, họ sẽ làm gì Đavít? Phần đông người Do Thái đều kỳ lạ, dĩ nhiên. Cụ An Huy đã nói rõ điều ấy.

Ông Khương Sơn trầm ngâm nghĩ ngợi: Một con người kỳ lạ là thế nào? Một con vật kỳ lạ ở giữa những con vật khác thì sợ sệt và ghê tởm vì sự kỳ quặc ấy. Đằng này là một con người có một dấu hiệu riêng. Người Do Thái có như thế không?

Ông Khương Sơn quyết định dứt khoát, ông không gả con gái ông cho con trai nhà họ Era, khi ông còn chưa biết thế nào là một người Do Thái kỳ lạ, giống như vị giáo trưởng già và các con của ông ta. Ông sẽ đích thân nói chuyện cùng Đavít và từ nay ông sẽ giữ gìn kỹ lưỡng cô con gái thứ ba của ông trong nhà. Ông không gả con vì vấn đề thương mại.

Tối hôm ấy, ông Khương Sơn, ông Era cùng ông Cao Liên gặp nhau tại Thạch Kều tửu quán. Trăng mọc bên sông, và ánh trăng đã làm cho dòng nước bùn nhơ trở nên trong đẹp chảy ngang qua chiếc cầu xưa bằng cẩm thạch trắng. Trong quán đầy người, rất khó nói chuyện. Ông Khương Sơn cho gọi người chủ quán đến và hỏi thuê một gian phòng riêng biệt trên mặt sông. Không có một chỗ nào còn trống cả, nhưng sau khi nhận tiền thù lao, tên tửu bảo liền đi điều đình để khách hàng nhường lại một gian phòng tốt nhất, viện cớ rằng gian phòng ấy đã được dành riêng trước và bây giờ khách đã đến.

Thế là ba người thượng khách đến chiếm một gian phòng mát mẻ dễ chịu cạnh bờ sông. Bàn ăn được đặt bên một cửa sổ lớn mở rộng, nhìn ra con sông quanh co giữa những nhà cửa nhấp nhô và tràn đầy trên mặt nước.

Chủ quán là một người đàn ông bận rộn, đầy mồ hôi và thở hổn hển, luôn miệng gọi chỗ này, bảo chỗ kia. Hắn hỏi:

- Thưa, quí Ngài có muốn gọi con hát để tiêu khiển không ạ.

- Không, chúng tôi bận thảo luận những công việc quan trọng. - Ông Khương Sơn đáp.

Rồi, thấy vẻ mặt buồn rầu của hắn ta, ông khen những gian phòng nầy riêng biệt, rất thuận tiện, kể cả các ca nhi. Ông nói:

- Ông có thể chọn ba cô tốt giọng, hát hay, và bảo họ ngồi hát trên thuyền đậu dưới cửa sổ. Họ hát dưới đó, chúng tôi cũng trả tiền ăn và tiền uống giống như họ hát ở đây vậy.

Người chủ quán cúi chào và rút lui. Tên tửu bảo bưng đến những món ăn mà ông Khương Sơn đã đặt trước: những dĩa nhỏ đồ nguội, những dĩa nhỏ đồ nóng và tiếp theo là những dĩa lớn đầy chả, thịt, rau và cuối cùng là món cơm nóng.

Ông Era là người háu ăn. Ở nhà, trước mặt vợ, ông ăn vừa phải, nhưng khi tự do hoặc một mình, ông ăn rất tợn. Chiều hôm ấy ông cảm thấy bụng mình trống rỗng.

Ông Khương Sơn là người rất khôn ngoan, ông bắt đầu câu chuyện một cách đứng đắn. Ông nói về các món ăn, khen hoặc chê các dĩa đồ nhắm, giải thích về các thứ rượu, và khi tiếng hát dịu dàng thánh thót cất cao lên bên ngoài dưới cửa sổ, ông mỉm cười đưa tay ra hiệu và ba người cùng lắng nghe.

