Ván bài lật ngửa - Phần V - Chương 10 phần 2

Đài phát nhật lệnh của Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tổng tư lệnh quân đội cách mạng kêu gọi các binh chủng, chấp hành chỉ thị của ông.

Những gì chi tiết nhất cũng chỉ đến mức độ đó: cách mạng, dân chúng, quốc gia, chống Cộng. Thế thôi. Đại úy tham mưu trưởng tặc lưỡi – anh ta khá nhạy bén về chính trị: Tào lao! Toàn đánh giặc mồm.

Ba giờ chiều, đài phát thanh truyền đi nhật lệnh của Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ: Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định trao quyền cho các sĩ quan bàn bạc lập Chính phủ mới… Sau đó, Đài phát thanh Quốc gia phát tiếng nói của Tổng thống:

- Tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã quyết định giải tán Chính phủ hiện thời… Tôi kêu gọi các tướng lãnh của quân đội Việt Nam Cộng hòa thành lập một Chính phủ lâm thời để có thể tiếp tục chiến đấu chống Cộng và bảo vệ xứ sở. Đồng thời tôi muốn phối hợp với Ủy ban cách mạng thành lập một Chính phủ liên hiệp để tránh đổ máu và trấn an dân chúng. Tôi ra lệnh hội đồng các tướng lãnh tìm tất cả phương pháp thích nghi để chấm dứt mọi cuộc tuyên truyền xuyên tạc và ngưng bắn.

Luân cười trong bụng: Lại một đường “lả lướt” gây mơ hồ và kéo dài thời gian. Chẳng lẽ Phan Quang Đán là trẻ con?

Năm giờ chiều, Hội đồng cách mạng tuyên bố: Sáng ngày 12 sẽ có cuộc biểu tình lớn ủng hộ cách mạng và chào mừng Chính phủ... Cá cắn câu! Chạy trốn đi là vừa, cái hội đồng cách mạng ngờ nghệch đó! Luân cố che đậy sự bực tức của mình. Phan Quang Đán quả trẻ con!

Tình hình tuy vậy vẫn chưa rõ ràng. Liên lạc với Phủ Tổng thống bằng điện thoại thì bị cắt. Liên lạc vô tuyến điện khi được khi không. Luân cố gắng nói chuyện với Ngô Đình Nhu nhưng thất bại: tạp âm lấn át. Bộ tổng tham mưu bỗng từ chối tiếp nhận điện của Luân. Nhà dây thép còn giữ đều đặn đường dây vô và hữu tuyến song cho hay không thể nối với Dinh Độc Lập được. Máy của sư đoàn 21 luôn bận, Luân biết sư đoàn vẫn “án binh bất động.”

Một đêm thấp thỏm nữa qua. Hi vọng của Luân lớn dần: tình thế có thể nhùng nhằng, đủ thời gian để các đồng chí khai thác thời cơ giành đất giành dân, nhất là phá Khu trù mật.

Trong suốt đêm đó, Luân sục sạo các Đài phát thanh Hà Nội, Bắc Kinh, Mátxcơva, Paris, Luân Đôn, Manila… Nói chung tin tức chưa có gì cụ thể. Đài Pháp, Mỹ kêu gọi kiều dân nước họ ở Sài Gòn đừng ra đường. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Helen Fanfani, đại sứ Mỹ Durbrow nói gọn: Đó là việc nội bộ của Nam Việt.

Luân cũng sốt ruột chờ đợi báo cáo về hoạt động nhảy vọt của “Việt Cộng” trong tỉnh. Tình hình lại im ắng.

Tám giờ, Dinh Độc Lập gọi Luân: Nhu yêu cầu Kiến Hòa huy động lực lượng về Sài Gòn cứu viện. Tiếng súng dồn dập nghe rõ trong máy. Giọng Nhu không còn điềm tĩnh như lần trước.

Tất nhiên, phải nguy cấp lắm Nhu mới gọi Bảo an cứu viện, nhất là Bảo an Bến Tre mà Nhu thừa biết cách bức đò giang, điều động lên tới Sài Gòn không thể nhanh được.

Chung Văn Hoa ngần ngừ:

- Lỡ Việt Cộng tràn vào tỉnh lị thì sao?

Luân làm ra vẻ kiên quyết:

- Tập hợp các đơn vị có mặt, sửa soạn xe cộ: tỉnh trưởng sẽ chỉ huy hành quân.

