Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 07 - 08

TRONG PHÒNG HÓA HỌC

Nhờ sự chăm nom chu đáo của thầy Vaxili Vaxilievich mà phòng hóa học của trường được trang bị đầy đủ. Bên trái, dọc theo tường kê những chiếc tủ, nơi đựng những dụng cụ làm thí nghiệm. Phần trên của cái tủ sau lớp kính ta thấy vô số lọ to, lọ bé giống như các bình thủy tinh đựng các chất muối hóa học ở hiệu thuốc. Trong góc kê một chiếc tủ đặc biệt, có vòi bên ngoài. Cạnh đó là vòi nước và một cái chậu chứa nước to. Sau bàn giáo viên, cũng như mọi nơi, có treo một cái bảng đen. Trên tường treo đủ các loại sơ đồ, trong đó bảng tuần hoàn của Mendeleev và chân dung của ông chiếm một vị trí quan trọng.

Thầy Vaxili Vaxilievich vóc người không cao, gầy, tóc đã bạc trắng. Thầy làm việc ở trường đã nhiều năm. Thầy thường mặc bộ quần áo đã cũ nhưng được chải và là cẩn thận. Mỗi lúc đi từ phòng hóa học về phòng giáo viên, lưng thầy hơi gù và chân hơi nhún nhảy mỗi khi bước.

Đó là một người có tấm lòng vô cùng đôn hậu. Không có một học sinh nào có thể nhớ ra là đã có lúc nào đó, thầy có nhận xét gay gắt về ai, hoặc có lúc nào thầy cáu giận.

Nếu trong khi làm thí nghiệm có em nào quên đóng nút bình a xít, thầy vẫy gọi em ấy đến và nhẹ nhàng nói:

- Em đã vi phạm nội...

- Quy! - Có học sinh nói nốt.

- Điều gì nào? Em thử đoán xem.

- Quên đóng bình a xít ạ.

- Hoàn toàn đúng! Đề nghị em hãy ghi nhớ!

Thầy nắm chắc môn học mình dạy, rất yêu nghề và có lẽ cũng vì thế mà các học sinh của thầy cũng rất thích môn hóa. Mỗi khi thầy Vaxili Vaxilievich giảng bài, các em tiếp thu được biết bao điều mới lạ, mà hằng ngày vẫn gặp phải trong sinh hoạt, nhưng không ngờ rằng nó lại có liên quan đến hóa học. Tại sao lại không được chải đồ len bằng chất kiềm? Làm thế nào để tẩy sạch những vết mỡ trên vải? Làm thế nào để rửa sạch cặn đóng trong ấm đun nước.

Mỗi khi gọi một học sinh nào lên bảng hoặc khi hướng dẫn các em kém làm thí nghiệm, thầy thường rất say sưa nên hoàn toàn không để ý gì đến những em khác. Nhưng các em nữ sinh không bao giờ lạm dụng lòng tốt của thầy, và nếu có em nào quên định mở mồm nói chuyện thì cũng bị các bạn giật gấu áo nhắc nhở. Vội vàng đến phòng hóa học, Catia dặn trước:

- Nhớ là bước vào phòng hóa học thì lập tức tống những thứ vừa rồi ra khỏi đầu nhé! Nếu không thì tôi sẽ cho các “ngài luật sư” biết tay! Nghe chưa, Nadia?

- Cái gì cơ?

- Có nghe thấy tôi vừa nói gì không? Trong giờ ra chơi, bạn sẽ nói tiếp nhé.

- Sao bạn lại cứ bám lấy tôi thế này? - Nadia cáu kỉnh. - Mọi người đều nói chứ riêng gì tôi đâu.

Thầy Vaxili Vaxilievich ngồi sau bàn giáo viên, mắt đeo đôi kính lão trễ xuống mũi, đang giở sổ điểm.

- Các em ngồi xuống! - Thầy giáo mỉm cười nói. Khi tất cả mọi người ngồi xuống rồi, thầy gọi Clara lên bảng.

