Rẽ yêu thương để chờ - Chương 01

Chương 1

Ai mà chẳng có trái tim

“Em nghĩ em giấu tôi được đến bao giờ? Nó là con tôi, dù em có giấu giếm tôi sinh nó rồi một mình nuôi nó thì tôi vẫn là cha nó, tôi có quyền nhận con mình!”.

“Không, anh không được mang nó đi, nó là tất cả của tôi, xin anh!”.

Nhưng Minh vẫn một mực dắt Chi đi, bỏ lại Quỳnh ngã xuống đất, giàn giụa nước mắt. Cô có chạy đuổi theo thế nào đi chăng nữa, hai cái bóng một lớn một nhỏ cũng vẫn ở xa tít tắp cho đến khi khuất dạng.

Tỉnh dậy. Nhìn sang bé Chi vẫn đang nằm bên cạnh ngủ ngon lành, Quỳnh loạng choạng vớ lấy bình nước trên bàn trang điểm cạnh giường uống một hơi hết sạch, cô lấy tay lau bớt mồ hôi lấm tấm trên trán và lưng áo đã ướt đẫm, thở một hơi dài. Chỉ là mơ thôi.

Đồng hồ báo thức cũng đã kịp reo, cô buộc cao tóc, cúi xuống ngắm con ngủ một hồi rồi mới trở dậy chuẩn bị mọi thứ cho một buổi sáng bận rộn.

Người ta vẫn thường nói, những bà mẹ đơn thân thường dành nhiều thời gian ngắm nhìn con mình hơn, bởi đứa bé không chỉ là tất cả tình yêu, là trọn vẹn thế giới, mà còn là nguồn an ủi, xoa dịu tất thảy mọi mệt mỏi, ấm ức, để rồi mỗi lần ngắm nhìn như thế có thể tiếp cho họ thêm sức mạnh để sống.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Chuông cửa reo, cũng là lúc bàn ăn vừa dọn, bữa sáng có cơm cà-ri và sa-lát hoa quả Chi thích nhất, còn có sữa ngô mẹ Quỳnh làm mới mang sang từ tối qua. Cô chưa kịp ra mở cửa thì đã nghe thấy tiếng thay dép, rồi bước chân loẹt xoẹt và những câu làu bàu quen thuộc vang lên.

- Này mẹ bé Chi, tôi chưa có gia đình và tôi vẫn đang tự do nhé, những người tự do thường đi ngủ vào lúc mặt trời lên và thức dậy khi mặt trời đã lặn. Tuần nào cậu cũng chiếm dụng sáng thứ Bảy của tôi để trông con cậu là thế nào?!

- Thôi, cậu bớt lèm bèm đi hộ tôi, tôi chuẩn bị bữa sáng rồi, cậu cũng chưa ăn đúng không? Ngồi ăn luôn đi, bỏ bữa sáng thường xuyên như cậu là không tốt đâu.

- Tôi thà bị thủng dạ dày còn hơn là phải tạm biệt em giường yêu, nhưng thôi, vì bé Chi đáng yêu nên tôi mới phải bất đắc dĩ làm ‘bảo phụ’ đấy.

- Biết là cậu khẩu xà tâm phật mà bạn hiền, nhưng cậu có nói cho Thủy là đến đây không thế?

- Thôi nói làm gì, cô ấy sẽ lại nhảy chồm chồm lên ghen tuông vớ vẩn. Tôi cũng mệt lắm, may mà lần trước việc cậu với Minh… À, may mà hồi đấy cô ấy cũng biết chuyện nên không quy chụp tôi là bố bé Chi đấy.

Quỳnh cười một nụ cười cứng ngắc. Lâm biết mình vừa lỡ lời cũng im bặt, chỉ bỏ điện thoại lên bàn rồi ngó ngó vào nồi cà-ri còn nóng hổi. Chuông điện thoại vang lên, Quỳnh nghe máy, vâng dạ vài câu, sau đó xách túi định đi. Lâm chần chừ một lúc rồi cũng gọi với theo.

- Quỳnh, nghe nói Minh sắp cưới… Cậu định thế nào?

Bàn tay đang đi giày của Quỳnh bất giác khựng lại.