Chín giờ, đài phát thanh quân đội tường thuật thu thanh cuộc họp báo tại Bộ Tổng tham mưu của trung tá Vương, một trong những thành viên của Ủy ban cách mạng, trung tá Vương nhấn mạnh rằng không phải là một cuộc đảo chính. Lữ đoàn Dù và các binh chủng khác muốn “bày tỏ nguyện vọng với Tổng thống.” Sự xuống nước kì quặc của quân đảo chính được giải thích liền sau đó: Đài phát thanh quân đội đổi chủ, người xướng ngôn đọc lệnh của đại tướng Tỵ buộc binh lính lữ đoàn Dù, Biệt động quân trở về doanh trại sĩ quan trình diện tại Sở chỉ huy Biệt khu thủ đô. Từ giờ đó, đài đưa tin đều về bước tiến của sư đoàn 7 và 21 bộ binh. Mười một giờ, sư đoàn 21 chiếm vườn Tao Đàn, sư đoàn 7 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Mười sáu giờ, Dinh Độc Lập được giải tỏa. Mười bảy giờ, Tổng thống nói trên đài. Lời lẽ và giọng khác hoàn toàn… “Sau một ngày biến cố tại thủ đô, tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vì tha thiết đến sự bảo toàn lực lượng quân đội trong nước phải đương đầu với Cộng sản, nên đồng ý tìm một giải pháp dung hòa… Nhưng bọn phiến loạn đã luôn luôn xảo trá. Vì thế cho nên tôi ra lệnh cho quân đội tham gia thanh toán chúng và bọn đầu cơ chính trị đồng lõa… Bọn chúng sẽ bị pháp luật trừng trị xứng đáng…”

Mười tám giờ, đài Nam Vang đưa tin: Một máy bay quân sự của Nam Việt xin hạ cánh ở sân bay Pochenton – đi trên máy bay có mười tám người gồm một trung tướng, một đại tá, một trung tá, bốn thiếu tá, sáu đại úy, năm trung úy và một thiếu uý.

Lực lượng Bảo an Kiến Hòa chưa sang hết sông thì được lệnh quay về. Luân thất thểu như chính anh thua trận. “Đồ sọc dưa!” – Luân mắng thầm bọn đảo chính.

Luân lên Sài Gòn ngay chiều tối. Trước khi ngồi vào xe, anh được tin: hai Khu trù mật của Kiến Hòa “bị Việt Cộng san bằng”… “Khá” – Anh reo thầm.

Tại Sài Gòn, anh biết thêm: trận đánh kéo dài hai mươi tư tiếng đồng hồ, làm chết và bị thương lối một nghìn binh sĩ, vài trăm thường dân. Trong số binh sĩ chết có thiếu tá Soạn bị phe đảo chính và Trung tá Nguyễn Triệu Hồng bị lính phòng vệ bắn ngay trong giờ đầu. Đại tá Nguyễn Chánh Thi cùng toàn bộ Bộ tham mưu của ông ta chạy trốn bằng máy bay, mang theo Trung tướng Thái Quang Hoàng. Các nhân vật trong “Ủy ban cách mạng” như Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy sau khi không được sứ quán Mỹ và Pháp cho tị nạn chính trị, đã nộp mình. Không có tin gì về Đại úy Phan Lạc. Luân cũng biết một phần lớn Khu trù mật các tỉnh vỡ. Luân không ở Sài Gòn lâu. Sau khi vấn an Tổng thống, thăm vợ chồng Nhu – Nhu bận quá, không trao đổi nhiều với Luân – anh trở về nhiệm sở, giữa lúc Quốc hội họp khẩn để “ngỏ lòng trung thành với Tổng thống,” một cuộc mít tinh lớn tại ông trường Lam Sơn mừng các chiến sĩ hai sư đoàn giải vây thắng lợi, lễ ra mắt Ủy ban nhân dân chống đảo chính… Độc đáo nhất là trong hàng ngũ “tri ân Ngô Tổng thống” có cả lính Dù – bây giờ không còn vênh váo nữa.

“Lần này thì thoát. Nhưng đâu phải chỉ có lần này?” Luân ngẫm nghĩ về tình thế của anh em Ngô Đình Diệm.