- Em hãy viết cho tôi công thức của vòng pa-ra... phin! - Clara tiếp lời thầy.

- Đúng rồi! Trong vòng có chứa ba, bốn, năm, sáu, bảy phân tử gì?

- Cacbon.

- Rất tốt! Và em đừng... vội vàng nhé.

Clara đi lại gần bảng lấy phấn viết công thức.

- Loghinova Raia lên bảng! - Thầy giáo tiếp tục. - Em hãy kể cho tôi nghe những gì em biết về dầu hỏa.

Trong khi Raia và Clara trả lời, Catia cáu kỉnh nhìn các bạn đang tiếp tục cuộc tranh luận đã bắt đầu ban nãy ở lớp. Mấy lần cô giơ nắm đấm lên dọa các bạn đang thì thầm. Bằng mọi cách cô muốn bắt các bạn chấm dứt ngay tiếng thì thầm đó đi, nhưng các bạn lại bắt đầu viết cho nhau.

Nadia tò mò viết cho Nina Sarina:

- Nina, hãy viết cho mình nhé, có đúng là anh ta nhảy xuống vực thật không? Và sau đó thế nào nữa. Mình sẽ không nói với ai cả!

Nina Sarina viết trả lời ngay ở tờ giấy đó:

“Có nhảy, nhưng may thay là không bị chết. Sau đó anh ta căm thù cô kia lắm.”

Tờ giấy được truyền tay qua những người khác và ai đó đã gạch dưới chữa “căm thù” và viết thêm vào “Phải thế mới đúng!”

Lại một tờ giấy khác được xé ra khỏi vở và truyền tay nhau.

“Tôi đã đọc ở đâu đó, người ta nói rằng tình yêu và tình bạn đi trên đường đời với đôi môi ngậm kín và chiếc mạng che mặt. Không một người nào nào có thể nói rằng họ yêu như thế nào. Họ chỉ có thể cảm giác được nó.”

Người nào đó trong số những người chuyển tờ giấy viết ý mình vào:

“Ai nói thật chí lí! Tình cảm không có lời để nói.”

Nina Cosinscaia với nét chữ li ti viết:

“Các bạn ơi, các bạn viết về tình yêu. Nhưng theo mình đó không phải là điều chính... Tình bạn - đó cũng là tình yêu. Tình cảm nào mãnh liệt hơn? Có thể thân với một bạn trai được không?”

“Tình bạn và tình yêu - đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có thể yêu nhưng không thân. Có thể thân nhưng lại không yêu.”

“Chỉ nói bậy! Tình bạn - đó cũng là một thứ tình yêu. Có thể thân với một bạn trai cũng được, nhưng phải cùng chung một chí hướng và có quan điểm về cuộc sống giống nhau.”

“Vấn đề tình bạn là một vấn đề rất lí thú. Hãy trả lời xem các bạn gái có thể thân với nhau bao lâu? Theo tôi thì chỉ đến lúc hai người bắt đầu có một cuộc tranh luận đứng đắn.”

“Nếu trong đầu các bạn gái là một khoảng không gian trống rỗng thì họ sẽ chia tay nhau vì một lí do không đâu, nhưng nếu trong đầu họ là khối óc thì họ thân nhau cho đến chết... Theo tôi, có thể thân với ai đó mà không cần coi trọng tuổi tác, hình thức cũng như khác giới. Để có thể thân nhau một cách thật sự, cần phải nghĩ ít về quyền lợi của bản thân mình. Những kẻ ích kỉ - thường là những người bạn tồi. Hết!”

Jenia viết dấu chấm than mạnh đến nỗi làm rách cả giấy.

“Tình yêu - đó là tình bạn lớn.”

“Tôi tán thành ý kiến Jenia là những kẻ ích kỉ không có bạn thân. Tình bạn đòi hỏi sự hi sinh, để bảo vệ tình bạn, người ta có thể làm bất cứ việc gì.”

