Chuyến Phiêu Lưu Đến Xứ Sở Bên Kia Thác Mây Mù - Chương 15 - 16

Chương 15. Qua hồ Cầu Vồng

Giống như khu rừng già, hồ Cầu Vồng là địa điểm gần với lâu đài Mặt Trời nhất, chỉ cách một con đường ngoằn ngoèo phủ mờ sương khói. Đây là nút giao trọng điểm giữa mạn xuôi, mạn đông (khu vực lâu đài) và mạn tây vương quốc, nơi then chốt nắm giữ việc giao thương, buôn bán nên luôn đông đúc và sầm uất. Lúc này tại hồ, Điểu Nhân ngược xuôi như mắc cửi. Sự bình yên vừa trở lại với vương quốc nên có khá nhiều việc cần lo toan để ổn định cuộc sống.

Bọn trẻ lập tức hiểu rõ vì sao hồ lại có tên là Cầu Vồng. Nước hồ có bảy màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím xếp xen kẽ bắt mắt, rì rào chảy quanh êm ả. Một cây cầu bắc ngang đôi bờ cao vút, cũng bảy sắc và y hệt cầu vồng thực thụ, mờ mờ ảo ảo, được kết thành từ không khí, ánh sáng và sương khói. Sự thực thì nó là vật chất rắn chắc, tuy nhiên Điểu Nhân ít đi lại trên đó, có lẽ bởi cảm giác bồng bềnh hư vô mà nó mang lại, vì thế họ thường sử dụng phương tiện thuyền bong bóng cũng bảy sắc.

Đứng sát bờ, Hoàng tử hỏi: “Công chúa, Người muốn đi cầu hay đi thuyền?”

“Thuyền.”

“Vậy chúng ta đi thuyền.”

“Thôi ta đổi ý rồi. Đi bộ trên cầu rất mát.”

“Ừm, thì tất cả cùng đi bộ qua cầu.”

“Hừ! Bây giờ ta lại thích đi thuyền.” Công chúa phẩy váy, nghênh ngang tiến về phía trạm gác dựng ngay trên hồ.

Cu Tũn đảo mắt, chỉ từ Công chúa sang bé Phệ, thì thầm với hai bạn: “Chậc, chậc! Thấy chưa? Giống y đúc mà.”

Hồ có ba trạm gác, mỗi trạm có một Điểu Nhân lo việc cung cấp thuyền đi lại cho mọi người. Trước mỗi căn chòi có một bức tượng đầu chim bằng đá, trụ đỡ gắn chặt xuống lòng đất. Khi có ai cần qua hồ, người gác sẽ nhấn công tắc, từ miệng con chim liền nhả ra một khối bong bóng lung linh hở đầu, rơi tõm xuống rồi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bong bóng khum khum tạo thành một chiếc thuyền chở được khoảng bốn người. Đôi mái chèo được người gác giao lại sau đó.

Tụi trẻ cứ ồ lên kinh ngạc, sướng rơn trước cảnh tượng thú vị. Đoàn cần hai chiếc thuyền, Công chúa cùng bé Phệ ngồi một thuyền, Hoàng tử và ba em trai lên thuyền còn lại. Ai nấy đều lo lắng khi bước vào bong bóng, nó sẽ vỡ tan ra, lên rồi mới hay nó dù mỏng manh nhưng vô cùng chắc chắn, lướt đi êm ru. Công chúa và Hoàng tử phụ trách chèo thuyền, cùng bắt đầu một lượt. Bốn bạn nhỏ thì hào hứng ngó nghiêng chung quanh, hết sờ lần con thuyền lại săm soi xuống đáy nước rồi cùng ồ lên khi phát hiện dưới tầng nước sâu có vô vàn cá bảy màu bơi lượn tung tăng. Chúng rẽ nước chơi đùa làm những quầng sặc sỡ cũng xao động, thi thoảng có con lại nhảy vọt lên khỏi mặt nước khoe mình dưới nắng rồi rơi tõm xuống làm nước bắn lên tung tóe. Có vẻ cư dân ở đây quá quen với việc đó, họ bình thản chèo thuyền. Một em thắc mắc: “Ủa, Điểu Nhân đều biết bay, sao phải khó nhọc đi lại dưới đất cho lâu lắc như vậy?” Và được trả lời: “Đức vua thiết lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ. Em thử nghĩ xem, nếu Điểu Nhân nào cũng tự do bay lượn trên bầu trời sẽ gây ra sự hỗn loạn thế nào, sao có thể kiểm soát được trật tự như ở trên mặt đất. Chỉ những khi có việc cấp thiết không thể đừng mới được phép bay...”

