Chuyến Phiêu Lưu Đến Xứ Sở Bên Kia Thác Mây Mù - Chương 05 - 06
Chương 5. Đi dưới hàng cây tăm tối
Lối đi bắt đầu bằng hàng cây hai bên xếp ken dày chạy dài tăm tắp về phía xa cũng là lúc bốn bạn nhỏ của chúng ta tưởng như bước vào một đường hầm vừa dài vừa sâu hút, và thực sự tối tăm nữa. Tối không chỉ bởi các cành nhánh từ tứ phía đan cuộn, leo bám chằng chịt, dày rậm tạo thành mái vòm che mất ánh mặt trời, mà còn vì một thứ bóng tối lạ lẫm lảng vảng chung quanh, nó tỏa ra vô hình vô dạng, nhưng cảm giác vừa đen đúa, ngột ngạt vừa lành lạnh, âm u. Mỗi lúc một vây bủa. Không gian chìm trong đêm tối sâu thẳm, nếu đã ai từng tới địa ngục để mà so sánh thì nơi này chắc chẳng khác nào địa ngục. Lồng ngực mỗi em đều trải qua cảm giác bị ép chặt, bức bối và ngạt thở khó chịu vô cùng, nghĩ thà ngất đi còn hơn.
Vì thế đoàn người bé con rảo bước mau hơn, dùng gậy dò dẫm, từng bước vượt quãng đường bí ẩn đầy đe dọa. Đi một chốc, không khí giá lạnh thêm, bóng tối chừng như đổ dày thêm nhiều tấc, lúc này đã không thể phân biệt được những hình thái cho rõ ràng. Và rồi, chầm chậm, mới đầu còn văng vẳng mơ hồ, sau dần nhanh và mạnh một cách đầy thúc ép và quả quyết; những tràng rên rỉ, than vãn, ai oán khốn khổ thấu tận tim. Tiếng khóc nỉ non thảm thiết hòa vào nhau hóa thành âm thanh vọng lại não nề. Cả bốn đứa trẻ đã khựng lại khi những âm thanh ấy đâm qua màng nhĩ, toàn thân rùng mình ớn lạnh. Rồi thì đột ngột từ trong các hốc cây hai bên tua tủa thò ra những cánh tay xanh lét như có rắc đốm lân tinh, chúng ngọ nguậy, quơ quào như thể muốn túm bắt bọn trẻ. Cả đám sợ hãi kêu ré lên: “Mẹ ơi! Ma!” Rồi ù chạy bán sống bán chết.
Chúng chạy, chạy mãi, chạy trong nỗi tuyệt vọng vì từng giọng ngân dài kêu xin vẫn i ỉ đeo bám không dứt. “Cứu với... Xin cứu tôi với! Tôi ở đây khổ lắm, làm ơn kéo tôi raaaaa...” Đã bịt chặt tai lại nhưng tiếng vọng càng lớn hơn như thể nó nổi loạn từ bên trong cơ thể chính các em. Lũ tay thây ma gớm ghiếc vặn vẹo vươn tới gần hơn - gần đến mức một cú nghiêng người cũng đủ mất... hay theo lời mụ Trăn nói là đổi mạng - chỉ chực chờ đứa nào sơ sểnh là chộp lấy. Nhưng sao chạy mãi, chạy mãi mà không qua hết đoạn đường, lối đi này như kéo dài bất tận. Cứ nối tiếp, nối tiếp một định hình nhất nhất không suy suyển, tựa như ảnh ảo đa chiều nới rộng, gây ức chế thần kinh khủng khiếp. Khi cơ thể các em đã rã rời, sức lực cạn kiệt, chân tay chỉ muốn rụng ra và sụp xuống đến nơi, thực sự không thể đi tiếp được nữa thì thình lình xa xa đằng trước xuất hiện chút ánh sáng le lói.
