Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 11

TAMARA KRAPCHENCO

Tamara Krapchenco từ trường về thẳng nhà Lida Versinina, cùng làm bài với bạn nên thường về nhà muộn.

Đại lộ sáng trưng. Trên đường đầy người đi lại, ô tô và tàu điện chạy tấp nập, thế nhưng một cảm xúc rất khó chịu như nấp ngay phía dưới tim luôn bám chặt lấy Tamara.

Tamara tự biết mình có một nhược điểm rất lớn, mà cô tìm mọi cách giấu giếm kể cả người thân - đó là việc cô rất sợ cầu thang không có điện.

Để khỏi sợ, cô bắt đầu nghĩ đến chuyện khác: “Lida là một cô gái thật kì lạ! Bao năm cùng học với nhau, thân nhau, thế mà đến giờ mình vẫn không hiểu hết nó. Không biết nó nghĩ gì, nó muốn gì và thích cái gì?”

Tamara cho mình là bạn gái thân thiết duy nhất của Lida Versinina. Quan hệ giữa hai người không thể gọi là đặc biệt thân thiết vì cả hai đều là những cô gái có bản lĩnh, nhưng dù sao, nếu Lida cần hỏi ý kiến ai, bao giờ cô cũng hỏi Tamara. Lida cho Tamara là một con người dũng cảm, kiên nghị, có ý chí. Ở Tamara không có những giây phút băn khoăn, lưỡng lự, những tâm tư khác thường mà ta thường gặp ở những cô gái khác. Đối với cô, tất cả mọi việc trong đời đều rõ ràng và đã xác định. Chỉ có một vấn đề mà cả hai cùng tránh - đó là vấn đề về bọn con trai. Hai cô đã nhiều lần tranh luận với nhau về vấn đề này và hiểu rằng không bao giờ có thể thống nhất ý kiến với nhau, vì thế tốt hơn hết là không nên nhắc đến chuyện ấy nữa.

Tamara coi các bạn trai là những người bạn, xử sự bình đẳng, không ngượng ngập, chỉ nói chuyện về công việc và hoàn toàn bác bỏ mọi khả năng có thể “phải lòng” bọn con trai, hoặc “cái gì đó tương tự vậy.”

Lida đối với các bạn trai hoàn toàn khác. Theo quan niệm của Tamara thì đối xử như vậy là ngu ngốc, thấp hèn, bao giờ cũng làm cho người ta phải nhớ mình là con gái. Thật vậy, Lida đẹp, nên bọn con trai lúc nào cũng “trố mắt nhìn cô.” Chính vì vậy nên họ cho phép Lida đối với họ như thế. Giá như Tamara đứng ở địa vị Lida thì cô sẽ “sửa đầu óc các cậu và đưa vào đúng chỗ.”

Nhưng dù sao Tamara vẫn thích chơi với Lida, tuy hai cô có những quan điểm khác nhau. Tamara rất thích thú mỗi khi thấy Lida tự chủ, biết xử sự đúng mức và giản dị trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nghĩ đến Lida, Tamara nhớ lại câu chuyện giữa cô và ông bố Lida.

Trong bữa ăn chiều, mọi người biết được là Tamara đang học lái ô tô. Ông Sergei Ivanovich - bố Lida - tuyên bố rằng không bao giờ ông ngồi vào xe khi nhìn thấy sau tay lái là phụ nữ.

- Phụ nữ trong những tình huống khó xử thường mất bình tĩnh, đàn ông trong những trường hợp như vậy thích ứng nhanh và xử lí đúng, - ông giải thích. - Thử tưởng tượng xem: xe đang đi nhanh bỗng nhiên trên đường xuất hiện một chướng ngại nào đó: cây cột đèn, một chiếc xe khác trong góc phố phóng ra, một em bé... - lúc đó người phụ nữ sẽ làm gì?

- Làm gì ạ? - Tamara hỏi.

- Trong số một trăm người thì khoảng chín mươi người bỏ tay lái, thét lên và bưng lấy mặt, - Sergei Ivanovich trả lời một cách chắc chắn.

Dĩ nhiên là Tamara không tán thành ý kiến đó và trong bụng cô lấy làm ngạc nhiên, sao một viện sĩ hàn lâm mà lại có quan điểm lạc hậu như vậy về phụ nữ, nhưng cô không muốn tranh cãi. Bây giờ cô lại tiếc là đã không hỏi ông về những nghề khác, nhất là nghề phóng viên.