Lâm nhìn theo bóng lưng của cô, chẳng thể đoán được biểu cảm khuôn mặt cô lúc này, chỉ thấy một lúc sau Quỳnh đứng lên, ánh mắt chẳng chút xao động nhìn anh, như thể rõ ràng đã đoạn tuyệt với cái quá khứ đau thương đã bị thời gian xóa nhòa không ít.

Ai nói những người mạnh mẽ là người không có cảm xúc? Họ nhìn mạnh mẽ đơn giản chỉ vì họ biết cách kìm nén, che giấu và tự chấp nhận mà thôi. Ví như Quỳnh, trải qua bao nhiêu chuyện mà Lâm vẫn chưa thấy cô một lần rơi nước mắt. Ngay cả lúc bố cô qua đời, ngay cả lúc chuyện tình cảm của cô với Minh đổ vỡ, ngay cả khi cô biết mình mang thai và sinh ra Chi, chấp nhận sống cuộc sống mẹ đơn thân dưới con mắt không mấy thiện cảm của mọi người. Những tháng ngày khổ sở như thế, Quỳnh vẫn chỉ một mực đứng thẳng lưng không biết mệt mỏi, bảo vệ Chi, bảo vệ chính mình.

- Lâm, đừng lo cho tôi, cậu cũng biết đấy, tôi không phải là kiểu người thích quay đầu nhìn quá khứ. Đừng sợ tôi sẽ đau khổ, tôi bây giờ chỉ cần bé Chi là quá đủ, không quan tâm chuyện của người khác thế nào. Cậu vẫn hiểu tôi nhất mà.

- Tại sao thế? Cậu luôn cô đơn. Ngay cả khi tôi, Phương, bé Chi, mẹ cậu, tất cả mọi người, cả khi vẫn còn Minh ở bên. Tại sao thế?

Nhưng Lâm không nghe được câu trả lời. Quỳnh xoay người lại nhìn anh mỉm cười, và chỉ mỉm cười như thế mãi cho đến khi anh nghi hoặc đó có phải là cảm giác không thì cô đã xách túi, đóng cửa, để lại anh trong một mớ suy nghĩ hỗn tạp.

Dù có cô đơn thì không phải là vẫn cần tiếp tục sống hay sao? Bởi không thể mở lòng ra được, nên đành phải để dành một khoảng trống trong tim để chứa đựng toàn bộ tâm sự. Như một người câm không thể cất tiếng nói, bị đau không thể oán thán, bị oan không thể cầu cứu, bị tổn thương cũng không thể sẻ chia. Người cô đơn, mặc dù so với những người câm còn rất mực may mắn, nhưng chẳng phải đôi lúc cũng rất giống nhau hay sao?

*

Bệnh viện Quỳnh làm việc là một bệnh viện tư cỡ sang ở Hà Nội. Sau khi cùng mẹ vào Nam sống nhờ nhà dì ruột để sinh bé Chi được một thời gian, mẹ và cô cũng quyết định trở về nhà. Trong suốt thời gian đó, nếu không có Lâm và Phương – hai người bạn thân từ thưở còn đi học – giúp đỡ, cô nghĩ mình đã khó có thể đứng dậy nhanh như thế sau tất cả những thương tích chất chồng, để có thể trụ cho đến ngày hôm nay.

Khoa điều trị bệnh về máu mà cô làm bác sĩ điều trị vốn rất sạch sẽ và yên tĩnh. Phần lớn những bệnh nhân vào đây điều trị đã bị ung thư. Nhưng họ không la hét, không làm ồn, mà giống như đang an nhàn và lặng lẽ hưởng thụ nốt quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời. Có người vẫn vẽ tranh, có người vẫn tập đàn, có người vẫn hay trốn bệnh viện đến quán bar hay những buổi ca nhạc phòng trà. Nghe thì có vẻ hoang đường. Nhưng thật sự, hầu hết những bệnh nhân ở đây đều là những người có gia cảnh giàu có. Họ biết mình sắp chết, họ chấp nhận sự thật ấy một cách không ồn ào, nhập viện để tiếp nhận phương pháp điều trị tốt nhất, nhưng họ biết mình sẽ chẳng thể sống được lâu.