Nỗi mừng rỡ tạo động lực tinh thần giúp các em khỏe khoắn trở lại. Bốn đứa trẻ không ai bảo ai cùng đồng loạt tăng tốc. Chỉ còn một quãng nữa thôi... Khoảng trống hé mở cho ánh mặt trời chiếu vào nhờ vòm cây đột ngột kết thúc, và các thân gỗ cũng thưa thớt dần, những bàn tay dường như cũng đang tan biến. Một, hai, ba đứa vượt qua... Đi cuối hàng là bé Tròn, đến lượt mình thì tự dưng em dừng phắt lại, bởi tiếng than thoi thóp yếu ớt cuối cùng đang cố chút hơi tàn níu lấy em. “Xin cứu tôi...” Lần này, âm thanh dâng lên từ tận tim em, nó gây ra một chuỗi xót xa và nẫu lòng. Tròn thổn thức quay sang, nhận thấy cánh tay nhợt nhạt và sắp trở nên trong suốt, em vô thức đưa tay mình ra... Khoảnh khắc mà đầu ngón tay tròn tròn của bé Tròn chạm hờ vào những ngón tay ma đang tan biến, em thấy mình như bị kéo giật về phía trước, mạch máu tưởng chừng sắp đứt tung, đau thấu trời thấu đất. Nhưng cũng nhanh không kém, bạn Bờm đi ngay trước em nhận ra tình hình bèn vung gậy vụt liên tiếp vào cánh tay - hay chính xác hơn là tàn dư của nó. Rồi Bờm lập tức kéo Tròn ra sức chạy.
Qua hết con đường quỷ quái, ánh nắng rực rỡ chưa khi nào tuyệt vời hơn thế, dát thứ năng lượng tinh tươm và xua đuổi mọi tà khí. Bọn trẻ đứng quây một chỗ thở lấy hơi, riêng em Tròn thì cúi thấp đầu thở hồng hộc để che sắc mặt ửng đỏ vì ngượng. Hai bạn nam mắng em tới tấp, em chỉ im lặng chịu trận vì biết lỗi. Mỗi bé Phệ là bênh vực Tròn, cô bé vỗ vỗ vai bạn an ủi và quay sang hai bạn kia lên lớp: “Giờ trách móc nhau thì ích gì? Mau đi tiếp thôi! Thời gian không còn nhiều đâu.” Cả bọn thấy chí phải liền gật gật đầu rồi răm rắp chỉnh tề hàng ngũ bước một hai theo sát cô bạn gái đi trước mở đường.
Bây giờ cảnh sắc đã đổi khác, cây cối mở rộng ra và đan xen nhiều luống hoa rồi bụi rậm, đất thoai thoải đầy khoảng trống. Vùng đất này rất đặc biệt, địa thế và hệ sinh quyển cực kỳ hài hòa, cân bằng một cách hoàn hảo, dường như chẳng thể tìm ra một lỗi dư hay sự thiếu hụt. Và ngay kia, cách một khoảng xa đã thấp thoáng một mặt phẳng rộng lớn phản chiếu thứ ánh sáng chói chang tựa mặt trời. Nhìn từ xa, các em tưởng như đó là một sân băng bằng vàng khối đậm đặc, liền háo hức sải bước nhanh hơn, càng tới gần càng thấy màu vàng thêm rực rỡ.