“Khi mà những kẻ giải vây hôm nay thành kẻ bao vây, sự thể hiểm nghèo hơn nhiều…” Ý kiến đó đến với Luân khi anh gặp trong đoàn giải vây những Sĩ quan Trần Thiện Khiêm, Huỳnh Văn Cao, Tôn Thất Đính… Anh thừa hiểu nếu Nguyễn Chánh Thi dám dấn tới – tất nhiên với điều kiện sứ quán Mỹ đồng tình – Sư đoàn 7 và 21 cũng sẽ kéo về Sài Gòn, nhưng không phải để “cứu giá.” Sự chần chờ kéo dài hơn mười giờ đồng hồ và tốc độ hành quân của hai sư đoàn không phải “vì lí do kĩ thuật” như các sĩ quan phân bua. Có vẻ Nhu hiểu. Nhưng, chưa phải lúc “hỏi tội” hay tính sổ. Nhu đủ khôn ngoan trong xử sự và thời điểm rất mong manh này. – Diệm không gọi Sư đoàn 13! – Luân nghĩ đến Đại tá Phan Cao Tòng.

Trên xe, Luân thắc mắc trường hợp không tin tức của Đại úy Phan Lạc.

*

… Hai ngày sau, Luân nhận được một cú điện thoại: Một nhà báo tên Nam xin gặp anh – tỉnh trưởng – để phỏng vấn công cuộc bình định Kiến Hòa sau chính biến ngày 11-11. Luân dễ dàng nhận ra tiếng nói của nhà báo – đó là Phan Lạc.

Phan Lạc hóa trang thật khéo: đầu bạc, thêm râu mép và râu cằm. Người ta quen Phan Lạc qua bộ quân phục, bây giờ khó phát hiện anh trong bộ comlê màu sáng. Có lẽ cái lớn nhất giúp Phan Lạc lọt khỏi các tầng công an là anh gầy rạc, má nhô cao.

- Biết thế này là phiền cho anh, song tôi cùng đường rồi. Tôi muốn vượt bên giới. Nhờ anh giúp.

Luân suy tính khá lâu. Không, anh không một chút ngại đòn khiêu khích của kẻ thù – với chừng đó lần tiếp xúc, anh biết anh không lầm: Phan Lạc khờ khạo về chính trị, quá rõ, song không phải hạng cò mồi hạ cấp. Trên một nghĩa nào, Phan Lạc đã và đang là đồng minh của cách mạng. Luân suy tính cách giúp Phan Lạc tốt nhất – an toàn cho anh ta mà không lưu dấu vết nguy hiểm cho anh. Anh nhớ đến Lưu Khánh Nghĩa. Có thể chỉ huy phó Bảo an Tây Ninh đưa được Phan Lạc sang bên kia biên giới. Song, làm sao giới thiệu Lạc với Nghĩa? Hay tay sư trưởng sư 13? Không nên – phải giữ quan hệ với vợ chồng Phan Cao Tòng y như đã có. Quận trưởng Tuyên Nhơn, Trương Tấn Phụng? Chưa được.

Người mà Luân dừng lại lâu hơn hết là Nhu. Phải, chỉ có Nhu…

- Tôi cố gắng thử xem, sẽ báo với anh khi có kết quả… Tôi im lặng, tức là kế hoạch không thành, anh liệu mà xoay… - Luân bảo.

- Cám ơn anh nhiều – Phan Lạc bắt tay Luân thật chặt – Nói điều ơn nghĩa với con người như anh là khiếm nhã. Song, tôi vẫn hi vọng có ngày đền đáp. Tất nhiên, không đền đáp trực tiếp với anh – hiểu như vậy chật hẹp quá. Tôi thua một keo, thua đau. Tôi sẽ nhớ đời: chọn bạn mà chơi! Những kẻ mà tôi tin cậy không có cái gì để được tin cậy cả: thế lực, đầu óc, tâm hồn… Tôi có sáu xe tăng, mười hai khẩu pháo, hai ngàn đạn, thế mà… Đúng như anh nói, vấn đề là làm sao cho những thứ đó cục cựa. Cái Bộ tổng tư lệnh đảo chính là nồi tả pín lù. Vương nhiều toan tính quá. Thi đần độn quá. Chúng tôi thua vì không dám tiến công ráo riết ngay, đập rắn phải đập đầu!

Phan Lạc tuôn một thôi nỗi ấm ức. Luân khoác vai anh, giọng thân tình:

- Nếu cần rút kinh nghiệm, anh nên xốc vấn đề tận nền móng của nó. CIA và Phòng nhì chủ mưu, họ đã xác định lằn mức trước khi bấm nút cho các anh nhảy múa. Đó là liên minh với ma quỷ. Các anh lại phó thác mặt chính trị cho hạng hoạt đầu, bẻm mép, hèn nhát. Các anh sợ dân chúng…

Phan Lạc gật đầu:

- Anh tin đi, tôi sẽ làm lại!

