Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 12
GIỜ ĐỨC VĂN
Những ngày này trời trở nên ấm áp, thường có nắng khô. Thời gian này gọi là ráo “cuối hè.” Cửa sổ các lớp học vẫn mở. Tiếng máy, tiếng rú ga đứt quãng của ô tô đập vào tai các em học sinh trong lớp. Tự nhiên có tiếng nhạc vang lên. Đâu đây người ta mở máy quay đĩa và những điệu nhạc van-xơ du dương hòa lẫn với tiếng ồn ào ngoài phố lọt vào lớp.
Svetlana chống tay lên cằm chăm chú nhìn chiếc trâm cài trên ngực của cô Marina Leopoldovna.
Cô giáo không hài lòng câu trả lời của Cosinscaia Nina, cáu kỉnh sửa lỗi cho cô gái, nhưng Svetlana như bị thôi miên không tài nào nhìn đi chỗ khác - em vẫn mê mẩn nhìn chiếc trâm lấp lánh và ngoài tiếng nhạc ra không nghe thấy gì nữa. Trên môi em phảng phất một nụ cười. Tiếng nhạc van-xơ du dương trầm bổng như kêu gọi, như hứa hẹn một điều gì tốt đẹp. Đĩa hát đã ngừng quay nhưng tiếng nhạc không tắt, những âm điệu của nó bay đi, tan ra và nhường chỗ cho tiếng máy rồ lên của một chiếc mô-tô vừa phóng qua.
Thật tiếc, bản van-xơ đã bay đi. Tiếng nhạc van-xơ thật phù hợp với tâm trạng của em và với một ngày đẹp trời như hôm nay... Một vài phút trôi qua. Những ngón tay thoăn thoắt lướt trên những phím đàn dương cầm, sau đó tiếng vil-ô-lông-xen hòa lẫn vào nhau. Ngay từ câu đầu Svetlana đã biết đó là tác phẩm của Glinca[19] - ca khúc “Nỗi băn khoăn.” Em rất thích ca khúc đó và đang nóng lòng chờ đợi xem ai sẽ biểu diễn. “Ai sẽ hát? Giọng nam hay nữ? Nếu là giọng nam, thì mọi việc sẽ tốt đẹp” - em suy nghĩ miên man.
[19] Nhà soạn nhạc Nga thế kỉ 18 - 19.
- Svetlana!
Giọng nói nghiêm khắc của cô giáo đưa Svetlana trở về với thực tại. Cô gái đứng dậy nhìn lên bảng và nhận ngay ra lỗi. Em định chữa lỗi cho bạn, nhưng cô giáo ra hiệu là không cần chữa và hỏi:
- Em đang mơ mộng gì đó?
- Thưa cô, không phải em mơ mộng đâu ạ. - Svetlana nói một cách buồn bã, tay hất bím tóc ra sau lưng. - Em mải xem chiếc trâm cài áo của cô và bỗng nhiên nghĩ sang việc khác.
Cô giáo cúi nhìn chiếc trâm cài áo một cách ngạc nhiên như lần đầu cô nhìn thấy, lấy tay sờ nó và khi thấy không có gì đặc biệt cả cô quay sang nhìn Svetlana, ngạc nhiên hỏi:
- Chiếc trâm của tôi thì có liên quan gì?
- Thưa cô, cô có chiếc trâm rất đẹp ạ. - Svetlana nói. - Trước kia không biết sao không bao giờ em để ý đến nó cả.
Marina Leopoldovna giơ ngón tay lên dọa và muốn nói: “Đừng có láu cá với tôi. Tôi đi guốc trong bụng các em rồi” - nhưng không biết tại sao cô lại thấy ngượng và nói một cách khó chịu:
- Và đã để ý một cách vô ích. Chiếc trâm của tôi chẳng có gì liên quan đến em cả. Ngồi xuống và trập trung nghe bài.
Vừa ngồi xuống Svetlana đã nghe thấy tiếng hát ngay. Ca khúc do nghệ sĩ nổi tiếng Salapin[20] biểu diễn. Ban đầu Svetlana vừa nghe hát vừa cố gắng theo dõi câu trả lời của Nina, nhưng sau đó em đành chịu. Lời lẽ của thứ tiếng xa lạ kia không còn sức thu hút sự chú ý của em nữa.
[20] Saliapin - ca sĩ Nga nổi tiếng vào thế kỉ 19.
Cuối cùng thì cô Marina Leopoldovna bỗng nghe thấy tiếng nhạc và hiểu ra nguyên nhân tại sao những khuôn mặt của các em học sinh kia lại đờ ra, không để ý gì đến môn tiếng Đức nữa.
