Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 10
GẶP BÀ HIỆU TRƯỞNG
Ngoài phố trời đã sập tối. Bà Natalia Zakharovna chuẩn bị ra về, nhưng đồng chí phụ trách quản trị giữ lại. Thế mà phải gọi điện, thỏa thuận về việc chuyển than để đun lò. Vừa mới đặt ống nghe xuống, lại có tiếng chuông vang lên.
- Vâng, tôi nghe đây!
- Có phải trường phổ thông đấy không ạ?
- Vâng!
- Ai nói ở máy đấy?
- Hiệu trưởng.
- Đang nói chuyện với đồng chí là nguyên soái Cosinski. Đồng chí làm ơn cho tôi biết vì sao con gái tôi về chậm?
- Thế ra em vẫn chưa về ư? - Bà Natalia Zakharovna ngạc nhiên, nhưng sau nhớ lại là khi trưa Catia Ivanova có đề nghị gì đó - Chắc các em có cuộc họp Đoàn Thanh niên Komsomol!
- Nhưng bây giờ đã muộn quá rồi! Cháu không báo trước nên chúng tôi đang lo lắng.
- Vâng, đợi tôi xem sao...
Natalia Zakharovna đặt ống nghe xuống và ấn nút chuông. Ở phòng hành chính không có ai cả. Bà phải đi xem lấy. Bà gặp các cô học sinh lớp 10 ngay ở cầu thang.
- Chào cô Natalia Zakharovna ạ! - Giọng các em vang lên.
- Chào các em! Sao các em họp gì mà lâu thế?
- Thưa cô, có nhiều vấn đề tích lại cô ạ.
- Cosinscaia...
- Thưa cô, em đây ạ!
- Gọi điện ngay về nhà. Ở nhà đang lo lắng.
- Vâng ạ...
Các lớp buổi chiều học ở tầng một và tầng hai. Bà hiệu trưởng lên tầng ba và nhìn thấy đèn sáng trong một lớp, bà đến gần cửa, hai em học sinh lớp 7 đang làm báo tường.
- Các em ơi! Đến giờ kết thúc rồi đấy. Muộn rồi.
- Thưa cô, chỉ còn một ít nữa... độ nửa giờ nữa thôi ạ.
Bà xem tờ báo, góp vài ý kiến rồi quay về phòng làm việc của mình. Bà không kịp ra về vì lại có người gõ cửa...
- Vâng... vâng... Ai đấy?
Ba cô học sinh lớp 10 bước vào phòng: Catia, Jenia và Tamara.
- Các em muốn gặp tôi ư?
- Thưa cô, vâng ạ, nếu cô không bận lắm, chúng em xin phép được nói chuyện với cô ạ.
- Các em ngồi xuống đây.
Jenia và Tamara ngồi xuống ghế đi-văng, còn Catia vẫn đứng. Natalia Zakharovna đã mặc áo măng-tô. Bà không cởi áo, ngồi vào chiếc ghế bành, lưng ngả ra phía sau, chuẩn bị nghe. Bà đã biết những gì xảy ra ở lớp 10, trong thời gian cuối. Bà có nghe về chuyện cái tát, biết cả về bức biếm họa, nhưng ở cương vị bà, bà không muốn can thiệp vào những việc đó.
Constantin Sergheevich không cần đến sự giúp đỡ của bà. Khi bà trao cho Constantin Sergheevich lớp đó bà có báo cho anh biết, đó là một lớp khó theo ý kiến mọi người, nhưng chính bà lại nghĩ khác và đối với các em lớp 10, bà vẫn đem lòng quý mến. Và không phải vì các em cùng bà sống ở Leningrad trong những ngày thành phố bị phong tỏa. Bà Natalia Zakharovna không ưa loại học sinh “luôn luôn ngoan ngoãn.” Tuy các em đó ít làm phiền lòng, nhưng thường nấp sau cái đạo đức mẫu mực đó là sự vô nguyên tắc, không chân thật, hèn nhát và những ảnh hưởng tiểu tư sản không tốt. Bà hiểu rằng, nếu lớp 10 không trở thành một lớp mẫu mực trong trường chẳng qua vì lớp đó không có giáo viên chủ nhiệm tốt.
- Nào, tôi nghe các em.
- Thưa cô, chúng em có làm phiền cô không ạ? - Jenia hỏi.
- Không sao... Nếu không lâu thì cũng được. Nói đi, Catia!