Dù biết Phan Lạc đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, Luân vẫn mời anh ta ăn nhẹ với anh – hẳn là viên đại úy đói lắm.

Trong lúc ăn, Phan Lạc thuật cho Luân nghe chi tiết về cuộc đảo chính. Như vậy, Phan Lạc nuôi ý nghĩ đảo chính từ lâu, đã dám in và rải truyền đơn kêu gọi lật đổ Diệm, đã từ chối chức tỉnh truởng Bình Dương do Diệm gợi… Nhưng, anh ta chỉ nghĩ đến việc nổ súng. Sự hợp tác của anh ta với Nguyễn Chánh Thi hoàn toàn ngẫu nhiên và do đó, anh ta bị Vương và Thi xoay. Chính vào lúc gay go, anh đi gặp Mac Garr tại nhà riêng, đường Trần Quý Cáp. Mac Garr cười ruồi: Chuyện nội bộ các ông!

- Dẫu sao, ông Diệm cũng núng thế! – Phan Lạc bảo – Ông ta phải bịa chuyện “Sở dĩ lính dù, lính Biệt động kéo về Dinh Độc Lập là vì bị gạt: họ ngỡ đi cứu Diệm!” Ông ta cắn răng để xoa dịu. Ai đời hôm quốc khánh, chính Nguyễn Chánh Thi dẫn đầu các sắc lính trong cuộc diễu binh và nửa tháng sau, nện lại Diệm đau điếng… Còn nữa!

Từ giã Luân, Phan Lạc nói thêm:

- Lẽ ra tôi không cần thưa với anh, song tôi nghĩ cũng không vô ích: Tôi không hề hé răng với ai về mối quan hệ của anh.

Luân cười thoải mái:

- Tùy anh! Tôi sẵn sàng chấp nhận như đã chấp nhận ván bài không có lá nào giấu mặt…

… Luân gặp Nhu đúng hôm Chính phủ Cambốt trả cho Sài Gòn chiếc máy bay mà các người chỉ huy cuộc đảo chính sử dụng để trốn sang Nam Vang. Trung tướng Thái Quang Hoàng cùng về với chiếc máy bay đó.

Nhu tỏ ra cao tay ấn: Anh ta tuyên bố với báo chí là Thái Quang Hoàng bị bắt cóc làm con tin. Hoàng chỉ phải làm một tờ tường trình, trong đó nói hoàn cảnh bị bắt cóc, những việc đã xảy ra ở Nam Vang. Và Hoàng được tự do.

- Anh nhìn vụ chính biến rất bao quát… - Luân nói sau khi nghe Nhu thông báo về thái độ đối với những người liên can: tha thứ cho quân nhân cấp giữa và dưới, tống giam số chính khách, ổn định tinh thần binh sĩ, cải tổ một số mặt trong bộ máy nhà nước – Vấn đề là không cho đẻ số. Đại úy Phan Lạc gặp tôi…

- Ái chà! Thằng đó gan dữ… Nó đâu rồi?

Nhu tròn xoe mắt.

- Anh định làm gì anh ta? – Luân hỏi, giọng vui.

- Không lẽ tôi mời nó uống sâm banh?

- Tất nhiên! Không nên mời anh ta uống sâm banh hay bất kì thứ rượu nào, nhưng cũng không cần thiết làm anh ta phát sợ. Anh hiểu xu hướng chính trị của Đại úy Phan lạc không?

- Không rõ lắm!

- Anh ta khác ông Thi, ông Đán… Anh có cần một thế cân bằng nào đó trong các lực lượng chống Việt Nam Cộng hòa không?

- Nếu vậy, anh quên là ta có Mai Hữu Xuân, tướng André và nhiều người khác…

- Không! Anh ta không ưa Pháp, không thích Mỹ. Anh ta ít nhiều mang ý thức Quốc gia… Gieo một chút ân tình, chỉ có lợi thôi…

Nhu rít thuốc liên hồi – triệu chứng của sự chấp nhận.

- Nó muốn gì?