- Ai trực nhật? Đóng ngay cửa sổ lại! - Cô ra lệnh.
- Nhưng thưa cô, trong lớp nóng lắm ạ. - Jenia hơi bĩu môi vẻ không hài lòng, phản đối lại, nhưng cô giáo không thèm nhìn về phía em nữa.
Cửa sổ đóng cả rồi, tiếng nhạc không còn nghe thấy nữa nhưng nó vẫn tiếp tục vang lên trong lòng Svetlana... “Niềm hi vọng đã đoán ra hạnh phúc của ta một cách vô ích”...
Ania Alechxeeva hầu như hoàn toàn không biết lời của ca khúc đó, nhưng tiếng nhạc quen thuộc làm em nhớ lại tối hôm qua và tự nhiên một cảm giác lo lắng thắt chặt trái tim em.
Hôm qua, sau khi từ trường về nhà, em thấy mẹ đi vắng và viết giấy để lại cho em: “Ania, cơm mẹ để trong tủ búp-phê. Ăn đi, đừng đợi mẹ, Mẹ sẽ về muộn. Mẹ.” Trước kia, mẹ vẫn thường hay để lại cho Ania những mẩu giấy như vậy, mỗi khi mẹ phải ở lại họp, nhưng chưa bao giờ Ania thấy lo lắng cả. Mẹ Ania là kĩ sư thiết kế đồ án ở xưởng máy mà trước chiến tranh bố em cũng cùng làm. Đọc xong mẩu giấy em thở dài, thay quần áo rồi xuống bếp. Em rất buồn. Muốn gặp mẹ, kể cho mẹ nghe về bài giảng của thầy Constantin Sergheevich. Em và mẹ ít khi được ở bên nhau, chỉ có chủ nhật mới gặp và cũng chỉ những hôm mẹ không có việc gì bận mới được ở bên mẹ. Ania đốt bếp, đặt ấm nước rồi quay về phòng của mẹ, nơi có kê tủ búp-phê. Trong tủ là những chiếc cà-mèn đựng bữa cơm trưa mẹ đã mua ở bếp tập thể của nhà máy đem về. Trước kia, bố sống ở phòng này, Ania và mẹ ở phòng bên cạnh. Bây giờ ngoài họ ra, trong hộ còn có một người đàn bà góa không con nữa. Chồng bà ta cũng hi sinh trong chiến tranh.
Vào phòng mẹ, Ania ngửi thấy mùi nước hoa tỏa ra thơm phức. Một loại nước hoa mới không quen. Trên giường cô nhìn thấy bộ quần áo đi làm của mẹ vắt đó. Ở dưới sàn thấy chiếc hộp đựng đôi giày đẹp của mẹ trống không. Tất cả những cái đó làm Ania ngạc nhiên và cảm thấy có một cái gì bất thường. Em mở tủ thì thấy chiếc ào dài lụa màu nâu sẫm của mẹ cũng không có. Thế nghĩa là mẹ đã thay quần áo và đi đâu đó... nhưng không phải đi làm. Đi đâu nhỉ?
Ăn xong, Ania ngồi vào bàn học. Em ngồi hơn hai tiếng đồng hồ nhưng thấy mình không hề nhớ tí gì sau khi đã đọc sách giáo khoa. Làm mấy bài tập lượng giác, xong em mở tập truyện ngắn Gorki ra đọc. Trong khoảnh khắc, tài năng kiệt xuất của nhà văn vĩ đại đã thu hút em và thắng cái cảm giác lo lắng kia. Nhưng khi nghe đồng hồ đã điểm mười hai giờ thì em lại sực nhớ đến mẹ. Mẹ không bao giờ lại nấn ná ở đâu muộn đến thế cả. Mẹ về gần một giờ đêm. Ania đã đi nằm nhưng vẫn chưa ngủ. Em nghe cả tiếng mở cửa và tiếng bật đèn ở ngoài... Mẹ đã cởi áo măng-tô, bà bước vào phòng ngủ, tiếng gót giày nện xuống sàn gỗ nghe rõ mồn một... Và bỗng nhiên bà ngân nga một điệu nhạc không lời... Đó chính là ca khúc mà hôm nay Salapin đã hát - “Nỗi băn khoăn” của nhạc sĩ Glinca. Khoảng năm phút sau bà nhẹ nhàng bước vào phòng trong đổi giày vải bông đi trong nhà và đến cạnh đầu giường con gái.
- Mẹ ơi, mẹ đi đâu về thế?
- Thế mà mẹ tưởng con đã ngủ rồi chứ... Mẹ đi xem hát. Muộn rồi, ngủ đi... Anesca[21], con gái yêu của mẹ...
[21] Tên thân mật của Ania.