- Cô Natalia Zakharovna ạ, việc là thế này... - Catia bắt đầu, mắt nhìn xuống đất - Thầy Constantin Sergheevich trao cho chúng em... cả ba đứa chúng em!... Thầy cho chúng em là bộ phận tiên tiến của lớp nên có thể tác động đến các bạn. Thầy thì khó rồi. Thầy mới đến, không biết ai cả. Thầy bảo chúng em phải biết tự hành động lấy. Hành động như thế nào? Chúng em có thể làm được điều gì? Cô thử nghĩ xem! Thực chất là chẳng làm được gì cả. Cô biết các bạn ở lớp em như thế nào rồi đấy... Có đóng cọc lên đầu cũng chẳng ăn thua!
- Chúng em thì chả làm được việc gì cả, - Jenia thở dài.
- Nấu chả xong nồi cháo, còn làm gì! - Tamara cáu kỉnh thêm vào.
- Vừa rồi em đưa ra cuộc họp vấn đề kỉ luật đấy... Không ai được giở trò làm xiếc ra đây cả! - Catia thưa với cô hiệu trưởng.
- Thế các em lại có các tiết mục “xiếc” gì vậy? - Bà hiệu trưởng hỏi.
- Trong giờ học còn viết cho nhau, còn nói chuyện và dĩ nhiên... là còn một số bạn hay nhắc bài... Chắc cô cũng hiểu đấy... Những chuyện đó chẳng ra sao cả! Mà chúng em hình như cũng đã lớn rồi thì phải!
- Thế rồi các em kết luận thế nào trong cuộc họp?
Catia nhìn các bạn, sửa lại tóc, rụt rè nói:
- Chúng em đã quyết định như thường làm trong những trường hợp trước đây. Nâng cao ý thức kỉ luật, nâng cao kết quả học tập.
- Nhưng đó là chỉ trên giấy tờ thôi ạ. Hôm nay quyết định, ngày mai lại quên mất.
- Nói một đằng, làm một nẻo - Tamara thêm vào một cách buồn bã.
- Thưa cô, cho phép em phát biểu được không ạ? - Jenia nói, theo thói quen giơ tay lên như ở lớp.
- Em nói đi.
- Dĩ nhiên là chúng em sẽ tiến hành công việc thông qua tổ chức của Đoàn Thanh niên, nhưng em, với cương vị lớp trưởng... chúng em không từ chối ạ. Nhưng chúng em không thể nhận một trách nhiệm lớn như vậy. Công tác giáo dục - đó là một công tác... chắc cô đã hiểu đó là cái gì rồi! Các bạn nhất định sẽ không nghe chúng em. Thế mà thầy Constantin Sergheevich lại phải chịu trách nhiệm. Thế và... chúng em nghĩ mãi, nghĩ mãi..., và chả nghĩ được ra cách gì cả!
- Thế còn thầy Constantin Sergheevich nói gì? Thầy có dự cuộc họp không? - Bà hiệu trưởng tiếp tục hỏi.
Các cô gái nhìn nhau. Nhẽ ra thầy chủ nhiệm theo nguyên tắc phải dự những cuộc họp chi đoàn nhưng Catia đã vi phạm nguyên tắc đó, không mời thầy đến họp.
- Không ạ... Chúng em muốn lúc đầu phải nói với nhau cho hết đã, - Catia nói như người có lỗi, - Không thì bất tiện thế nào ấy cô ạ. Các bạn sẽ ngượng và không nói đâu.
- Thưa cô, - Jenia xen vào, - Thầy coi chúng em là người lớn, đứng đắn, thế mà đùng một cái. - Xin lỗi! Còn kém hơn lũ trẻ nít. Không ạ, chúng em xin thề với cô.
- Tôi tin các em, - bà hiệu trưởng nói.
- Hôm qua và hôm nay ở lớp xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện... - Catia tiếp tục. Trong cuộc họp hôm nay thế là chúng em đã nói hết với nhau rồi...
Tất cả đều im lặng. Các em đang nhìn cô hiệu trưởng và chờ đợi. Trong chín năm qua các em đã có nhiều lần đến căn phòng này, cũng có nhiều lúc bị gọi đến, nhưng mỗi lần sau khi nói chuyện với bà hiệu trưởng Natalia Zakharovna ra về, các em đều hối hận và quyết tâm sống và làm việc theo kiểu khác.
- Thế đấy, thế đấy... - bà Natalia Zakharovna vừa ngồi thẳng dậy vừa nói - theo tôi nghĩ, các em đã không hiểu ý thầy Constantin Sergheevich. Lí nào thầy ấy lại trao cho các em trách nhiệm giáo dục lớp!
- Thưa cô, chính thế ạ! Thầy nói là chúng em phải đảm nhiệm công tác giáo dục và tự giáo dục lấy cả tập thể cô ạ, - Catia trình bày.