Ông khéo léo quan sát khuôn mặt của hai người khách. Khuôn mặt tròn tròn của ông Era ra chiều xúc động, đôi mắt tràn ngập niềm khoan khoái và một nụ cười phớt qua trên đôi môi dày. Nhưng khuôn mặt dài và hẹp của ông Cao Liên thì dửng dưng. Ông ngồi thẳng, cái bóng cao và gầy của ông bất động. Ông ăn một cách thanh đạm các thức ăn mà ông Khương Sơn đặt vào dĩa của ông. Ông không bàn xen vào câu chuyện của hai người. Ông khiêm nhượng ngồi vào hàng dưới đối diện với khung cửa sổ. Nhưng chính trên khuôn mặt ông, ánh sáng từ ngoài trực tiếp chiếu vào, vì ông Khương Sơn đã bảo xếp ngọn nến vào một góc phòng để khỏi làm hư mất ánh trăng.

Trong lúc buổi tiệc vẫn tuần tự tiếp diễn, ông Khương Sơn hướng dẫn một cách khéo léo cuộc chuyện trò. Mỗi lần tiếng hát từ sông vẳng lên cao, ông nín lặng và lắng nghe. Ông Era trở nên cởi mở, ông tỏ ra nồng nhiệt hơn sau mỗi điệp khúc, nhưng Cao Liên thì vẫn thế.

Buổi tiệc gần tàn, khi người ta mang rượu nóng đến đặt trước mỗi người một bầu nhỏ bằng thiếc thì ông Khương Sơn nhã nhặn gọi tên tửu bảo đang hầu rượu cho các ca nhi nghỉ hát và đến nửa đêm sẽ vào trong gian phòng tiệc để ca bài ca cuối cùng.

Ông giao tiền và bảo dọn thêm rượu đãi ba người thiếu phụ. Khi cánh cửa lớn khép lại, gian phòng im phăng phắc.

Ông Khương Sơn quay về phía Cao Liên nói:

- Thưa đại huynh, trong cuộc hành trình vừa qua của đại huynh, tôi nghe rằng đại huynh đã gặp chiến tranh tại một vài nước miền Tây.

Bằng một giọng dịu dàng và dè dặt, ông Cao Liên đáp:

- Đâu có chiến tranh! Người ta chỉ ngược đãi dân tộc chúng tôi.

- Đại huynh có thể cho biết lý do tại sao không ạ?

Cao Liên đưa mắt nhìn ông Era. Ông Era được sưởi ấm bởi tình thân hữu, bởi rượu ngon và xúc động bởi đàn ngọt hát hay nên nói liền:

- Kể đi bác, kể hết đi, bác Khương thật là một người bạn tốt.

Cao Liên nói:

- Tôi không thể nói cho đại huynh biết lý do vì sao từ bao thế kỷ nay người ta đã luôn luôn tàn sát dân tộc Do Thái chúng tôi, dân tộc chúng tôi có một vài sự kỳ dị.

Một vài sự kỳ dị, cụ Trần An Huy cũng đã dùng những chữ ấy!

- Đại huynh có thể miêu tả cho tôi rõ sự kỳ lạ ấy không?

Cao Liên lắc đầu:

- Tôi là một con buôn, tôi không phải là người có học thức. Chúng tôi là một dân tộc mê say Thiên Chúa.

Ông Khương Sơn lại hỏi:

- Đại huynh có thể miêu tả Thiên Chúa cho tôi nghe không?

Ông Era tiếp:

- Đôi khi tôi tự hỏi, có Ngài không?

- Kìa, đại huynh! Cao Liên phản đối.

