Một kiếp lênh đênh - Chương 01 - Phần 2

Gần một năm sau, má sanh em trai. Tôi bận bịu lo giúp má giặt giũ, không còn có thời gian chạy sang ngoại chơi thường xuyên nữa. Cái tiệm của má cũng đóng cửa luôn. Nguồn thu nhập sút đi trông thấy. Còn dượng tôi, ổng bắt đầu chán nản, cáu gắt. Công việc chích thuốc ổng không còn say sưa như trước nữa. Ổng sinh tật uống rượu rồi la lối om sòm. Ổng chửi má tôi không tiếc lời. Một hôm đi học về, tôi giật mình nghe tiếng ổng:

- Mày chỉ có nước báo hại, cả con Liên nữa, tao hết chịu nổi với má con mày rồi!

Ổng xông vào đánh má làm em bé sợ khóc thét lên. Tôi bàng hoàng cả người.

Thế là hết. Ngày trước có bao giờ ổng xưng hô kỳ cục vậy đâu. Tự dưng tôi lại thấy thương má quá chừng. Tôi nói một mình trong nước mắt: “Má ơi! Phải chi còn ba, phải chi má đừng lấy ổng...”.

Tôi liếc nhìn dượng thấy mặt ổng hằm hằm, đôi mắt đỏ vằn trông dữ tợn; còn cặp môi đang mím lại, tím bầm, thiệt khác với vẻ phong nhã, hiền từ khi ổng mới làm quen với má tôi.

Tối hôm đó tôi học bài hết nổi. Một không khí nặng nề bao quanh tôi. Tôi cố đọc thì những dòng chữ cứ nhảy múa trước mắt như người chọc tức vậy. Sớm hôm sau ra nhà ngoại, tôi kể lại cho bà ngoại nghe đầu đuôi câu chuyện. Ngoại tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ lau nước mắt. Ngoại biểu tôi xin má ra ở với ngoại cho đỡ phiền. Tôi về nói với má, má can:

- Bà ngoại thương con thiệt nhưng ngoại không hiểu hết gia cảnh nhà mình. Dượng chỉ nóng vậy thôi chớ không sao đâu. Con ráng giúp má coi em, má bán tiệm lại có tiền, con không phải nghỉ học đâu, đừng lo. Con mà ra ngoại ở má buồn hết muốn làm gì, tội nghiệp em con...

Nghe má nói “tội nghiệp”, tôi xúc động quá, dẹp luôn ý định của mình. Vài bữa sau má mở tiệm bán hàng. Tôi đi học về vừa coi em vừa nấu cơm, còn bị dượng quát mắng hoài. Cơm tôi nấu thường bị dượng chê lên chê xuống. Tôi ấm ức trong lòng mà chẳng dám nói ra. Nếu không thương má thương em thì tôi chẳng ở cái nhà này một phút nào nữa. Tôi càng lầm lì, không muốn cả ăn nữa. Má tôi an ủi:

- Con gái phải tập làm ăn, dượng có thương dượng mới dạy bảo cặn kẽ vậy, có chi mà con buồn?

- Khi nào má cũng nói thương với chẳng thương. Ổng mà thương gì con, khi không la lối om sòm làm con mắc cỡ với bạn bè lối xóm hoài à.

Tôi vẫn phải sống trong sự căng thẳng của gia đình, vì má, vì em. Dượng tôi ngày càng rượu chè, không còn thiết gì đến công việc gia đình nữa. Chuyện cãi vã giữa ông và má xảy ra dài dài. Đối với tôi, ổng xét nét từng chút, từng chút. Hàng ngày đi học về, tôi túi bụi với công việc, mãi tới khuya mới được ngồi vào bàn học, mệt và buồn ngủ muốn chết luôn. Tôi chán nản thật sự và càng ngày càng cảm thấy bơ vơ trong căn nhà của má. “Trước sau gì cũng phải nghỉ học”. Tôi nghĩ vậy nên quyết định xin má cho đi học trường nội trú:

- Má cho con vô trường nội trú con học nghe má! Con ở nhà cũng không học được mà phiền cho má nhiều quá. Khi nào con hổng thích, con lại về với má và em.

Lần này má tôi hết từ chối nổi bởi không còn cách nào khác. Sớm hôm sau, má sửa soạn đồ và sách vở cho tôi rồi nhờ cậu út dẫn tôi tới cô nhi viện Thủ Đức.