- Về vấn đề này bộ đã có chỉ thị rõ - cô hiệu trưởng vẫn tiếp tục, không nghe Catia nói - Có những quy chế, những luật lệ mà trong đó có nói rõ về trách nhiệm và cương vị của giáo viên chủ nhiệm. Lời của thầy Constantin Sergheevich cần phải hiểu khác kia. Chúng tôi vẫn đề cao vai trò tự quản của học sinh, ở đây không có gì mới cả. Nói thật nhé, cô chẳng hiểu có điều gì làm các em băn khoăn đến thế. Các em có tập thể Đoàn Thanh niên, có tờ báo tường không tồi... các em còn muốn gì nữa? Đã thảo luận về ý thức tổ chức kỉ luật rồi à? Đúng lắm! Đó là vấn đề mấu chốt. Nếu có kỉ luật là sẽ có kết quả học tập tốt. Bây giờ các em đòi hỏi các bạn phải thi hành quyết nghị... Thật nghiêm túc vào. Có bạn nào cá biệt? Larisa? Clara?
- Tất cả... - Jenia nói khẽ.
- Sao lại tất cả? - Cô hiệu trưởng cau mày hỏi.
Các em không trả lời được câu hỏi đó. Có tiếng gõ cửa và thầy Constantin Sergheevich bước vào.
- Anh còn ở đây à? - Bà Natalia Zakharovna ngạc nhiên hỏi.
- Vâng! Tôi còn nán lại ở phòng phương pháp một chút.
- Thật là đúng lúc! Anh thấy đấy, các em đến để xin ý kiến, - bà nói, hất đầu về phía ba cô học sinh đang thẹn thùng đứng đó. - Các em tưởng tượng ra là anh trao trách nhiệm giáo dục lớp cho chúng và bây giờ không biết phải làm gì. Các em ấy chưa học môn giáo dục học vì vậy mà lúng túng: không biết bắt đầu từ đâu?
- Sao lại bắt đầu? - Thầy Constantin Sergheevich hỏi - Không phải bắt đầu mà là tiếp tục.
Bà Natalia Zakharovna bối rối nhìn thầy rồi lại nhìn trò, và rõ là bà không muốn tranh luận vào lúc này.
- Vâng, thì cứ cho là tiếp tục, nhưng như thế nào. Sao các em lại lặng thinh thế?... Catia, Jenia? Tamara? Hỏi thầy chủ nhiệm của các em đi chứ! - Bà quay về phía các cô gái hỏi.
- Thưa thầy, hình như chúng em không hiểu đúng ý thầy, phải không ạ? - Catia nói - Thầy nói với chúng em về việc tự quản mà chúng em lại hiểu là thầy trao cho chúng em trách nhiệm cải tạo...
- Không, cứ theo như “bức biếm họa,” các em không hiểu sai ý tôi - thầy cắt ngang. - Tôi không có ý định giáo dục các em, còn nói chi đến cải tạo các em nữa. Cái từ “cải tạo” đó tôi không ưa lắm. Tôi có cảm giác đó là khái niệm người ta tự nghĩ ra. Trong cuộc sống, chỉ có một quá trình. Đó là quá trình giáo dục. Và người lãnh đạo cái quá trình đó trong lớp ta là các em, những người được lớp tín nhiệm cử ra.
- Tôi cũng nói với các em những điều gần như vậy, - bà Natalia Zakharovna nói, không có gì là mới mẻ ở đây cả.
- Đúng như thế! - Constantin Sergheevich tán thành. - Ở đây không có gì là mới mẻ cả: giáo dục học Xô viết là nền giáo dục học do cuộc sống tạo nên. Lãnh đạo không có nghĩa là nắm tay dắt[14]... Các em thử xem Đảng lãnh đạo như thế nào! Đảng đã đặt ra cho cả nước một nhiệm vụ vĩ đại - kế hoạch năm năm - và lãnh đạo việc phấn đấu thực hiện kế hoạch đó. Công việc tiến hành đều đặn. Như vậy nghĩa là lãnh đạo đấy. Tôi cho rằng, nếu các em đặt ra cho cả lớp một nhiệm vụ thật tốt, thật tiên tiến, thật cụ thể và các em cùng với các bạn phấn đấu thực hiện, hướng dẫn việc đấu tranh để thực hiện nhiệm vụ đó...
[14] Từ “lãnh đạo” trong tiếng Nga là từ ghép do hai gốc từ tạo thành tức: “dắt” và “tay” – (ND).
- Thưa thầy, nhiệm vụ gì ạ? - Catia hỏi, vẫn không hiểu thầy giáo định hướng sự suy nghĩ của các em đi đâu.
