Một kiếp lênh đênh - Chương 04 - Phần 2
Mấy lần cậu út tới, mẹ tôi đều giữ cậu ở lại ăn cơm để hai cậu cháu có thời gian tâm sự. Cậu út rất cảm động trước tấm lòng ưu ái của mẹ và chị Thanh. Cả ngoại, cả má cũng mừng thầm cho tôi.
Đối với mẹ nuôi tôi và chị Thanh, tôi là người chịu ơn rất nhiều. Tôi mong có dịp được đền đáp công ơn đó khi nào tôi trưởng thành. Thật đáng buồn là thuyền chưa tới bến thì tay chèo đã gãy. Tôi chỉ còn biết khóc thương cho mẹ và lo sợ, xót xa cho mình.
Đã sang ngày thứ năm kể từ hôm làm đám tang mẹ. Một buổi sáng khá đẹp trời nhưng đối với tôi vẫn là sự cô đơn trống lạnh. Ngôi nhà lúc này quá rộng. Có lẽ tôi phải thay đổi chỗ ở thì mới mong kiếm việc làm và đi học tiếp. ở đây buồn quá, mọi cảnh vật cứ như đập vô mắt làm tôi nhớ mẹ, nhớ chị Thanh khôn nguôi.
Tôi đang ngồi nhấm nháp từng ngụm sữa nhỏ thì dì Lin-da tới. Dì ngó tôi cười nói:
- Vẫn buồn hoài vậy? Cười lên dì coi nào!
Tôi miễn cưỡng nói với dì:
- Thưa dì, lúc này con không muốn ai giỡn với con cả.
Dì sấn lại ôm cổ tôi nói:
- Cấm cả dì nữa hả? Thấy ghét ghê!
Tôi khẽ gỡ tay dì ra và im lặng không nói gì. Lúc này dì Lin-da bắt đầu nói giọng cảm động:
- Liên à, dì rất thương con, thấy con buồn khổ hoài dì không nỡ làm ngơ. Để dì nói thế này coi Liên chịu không, nghe. Dì cũng như mẹ Liên. Bây giờ mẹ đã chết, dì thay mẹ chăm sóc Liên. Liên về ở với dì tiếp tục đi học để mẹ được vui, chớ con ở đây một mình cô đơn lắm.
Tôi nói với dì:
- Dì tính vậy con xin cám ơn dì. Nhưng con sợ bất tiện cho dì vì nhà dì đông người. Con sẽ kiếm mướn một căn nhà nhỏ để ở và đi học tiếp, trả nhà này cho chủ. Chị con mỗi tháng có gởi tiền về.
Dì Lin-da cười nửa miệng nói:
- Con tưởng đơn giản vậy ha? Con còn quá nhỏ, không đủ điều kiện sống tự lập đâu, tụi nó sẽ phá chớ đâu để con yên.
Rồi dì hạ giọng vẻ thiết tha:
- Dì nói thiệt đó, con nên nghe dì Liên à. Vì tình nghĩa với Phượng nên dì mới nghĩ tới con. Về ở với dì cho vui, dì sẽ cho con sống như khi còn mẹ con mà. Con hiểu dì chớ Liên? Chỉ có dân chơi mới biết thương dân chơi thôi. Con cứ buồn hoài không được đâu. Dì để cho con suy nghĩ, lát nữa dì trở lại trả lời dì nghe Liên!
Tôi không ngó dì, chậm rãi đáp:
- Dạ!
Tôi nghĩ những điều dì Lin-da nói kể cũng hợp với tình cảnh của tôi. Lúc này tôi rất sợ sự cô đơn. Tình thương đối với tôi cần lắm. Vậy sao tôi lại từ chối dì Lin-da? Nghĩ vậy tôi tự thấy giận mình. Tôi tin một cách đơn giản rằng tình thương chỉ bộc lộ qua lời nói. Vả lại, tôi cũng cần có một chỗ dựa cho cuộc đời. Tôi không dám hình dung rằng tôi sẽ ra sao, nếu lại một mình đơn độc...
Suốt một giờ đồng hồ đắn đo suy nghĩ, khi dì Lin-da trở lại, tôi đã đồng ý về ở với dì.
Thế là ngay buổi chiều hôm đó, tôi trả nhà và dọn đồ tới nhà dì Lin-da, đem theo cả chiếc xe của mẹ. Dì Lin-da rất sốt sắng tới giúp tôi lo thu xếp chuyển đồ.