- Tôi đảm bảo với anh ta: anh sẽ cho anh ta rời Việt Nam một cách yên ổn…

- Được! – Nhu dứt khoát – Anh nhắn nó: Tôi tha nó lần chót! Nó cứ đến đồn biên phòng nào tiện cho nó. Tôi sẽ điện…

- Tôi thành thật chúc mừng anh! - Luân bảo Nhu – Anh biết bắt kịp nhịp độ của các diễn tiến. Anh đã dám bỏ qua một Thái Quang Hoàng, “quốc trưởng” của nhóm đảo chính. Anh ra lệnh không được khám xét nhà các sĩ quan làm phản, không được đụng vợ con họ. Tôi góp thêm ý với anh: số chính khách cũng kẻ này người khác, nên phân biệt. Đừng cho dư luận thế giới nhìn ta như nhìn những kẻ trả thù. Nói cho cùng, ta đối phó với Kennedy là chính… Nghe đâu Durbrow sẽ hưu trí, Frederick Nolting thay…

Nhu thở dài thườn thượt:

- Tôi biết tự kiềm chế…Song, anh Tổng thống! Mong anh vì lợi ích chung, nói thêm. Tổng thống định xóa sổ lữ đoàn Dù. Tôi can mãi. Nếu xóa sổ lữ đoàn Dù thì cũng phải xóa sổ Biệt động quân, Thủy quân và ngay chính Liên minh phòng vệ!

*

Gặp mặt giữa Dương Tái Hưng – Lâm Sử - Tào Côn.

TÀO CÔN: Tưởng Tổng thống rất lo ngại… Người đích thân gọi điện chất vấn Tổng thống Eisenhower và ông Allen Dulles. Người được đảm bảo là Chính phủ Mỹ cũng bị bất ngờ…

LÂM SỬ: Chu Tổng lí theo dõi rất chặt tình hình vừa rồi. Ngay Mao Chủ tịch cũng hỏi han sự an nguy của ông Diệm. Người dạy: Ngô Đình Diệm tốt! Trung Quốc cần Ngô Đình Diệm…

DƯƠNG TÁI HƯNG: Các ông chưa làm nghề dạy thú! Cho liều nha phiến rất cần, nhưng cũng cần cây roi điện…

LÂM SỬ: Việt Cộng nhân cơ hội này sẽ mạnh hơn… Xáo trộn chỉ có lợi cho Việt Cộng…

DƯƠNG TÁI HƯNG: Chúng tôi thuần hóa được Diệm. Các ông không làm tròn mọi cam kết…

LÂM SỬ: Tiên sinh quên rằng Việt Cộng còn một đồng minh nữa là Nga Xô!

DƯƠNG TÁI HƯNG: Nga Xô ở xa…

LÂM SỬ: Chúng tôi làm tất cả những gì có thể làm được!

DƯƠNG TÁI HƯNG: Trừ việc thuần hóa Việt Cộng! Nghị quyết 15 là dấu hiệu Cộng sản Việt Nam thoát khỏi lằn ảnh hưởng các ông. Tại sao không “trường kì mai phục, súc tích lực lượng, chờ đợi thời cơ?” Hoặc, tại sao không thúc đẩy phiêu lưu như ở Nam Dương, chiến đấu tuyệt vọng như ở Mã Lai, thoi thóp như ở Phi Luật Tân, chao đảo như ở Thái Lan, biến thành thổ phỉ như ở Miến Điện? Tại sao không đẻ ra được một Đảng gọi là “Mác – Lênin chân chính” như ở nhiều nơi?

LÂM SỬ: Hoàn cảnh Việt Nam khác!

DƯƠNG TÁI HƯNG: Biến đổi hoàn cảnh! Nếu Trung Hoa lục địa muốn cải thiện giao hảo với nước Mỹ…

TÀO CÔN: Tôi nghĩ là Ngài Dương Tái Hưng quả là cao kiến!

DƯƠNG TÁI HƯNG: Còn gã Nguyễn Thành Luân?

LÂM SỬ: Tôi nghĩ là Ly Kai đã báo rõ với Ngài.

DƯƠNG TÁI HƯNG: Nó đang là trung tá tỉnh trưởng. Nó sẽ là đại tá, thiếu tướng tư lệnh quân khu, bộ trưởng và không loại trừ nó là Tổng thống!

LÂM SỬ: Hạn chế con đường thăng quan tiến chức của gã là việc của Ngài!

DƯƠNG TÁI HƯNG: Không phải trong chúng tôi ai cũng giống nhau về cách nhìn gã. William Porter đồng ý với tôi. Nhưng Durbrow, Fishel, Mac Garr và cả Allen Dulles đòi tôi trưng bằng chứng gã đang là người của Việt Cộng… Tôi không có!

LÂM SỬ: Tôi sẽ cố gắng.