Cậu út dừng xe trước một cái cổng sắt thiệt lớn và biểu tôi:

- Tới nơi rồi nè, Liên đứng đó chờ cậu chút nghe!

Tôi nhìn theo cậu út vô trong cổng, hồi hộp chờ đợi những gì sẽ xảy ra bên trong cái cổng sắt đáng sợ kia...

Một hồi thấy cậu út ra với một người đàn bà mặc bộ đồ đen dài tới gót chân. Không biết cậu út đã nói những gì với bà ta mà bả rất tươi cười, tiến lại nắm lấy tay tôi:

- Vô đây cô bé, vô xơ cho ăn bánh. Ở đây vui lắm nghe!

Cậu út vuốt tóc tôi nói thiệt buồn:

- Thôi, Liên ở đây với xơ nghe! Ráng học và nghe lời xơ dạy bảo, tháng tháng cậu và má sẽ lên thăm.

Tôi nhìn theo cậu rơm rớm nước mắt, chỉ muốn rút tay khỏi tay xơ để chạy về theo cậu, nhưng bộ đồ đen lừng lững và tượng thập giá uy nghiêm mang trên người xơ làm cho tôi đâm sợ và ngoan ngoãn đi theo bà.

Lần đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống tập thể, tôi ngỡ ngàng nhìn từng thứ một trong căn phòng bà xơ vừa dẫn tới.

- Đó, giường của con đó!

Xơ vừa nói vừa chỉ chiếc giường cá nhân kê gần góc nhà. Tài sản của cô nhi là một chiếc giường. Đầu giường có một ngăn tủ nhỏ đựng quần áo. Dưới gầm giường, một chiếc thau nhỏ xinh xinh để rửa mặt. Một chiếu, một mùng, mền cá nhân.

Thấy tôi cứ tần ngần ngắm bằng ấy thứ, xơ dịu dàng biểu:

- Bấy nhiêu đó là của con. Từ nay con sẽ ở đây với các bạn, có các xơ nâng đỡ. Còn chuyện ăn uống, học hành đã có quy định sẵn, con cứ theo chị em mà làm.

Đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Tôi nhớ nhà và lo lắng cho thân phận của mình sắp tới. Liệu rồi có chịu đựng nổi cuộc sống ở đây không? Nhớ má, nhớ em, nhớ ngoại và cậu út quá chừng. Tôi khóc tức tưởi một mình, rồi mệt quá, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tới khi nghe tiếng kêu:

- Liên dậy đi! Lẹ lên còn đi nhà thờ xem lễ chớ!

Tôi choàng dậy thấy mọi người đã gọn gàng hết cả.

Mấy chị lớn tuổi giúp tôi gập mùng mền, múc nước hối tôi rửa mặt, chải đầu đặng còn đi cho kịp chị em. Tôi được cưng chiều như một đứa em út nên rất cảm động và làm theo lời các chị không chút ngần ngại.

Buổi sáng đầu tiên đi nhà thờ, xơ dẫn chúng tôi sắp hàng riêng một bên, còn một bên dành cho các nhi nam. Các chị cho biết đó là quy định của nhà thờ. Hát lễ cũng phải quy định như thế để tránh sự quan hệ tình cảm giữa nam và nữ, nhất là các chị lớn tuổi hơn chúng tôi. Các xơ cho đó là sự vi phạm đạo đức, làm mất tính tôn nghiêm của đạo giáo. Nhưng sự cấm đó đâu có ăn thua gì với mấy anh mấy chị, như chị Mỹ Thiện, chị Tư, chị Nhuần, chị Ngọc Anh... Các chị lớn hơn tôi sáu, bảy tuổi, thường đi học ở trường ngoài, có xe đưa đón. Mấy chị này đã có bạn nam là các anh học ở cùng trường. Họ lén lút yêu nhau qua những cái nhìn tình tứ, những dòng chữ viết vội vàng trong những giờ sinh hoạt văn nghệ chung. Rủi có bị các xơ bắt được thì bị phạt, bị đòn, rồi lại đâu vào đấy cả.