Nhà dì có vẻ sang hơn nhà mẹ, cả thảy có ba phòng, một phòng khách và hai phòng ngủ. Dì dành riêng cho tôi một phòng, trong đó đầy đủ tiện nghi từ giường tủ, bàn phấn, buồng tắm... Dì nói tôi ở đó cho tiện vì dì hay có khách mà tánh tôi không ưa sự ồn ào.
Dì Lin-da không có chồng nhưng nhà dì thường xuyên có đàn ông tới chơi, có khi ngủ đêm luôn. Trước đây khi mẹ còn sống, mẹ nói dì Lin-da có một đời chồng hồi còn trẻ, sau do thích chơi bời phóng đãng nên đã bỏ chồng. Mẹ quen với dì từ hồi chị Thanh còn nhỏ, mẹ không có tiền nên phải trở lại nghề đi khách để nuôi chị Thanh. Chính dì Lin-da đã dẫn mối cho mẹ. Sau này hai người vẫn thường quan hệ với nhau trên công việc làm ăn kia.
Dì Lin-da tánh ưa ồn ào, thích cái gì là làm tới, không thích không làm. Ai mà đụng mặt mắc mớ với dì thì chỉ có nước đánh bài lui cho êm chuyện. Tới khi mẹ mở bar ở Chợ Lớn thì dì cũng có bar ở đường Công Lý, hai người lại thường giới thiệu khách cho nhau. Ông Ros chồng mẹ cũng là một người khách do dì Lin-da giới thiệu tới. Nhiều lần dì tới nhà chơi khi mẹ còn sống, tôi đã thấy dì có vẻ khác người. Dì với mẹ cùng đi Nhật sửa sắc đẹp, chỉ khác là mẹ bơm ngực, còn dì sửa mũi và ủi mặt. Mẹ với dì thường liên lạc với nhau bằng điện thoại. Có lần tôi hỏi mẹ:
- Dì Lin-da với nhà mình có họ hàng sao mẹ?
Mẹ cười nói:
- Họ hàng chi đâu, chỗ làm ăn với nhau, bả nhiệt tình với mẹ lắm đó, chỉ tội tánh chẳng hợp nhau; bả ưa chồm chồm như đàn ông, mẹ không thích, nhưng được việc thì mình cứ “xài”, tội chi.
Bây giờ về ở với dì, tôi thấy mẹ nhận xét rất đúng. Mẹ điềm đạm bao nhiêu thì dì bốc đồng bấy nhiêu. Mẹ ưa những màu sắc dịu dàng, còn dì toàn những đồ hoa hoè. Trong cách trang điểm phấn son cũng vậy, dì ưa phô diễn bằng son phấn thì đúng hơn. Mặc dù dì cũng đẹp nhưng với vẻ đẹp quá loã lồ, luôn cả chiếc xe dì đi cũng sơn màu đỏ chói. Tiếng nói dì choe choé, hấp tấp, vội vàng. Đối với đàn ông, dì nói chuyện xô bồ cũng y như họ; họ ôm dì tung qua hất lại như trái banh. Dì có biệt tài hút thuốc và uống rượu mạnh, mặt dì lúc nào cũng đỏ lựng, miệng nồng nặc hơi men. Mái tóc dì chuyên búi cao, trái ngược với cái tuổi ngoài bốn mươi của dì. Móng tay dì sơn màu đỏ choé, tướng đi nhún nhảy và chuyên mặc áo hở ngực. Đôi mắt của dì khi nào cũng long lên sòng sọc, đã ngó ai thì như thôi miên vậy.
Gần một tuần lễ trôi qua sống trong căn phòng mà dì Lin-da dành cho, tôi buồn vô cùng. Thế giới của tôi thu hẹp trong căn phòng cô đơn này. Tôi không muốn tiếp xúc với ai, suốt ngày chỉ trừ hai bữa cơm phải xuống phòng ăn, còn hầu hết thời gian tôi không hề bước ra khỏi phòng, chuẩn bị tinh thần để đi học tiếp.
