Một kiếp lênh đênh - Chương 09 - Phần 1
Chương 9
Giải quyết xong với Lý, tôi hoàn toàn yên tâm đối với tình cảm mới của mình. Lần đầu tiên tôi yêu một người con trai Việt Nam bằng tình yêu chân thành nhứt. Hơn lúc nào hết tôi mơ ước một tổ ấm gia đình hạnh phúc. Tuân đến với tôi như một ngôi sao cứu khổ tuyệt vời. Tất cả những gì đã qua trong cuộc đời tôi, Tuân rất thông cảm và sẵn sàng làm ngơ. Anh đề nghị với tôi:
- Chuyện quá khứ của em, mình anh hiểu là đủ rồi, em không nên cho gia đình anh biết, anh không muốn ai coi thường em, em hiểu chớ?
Tôi đồng ý ngay. Tôi không ngờ Tuân tốt đến thế. Còn đòi hỏi gì hơn nữa, tôi hoàn toàn tin tưởng ở tình yêu của Tuân.
Sau khi gia đình Tuân vô Sài Gòn và tới gặp gia đình tôi, hai gia đình đã thống nhứt tổ chức đám cưới cho hai đứa. Hai bên họ hàng đều hoan hỉ mừng cho đôi vợ chồng trẻ đẹp duyên. Chiếc xe hoa trắng muốt một màu hoa trinh bạch dẫn tôi tới phòng hạnh phúc trước những cặp mắt háo hức của bao người.
Má tôi rất mừng thấy tôi đã có nơi có chốn. Bà còn chu đáo tới ngồi ở nhà tôi cả buổi để nhắc nhở, răn dạy tôi về bổn phận làm dâu và bổn phận làm vợ.
Người buồn nhất là cô Ba. Nói là buồn thì cũng không hoàn toàn đúng. Tôi hiểu cô rất thương tôi, muốn cho tôi có hạnh phúc, nhưng cô sẽ cô đơn, trống lạnh khi phải xa tôi. Về ở chung với tôi thì cô không chịu vì sợ làm phiền tới hai đứa tôi. Mẹ Tuân có cơ sở buôn vải ở Sài Gòn, sau khi chúng tôi cưới nhau, mẹ Tuân tặng cho hai đứa một căn nhà ở đường Phạm Ngũ Lão. Mỗi tháng bà vô Sài Gòn hai lần để mua bán hàng ở Chợ Lớn. Về kinh tế, nhà Tuân người nào cũng dư dả. Cái gia tài giàu sụ của bác ruột Tuân, sau này hai bác không còn, thì Tuân là người thừa kế. Tuân nói Tuân không lo cuộc sống bị thiếu thốn.
Cuộc sống vợ chồng những ngày đầu thật êm ấm. Tuân đi làm ngày hai buổi, sáng đi trưa về ăn cơm, nghỉ rồi lại đi. Tuân sống rất giản dị, không hút thuốc, không coi bài, không uống rượu và cả cách ăn mặc anh cũng không đua đòi. Sống với anh, tôi đã phải thay đổi hoàn toàn. Tôi quên xài tất cả các loại xa xỉ phẩm, đứng đắn trong những bộ bà ba hoặc áo dài.
Nếp sống của ngày xưa không còn nữa, nhưng tôi thấy vô cùng sung sướng, có lúc cứ tưởng như mình đang sống trong mơ vậy. Tuân không quá chiều tôi, anh coi tôi như một người bạn, người em. Tôi có thể trao đổi với anh mọi chuyện. Tôi cảm thấy mình có hạnh phúc thực sự vì mình được tôn trọng về mọi mặt. Tôi cũng không mướn người làm, mà tự tay làm lụng mọi việc trong nhà, lấy làm tự hào được chăm lo cho chồng, chờ chồng mỗi buổi đi làm về. Trân trọng những tình cảm của Tuân, tôi đã cắt đứt những quan hệ giao thiệp với bạn bè cùng làm ngày xưa vì tôi không muốn làm cho Tuân phải suy nghĩ buồn phiền...
Được chừng bảy tháng, tôi bắt đầu mang bầu. Sự mệt mỏi, nặng nề lại đến với tôi. Cái thai trong bụng cứ lớn dần và Tuân cũng bắt đầu vắng dần trong ngôi nhà hạnh phúc. Sự vắng mặt của Tuân ngày càng tăng lên, có lần tôi hỏi Tuân:
- Sao anh độ này đi hoài vậy?