Trong số những bệnh nhân, có một cậu bé mới chuyển viện đến, tuổi chỉ khoảng học sinh cấp ba, trong phòng bệnh lúc nào cũng toàn những tấm gỗ nhỏ và la liệt giấy tờ, bản vẽ. Từ ngày cậu chuyển đến đây, chẳng mấy lần thấy người nhà đến thăm, chỉ một mình cậu chìm trong cái thế giới nhỏ bé là phòng bệnh.

Quỳnh biết mẹ cậu bé, đó là một người phụ nữ ngoại hình còn rất trẻ, rất sang trọng và khá kiệm lời. Thi thoảng, cô ấy mới tới thăm cậu một lần, nhưng chẳng ngồi lâu, chỉ im lặng gọt hoa quả hoặc nhìn cậu chằm chằm trong lúc suy nghĩ mông lung gì đó, rồi lại vội vã rời đi.

Đẩy cửa bước vào phòng của Tùng, Quỳnh cẩn thận chỉnh lại tốc độ dịch truyền, nhìn mu bàn tay chỗ lấy ven đã thâm tím lại của cậu, bất giác thở dài. Vạt áo bờ-lu màu tím nhạt của cô khẽ lay động, nhẹ như gió thoảng qua. Quỳnh cúi đầu, ngồi xuống bên cạnh giường bệnh.

- Bác sĩ ơi…

- Gọi là chị cũng được, chị cũng không hơn em nhiều tuổi đâu.

- Vậy chị… Nếu em không tiếp tục xạ trị, thì em sẽ sống được bao lâu nữa hả chị?

Bác sĩ, có thể, nếu làm việc một thời gian dài trong bệnh viện, quen với sự sống và cái chết chỉ diễn ra cách nhau một khoảnh khắc, mỗi một nhịp thở đều có thể là nhịp thở cuối cùng, trước câu nói này sẽ thấy bình thường. Song, Quỳnh vẫn chưa thể quen được. Mỗi lần như thế, cô lại nhớ đến hình ảnh bố mình trong những năm tháng cuối đời chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi.

Khi bố cô níu tay áo bác sĩ khẩn thiết hỏi những câu tương tự như Tùng hôm nay, toàn bộ những lời đó, Quỳnh đã đứng ngoài nghe hết. Cô thấy bố mình khóc. Cô chưa bao giờ thấy bố khóc, bố luôn cứng cỏi và mạnh mẽ như một cây tùng vững chãi vươn sâu rễ vào lòng đất. Nhưng giờ đây, ông lại tiều tụy và suy nhược đến chẳng thể nhận ra.

Ngày hôm đó, cô đã đứng chôn chân ngoài cửa khóc mãi. Cho đến khi mẹ tan sở vội vàng chạy vào bệnh viện thăm bố, cô mới chạy xuống phía dưới sân, ngồi bất động trên chiếc ghế đá lạnh toát, để mặc tảng đá vô hình đè nặng trong lòng, chạm vào tim chảy máu.

Và ngay khi chỉ còn là một đứa trẻ năm tuổi, cô đã ý thức được, hóa ra con người, đối diện với cái chết, chỉ quá đỗi nhỏ nhoi như vậy.

- Tại sao không muốn xạ trị nữa?

Giọng nói cất lên từ phía ngoài cửa có chút quen thuộc, Quỳnh khẽ ngoảnh mặt, một tia sét đánh trúng đầu cô, nổ một tiếng lớn. Người mà cô không muốn gặp nhất lại xuất hiện, trong một hoàn cảnh chẳng thể ngờ tới.

Định mệnh luôn là một điều gì đó hoang đường đến khó tin, lúc cầu chẳng thấy, lúc lại đột ngột tìm đến. Người ta không tin vào định mệnh, vì người ta cho rằng cuộc đời quá đỗi khốc liệt để tồn tại những phép màu. Nhưng người ta không biết rằng, định mệnh nhiều khi cũng lại là duyên nợ vòng vo. Suy cho cùng, sống ở đời, có chuyện gì là từ đầu đến cuối thuận theo tâm ý mình?

