Rẽ yêu thương để chờ - Chương 07

Chương 7

Bên cạnh cậu luôn có tôi

Sau “tai nạn” trong chuyến dã ngoại lần ấy, Minh trở về phải nghỉ chơi bóng rổ gần hai tuần. Những chỗ xây xát trên người chỉ cần bôi thuốc, còn đầu gối phải khâu mất năm mũi. Cũng may, ngày hôm đó có y tá của trường đi cùng, khử trùng rồi đưa cậu đến trạm y tế để khâu vết thương nên cũng không đáng ngại.

Từ hôm ấy, Minh cứ quấn lấy Quỳnh không rời. Cậu như một đứa trẻ nhõng nhẽo, suốt ngày bắt cô thể hiện tình cảm. Mẹ Minh cũng chẳng hề thắc mắc khi Quỳnh tới nhà thường xuyên, bà không nói gì có nghĩa là chấp nhận. Mặc dù bà không mấy quan tâm đến con trai mình, nhưng cũng thừa hiểu tính khí của nó. Chuyện tình cảm của Minh cũng dễ dàng đoán biết được.

Vi cũng đưa mẹ tới thăm cậu để cảm ơn. Minh láng máng nhận ra thái độ của cô bạn có vẻ khác lạ. Tuy nhiên, cậu không để ý nhiều, lúc này đây cậu chỉ vui mừng với cuộc cách mạng đã hoàn toàn thắng lợi. Cô gái kia đã phải khuất phục trước sự kiên quyết của cậu rồi.

Tháng năm dài rộng, tuổi trẻ như bơi trong một đại dương mênh mông, có thể thỏa sức vẫy vùng. Tình yêu cũng từ đó mà thao thiết chảy trôi, không cần biết phương thức ra sao, chỉ cần tình cảm của bản thân có bao nhiêu, thể hiện hết cho đối phương là được.

Sau khi xác định là có tình cảm trên mức bạn bè với nhau, Minh dường như công bố cho tất cả mọi người cùng biết. Trên sân bóng rổ, ai cũng tự động nhường cho Quỳnh vị trí đặc biệt để Minh có thể dễ dàng nhìn thấy cô khi đang chơi bóng. Quỳnh vẫn không quen với kiểu đó nên thường xuyên cảm thấy ngại ngùng trước mỗi lời nói và hành động của Minh giữa chốn đông người.

- Này! Nhỡ thầy cô biết thì sao?

- Cậu sợ cái gì? Có biết cũng là chuyện của bọn mình, miễn không ảnh hưởng đến việc học, không có hành động vượt quá phạm vi là được chứ gì.

Dù sao, Quỳnh vẫn thấy không an tâm. Hai đứa bắt đầu bước vào năm cuối cấp. Cô chủ nhiệm chỉnh đốn việc học hành của từng học sinh gắt gao hơn. Kết quả học tập của Minh khá tốt, cậu lại rất thông minh nên không có vấn đề gì. Quỳnh thì mặc dù điểm số trên lớp khá cao nhưng cô lại không chú tâm vào những môn xã hội chính. Hơn nữa, từ năm lớp mười một, cô chuyển sang thích học những môn học của khối B, với hi vọng sẽ nộp hồ sơ dự tuyển vào trường Y. Điều này cô không nói cho ai biết, kể cả mẹ. Minh cũng đinh ninh cô sẽ thi vào các trường thuộc khối xã hội nào đó như ngoại ngữ, báo chí, ngôn ngữ… mãi cho đến khi cô cầm tập hồ sơ đăng kí thi đại học đến sân bóng, chìa ra cho cậu xem.

- Đại học Y? Cậu thi Y?

- Ừ! Cậu thấy liều hoặc thấy quá sức với tôi không?

Trái với suy nghĩ và dự đoán của Quỳnh, Minh im lặng một lúc. Thi đại học, đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì Minh và Quỳnh, đều là một việc vô cùng quan trọng. Thế nên ai cũng tính toán thi trường nào vừa sức lại thiết thực để có thể chắc “chắn vượt vũ môn”.