Tamara tự cho mình là người có đầu óc quan sát và tìm thấy ở mình những phẩm chất cần thiết của một người phóng viên tương lai, tuy cô biết rõ ràng rằng nghề đó đòi hỏi phải có sự phát triển toàn diện, phải có đầu óc quan sát tinh tường và một kho kiến thức rộng.

Mải suy nghĩ miên man suýt nữa cô đụng phải một sĩ quan nào đó và ngay lúc đó cô nghĩ: “Đãng trí, cần phải để ý đến điểm này. Phải rèn luyện tính tập trung. Chú ý đến việc tập trung tư tưởng!”

Đến nhà đây rồi. Cô sống ở tầng năm.

- Quỷ chưa! Lại không có điện ở cầu thang rồi! Cô lần mò tìm ra lan can và đôi chân thoăn thoắt đưa cô lên tầng trên. Tim cô lại nhói lên, ngày càng mạnh: có cảm giác như đang có người vừa thở hổn hển vừa đuổi theo mình. Cô chạy vụt qua tầng bốn và cuối cùng, cánh cửa phòng của cô đây rồi. Biết bao nhiêu lần Tamara đã chạy trong bóng tối dọc theo cầu thang và cứ mỗi lần như thế cô tưởng như là mình sắp chết vì vỡ tim mất.

“Không! Thế này không được! Không biết mình sợ gì cơ chứ! Chẳng có ai cả! Thế mà cũng đòi làm phóng viên! Lẽ nào mình lại không có đủ nghị lực để thắng cái sợ vô lí này? Cần phải rèn luyện ý chí mới được.”

Quyết định là sẽ rèn luyện ý chí, cô thực hiện ngay. Tamara chậm rãi xuống cầu thang. Lưng cô nổi gai ốc, nhưng đời nào cô cho phép mình quay lộn lên... Cô sẽ không ngoái cổ lại dù có xảy ra chuyện gì đi nữa. Thế là thành công. Phía dưới tim đỡ nhói hơn.

Xuống dưới nhà, cô ra phố để hít thở, định thần lại rồi lại chậm rãi leo lên tầng năm trên chiếc cầu thang tối mịt. Giữ được cho khỏi ngã thật là khó. Bóng tối dày đặc như quấn chặt lấy cô và cô có cảm giác chỉ cần chìa tay là có thể sờ mó được nó. Cô không chìa tay ra, và cũng không hề dừng lại.

Và cuối cùng là tầng năm đây rồi. Nút ấn chuông đây rồi.

“Từ nay hằng ngày mình sẽ leo lên cầu thang chậm hơn nữa. Mình sẽ rèn luyện ý chí như người ta luyện thép cho xem!” - Cô gái hạ quyết tâm như vậy.

Tamara về đúng lúc bố đang uống trà. Bố vừa đi tắm về xong và đang ngồi uống nước trà, ông mặc chiếc áo ngủ, ngực phanh ra. Mẹ đã lên giường nghỉ.

Bố của Tamara, theo lời cô nói, là một “hiện tượng lạ thường.” Đặc điểm đó thể hiện ở chỗ là chẳng bao giờ có thể xác định được khi nào ông đùa và khi nào ông nói thật. Mặt ông rất nghiêm nghị, nhưng đôi mắt lại ánh lên nụ cười. Có trời mà biết được! Ông thường thích bắt bẻ những lời nói không chính xác của con gái, ông giả vờ như không hiểu, hỏi đi hỏi lại nhiều lần về một vấn đề và thường làm ra vẻ quá đỗi ngạc nhiên, quá đỗi băn khoăn hoặc nhiệt liệt tán thành. Tóm lại là ông thích khích cô con gái nóng tính của ông và “chiêm ngưỡng” sự “sôi sục” đó. Chính ông là một con người vô cùng hiền từ và Tamara chưa bao giờ thấy ông tức giận hoặc quát tháo ai. Bố cô làm việc ở nhà máy gang thép từ thời còn trẻ và cô biết, ở đấy họ rất tự hào vì có những người thợ lành nghề như ông.

- Bố ơi, bố uống cốc thứ mấy rồi đấy? - Tamara vui vẻ hỏi.

- Bố không đếm. Không có máy tính trong trường hợp này thì chịu thôi... Thế con đi chơi đâu mà lâu vậy?

- Con đến nhà ông viện sĩ chơi và làm bài ở đấy.