*

Báo cáo tuyệt mật của Durbrow gửi Tổng thống Eisenhower, đồng gửi Tổng thống kế nhiệm J.F.Kennedy (thứ bổn gửi Ngài Allen Dulles).

Trong những ngày sắp tới, tôi sẽ giã từ chức vụ mà tôi đảm đương suốt mấy năm qua ở phần đất rất khó hiểu này. Nói chung, với công vụ của một đại sứ, tôi đã cố gắng và những gì tôi để lại hi vọng sẽ không phải là gánh nặng đối với người thay thế tôi, cũng như tôi thừa hưởng tành tựu đáng ngợi khen của Ngài đại sứ tiền nhiệm Frederick Rheinardt.

Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kì, tôi đứng trước vô số tình thế phải xử trí. Sự êm đềm trong quan hệ giữa chúng ta và Tổng thống Ngô Đình Diệm không còn nữa. Cuộc chính biến 11-11, - người phụ tá của tôi là Williams Porter, đại diện của CIA là Fishel đã báo cáo tỉ mỉ sự cố từng ngày với Tổng thống. Ở đây, tôi muốn lùi xa khỏi các tác động thời sự để có một cái nhìn chiến lược – cuộc diễn biến đó mở bước ngoặt mới, chẳng những trong chính sách của chúng ta với đồng minh mà còn xuất phát từ những mục tiêu của nước Mỹ chọn lựa, tạm gọi là những mục tiêu châu Á, vào thập niên 1960. Chúng ta chọn lựa Nam Việt và không chọn lựa phương pháp để có mặt ở Nam Việt – chấp nhận tất cả phương pháp miễn đảm bảo mục tiêu. Chính sách đó không hề phiêu lưu, bởi, mười năm sau ngày thành lập, nuớc Trung Hoa đồ sộ của ông Mao Trạch Đông đã như một đứa trẻ bắt đầu tuổi trưởng thành, thấy rằng tính hăng máu thường phải trả giá, có nhiều dấu hiệu muốn sống hòa thuận với phương Tây – tất nhiên còn do những rạn nứt từ đại hội 20 của Đảng Cộng sản Xô Viết thúc đẩy nữa.

Có thể nói rằng, chúng ta tiến chậm, song vững chắc trên con đường từng bước vô hiệu hóa Trung Cộng trong vai trò đỡ đầu cố hữu của nó đối với các phong trào dân tộc và Cộng sản ở Đông Nam Á, điều kiện để lôi cuốn nó cuối cùng cũng thành đồng minh của chúng ta. Tôi nghiên cứu rất kĩ ý kiến của Tiến sĩ Henry Kissinger trong Foreign Affairs(5) và tán thành “chính sách Trung Cộng” của ông. Nhưng tôi cảm giác tiến sĩ Kissinger đánh giá chưa thỏa đáng phần bất lực của Trung Cộng đối với khu vực, đặc biệt đối với Việt Nam sau khi phe Cộng sản xuất hiện bất đồng quan điểm.

(5) Những vấn đề đối ngoại

Cùng sống với họ một số năm, tôi khám phá ra tình cảm chống Trung Quốc mang tính truyền thống lịch sử của một số đông người Việt Nam và tôi tin đó là tính truyền thống quốc gia. Cũng dễ hiểu thôi, nếu người Pháp đô hộ Việt Nam non thế kỉ thì người Trung Quốc đã làm việc đó đến những mười thế kỉ. Khác Hoa kiều ở Thái Lan, Mã Lai, Indonésia một động lực chính trị - Hoa kiều ở Việt Nam giữ vai trò lưu mờ, nếu không nói một bộ phận thành đối tượng đả kích của nhân dân địa phương.

Sở dĩ tôi dừng lại lâu trong phân tích này là vì tôi nghĩ bên cạnh “chính sách Trung Cộng,” Tổng thống còn có “chính sách Việt Nam.” Có hay không có người Trung Quốc sát cánh, người Việt Nam vẫn hành động – quá khứ từng chứng minh Việt Nam của Hồ Chí Minh giành độc lập dân tộc trước khi Mao Trạch Đông vào Bắc Kinh. Trong khi thừa nhận vai trò kềm chế của Trung Cộng vẫn còn chừng nào đó tại phần đất này, tôi không tuyệt đối hóa vai trò đó.