Buổi trưa một ngày thứ bảy tôi đang soạn lại sách vở, chợt nghe tiếng guốc bồm bộp từ cầu thang đi lên. Cánh cửa vừa mở thì dì Lin-da nhào vô phòng với mùi dầu thơm nồng nặc. Dì mặc một cái rốp hở ngực với loại vải bông thiệt lớn; trong khi đó tôi mặc một bộ đồ sọc trắng từ áo tới quần.
Dì ngó tôi cười nói:
- Gớm con bé còn nhỏ mà cứ y bà già. Sao mà con lựa vải toàn màu tối không vậy? Dì chưa thấy Liên mặc hip-pi bao giờ!
Tôi gượng cười nói:
- Quen rồi dì, Liên thích giản dị, mặc sao cho hợp với nước da mình.
Biết tôi khó chịu nhưng dì làm ra vẻ không chú ý, vẫn nói nhí nhảnh:
- Dì muốn mượn Liên ít áo thun của mẹ Liên, nhưng sao toàn màu tối không à? Có lẽ vì thế mà Phượng chết sớm.
Nhắc tới mẹ, tự dưng tôi nghe nhói trong ngực, tưởng chừng như mẹ đang rên la trong vòng tay bé nhỏ mà tôi đã ôm mẹ hôm mẹ sắp chết. Tôi ngồi lặng đi, nước mắt ứa ra muốn khóc. Dì Lin-da vội kéo tay tôi nói:
- Thôi đừng buồn nữa nghe cô bé! Dì tính rủ Liên đi Đà Lạt chơi ít bữa cho thay đổi không khí rồi về tiếp tục học, Liên nghĩ sao?
Tôi nghĩ dì nói cũng có lý, mình nên đi xa cho thoải mái chút, Sài Gòn lúc này có vẻ khó thở đối với mình. Tôi hỏi lại:
- Dì đi với ai và tính bao giờ đi? Chờ Liên xếp ít quần áo được không?
- Dì tính đi liền. Mấy người bạn hẹn chừng nửa tiếng nữa họ lại, cùng ra Sài Gòn mua thức ăn đi đường rồi đi luôn.
- Vậy thì dì phụ Liên đi nghe? Lo giùm Liên đồ cá nhân, còn Liên lo mấy bộ đồ để mặc.
Dì vui vẻ nhận lời ngay. Chỉ trong vòng mười lăm phút, tất cả mọi việc đều xong. Chị người làm lên cho dì hay có mấy ông bà bạn đang đợi dì ở phòng khách. Hai dì cháu hối nhau mang đồ xuống luôn. Dì biểu:
- Đi xe tụi nó, xe mình để nhà, đi nhiều xe mất công.
ở phòng khách, năm người đàn ông với ba người đàn bà đang cười nói oang oang. Những cử chỉ suồng sã của họ trông thiệt tức cười. Rồi họ bỗng im bặt khi nghe dì Lin-da giới thiệu về tôi. Mấy người đàn ông ngó tôi chằm chặp, còn mấy bà thì đưa mắt qua nhau và nói thầm thì, có những tiếng xuýt xoa nho nhỏ. Tôi dư biết họ đang chú ý tới mình nhưng làm ra vẻ bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Dì Lin-da hối mọi người:
- Thôi ta đi chớ các bồ? Còn ghé qua Sài Gòn mua đồ ăn, sợ trễ mất.
Tất cả ra hai chiếc xe Mazda, một chiếc màu trắng và một chiếc màu đen. Cả thảy có mười người chia ra hai xe, một xe đi hai cặp và một xe đi ba cặp. Tôi theo dì Lin-da đi chiếc xe ba cặp.
Dì với mấy bà bạn thiệt hợp nhau, lên xe là cười nói tùm lum tùm la đủ mọi thứ chuyện, bà nào cũng ăn vận hip-pi hở hang, mặt thì trát đầy son phấn. Riêng tôi, tôi mặc một chiếc áo thun màu vàng anh, chiếc quần màu đen, tóc cột cao bằng một sợi nơ cùng màu áo. Năm ông bạn của dì cũng ăn mặc hippi, nói chuyện pha tiếng Tàu, có hai ông nhỏ tuổi hơn, khoảng ngoài ba mươi, còn ba ông kia cùng cỡ tuổi với dì. Họ ngó tôi một cách sống sượng làm tôi thấy khó chịu nhưng tôi thầm nghĩ: “Kệ đi, lên Đà Lạt mình chơi một mình”.
