Một kiếp lênh đênh - Chương 01 - Phần 3

Từ sau bữa đó, tôi ít dám ở nhà một mình. Tôi thường lân la phụ với má ở ngoài tiệm nhiều hơn ở nhà. Nhưng rồi công việc ở nhà không ai làm nên má tôi năn nỉ:

- Thôi con ráng ở nhà giúp má đi con. Một mình dượng vừa chích thuốc vừa coi em, lại còn công việc vặt chưa kể, rồi ổng lại sinh chuyện rắc rối ra. Gần ngày tết rồi má càng bận, mà bỏ mấy đứa nheo nhóc tội nghiệp chúng nó.

Má đã nhằm đúng chỗ yếu của tôi. Tôi rất thương hai đứa em, mặc dù giữa tôi và chúng nó có những ngăn cách nhất định. Tôi thuận theo lời má sau một hồi nhõng nhẽo:

- Má thì chỉ được khéo bày đặt bắt con ở nhà hoài, ghét thấy mồ, mai mốt con lớn rồi con hổng ở nhà cho má đâu nghen!

Má tôi làm hoà:

- ừ mà mai mốt con lớn rồi con cũng đâu có ở nhà với má được heng!

Hai má con cùng cười.

Tôi vẫn đi học “cua” một tuần hai buổi. Tôi mới lên lớp bảy phải đổi trường cách xa nhà sáu, bảy cây số. Tôi phải đi xe đạp để kịp về buổi chiều còn nấu cơm.

Rồi đến kỳ nghỉ hè. Lẽ ra tôi được nghỉ nhưng vì tôi học yếu hai môn sử địa nên giáo sư khuyên tôi đi học thêm ở Cứu thế học đường. Tôi đã đăng ký học cua ở đây, cũng một tuần hai buổi nữa. Một hôm giáo sư đi vắng, cả lớp phải nghỉ học. Tôi đang thơ thẩn ở cổng trường thì nghe có người kêu:

- Nè búp bê xinh đẹp ơi! Uống nước đã!

Sẵn khát, tôi liền tạt vào quán nước và bắt gặp ngay cái nhìn thiện cảm của một người bạn gái. Chị này lớn hơn tôi chừng ba tuổi, có nước da ngăm đen, dáng to con, khoẻ mạnh, mặc bộ đồ tây bó sát người, tóc cột cao với sợi nơ màu đỏ. Tôi gật đầu chào chị trước khi ngồi xuống ghế bên cạnh.

- Nè em, uống nước đi! Em cũng học ở trường này à? - Chị ta trao cho tôi một li nước ngọt và nói.

Tôi cảm động đỡ lấy li nước, mỉm cười với chị:

- Xin cảm ơn chị, chị có chi cần hỏi ạ?

- Hổng có chi hết, tại chị hay đụng em ở đây mà! Em học tới lớp mấy đó?

- Dạ em học lớp bảy à chị. Mà em học thêm ở đây thôi. Vì em yếu hai môn sử, địa.

Thế là chúng tôi quen nhau. Chị giới thiệu tên chị là Kim Thanh. Tôi cũng giới thiệu tôi với chị. Chị Thanh hứa sẽ đưa tôi đi chơi, đi ăn và coi xi-nê nữa. Chị vuốt tóc tôi nói:

- Liên có đôi mắt dễ thương ghê, nhìn là thấy thương liền à.

- í, chị khéo bày đặt chớ Liên xí thấy mồ!

Chị Thanh nói chuyện rất có duyên, chị kể cho tôi nghe về gia đình chị. Chị chỉ còn mẹ, hai mẹ con sống với nhau. Mẹ chị là chủ của một cửa hàng nổi tiếng trong Chợ Lớn. Cuộc sống của hai mẹ con chị rất đàng hoàng, sung túc. Chị nói bữa nào rảnh chị sẽ chở tôi về nhà chị chơi và luôn thể giới thiệu với mẹ chị.

Tôi lại nghĩ tới má tôi. Giá thử má tôi đừng có lấy chồng, cứ ở với tôi như mẹ chị Kim Thanh thì làm chi đến nỗi.