Nước Mỹ sẽ tồn tại ở Nam Việt. Quyết tâm này ít nhất cũng đụng chạm đến hai lĩnh vực: chúng ta có thái độ như thế nào với Bắc Việt và chúng ta có thái độ như thế nào với chính quyền chống Cộng ở Nam Việt – hiện nay, với chính quyền của Tổng thống Diệm? Về lĩnh vực thứ nhất, chúng ta dám chấp nhận “một Triều Tiên lập lại” không? Chắc chắn sẽ không có việc chúng ta và người Trung Quốc đánh nhau phía trên vĩ tuyến 17, nhưng tình thế không vì vậy mà cho phép chúng ta thiếu cân nhắc. Tôi nghiên về quan điểm: tất cả đều có thể, miễn chúng ta sẵn sàng. Lĩnh vực thứ hai không kém phức tạp. Ông Ngô Đình Diệm ngày càng tỏ ra không phải một Bảo Đại khi người Pháp còn thống trị ở đây. Ông ta thân Mỹ và chống Cộng – chính xác như vậy – song ông ta đòi hỏi sự thân Mỹ ở mức đồng minh và theo đuổi phương pháp chống Cộng của chính ông ta. Tôi có trong tay vô số bằng chứng về những điều ông Diệm không thích chúng ta. Những cái đó không đứng yên. Chúng sẽ phát triển và tôi xác tín rằng sớm muộn gì chúng ta và ông ấy cũng phải chia tay. Vấn đề là chúng ta đừng để cảnh chia tay bi đát. Sau cú đảo chính vừa rồi, ông Diệm thậm chí không gọi đại sứ Mỹ đến để chất vấn. Ông chấp nhận sẽ sống giữa các mưu toan xóa bỏ ông. Hiển nhiên, ông ta không can tâm “tử vì đạo.” Ông biết chỗ yếu của chúng ta – nỗi lo sợ ông ta và Vệt Cộng liền lưng. Triển vọng lạ lùng đó, tiếc thay, mỗi lúc mỗi thêm các yếu tố hiện thực.

Cư xử với ông Diệm tức là cư xử với cả Nam Việt (mà tỉ trọng Việt Cộng không nhỏ) và cư xử với Nam Việt là cư xử với cả nước Việt Nam.

Tôi xin phép đặt chỗ đứng như vậy để vị Tổng thống nhiệm kì tới của nước Mỹ và Ngài đại sứ thay thế tôi tham khảo.

*

Một sự cố tuy nhỏ song khiến đồn công an biên giới Mộc Bài nằm trên quốc lộ số 1, bên kia là Bavet của Cambốt phải bàng hoàng. Họ được lệnh từ Phủ Tổng thống: có một xe Jeep chở một sĩ quan cấp đại úy sẽ đến kiểm tra công việc biên giới. Đúng ngày nhưng chệch giờ, xe đến sớm – xe jeep đỗ cách cổng chắn lối mười thước, một đại úy xuống xe. Ông ta không có giấy tờ gì. Trung úy đồn trưởng tiếp ông ta. Ông ta hỏi đôi câu. Xong từ giã đồn trưởng, bảo là quay xe về Gò Dầu. Khi ông ta lên xe – và trung úy đồn trưởng vào đồn – thì xe chợt vọt nhanh, đâm gãy cổng chắn, lao sang Cambốt. Lính gác mãi sau mới tỉnh hồn. Bấy giờ, xe đã tiến sâu vào Cambốt, không ai dám bắn theo…

Có người nhìn được mặt viên sĩ quan: Đại úy Phan Lạc, chỉ huy phó Biệt động quân, người dự vào chính biến 11-11.

*

Cái phải đến, đã đến.

AFP – (bài của Georges Made) Phnôm Pênh. Một đài phát morse mang tên LPA(6) tồn tại từ đầu năm 1960 ở một vùng nào đó của Nam Việt vừa công bố bản cương lĩnh chính trị và tuyên ngôn hành động của tổ chức mới chống chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm và đồng minh Hoa Kỳ của ông. Tên của tổ chức là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tập hợp các đoàn thể như đảng Nhân dân Cách mạng, đảng Xã hội cấp tiến, Đảng Dân chủ, Hội lao động, phụ nữ, nông dân, thanh niên, nhà báo, văn nghệ, người Miên, phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên, những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Cao Đài, Hòa Hảo, những cá nhân tư sản, trí thức, sĩ quan… Danh sách của Ủy ban Trung ương chưa được LPA giới thiệu đầy đủ, nhưng người ta biết có bác sĩ Phùng Văn Cung, một trí thức vừa rời thành phố vào mật khu, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, ông Trần Bửu Kiếm, ông Y Bih Aléo, một nhà sư người Miên nổi tiếng, ông Sơn Vọng, giáo chủ một giáo phái Cao Đài, ông Ngọc đầu sư Ngợi, nhà soạn kịch lớn của Nam Việt, ông Trần Hữu Trang và nhiều người khác.

