Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 09
GIỜ HỌC VĂN
Constantin Sergheevich bước ra khỏi phòng giáo viên sau cùng và khi anh dừng lại trước cửa lớp thì qua lớp kính mỏng một cảnh tượng hiện ra trước mặt.
Hai cô học trò đứng trên bàn đang vung tay múa chân nói gì đó. Một số các em khác im lặng ngồi ở sau bàn, trong số đó có một em là Raia Loghinova hai tay bịt chặt tai, đang đọc. Còn những em khác chia ra thành hai nhóm đang tranh cãi rất sôi nổi. Các em say sưa đến nỗi không trông thấy thầy giáo vào lớp.
- Tranh luận sôi nổi là điều tốt nhưng nên nhớ rằng sau bức tường này là lớp của các học sinh nhỏ. Các em đã nêu một tấm gương xấu - thầy giáo nhận xét khi học sinh vội vàng đi về chỗ mình - Các em ngồi xuống!
Thầy lặng thinh nhìn các em một lúc. Sau đó lấy trong quyển sổ điểm ra một tờ giấy mà cả lớp đều biết.
- Erefeeva!
Trước khi đứng dậy, Nadia đưa mắt hốt hoảng nhìn quanh một lượt và mặt cô đỏ bừng lên vì xấu hổ.
- Cô Marina Leopoldovna chuyển cho tôi bức họa này. Có phải em vẽ đây không?
- Không ạ! - Cô gái khẽ đáp.
- Vậy ai là tác giả của bức biếm họa này?
Nadia càng cúi đầu thấp xuống mà vẫn im lặng. Nhưng không phải đợi lâu. Tamara Krapchenco đứng dậy, cắn môi dưới và dũng cảm nhìn thẳng vào mặt thầy.
- Thưa thầy, đó là tác phẩm nghệ thuật của em ạ. - Khó khăn lắm cô mới nói ra được - Nhưng em không hề có ý định dùng nó để xúc phạm thầy...
Tất cả mọi người đều cho rằng, một khi thầy Constantin Sergheevich đã được giao cho làm giáo viên chủ nhiệm lớp, trong lúc này thầy phải cảnh cáo Tamara vì đã vẽ nên bức biếm họa kia và khiển trách Nadia vì cái tội làm việc khác trong giờ học tiếng Đức. Mọi việc đã, đang và sẽ xảy ra như thế. Mọi người đã quen như vậy rồi và tất cả mọi vấn đề là ở chỗ thầy sẽ dùng lời lẽ như thế nào, với giọng nói như thế nào, thầy sẽ lên lớp trong thời gian bao lâu. Nếu là Zinaida Dmitrievna thì cô ấy sẽ bắt cả lớp ở lại sau giờ học và sẽ bỏ ra gần một tiếng đồng hồ để thuyết về nghĩa vụ, danh dự, về đạo đức cộng sản chủ nghĩa, kể độ vài ba tiểu sử của giáo viên đã cống hiến đời mình cho các em học sinh, dẫn hàng loạt thí dụ trong đời mình cho các em nghe. Không biết người thầy mới này sẽ xử sự ra sao đây?
- Tôi thấy rất vui sướng vì trong lớp học của tôi có một em học sinh có tài như thế, - thầy nói một cách bình tĩnh, nhưng tất cả học sinh trong lớp thì căng tai lên chờ đợi, lo lắng. - Bức biếm họa cho biết, em là một người có đầu có nhận xét, biết để ý đến những đặc điểm tượng trưng nhất và thể hiện lại bằng ngòi bút. Tôi có một đề nghị đối với em: tặng tôi bức biếm họa này để làm kỉ niệm...
Mọi việc xẩy ra thật bất ngờ đến nỗi Tamara bỗng như không còn khả năng nói nên lời, còn cả lớp ồn lên vì không hiểu được thầy giáo.
- Không... cần phải xé bức vẽ đó đi, thầy Constantin Sergheevich, - Tamara nói, mặt đỏ như gấc vì xấu hổ.
- Nghĩa là em không tiếc bức vẽ? Vậy cứ hãy coi là chúng ta đã xé nó rồi. - Thầy mỉm cười đề nghị. - Em ngồi xuống!
Cất bức vẽ vào sổ điểm, thầy đến cạnh cửa sổ và bất giác thầy đưa mắt nhìn lên bảng. Trên mặt tấm bảng đen phẳng lì lấp lánh những chữ viết li ti bằng bút chì.
- Smirnova! Em có tẩy đó không? - Thầy hỏi
- Thưa thầy, tẩy gì ạ?
- Tẩy bình thường vẫn dùng để tẩy bút chì ấy
- Có ạ.
- Em cầm tẩy và lên đây.
Khi cô gái đầy vẻ ngạc nhiên tiến đền gần thầy, thầy lấy ngón tay chỉ góc bảng:
- Em xóa hộ đi.
Trong khi Jenia xóa những dòng chữ copy li ti đó, cả lớp im phăng phắc, im lặng đến nỗi nghe rõ tiếng Lida Versinina thì thầm:
- Ôi, thật là nhục nhã!
