Rẽ yêu thương để chờ - Chương 03 - Phần 1

Chương 3

Anh chính là toàn bộ quá khứ của em

Quỳnh và Minh quen nhau từ rất lâu rồi, thời gian làm bạn với nhau còn nhiều hơn cả thời gian yêu nhau. Hồi ấy, nhà Minh chưa giàu có nổi trội như những năm sau đó, anh và bố mẹ sống cuộc sống khá giả trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng diện tích vừa vặn, nằm nổi bật trong khu nhà Quỳnh.

Lũ con trai trong xóm đều thích chơi với Minh, không chỉ vì anh thường được diện những bộ đồ đẹp, mà còn có đủ những thứ đồ chơi đắt tiền mà chúng nó chẳng bao giờ có được. Lũ con gái cũng thích chơi với Minh bởi vẻ nổi bật và khác biệt. Cứ như vậy, Minh trở thành đối tượng ngưỡng mộ trong mắt toàn bộ những đứa trẻ ấy.

Quỳnh thì khác, cô đứng nhìn những ánh hào quang từ tên nhóc con sinh ra đã được ngậm thìa vàng bằng con mắt thờ ơ, thậm chí có vài phần ghét bỏ. Những đứa trẻ con nhà giàu cuối cùng vẫn chỉ là những đứa sống cả đời dựa dẫm vào bố mẹ. Lúc ấy, Quỳnh còn quá nhỏ để nhận ra mình đang ghen ghét và đố kị. Cô muốn được như Minh, muốn được nổi bật, muốn được bạn bè vây quanh, nhưng rất tiếc, cô chỉ là một đứa trẻ bình thường, bố sớm qua đời vì bệnh, còn mẹ luôn bận rộn với công việc, một tay chèo lái cả gia đình. Bận đến nỗi, mẹ thường xuyên phải đến đón muộn, sau khi những đứa trẻ khác đã đi về hết, cô vẫn đứng chờ trước cổng trường.

Quỳnh, ngay từ khi còn bé, mặc dù không kiên nhẫn nhưng là một đứa trẻ rất cứng đầu. Mẹ bảo tan học đợi mẹ, cô sẽ nhất quyết không leo lên xe của bất kì ai khác để đi về trước. So với những đứa trẻ khác, suy nghĩ của cô có phần người lớn hơn nhiều.

Những năm ấy, nạn giả làm người quen để bắt cóc trẻ con rộ lên, các bậc phụ huynh sát sao và cẩn thận với con mình hơn. Mẹ cũng dặn dò Quỳnh rất kĩ, cô nghe lời, và cô biết mình sẽ chẳng bao giờ tin tưởng vào bất cứ ai để đi theo họ.

Một ngày mà trong kí ức của cô còn chẳng đọng lại rõ ràng, hình như là khi cô đang bận thu thập những viên sỏi nhỏ xíu trước cổng trường trong lúc chờ mẹ đến đón, có một cậu bé ăn mặc chỉn chu, khoác ba lô đứng đối diện trước mặt cô.

- Này, ở đấy làm gì? Sao không về? Mẹ cậu đâu?

Quỳnh ngước lên nhìn cậu bé trong giây lát, rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc đang dang dở. Một lát sau, cô thấy Minh ngồi thụp xuống, lấy tay huơ huơ trước mặt cô.

- Hỏi cậu đấy? Hôm nào cũng thấy đứng đây chờ mẹ mãi. Nhà tôi với cậu ở cùng một khu, cần thì tôi nói với cô tôi đèo thêm cậu về.

- Không cần, cậu cứ về đi.

- Thì đằng nào tôi cũng về, cậu cũng về, đi cùng một đường thì về chung luôn cũng được mà.

- Không thích thế!

- Tại sao?

- Ghét cậu, thà ở đây chờ còn hơn.

Nói dứt lời, Quỳnh đứng bật dậy, phủi phủi tay để bụi bay đầy xuống mặt Minh. Sau đó cô đứng ra phía góc tường, cạnh cửa sổ phòng bảo vệ, chẳng thèm nhìn Minh đang ngơ ngác không hiểu lí do.