Nước dập dềnh lên cao hạ thấp đẩy thuyền lướt đi. Công chúa vừa khua mái chèo vừa hỏi chuyện bé Phệ về cuộc sống của Hoàng tử trong rừng, mắt vẫn không ngừng liếc xéo về phía chàng. Một lúc sau, thuyền của Hoàng tử đã vượt xa thuyền của hai cô gái một quãng xa. Cu Tũn quay lại lêu lêu trêu chọc hai người. Bé Phệ trông thấy thì tức khí nói lớn: “Công chúa, chị xem kìa! Họ dám qua mặt chúng ta.”

“Á à, được lắm, để rồi xem.” Công chúa cũng phồng mang trợn má, chẳng chịu kém cạnh, bèn ra sức khua mái chèo thật mạnh. Nước hồ bị quạt tung tóe. Thuyền vụt tới vèo vèo. Tốc độ không được kiểm soát khiến chiếc thuyền bong bóng đi không đúng hướng, cứ xiên xẹo, lệch lạc, va bên này đập bên kia, chạm cả vào những chiếc thuyền bong bóng khác. Sóng hồ tiếp sức cho nó xô đẩy lung tung.

Thấy chiếc thuyền đi sau quáng quàng đâm bổ chỗ này chỗ kia, Hoàng tử hét với lại: “Cẩn thận! Từ từ thôi!”

Song Công chúa ngang ngược chẳng chịu nghe lời, bởi vậy ngay tức thì sinh ra sự cố. Trong một pha xoáy, cái thuyền bị nước dâng làm chao nghiêng, rồi nước ập vào, thuyền lật úp. Công chúa cùng bé Phệ ngã ùm xuống hồ. Sức nặng của họ khiến nước bắn tung tóe. Công chúa không biết bơi, đương nhiên bé Phệ càng không biết, cả hai chới với một, hai cái rồi ùng ục chìm dần.

Hoàng tử lập tức nhảy xuống. Chàng bơi rất cừ, khua nước rất điêu luyện, rồi chàng lặn xuống cứu họ, thoáng chốc ngoi lên, một tay ôm Công chúa, một tay ôm bé Phệ. Chỗ này cũng đã tới gần bờ, chàng quyết định bơi vào luôn, những người mới đến bên bờ cứ tưởng chàng ôm hai con heo nái. Các bé trai được ra hiệu, chủ động chèo thuyền cập bờ.

Hai cô nàng được kéo lên, ướt nhẹp nằm trên bãi cỏ, hơi thở yếu ớt mảnh hơn sợi tơ, sinh lực có vẻ đã trôi sạch theo dòng nước. Hoàng tử giúp họ đẩy hết nước ra, đưa họ vào chòi gác làm ấm người. Khi nhìn họ nằm im lìm, quấn chăn kín mít, chìm trong mê man, chàng nheo mày cảm thán: “Haizz! Họ không thể đi tiếp được rồi. Thôi để họ nghỉ ngơi ở đây vậy. Các chàng trai, chúng ta đi tiếp thôi!”

“Không!” Công chúa với bé Phệ vùng dậy và đồng thanh nói. Công chúa tung chăn ra, vươn vai thể hiện sự dẻo dai. “Em thế nào?”

“Em rất khỏe!” Bé Phệ cũng kiêu hãnh đáp.

“Vậy thì đi thôi!”

Hai cô nàng dẫn đầu rất hùng dũng, quyết tâm nhưng một lúc sau, họ đã thất thểu đi cuối hàng.

Con đường đoàn bộ hành đang tiến bước này, rải rác có nhiều ngôi nhà Điểu Nhân sinh sống. Nhà xây cũng lại hình cầu, nhưng chất liệu bằng đá trắng có những vân hoa rất đẹp. Dây thường xuân xanh biếc leo bám quanh tường và những hàng rào gỗ thì chen đầy hoa hồng leo. Bọn trẻ thích thú khi lần đầu trông thấy trẻ con Điểu Nhân, chúng cũng có mái tóc trắng bạc buông mượt mà, thân hình cao mảnh khảnh, bay bay chơi đùa quanh những khu vườn có giàn trái cây lúc lắc, thấy đoàn khách đi qua chúng cười khúc khích vẫy tay rủ vào chơi. Các bạn nhỏ suýt đã nghe theo lời mời gọi nếu Hoàng tử không ra thiết quân luật cấm rời bỏ hàng ngũ.