Tuân bình tĩnh trả lời:
- Anh bận công việc trong sở.
- Sao em nghe nói anh làm việc theo giờ hành chánh?
- Bây giờ đổi rồi, không như trước nữa.
Tuân trả lời một cách tỉnh khô như vậy. Tôi sinh nghi nên bắt đầu để ý. Tuân thường lái xe của tôi đi trong những lần vắng nhà đó. Một bữa tôi xách giỏ đi chợ Sài Gòn. Từ trên xích lô bước xuống nơi cổng chợ, tôi chợt thấy một chiếc xe hơi vút nhẹ qua rồi đỗ lại cách nơi tôi đứng không xa lắm. Khi tôi nhận ra xe mình thì cánh cửa xe cũng vừa mở, một người đàn bà bước xuống tươi cười; còn người đàn ông trong xe chính là Tuân.
Tôi lặng người đứng vịn vô một cột hàng gần đó. Chừng mấy phút sau người đàn bà ôm ra một bọc trái cây, Tuân vội mở cửa xe và hai người cười với nhau rất tình tứ. Tôi giận tái người. Lòng tự trọng bị xúc phạm, tôi kêu xích lô về nhà luôn.
Buổi trưa hôm đó khi Tuân về nhà, tôi cố giữ vẻ bình thường như không hề hay biết gì về sự việc ban sáng. Tôi bảo Tuân:
- Chiều nay anh để xe ở nhà, em cần đi công chuyện.
Tuân ra vẻ sốt sắng nói:
- Em có bầu lái xe không tiện đâu, muốn đi đâu anh đưa đi.
Nỗi tự ái dâng lên nhưng tôi lại cười, cái cười không thành tiếng mà cay đắng:
- Lái xe có hại cho người có bầu, còn thấy chồng chở người đàn bà khác trên xe của mình không có hại phải không anh?
Tôi thấy mặt Tuân biến sắc nhưng anh kịp lấy lại bình tĩnh ngay và cười với tôi:
- Tưởng gì, sáng nay anh chở người đàn bà đi mua trái cây đó là vợ của một người bạn mà.
Tôi cười mỉa mai:
- Bạn anh coi dễ tánh đấy chớ, để cho vợ đi ăn sáng một mình với bạn. Hừ! Tây phương lắm, như ngoại quốc vậy.
Tôi cũng không hiểu tôi nói câu đó là do ghen hay tức nữa, vì từ trước tới nay tôi chưa gặp trường hợp này bao giờ. Cuộc sống của tôi ngày xưa đã hấp thụ nếp sống Tây phương rất nhiều nhưng từ khi làm vợ Tuân, tôi đã bỏ nó để trở về với nếp sống á Đông của mình. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm khi Tuân ngang nhiên ngoại tình trước mặt tôi.
Tuân ngó tôi nói nửa van xin nửa như bực tức:
- Thôi em! Chút nữa anh chở em tới bạn anh coi có phải vợ nó không?
Tôi gạt ngay:
- Mất công quá hà! Em còn nhiều việc phải làm hơn là đi tìm hiểu chuyện đó.
Tuân lắc đầu hỏi tôi:
- Em cần đi công việc gấp không? Mai anh đưa đi. Chiều nay anh phải đi Long Bình, đi xe hơi cho mau.
Tôi chợt nhận ra cái vẻ hơi bối rối trong câu nói của Tuân. Nhớ mấy bữa trước Tuân mượn tôi hai trăm ngàn, nói để làm vốn áp phe, tôi hỏi ngay:
- Còn vấn đề tiền làm vốn áp phe sao em không thấy lời mà vốn cũng mất luôn?
Tuân nói giọng không còn giữ được bình tĩnh:
- Thì đó, bị trễ mấy bữa anh đang rối trí nè. Tính đi Long Bình với thằng Linh chiều nay coi ra sao. Em đừng lo, tụi Tàu này nó không dám gạt anh đâu.
Nghe Tuân nói vậy, tôi vốn dễ tin nên tự dưng lại muốn cho qua tất cả, nghĩ rằng Tuân đã biết điều trong chuyện này.