Về sau, nhắc đến chuyện này, Minh vẫn luôn rất ấm ức, anh không hiểu vì sao bỗng dưng lại bị Quỳnh ghét như thế khi mà anh và cô chưa từng nói chuyện với nhau. Chỉ là anh có ý tốt muốn giúp cô về nhà, cũng là tiện đường, thế mà cô bé kiêu ngạo đó còn từ chối, thậm chí nói rất ghét anh. Tất nhiên, Quỳnh chẳng bao giờ nói lí do, anh cũng chỉ càm ràm vài câu rồi sau đó cũng chẳng so đo nữa.

Nhưng cậu bé Minh khi đó lại rất tò mò. Vì sự tò mò mà để ý đến cô bé ấy nhiều hơn. Tuy nhiên, vì tuổi nhỏ, hồi ấy lại khá rụt rè và hiền lành, nên Minh chẳng dám xuất hiện trước mặt Quỳnh, chỉ len lén quan sát cô từ phía xa. Trong đám bạn bè vẫn thường chơi cùng, vô tình hay cố ý vẫn luôn nhìn về phía cô bé mặc đồng phục váy xanh hay ngồi thừ ra trên băng ghế đá dưới sân trường, thi thoảng nhập bọn chơi mấy trò tập thể như nhảy dây, bịt mắt trốn tìm, còn lại hầu hết thời gian chỉ tha thẩn chơi một mình.

Cô ấy không có bạn thân.

Kết thúc tiểu học, những gì có thể lưu giữ được trong trí nhớ chỉ còn lại một chút, dường như chúng ta không nhớ rõ đã từng thích ai, từng ghét ai, có chăng chỉ láng máng nhận ra đã có ấn tượng với nhau, còn hầu hết sẽ mau chóng hòa nhập với những cuộc vui khác, mối quan hệ khác, hoặc những mối quan tâm khác.

Quỳnh đã không còn nhớ cụ thể vì sao lại có ác cảm với cậu bé Minh nhà đối diện nữa, Minh cũng quên đi việc phải tìm hiểu lí do vì sao đột nhiên xuất hiện một người kì lạ có thể ghét bỏ mình ngay từ lần gặp đầu tiên như thế. Cảm giác tò mò thời con trẻ cũng mờ nhạt dần, bắt đầu có những nhận thức khác hơn, những mối quan tâm khác hơn và những rung động khác hơn.

Vốn là một cô bé có vẻ ngoài khó gần, Quỳnh bước vào lớp mới hoàn toàn không có sự chuẩn bị tâm lí cho những thay đổi. Cô chỉ đơn thuần cho rằng, cô sẽ yên ổn sống trong thế giới của mình, một mình đi đi về về, một mình tự làm những gì mình thích. Tuy nhiên không phải thế, cô chẳng thể ngờ, quãng thời gian này lại chính là quãng thời gian ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của cô sau này.

Nhà Minh cũng dọn đi, chuyển đến một căn biệt thự lớn gần trung tâm thành phố. Công ty của ông ngoại cậu đã bắt đầu trở thành một công ty lớn, bố cậu lại được thăng chức, cuộc sống gia đình bỗng chốc thay đổi hẳn. Tuy nhiên, vì không muốn làm gián đoạn môi trường học tập nên Minh được gửi đến nhà ông bà ngoại, sống cùng với những anh chị em họ trong nhà.

Cả hai đứa trẻ cùng bắt đầu một quãng thời gian học cấp hai với những sự thay đổi như thế.

*

Minh và Quỳnh cùng học một trường cấp hai, ở hai lớp sát cạnh nhau.

Mẹ nhờ vào quen biết, xin cho Quỳnh vào một lớp chọn khá nổi tiếng ở một trường tốt, với suy nghĩ cô sẽ được rèn luyện tốt hơn. Công việc vẫn bận rộn như trước, mẹ không thể thường xuyên sát sao kiểm tra việc học của cô. Thế nên bà không hề biết, lực học của con gái vốn yếu, nhất là môn toán. Bước vào môi trường mới, cô cũng hoàn toàn lơ là với việc học, luôn dành thời gian đọc sách văn học, đọc báo, viết nhật kí, sưu tập những bộ ghép hình bằng bìa các-tông người ta vẫn bán ở cổng trường, thơ thẩn với những mối bận tâm riêng.