- Làm bài cùng với ngài viện sĩ à?

- Với Lida.

- Ồ! Ồ! Nào, rót trà mà uống di! - Bố cô mời.

- Con không muốn uống. Bố ơi, bố nghe nhé. Vừa rồi có một câu chuyện khá lí thú. Bố hãy tưởng tượng xem: Sau tay lái là một phụ nữ...

- Là lái xe à?

- Vâng. Xe đang phóng nhanh, bất thình lình từ bên đường một chiếc xe khác phóng ra... Thế người phụ nữ sẽ làm gì hả bố?

- Làm gì à? Sẽ phanh lại hoặc tránh sang một bên.

- Nhưng nếu chiếc xe kia phóng đến quá gần.

- Thế thì hai xe đâm nhau.

- Người phụ nữ kia có bỏ tay lái không hả bố?

- Bố không biết

- Bác Sergei Ivanovich bảo là phụ nữ trong những trường hợp bất ngờ như vậy thường mất bình tĩnh, bỏ tay lái và ôm lấy mặt. Có đúng không hả bố?

- Thế bác Sergei Ivanovich là ai?

- Là ông viện sĩ ấy mà.

- Thế thì chắc là như vậy. Viện sĩ biết rõ hơn.

- Sao bố lại nói thế? Phụ nữ thì bỏ tay lái, còn đàn ông không bỏ à?

- Cũng có thể là như thế.

- Thế giữa họ có gì khác nhau ạ?

- Bố làm sao mà biết được khác nhau ở chỗ nào. Nếu ông viện sĩ đã nói vậy, nghĩa là ông ấy có cơ sở khoa học.

- Ôi trời ơi! Bố thì bao giờ cũng nghĩ ra lắm chuyện đâu đâu ấy. - Cô gái bực bội.

- Thế con lại bực tức gì đấy? Bỏ hay không bỏ... thì cô này bỏ, cô kia không. Đối với con có quan hệ gì đâu?

- Bố nhầm rồi. Đây là vấn đề nguyên tắc. Thế phụ nữ có thể làm việc bình đẳng với nam giới không?

- Vấn đề đó, con gái yêu của bố ơi, người ta đã giải quyết xong từ năm 1917, thế mà bây giờ các cô còn vung tay múa chân tranh cãi. Ai cấm cô? Cứ làm việc đi, nếu cô muốn.

Câu trả lời làm Tamara tắc tị. “Thế đấy, - cô nghĩ. - Có bao giờ tranh luận được với bố điều gì đâu. Bố nói một câu gì đó - Thế là nhận chìm mình xuống nước.”

- Bố ạ, hay là con uống cùng bố chén trà vậy! - Cô nói một cách lơ đễnh.

- Nhẽ ra phải như thế từ nãy kia!

Tamara đến tủ búp-phê lấy một cái tách rót trà rồi ngồi xuống cạnh bố, giơ tay ra vuốt lưng bố.

- Bố đổ mồ hôi rồi... lưng ướt hết. Bố ạ, chúng con có thầy giáo dạy văn mới - Thật không còn mong gì hơn nữa! Bố biết không, con vẽ một bức biếm họa thân thiện về ông ta, nhưng thầy hoàn toàn không giận gì cả. Thật là một người đúng đắn.

- Đã gọi là thân thiện thì còn giận gì nữa?

- Giá là một cô giáo nào đó xem... Ôi... ôi... ôi! Sẽ làm rùng beng cả lên cho mà xem! - Tamara uống mấy ngụm nước trà. - Nhưng bố thử nghe xem hôm nay thầy Constantin Sergheevich nói gì với chúng con nhé.

- Thế ông Constantin Sergheevich là ai?

- Thầy giáo văn ở lớp chúng con ấy mà. Trí nhớ của bố tồi quá, bố chả nhớ tên ai cả!... Hôm qua con vừa kể cho bố nghe về thầy ấy xong.

- Tên có hàng nghìn, còn bố chỉ có một mình. Làm sao nhớ hết được? - Bố trả lời một cách bình thản. - Thế thầy ấy nói gì?

- Nói gì à? À, nhớ rồi... Thầy đã nói những gì? Tamara vừa suy nghĩ vừa hỏi lại mình. - Tự nhiên lại quên mất. Con cũng có trí nhớ giống như trí nhớ của bố...

- Trí nhớ của con gái![17]

[17] Ý nói các cô gái hay lơ đễnh.