Nghĩ tới ngày xưa, những khi đi chơi với các bạn của chị Thanh tôi rất vui, cuộc vui lúc nào cũng làm cho tôi nuối tiếc lúc chia tay.
Rồi kỷ niệm của những ngày cắp sách tới trường, sự trong sạch thánh thiện của các bạn học còn ở lứa tuổi thơ ngây trong trắng, đẹp và đáng nhớ biết bao... Tất cả bây giờ đều đã xa rồi, còn lại một mình tôi giữa những con người xa lạ kia.
Mải suy nghĩ, tôi quên mất rằng mình đang chuẩn bị đi xa, quên mất sự có mặt của dì Lin-da và mấy người bạn của dì.
- Bé Liên ngồi trên với Thịnh và Lin-da nghe, ba đứa này ngồi băng dưới.
Một ông bạn của dì nói vậy, khiến tôi giật mình quay về với thực tế. Dì Lin-da tính cho tôi ngồi giữa nhưng tôi không chịu, đòi ngồi sát cửa xe, dì cũng chiều không nói gì.
Sau khi đã dừng lại tới hai lần để mấy bà xuống mua đồ ăn đi đường, xe qua khỏi vùng đô thị và lướt trên xa lộ với tốc độ thiệt cao. Trên xe, mọi người thi nhau cười nói, chốc chốc lại rộ lên một tràng cười như điên loạn.
Ông Thịnh, người ngồi cùng ghế hỏi tôi:
- Nghe nói Liên là con của Đan Phượng từ lâu, hôm nay mới gặp bé. Liên có vẻ buồn quá vậy? Hay tụi này già không hợp với Liên?
Tôi chưa kịp trả lời thì dì Lin-da đã cười nói:
- Không phải đâu Thịnh! Cô bé này ít nói lắm, bữa nay rủ mãi mới chịu đi.
Rồi dì đưa tay vuốt tóc tôi nói tiếp:
- Nè mấy ông bà coi, nguyên lối ăn mặc của Liên cũng quá chững chạc, giống con Phượng y hệt. Nó còn sống, tôi chưa bao giờ thấy nó mặc một màu áo yêu đời.
Ông Thịnh liếc qua tôi tiếp lời dì:
- Đẹp chớ! Thuần tuý lắm, để tôi coi Liên giống nữ minh tinh màn bạc nào ở Tàu...
Tôi không ưa những lời tán tỉnh đó và không muốn bị đưa vô đề tài của mấy người. Tôi nói trong khi không ngó ai:
- Cám ơn ông Thịnh. Liên chỉ muốn Liên giống Liên chớ không giống ai cả. Còn về ăn mặc, Liên thích sao mặc vậy, ít khi đua đòi.
Câu trả lời của tôi làm dì Lin-da có vẻ khó chịu, tôi nhận biết điều đó qua cái cười nửa miệng của dì. Mấy người ngồi băng ghế sau nói với nhau:
- Cô bé đối đáp chí lý!
Riêng ông Thịnh im lặng không nói gì. Nhưng từ lúc đó, ổng luôn luôn ngó tôi với ánh mắt không bình thường. Tôi khó chịu quay mặt đi. Dì Lin-da biểu Thịnh:
- Làm gì dữ vậy? Không lo mà lái xe đi à?
Lúc này tôi mới chú ý. Chiếc xe đi rất lẹ nhưng phải công nhận ông Thịnh lái có trình độ và tỏ ra rất quen đường. Chắc chắn là một tay doanh nghiệp Hoa kiều cỡ bự ở Chợ Lớn, quen thói “ngàn vàng mua một tiếng cười như không” đây!
Khoảng sáu giờ chiều thì tới Đà Lạt. Trước cửa một vi-la rất sang trọng, mọi người trên hai chiếc xe hơi vui vẻ bước xuống. Dì Lin-da giới thiệu với tôi đây là vi-la của Trần Lệ Xuân. Tôi cũng đã được nghe nói nhiều về cái vi-la này nhưng chưa có dịp đặt chân tới, chỉ biết rằng ngày xưa Trần Lệ Xuân thường tới đây nghỉ mát và an dưỡng hàng năm. Và hiện tại nó được dành làm nơi nghỉ ngơi qua lại của những chính khách đặc biệt quen thân với gia đình những người có quyền chức.