Tự dưng tôi ao ước có một người mẹ như mẹ chị Thanh quá chừng. Tôi ngập ngừng nói với chị:

- Chị hên ghê, có mẹ thiệt sướng. Còn Liên, Liên cũng có mẹ, nhưng mẹ Liên lấy chồng, có thêm em nữa. Liên rất buồn, Liên hổng thích cái cảnh sống ở gia đình Liên hiện nay. Như chị mà vô tư, muốn đi chơi đâu thoải mái. Còn Liên về nhà là bao nhiêu công việc chờ sẵn. Má Liên bận suốt ngày ngoài tiệm của bả. Còn Liên thì phải lo cơm nước, tắm giặt cho hai đứa em nhỏ. Lại thêm ông bố dượng thấy mà ngán luôn, lúc nào cũng uống rượu rồi la lối om sòm... Nói thiệt chị, Liên muốn bỏ nhà đi luôn đó. Chỉ thương má, nếu Liên đi thì hai đứa nhỏ không có người coi.

Nghe tôi kể vậy, chị Thanh ái ngại nói:

- Tội Liên ghê vậy đó, còn nhỏ mà cực quá ha, để rồi chị sẽ tìm cách giúp Liên nghe!

Hai chị em tâm sự thật lâu. Chị Thanh còn nói rất nhiều chuyện nữa, chuyện bạn bè của chị, chuyện đi chơi, nghe nhạc... tôi không nhớ hết, chỉ biết là sau đó chúng tôi rất mến nhau. Chị Thanh cho tôi địa chỉ nhà chị ở và số điện thoại riêng của chị để khi nào tiện hoặc có gì cần thì liên lạc với chị.

Thế là tôi có thêm một người bạn mới. Cảm tình của tôi dành cho Kim Thanh ngay từ những ngày đầu quen biết này. Tôi cứ nghĩ không hiểu vì sao chị lại bắt quen với tôi và đối xử tốt như vậy. Chắc là cái số tôi vẫn còn có phước...

Từ bữa đó, chị Thanh thường đón tôi ở cổng trường. Có hôm hai chị em bỏ học đi coi xi-nê, rồi chị chở tôi đi ăn ở những nhà hàng lớn mà tôi chưa hề bước tới bao giờ. Tôi được thưởng thức những món ăn thiệt lạ, mắc tiền do chị Thanh đặt sẵn. Chị Thanh thường rầy tôi về cái tội ưa mắc cỡ, vì lâu nay tôi có đi ăn tiệm bao giờ đâu.

Tôi khoái nhất là được chị đưa đi coi xi-nê. Tôi vốn rất mê tiểu thuyết cho nên các loại phim trinh thám, tình cảm, kiếm hiệp... rất hợp với tôi, nhất là phim tình cảm. Bữa nào được chị Thanh gợi ý đi coi là tôi hưởng ứng liền, khỏi cần suy nghĩ.

Mấy tháng hè trôi qua, tôi trở lại trường chính để học, vì thế ít có dịp gặp lại Kim Thanh, có lúc thấy nhớ chị ghê nhưng đành chịu, vì ngoài những buổi đến trường, tôi còn cả lô công việc. Dượng tôi hồi này ổng ưa nói lẫy tôi hoài. Tôi làm gì ổng cũng kiểm tra, coi vẻ khó chịu lắm. ổng nói tôi lớn rồi phải tập làm ăn, mai mốt có đi đâu khỏi bị người ta chê bai là con gái mà hổng biết làm ăn chi. Má tôi ham chạy hàng nên ít chú ý tới công việc ở nhà, bả chỉ có mặt ở nhà ban đêm, sáng ra lại đi sớm. Và thế là thừa dịp, những chuyện bê bối lại xảy đến với tôi.

Tôi bị sốt cao phải nghỉ học. Chiều đó cơn sốt khiến tôi nằm mê man trên giường. Trong khi nửa tỉnh nửa mê, tôi thấy như có bàn tay ai lần trong người lành lạnh. Tôi choàng dậy thấy dượng ngồi bên cạnh, vừa giận vừa sợ, tôi nhảy đại xuống đất không nói một lời nào.

Dượng tôi vẫn ngồi đó. ổng vội thanh minh:

- Liên đừng sợ, thấy Liên nóng quá, chú thăm mạch cho chớ có chi đâu, đặng chú đi kiếm thuốc cho Liên uống mà.

Tôi dư biết là ổng nói gạt nhưng cũng lặng im. Từ lúc đó tôi thấy ghê tởm cái mặt ổng luôn.

Tối về tôi kể lại cho má nghe nhưng má không tin, má biểu:

- Con mê sảng rồi nói bậy chớ dượng con đâu có thế?