“Thử hỏi: Tình bạn giữa hai cô gái có còn đứng vững không nếu hai cô cùng thích một anh thanh niên nào đó?”

“Không!”

“Một tình bạn thật sự vẫn đứng vững. Chính bởi đó là một tình bạn thật sự.”

“Thế hai người sẽ làm gì? Bắt thăm à?”

“Chớ có quên sự ghen tuông đấy!”

“Cần phải lấy thí dụ từ cuộc sống.”

“Chấm dứt ngay, không được viết nữa và nghe thầy giảng bài”

Catia viết dòng cuối cùng, suy nghĩ một lúc rồi giữ luôn tờ giấy. Nhưng các bạn vẫn tiếp tục viết cho nhau.

“Ania, bạn là người bạn duy nhất của tôi. Nào, ta hãy cho mọi người biết là con gái cũng biết chơi thân với nhau không kém gì con trai.”

Ania Alechxeeva đọc xong, ngoái cổ lại nhìn Nadia Erefeeva, mắt long lanh, cô gật đầu mấy cái liền.

Raia Loghinova và Clara Kholopoeva đã trả lời xong và về chỗ.

Thầy gọi Larisa Trikhonova lên bảng và Ania Alechxeeva lên bàn giáo viên. Catia không biết các bạn đã lấy mất tờ giấy trao đổi ý kiến từ lúc nào và truyền cho Raia và Larisa.

Hai cô này chú ý đọc hết những ý kiến trong tờ giấy và ghi vào đó ý kiến của mình:

“Một tình bạn thực sự, giống như tình yêu thực sự rất hiếm có. Không phải ai cũng có diễm phúc có nó.”

“Có thể có tình bạn giữa con trai và con gái. Rất đáng tiếc là một số các bậc cha mẹ gọi đó là “chàng vệ sĩ và công nương.” Tại sao họ lại có những ý nghĩ xấu như vậy nhỉ?”

Gần cuối giờ học, Catia lại một lần nữa giật lấy tờ giấy và giấu kín vào cặp sách.

BỨC BIẾM HỌA THÂN THIỆN

Cô Marina Leopoldovna hoặc như các học sinh gọi sau lưng là Marina[10] tiến hành bài giảng cơ bản bằng tiếng Đức và đòi hỏi học sinh cũng phải trả lời bằng tiếng Đức. Cô giáo cho rằng những học sinh lớp 10 cần phải nắm vững ngoại ngữ và sử dụng thông thạo.

[10] Gọi người lớn chỉ bằng tên thôi, là khi có quan hệ thân mật trong gia đình hoặc có ý coi thường, thiếu lễ độ - ở đây vừa thân mật vừa coi thường.

Để trở thành học trò cưng của cô Marina Leopoldovna chỉ cần giả vờ không nhìn thấy cô giáo, và cứ nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức. Mánh khóe đó được tất cả học sinh lớp 10 áp dụng trong mọi trường hợp và có một hôm đến phiên trực của cô Marina Leopoldovna, cả lớp tổ chức một buổi thảo luận sôi nổi. Cô giáo đến gần lớp xem thử tại sao ồn, thì cô nghe thấy các em tranh luận với nhau bằng tiếng Đức. Vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng, cô rón rén rời khỏi nơi đó để các em tiếp tục việc thực tập tiếng được tự nhiên. Từ đó lớp 10 trở thành lớp cưng của cô giáo.

Trước kia, cô giáo bàng quan với cuộc sống riêng của từng em học sinh và ít quan tâm đến công việc của lớp. Nhưng sau trường hợp kể trên cô trở nên quá nhiệt tình, theo lời các em học sinh nói “quan tâm quá mức đến mọi việc” ngay cả khi không ai cần hỏi đến cô.

Sau khi cô Zanaida Dmitrievna chuyển đi, cô Marina Leopoldovna không biết vì sao, nhưng tin chắc rằng người ta sẽ trao cho cô làm cô giáo chủ nhiệm lớp mà cô cưng nhất và nóng lòng chờ đợi điều đó.