Quãng đường này thông tới một ngã tư, từ ngã tư rẽ trái sẽ đi thẳng tới khu mỏ khai thác đá quý.

Tầm giữa trưa thì họ tới một đoạn đường mà có lối mòn chênh chếch phía bên trái, nằm giữa khe hẹp của hai gờ đá lớn, đó chính là cổng vào khu mỏ. Hoàng tử giới thiệu và cho phép các em rẽ vào tham quan chốc lát. Buổi trưa nắng gắt, thợ đã nghỉ hết nên khu mỏ vắng tanh. Mặt đất gồ ghề những đất đá, chỗ dốc chỗ trũng lồi lõm trông như một miếng sắt bị bóp vặn quăn queo, lỗ chỗ, gai góc. Vách núi sần sùi, rát bỏng lồ lộ những khối đá thô nhám, không ai có thể nghĩ rằng trong nó ẩn chứa hàng tấn quặng sản quý hiếm, là kết tinh của trời đất. Hoàng tử chỉ một vài cửa hang ăn vào lòng đất đã phát hiện vỉa quặng. Các em ngó vào một cái hang thì, ôi, những vỉa đá thạch anh tím treo mắc kín đặc, sắc tím lấp lánh phản quang mãnh liệt, vô cùng đẹp mắt. Những khối thạch anh đủ hình dạng trong tựa pha lê. Trên các mũi đá nhọn mỗi khi lóe lên một đốm sáng to như hạt ngọc thì mơ hồ nghe thấy âm thanh “tinh”, “tinh”, “chiu”... Ở khu mỏ còn có các vỉa quặng hoàng ngọc, peridot xanh lá, hồng ngọc màu huyết bồ câu, v.v...

Thật khó khăn để lôi bọn trẻ rời khỏi khu mỏ, chúng “ngất lên ngất xuống”, giữ nguyên trạng thái thất thần vì không chịu nổi sức cám dỗ. Hoàng tử phải nhắc rằng các em có rất nhiều ngọc ngà, đá quý đang đợi.

Qua khu mỏ một quãng đường mòn dài mới tới ngôi làng đông dân cư, tuy nhỏ nhưng nhà cửa san sát tạo nên quang cảnh trù phú đầm ấm. Sự êm đềm của ngôi làng chợt khiến bé Tròn nhớ những buổi chiều ở quê nhà, em chăn trâu ngoài đồng cỏ, lúc trở về chòm xóm lúc nào cũng nhộn nhịp, xôn xao. Lòng em xốn xang.

Đoàn người đi quanh co, quanh co theo trục đường chính. Họ cứ đi mải miết để khỏi la cà vào các cuộc chuyện trò. Đến cuối làng, nhà cửa thưa thớt dần, khi chỉ còn lác đác dăm ba nóc nhà thì Hoàng tử dừng lại. Chàng rẽ vào túp lều bên đường, một bà cụ đang ngồi dệt vải trước khung cửa sổ. Chàng chào hỏi bà cụ như thể đã quen thân từ lâu.

“Cụ ơi! Cụ còn giữ cây cung hồi trước không vậy? Con phải qua đầm Chết bây giờ.”

“Ờ, ờ, để cụ vào lấy cho.”

Bà lão chống gậy đi vào rồi khi trở ra mang theo một cây cung ánh bạc tuyệt đẹp. Hoàng tử thử sức đàn hồi của dây rồi hài lòng cảm ơn, khoác cung lên vai, chàng nói tiếp: “Vâng! Bây giờ cụ cho chúng con uống sữa nhé!”

“Nào, đi theo cụ!”

Bà cụ còng lưng cầm theo một cái bát sành đi trước dẫn đường. Tất cả theo cụ vòng ra sau nhà, ở đó, chếch về hướng đi ra khỏi làng có một cây cổ thụ sum suê bóng, có lẽ đây là cái cây cuối cùng nằm trong địa phận làng. Bên cạnh nó có một cái giếng đá trông cũng cổ xưa như thế. Cụ già tới bên giếng, thuần thục quay tay thả gầu xuống, xong lại quay ngược kéo gầu lên. Cụ tuy già lão song động tác rất nhanh nhẹn, chắc chắn. Đựng trong chiếc gầu vừa được kéo lên không phải nước mà là thứ chất lỏng màu trắng đặc sánh tỏa ra hương thơm ngầy ngậy. Bà cụ lần lượt múc sữa ra bát cho từng người. Sữa thơm ngon vô cùng, uống một rồi lại muốn uống hai.