- Các em hãy tự nghĩ lấy... Nhiệm vụ của các em không thể là chung chung, mà phải cụ thể!
- Phấn đấu học giỏi? - Catia hỏi.
- Đòi hỏi mỗi người theo khả năng! - Tamara thêm vào.
- Ừ... nhưng điều đó có vẻ bình thường quá! - Jenia kéo dài giọng tỏ vẻ không hài lòng, em nhăn mũi. - Tất cả trường đều phấn đấu học giỏi cả... Cần phải nghĩ ra một cái gì khác thường... mới lạ một tí!
- Cần phải nghĩ ra hình thức đấu tranh. Thí dụ như: chống trung bình chủ nghĩa, chống màu xám u tối[15].
[15] Chống màu xám (nguyên văn) – nghĩa là màu không có bản sắc rõ ràng, không sáng sủa.
Mặt Tamara rạng rỡ như có mặt trời chiếu vào. Mắt em long lanh, như cả thân hình em vụt lớn lên.
- Màu xám nghĩa là gì? - Em đứng dậy và hỏi.
- Màu xám trong tiềm thức của chúng em là điểm ba. Điểm ba - đó là tệ nạn Ovlomov[16], sự trốn tránh trách nhiệm, sự cầu may! - Em sôi nổi nói và mọi người đều cười khi nghe em.
[16] Nhân vật điển hình cho sự lười biếng trong tác phẩm Ovlomov của Gontrarov.
- Đúng rồi! - Catia tán thành. - Đả đảo điểm ba! Phải phấn đấu để học giỏi!
- Đấy... thấy chưa?... - Thế là các em đã tìm ra một cái gì đó cụ thể, - bà Natalia Zakharovna ủng hộ.
- Nhưng có điều không được nóng vội, - thầy Constantin Sergheevich nhắc nhở - Đừng vội vàng. “Nhanh chóng là cần thiết, nhưng vội vã là có hại.” Các em hãy suy nghĩ cho thật kĩ, tính toán từng chi tiết nhỏ đi! Trong cuộc sống có khi những ý đồ tốt lại hoàn toàn thất bại - nếu ta thực hiện nó một cách hình thức, thiếu nhiệt tâm. Smirnova đã đúng khi nhăn mũi bảo “cái đó bình thường quá.” Dưới khái niệm “bình thường” em muốn nói là “chán!” tôi tán thành ý kiến em. Sự tẻ nhạt có thể làm hỏng một ý đồ tốt. Thậm chí những buổi biểu diễn độc tấu châm biếm và hài hước vẫn có thể trở nên tẻ nhạt.
- Thưa thầy, chúng em sẽ nghĩ ra cách, - Tamara hứa với thầy - Lẽ nào chúng em thuộc loại người... đến nỗi... - em định nói đần độn, nhưng kịp thời dừng lại và nói tiếp - bất lực thế ư?
Các cô gái rời phòng bà hiệu trưởng với quyết tâm sắt đá là sẽ bắt tay vào hành động.
- Bọn trẻ hăng hái quá - bà Natalia Zakharovna vừa cười vừa nói. - Nhưng thú thật với anh là tôi vẫn chưa hiểu ra cái thủ thuật sư phạm đó của anh.
- Làm gì có thủ thuật nào, chị Natalia Zakharovna. Chị trao cho tôi nhiệm vụ giáo dục, thế là tôi bắt tay vào công tác giáo dục.
- Nhưng hình như anh quá tin vào các em thì phải, như người ta nói, đánh giá quá cao khả năng của các em.
- Còn cách nào khác nữa? Không có lòng tin ở các em làm sao giáo dục cho các em những phẩm chất tốt đẹp được. Chúng ta nói nhiều về giáo dục, nhưng đó cũng chỉ là những lời nói mà thôi. Không thể chỉ giáo dục các em bằng lời nói! Những bài thuyết giáo dài dòng và chán ngấy về đạo đức thường chỉ giáo dục các em thành những đứa giả dối, những kẻ lừa phỉnh.
- Tôi hiểu, nhưng đó mới chỉ là trên lí thuyết, còn tôi vẫn lo lắng cho ý thức kỉ luật của chúng lắm... Anh coi chừng đấy... Thả lỏng chúng rồi sau này hối hận. Dĩ nhiên là tôi không có quyền can thiệp vào công việc của anh, nhưng tôi có trách nhiệm phải nhắc nhở anh: Đừng đánh giá quá cao khả năng tự quản của các em học sinh.
Constantin Sergheevich ngạc nhiên nhìn bà hiệu trưởng, nhưng anh cũng không phản đối bà.