Sự xuất hiện của thầy Constantin Sergheevich và việc bố trí thầy làm giáo viên chủ nhiệm lớp 10 là một đòn đánh mạnh vào lòng tự ái của cô Marina Leopoldovna. Cô cho rằng đây là sự ác cảm riêng của bà hiệu trưởng đối với cô, vì thế mà ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên với thầy giáo mới, cô đã không ưa thầy.

Giờ Đức văn bắt đầu như thường lệ từ khâu hỏi bài. Nina Sarina bị gọi lên bảng. Em đang phân tích sự nghiệp sáng tác của Hainơ - nhà thờ Đức nổi tiếng, người hơi đu đưa qua lại, mắt nhìn xuống sàn nhà.

- Đủ rồi! Ngồi xuống. Tôi cho em điểm bốn. - Cô Marina Leopoldovna nói bằng tiếng Đức.

Nina tròn xoe mắt, tay đặt lên ngực, thở phào nhẹ nhõm.

- Rita Krưlova! - Cô giáo gọi và đi nhanh về phía cuối lớp. Trong nháy mắt, tờ giấy mà các bạn đang cố nhịn cười và chuyền cho nhau xem, vừa đến chỗ Nadia đã nằm gọn trong tay cô giáo.

Cô giáo đi nhanh về bàn, liếc nhìn người học sinh đang đỏ mặt vì xấu hổ, quay sang nói với Rita bằng tiếng Đức.

- Em hãy viết cho tôi câu phức không có liên từ...

Rita quay lưng lại và sau một phút, trong sự im lặng tuyệt đối, tiếng phấn ấn xuống bảng kêu kin kít. Marina Leopoldovna ngồi xuống và đặt trước mặt tờ giấy vừa tịch thu được.

Đó là một bức biếm họa. Một người đàn ông quá gầy gò, cao lênh khênh với khuôn mặt dữ tợn đang vung gậy chỉ vào ba cô gái đang quỳ dưới đất. Trên chiếc gậy có đề: “Tự giáo dục.” Thoạt nhìn cô Marina đã nhận ra ngay thầy giáo mới. Ai đã vẽ thật là giống. Trông ba cô gái rất dễ nhận ra là Catia Ivanova, Jenia Smirnova và Tamara Krapchenco.

- Nadia, thế này nghĩa là thế nào? - Cô Marina Leopoldovna hỏi bằng tiếng Nga.

Nadia đứng dậy, mắt nhìn xuống đất, im lặng.

- Chị trả lời ngay! Thế nghĩa là thế nào?

- Thưa cô... đó là... bức biếm họa thân thiện ạ.

- Thế bức biếm họa này thì có dính dáng gì đến giờ Đức văn?

Nadia nhướngg lông mày và nháy mắt lia lịa vì ngạc nhiên.

- Sao lại tiếng Đức ạ?... Thưa cô, em có nói gì dính dáng đến tiếng Đức đâu ạ.

- Thôi đi, chị đừng có giả vờ không hiểu nữa!

Đối với những học sinh cũ, cô Marina Leopoldovna vẫn gọi là “em” và gọi tên để tỏ sự thân mật. Đối với các em mới vào trường học sau chiến tranh thì cô gọi bằng chị và gọi họ. Cô giáo biết Nadia Erefeeva từ hồi học lớp năm. Hôm nay cô lại gọi Nadia bằng “chị,” chứng tỏ là cô giáo bực tức đến tột độ và sẽ có những hậu quả không lấy gì làm thú vị lắm chờ đợi Nadia.

Jenia Smirnova không kìm được nữa.

- Thưa cô, bạn Nadia không có lỗi ạ. Bức kí họa để cho báo tường đấy ạ. Em đã đưa cho Nadia xem. Em xin lỗi cô... - Jenia khó khăn lắm mới chọn được từ để nói bằng tiếng Đức.