Đứng trước toàn cảnh, bốn con người với bốn trái tim bé nhỏ mới thảng thốt làm sao. Mặt phẳng chẳng phải vàng khối, nó thuộc dạng chất lỏng - sóng sánh, sền sệt. Hồ Mật Ong. Hồ sao mà kỳ diệu, mênh mông những mật là mật, vàng ươm và ngon ngọt. Mật ong quện từng lớp cô đặc, mịn màng tuyệt hảo, dập dềnh gợn nhẹ, dai dẻo tinh chất như chẳng bao giờ ngừng vun đầy. Bốn bàn tay cũng liên tục lau rớt dãi rồi cùng nuốt khan ừng ực. Quả thực các em nghĩ mình chưa từng biết đói cho đến lúc này, mật thơm ngon quá. Thèm thì thèm lắm nhưng đành bấm bụng chịu đựng vì còn nhớ tới lời dặn của mụ Trăn. Bé Tròn đã hăng hái trở lại, là người đầu tiên phát hiện ra con thuyền neo mép bờ. Thuyền cực kỳ thú vị, tạo hình y chang một cái tổ ong hoa văn ngũ giác kiểu khum khum thuyền thúng. Tụi nhỏ háo hức kiểm tra từng thứ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc chèo thuyền, cuối cùng cũng nhổ neo, chúng chen nhau trèo lên thuyền.
Thuyền dập dềnh lướt đi, khua mái chèo chẳng khác gì đang khuấy một nồi mật ong đặc quánh. Trải nghiệm việc ngồi trên một con thuyền độc đáo, bên dưới là nước mật ngọt lịm sánh vàng, trôi êm ả ra giữa dòng, thực ngỡ chỉ có trong truyện cổ tích. Riêng bé Phệ thì chẳng tận hưởng được sự lý thú như ba cậu bạn, em cứ cựa quậy không yên, hết ngọ nguậy bên này lại ngọ nguậy bên kia, có vẻ bứt rứt khó chịu lắm. “Tớ đói lắm, lắm lắm rồi ý! Tớ không nhịn được nữa đâu! Hu hu!” Quả tình sau mấy cuộc phiêu lưu thót tim như vậy, có ai không đói mới lạ, bữa ăn gần nhất dường như đã lùi xa tận hồi nảo hồi nào rồi. Nhưng đói thắt ruột cũng phải kiên nhẫn kiềm chế và chờ thời điểm thích hợp. Bạn bè cũng khuyên thế, song bé Phệ chẳng nghe, em nhoài người qua mạn thuyền hăm hở săm soi xuống lòng hồ mà thèm thuồng. Hành động của Phệ gây ra phần nào hỗn loạn và sợ hãi, các bạn kêu gào cẩn thận tránh nguy hiểm nhưng em vừa bướng bỉnh vừa lanh lẹ, đã thò một ngón tay múp míp xuống hồ quệt lấy một miếng mật ngon lành. “Tớ chỉ nếm thử một miếng thôi.” Nói thế rồi em tức thì mút chụt ngón tay, liếm láp thưởng thức hương vị ngọt ngào, thơm nức.
Ôi, ôi! Sự thay đổi đến một cách nhanh chóng, đáng sợ làm sao! Từng cặp mắt trố lên trợn trừng, chứng kiến cảnh cơ thể bé Phệ bỗng nhiên co rút, từ đầu, cổ, chân tay đến từng thớ da thịt trên người đều biến đổi vùn vụt. Xèo xèo, xì xì. Vài tích tắc sau, làn khói mỏng tang ban nãy dạt ra, bé Phệ của chúng ta đã biến mất. Giữa không trung xuất hiện một con ong mập thù lù với lớp da sọc sọc quái đản, bay vù vù qua lại...
Chương 6. Rừng Kim Cương
Một sự kinh hoàng bùng nổ, ngần ấy cặp môi và mắt trên thuyền cùng há hốc ngước nhìn con ong, nó cũng đang hoảng hốt bay loạn xạ. Trong nhiều phút, tình trạng không ngớt rối loạn. Tiếng ong kêu vo vo hòa vào mớ âm thanh hỗn độn giữa than vãn và bình luận, rồi một lúc sau, đột nhiên cả ba bé trai đều nằm lăn quay ra mà cười, cười sằng sặc, cười thắt cả ruột, cười như hâm dở; tại có bao giờ chúng thấy một chuyện gì hài hước thế đâu. Cơn cười mãi chả dứt làm mấy đứa mệt bã cả người, mệt rồi thì lại thấy buồn bã và mệt mỏi vì cuộc hành trình gian nan với các sự kiện dồn dập kéo dài. Các em nhớ nhà. Song nghĩ, muốn mau chóng được về nhà thì chỉ còn cách phải sớm hoàn thành nhiệm vụ, thế là các em lấy lại tinh thần, tiếp tục chèo thuyền. Bé Tròn thương bạn liền gọi với trấn an: “Phệ chịu khó nhé, chúng ta sẽ đi nhanh tới nơi ở của Hoàng tử, hy vọng Người sẽ giúp được Phệ thoát khỏi hình hài đó.”