Minh, ngay từ khi vào lớp đã nhận được vô số sự quan tâm từ bạn bè và thầy cô. Ai cũng biết gia thế nhà cậu, ai cũng thích tính cách hòa nhã, dễ gần, không kiêu căng của cậu. Khác với Minh, Quỳnh vừa vào lớp đã phải nhận lấy ánh mắt ác cảm từ giáo viên, đồng thời là sự dè dặt ban đầu của đám bạn, sau này chuyển thành ghét bỏ, tẩy chay.

Quỳnh thậm chí không hiểu nguyên nhân vì sao mình lại trở thành tâm điểm cho mọi lời trách mắng và mỉa mai từ cô giáo. Suy nghĩ của cô mặc dù già dặn hơn so với những đứa trẻ khác, nhưng chung quy cô cũng vẫn chỉ là một học sinh lớp sáu.

Đối với những dụng ý và cả ác ý của người lớn, cô luôn mơ hồ không hiểu, và cũng chẳng thể hiểu. Cô không hiểu tại sao việc trong lớp chỉ có một mình mình không đi học thêm nhà cô giáo là sai, cô không hiểu tại sao việc mình học kém môn toán của cô giáo là sai, lại càng không hiểu tại sao một cô giáo đáng kính lại có thể ghét bỏ, thậm chí kì thị một học sinh mới chỉ vì học sinh ấy học kém.

Sau này Quỳnh mới hiểu, cái gọi là “trù dập” của giáo viên, thực ra cũng phần nhiều vì cảm tính mà thôi, con người ai chẳng bị chi phối bởi cảm tính.

Thế nhưng, biểu hiện của cô lại trở thành “gan lì”, “trơ tráo” trong mắt cô giáo chủ nhiệm. Cô luôn gọi Quỳnh lên bảng làm bài tập, nhìn cô lúng túng cầm phấn, chôn chân tại chỗ thì dùng những lời lẽ mỉa mai và khó nghe nhất để như thông báo với toàn thể học sinh trong lớp, đây là con bé chậm hiểu nhất mà cô từng dạy.

Thậm chí, Quỳnh còn không thể quên được cái lần cô giáo bắt cô đứng trên bục giảng để cả lớp viết “cáo trạng”, kể tội tất cả những tật xấu của cô. Quỳnh đứng vô hồn nhìn xuống tất cả đám bạn hung hăng tranh nhau phát biểu, toàn bộ những dòng chữ trên bảng đều là bịa đặt, cô không hề mắc phải những lỗi lầm ấy.

Vì bố mất sớm, mẹ bận rộn không có thời gian chăm sóc nên thường nuông chiều, mua cho cô những gì cô thích. Những bộ ghép hình các-tông, những cuốn tiểu thuyết văn học thế giới, những cuốn sách báo mà cô vẫn mang theo trong cặp, vô hình chung cũng biến thành điểm “bất thường”. Cô giáo nói, Quỳnh lấy cắp tiền của mẹ để mua những thứ ấy.

Đối với một đứa trẻ quen giam mình trong một góc lặng lẽ như cô, việc thanh minh trước mọi người là điều không thể. Cũng như, việc mỗi lần mở miệng đều sẽ bị gạt đi, nói bất cứ câu gì cũng trở thành nói dối, làm bất cứ điều gì cũng bị coi là “chuyện xấu xa”.

Trong suốt những tháng ngày sống như trong địa ngục ấy, Quỳnh chưa từng mở lời nói với mẹ, cũng chưa từng tâm sự với ai. Tất cả âm thầm dồn thành một khối u, tích tụ trong đó toàn bộ những uất ức được nén lại qua từng ngày đến trường.

Đã có thời gian, trước khi đi ngủ, cô luôn ước, giá đây chỉ là một cơn ác mộng, tỉnh lại rồi mọi chuyện sẽ khác đi, bạn bè không yêu quý cô nhưng chí ít cũng không dè dặt, coi thường, khinh khi cô, chửi cô là đồ ngu ngốc, đồ dối trá. Cô giáo chủ nhiệm không yêu thương cô, nhưng chí ít cũng không mỉa mai cô trong mỗi giờ lên lớp, không để bạn bè cùng hùa vào tẩy chay một học sinh “cá biệt” như cô.