Tôi rất mê coi tiểu thuyết, đó là một thú vui của tôi trong những ngày tháng ở cô nhi viện này. Mỗi lúc vui buồn, mỗi khi nhớ nhà, nhớ má... tôi lại kiếm tiểu thuyết để coi, tìm quên trong những trang, những dòng mê li chìm đắm mộng mị yêu đương... mà các nhà văn đua nhau thi thố ngòi bút của mình, hoặc sa đà theo bước chân của những chàng hiệp sĩ được miêu tả như những thần tượng của tuổi hiếu kỳ như tôi. Thú thiệt, tôi coi nhiều, vì tìm quên, vì tò mò, vì mê đắm, và nhiều cái vì khác nữa. Rồi tiểu thuyết ngấm vào trong tôi như một mãnh lực quyến rũ, khiến tôi không thể thiếu nó trong cuộc sống hàng ngày. Mấy chị lớn tuổi rất chăm mua tiểu thuyết về coi lén làm cho bọn tôi phát thèm. Trước đó, mấy chị được các xơ xếp cho ở riêng một phòng, nhưng xơ khám thấy tiểu thuyết và thư tình nên các chị đã bị dồn vào ở chung với chúng tôi. Chị Mỹ Thiện đã được xếp ngủ chung giường với tôi, trưa nào tôi cũng thấy chị coi tiểu thuyết. Rồi chị cho tôi coi chung, có khi tôi lấy cắp của chị để coi. Chị Thiện rất cưng tôi, chị thường biểu:

- Nhiều người nói chị và em giống nhau, chị cũng thích cho em y hệt chị, để bọn nhi nam nó tưởng mình là chị em ruột.

Chị Thiện không còn ba, nhưng nhà chị rất khá giả.

Má chị có cửa hiệu lớn, với lại tiền của ba chị để lại cũng nhiều. Chị có những bộ đồ sang trọng. Chị lại biết sửa sang từ cách ăn mặc, cột tóc... ở chung với chị, lâu dần tôi cũng học đòi theo cách sống của chị và hai chị em tôi rất hợp nhau. Chị cho tôi coi đủ các loại tiểu thuyết: tình cảm, trinh thám, kiếm hiệp... dạy tôi cả những bản nhạc tình, rồi cho tôi coi cả những bức thư tình của chị...

Đặc biệt, tôi và chị được các xơ rất thương, thường cho ăn bánh kẹo mỗi khi xơ đi đâu về. Chị Thiện được xơ bênh ra mặt, đi đâu xơ cũng cho chị đi theo. Tối tối hai chị em tha hồ chơi khuya mà không bị xơ la rầy như những người khác. Tôi rất ngạc nhiên về sự đặc biệt đó, nhưng chị Thiện hiểu hơn, chị biểu:

- Em biết không, em là một cô bé dễ thương, lại có má và cậu lên thăm tặng quà bánh cho xơ hoài. Chị cũng vậy, má chị lần nào tới thăm chẳng có quà trao tận tay xơ. Vì thế chị em mình mới được xơ thương vậy chớ em thấy mấy đứa mồ côi đó, sao chúng bị xơ la hoài à!

Nghe chị Thiện nói tôi mới hiểu, thì ra ở đây những con người mang danh là thay Chúa dạy dỗ, chăm chút những con người bất hạnh, những trẻ mồ côi là như thế đó. Tôi ghê ghê nghĩ rằng, nếu một ngày nào đó, tôi bị má và cậu bỏ luôn, chắc số phận tôi cũng không hơn gì mấy đứa trẻ bạc phước kia đâu.

Chúng tôi học gia chánh, văn nghệ và học chữ do các bà dòng áo đen ở tu viện Chợ Quán dạy. Hàng ngày, việc ăn uống sinh hoạt, lao động do các xơ quy định. Các tổ chia nhau làm vệ sinh. Thức ăn từng bữa chia theo khẩu phần định sẵn. Riêng những đứa trẻ mồ côi và xấu xí thì phải lao động nhiều hơn và không được đi học ở trường ngoài.

Mỗi ngày chúng tôi phải đọc kinh tới năm lần. Sáng ngủ dậy: đọc kinh. Sau bữa ăn sáng: đọc kinh. Trước và sau bữa ăn trưa: đọc kinh. Tối trước khi đi ngủ: đọc kinh.

Lúc nào cũng “cầu Chúa”, “cám ơn Chúa”... Tôi ngán đọc kinh vô cùng. Cũng như Ngọc Tuyền, đứa bạn ở gần nhà với tôi. Hai đứa tôi đã bàn nhau trốn cô nhi viện để khỏi phải đọc kinh. Tôi bạo gan biểu Tuyền:

- Trốn về nhà mày nghe Tuyền! Tao ghét ở đây quá. Lúc nào cũng đọc kinh hoài. Về nhà ở ngủ nó đã đời. Bữa ăn thì chỉ rặt cá biển. Đồ mặc thì mấy cái áo thấy mà ghê.