Thầy quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, quay lưng về phía học sinh và đợi.
Sau khi đã xóa kĩ những chữ số gì đó bằng bút chì, Jenia quay mặt lại lớp, giơ nắm đấm lên dọa dẫm, khẽ nói:
- Thưa thầy, xong rồi ạ
- Có thật xong không? - Thầy hỏi không quay mặt lại. - Xem kĩ lại xem!
Jenia bước sang phía bên kia góc bảng và lại tìm thấy các công thức viết bằng bút chì. Thầy Constantin Sergheevich lại nghe tiếng tẩy kêu kin kít trên mặt bảng, sau mấy giây tiếng Jenia vang lên:
- Bây giờ thì xong hết rồi ạ.
- Được rồi. Em về chỗ, và đừng bao giờ đặt tôi vào tình trạng khó xử như thế này nữa - thầy nhăn nhó tỏ vẻ kinh tởm nói mà không quay mặt lại lớp: - Hãy tự kiểm tra lấy hành động của mình... - Thầy không nói hết câu và đi về bàn.
- Chúng ta sẽ không để phí thì giờ nữa. Tôi bắt đầu từ chỗ đã dừng lại hôm qua... Để trở thành một con người chân chính nghĩa là một con người có ý thức giác ngộ xây dựng cuộc sống, để trở thành người cộng sản, trước tiên cần phải có kiến thức. Môn học mà chúng ta sẽ học là một môn học hấp dẫn nhưng rất phức tạp. Phức tạp ở chỗ là không có một định nghĩa nào chính xác. Tôi chắc rằng các em thường tranh luận với nhau sau khi đọc những quyển sách mới. Lẽ nào các em không tự đặt cho mình những câu hỏi, không tranh luận với nhau xem tại sao? Vì đâu và để làm gì? Thí dụ, tại sao Tachiana[11] lại thấy cái anh chàng điệu bộ ấy hấp dẫn? Tôi chắc các em có tranh luận về Natasa Rostova[12] và điều đó cũng dễ hiểu thôi. Các em cũng trải qua mọi vui sướng, đau khổ với các nhân vật của tác phẩm và bực tức khi thấy họ hành động không đúng, theo quan điểm của các em. Điều đó thường xảy ra bởi vì các em quên rằng nhân vật đó đã sống ở một thời đại khác hẳn... Những nhà văn... - những người nghệ sĩ với sức mạnh của tài năng đã xây dựng cho chúng ta những hình tượng điển hình của thời đại mà họ sống, làm sáng tỏ những quan điểm của họ, hoàn cảnh họ sống và đấu tranh. Nhờ văn học mà chúng ta biết những con người tiên tiến nhất của thời đại họ, biết chí hướng của họ, biết họ mơ ước gì và ta có thể học tập được nhiều điều ở họ. Văn học làm cho tình cảm của chúng ta tinh tế hơn, sâu sắc hơn, và tự nhiên chúng ta tự kiểm tra mình, so sánh những hành động của mình với những hành động các nhân vật ta yêu thích, hoặc căm ghét. Nghiên cứu văn học chúng ta nắm được kinh nghiệm của nhiều thế hệ để lại và có thể tránh được những lỗi lầm...
[11] Nhân vật chính trong trường ca Evgheni Oneghin của Puskin.
[12] Nhân vật chính trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi.
Từ những lời đầu tiên, Constantin Sergheevich đã làm các cô gái ngạc nhiên. Từ đâu mà thầy biết được là các em thường xuyên “khám phá ra châu Mỹ,”[13] nói lên những điều thật độc đáo về những quyển sách đã đọc? Đúng là về Natasa Rostova thì các em đã tranh luận mấy ngày liền. Có em bảo Natasa Rostova là nhân vật phản diện, nhẽ ra cô ta phải học hành hoặc làm một việc gì đó thì cô lại sang phòng trẻ con để sa đọa cả về hành động bên ngoài lẫn đạo đức. Ý kiến đó bị bao nhiêu người kịch liệt phản đối. Tất cả ý kiến chia rẽ làm hai phe. Họ tranh luận với nhau trong giờ nghỉ, ở nhà và có khi trong giờ học còn nghe có tiếng thì thầm: “Không, mình không đồng ý với bạn,” “Bạn phải hiểu rằng cô ta là cô gái thượng lưu... Thế thì cô ấy làm việc để làm gì?” “Vậy thì còn sống để làm gì nữa?...”
[13] Nghĩa là nói những điều mà ai cũng biết cả, nhưng đối với các em là một sự khám phá.
Thầy Constantin Sergheevich dần dần chuyển sang thân thế và sự nghiệp sáng tác của Gorki từ bao giờ không biết, và trong sự tưởng tượng của các em hiện lên hình ảnh chói lọi không phải chỉ của nhà văn - nhà cách mạng mà còn là hình ảnh một con người có tấm lòng rộng lớn và trái tim nóng bỏng.
Tất cả lớp có cảm giác như Constantin Sergheevich đã được biết Gorki và không chỉ có biết mà còn thân với Gorki từ hồi còn nhỏ.