Nhưng rồi sau đó, Quỳnh hiểu, đó là điều không thể. Cô bắt đầu cầu xin trong mơ, rằng, giá ngủ rồi không phải tỉnh dậy nữa thì tốt biết bao.

Ấy vậy mà dường như số phận vẫn chưa buông tha cho cô, vẫn bắt cô phải chịu đựng thêm hết ấm ức này đến ấm ức khác.

Những tên con trai trong lớp bắt đầu tìm cách bắt nạt cô, chúng làm đủ mọi trò như sỉ nhục, ngáng ngã rồi cười nhạo cô trước lớp, giật tóc và tìm nhiều cách gây sự khác. Thế nhưng, cô vẫn trơ lì, để mặc chúng gây sự chán thì thôi, dù thế nào cũng không khóc lóc hay tỏ ra yếu đuối.

- Này, bọn nó bảo cậu ngốc thì là cậu ngốc thật đấy hả? Cứ gan lì chịu đựng hết tất cả, cậu không thấy khó chịu à? Không thấy tức à?

Minh nhảy xuống từ lan can dãy nhà vệ sinh tầng một xuống góc khuất sân trường cạnh chỗ Quỳnh đang ngồi. Đồng phục trắng thẳng thớm không một vết nhăn, khuôn mặt sáng sủa, khôi ngô đang tức tối giậm chân đi đến chỗ Quỳnh ngồi.

Vẫn như cũ, Quỳnh chẳng mở miệng nói gì với cậu. Lần này, cậu chẳng hỏi gì thêm, cũng gan lì ngồi xuống bên cạnh con bé lì lợm ấy cho đến khi tiếng trống báo vào lớp, con bé đứng bật dậy, xoa xoa tay đi thẳng, chẳng hề quay sang nhìn cậu một lần nào.

Thế nhưng, Quỳnh càng không nói năng gì như thế, Minh cũng càng lì hơn, hai đứa cứ một trước một sau đi xe đạp trên cùng một chặng đường. Trong suốt những tháng ngày đầu cấp trung học cơ sở, dần dần Quỳnh cũng quen với sự tồn tại của Minh trên chặng đường đạp xe về nhà, dần dần cũng nói chuyện với Minh.

So với Minh lúc trưởng thành, cậu bé Minh của tuổi mười hai dường như kiên trì hơn, mạnh mẽ hơn và dũng cảm hơn.

Đã từng có lúc Quỳnh nghĩ, giá mà khi ấy, cô cũng bướng bỉnh, không chấp nhận người bạn là Minh, không quan tâm và dần dần là yêu thương cậu, thì có lẽ giữa hai người đã không trải qua nhiều buồn đau đến thế. Hai đứa trẻ vốn ở hai thế giới khác nhau, vậy mà cứ cố tình xích lại gần nhau.

*

- Ai là thủ phạm?

Cô chủ nhiệm quắc mắt nhìn xuống dưới, vẻ trấn áp khiến tất cả lũ học sinh vừa cao ngạo vừa ngỗ ngược bất giác im bặt. Chiếc quạt máy nhỏ bên cạnh bàn giáo viên vỡ chỏng chơ, những mảnh nhựa nhỏ nằm lặng im như thách thức sự chịu đựng của người khác.

- Thưa cô, là bạn Quỳnh đấy ạ.

Có tiếng nói vọng lên, Quỳnh ngẩng mặt, cảm giác hoang mang tột cùng. Chính cô - khi bước vào lớp - nhìn thấy Phú và Long tung nhau quả bóng đá làm nó đập vào chiếc quạt và rơi vỡ.

Dưới ánh mắt lạnh băng của cô chủ nhiệm, Quỳnh đứng lên, khô khốc trả lời.

- Thưa cô, không phải em.

- Không phải em thì ai?

- Em không làm rơi vỡ quạt.

- Có gan làm không có gan nhận. Nếu không nhận thì ra ngoài sân trường chạy mười vòng cho tôi.