Đùng một cái, tôi lại phải chứng kiến một cảnh tượng thật bất ngờ và đau lòng. Chả là tôi lòng vòng đi phố tính lựa vải may áo bầu mặc cho tiện. Cái tiệm vải tôi bước vô lại chính là nơi Tuân dẫn cô gái bữa trước tới mua đồ. Tôi nhận ra hai người ngay từ khi ngó sang nơi để hàng nội hoá của tiệm. Còn Tuân vô tình đứng quay lưng lại nên không thấy tôi. Cơn giận lại trào lên nhưng tôi cố trấn tĩnh, bước lại gần để nghe rõ coi họ nói với nhau những gì. Cô gái kia cầm xấp vải Tuân đưa ướm lên người và nói giọng nhõng nhẽo:
- Màu này em thích nhưng anh coi có hợp với em không?
Nghe vậy tôi đang sôi máu lại thấy tức cười vì tôi biết Tuân rất ngây thơ về vấn đề mỹ thuật. Tuân ngắm qua ngắm lại màu vải rồi nói:
- Đẹp đó, em kêu họ cắt cho, lựa thêm ít nữa, hình như em ít có áo dài.
Cô gái mỉm cười vẻ thẹn thùng nhưng qua ánh mắt tôi hiểu cô ta đang hãnh diện vì bắt được một thằng kép ngọt. Lúc này mặt tôi nóng ran, tôi không còn đủ can đảm để ngó lâu cảnh tượng đang diễn ra nữa, tôi lên tiếng mỉa mai:
- Xin lỗi, ông trung uý đưa bà đi mua vải sớm quá...
Tuân giật bắn người quay lại ngó tôi với ánh mắt lo sợ: có lẽ mặt tôi bị tái đi vì tức. Tuân nói hấp tấp:
- Liên đi đâu mà vô đây? Thôi đừng nói lớn nghe, muốn nói gì về nhà nói.
Tôi nhếch miệng cười:
- Anh yên tâm, tôi có dư lịch sự vì tôi không phải là người quá tầm thường như anh.
Tôi xoay qua nói với cô gái:
- Mời cô đi với Tuân và tôi ra quán nước nói chuyện.
Tuân đưa mắt ra hiệu cho cô gái đi theo ra bên nhà hàng Thanh Thế. Ba người với ba li nước ngọt trước mặt. Tôi đã nói rất nhiều với Tuân và cô gái. Cũng không còn nhớ là mình đã nói những gì hôm đó nữa, chỉ nhớ rõ là khi chia tay, Tuân bảo cần cho Tuân có thời gian để dứt khoát vì Tuyết là người tình của Tuân từ khi Tuân chưa lấy tôi.
Còn Tuyết, cô ta khóc rất nhiều. Cô ta kể với tôi rằng ngày trước yêu Tuân nhưng vì hai đứa nghèo quá mà dự tính không thành. Gần đây thấy Tuân vắng nhà, sau một thời gian Tuân về, Tuân đã thay đổi từ vật chất đến tâm hồn. Tuân nói Tuân có nhiều tiền và có cho Tuyết một trăm ngàn để mua sắm máy may, sắm tủ và giường trong gia đình.
Im lặng một lát rồi cô ta nói:
- Thực sự tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ tôi là vợ Tuân. Mới gần hai tuần nay Tuân về thăm bà ngoại và em tôi, Tuân cho biết là ảnh đi công tác bên Lào mới về. Tôi tin tưởng lắm. Tôi chỉ là một cô thợ may, đi may mướn. Nhờ Tuân cho tiền tôi mới mua được máy may và sắm ít đồ trong nhà. Giờ gặp cô tôi mới biết sự thật, mặc dù cô đến sau nhưng cô là vợ và nếu tôi không lầm thì cô đang có bầu.
Thế là rõ cả. Tuân đã lấy tiền của tôi để cho Tuyết. Tôi thấy đau nhói ở trong tim. Lòng tin và biết ơn Tuân đã đưa tôi ra khỏi bùn nhơ, giờ đây chỉ còn là sự đau đớn và thất vọng. Thương cho đứa con đang thành hình trong bụng, tôi phải cố nén nỗi đau để khỏi bật thành tiếng khóc.
Không muốn ngồi lại để phải nghe thêm nữa những điều đáng ghét ấy, tôi kêu Tuân trả chìa khoá xe để về. Tuân xin cho Tuân được chở Tuyết về và tôi cùng đi đến nhà Tuyết để chứng tỏ Tuân sẽ dứt khoát với Tuyết.
Tuân và Tuyết nài nỉ hoài, tôi chịu cùng đi tới nhà Tuyết.
Tuyết ở với bà ngoại, một cậu em trai và một đứa con riêng bốn tuổi trong xóm bình dân ở Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận. Căn nhà nhỏ nền đất, thiếu mọi tiện nghi. Tôi quan sát thấy một chiếc giường nệm mới, tấm màn gió mới... kể như tất cả đều mới, luôn cả chiếc quạt máy.