Đó là một giờ học tuyệt diệu và học sinh không bao giờ đoán được là thầy đã chuẩn bị bài giảng hôm nay kĩ như thế nào. Mê say môn mình giảng, Constantin Sergheevich đã suy nghĩ về nó trong những hầm đất đầy khói, trong các chiến hào ẩm ướt, trong những ngày lạnh buốt và những đêm nóng bức. Trong lúc hành quân, những phút nghỉ ngơi và thậm chí ngay cả lúc chiến đấu, anh luôn luôn mơ ước sẽ có ngày quay về mái trường thân yêu và như trước kia, sẽ bắt gặp những ánh mắt ham hiểu biết của lớp trẻ. Năm năm chiến tranh, anh đã chiến đấu để giành quyền được giảng dạy.
Giờ học đã trôi vụt qua một cách nhanh chóng đến nỗi khi chuông vang lên tất cả mọi người đều thở dài luyến tiếc.
- Các em ạ, đến giờ học sau tôi đề nghị các em đọc vở kịch “Dưới đáy” và nhớ lại những tác phẩm khác của Gorki mà các em đã đọc và chuẩn bị trả lời các câu hỏi trong sách - thầy Constantin Sergheevich kết thúc và bước ra khỏi lớp.
- Đó mới là giờ học! - Jenia sung sướng kêu lên.
- Thế nào? Thế nào? Bây giờ nghe thấy rồi chứ? - Tania nói với Nina Cosinscaia một cách đắc thắng, vì cô đã kể cho Nina về cuộc gặp gỡ vô tình của cô với người thầy khi sáng.
Trong lớp có tiếng ồn ào vui vẻ và nhộn nhịp.
- Các bạn ơi! Trong đầu tôi lộn tùng phèo cả lên. Tôi chẳng nhớ được gì cả, - Tamara Krapchenco phàn nàn.
- Nhẽ ra phải ghi chép tất cả những gì thầy nói.
- Đó là có cảm giác thế thôi, - Svetlana phản đối - sau sẽ nhớ lại hết.
- Ôi, còn thấy nói mới hay làm sao! - Nina Cosinscaia thán phục. - Mình như vừa được ngồi trong nhà hát vậy!
Cảm tưởng về giờ học đầu tiên mạnh mẽ đến nỗi làm mọi người quên bẵng bức biếm họa thân thiện, quên những công thức copy trên bảng bị xóa, quên cả việc thầy không “lên lớp” cho một trận. Bây giờ thì các em thấy đó là một việc đương nhiên, thầy chủ nhiệm cần phải xử sự như vậy chứ không có cách xử sự nào khác nữa.
- Các bạn ơi! Thế là có thể chúc mừng chúng mình được! Thầy chủ nhiệm của chúng ta khá hơn cô “Zinotrca” đấy - Catia Ivanova reo lên.
- Thế mà cũng đòi so sánh! Làm gì có sự so sánh ở đây được!
Nadia tấn công Catia.
- Các bạn ạ! Khi nói thầy xúc động lắm đấy nhé - Lida Versinina nói. Lúc thầy đứng cạnh mình, mình cảm thấy thế.
- Nào, bây giờ hãy đứng vững! Rồi thầy sẽ cho về nhà tha hồ mà đọc, không thở ra hơi đấy!
- Không biết sao thầy đoán được về Natasa Rostova nhỉ? - Nadia hỏi.
- Ôi giời! Đoán gì! Trong tất cả các trường học chắc là học sinh đều tranh luận giống như chúng ta - Clara Kholopoevna trả lời và quay lại phía Belova: - Thế nào, Valia, bạn có thích không?
Valia Belova ngồi nguyên tại chỗ, nhìn ra cửa sổ, dáng tư lự, lúc đó cô đang xào bài, nhớ lại toàn bộ bài giảng và sắp xếp kiến thức vào các ngăn ô có sẵn, theo lời của cô. Trí nhớ hiếm có của cô không bao giờ cần đến sách giáo khoa cả, và cô giữ lại trong đầu tất cả những gì thầy giáo đã giảng. Ngay từ những lời đầu thầy nói, Valia đã cảm thấy xấu hổ về hành động của mình hôm nọ và cô cũng muốn bằng cách nào đó chuộc tội. Nhưng lòng tự ái và sự bướng bỉnh không cho phép cô cùng các bạn thán phục thầy, và khi Clara hỏi lại, cô cáu kỉnh trả lời:
- Cái gì thế? Tôi không hiểu sao các bạn lại quá khen ngợi vậy! Là một giờ học bình thường. Chắc thầy không phải nói lần đầu, thầy đã thuộc lòng từ lâu rồi!
Svetlana ra khỏi lớp và khoác tay Jenia lặng lẽ dạo dọc hành lang.
Cả lớp đều vui vẻ như trong ngày hội, tựa hồ họ vừa nhận được một tin vui... Và không một ai muốn nói đến những điều xấu. Không nhắc đến cái tát, đến bức biếm họa, đến những công thức copy trên bảng.