Tạm biệt bà cụ và đi tiếp, Hoàng tử mới giải thích: “Sữa trong giếng giúp cơ thể chúng ta chống lại hơi độc ở đầm và vùng lân cận. Từ đây chúng ta sẽ tiến vào vùng đất đen tối chứa đầy hiểm họa.”

Chương 16. Đây đồng cỏ Mực

Ngôi làng đã ở lại phía sau, lúc này đường đi trở nên khó khăn hơn. Sỏi đá găm lởm chởm, đất trơn dốc, gập ghềnh. Bụi bốc trắng xóa một vùng. Cây cối tuyệt sạch, hai bên chỉ còn là những đồng rạ cháy khô xơ xác xen những gò cao trơ trụi. Càng đi gió càng giật mạnh. Bầu trời tối nhanh bất ngờ, mới đây thôi vẫn còn sáng rõ, hoàng hôn chưa thấy mà lúc này, vẻ nhàn nhạt âm u đã bủa vây. Những bước chân chậm rãi đều đều vang lên khô khốc và buồn tẻ.

Mệt mỏi và khó chịu, bé Phệ ngồi uỵch xuống, nói: “Em mỏi quá, nghỉ một tí đi!” Công chúa nghe thấy vậy thì cũng ngồi phịch xuống bên cạnh thở dốc.

Hoàng tử nhảy lên một gò cao, nheo mắt nhìn ra xa, thấy xung quanh chỉ ngút ngàn một vùng vắng quạnh, chàng gật đầu. “Ừm, chúng ta sẽ nghỉ chân một lát. Đồng cỏ Mực ở ngay phía trước kia rồi.”

Em Tròn đang giở hành trang lấy lương thực chia cho mọi người, nghe thế thì lấy làm lạ: “Tại sao lại gọi là cỏ Mực ạ?”

“Vì nơi đó giáp ranh đầm Chết nên bị nhiễm chất độc, biến thành màu đen như mực. Cỏ mọc tua tủa nên nhất định phải đeo ủng cao quá gối này trước khi đặt chân lên nó, nếu để nó chạm vào da sẽ gây tử vong.” Vừa nói, Hoàng tử vừa mở túi hành trang lớn hơn lấy ủng ra phân phát. “Nhớ đi đứng cẩn thận, nếu sai thì không thể làm lại được đâu, bất cẩn ngã hay chạm tay chân vào một nhành cỏ thôi cũng đủ kết thúc mọi chuyện.” Chàng nhấn mạnh từ “kết thúc” khiến tất cả cùng rùng mình.

Mọi người lại tiếp tục cuộc hành trình. Quang cảnh mới lạ ập đến một cách đột ngột, bất ngờ, chẳng biết tự lúc nào. Ngoảnh lại đã thấy khu vực cằn cỗi bị bỏ lại phía sau. Cỏ úa được thay bằng màu đen ánh xanh thẫm, cao lưng lửng như những bông lau. Đồng cỏ chào mừng họ bằng trận gió thốc, lạnh đến tận xương tủy. Bầu trời đặc quánh mây đen, phả chút ánh sáng u ám xuống cảnh vật gờn gợn sặc mùi ma quái. Mọi người đều không khỏi rùng mình ớn lạnh. Hoàng tử lên dây cót tinh thần. “Gắng lên nào, nếu cẩn thận thì sẽ không gặp nguy hiểm gì đâu, nhớ bám sát nhau mà đi nhé!” Vì thế đám trẻ và Công chúa gắng gượng đi tiếp.

Đồng cỏ trải rộng miên man, lay động rì rào như mặt biển gợn sóng. Đây đó có cụm cây song cũng chỉ đen đúa một màu như thế. Xa xa còn vọng tới tiếng con chim ăn thịt kêu quàng quạc nhức óc. Sợ quá, cu Bờm liền đưa ra sáng kiến:

“Hay là em chạy cho nhanh tới nơi nhé?”

“Không được!” Hoàng tử phản đối. “Chạy rất dễ ngã. Cứ đi từ từ thôi, bước nào vững bước đấy nhé!”