Minh vừa nghe điện thoại, vừa rảo bước vào bệnh viện. Văn phòng luật của anh vừa mới kí hợp đồng tư vấn cho một tập đoàn khá tầm cỡ về đầu tư bất động sản, xây dựng và thương mại. Công việc bù đầu khiến cho mấy tuần nay anh không thể rời điện thoại và phải tự tay giải quyết công việc khắp nơi. Cho đến khi mọi thứ đã hòm hòm, Minh mới có thể đến thăm Tùng – cậu em cùng cha khác mẹ vừa mới chuyển viện vào đây.

Bàn tay Minh đặt ở nắm đấm cửa bất giác khựng lại, trong phòng bệnh, một bác sĩ nữ mặc áo bờ-lu màu tím nhạt đang ngẩng đầu chỉnh chai dịch truyền, sau đó cúi xuống nói gì đó với Tùng. Dáng vẻ quen thuộc ấy sau bốn năm trôi qua vẫn thế, mái tóc xoăn dài được buộc gọn gàng phía sau lưng nhưng lại lòa xòa một lọn nhỏ rơi xuống mang tai khiến tim anh bất giác đập nhanh một nhịp.

Thật ra, Minh hoàn toàn hiểu lí do vì sao cô gái kia bỗng dưng thẫn thờ vì câu hỏi vốn dĩ không mấy lạ lẫm của những bệnh nhân mắc phải căn bệnh ung thư quái ác này. Làm một bộ mặt thản nhiên hết sức có thể, Minh đẩy cửa bước vào, chẳng chào hỏi mà trực tiếp nói chuyện với Tùng.

- Anh, em biết anh đang bận mà, không cần phải đến đâu, em vẫn khỏe lắm.

Tùng cắn môi nhìn Minh, trong mắt chứa đựng toàn bộ ánh nhìn ngưỡng vọng lẫn trìu mến.

Minh quay sang bên, trong tích tắc kịp giao ánh mắt với Quỳnh, nhưng chỉ trong vài giây lại thu về. Anh kéo ghế ngồi xuống bên cạnh Tùng, ánh mắt đầy vẻ yêu chiều.

- Tại sao lại hỏi chuyện xạ trị? Không muốn xạ trị nữa à? Đau lắm hay sao?

- Tóc em rụng nhiều lắm, nếu cứ xạ trị tiếp chắc sẽ trọc đầu. Mà… em không muốn trông giống người bệnh. Mất hết tóc thì trông rất kì quặc…

- Ừ, để anh nói chuyện với bác sĩ đổi phương pháp điều trị khác, cậu phải thoải mái nghỉ ngơi anh mới tìm cách chữa khỏi bệnh cho cậu chứ.

- Anh, không phải bác sĩ nói bây giờ làm phẫu thuật thì khả năng thành công cũng không cao đấy thôi. Hơn nữa… còn có thể chết trên bàn mổ…

- Đừng sợ, chắc chắn có cách!

Quỳnh ngạc nhiên nhìn sự thân thiết đến bất ngờ của hai người đang ngồi trước mặt. Trước đây, khi cô và Minh yêu nhau, anh đâu có anh em nào thân thiết đến mức này? Sống trong một gia đình mấy đời quan chức, Minh đã trải qua sự trưởng thành rất khó khăn và đơn độc. Anh không có anh chị em ruột, những người anh em thân thiết một chút cũng không, hầu hết anh chị em họ đều dè chừng, tính toán lẫn nhau, vậy “nảy” từ đâu ra một cậu em ngoan hiền, dễ bảo, lại nhìn mấy lần cũng chẳng thấy tham vọng hay dã tâm này?

Bởi quá đỗi ngạc nhiên, Quỳnh nhất thời không ý thức được có một ánh mắt đang nhìn mình, sực tỉnh lại mới nhớ ra, điều cô nên quan tâm không phải là chuyện gia đình nhà người ta, mà là làm thế nào để đối diện và mở lời với người sau bốn năm không hẹn mà gặp.

Minh không mấy thay đổi, trái lại còn có vẻ đẹp trai hơn trước, vẻ đẹp của một người đàn ông trưởng thành chứ không phải là vẻ đẹp kiểu măng sữa, công tử như trước đây. Anh hôm nay mặc một chiếc sơ mi nẹp viền hồng nhạt, quần âu vừa khít với đôi chân dài rắn chắc. Đôi lông mày lưỡi mác đặc trưng ở trên cặp mắt có phần lạnh lẽo nhưng rất sinh động. Thành thật mà nói, không ít những cô gái mê tít anh vì vẻ ngoài – một dáng vẻ nổi bật đủ để thu hút mọi ánh nhìn.