Mẹ vuốt tóc con gái rồi cúi xuống hôn trán em và ra khỏi phòng. Cả cánh tay, cả đôi môi và toàn thân mẹ mát mẻ và tươi tắn lạ thường, mắt bà long lanh, bà đi ra để lại trong phòng mùi nước hoa thoang thoảng. Sự biểu lộ tình cảm của mẹ làm Ania cảm động suýt chảy nước mắt. Quan hệ giữa hai mẹ con thường chỉ thân mật như bạn bè chứ ít khi “ướt át” thế này.
Sau khi mẹ đi rồi, Ania nằm, mắt thao láo không ngủ được, lắng nghe tiếng sột soạt ở phòng bên. “Có gì xảy ra vậy? Sao mẹ lại không thể mặc một chiếc áo đẹp để đi xem hát? Mẹ đã phải làm việc quá nhiều rồi” - Cô gái tự trấn tĩnh lại, nhưng một sự lo lắng mơ hồ vẫn không buông tha em.
... Một giọng nói cáu kỉnh đã cắt ngang dòng suy nghĩ của Ania.
- Đủ rồi! - Marina Leopoldovna nói, cô kéo gần sổ điểm lại và cầm bút - Đành phải cho em điểm ba vậy. Rất đáng tiếc... nhưng em không xứng đáng được điểm cao hơn. Ngồi xuống!
Nina Cosinscaia đỏ bừng mặt, nháy lia lịa đôi hàng mi dài, và nhẹ nhàng ngồi xuống như người có lỗi. Nina học giỏi, và điểm ba tiếng Đức đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của em. Nhưng giá chỉ có thế thôi đã phúc... Điểm ba đã làm em khổ sở biết bao khi về nhà. Em biết trước là bố sẽ khó chịu và trong bữa ăn thế nào cũng sẽ nói là ở Bộ Giáo dục tay phải không biết tay trái đang làm gì[22], là chương trình ở phổ thông nặng quá sức, hai bà nội ngoại và mẹ sẽ đau khổ vì “sự kiện” này độ hai ba ngày. Và tất nhiên, ý kiến của hai bà sẽ thống nhất ở chỗ là cô giáo Marina Leopoldovna là người có lỗi vì cô ấy độc ác, đòi hỏi quá đáng với trẻ con. Ninotrca[23] có thể vì đãng trí mà nhầm hoặc vô tình quên, nhẽ ra cô giáo phải giúp con bé, thì cô ấy chỉ chực cho nó điểm xấu! Tóm lại là tất cả mọi người đều có lỗi, trừ Nina ra...
[22] Nghĩa là việc ai người ấy lo, không liên quan gì tới nhau.
[23] Tên gọi thân mật của Nina.
- Có việc gì xẩy ra vậy các em? - Cô Marina Leopoldovna hỏi cả lớp. Tôi để ý thấy thời gian gần đây các em học kém đi. Tại sao? Sao các em không thích môn tiếng Đức nữa hay là tôi có gì thay đổi. Jenia Smirnova, em giải thích lí do cho tôi rõ.
- Thưa cô, em phải giải thích gì ạ? - Jenia đứng dậy, lúng túng đưa mắt nhìn các bạn.
- Tại sao môn tiếng Đức các em lại có nhiều điểm ba thế này?
- Thưa cô, em không biết ạ. Em có phải là người cho điểm đâu ạ.
- Nghĩa là em cho rằng tôi cho điểm thấp hơn điểm các em xứng đáng được cho chứ gì?
Jenia vẫn chịu được cái nhìn nghiêm khắc của cô giáo và trả lời một cách bình tĩnh:
- Không ạ. Em không có ý nói như vậy. Cô cho điểm như vậy là công bằng ạ.
- Thế thì tại sao nhiều điểm ba?
- Em không biết ạ. Riêng em chẳng hạn không có điểm ba...
- Tôi hỏi điểm của cả lớp! - Cô giáo bực tức cắt ngang. - Em là lớp trưởng và thêm vào đó lại là một trong những người lãnh đạo lớp nữa!
Để trả lời sự “châm chọc” đó, Jenia lẩm bẩm gì đó không rõ, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, và không tiếp tục tranh luận nữa.
- Các em không nên quên rằng, bằng lớp 10 người ta không cấp cho tất cả đâu. Cần phải làm việc. Tania lên bảng. Jenia ngồi xuống.
Jenia không thể trấn tĩnh được. Giọng nói gay gắt của cô giáo như xúc phạm em, nhất là câu nói châm chọc về “người lãnh đạo lớp” làm cho em khó chịu. “Tại sao cô ấy lại chỉ gầm gừ với mình? - Jenia nghĩ - Tại sao một mình mình phải chịu trách nhiệm cho cả lớp? Nếu cô ấy gọi mình là “người lãnh đạo lớp” một lần nữa, mình sẽ trả lời cho biết.”