- Càng không hay cho em. Tiện đây, tôi nghe nói em cùng Catia và Tamara được trao nhiệm vụ giáo dục lớp này có phải không? - Cô giáo nói, - Thì cứ giáo dục đi! Nhưng xin các em tránh cho kiểu... dùng quả đấm để đàn áp nhé... Đánh bốc là môn thể thao của nam giới.

Câu cuối cùng làm cho cả lớp ngạc nhiên. Rita giật mình đánh rơi cả phấn. Marina Leopoldovna đưa mắt nhìn Ania Alechxeeva nhưng cô không nói gì thêm.

Khi giờ học kết thúc, Nadia đuổi theo cô giáo ở hành lang để xin lại cô bức vẽ.

- Em sẽ nhận lại bức kí họa nhưng không phải ở tôi! - Cô Marina Leopoldovna trả lời một cách lạnh lùng.

Trong phòng giáo viên chật ních, Constantin Sergheevich có cảm giác sự chật chội đó do đồ đạc và vô số bàn ghế trong phòng gây nên. Từ sáng sớm những chiếc ghế đã đĩnh đạc đứng vây quanh chiếc bàn dài phủ dạ xanh. Khi giáo viên đến thì những chiếc ghế bắt đầu du ngoạn và chắn hết các lối đi. Trên bàn cũng trở nên chật chội vì những chiếc cặp, những túi xách, những đống sách vở ngổn ngang. Cả những chiếc tủ được kê sát vào nhau cũng bị những chiếc bản đồ cuộn tròn nhét xen vào giữa, càng gây cảm giác chật chội. Chỉ có một bên tường tương đối thoáng đãng. Cạnh đó có kê một chiếc đi văng, bên trên là tờ báo tường và một tấm bản với vô số thông báo.

Đại đa số giáo viên sau giờ lên lớp tụ tập về đây. Constantin Sergheevich để ý lắng nghe những câu chuyện họ trao đổi với nhau, tìm hiểu những bạn đồng nghiệp của mình. Hôm qua bà trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna đã giới thiệu anh với hội đồng giáo viên. Họ đã tiếp nhận anh vào như một thành viên bình đẳng với mọi người trong tập thể, còn tất cả những cái khác sẽ phụ thuộc ở chính bản thân anh mà thôi.

- Thế còn tôi, tôi biết làm gì với một vị phụ huynh như thế? - Constantin Sergheevich nghe thấy giọng một cô giáo kể, - Tôi mời ông bố đến vì con gái ông đã nhận hàng loạt điểm hai, nhưng ông lại tỏ ra bất lực. “Tôi không hiểu, ông nói - tại sao nó lại không học được? Không có cái gì nó muốn mà không được cả? Cần có xe đạp? Sẵn sàng! Tôi không thể hiểu nổi tại sao nó lại không học được?” - Cô giáo bắt chước người bố đưa hai tay ra, dáng bất lực. Nghe cô kể chuyện, hầu như ai cũng buồn cười.

- Cũng không có gì đáng buồn cười lắm! - Thầy Vaxili Vaxilievich nói với nụ cười như có lỗi.

- Dĩ nhiên là buồn cười quá đi chứ! Sao nó lại không học được? Cứ bỏ từ “Không” đi, thì ông ta sẽ có câu trả lời! - Cô Natalia Nicolaevna gần như vui mừng nói.

Thầy Vaxili Vaxilievich nhìn cô giáo trẻ dạy môn tâm lí học mới ra trường khoảng một năm nay có vẻ trách móc.

- Riêng tôi nghĩ điều đó thật đáng buồn... Thật đáng buồn, bởi vì thường thường bọn ăn bám và lười biếng còn có tác động xấu đối với các em học sinh yêu lao động nữa, - ông phản đối cũng với nụ cười như có lỗi trên môi.