Ngắm những thứ đó tôi càng thấy chua chát khi tiền của mình, mặc dù số tiền đó đối với tôi không quá nhiều, đã bị Tuân lừa gạt để sắm cho người tình của anh.
Bà ngoại Tuyết rất già, khi tôi tới bà đang ngồi chơi với cháu, một vài thứ đồ chơi bằng nỉ rẻ tiền.
Tuyết tỏ ra hoạt bát mời tôi ngồi và nói:
- Liên thấy tôi nghèo không? Nếu Tuân không cho tiền, ngày xưa Liên bước vô còn tệ hơn nhiều, không có một chiếc ghế để ngồi!
Tôi để ý tới đứa bé bốn tuổi con riêng của Tuyết, nó không giống cô ta. Thấy Tuân nó chạy lại giơ tay đòi ẵm. Tuân ngó tôi vẻ bối rối, tôi phải quay đi để cho Tuân được tự nhiên.
Thấy bà ngoại Tuyết, tự dưng tôi lại nhớ tới ngoại tôi ở nhà. Tôi nghĩ nếu ngoại Tuyết hiểu được sự thật này, liệu lòng già có chịu đựng nổi cái sự đau đớn, bẽ bàng cho đứa cháu gái không?
ý nghĩ đó làm lòng tôi dịu lại, bao nhiêu dự định sẽ nói khi tới đây đều tan biến hết. Tôi bảo với Tuyết:
- Chiều nay Tuân rước chị lại đằng tôi, tôi sẽ nói chuyện.
Nói rồi tôi ra xe lái về, mặc cho Tuân đứng ngó theo vẻ bực tức. Tôi về tới nhà được chừng mười phút thì Tuân cũng đi taxi về. Một cuộc nói chuyện giữa tôi và Tuân về vụ cô Tuyết đó. Tuân hứa sẽ quên tất cả, kể như số tiền vừa qua là giúp cho Tuyết có một cuộc sống mới.
Buổi chiều Tuyết tới với đứa con. Tuyết nói chuyện rất lâu về hoàn cảnh gia đình và nghề may thuê. Tôi để cho Tuyết tự quyết định tình cảm giữa Tuân và Tuyết. Tuyết hứa sẽ quên Tuân và coi tôi như bạn. Tôi nói với Tuyết:
- Nghĩ tới hoàn cảnh của chị, tôi cũng không vui gì khi Tuân và chị xa nhau. Nhưng chị nên hiểu giữa tôi và Tuân còn có một sự gắn liền về lễ giáo, vì thế chị đừng nghĩ là tôi hẹp hòi.
Từ bữa đó thấy êm không có chuyện gì, tôi và Tuyết cũng đã thông cảm, coi nhau như bạn. Tôi đã giúp đỡ Tuyết rất nhiều cho đến khi Tuyết lấy chồng.
Tháng 5 năm 1969, tôi sanh một đứa con trai. Tuân rất mừng, tin cho gia đình biết. Bà nội Tuân viết thơ vô muốn tôi về Quy Nhơn chơi ít bữa để bà vui với cháu bé. Cả dòng họ Tuân ai cũng mừng vì họ rất thích có một đứa cháu trai.
Ông bác Tuân từ Quy Nhơn vô quyết định đặt tên cho cháu là Phan Hữu Quân. Theo yêu cầu của gia đình Tuân, tôi đem con về Quy Nhơn với một niềm hãnh diện vì đứa bé rất dễ thương. Bữa đi Tuân hẹn cho tôi đi một tháng và tới khi gần hết tháng Tuân sẽ về thăm gia đình và đón hai mẹ con luôn. Tuân dặn tôi trước lúc đi:
- Em về ngoài đó, giữ ý tứ nghe em, gia đình theo xưa khó lắm, ăn nói gì cũng phải tuỳ lúc nhưng anh tin là em sẽ làm được.
Tôi cũng dặn lại Tuân:
- ở nhà anh lo coi nhà cửa cẩn thận, có đi đâu gởi lối xóm. Em có nhờ bác Thu nấu cơm cho anh bên bả. Thường ngày có gì thay đổi viết thơ ra cho em.
Tuân hứa hẹn rất chân tình. Tôi hoàn toàn yên tâm trên chuyến máy bay về quê chồng. Lúc này chỉ còn bé Quân với niềm vui làm mẹ xâm chiếm lòng tôi.