Con thuyền độc đáo lướt đi như bay. Hồ rộng bằng khoảng ba cánh đồng lúa gộp lại, và gió thổi xuôi dòng nên chẳng mấy đã qua tới bờ bên kia. Trước khi tiếp tục cuộc hành trình trên đất liền, các em ngoảnh lại luyến tiếc nhìn lần nữa kỳ quan tuyệt mỹ có một không hai, mặc dù nó đã gây ra nỗi đau khổ chẳng ai mong muốn.
Bé Phệ - bây giờ là nàng ong béo ị, vẫn bay theo đoàn, lúc chập chờn yếu ớt, lúc lảo đảo như say, lúc lại veo véo kích động, y chang cái tính cách thất thường của cô nàng. Lần này, sự đổi khác hiện ra rất nhanh, cây cối đổi màu nhợt nhạt, còn ngay đằng trước, một màn sương mù dày đặc đã chắn ngang tầm nhìn. Sương cuồn cuộn quanh quẩn theo chiều lên xuống, tạo thành bức vách ngăn trở với vùng đất bên kia. Một màn trắng xóa bưng kín và giấu nhẹm mọi điều tồn tại phía sau nó.
“Bây giờ phải làm sao?” Cu Tũn hơi ớn hỏi.
“Thì đi tiếp chứ sao!” Cu Bờm chậc lưỡi trả lời.
“Xuyên qua đám sương này hả? Sao bà Trăn không nhắc đến điều này?” Bé Tròn cũng cẩn trọng hỏi.
Cu Tũn vừa sì sụt lau rớt mũi vừa khoát tay. “Vậy tức là nó không có gì đáng kể. Đi thôi!”
Tũn ta suy diễn rất đúng, màn sương không hề nguy hiểm, đi xuyên qua chỉ hơi rùng mình vì lạnh. Bất ngờ chỉ hiện lên bên trong. Nơi mà sương mù bao phủ, che chắn mới gây chấn động biết bao! Tròn, Tũn và Bờm cùng khựng lại, mắt nổ đom đóm choáng ngợp, bất động trước cảnh chói lóa, ngời ngời. Bé Phệ hay bé ong qua sau có vẻ đỡ bị tác động hơn, em thích thú lượn lờ tới gần mấy thân cây thấp lùn dát trên mình toàn kim cương. Đúng, đây chính là khu rừng Kim Cương kỳ ảo. Rừng thoáng đãng, cây mọc lưa thưa và ngăn nắp tựa như một khu vườn trồng. Tuy ít ỏi nhưng vẻ đẹp của những hàng cây quá tuyệt diệu, quá hoàn hảo. Lấp lánh, lấp lánh. Từng đốm sáng nhấp nháy dưới ánh nắng óng ả nhả lên rạng rỡ, rạng rỡ đến chói mắt. Từ thân cây như đúc từ tảng kim cương nguyên khối dưới lòng đất tỏa ra ánh hào quang rực rỡ, lá non thì mảnh mai khoe sắc trắng toát, rung rinh rung rinh trên cành, đến quả của nó mới thực sự huyền diệu - quả kim cương to bằng nắm đấm người lớn, lấp lánh vô ngần, treo lúc lỉu hấp dẫn. Cả một rừng toàn loại đá quý đệ nhất này, bảo sao không ngất ngây cho đặng.