Tôi ức quá mà không biết làm sao được, đành lại ra ngoại. Rồi hai bà cháu tôi lại ngồi khóc với nhau. Má biết thế nào tôi cũng ra ngoại và ngoại sẽ biết chuyện, nên hôm sau bả ra nhà ngoại thật sớm nói ngoại đừng tin lời con nít nói bậy. Má biếu ngoại hai ngàn đồng, ngoại nhất định không nhận mặc dù trước đó ngoại mới nói ngoại hết tiền mua thuốc. Từ bữa đó, má kiếm chuyện ít cho tôi ra nhà ngoại, mặc dù tôi nằng nặc đòi ra ở với ngoại.

Tôi có tật hay trèo cây trứng cá lấy trái ăn. Cây trứng cá đằng sau nhà tôi lại rất sai và đương chín rộ. Trưa đó có cả má tôi ở nhà. Nghe tiếng dượng kêu, tôi tụt lẹ từ trên cây xuống, vừa chạy vào tới bậc thềm thì bị mấy cái cán chổi làm té sấp. Dượng tôi mặt hầm hầm, tay cầm cán chổi tính quật nữa thì má tôi từ trong nhà chạy ra cản lại. Ông quay lại gây luôn với má một hồi. Má tôi sững sờ cả người vì bả không ngờ dượng lại thô bạo với tôi như vậy. Tối hôm đó tôi nghe má và dượng gây nhau. Má khóc, còn dượng thì chửi bới, nói má không dạy nổi tôi còn bênh hoài.

Tôi bỏ ăn bỏ học. Suốt ngày nằm trong phòng, ý nghĩ bỏ nhà ra đi lại đến. Tôi cứ tự hỏi không biết vì sao mà tôi cực thế, ít khi nào tôi được sống vô tư thoải mái, nhất là từ ngày má tôi lấy chồng. Biết tôi rất buồn, má tôi cũng thấy thương. Bả an ủi:

- Thôi con, có vậy mà con buồn hoài làm má cũng rầu cả ruột. Dượng sửa tật xấu cho con vậy là dượng thương con đó. Tại con bướng bỉnh nên con mới bị đòn. Thôi ráng đi con, để má phải đóng cửa tiệm mấy bữa nay rồi, có nước mà chết đói à con...

Ông ngoại tôi nghe nói tôi bị đòn vì trèo cây trứng cá thì la:

- Con gái mà trèo cây vậy bị đòn không oan. Tao mà gặp tao cũng sửa cho chừa cái tật đó đi!

Bà ngoại tôi xót ruột nói:

- Con nít đứa nào chẳng ưa trèo cây! Ông thì khi nào cũng la, la hoài...

Ông ngoại tôi không chịu, nói bà ngoại bênh cháu không phải đường. Hai ông bà gây nhau một hồi vì tôi, cuối cùng bà ngoại mệt quá đành lặng im. Tôi ức muốn chết luôn, đã bị đòn mà ông ngoại còn nói vậy. Ông biểu con gái là phải dịu dàng nết na chớ con gái mà trèo cây thì nghịch ngợm quá trời.

Thế là mỗi mình bà ngoại bênh tôi. Còn má và ông ngoại chỉ làm tôi ức thêm. Tôi muốn đi thoát ngay khỏi cái không khí ngột ngạt, khó thở, đang vây hãm tôi.

Nhưng rồi mãnh lực của tình cảm lại níu giữ tôi. Vẫn là má và hai đứa em. Không hiểu vì sao tôi thương hai đứa em nhỏ đến kỳ cục. Cuộc sống trở lại bình thường. Tôi vẫn đi học cua một tuần hai buổi, coi em, nấu cơm và làm việc nhà giúp má.

Tôi tưởng rồi tất cả sẽ qua đi, dượng tôi sẽ biết điều hơn và những chuyện bậy bạ không bao giờ tái diễn. Ai dè chứng nào tật nấy, ổng đâu có chịu sửa chút nào!