Ông Thịnh dẫn dì Lin-da và tôi tới một căn phòng rộng, ổng vừa cười vừa nheo mắt nói với dì:
- Hai dì cháu ở đây nghe! Tôi ra kêu bồi vô coi hai bà cần gì. Tắm rửa cho mát, tụi này đã lo hết, sẽ có cơm tối liền.
Ông ta lại cười, rồi xoay qua tôi, ổng bẹo má tôi hỏi:
- Đói bụng chưa cô bé? Đi đường mệt không? Có đem theo đủ đồ lạnh không?
Tôi trả lời một cách lạnh lùng:
- Cám ơn ông, tôi đã lo đủ cả.
Bữa ăn tối lúc tám giờ. Một bàn tiệc với đầy đủ các món ăn Tây, Tàu và các loại rượu mạnh. Năm người đàn ông và năm người đàn bà ngồi quây quần xung quanh chiếc bàn tròn. Bên cạnh, một lò sưởi lớn, ánh lửa bập bùng.
Suốt bữa ăn, ông Thịnh ngồi kế bên tỏ ra rất lịch sự. Món ăn nào ổng cũng cho tôi thưởng thức trước.
Cuộc vui kéo dài tới khuya, mọi người đã ngà ngà say. Hơi men cùng với tiếng nhạc cuồng loạn trong khung trời giá lạnh miền cao nguyên đã làm cho những ông, bà kia bắt đầu buông trôi tất cả.
Tôi không hề uống một ngụm rượu nào nhưng cảm thấy chóng mặt quá chừng. Tôi xin với dì Lin-da cho tôi đi nghỉ, dì cười nói:
- Sao, con mệt à? Thịnh đâu, coi có chút gì cho Liên uống đi, nước ngọt nha Liên?
Chiều lòng dì và mọi người, tôi uống một ly nước ngọt cô-ca. Thịnh tự tay rót đầy ly đưa lên miệng tôi năn nỉ:
- Nào bé, uống đi cho khoẻ, đừng buồn nữa kẻo có người cũng buồn lây đó nghe cưng!
Tôi uống và nghe từng giọt nước thấm vô da thịt mát lạnh. Và tự dưng tôi thấy buồn ngủ lạ lùng. Dì Lin-da đã sắp sẵn giường ngủ, dì dìu tôi vô phòng nói:
- Con ngủ trước đi nghe! Lát nữa dì vô liền, phòng này đặc biệt của hai dì cháu mình đó.
Dì bước ra, không quên đặt một nụ hôn nơi trán tôi. Tôi không thích như vậy nhưng cũng không phản đối gì. Nếu đây là mẹ tôi thì thiệt là một điều sung sướng. Tôi bỗng nhớ mẹ xót xa.
Lạnh quá. Dì Lin-da đi rồi, tôi ngồi khơi mấy thanh củi nơi lò sưởi chờ cho người ấm lên. Tiếng nhạc và tiếng cười nói từ ngoài phòng ăn vọng vô khiến tôi rùng mình. Giữa những con người đó, tôi hoàn toàn xa lạ, lạc lõng. Họ đang ôm nhau quay cuồng theo điệu nhạc. Chắc họ sẽ tức cười cho tôi là không biết cách ăn chơi.
Tôi thay quần áo đi nằm. Một giấc ngủ mê mệt đến với tôi rất dễ dàng. Cho tới quá nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc. Một nỗi kinh hoàng lập tức ập tới khi tôi nhận ra mình đang là một thân xác loã lồ, không một mảnh vải che đậy, kế bên một thân xác cũng loã lồ như thế. Thôi rồi, tôi đã bị người ta cướp mất sự trinh trắng của đời con gái! Nào phải ai đâu? Chính là Thịnh, người đàn ông đã theo chiều chuộng và chăm sóc tôi ban chiều, bây giờ đang nằm không nhúc nhích. Tôi tự hỏi vì sao lại không hay biết gì về sự việc đã qua?
Và, lại chợt nhận ra, chính ly nước ngọt cô-ca!... Vậy là có sự sắp đặt của dì Lin-da! Nỗi đau và sự căm tức trào lên tận cổ, tôi hét lên tuyệt vọng:
- Trời ơi!