Ông Era đã hơi say:

- Hãy để cho tôi nói, đại huynh!... Bác Khương Sơn đây là người bạn tốt nhất của tôi. Thật vậy, mặc dầu bác ấy là người Trung Hoa. Phải, bởi vì bác là Trung Hoa. Khi nào tôi đến với bác ấy, tôi cảm thấy vui sướng, tôi không sợ gì cả. Tôi đã nói với bác, vợ của một người đàn ông có thể làm cho hắn ta luôn luôn có cái cảm giác rằng hắn là kẻ tội phạm. Tội lỗi… Tội lỗi… Tội là cái gì vậy đại huynh?

Rượu bốc lên đầu ông Era và đôi mắt ông lờ đờ quay nhìn ông Khương Sơn.

Ông Khương Sơn bật cười, một nụ cười dịu dàng, và trong trẻo.

- Tiếng ấy chúng tôi không có.

Cao Liên nhắc lại:

- Với chúng tôi, tội lỗi là quên Thiên Chúa và làm sai lề luật của dân tộc.

Ông Era kêu lên:

- Phải để cho tôi giống như mọi người khác chứ.

Ông ta òa khóc và lẩm bẩm:

- Tôi luôn muốn được giống như họ. Khi còn bé, lũ con trai chế nhạo tôi. Chúng nhận thấy tôi kỳ quái – tôi không có gì ký quái cả.

- Dĩ nhiên là không. - Ông Khương Sơn nói để an ủi. Ông thấy với tình trạng này khó mà bàn đến vấn đề giao thương, nên ông quay về phía Cao Liên. - Chúng ta phải an ủi ông bạn của chúng ta đây. Men rượu đã gợi cho ông những nỗi buồn phiền. Có nên gọi các ca nhi không nhỉ?

- Xem bác ấy kìa! - Cao Liên nói.

Họ nhận thấy ông Era đã thiêm thiếp, đầu gục xuống. Hai người đứng dậy đỡ ông Era đến đặt nằm trên một ghế trường kỷ ở góc phòng.

Ông Khương Sơn nói:

- Bây giờ bác và tôi, hai ta trò truyện.

Cao Liên có vẻ xúc động.

- Không có điều gì tôi nói mà tôi không cam kết.

- Vâng, được rồi.

Từng chút một, ông khéo khéo gợi chuyện cho ông Cao Liên nói, mặc dầu đã nửa đêm, ông nghe tất cả những gì Cao Liên đã nhận xét về hoàn cảnh của những người Do Thái bị bạo hành và sự chia rẽ hiện nay trong chính ngôi nhà của họ Era. Vị giáo trưởng, Lịch và bà Era một bên, bên kia là ông Era. Giữa hai bên Đavít do dự, núp sau bóng chàng có tên Arông yếu đuối và vô dụng.

- Trường hợp này không xảy ra trong dân tộc chúng tôi. - Cao Liên nói vẻ nghĩ ngợi. - Tôi thường gặp thế luôn. Một bên kết hợp với Thiên Chúa, một bên kia thì lại muốn được tự do giống y mọi người chung quanh

- Kết hợp, kết hợp là thế nào?

- Sự kết hợp cùng Thiên Chúa, từ thuở khai thiên lập địa, vì thế chúng tôi trở nên dân tộc của Ngài và thừa nhận Ngài là Chúa chúng tôi.

Ông Khương Sơn ngạc nhiên:

- Bác có tin rằng nó giống như là dị đoan không?

Cao Liên có vẻ miễn cưỡng:

- Tôi cũng tin mà cũng không. Người ta dạy tôi về lề luật, về các cấm kỵ, và tôi khó thể quên được. Tôi thường xua đuổi trong đầu óc tôi những điều tôi đã học. Nhưng tôi cứ nhớ mãi và tôi biết rằng con người Do Thái sẽ chết trong tôi. - Ông thở dài và đột ngột nói. - Đã gần nửa đêm rồi, ta cho gọi lũ con hát vào thì vừa.