Tôi thường tự học ở nhà vào các buổi tối, khi đã làm xong mọi việc và cả nhà đã ngủ yên. Bữa đó khoảng hơn tám giờ tối, tôi ngồi vào bàn học, má và hai em đã ngủ say. Dượng đi uống rượu ở đâu về chẳng biết. Ông không đi ngủ ngay mà cứ đi đi lại lại bên bàn học của tôi. Tôi thấy không thể học tiếp được nên gấp sách vở lại và đi nằm. Sự mệt mỏi khiến tôi ngủ thiếp đi. Khi chợt tỉnh dậy thấy dượng nằm bên cạnh nực nồng mùi rượu. Tôi hoảng quá hét thiệt to và nhảy xuống giường đạp tung cửa phòng chạy ra. ở nhà ngoài nghe tiếng tôi hét, má tôi cũng hoảng hốt dậy bật đèn. Bên lối xóm cũng có mấy người chạy sang. Dượng tôi lúc đó thấy mắc cỡ, ổng xông vô đánh má tôi túi bụi, không tính đến chuyện má đang mang thai gần sanh. Ông cứ đấm đạp cả vô bụng má. Vừa đánh ổng vừa chửi má, cố lấp liếm đi cái chuyện vừa xong. Mấy người lối xóm thấy vậy, họ cũng lẳng lặng bỏ về hết.

Từ đó cho tới sáng, tôi không hề chợp mắt. Quyết định bỏ nhà đi càng rõ rệt trong tôi.

Má tôi bị đau, sớm hôm sau phải đi nằm nhà thương. Má giao hai đứa em cho tôi coi. Chiều đó vô nhà thương với má, thấy má đau thiệt tội nghiệp. Tôi thương má quá chừng và không muốn bỏ má đi nữa. Má tôi đã khóc vì thương tôi và ân hận đã để xảy ra chuyện như vậy mà má không ngờ. Má biểu chuyện sao kể lại cho má nghe. Tôi nói với má:

- Thôi má đừng bắt con kể lại nữa, dù con có nói bao nhiêu má cũng chẳng hiểu được đâu.

Chiều nào tôi cũng vô thăm má. Má dặn tối tối đưa em ra nhà ngoại ngủ, nghĩ là ban ngày thì không sợ, dượng có muốn gây sự cũng không dám. Thế rồi cả những điều má lường trước đó cũng không tránh khỏi. Một buổi chiều tôi vừa đi học về, tính là cho các em ăn cơm sớm để còn vô thăm má. Nhìn lên nhà thấy các cửa đóng kín cả, tôi ngạc nhiên nhưng cứ đẩy cửa chính vô nhà. Em bé đang nằm ngủ trên võng. Thình lình dượng tôi từ trong nhà đi ra, tay lăm lăm cầm con dao gọt trái cây. Cứ thế ổng dồn tôi vào sát góc tường. Tôi hoảng quá. Ông trợn mắt biểu tôi:

- Liên, mày có bằng lòng để cho tao lấy mày không? Nếu không tao sẽ giết mày! Mày có biết bao lâu nay tao đã khổ công lo cho mày, trồng cây tao phải có ngày ăn quả chớ!...

ổng tưởng phen này cầm chắc muốn làm gì thì làm. Tôi co rúm người lại, vừa hận vừa sợ ổng làm nhục. May quá, nhân lúc ổng sơ ý, tôi liếc thấy chiếc ghế con bên cạnh đó, tôi liền chụp lẹ táng mạnh vô đầu ổng. Bị một cú tự vệ bất ngờ của tôi, ổng xỉu luôn.

Máu trên đầu ổng chảy ròng ròng. Vừa hoảng lại vừa mừng, tôi đâm quýnh, chỉ nghĩ làm sao qua khỏi ổng. Tôi đạp phăng cửa chạy một mạch ra nhà ngoại gần muốn đứt hơi luôn. Biết thế nào dượng tôi tỉnh lại ổng cũng rượt theo, tôi vô buồng cậu út khoá trái cửa lại ngồi trong đó. Trống ngực tôi đập thình thình vì sợ và hồi hộp. Quả nhiên một lúc sau tôi nghe tiếng em bé khóc, chắc là dượng bế nó theo. Tôi nhòm qua khe cửa thấy ổng cặp em trên nách, máu trên đầu ổng vẫn tiếp tục chảy qua mặt xuống áo. Cặp mắt ổng đỏ vằn, ổng vừa đập cửa nhà ngoại vừa la chửi om sòm. Không còn nể nang chi hết, ổng kêu tên từng người trong gia đình ngoại ra mà chửi.

- Đ. mẹ lão già có con có cháu hổng dạy nổi để nó táng ông bể đầu đây nè. Đ. mẹ cả họ nhà mày vô phước!