Lơ đãng thu hết mọi cảm xúc vào trong, cô xoay người, ra hiệu bằng tay với Tùng, nếu bất tiện có thể gọi bất cứ lúc nào. Đang chuẩn bị bước ra, bỗng một giọng nói lạnh lẽo vang lên.

- Cô chờ một chút, tôi có việc muốn trao đổi… về bệnh tình của em trai tôi.

- Anh cứ thăm nom bệnh nhân, trước lúc về có thể ghé quầy lễ tân để hỏi. Tôi còn phải đi kiểm tra tình trạng của các bệnh nhân khác, anh thông cảm.

Minh nhìn Quỳnh cứ thế đi thẳng ra ngoài, trong lòng dấy lên một cảm giác bực bội khó diễn tả. Mặc dù bốn năm đã trôi qua, anh cũng chưa một lần thật sự chạy theo cô, nhưng không phải là không nhớ nhung, không mâu thuẫn, không tự dằn vặt. Ngày đó, xảy ra những chuyện gì, bản thân anh vẫn còn nhớ mồn một, ấy vậy mà cô ngày hôm nay đã coi anh như người xa lạ thật rồi sao?

Đóng cửa phòng làm việc, Quỳnh dựa gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể vào cánh cửa phía sau, thở một hơi dài như trút toàn bộ tâm trạng rối loạn trong lòng. Bẵng đi một thời gian rất lâu không gặp, dẫu cho có còn cảm giác yêu đương với Minh hay không thì cô vẫn đang giữ một bí mật, và hi vọng sẽ không bao giờ chạm mặt người không nên phát hiện ra bí mật này nhất, là anh ấy. Ấy vậy mà, trong hàng nghìn hàng vạn con đường, sau khi đã cố gắng đi rất xa, vẫn còn một ngày có cơ hội gặp lại.

Có tiếng gõ cửa đều đặn vang lên, chắc là chị y tá trực ban nhắc cô đến phòng hội chẩn. Quỳnh vuốt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi mở cửa, vóc dáng cao to đứng ngoài bất giác khiến cô giật mình, vô thức lùi lại mấy bước.

Minh chậm rãi bước vào phòng. Lúc này Quỳnh đã trấn áp được sự bất ngờ, ra hiệu mời anh ngồi, tiến đến bàn rót nước.

- Không cần đâu, tôi có việc phải đi ngay bây giờ.

Dáng vẻ anh vẫn thế, kiêu ngạo và điềm tĩnh. Cậu quý tử – con nhà thế gia, bố đứng đầu sở công thương, mẹ là giám đốc một thương hiệu thời trang cao cấp, mới sinh ra đã ngậm thìa vàng – biết rằng mình không thể phủ nhận gia thế để sống độc lập, nên đã tự tách ra làm một nghề khác với truyền thống gia đình.

Quỳnh nhẹ nhàng ngồi xuống ghế đối diện. Ở cự li gần, Minh có thể nhìn rõ Quỳnh sau quãng thời gian bốn năm biến mất không dấu vết. Đã từng có những lúc, anh tưởng mình nhớ cô ấy đến phát điên, vậy mà vẫn có thể đứng dậy và đối diện với mọi chuyện như hôm nay.

Ngoại trừ khuôn mặt và mái tóc, cô dường như đã thay đổi nhiều. Thái độ xa cách và chừng mực khiến anh tự thức tỉnh, cô đã không còn là cô gái bướng bỉnh vẫn thường dễ dàng bộc lộ cảm xúc yêu ghét. Quỳnh bây giờ, như là một người khác, một người xa lạ.

Đặt lên mặt bàn một tập hồ sơ bệnh án, Quỳnh vươn tay ra hiệu cho Minh cầm lấy xem xét. Khi anh mở hồ sơ ra nhìn vào đó, cô mới mở lời.

- Thật ra, bệnh của bệnh nhân không phải chỉ có thể dùng xạ trị để loại bỏ tế bào ung thư lan rộng, cũng có thể dùng biện pháp khác. Nhưng tôi nghĩ nó không an toàn…

- Tôi thấy, hình như bệnh này thay tủy là được đúng không?