Hai đứa tính là sẽ núp ở sau cổng, khi nào có xe bánh mì vô thì cứ việc tỉnh bơ đi ra, về nhà Tuyền ở ít hôm rồi tôi về nhà. Nhưng không may việc đổ bể, chúng tôi bị bắt lại và bị các xơ lôi đi nhà thờ cầu xin Chúa tha tội. May mà không bị ăn đòn. Sau lần đó các xơ kiểm soát dài dài nên chúng tôi không đứa nào dám trốn nữa.

Đến kỳ nghỉ hè tôi được miễn thi tiểu học, về nhà nghỉ ba tháng để chuẩn bị ôn thi vào trường Gia Long. Tôi bị rớt vì hai môn sử, địa tôi học quá yếu! Tôi đâm chán không muốn học nữa nhưng các dì phước khuyên tôi ráng học. Các dì xin cho tôi vào học trường Trưng Vương và học thêm ở “Cứu thế học đường”.

Trở lại cô nhi viện, ngày ngày hai buổi đi về Sài Gòn, đường xa, lên xuống xe hoài mà tôi lại chóng mặt. Vì thế được ít ngày tôi xin các dì cho về nhà đi học, vừa gần, vừa chữa bệnh. Tôi thưa với các dì:

- Các dì cho con về nhà ở một thời gian, con hổng bỏ học đâu, khi nào hết bệnh con lại lên đây với các dì mà!

Thấy tôi năn nỉ vậy, mấy dì bàn nhau đồng ý cho tôi về nhà vì các dì cũng rất lo cho tôi, sợ tôi té xỉu trên xe bất tử thì khốn. Hôm tôi ra về, dì Mười Ana tiễn tôi ra tận bến xe, dì nói:

- Ráng mà học nghe Liên! Về nhà cũng vậy, đừng nản chí mà bỏ nửa chừng thì buồn lắm đó. Nhứt là con lại có cha ghẻ. Liệu về rồi con có học nổi không?

Tôi nhìn đôi mắt dì buồn buồn, lại thấy cảm động trước những lời khuyên đó, dù biết rằng nếu là một cô bé khác, không có những điều kiện như tôi thì chắc chẳng được các dì lưu tâm đến thế.

Sau một năm sống ở cô nhi viện về, tôi thấy gia đình má tôi có rất nhiều thay đổi. Má tôi mới sanh thêm một em nữa, và bây giờ má đã có một tiệm ba-da ở chợ ngã ba Ông Tạ bán mọi thứ đồ dùng. Bên nhà ngoại, cậu út đã lấy vợ. Vợ cậu cũng làm nghề buôn bán và làm các việc nội trợ trong nhà. Tôi vẫn đi học và phụ với má buôn bán. Dượng tôi vẫn ở nhà chích thuốc và coi em. Đôi khi tôi bế em theo ra nơi bán hàng.

Những ngày ở cô nhi viện đã giúp tôi có thêm những suy nghĩ và hiểu biết về sự đời. Tôi thấy cuộc sống trong cái xóm đạo của tôi đã bắt đầu đổi khác. Mọi người bắt đầu đua chen nhau “làm ăn”. Các cụ già chăm đi lễ nhà thờ cầu nguyện cho gia đình may mắn. Những người buôn bán như má tôi thì phải có được tiệm ngoài chợ để bán hàng. Ngay mấy đứa hồi trước còn rủ tôi đi bứt trộm trái trứng cá để ăn, bây giờ cũng rất ra dáng, đứa nào cũng uốn tóc, mặc quần áo kiểu... Tụi con trai gặp tôi thì chào hỏi như người lớn, không xưng “mày tao” như hồi tôi còn ở nhà. Mấy đứa con nhà khá giả một chút thì vẫn đi học. Mấy đứa nhà nghèo hơn, có đứa phải đạp xích lô mướn. Những ngôi nhà tầng và nhiều thứ tiện nghi hiện đại đã lần lượt xuất hiện trong các gia đình khá giả. Mấy đứa bạn của tôi cũng bắt đầu chia thành từng nhóm chơi với nhau. Như con Lan và con Thu, nhà chúng mới lên vì ba má chúng làm công cho Mỹ và buôn đồ Mỹ. Hai đứa lúc nào cũng rủ nhau đi chợ ăn quà, quần áo chúng mặc rặt thứ vải đắt tiền và may theo mốt ăn chơi... Còn mấy đứa gia đình túng thiếu như con Cúc, má nó bệnh hoài, ba nó thì già lại thêm năm sáu đứa em nhỏ, suốt ngày nó bận bịu lo coi sóc má, tắm giặt cho các em, rồi cơm nước cho cả gia đình.