Tiếng than làm cho Thịnh giật mình chồm dậy. Tôi sợ hãi cuống quít ôm tấm mền chạy vô nhà tắm, nước mắt tuôn xuống như mưa. Tôi cài cửa. Không còn biết tiếng nước chảy nhiều hay ít, nóng hay lạnh... Tôi dìm mình qua tia nước từ vòi bông sen chảy xuống, với ý nghĩ xoá bỏ trên thân xác những phũ phàng mà người ta vừa trút lên đầu tôi.
Tôi như lịm đi trong nỗi đau tê tái. Bên ngoài, tiếng đập cửa dồn dập càng lúc càng mạnh. Tôi cảm thấy thấm lạnh. Toàn thân tôi run lên bần bật. Tôi nghe tiếng dì Lin-da nỉ non khóc than, tiếng réo gọi xin lỗi của Thịnh, sự uất ức lại ứ lên. Nhưng không hiểu vì sao tôi lại đưa tay lên then cửa. Cánh cửa vừa bật ra thì dì Lin-da chồm vô, ôm gọn tôi đang cuốn tròn trong tấm mền, tóc tôi ướt sũng. Dì Lin-da ẵm tôi đặt lên giường, hối Thịnh lấy dầu thoa bóp chân tay cho tôi khỏi lạnh.
Lúc này tôi như cái xác không hồn, mặc cho dì Lin-da và Thịnh xoắn xuýt bên cạnh. Hai mắt tôi mở thiệt to và những giọt nước mắt nóng hổi vẫn tiếp tục tuôn chảy dù tôi cố kiềm chế.
Bao nhiêu lời xin lỗi, bao nhiêu sự hứa hẹn đền bù. Dì Lin-da và Thịnh quỳ xuống trước mặt tôi như tín đồ quỳ dưới tượng thập giá. Tôi nhất quyết không nói gì, dù tôi hiểu lúc này tôi có thể tuôn ra trăm ngàn lời nhiếc mắng, xỉ vả cho vơi đi sự đau đớn. Tôi nghe như có vị cay đắng chẹn ngang cổ họng, không thể nào thốt được thành lời. Tôi không muốn ngó mặt hai người chút nào nữa, nhứt là dì Lin-da, con người mưu mô gạt tôi một cách hèn mạt.
Dì Lin-da bỗng nói giọng bỡn cợt:
- Thôi Thịnh xéo đi, trơ ra đó hoài à!
Thịnh ngoan ngoãn đi ra ngoài. Dì lấy quần áo hối tôi thay kẻo lạnh. Tôi nói với dì:
- Liên tin chắc mẹ Liên sẽ ngàn đời nhớ ơn dì, mặc dù mẹ đã chết.
Dì vừa khóc vừa nói giọng thiểu não:
- Dì xin con, tại dì hơi sơ suất, bây giờ chuyện đã lỡ rồi, dì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, con đừng khóc nữa.
Thấy tôi im lặng, dì nói tiếp:
- Thịnh thương con thiệt tình. Hiện tại chú ấy cũng chưa có vợ, mà chú ấy cũng chỉ hơn con có mười lăm tuổi, không đáng là bao. Dì mong cho con và Thịnh thành đôi...
Tôi nghe dì nói mà máu hận sôi lên, mặt tôi nóng bừng như có lửa đốt. Đúng là cái giọng lưỡi Tú Bà. Người ta đã cướp đi cả cuộc đời con gái của tôi, vậy mà dì còn uốn lưỡi tâng bốc đủ thứ. Tôi bực bội cắt ngang lời dì:
- Thôi dì đừng nói nữa, Liên mệt quá cần sự im lặng. Dì ra ngoài đi!
Dì Lin-da gượng cười năn nỉ:
- Đừng giận dì nghe Liên! Coi vậy chớ dì cũng thương Liên như mẹ Phượng của Liên, tự vì Liên mới ở gần nên chưa hiểu tánh dì đó thôi.
Dì hôn tôi một cái rồi lui ra. Tôi thấy ghê tởm nụ hôn của dì. Con người ấy sánh với mẹ tôi sao được. Nỗi buồn đau như đè nặng, vây bủa lấy tôi một cách tàn ác. Tôi cảm thấy cuộc đời đang sụp đổ trước mắt. Còn gì nữa đâu hỡi tuổi thơ và những trang sách học trò? Tôi đã mất, đã bị người ta cướp mất tất cả rồi!