- Tiếc là bệnh của người nhà anh không thay tủy được, chỉ có thể dùng các phương pháp điều trị để kéo dài. Cuối tuần, chúng tôi có một buổi hội chuẩn riêng về tình hình của bệnh nhân, rồi sau đó sẽ bàn bạc trực tiếp với gia đình.

- Cô không thể cứu nó được à?

- Không phải chúng tôi không cố gắng, chúng tôi cũng rất muốn cứu bệnh nhân, gia đình anh cứ bình tĩnh.

- Cô… Em có cần phải mỗi câu nói với tôi đều nhất nhất vạch ra rõ ràng khoảng cách giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân không? Không cần phải thế thì tôi cũng biết chúng ta đã chia tay rồi. Em có nhất thiết phải làm khổ người khác thế không?!

- Tôi nhắc lại cho anh rõ ràng này, tôi với anh đang trao đổi với tư cách là bác sĩ điều trị và người nhà bệnh nhân. Đương nhiên anh là luật sư, anh rõ hơn ai hết về vấn đề vị trí pháp lí mà không cần tôi phải nhắc. Vậy thì tôi nói thế này có gì là sai?!

- Em có vẻ thích mang nguyên tắc ra để dọa dẫm người khác nhỉ. Tôi cũng cóc cần giữ cái nguyên tắc đấy làm gì. Nói cho em biết, người có lỗi trong quá khứ là em chứ không phải tôi, người phản bội lại lời hứa chính là em, người ra đi cũng là em, đừng có mang cái vẻ đủng đỉnh dửng dưng đấy ra giễu trước mặt tôi.

Minh đấm mạnh tay xuống sô-pha, rồi đứng lên mở cửa rời khỏi căn phòng, chẳng thèm nhìn lại lấy một cái.

Quỳnh thở dài, tựa lưng về phía sau, ngón tay bấm chặt vào thịt đến bật máu, mồ hôi lạnh toát túa ra trong lòng bàn tay. Đã có lúc cô cảm thấy như thế, khi cảm nhận một sinh linh bé bỏng đang tuột khỏi tay mình, trôi về một nơi xa tít tắp. Khi muốn chợp mắt một lát thôi cũng không thể nhắm lại bởi hốc mắt đã cạn khô. Những giấc mơ chập chờn mà ngày hôm sau là chi chít những vệt nước mắt đã khô, bàn tay lạnh giá chạm vào tim mới thấy hết sự cô độc.

Ai mà chẳng có trái tim…

*

Minh lái xe như điên trên đường cao tốc, ánh đèn nhấp nhoáng phát ra từ trạm gác ghi tàu, từ những chiếc xe tải và đèn đường trên cao rọi vào khiến anh nhíu mày khó chịu. Tập hồ sơ vứt sang ghế bên, tiếng chuông điện thoại bị át đi ít nhiều bởi tiếng nhạc đang được bật ở nấc to nhất.

Nhớ lại cuộc gặp gỡ buổi sáng hôm nay, Minh lại càng cảm thấy muốn giết chết người con gái dửng dưng, lí trí đến tàn nhẫn ấy. Mỗi năm trôi qua, anh đã từng tưởng tượng ra biết bao nhiêu lần cuộc hội ngộ này. Anh sẽ phớt lờ bỏ mặc, sẽ coi thường, rẻ rúng, thậm chí sẽ khiến cô ân hận bằng cách sống hạnh phúc hơn cô. Vậy mà gặp rồi, anh vẫn không thể tự khống chế tình cảm của mình.

Cô sống hạnh phúc chứ? Đã từng có một giây phút nào nhớ đến anh? Vì anh mà cảm thấy có lỗi hay tổn thương gì đó không? Minh muốn biết tất cả những điều đó, thậm chí ngay cả khi đã trưng ra cái vẻ mặt của một thằng ngạo mạn không biết trời cao đất dày. Nhưng cuối cùng, sự thờ ơ của Quỳnh lại khiến anh thấm thía sâu sắc một chân lí mà ngày hôm nay anh buộc phải thừa nhận.

Trong tình yêu, cứ ai yêu nhiều hơn thì sẽ mãi là kẻ thua cuộc.