Gia đình Tuân đã chuẩn bị rất chu đáo để đón hai mẹ con tôi. Một căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ dành cho hai mẹ con. Tôi được bà nội và hai bác Tuân rất thương và cưng chiều. Mẹ Tuân ở cùng một con đường ngang chợ Bình Định, bà thường buôn bán vải sỉ cho các con buôn.
Hai bác của Tuân bán phụ tùng xe máy, máy bơm nước, máy điện và đủ mọi dụng cụ cho nghề nông.
Tôi không rành những công việc đó nên hàng ngày chỉ ăn rồi chơi với con. Tuần lễ đầu mấy cô chú giành nhau giữ bé Quân để tôi có dịp đi chơi ngắm những nơi có phong cảnh đẹp. Bỗng một hôm bác gái hớt hải nói với tôi:
- Liên hãy về ngay Sài Gòn để giải quyết vụ thằng Tuân đem một con khác về nhà mình ở.
Tôi không tin lời bác gái, cho đó là bà thích chọc tôi thử coi. Bác trai thì bảo tôi:
- Thây kệ nó muốn làm gì thì làm, con về đây ở luôn với nội và hai bác. Rồi con coi sóc cửa hàng, lúc này bác già rồi mệt mỏi quá, còn bác gái mày bà ấy cũng yếu luôn.
Tôi rất cảm động trước những lời nói của bác nhưng cuộc sống ở đây thật không hợp với tôi chút nào. Tôi thấy nó gò bó khó chịu làm sao ấy. Nào ăn uống cũng phải giữ ý, phải đi trình, về thưa... không được tự do như ở Sài Gòn, buổi sáng dù không làm gì cũng phải thức dậy thiệt sớm.
Bé Quân tuy được cưng chiều nhưng thằng bé phát ốm vì một ngày thay không biết bao nhiêu bộ đồ, rồi lúc người này bế, lúc người khác ẵm, nó không có một giấc ngủ đẫy giấc. ở Sài Gòn quen nằm sàn gạch lau bóng láng dưới ánh điện nê-ông. ở đây điện chạy máy có giờ, cứ đến khi đốt đèn dầu là nó lại khóc, phải đặt nó nằm trên võng và thay nhau đưa cho nó ngủ...
Tôi muốn trở về Sài Gòn nhưng sợ bà nội Tuân giận, vì Tuân đã hứa cho tôi về một tháng. Buồn, chán và thương con nhưng tôi không biết làm sao được.
Rồi cũng tới cái ngày mong đợi đó. Tôi tính đến hôm đó là hai mươi bảy ngày. Có tin báo Tuân đi máy bay về. Tôi đi xe Toyota của bác ra phi trường đón Tuân.
Khi gặp nhau tôi rất ngạc nhiên về sự thay đổi của Tuân sau hai mươi bảy ngày xa cách. Tuân ăn mặc thiệt sang, xài toàn đồ nhập cảng mắc tiền. Tôi càng bất ngờ khi Tuân ôm hôn tôi. Từ khi quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau Tuân chưa bao giờ ôm hôn vợ trước đám đông, thậm chí đi ra ngoài đường cũng đứa đi trước, đứa đi sau, thế mà hôm nay Tuân vừa bước xuống sân bay gặp tôi ôm và hôn như Tây. Tuân lại còn xài dầu thơm loại rất mắc tiền dành cho phái nam. Tôi ngó Tuân qua đường nét đổi thay khác xa với hơn hai chục ngày về trước. Tuân chắc cũng đoán được tâm trạng tôi nên hỏi:
- Em ngạc nhiên về sự thay đổi của anh?
Tôi mỉm cười gật đầu. Tuân cười rất tươi nói:
- Tất cả đều do thằng trung uý Thanh, nó biểu anh: vợ mày quá trẻ, mày phải sửa soạn lại cho hợp với vợ mày.
Tuân nắm tay tôi dắt lại phía xe và nói vui vẻ:
- Em thấy sao, có hợp với em không? Mà sao em không dùng son?
Câu hỏi của Tuân càng làm cho tôi sửng sốt. Tôi không biết là mình mơ hay tỉnh nữa, tôi đã suy nghĩ rất nhiều từ khi gặp lại Tuân. Nhưng không dám nói vì sợ Tuân buồn và tự ái. Gia đình Tuân thì tưởng xưa nay ở Sài Gòn Tuân vẫn ăn mặc vậy không ai để ý.