Thịnh đột ngột bước vô phòng và ngó tôi bằng ánh mắt van xin, ổng nói:
- Liên tha tội cho anh. Tất cả là do dì Lin-da của Liên chủ mưu. Anh và bả đã cuộc nếu bả gài được em thì anh phải mất cho bả hai trăm năm mươi ngàn. Vậy là bả đã thắng. Khi tối đưa anh vô đây, bả còn nói giỡn: “Gả Liên cho Thịnh đó, ráng mà chiều Liên nghe!”. Rồi sau đó anh thấy trong người bần thần, thèm khát đàn bà lạ lùng. Sự việc gì xảy ra thì em đã hiểu.
Tôi giận quá nói gạt ngang:
- Thôi ông im đi cho, tôi không muốn nghe chuyện gì nữa cả. Ông cứ coi đây là một tai nạn đối với tôi, tôi không phiền trách ông.
Thịnh nói rất nhanh:
- Cho anh nói một vài câu để Liên hiểu anh. Từ nay em sẽ là vợ anh, dù rằng anh đã có vợ nhưng anh vẫn lo cho em...
Không thể nghe Thịnh nói hết câu, tôi hét lên uất ức:
- Thôi, thôi... tôi biểu ông im mà! Tôi sợ mấy người quá rồi. Tôi không cần mấy người lo gì cho tôi cả.
Dì Lin-da thấy to tiếng liền mở hé cửa kêu Thịnh ra ngoài, sợ tôi phát khùng. Thịnh làm theo lời dì nhưng còn cố nói thêm trước khi bước ra:
- Liên hãy suy nghĩ lại đi! Mong rằng em sẽ hiểu anh.
Cánh cửa đóng lại ngăn cách tôi với lũ quỷ bên ngoài. Bây giờ tôi mới cảm thấy căm thù Lin-da thấu xương tuỷ, hai trăm năm mươi ngàn! Mười sáu cô gái và tất cả các khoản thu hoạch khác của bar mẹ Phượng trong một đêm hên nhất cũng chưa bằng một nửa số tiền mụ Lin-da thu về chỉ trong một cú áp phe bán đời con gái của tôi!... Với số tiền đó mụ ta sẵn sàng bán lương tâm, nếu mụ có lương tâm, bán con gái đẻ, thậm chí bán cả mẹ mụ ta nữa, nếu Thịnh thích. Đau đớn thay, tôi lại không làm gì được họ để trả thù! Đâm chém thì tôi không có sức. Chửi bới hay nguyền rủa thì tôi không quen. Tôi chỉ còn muốn trốn thoát đi chốn nào đó cho thật nhanh để xa lánh ngay những bộ mặt ghê tởm của họ. Tôi mong cho trời mau sáng để đi khỏi nơi này. Sớm hôm sau, trên chuyến máy bay Đà Lạt - Sài Gòn tôi âm thầm ngồi trong lòng ghế, ngó qua lần kiếng ra khung trời đầy sương mù. Tiếng người chiêu tiếp viên báo hiệu “Máy bay sắp cất cánh, yêu cầu hành khách cột dây an toàn”, tôi vẫn thẫn thờ, mông lung với những suy nghĩ không đâu vô đâu cả. Rốt cuộc, người chiêu tiếp viên phải phụ tôi cột dây an toàn khi cô ta đi kiểm tra mọi hành khách. Tôi nghĩ tới ngoại và má tôi. Nỗi nhớ và sự xót xa cồn lên trong lòng, ý định trở về với má lại vụt tới. Tôi muốn có má bên tôi, má sẽ nâng tôi đứng dậy để không bao giờ tôi quỵ ngã nữa. Điều đó người mẹ có thể làm được lắm chớ? Nhưng lòng tự ái không cho phép tôi quá dễ dàng như vậy. Người dượng ghẻ sẽ khinh tôi và cả má tôi nữa. Thà rằng đừng bao giờ thấy lại mặt ổng cho xong... Tôi càng thấy tủi hổ, bẽ bàng trước định số. Cuộc đời tôi sẽ ra sao đây khi tôi không còn muốn trở lại nhà dì Lin-da?
Máy bay đang hạ dần độ cao. Tôi nhắm mắt lại, cố quên đi nỗi đau đớn đang giày vò tâm trí: Một mình vào đời, tôi đã bị xô ngã ngay từ bước đi đầu tiên...