- Vâng, ở lớp nào cũng có những học sinh như vậy - cô Anna Vaxilievna nhận xét. - Hôm qua tôi cũng có nói chuyện với một bà mẹ. Cả một tiếng đồng hồ bà chứng minh với tôi là con gái bà là một cô bé đặc biệt: rất nóng tính, rất nhạy cảm! Và nếu bắt cô ta rèn luyện ý chí thì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh...

- Thực ra thì sao?

- Đó là một cô gái bình thường như mọi người. Rất hiếu động, hay gây gổ, còn sức khỏe của cô ta thì ai cũng có thể ghen tị với cô được!

- Các đồng chí! Thế còn chúng ta có thể nói gì được với những bậc cha mẹ, với những gia đình có thói quen đánh giá điểm bằng tiền? - Cô Doia Petrovna hỏi.

- Cô con gái cưng nhận được điểm năm - thưởng cho năm rúp. Điểm bốn - ba rúp. Điểm ba - không thưởng gì. Họ gọi đó là sự khuyến khích tích cực. Họ còn nói với tôi rằng biện pháp đó đã giúp con gái họ học ngày càng tốt hơn, và tôi không tài nào thuyết phục họ, làm cho họ hiểu rằng chính họ đã giáo dục nên một con người tham lam, ích kỉ.

- Cô bé sẽ làm cho họ hiểu khi cô lớn lên, - có người nào đó nói xen vào.

- Vâng... nhưng lúc đó thì đã muộn quá rồi!

Cô Marina Leopoldovna bước vào phòng giáo viên. Cô lấy từ trong quyển sổ điểm ra bức biếm họa và phàn nàn khá to để mọi người đều nghe rõ.

- Tôi thật ngạc nhiên vì sự thay đổi đột ngột của lớp học này!

Cho sổ điểm vào chỗ cũ, cô dang rộng tay ra đặt bức biếm họa lên bàn.

- Anh Constantin Sergheevich, xin mời anh thưởng thức, - cô bực tức nói.

Anna Vaxilievna ngồi gần đấy, ghé sát bức họa, đôi lông mày của cô nhướngg lên ngạc nhiên. Đôi môi cô khẽ giật, cố giữ cho nụ cười khỏi bật lên.

- Đây là tác phẩm của Tamara? - Cô hỏi.

- Tôi lấy được ở Nadia.

Constantin Sergheevich đến cạnh bàn đưa tay cầm bức họa. Trong khoảnh khắc nào đó phòng giáo viên trở nên im lặng, chờ đợi. Tất cả những người có mặt đều biết, nếu Marina Leopoldovna đã nổi giận thì ắt là có chuyện, và họ đang nóng lòng chờ đợi xem việc gì sẽ xảy ra.

Thầy giáo đột nhiên bật cười. Cái cười của anh thật chân thành và cởi mở làm cho Marina Leopoldovna rất đỗi ngạc nhiên và cô Anna Vaxilievna không nín được cũng phải bật cười. Anh nói:

- Thật là có tài! Bác thử xem, bác Vaxili Vaxilievich, em ấy đã phác được những nét thật chính xác, giống tôi quá!

Thầy hóa học cầm lấy bức họa, nheo mắt lại và bắt đầu ngắm nghía.

- Anh thấy buồn cười à? - Cô Marina Leopoldovna hỏi với sự ngạc nhiên cố ý. - Tôi không hiểu nổi... Đây là sự xúc phạm đến uy tín của anh! Mà không phải làm hại đến uy tín của chỉ riêng anh.

Constantin Sergheevich nhìn thầy giáo hóa như đang chờ đợi ở ông sự đồng tình, nhưng Vaxili Vaxilievich không muốn dính đến Marina Leopoldovna, lặng thinh đưa bức vẽ cho cô giáo bên cạnh.

- Trong bức biếm họa, các em vẽ tôi, có nghĩa là chỉ phương hại đến uy tín của tôi thôi, - Constantin Sergheevich tì hai tay lên chiếc gậy nói. - Tôi tin chắc việc này không ảnh hưởng gì đến những giáo viên khác.