Các nàng ca kỹ vào, cả ba đều kiều diễm, dịu dàng và đều lão luyện trong nghệ thuật chiều khách. Ông Era tỉnh dậy khi tiếng ca bắt đầu. Ông nằm yên lắng nghe, đầu tì lên hai bàn tay. Khi chấm dứt bài ca, ba cô gái ngập ngừng, không biết người ta có muốn gì ở mình nữa không, nhưng ông Khương Sơn lắc đầu. Ông tươi cười:

- Thôi, vậy là đủ. Chúng tôi đều là những người có vợ con, chúng tôi phải trở về nhà.

Ông đặt tiền vào trong lòng bàn tay xinh xắn của họ. Các nàng ca kỹ rút lui, tủm tỉm cười. Ông Era trỗi dậy, thở dài và ai về nhà nấy.

***

Đêm hôm ấy và những đêm kế tiếp, ông Khương Sơn không ngủ được. Sau những đêm mất ngủ ấy, ông quyết định không nên gả con gái cho nhà họ Era. Ông sẽ cho gọi con gái ông đến và ông sẽ biết ra sao về việc từ chối ấy.

Một buổi sáng, sau khi đã điểm tâm, ông cho một con tì nữ đi tìm Quí Lan. Con tì nữ trở lại thưa rằng Quí Lan trang điềm xong sẽ đến ngay.

Khoảng hai giờ trưa Quí Lan đến, có mụ vú Chu theo hầu. Ông Khương Sơn biết con gái mình xinh đẹp, nhưng nếu không thấy nàng trong vài giờ thì ông quên ngay, chẳng biết cô ta đẹp ở điểm nào. Ông nhìn ngắm nàng cách mãn nguyện khiến nàng e thẹn mặt ửng hồng. Dù là thân sinh mình, nàng vẫn nhìn thấy trong nét nhìn ấy sự ca ngợi của tất cả giới đàn ông.

Từ ngưỡng của, nàng cất tiếng chào:

- Thưa cha!

- Vào đây con!

Nàng vào ngồi cạnh ông, còn mụ Chu thì đến đứng sau lưng nàng.

Ông hỏi thăm nàng có khỏe mạnh không, nàng làm gì ở nhà. Ông khen cái áo lụa của nàng, ông hỏi nàng có đọc sách đến không, mấy con chim ông cho nàng có hót không v.v…

Nàng trả lời bằng một giọng nói thanh tao nhưng rụt rè. Nàng là đàn bà mà là trẻ con, ông tự nhủ, ông chỉ gả con bé này cho con trai của gia đình nào tốt nhất, bảo đảm nhất.

Ông nhận thấy đã đến lúc nói điều ông muốn nói:

- Con này, đã đến lúc bàn đến chuyện hôn nhân của con rồi đấy. Cha phải nghĩ đến em Lê Lí của con, con phải đính hôn trước nó; lẽ ra cha phải nghĩ đến việc đó sớm hơn, nếu cha là một người cha tốt, nhưng cha không thích việc đính hôn khi các con còn quá nhỏ. Vì thế, cha cho các con gái của cha đính hôn muộn, để được biết các con rể của cha trong tuổi trưởng thành. Bây giờ đến lượt con đấy, con ạ.

Nghe đến đây, Quí Lan bừng đỏ mặt, nàng rút cái khăn trong tay áo ra che mặt và nép mình vào mụ vú. Nàng phải xử sự như thế.

Mụ Chu kêu lên:

- Ôi, thưa ông chủ, những điều như vậy không nên nói trước mặt cô bé.

Ông Khương Sơn cười:

- Ta có tư tưởng tiến bộ, ta biết điều ấy. Nhưng ta muốn chính các con gái của ta nói ra những tình cảm của chúng:

Ông tiếp:

- Nói đi con. Nói cho cha biết, cha phải tìm cho con hạng người nào để kết bạn. Có một chàng thanh niên tuấn tú trong nhà họ Vũ, hơn con một tuổi. Cha muốn nghe con nói về nó.