La chửi chán, dượng bắt ông ngoại phải đưa tôi ra cho ổng trị tội. Ông ngoại không chịu, nói không biết tôi trốn ở đâu. Thế là dượng nổi xung lên, ổng bồ tạt luôn:

- Cả nhà lão lừa ông, ngon ngọt biểu ông lấy con gái lão để bây giờ ông khổ vầy!...

Cứ mặc cho ổng la lối. Bà ngoại rên rỉ, còn ông ngoại lầm rầm khấn vái, đem tất cả những lời chửi bới của con rể vô lễ dâng lên Chúa để Chúa phán xét.

Tôi ghé mắt nhòm qua khe cửa. Em bé vẫn bị cặp trên nách dượng, nó sợ quá khóc thét lên. Thương em quá, tôi liền mở cửa chạy ra giật lẹ từ nách dượng rồi ôm nó vô phòng cậu út cài chặt cửa lại. Em bé sợ khóc càng to làm tôi cuống quít. Bên ngoài dượng tôi đập cửa đòi mở, ổng nói khi nào tôi chưa chịu ra để ổng sửa tội thì ổng còn đứng đó. Mãi sau cậu út đi dạy học về nói ổng mới chịu về nhà, vừa đi ổng còn lẩm bẩm những gì nghe không rõ.

Tối đó, tôi ôm em bé nằm im trong phòng cậu út. Ông bà ngoại và cậu út năn nỉ thế nào tôi cũng không chịu ăn cơm. Em bé khóc nhiều nên nó mệt ngủ rất say. Tôi nằm suy nghĩ, tìm cách giải quyết cho mình và cho má. Tội nghiệp má sắp tới ngày sanh, hai em còn quá nhỏ, rồi má sẽ trông cậy vào ai.

Nghĩ đến má, tôi khóc thiệt nhiều trong tâm trạng vừa giận vừa thương, cũng như mấy lần trước, khi tôi có ý định bụi đời ra đi.

Sớm hôm sau, tôi vô nhà thương kể cho má nghe đầu đuôi câu chuyện. Má ân hận nhưng đã muộn. Má nói tôi ráng coi em chờ ít bữa má hết bịnh về má tính cho. Lúc này sao tôi thấy thương má quá chừng. Bao nhiêu ý nghĩ đã dự định bỗng mờ nhạt hẳn đi. Tôi nghẹn ngào nói với má:

- Má cứ tin con đi, con hổng bỏ má đâu, trông cho má mau hết bịnh má về với con và các em má hé!

Má nhìn tôi khẽ gật đầu. Tôi thấy mắt má đỏ và những giọt lệ từ từ lăn qua hai gò má xuống vạt áo má. Rồi như sực nhớ điều gì, má hối tôi:

- Thôi về đi con, muộn rồi, ở nhà sắp nhỏ nó trông tội nghiệp.

Nghe lời má, tôi phải nén lại những buồn đau và tự ái. Mỗi ngày cứ qua đi một cách nặng nề trong căn nhà của má.

Bây giờ giữa tôi và dượng là hai thế giới hoàn toàn cách biệt. Tôi chỉ biết có công việc và hai em, chờ đợi từng ngày má về cho bớt đi sự căng thẳng trong nhà, rồi tôi sẽ xin với má ra nhà ngoại ở.

Má tôi hết bịnh về nhà được hai bữa thì sanh em thứ ba. Do ảnh hưởng của trận đòn vừa qua khỏi, má rất yếu, một mình tôi phải lo hết công việc trong ngoài. Thời gian đối với tôi lúc này thiệt quý. Lại còn đi học nữa. Tôi không dám bỏ học vì nghĩ đến má, đến ông bà ngoại và cậu út. Nguyện vọng của cả nhà đều mong cho tôi học giỏi để sau này có địa vị trong xã hội. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi định bỏ học, má tôi không bằng lòng, má biểu tôi ráng học giỏi, lớn lên thành tài, đó là điều má trông nhiều nhất. Còn cậu út thường thưởng quà và cho tiền mỗi lần tôi được lên lớp mới. Tôi cũng rất thích đi học vì dù sao đó cũng là một niềm vui trong những năm tháng tuổi thơ của tôi.