Đến lúc này, chẳng rõ do màn đêm thực sự buông hay ánh sáng bị sự chết chóc của nơi này dập tắt mà không gian trở nên tối tăm, hun hút, thậm chí những sự vật, cây cỏ như đã hòa làm một với bầu trời. Đoàn người thường và Điểu Nhân lặng lẽ xuyên qua bức màn đen tăm tối, nó trùm lên họ như một nấm mồ, tách biệt hoàn toàn khỏi sự sống. Nấm mồ ấy ném cho mỗi người một mớ hỗn độn tiêu cực làm bạn, họ lủi thủi lê bước, hồi tưởng về những nỗi buồn khổ, day dứt riêng. Có một lúc, họ tin rằng thực tại chính là cái chết, cái chết chính là thực tại, hai thứ quyện lấy nhau. Và họ buông xuôi... Nơi đây là nấm mồ chôn tốt nhất rồi, không có nhạc hiệu đám ma nào hay như tiếng gió đang quằn quại, rền rĩ thê lương. Gió đưa theo một mùi hôi hám, nồng nặc.

“Ý, chúng ta sao thế nhỉ? Sao không thắp đèn lên mà đi?” Hoàng tử chợt bừng tỉnh khỏi cơn mông muội. Tất cả cũng lập tức xua tan những bóng ma đang lởn vởn trong đầu. Cây đèn được thắp lên, ánh sáng lay lắt. Màu đen sì bóng nhẫy vì ướt sương của cỏ cây hiện lên lại khiến họ kinh sợ, nhưng còn tốt hơn là chìm trong sự vô cảm đáng sợ ban nãy.

“Ta nghe thoảng mùi xú uế đâu đây, vậy là sắp tới đầm Chết rồi. Cố lên!” Hoàng tử nói.

Đoàn người sải bước nhanh hơn. Đám cỏ dưới chân bỗng nhiên rùng rùng như thể thức dậy sự sống, chúng cuộn siết lấy từng đôi chân, níu giữ họ lại, giống như cánh tay em bé âu yếm ôm chân người lớn. Nó bám víu, buộc chân người đi ở lại.

“Chạy mau!” Hoàng tử hét lên. Chàng rút gươm phạt chém đám cỏ để mở đường. “Bám theo ta!” Bao nhiêu ngọn cỏ gãy rạp lại có bấy nhiêu ngọn cỏ vươn lên nên Hoàng tử phải vung tay chặt liên tục, dọn đường cho những người sau có lối đi.

Họ chạy thừa sống thiếu chết, không nghĩ gì khác ngoài chạy và chạy. “Nhảy lên mảng đất kia!” Hoàng tử chỉ về phía trước. Công chúa, bé Phệ, Tròn, Tũn rồi Bờm cùng chạy đua những mét cuối cùng... phốc... tất cả cùng rướn thân nhảy lên khoảng đất khô nẻ, căng sần mà họ mù mờ trông thấy. Hóa ra đây đã là đầm Chết rồi. Nơi họ đang đứng là một mảng đất màu nâu sậm nham nhở, thô nhám, nứt nẻ như thể đang phơi bày phần bản thể hoang tàn, xấu xa nhất của nó, thuộc ranh giới giữa đồng cỏ Mực và đầm Chết. Ngoảnh lại thấy đám cỏ xào xạc, xào xạc như than khóc mới thấm thía hết nỗi rùng rợn. “Ta không ngờ lũ cỏ kia đã thành tinh, cũng may là chúng còn yếu ớt, nếu không chúng ta toi mạng rồi.” Hoàng tử kinh hoàng khi nghĩ đến việc đã có thể xảy ra.

Nơi này, ánh sáng xuất hiện trở lại, dù chỉ hiu hắt mờ ảo, là ánh trăng vàng cam dàn trải, để lộ mặt đầm với vẻ gớm ghiếc, dữ tợn của nó. Nhầy nhụa, nhão nhoét, nhớp nháp và sền sệt. Nó cuộn sôi ùng ục thứ chất lỏng hôi tanh của cát, bùn, tạp chất và thứ gì kinh khủng nữa chưa biết. Đầm lầy đôi quãng có những chỗ đất khô, loang ra từng tảng đủ hình thù, kích cỡ trôi nổi trên bề mặt, xen cùng đất ướt, song chưa biết lúc nào nó sẽ nứt toác, bở rời. Mùi hôi thối nồng nặc phả lên lợm giọng.

“Hoàng tử... hoàng tử...” Tiếng Công chúa yếu ớt gọi.

“Có chuyện gì vậy?”

“Ta... ta không đứng vừa chỗ này nữa.”