Quỳnh nghĩ, Minh sẽ khuyên cô những câu đại loại như, “Thôi thi trường nào phù hợp hơn một chút cho chắc”. Song Quỳnh đã nhầm, Minh nhìn thẳng vào cô, nói rành mạch.

- Vì là quyết định của cậu nên dù ai nói gì cũng không thể cản nổi. Thế thì, dù thành công hay thất bại, cậu cũng phải tự chịu trách nhiệm về bản thân. Làm được hay không chỉ phụ thuộc vào cậu mà thôi.

- Cậu nói chẳng dễ nghe gì cả.

- Nếu cậu muốn nghe lời dễ nghe thì tôi không nói được, là nghiêm túc đấy. Nhưng mà cậu còn có một con đường nữa, đó là tôi. Thất bại hay thành công, sau này vẫn sẽ là tôi nuôi cậu hết đời.

- Ai cần cậu nuôi chứ.

- Gớm chưa?! Không phải ai cũng có diễm phúc ấy đâu.

Hai đứa cùng cười phá lên. Quỳnh nghiêng đầu hất vài lọn tóc lòa xòa ra đằng sau, một mùi thơm dễ chịu khiến đầu Minh bắt đầu rối tung, hai tai ù ù. Bất giác nhìn môi cô mắm lại, cậu rất muốn chạm vào.

Hai đứa dù đã chính thức yêu nhau nhưng ngoài nắm tay và những hành động quan tâm khác, chưa bao giờ hôn nhau. Minh thi thoảng gặp chuyện gì vui vẻ phấn khích, cũng chỉ nhảy lên ôm chặt Quỳnh, búng trán cô hoặc cầm tay để cô dựa vào người. Ở khoảng cách gần này, bất chợt cậu có mong muốn được thử nụ hôn mà người ta vẫn ca tụng ấy một lần, với người cậu yêu.

Sân trường chẳng còn ai, mọi người đã đi về hết, chỉ còn tiếng ve kêu inh tai và nắng rát như đốt cháy lớp bê tông dày. Minh từ từ xoay người, chậm rãi cúi mặt, vừa vặn áp môi mình xuống.

Quỳnh bất ngờ nhận được một cái chạm môi như gió thoảng, cảm nhận rõ ràng môi Minh có chút run rẩy, cậu cứ thế chạm vào đôi môi mềm của cô, không muốn buông ra. Đang là mùa hè nóng nực mà chẳng hiểu sao môi cô lại lạnh, như thể cái lạnh từ trái tim của cô, tỏa ra xung quanh.

Hai đứa trẻ từ từ chậm rãi lắng nghe nhịp tim đập thình thịch, Quỳnh vòng tay ra sau lưng Minh, ôm lấy cậu. Cứ như thế, nhịp tim hai đứa đập rộn ràng, hòa lẫn tiếng ve rả rích, tiếng lao xao của lá cây bị gió thổi. Âm thanh đó thật sự vô cùng tươi mát. Tình yêu học trò những ngày đầu tiên cũng vô cùng trong trẻo.

*

Như Quỳnh dự đoán, sau khi cô điền vào hồ sơ dự thi đại học, cô chủ nhiệm đã gọi cô ở lại lớp sau buổi học để “nói chuyện”. Những gì cô chủ nhiệm nói không phải Quỳnh chưa đoán được trước, có điều dường như gay gắt hơn cô tưởng. Để bảo vệ chính kiến của mình, không nhất thiết cứ phải tranh cãi, cô vẫn chọn im lặng. Tuy nhiên, cô bắt đầu sợ những rủi ro. Cô chủ nhiệm nói đúng, có những việc không phải chỉ do chúng ta muốn và quyết tâm là được. Thực lực có bao nhiêu mới có thể dùng được bấy nhiêu, những người thành công là những người biết lượng sức mình. Hơn nữa, Quỳnh còn phải nghĩ đến mẹ. Sau khi nghe Quỳnh nói chuyện này, mẹ chỉ lặng im, nhưng cô biết mẹ đang vô cùng lo lắng. Không khí trong nhà mấy hôm nay đều tràn ngập tiếng thở dài.