Tôi thấy lúc nào nó cũng mặc áo rách, quần ống thấp ống cao, đầu tóc rối bù trông thiệt tội nghiệp. Rồi con Thành, con Hoa khi nào cũng lụi hụi lượm lá bánh ngoài chợ Ông Tạ kiếm chút bánh dư của người ăn hàng bỏ lại. Hoa chỉ có một cái quần cộc với chiếc áo rách mặc hoài thành cáu bẩn. Mấy lần gặp tôi đi học, chúng ngó theo với vẻ thèm khát.

Tôi nghĩ vậy mà mình còn hên hơn bọn chúng nhiều, chỉ hiềm là má tôi... giá má tôi đừng đi lấy chồng thì có lẽ chẳng bao giờ tôi phải khổ. Mọi người lối xóm ai cũng biểu:

- Tại má mày khi không đi lấy thằng chả, làm khổ mày tội nghiệp.

Câu nói đó thiệt vô tình, nhưng đối với tôi nó thành một vết hằn sâu trong tâm não, càng ngẫm tôi càng thấy họ nói đúng. Tôi lại giận má không thương tôi nên mới lấy dượng. Tôi biết hiện tại má cũng rất khổ tâm trước sự đổi thay của dượng, nhưng tôi vẫn cứ ấm ức và tủi thân. Bây giờ má lại có hai em nữa, bận bịu hơn nhiều và tình cảm càng bị sẻ chia.

Dượng tôi vẫn chích thuốc. Ổng uống rượu nhiều hơn và hay gây với má tôi hơn. Một hôm tôi đi học về trễ vì bị lỡ xe. Mới tới đầu ngõ tôi đã nghe tiếng ổng quát:

- Cô liệu chừng xem vụ con Liên, một là cho nó nghỉ học, hai là cho nó ra nhà ngoại ở, chứ tôi không thể chịu được cái nước mà nó muốn đi thì đi, muốn về thì về. Con gái lớn rồi phải được nhờ cậy đôi chút, đằng này nó đi hoài à.

Tôi khựng lại sau câu nói của ổng, không biết nên bước tiếp hay quay ra nhà ngoại. Má tôi im lặng không nói gì. Tôi thấy cổ mình như nghẹn lại, một nỗi tủi cực dâng đầy. Tôi nghe trong lòng nóng ran và những giọt nước mắt bắt đầu lăn qua má mà nhỏ xuống.

Tôi bước vào nhà thấy má đang ngồi khóc. Tôi muốn lại ôm chầm lấy má để rồi hai má con cùng khóc cho hả, nhưng không hiểu sao tôi cứ ngây ra như bị trời trồng ấy. Má tôi có hiểu được tâm trạng của tôi lúc này không? Tôi vừa thương lại vừa giận má. Thế là tất cả đã rõ rồi. Tôi không còn lý do để ở lại ngôi nhà này nữa, sự có mặt của tôi chỉ làm cho không khí gia đình thêm căng thẳng.

Tối đó tôi bỏ cơm và cũng chẳng thiết học nữa. Tôi nằm suy nghĩ và quyết định một con đường đi cho mình. Chỉ còn một cách duy nhất là bỏ nhà đi. Trời! Tôi làm gì để sống trong khi tuổi đời còn quá non nớt giữa xã hội Sài Gòn mỗi cái mỗi lạ?

Má tôi cũng rất buồn nhưng có lẽ bả chưa biết ý định của tôi. Tôi âm thầm chuẩn bị một mình. Tính là chuyến này đi thiệt xa, ngoại và má tha hồ tìm cũng hết thấy luôn.

- Liên ơi! Dậy coi em cho má nè con, rồi còn đi học, chớ bộ ngủ hoài à!

Tôi uể oải bước xuống giường, đầu óc tôi căng ra với muôn vàn ý nghĩ. Má biểu tôi coi em cho má. Ừ, còn hai đứa em nhỏ, tôi làm sao dứt chúng mà đi? Rồi ai sẽ thay tôi tắm rửa, bồng bế chúng. Tội nghiệp, tôi thấy thương hai đứa.