- Con với bố phải rèn luyện mới được. Phải luyện trí nhớ!

- Dĩ nhiên rồi! Chỉ có điều bố nhiều việc quá!

- À, con nhớ rồi! Chuyện là thế này bố ạ. Thường khi chúng con đọc những tác phẩm văn học và tự hỏi - cái gì, để làm gì và tại sao? Thế nhưng kết quả thì lại chẳng hiểu gì. Bất cứ một tác phẩm nào cũng phải đọc một cách khách quan, không có ấn tượng trước. Khi đọc xong rồi lúc đó có thể suy nghĩ phân tích: cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì đã làm cho ta xúc động và tại sao? Ta thích nhân vật nào trong truyện và tại sao? Ta biết được thêm điều gì về cuộc sống, về con người, về lí tưởng? - Cô gái nói, vô tình bắt chước giọng thầy giáo. - Vậy mà chúng ta đang làm gì? Thường thường chúng ta không phân thích tác phẩm mà mổ xẻ nó. Ta cắt đầu, cắt cụt chân tay, mổ bụng và... Sẽ có được cái gì? Tất cả đều vung vãi, và không còn tác phẩm nào nữa. Cả sự thú vị cũng không có!

- Dĩ nhiên rồi, còn thú vị cái nỗi gì nếu chặt cụt chân tay đi.

Tamara đã từ lâu quen với cách giễu cợt của bố, cô thích nói chuyện với bố và bao giờ cũng thấy bố là người rất chịu khó nghe chuyện.

- Chúng ta quen nhìn những hiện tượng trong cuộc sống, trong văn học, trong nghệ thuật một cách tỉnh táo. - Cô tiếp tục diễn thuyết, làm như trước mặt cô là cả một hội trường lớn.

- Thói quen - đó là một việc lớn...

- Khi nào con trở thành phóng viên... Bây giờ thì con biết phải tiến theo hướng nào rồi... Chỉ có điều tất cả mọi việc cần phải suy nghĩ, phát triển và rèn luyện để có được. Ôi bố ơi, con có nhiều việc lắm! - Cô thở dài kết thúc.

- Timosa[18], con nghe đây - bố nói và đưa cho xem một bức ảnh nhỏ - Đây, con xem chiếc ảnh này này.

[18] Tên gọi thân mật của Timophei dùng cho con trai. Người bố này dùng để gọi Tamara.

Cô gái cầm lấy chiếc ảnh, trong ảnh là một người đàn ông có râu, tóc chải mượt.

- Con có thể vẽ ông ta giống như thế này nhưng đang diễn thuyết trên diễn đàn được không? Từ mồm ông ta phun ra những tia lửa và ở một cái tranh khác con vẽ ông ta đang ngủ, và từ mũi ông ta phun ra những tia lửa.

- Vẽ để làm gì hả bố?

- Để cho tờ báo tường đấy. Con phải vẽ sao cho thật giống cơ.

- Bao giờ thì bố cần?

- Nhanh nhanh một tí.

- Nhiều bài cho về nhà lắm... Thôi được con sẽ vẽ cho bố.

- Con phải cố làm sao cho thật buồn cười kia!

Tamara vẽ rất đẹp, nhưng không biết sao cô không thích vẽ và chóng mệt. Những kì báo tường cô thường khất lần đến sát nút mới chịu làm. Thầy giáo dạy vẽ và nhiều người khác khuyên cô nên vào học vẽ ở viện mĩ thuật, nhưng cô lại không thích nghề đó. Còn bây giờ cô cất tấm ảnh vào chiếc túi dệt sĩ quan với vẻ chán ngán, nhưng không thể từ chối giúp bố việc đó được.

- Tamara, hôm nay con có định đi ngủ hay không đấy? - Giọng mẹ cô vang lên.

- Con đi ngủ ngay đây, mẹ ạ!

Cô uống nốt cốc nước chè đã nguội và dọn giường đi ngủ. Cô ngủ trên chiếc giường xếp dùng để đi cắm trại mà bố cô kiếm được ở đâu không biết, theo đề nghị của cô. Cô tập cho mình quen chịu đựng mọi khó khăn. Mỗi một phóng viên, theo cô nghĩ, cần phải đi khắp đất nước mình, phải nhìn thấy tất cả, phải biết và hiểu tất cả... Cô thường tưởng tượng mình ngồi sau tay lái và tự lái chiếc xe của mình, trong xe có đem theo chiếc giường xếp, hai bộ áo quần, một cái ấm và một ít thực phẩm.