Chân tay Quỳnh hơi tê. Khi cô chủ nhiệm ra về thì Minh bước vào, cậu đã nghe hết cuộc nói chuyện, song không hề có ý định mở lời. Cậu đứng ở mép bàn chờ cô, khuôn mặt lóa đi dưới làn ánh sáng rọi vào, nhưng cô có thể nhìn thấy trong ánh mắt hướng về cô một sự dịu dàng và kiên nhẫn.

Quỳnh đứng lên, nhưng tay chân cứ không nghe lời lại ngã xuống, Minh chạy đến đỡ rồi xốc cô đứng lên, để cô dựa hẳn vào người cậu.

- Không sao. Chỉ cần cố gắng thêm chút nữa là được. Đừng quay đầu nhìn lại, chúng mình còn trẻ, phải mạnh dạn làm những việc mình thích. Không có gì là sai cả.

Minh ôm lấy Quỳnh, lồng ngực cậu ấm áp. Ngày hôm ấy, kể cả mãi về sau này, Quỳnh nhớ rất rõ, dưới ánh sáng trắng xóa rọi xuống tán cây, ùa vào hành lang lớp học, có một người lặng lẽ ôm cô, cho cô dựa vào. Như thể sau này, dù xảy ra bất cứ chuyện gì, cũng sẽ mãi mãi ở bên cô như thế.

Phương nhắn tin nói cô đang ngồi ghế đá dưới sân trường đợi Minh và Quỳnh. Cả ba người kéo nhau đi lòng vòng vào một ngõ chợ đủ món quà vặt mà ăn ngon lành. Phương thấy tâm trạng Quỳnh khá hơn thì cũng vui lên nhiều, tiện đà kể lể vài câu chuyện kì quặc mà cô nhặt nhạnh được khi đi ngang qua đám bạn thích buôn chuyện. Minh và Quỳnh ôm bụng cười, đống thức ăn chưa kịp tiêu hóa khiến bụng Quỳnh quặn lại, dù thế nhưng cũng rất vui.

*

Kì thi tốt nghiệp đến gần, không khí trong các lớp cuối cấp bắt đầu căng thẳng hơn bao giờ hết. Minh, qua vài ba người bạn, tìm được một người có thể giúp lớp chụp một vài kiểu ảnh tập thể làm kỉ niệm. Khi ấy, trào lưu chụp ảnh kỉ yếu chưa rầm rộ và trở thành trào lưu như bây giờ, các trường phổ thông thường chỉ thuê một thợ ảnh đến chụp cho mỗi lớp một kiểu có hiệu trưởng và thầy cô chủ nhiệm của từng lớp đứng chung là xong. Nhưng, như thế đối với các cô cậu học sinh vẫn chưa thể coi là đủ, theo lời đề nghị của một vài bạn trong lớp, Minh tìm một người chụp cho lớp một bộ ảnh riêng phong phú hơn.

Tuấn – hơn Minh ba tuổi, hiện đang là sinh viên kiến trúc – đã nhận lời sau khi nghe về lời đề nghị. Anh nhận mình chỉ là tay nháy nghiệp dư, hơn nữa lại thuộc về sở thích của anh, nên sẽ chụp cho họ không lấy tiền. Minh kéo anh đến giới thiệu với Quỳnh, lớp cô cũng muốn chụp một bộ ảnh riêng. Tuấn nhận lời ngay, anh thuộc tuýp người luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác. Riêng về đam mê và sở thích, chỉ cần ai đó tôn trọng, anh sẽ không bao giờ chối từ. Minh thích tính cách này của Tuấn, hai người cũng vì thế mà dễ dàng nói chuyện với nhau.