Tôi mải mê công việc, rồi cũng quên đi những chuyện buồn phiền cũ trong gia đình. Má tôi mạnh dần, em bé ngày một cứng cáp lên. Cuộc sống bình thường trôi đi theo ngày tháng. Tôi thấy lòng mình lắng dịu và có phần gắn bó với má và các em hơn. Những vất vả vì má, vì em không làm tôi thấy nản.

Tôi trông cho đừng bao giờ có chuyện đau lòng xảy đến nữa.

Thế nhưng ước ao của tôi vẫn chỉ là ao ước mà thôi. Một đêm tôi đang ngủ chợt thức giấc. Tôi thấy ở ngoài nhà lục đục, lắng nghe biết má và dượng đang gây nhau. Tiếng dượng hằn học:

- Cô đừng thấy tôi lặng thinh mà làm dữ! Con Liên đó cô làm sao thì làm chớ đừng để nó như cái gai trước mắt tôi nè!

Rồi tiếng má vừa khóc vừa trả lời tấm tức:

- Anh còn muốn tôi làm chi nữa để cho anh vừa lòng? Tôi chỉ có một mình nó. Chính vì nghĩ tới nó nên tôi mới lấy anh. Tôi nghe anh quá nhiều rồi. Bây giờ nếu anh muốn, anh cứ việc đi theo đường anh, má con tôi làm nuôi nhau được rồi...

Thế là dượng nổi sùng lên nghiến răng đấm đá má không nương tay. Mấy đứa em tôi thức dậy sợ hãi khóc ré lên mà má vẫn im lặng chịu đựng chớ không hề dám tí xíu chống lại dượng... Tôi hiểu ngay rằng thương tôi thì nói thế chớ làm sao má bỏ dượng cho được? Đã có với dượng ba con và má cũng đã hai đời chồng... Chỉ có tôi là thừa trong ngôi nhà này. Hơn thế tôi là cái cớ của bao nhiêu chuyện xích mích, bao nhiêu trận đánh phũ phàng dồn lên thân phận má.

Tôi thức trắng đêm với nhiều ý nghĩ day dứt, nhiều sự tính toán gần xa hơn thiệt. Cuối cùng tôi quyết định đi khỏi nhà này, đi ngay vào sáng mai, giờ đến trường, cho không ai kịp đoán ra mà tìm cách cản trở. Sự dứt khoát của tôi trong đêm ấy thế mà hay! Chỉ một lần trốn mà thành công; từ đó về sau không ai có thể níu cánh kéo tôi một lần nữa trở lại dưới mái nhà di cư ngột ngạt mà thời thơ ấu của tôi giãy giụa có lúc tưởng chết vẫn không tìm ra lối thoát...

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ngay từ đêm đầu tiên nằm trên một chiếc giường lạ, tôi đã tung chăn vùng dậy, toan chạy về nhà... Sau này, mỗi lần bị cùng cực, tôi lại mò về, nhưng chỉ đến ngưỡng cửa thôi, là tôi phải quay gót trở lại cuộc đời gió bụi... Làm sao tôi có thể sống yên ổn được dưới mái nhà ấy chứ? Mọi thứ ở đây đều không ổn định. Ai cũng bị nhu cầu cuộc sống thúc đẩy từng ngày, từng giờ. Giữa cha mẹ, ông bà, con cái, vợ chồng, chị em, không có cái gì làm nền nếp vững chãi. Tất cả đều xoay vần tuỳ tiện theo luân lý của từng người.

Mà có riêng gì gia đình tôi mới thế. Nhìn dọc, trông ngang trong xóm cũng thấy còn nhiều nhà, không phải dân di cư mà vẫn cứ rã dần không sao cưỡng được và nhà nào cũng có con em bỏ nhà đi bụi đời!... Không cần đi bói, tôi cũng biết chắc là nếu cứ ở lại thì tôi sẽ biến thành con mồi riêng của lão bố dượng. Không thế thì sẽ hoá điên vì nhẫn nhục để bị đưa vào nhà thương điên như con Cúc; hoặc treo cổ tự sát như con Thái, là hai đứa bạn cùng cảnh trong xóm. Bây giờ, dù Chúa Trời có ban phép lạ cho tôi được làm lại cuộc đời từ thuở lọt lòng mẹ, thì tôi cũng cầu xin Chúa miễn cho tôi những năm ngắn ngủi sống với gia đình dưới mái nhà di cư, dù đó là đoạn đời ngây thơ trong sạch duy nhất trong những năm tháng dằng dặc của tôi giữa đất Sài Gòn này.