Sức kháng cự hoàn toàn tan rã, ba cậu chàng quỳ sụp xuống chắp tay run sướng, mắt long lanh hoa lệ, miệng cười ngớ ngẩn vì đờ đẫn. Chúng ôm chầm lấy nhau bày tỏ nỗi niềm:
“Giàu rồi, tụi mình giàu rồi!”
“Hức... Tớ sẽ mua hàng tá khăn lụa lau mũi cho bõ những ngày khốn khổ.”
“Còn mình có thể sắm cho cha bao nhiêu bộ cần câu tùy thích.”
“Đến lượt tớ hở? Tớ... tớ sẽ xây căn nhà mới khang trang để hai mẹ con sống sung sướng trọn đời.”
Cứ thế, chúng vẽ ra bao mộng ước, mộng nào cũng ăm ắp màu hồng. Của cải ngay trong tầm với kia rồi, còn đợi gì mà không hái. Rồi thì ba đứa sà tới bên đám cây, đứng thẫn thờ ngắm nghía cả hồi, sau rốt cu Bờm cũng rủ: “Hái thôi!” Bé Tròn gật đầu phụ họa: “Ờ, hái thôi.” Những lời dặn dò bị quên tất tật rồi. Tuy nhiên sự việc không theo như ý, vì hội còn một nàng người-ong đáo để, đương nhiên là nàng ta vẫn mang nhận thức của con người, và chưa bị cám dỗ bởi những thứ này. Nãy giờ nàng ong theo dõi hết tâm trạng lẫn cách hành xử của các bạn, nên ngay khi cu Tũn vừa đưa tay ra tính ngắt một quả kim cương thì lập tức cô bé lao tới chích cho cu cậu một cú thích đáng vào má. Hai bạn Tròn và Bờm cũng lãnh ngay mỗi người một phát gọi là công bằng. Đau quá, ba cậu vừa nhảy loi choi vừa ré lên váng động cả khu rừng tĩnh mịch. Thế mà cu Tũn vẫn liều lĩnh một tay ôm mặt, một tay giơ lên định tiếp tục hái, bởi vậy đã bị bé Phệ trong lốt ong giáng cho một trận nên thân. Em đâm vòi tới tấp lên khắp mình mẩy cu Tũn, bất cứ chỗ nào lộ da và nhất là cánh tay khua khoắng phản kháng.
Tũn ta nửa sợ nửa đau đớn, lập tức vừa chạy vừa gào tướng la làng. Cứ như vậy, theo con đường nhỏ len giữa các hàng cây, đứa ôm người chạy trốn, đứa đuổi theo dọa dẫm. Cu Bờm và bé Tròn cũng inh ỏi thét gọi, chạy rần rần theo phía sau, quên sạch cả kim cương lẫn mộng giàu sang. Cả bọn chạy, chạy mãi, và đến nơi màn sương ngăn với thế giới bên ngoài lúc nào không biết. Thậm chí chúng lao vụt qua lớp sương dày mà chẳng ngừng lại đến nửa giây, cũng chẳng cảm nhận gì hết. Mệt quá mới dừng lại thở dốc, cả người và ong đều loạng quạng, chếnh choáng. Lúc ấy mới chợt nhận ra, đây là khu rừng nguyên sinh, một khu rừng thật nhất trong những nơi các em đã đi qua kể từ giây phút lạc đến xứ sở này.