Quí Lan khẽ nói:

- Không.

- Không? - Ông Khương Sơn ngạc nhiên nhắc lại. - Vậy thì cái cậu con nhà họ Hoàng thế nào? Cũng đẹp trai đấy chứ?

- Không, không. - Nàng đáp mạnh hơn.

Ông nói với mụ Chu:

- Thật khó mà làm vừa lòng con bé này.

Đoạn ông tiếp với một giọng nghiêm nghị hơn:

- Cha hy vọng con đã làm tròn bổn phận của con và không mảy may gặp gỡ chàng trai nào cả.

Quí Lan òa khóc, còn mụ Chu thì tỏ vẻ sợ hãi.

Ông Khương Sơn giả vờ giận giữ:

- Kìa!... Việc gì đã xẩy ra vậy?

Mụ Chu quỳ xuống trước mặt ông, cúi đầu sát đất, thú nhận:

- Làm sao tôi có thể cản trở được? Chàng thanh niên ấy đã thấy cô con ở đây, ngay tại nhà này. Cô con đi chùa với bà chủ, cô sai con về tìm cho cô một cái khăn tay.

Quí Lan vừa khóc vừa nói:

- Đồ ngu! Cái quạt chứ!

- Dạ phải, tìm cái quạt cho cô con… và lúc con bước ra thì cậu con ông Era tiến vào trong phòng khách.

Quí Lan kêu lên:

- Nhưng tôi vội tránh đi ngay mà!

- Dạ vâng, con xin thề có tổ tiên con chứng giám, thật cô con vội lánh đi ngay.

Ông xẵng giọng nói với mụ Chu:

- Đứng dậy. Rồi sự việc ra sao, hãy nói cho ta biết.

- Thưa ông chủ, không có gì nữa cả ạ!

Rồi khiếp sợ bởi nét nhìn nghiêm nghị của chủ nhân, mụ Chu thú thật:

- Chỉ một hay hai bài thơ gì đấy thôi ạ!

Ông Khương Sơn quay sang hỏi con:

- Sao con lại dám nghĩ đến trai?

Quí Lan rất tế nhị và nhất là có thói mau nước mắt, nên nổi tức liền.

Nàng giậm chân:

- Con dám làm bất cứ việc gì.

- Tao không gả mày cho người ngoại quốc đâu!

Quí Lan kêu lên:

- Con cứ lấy.

Mụ Chu nói:

- Kìa cô! Xuỵt, xuỵt…

Ông Khương Sơn châm điếu:

- Mày nói vậy bởi vì mày đang tức giận. Nhưng khi mày suy nghĩ kỹ, mày sẽ không thích về làm dâu gia đình ấy. Họ là người ngoại quốc, họ khác với chúng ta. Họ là một dân tộc buồn khổ, phụng thờ một vị Chúa lạ kỳ.

- Con không sợ…

Nàng trề môi.

Ông Khương Sơn không nói gì thêm với đứa con có tính hay thay đổi ấy. Ông đã khám phá ra điều mà ông muốn biết.

- Cha muốn con vâng lời cha một việc. - Ông nói sau một hồi im lặng. Trong lúc đó sự lo sợ đã làm nỗi giận hờn của Quí Lan biến mất. - Con phải chờ đợi cho đến khi nào chính mắt cha thấy cậu thanh niên ấy. Khi cha đã có định kiến, cha sẽ cho con rõ quyết định của cha.

Mụ Chu tái mét vì sợ hãi.

Ông quay sang mụ Chu:

- Còn mụ, ta sẽ đuổi mụ ra khỏi nhà và không bao giờ cho mụ bén mảng đến đây, nếu mụ còn để cho tiểu thơ làm trái lời ta dặn.

Mụ Chu run lên:

- Con sẽ không rời khỏi tiểu thơ con ngày cũng như đêm.

Và mụ dìu Quí Lan ra khỏi phòng.

***