Tiếng xì xầm vang lên, có cả tiếng giễu cợt của mấy đứa con gái. Quỳnh im lặng một lúc rồi bước ra ngoài. Dưới ánh nắng chói chang, bắt đầu chậm chạp từng vòng một. Cảm giác như mọi nỗi oan ức dồn nén muốn nổ tung, Quỳnh ngửa mặt lên trời để ngăn dòng nước mắt sắp trào ra. Có người nói, cứ khi nào muốn khóc, ngửa mặt lên trời là nó sẽ tự chảy vào trong.

- Từ giờ có tôi rồi, chúng nó sẽ không bắt nạt cậu nữa.

Quỳnh ngoảnh mặt sang, bắt gặp Minh đã đang chạy song song với cô từ bao giờ. Khuôn mặt cậu đỏ lên vì nắng, trán cũng bắt đầu li ti từng giọt mồ hôi. Thế nhưng, khi cậu mỉm cười, ánh nắng chiếu vào khiến chúng bất giác trở nên lấp lánh.

Cho đến tận bây giờ, cô vẫn không thể quên được ngày hôm ấy, khi tim đập nhanh đến nỗi muốn ngừng lại nhưng chân vẫn bền bỉ bước lên phía trước. Nắng đổ xuống vai, mồ hôi túa ra ướt sũng người. Không biết có phải do hiệu ứng của ánh nắng hay do cơn choáng váng sau khi chạy quá lâu giữa trưa hè mà hình ảnh Minh khi đó – trong trí nhớ của Quỳnh – mờ ảo như một vệt nắng nhảy múa giữa muôn vàn tia sáng lung linh.

Trái tim lạnh lẽo của cô gái nhỏ trở nên ấm áp, bởi cảm nhận được sự ấm áp tỏa ra từ cậu bạn bên cạnh. Cánh cửa bước vào thế giới của Quỳnh hé mở, đủ để cho Minh bước vào, nhẹ nhàng và tự nhiên. Ít ra, phòng tuyến gai góc mà cô dựng lên xung quanh mình sẽ không còn làm đau cậu nữa.

Nhưng, sự hiện diện của Minh lúc đó lại không làm cho cuộc sống trường lớp của Quỳnh khá hơn. Trái lại, càng khiến cô rơi vào tình cảnh bi đát.

Thời gian cứ trôi đi, lớp bảy rồi lớp tám, cô bé Quỳnh vẫn sống trong một tập thể mà cô ví như địa ngục, bắt đầu học cách nở nụ cười trước mọi ánh nhìn giễu cợt, mặc dù trong lòng chỉ muốn giẫm nát tất cả, học cách thay đổi bộ dạng lì lợm và lập dị của mình bằng một vẻ nhiệt tình hơn, hoạt bát và hòa nhã hơn.

Trước những thay đổi tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy, lũ bạn bắt đầu không kì thị cô như trước nữa, chúng dần quên việc bắt nạt cô, dần để yên cho cô tồn tại lặng lẽ trong một góc nhỏ của lớp, đi đi về về.

Cũng như Quỳnh, Minh bắt đầu thay đổi. Cậu bạn tưởng như có tính cách hòa nhã ngày nào bắt đầu kiêu ngạo hơn, trầm lặng hơn. Cuộc sống của cậu trong nhà ông ngoại không được thuận lợi. Đó là một gia đình có nhiều mối quan hệ anh em họ dây dưa, cộng với khối tài sản kếch xù mà ông kiếm được qua năm tháng đã bắt đầu trở thành mục tiêu tranh đấu âm thầm của những người lớn trong nhà. Ông ngoại Minh có cả thảy hai người con trai và ba cô con gái, bảy đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Mẹ Minh là út, được ông cưng chiều nhất, lại chỉ có mỗi mình Minh nên ông luôn dành nhiều sự quan tâm đến cậu.

Minh bị cấm đi xe đạp đi học, cậu được ông ngoại cử một chú tài xế chuyên đưa đón bằng xe riêng. Những người làm kinh doanh thường là đối tượng của bọn tội phạm tống tiền hoặc những đối thủ khác, thế nên đảm bảo an toàn cho gia đình là việc không thể không quan tâm.