Chia tay là cái gì đó khoa trương lắm, khi tình cảm của con người bắt đầu dậy sóng bởi những rung động lạ kì, khi những người vốn dĩ đang ở bên nhau bỗng dưng một ngày phải nói lời tạm biệt. Dẫu cho đã từng xảy ra bất cứ chuyện gì, dẫu cho đã từng có thời gian vui vẻ, hạnh phúc hay ghét bỏ, giận hờn, hiểu lầm, thậm chí là chưa từng một lần nói chuyện thân thiết; thế nhưng kì lạ thay, lúc chia tay ai cũng muốn khóc, chưa kịp ngăn cảm xúc lại nước mắt đã trào ra. Những cái ôm bắt đầu siết chặt hơn, sân trường lá vàng rụng nhiều hơn, nắng vẫn vàng nhưng lại khiến người ta trống rỗng trong tim, muốn ngoảnh mặt lại chỉ sợ sẽ khóc òa. Chỉ sợ rằng, sẽ không nỡ bước chân ra khỏi cái nơi đã từng nhiều lần ao ước muốn thoát khỏi, nhưng rồi lại nhận ra cũng nơi ấy đã lưu giữ tuổi thanh xuân của mình và bạn bè mình. Hóa ra, một lần chia tay, chính là một lần tạm biệt với một nấc thang trưởng thành, một lần nói tạm biệt với thế hệ những người bạn từ nay sẽ khó gặp nhau để kết giao với những người bạn mới.

- Chúng ta sẽ không khóc đâu nhỉ?! Có phải là vĩnh biệt đâu…

Phương nói, giọng nghẹn lại. Quỳnh không hiểu sao bỗng dưng bật khóc. Cô không nghĩ sẽ phải chia tay với Phương. Hai người sẽ vẫn sống cùng thành phố, vẫn sẽ đi chơi cùng nhau, vẫn sẽ thi thoảng đến nhà nhau, nằm cùng giường, gác chân chồng chéo lên nhau, vừa nghe nhạc vừa đọc sách, hoặc bàn về anh thần tượng đẹp trai nào đó trên phim. Mọi thứ sẽ không có gì thay đổi. Nhưng điều thay đổi là gì?

- Điên rồi, khóc cái gì mà khóc. Tôi có bảo là không bao giờ gặp cô nữa đâu.

- Không hiểu sao nước mắt cứ chảy ra, nó không nghe lời tôi tí nào.

Trên sân trường, mọi người đã về hết, dưới sân chỉ còn lá rụng, vài ba xác bóng bay vỡ, một chiếc máy bay giấy nằm yên lặng dưới chân ghế đá. Mọi thứ không có gì thay đổi, chỉ là tâm trạng con người biến đổi – bởi đang bước lên những nấc thang của sự trưởng thành.

Quỳnh với Phương ôm nhau khóc rưng rức, tiếng nức nở hòa vào tiếng ve lao xao. Gió thổi làm lật tung cả một miền kí ức đã qua. Rồi sẽ có những phép màu khiến con người ta chỉ lưu giữ lại những chuyện vui vẻ nhất, những chuyện đau lòng sẽ nhanh chóng trôi về phía xa.

Những đứa trẻ cũng đã bước vào chặng đường mới của riêng mình. Quỳnh thi đỗ trường Y trong niềm vui mừng đến sững sờ của mẹ và bạn bè. Phương cũng thi đỗ một trường đại học về kinh tế nằm trong tốp đầu các trường đại học ở Hà Nội. Minh bỏ thi ngoại giao theo mong muốn của bố mẹ để thi luật, tự quyết định con đường tương lai của bản thân mình.

Những đứa trẻ đã không còn là những đứa trẻ. So với việc lớn lên về tuổi tác, còn biết cách tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Giữa chạy trốn và đương đầu, họ chọn cách đối diện với con đường mà mình muốn đi, cố gắng tiến lên phía trước. Không đầu hàng và sợ hãi, không tùy tiện bước chân lên con đường mà người khác sắp đặt, lựa chọn cách tự tin và gồng gánh những hoài bão trên đôi chân mình.