Tôi nghĩ chúng chẳng có lỗi gì với tôi cả, vậy mà tôi lại bỏ mặc chúng... Thế là tình thương đã giữ tôi lại. Tôi không muốn để cho hai đứa em của tôi phải khổ.

Tôi xin đi học “cua” một tuần hai buổi để có thời gian ở nhà với các em. Má tôi vẫn bán tiệm, dượng lo chích thuốc. Câu chuyện ổng nói bữa trước nguôi ngoai dần, không ai nhắc lại nữa. Thấy tôi biết sắp xếp thời gian để học và chăm lo cho các em, dượng rất hài lòng. Ổng tỏ ra quan tâm đến tôi hơn.

Một hôm ông đưa tôi chiếc đồng hồ và biểu:

- Ba cho Liên đó, con lớn rồi phải có đồng hồ đặng còn coi giờ đi học chớ!

Tôi chưa kịp nói gì thì ông đã đeo chiếc đồng hồ vào cổ tay tôi. Ông cầm tay tôi giả bộ ngắm nghía:

- Chà đẹp quá ta! Ba lựa cho Liên thứ này hết sảy chưa?

Tôi nhìn ổng và nói rất nhỏ:

- Cám ơn chú.

Từ bữa đó ông tỏ ra săn đón và niềm nở đối với tôi mọi lúc. Má tôi được dịp, bả la tôi:

- Đó, con thấy chưa, dượng thương con còn hơn con đẻ lận. Con thử coi mấy đứa đồng tuổi với con, có cha mẹ đàng hoàng mà đâu có được tử tế như con!

Ông ngoại tôi hay chuyện thì khen dượng tôi vậy mà biết điều. Không ai ngờ được những gì sẽ đến với tôi. Buổi chiều đó, tôi đang ru em ngủ thì dượng tôi về, ổng cười hỏi tôi:

- Em ngủ chưa Liên?

- Cháu đang ru mà nó chưa chịu ngủ nè chú!

Ông tiến tới sát chiếc võng nơi tôi và em đang nằm. Tôi ngồi dậy làm em bé giật thột khóc ré lên. Ông nheo nheo đôi mắt với tôi:

- Liên cho chú hỏi thiệt nghe! Liên muốn đi học tiếp hay muốn ở nhà?

- Sao chú lại hỏi Liên như vậy? Bao giờ mà Liên chả muốn đi học.

- Vậy thì Liên phải nghe chú, cho chú thương rồi chú cho đi học tiếp.

- Chú nói cái chi Liên không hiểu.

Không cần e dè nữa, ổng nắm lấy cổ tay tôi bóp thiệt chặt, hai mắt ổng long lên trông dễ sợ. Tôi cố vùng vẫy và nói lớn:

- Chú làm chi kỳ vậy? Liên mách má cho mà coi!

Vừa sợ vừa ức, tôi cắn vào tay ổng rồi cứ thế tôi chạy ra nhà ngoại. Tôi thuật lại chuyện cho bà ngoại nghe. Ngoại tôi vốn yếu đuối nên chỉ biết khóc vì thương tôi. Tủi thân cho mình lại thấy thương ngoại, tôi gục đầu vào lòng bà để cho những giọt nước mắt cứ tự do chảy. Tiếng bà ngoại kéo tôi về thực tế:

- Thôi về đi con, giờ này chắc má mày nghỉ bán rồi đó, biểu nó tính vụ này cho, chớ ngoại đâu có quyền chi. Tội nghiệp con nhỏ quá chừng. Thôi lẹ lên kẻo lại bị la bây giờ!

Tôi về đến nhà thì trời đã sẩm tối. Má tôi đang cho em bú ở bậc thềm. Không thấy tôi ở nhà, má hỏi:

- Con Liên đi đâu mà giờ này chưa về?

Tôi nghe tiếng dượng gắt lại:

- Cô đi mà kiếm nó, tôi đâu biết, con gái đi chơi hoài...

Biết là hai người lại chuẩn bị gây nhau, tôi đành lên tiếng:

- Con đây nè má, con ra nhà ngoại một chút mà. Nghe nói ngoại đau nên con ra thăm ngoại đó!

Tôi đã nói dối má tôi vậy để cho qua đi những giây phút căng thẳng trong gia đình. Má tôi tin ngay vì ngoại tôi đau là chuyện thường.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3