Cu Tũn bị đốt sưng vù, mặt mũi tối sầm, quyết định ngã lăn ra đất hậm hực, than trách. Nhóm cùng nghỉ ngơi lấy sức luôn, nhưng lòng ai cũng dậy hoang mang bởi quanh quanh độc một màu xanh ngút ngàn, rừng cây rậm rạp, um tùm với các phân nhánh, lùm bụi chồng chéo cứ trải dài miên man. Đường lối thì quàng xiên như tơ nhện, thoắt ẩn thoắt hiện khiến người đi chẳng biết đâu mà lần. Lo lắng, các em bật dậy dòm tới dòm lui, dáo dác tìm kiếm phương hướng mới rồi hối hả kéo nhau đi vì sợ trời tối mất. Hai bạn nam phải nửa khuyên nhủ nửa hăm dọa mới lôi được cu Tũn đang bất mãn đi. Loanh quanh được một quãng thì bất thần xa xa vẳng lại tiếng “ò ó o o” ngân dài. Cả đám sững lại nghe ngóng, lúc này mới nhớ ra phải đi theo con gà mái đẻ trứng ngọc. Khổ nỗi, tiếng gà gáy ó o cứ văng vẳng gần xa, lúc hướng này khi hướng khác, không thể phân biệt rõ ràng. Các em lao bổ chỗ này chỗ kia, ngược xuôi rối rắm, tới nỗi mệt nhừ cả ra. Nhưng rồi, tại khoảng rừng nọ, các em bắt gặp hình ảnh đông đúc, lộn xộn lạ mắt. Ở trên mỗi chạc cây chung quanh đều treo lắc lư một cái chuồng gà cỡ lớn hình lồng úp, đan bằng tre xanh lét; bên trong đầy gà mẹ gà con đang cục ta cục tác chơi đùa hay ấp trứng, nhiều con ở dưới thì chạy lăng quăng kiếm mồi hoặc bới đất nghịch. Điều đáng kinh ngạc là chúng đều có bộ lông màu xanh lá cây mượt mà, trông rất cổ quái, bắt mắt. Nhưng lũ gà đã đông lại quá đỗi giống nhau, trống mái lẫn lộn, con nào cũng na ná như được đúc ra từ một lò, thật khó biết con nào đẻ ra trứng ngọc. Mấy đứa đau đầu quanh ra quẩn vào mãi mà chưa biết xử trí sao. Bé Tròn chợt nảy ra sáng kiến liền vẫy tay bảo cô bạn: “Bé Phệ, cậu hãy mau bay qua các chuồng tìm hiểu xem trong đám gà trên kia có con nào đang ấp trứng ngọc không!”
Bé Phệ-ong nghe lời, lanh lẹ bay vọt lên cao quan sát, em đảo qua đảo lại từng chuồng xem xét. Các bạn trai ở dưới thì nghển cổ lên hồi hộp dõi theo em. Cô bé sà từ nóc chuồng này qua nóc chuồng kia, cho đến cái chuồng ở dãy cuối mới dừng lại. Nàng ta phân vân khi nhìn thấy trứng trong ổ rơm này có sự khác biệt so với những ổ còn lại, vỏ trứng nhẵn mịn và trắng toát màu sứ, còn đâu đều nhờ nhờ hồng và không được bóng như thế. Em ngẫm nghĩ, thứ khác biệt nhất nhất định là vô cùng đặc biệt, trứng lại đẹp nổi trội vậy chỉ có thể là ngọc. Hớn hở với suy luận này, bé Phệ-ong lộn vèo vèo mấy vòng trên không, tự cho rằng mình thật thông minh. Cùng lúc đó, con gà mẹ nằm bàng quan nãy giờ, bỗng nhiên vỗ cánh phành phạch lao vù ra, đáp xuống mặt đất một cách kiêu hãnh rồi lạch bạch chạy về một hướng. Hành vi của gà mái càng khẳng định rõ ràng, làm bé Phệ thêm tự phụ, bay lướt theo nó. Và các bạn đuổi theo em.
Tất cả tin rằng mình đang đi theo dấu con gà mái đẻ trứng ngọc, nó sẽ dẫn tới túp lều ngự giữa rừng của Hoàng tử Cáy. Sự thực có đúng vậy không phải chờ hồi sau mới rõ.