Hóa ra do Công chúa “nặng nề”, phần đất quá tải liền rạn vỡ rồi tách rời ra. Bây giờ nàng đang chênh vênh giữ thăng bằng trong khoảng đất toen hoẻn, bên dưới, đám bùn lầy xô đập xung quanh như chỉ chực chờ nàng rớt xuống là ăn tươi nuốt sống.

“Trời! Nàng hãy bay lên đi!”

“Ờ ha!” Công chúa sực nhớ ra lợi thế tuyệt vời của mình bèn vỗ cánh bay vù lên.

“Nàng bay sang kia đi! Còn các em theo ta! Chúng ta sẽ men theo những khoảnh đất khô mà sang bờ bên, khoảng cách mỗi điểm có thể xa có thể gần, các em chú ý nhé. Và phải thật nhanh! Không biết điều gì đang chờ đợi chúng ta đâu. Cái đầm này vô cùng quỷ quyệt.” Hoàng tử cảnh báo rồi vẫy tay ra hiệu, chàng làm mẫu xông lên trước, sải bước thật nhanh, nhảy vọt qua hết tảng đất này đến tảng đất kia.

Những đôi chân bé nhỏ theo bước chàng, noi gương sự mạnh mẽ, năng động. Các em khỏe khoắn, dẻo dai và nhanh nhẹn như những chú bạch mã, nhưng vì quá nhanh nên không ai để ý nhiệt lượng dưới chân nơi các em đạp lên đang tỏa ra nóng rẫy.

Vào quãng giữa đầm, bé Phệ bỗng khựng lại chần chừ, hoang mang nhìn khoảng cách từ đây đến tảng đất mỏng gần nhất kia, em nghĩ mình không thể nhảy xa thế được. Em lại liếc xuống lòng đầm, có thứ gì đó động đậy ẩn dưới lớp bùn, nó làm cả khu đầm quặn lên đau đớn, một thứ khó có thể hình dung nhưng to lớn, ngập tràn bí hiểm và sự đe dọa. Em rụt lại vì sợ hãi. Thế rồi, việc ấy bắt đầu, nó đến một cách chầm chậm, từ từ nhưng chắc chắn, quyết liệt - như bắn một mũi tên là sẽ hủy diệt tất cả. Đất dưới chân em lung lay, lớp khô mủn ra, nhão dần... nhão dần... Bé Phệ la lên tuyệt vọng...

Hoàng tử biết có nguy hiểm, vì chàng cũng cảm nhận được lớp đất mình chạm đến đang chuyển động, chàng dùng hết sức gọi: “Công chúa! Cứu lấy bé Phệ! Còn mấy đứa chạy mau lên!”

Công chúa vẫn bay chậm rãi phía trên họ, nghe thấy vậy nàng liền vụt xuống quắp lấy bé Phệ đúng lúc tảng đất rã tan, hòa vào đám bùn sôi sục.

Những em khác dùng hết tốc lực chạy điên cuồng, những nền đất vừa chạm đến liền tơi ra, nhoét nhoẹt, vươn chạm tới lớp đất khô đằng trước và nó cũng lại tan chảy. Cứ thế, giống như một cuộc đua với tử thần, chậm một khắc thì sẽ phải ở lại vĩnh viễn, hóa thành một phần của đầm lầy.

Bờ bên hiện rõ kia rồi. Nhưng cái đầm có vẻ giận dữ. Nó chao đảo, vặn mình dữ dội như ai oán thét gào. Ba cậu bé gần như nhào hẳn thân mình đổ rạp về phía bờ. Công chúa nhấc hai em xa nhất mang vào bờ. Em Tũn chạy nhanh chỉ thua Hoàng tử, cũng chỉ còn một phần nghìn giây để cố gắng. Hoàng tử đã nhảy một chân lên bờ, chàng quay lại túm lấy em quẳng tới chỗ an toàn. Bản thân chàng cũng rút nhanh... nhưng một bên chân đã bị đám lầy nhầy bắt được... Nó xoắn lấy... Chàng hết sức bật lùi lại, chân giật thật mạnh. Chân chàng rụt khỏi chiếc ủng. Chất nhầy nhão nuốt ực lấy chiếc ủng, “soạp”, dường như nó đang ngấu nghiến và cắn xé. Chiếc ủng mất tăm chỉ trong chưa đầy ba giây. Gọn gàng.

Đầm lầy trở lại im lìm một vẻ ngụy tạo, xảo trá.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3