- Nếu học sinh tự cho phép mình làm những trò ngu ngốc này ngay từ những ngày đầu, thì sẽ tiếp tục như thế nào?... Anh chưa biết đấy! Hôm qua chúng cãi nhau dữ dội và một em đã tát em kia một cái.

- Tát à? - Cô Natalia Nicolaevna sửng sốt hỏi - Không có lẽ nào bọn chúng lại có thể làm việc đó? Đã là những cô gái lớn rồi còn gì.

- Theo tôi nghĩ, đây không phụ thuộc vào ở lứa tuổi mà ở tính tình, - cô Anna Vaxilievna nhận xét rồi quay về phía cô Marina Leopoldovna hỏi: - Thế chị đã quên cái thời mà trường này còn bọn con trai à?

- Con trai là một đằng... - Cô Doia Petrovna dằn giọng - Con trai, đó là chuyện khác. Nếu chúng nó có đánh nhau thì chỉ một lúc là làm lành với nhau rồi. Còn con gái cái đó phức tạp hơn nhiều...

- Thật là một lớp đáng sợ! - Cô Natalia Nicolaevna khẽ thốt lên, nhưng thầy Vaxili Vaxilievich đã nghe thấy tiếng kêu đó. Ông bàng hoàng hỏi:

- Sao lại đáng sợ? Có cái gì ở lớp đó đáng sợ nào?

- Tất cả bọn chúng xa lạ thế nào ấy, bàng quan với mọi việc...

- Không... Chị Natalia Nicolaevna kính mến, tôi không thể đồng ý với chị được, - thầy giáo dạy hóa phản đối. - Ở lớp 10 tất cả các em đều say mê học tập, đều thông minh.

- Tất cả à? - Cô Anna Vaxilievna hỏi ông có ý châm chọc.

- Tất cả không trừ một em nào, - ông Vaxili Vaxilievich trả lời một cách dứt khoát.

- Thế còn Raia, Rita thì sao?

- Cả Loghinova là một học sinh tuyệt diệu, cả Krưlova nữa! - ông vẫn bảo vệ ý kiến. - Tất cả các em, tôi có thể nói là, rất thẳng tính, còn quá cứng nhắc. Nhưng bảo là các em xấu, bàng quan... Không, tôi không nhận thấy như vậy.

- Bác Vaxili Vaxilievich ạ, tôi và bác cần đồng ý với nhau ở điểm này, - Anna Vaxilievna nói và nhìn người thầy giáo mới: - Đó là những em gái rất bình thường giống như mọi em khác, nhưng như người ta nói “không buồm, không lái” mà.

- Không, không đúng! - Ông Vaxili Vaxilievich phản đối. - Các em ấy sáng trí lắm! Có thể chừng mực nào đó kỉ luật trật tự hơi yếu, nhưng đó là sự hiếu động bình thường của bọn trẻ thôi...

- Ở lớp 10 không có tập thể! - Cô giáo dạy toán Vaxivia Antonnovna chộp ngay lấy. - Lớp không có ai cai quản, bọn trẻ được giao trách nhiệm tự quản lấy.

Constantin Sergheevich không tham gia vào câu chuyện nhưng anh chăm chú lắng nghe. Nghe nói về cái tát, anh nhớ lại ngay đôi mắt nẩy lửa giận dữ của Ania, dáng điệu hấp tấp, giọng nói run lên vì xúc động của cô bé. Trong bụng anh không tán thành ý kiến của Marina Leopoldovna, càng không đồng ý với Natalia Nicolaevna. Anh tin chắc rằng những lớp mà người ta gọi là “khó bảo” thường là có nhiều học sinh thông minh, giàu óc sáng tạo, sinh động và có bản lĩnh. Những tập thể như vậy, nếu có sự hướng dẫn đúng đắn, sẽ đạt được những kết quả xuất sắc và làm việc với các em cũng sẽ rất thú vị.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3