- Bố ơi! Bao giờ thì bố định uống xong trà đấy ạ!

- Con cần gì?

- Bố có biết rằng uống nhiều là có hại không? Mỗi người chỉ cần một lít chất lỏng trong một ngày thôi đấy.

- Nếu là chất lỏng 40 độ thì hơi nhiều.

- Con nói là nước cơ mà.

- Người ốm thì cái gì cũng có hại.

- Đủ rồi, bố ạ! - Cô nghiêm nghị nói và mang ấm Xamovar đi.

Khi cô quay lại thì bố cô đứng cạnh bàn, trong tay cầm chiếc cốc không.

- Giá được uống thêm một cốc nữa thôi... Con đi ngủ đi, bố sẽ không làm phiền con nữa.

Tamara vừa đặt lưng xuống, con mèo đã từ đâu nhảy vào gối, húc cái mõm ướt vào má cô và kêu meo meo.

Bố cô đã quay lại đứng cạnh giường và khẽ hỏi:

- Timosa, con đã ngủ chưa?

- Chưa ạ, bố cần gì đấy?

- Con biết không, có một việc thế này... Ở xưởng bố đang có cuộc đấu tranh để đạt chất lượng sản phẩm tốt. Bố định sẽ lập một bản “Lời hứa danh dự” và cả đội sản xuất sẽ kí tên xuống dưới. Thế này, con biết không... Những quy định đó sẽ được lồng vào kính, đặt trong một cái khung rất đẹp và treo ở xưởng...

Tamara ngồi phắt dậy và như hồi còn nhỏ, vỗ tay reo:

- Bố ơi! Tuyệt quá bố ạ!

- Tamara, mày điên rồi đấy à! - Bà mẹ càu nhàu - Để cho người khác ngủ với chứ!

- Bố ơi, bố biết không?... Đó chính là cái mà chúng con cần đấy! Chúng con cũng sẽ viết bản “Lời hứa danh dự” đả đảo điểm ba!... Và cũng sẽ kí tên ở dưới.

- Đả đảo ai cơ?

- Điểm ba! Điểm ba - bố có biết không, đó là một sản phẩm không tốt lắm. Bố đã gợi ý được cho con một sáng kiến tuyệt vời! Hôm nay con và các bạn nghĩ mãi không biết bắt đầu đợt phấn đấu học tập dưới hình thức nào. Con sẽ viết ngay bây giờ đây!... Không. Tốt hơn là sáng mai! Buổi sáng đầu óc minh mẫn hơn.

- Đúng rồi! Sáng tỏ hơn chiều! Thế con vẽ cho bố một cái khung đẹp đẹp chứ?

- Nhất định rồi! Con sẽ làm hết mọi thứ cho bố! Bố thật là cừ.

- Thôi, thôi... Thế con định ngủ trên chiếc giường xếp này bao lâu nữa? - Ông bố hỏi và đi ra cửa.

- Khi nào đến mùa đông, con sẽ may một cái “túi ngủ” như của những người địa chất và sẽ ngủ trên chái nhà. - Tamara trả lời.

- Ôi, con thì nghĩ ra đủ trò!

- Chứ sao? Con phải rèn luyện. - Nhưng bố đã gợi cho con, thật là tuyệt! Lời hứa... Con ngạc nhiên là sao chúng con lại không nghĩ ra điều đó nhỉ?

- Tamara! Mày sắp nói xong chưa đấy? - Mẹ cô hỏi, giọng bực bội.

- Mẹ ơi, con lặng thinh rồi, im mồm rồi...

Tamara nằm mãi không tài nào ngủ được. Cô tự tưởng tượng ra một kiểu trang trí các khung và nghĩ cả nội dung của lời hứa. Sắp ngủ rồi, cô lại nhớ đến cuộc họp hôm nay và trong lòng cảm thấy lo lắng. Trong lớp xuất hiện những hiện tượng không lành mạnh. Thí dụ, ai đã nói cho cô Marina biết về cái tát? Trong cuộc họp không ai nhận cả. Catia nghi cho Valia. Nhưng cô Marina Leopoldovna lại không ưa nó nhất. Cô giáo đã nhiều lần lên lớp con bé vì cái tính tự kiêu, vì những câu trả lời xấc xược và còn nói sẽ hạ điểm nếu nó không chịu sửa chữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3