Suốt bốn năm rồi, Minh mặc dù không phải mẫu đàn ông giỏi chờ đợi, nhưng anh cũng đã chờ, mặc dù – với điều kiện thừa thãi mà mình có – không phải là không yêu thêm vài ba cô gái, nhưng rồi cũng vẫn chỉ nhớ đến cô.

Kiểu lụy tình điên rồ này, Minh biết, anh nhận thức được, nhưng không muốn thừa nhận. Vì cái gì mà cô ta vừa gây tổn thương cho anh, lại vừa chạy trốn đi theo kẻ khác, để rồi khi anh hết sạch hi vọng lại trở về, đối mặt với anh, coi như người xa lạ? Lẽ nào, trong số hàng ngàn hàng vạn con người, cũng có người bị hổng mất chỗ bên khoang ngực trái, để trái tim bị rớt ra ngoài?

Nhấn thêm ga, xe lại lao vút trên quốc lộ dài tưởng chừng như không có điểm dừng. Cho đến khi, ánh sáng từ đèn pha của chiếc container rọi thẳng vào mặt, Minh chỉ kịp quặt tay lái sang một bên. Bánh xe rít mạnh một tiếng dài. Cả người anh chồm lên nhưng may thay có dây an toàn giữ lại, chân bị kẹp trong đầu xe bẹp rúm đau điếng, trên trán rỉ ra vài vệt máu nhỏ xuống mặt. Minh choáng váng rồi lịm đi lúc nào không biết.

Quỳnh giật mình sau cơn mê man, cả người bỗng dưng hoang hoải như bị rút cạn hết sức lực, hóa ra cô ngủ gục từ nãy giờ trong phòng trực ban. Đang linh cảm điều gì đó chẳng lành thì tiếng chuông điện thoại vẫn reo lên bên cạnh. Là Lâm. Cô vội vã bắt máy.

- Tôi mang bé Chi đến cho cậu nhé? Nó sốt cao lắm, tôi sợ co giật, mà cậu đang ca trực có về được không?

- Nó sốt bao nhiêu độ? Cậu mang nó đến đây với tôi đi, vừa đi vừa lau mặt với cổ với chân tay cho nó và dán miếng hạ sốt tôi để trong tủ thuốc ý.

Bé Chi sốt không cao lắm, nhưng người bắt đầu nổi ban đỏ và liên tục ra mồ hôi lạnh. Quỳnh làm thủ tục cho con gái nhập viện rồi quay người dặn y tá truyền nước. Lâm vẫn ngồi trong phòng bệnh với Chi, lau mồ hôi cứ toát ra trên trán con bé một cách từ tốn và ân cần. Quỳnh thở dài mở cửa bước vào, vắt chiếc áo khoác của Lâm cởi ra lúc đến đây lên thành giường bệnh, kéo ghế lại gần.

- Thôi, cậu về nghỉ đi, con bé bị dị ứng thời tiết, sốt siêu vi trùng, không nghiêm trọng lắm.

- Nhưng có ảnh hưởng tới bệnh của nó không?

- Ừ, có khi tôi phải cho nó ở viện vài ngày phòng bệnh hen tái phát.

- Tôi biết rồi, mai tôi đến thăm nó.

Lâm mặc áo khoác, lưỡng lự một lúc rồi đi ra cửa. Khi cánh cửa sắp khép lại, Quỳnh nghe thấy một câu nói rất nhẹ.

- Nếu mệt quá thì cứ gọi tôi, bất cứ lúc nào.

Không đợi câu trả lời, cánh cửa đã khép lại. Quỳnh lắc đầu nhìn hộp cơm đặt ngay ngắn trên bàn, chưa cần mở ra cô đã như nhìn thấy mọi thứ bên trong. Chắc là Lâm và bé Chi đã mất cả một buổi chiều để chuẩn bị đồ ăn tối cho cô. Một giọt nước mắt khẽ lăn xuống chạm vào nụ cười nhẹ trên môi.

Bé Chi sốt li bì, truyền nước đến ngày thứ hai mới tỉnh lại được một chút. Do bẩm sinh đã mắc bệnh hen suyễn, cộng thêm sức đề kháng yếu nên rất dễ bị ốm hay nhiễm bệnh.