(6) Thông tấn xã giải phóng (Liberation Press Agency)

Như vậy, kể từ ngày 20-12, Chính phủ Nam Việt phải đối phó với một kẻ thù có tổ chức, có cương lĩnh, có nhân sự, kẻ thù nguy hiểm nhất mà họ chưa từng gặp từ khi ông Diệm cầm quyền. Văn kiện của Mặt trận không nói gì đến lực lượng quân đội song giới ngoại giao ở thủ đô Cambốt cho rằng chính lực lượng quân đội ANL(7) còn ra đời trước cả Mặt trận và là cơ sở đảm bảo cho sự hoạt động của mặt trận.

(7) Armée Nationable de Libération (Quân giải phóng)

Với kinh nghiệm thuần thục, không bao lâu nữa, Mặt trận sẽ triển khai khắp Nam Việt. Mặt trận có nhiều vùng đất đông dân, họ thật sự là một quốc gia trong một quốc gia.

Rồi đây, các Chính phủ Cộng sản kể cả Trung Cộng sẽ giúp cho mặt trận tự giới thiệu với dư luận quốc tế. Điều đáng nói là sẽ không ít Chính phủ không Cộng sản thuộc thế giới thứ ba giành cho Mặt trận cảm tình. Mặt trận cũng sẽ giành được cảm tình kín đáo của một số nước dân chủ có vai vế - tỉ như nước Pháp. Trên tất cả mọi cái, việc Mặt trận ra đời có nghĩa là Chính phủ của ông Diệm và người Mỹ thất bại lớn về đối ngoại. Sau bao năm chính quyền Sài Gòn tố Cộng, ngày nay, một tổ chức đối nghịch – không ai nghi ngờ về vai trò của những người Cộng sản Nam Việt trong Mặt trận – lù lù xuất hiện, công nhiên thách thức cả sinh mạng của chế độ được người Mỹ ủng hộ. Và, thời điểm Mặt trận xuất hiện trên vũ đài là lúc nội bộ chế độ Sài Gòn rối ren hơn bao giờ hết.

Mặt trận chủ trương thành lập một Chính phủ liên hiệp rộng rãi, đưa Nam Việt phát triển theo chính sách không liên kết và trung lập, đặt quan hệ tốt với các nước dù thuộc chế độ chính trị nào, giải quyết vấn đề thống nhất cả nước Việt Nam qua thương lượng bình đẳng, quan tâm đến tự do kinh doanh của các tầng lớp, thỏa mãn yêu cầu ruộng đất của nông dân và cam kết một nền dân chủ rộng rãi, tuyệt đối cấm đoán chèn ép tôn giáo… Thật hấp hẫn!

Không một người Việt nào ở Nam Việt không tìm thấy mình trong cương lĩnh đó.

Người ta không chờ đợi phản ứng của ông Diệm và nước Mỹ - phản ứng tiêu cực thôi. Song người ta chờ đợi chế độ Sài Gòn chiến đấu trong tư thế rút lui. Dĩ nhiên, chế độ Sài Gòn dựa vào nước Mỹ. Nhưng nếu những người cách mạng ở Nam Việt quyết định ra công khai chống chế độ Sài Gòn, họ đã tin là họ sẽ thắng người Mỹ - dù hình thức cuộc tranh chấp thay đổi như thế nào…

Nước Pháp vốn có quan hệ cố hữu với ba nước trên bán đảo Đông Dương, nên chọn chỗ đứng nào? Tướng De Gaulle từng hô hào cho một “nước Pháp vĩ đại,” đang là bạn thân của Thái tử Sihanouk và Hoàng thân Phouma, tại sao không làm nốt công việc còn lại ở Việt nam? Nhiều triệu chứng cho thấy FNL(8) muốn chứng tỏ mình đã quên quá khứ không vui với nước Pháp, miễn là Pháp biết chìa tay – chứ không phải các pháo hạm và các viên đô đốc vào thế kỉ XIX hay xe tăng của tướng Leclerc vào giữa thế kỉ XX. Không ai ngăn cản Trung Cộng bành trướng xuống phía Nam có hiệu lực bằng Cộng sản Việt Nam!

(8) Front National de Libération: Mặt trận Giải phóng Dân tộc