Lâm dẫn theo Thủy đến thăm bé Chi. Thủy mang túi lớn túi nhỏ, lích kích toàn đồ ăn dinh dưỡng. Nào là cháo gà, súp gà, xôi xá xíu, chè long nhãn hạt sen, vừa bày ra bàn miệng vừa liên tục trách cứ.

- Cậu làm mẹ không có trách nhiệm thế này à? Con bé suốt ngày phải quanh quẩn ở nhà, có ốm nặng chắc cậu cũng không biết.

- Thôi, em bớt bớt lời đi, cho con bé nó ngủ.

Thủy thở dài, ngồi xuống giường nhìn khuôn mặt xanh xao hốc hác của Quỳnh, tự nhiên chẳng nỡ nói thêm câu nào nữa. Liếc nhìn Lâm một cái, rồi quay sang Quỳnh.

- Tôi trông bé Chi được, cậu vào phòng làm việc chợp mắt một lát đi. Lâm, anh cũng đi về ngủ đi, nhìn mặt hai người kinh khủng quá.

- Tôi không buồn ngủ. Cậu đừng lo cho tôi.

- Nhìn mặt cậu, mắt quầng thâm, trượt cả xuống cằm rồi đấy, tính mạng bệnh nhân phụ thuộc vào cậu, đừng để mình bị ốm. Tôi trông bé Chi được, nếu nó dậy tôi sẽ dỗ nó ăn, đừng lo, tôi biết cách dỗ trẻ con mà.

- Cảm ơn cậu!

Quỳnh định trở về phòng làm việc chợp mắt một lúc, nhưng cơ thể tuy mệt mỏi, đầu óc lại rất tỉnh táo. Cô đi xem xét lại một lượt hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân mắc bệnh về máu được đưa đến khoa mình. Xem hết rồi lại nghiên cứu vẽ phác đồ điều trị, sau đó mới đứng lên đi thăm bệnh nhân.

Đến phòng bệnh của Tùng, Quỳnh hơi sững lại. Từ sau cuộc hội ngộ khiến Minh hậm hực, bực tức bỏ đi ngày hôm đó, anh cũng chưa tới đây lần nào. Hoặc là có những lần đến rồi đi nhanh đến nỗi cô không trông thấy, nhưng cũng khiến cô an tâm phần nào.

Bởi bé Chi cũng đang nằm viện, Quỳnh sợ Minh nhìn thấy con bé, mặc dù không biết anh sẽ cư xử ra sao nếu biết Chi là con gái mình, chưa chắc anh ta đã cần con bé. Thế nhưng “tránh voi chả xấu mặt nào”, cô cứ muốn cùng con bình an sống ngoài tầm mắt của anh. Như thế là đủ.

Chưa kịp mở cửa, bỗng nghe thấy một giọng nữ hơi khàn khàn cất lên. Một người phụ nữ trên người toàn đồ hiệu toát lên phong tư quý phái, khuôn mặt không rõ là tâm trạng đang vui hay buồn. Bà gỡ cặp kính đen ra, đôi mắt toát lên vẻ lạnh lẽo và khí chất đáng sợ.

- Quỳnh?! Cháu làm ở đây à?

Cô âm thầm thở dài một tiếng. Là mẹ đẻ của Minh. Cố gắng nở một nụ cười nhưng chỉ biến thành một cái nhếch môi ảm đạm, cô khẽ cất tiếng chào đáp lời người đối diện.

- Vâng, cũng được một thời gian rồi cô ạ.

- Ta không biết đấy, cũng thật là có duyên.

Mẹ anh không nhiều lời, chỉ dăm ba câu đại khái xã giao rồi đẩy cửa bước vào phòng bệnh. Cô định quay về phòng nhưng rồi nghĩ mình chẳng có gì phải trốn tránh, lại đẩy cửa bước vào. Sau khi đo huyết áp, chỉnh chai dịch truyền trên đầu và xem các chỉ số cho Tùng, cô cũng an tâm rút lui khỏi cửa. Mẹ Minh cũng chẳng hề muốn giữ cô lại lâu hơn, chỉ gật đầu nhẹ rồi quay sang hỏi han sức khỏe của Tùng.

Đúng là không thể tránh khỏi.