Và Jenia bắt đầu nghĩ xem lần sau em sẽ trả lời cô giáo như thế nào. Sau một phút em cũng chẳng nghĩ ra được cái gì, em liếc nhìn bí thư chi đoàn xem câu nói độc ác về những “người lãnh đạo lớp” có tác động gì đến Catia không. Catia mím chặt môi, giữa hai lông mày có một nếp nhăn hằn sâu như hình dấu phẩy. Thế nghĩa là có động chạm đến lòng tự trọng của bạn ấy. Tamara ngồi bàn đầu, Jenia không nhìn thấy mặt bạn nên không biết thái độ của Tamara đối với lời nói của cô giáo như thế nào.
Các em học sinh lớp 10 thấy rằng ngay từ những ngày đầu, sau khi các em có thầy giáo mới làm chủ nhiệm, cô Marina Leopoldovna thường hay bực bội và đối xử với các em như thể các em có lỗi gì với cô. Các em có lỗi gì cơ chứ? Lẽ nào có cái lỗi là đã yêu môn văn học và nóng lòng chờ đợi giờ học của thầy Constantin Sergheevich? Lẽ nào vì các em đọc nhiều và chuẩn bị kĩ cho giờ học của thầy giáo chủ nhiệm? Thật ra, công bằng mà nói, sự trách móc của cô Marina Leopoldovna cũng có phần nào đúng. Sự say mê văn học dĩ nhiên là có làm ảnh hưởng đến kết quả học tập những môn khác. Tranh luận làm gì cho vô ích. Chỉ cần nhìn vào sổ điểm là rõ. Điểm ba hàng loạt, thỉnh thoảng có cả điểm hai. Và chỉ có hai học sinh vẫn học tốt như trước là Valia Belova và Svetlana Ivanova.
Sự bực bội của Jenia qua dần. Cô gái biết cái tính thất thường của cô giáo và đã từ lâu quen với nó rồi. Bây giờ Marina Leopoldovna liếc nhìn em đã có vẻ thiện cảm hơn và có thể là đang hối hận vì việc làm vừa rồi. Jenia biết rất rõ mình là một trong những học sinh giỏi và được cô giáo “người Đức” cưng, nên cũng thường lạm dụng điều đó. Trong lớp chả có ai dám nói với cô giáo bằng cái giọng như thế, nhưng cô Marina Leopoldovna tha thứ cho Jenia tất cả.
Gọi Tania Acxenova lên bảng, cô giáo đi dọc giữa hai dãy bàn và ngồi xuống sau bàn giáo viên. Có cảm giác như cô không hề để ý xem Tania đang lắp bắp gì cạnh bảng. Cô nhìn lơ đễnh vào một chỗ nào đó trên đầu Lida Versinina và suy nghĩ miên man. Tania nói những câu tiếng Đức vô nghĩa mà cô giáo cũng không muốn nghe và cũng không buồn chữa.
Lớp học im một cách lạ thường. Chỉ có giọng nói đều đều buồn tẻ của Tania đang khó nhọc chọn những động từ “ngoại lệ” của tiếng Đức vang lên. Tất cả mọi người đang chờ đợi xem sẽ kết thúc ra sao. Cuối cùng, Tania thở phào rồi im hẳn và nhờ đó mà đã thức tỉnh được cô giáo.
- Thế nào... tiếp tục sao nữa, - cô giáo nói mà không ngoái cổ lại.
- Xong rồi ạ.
- Xong rồi ư? Ai có thể phát biểu thêm? Cô Marina Leopoldovna đưa mắt nhìn cả lớp một lượt, nhưng không có ai giơ tay cả - Jenia!
Jenia chậm rãi đứng dậy. Em tin chắc là cô giáo không nghe Tania trả lời.
- Em không còn gì để thêm ạ. Bạn Tania Acxenova đã nói hết rồi.
Marina Leopoldovna nhìn chằm chằm vào mặt cô học trò cưng một cách buồn bã, thở dài rồi cầm lấy bút.
- Được. Thế thì các em đành nhận bốn điểm về chia đôi vậy. Ngồi xuống!
Và tất cả mọi người nhìn thấy cô cho hai con hai một cách không thương tiếc.
Marina Leopoldovna cho rằng các em học sinh lớp 10 yêu mến cô, tin tưởng tuyệt đối ở cô, vì thế mà lúc nào cũng cởi mở và trung thực với cô. Cô nghĩ như vậy mãi cho đến những ngày gần đây... Đột nhiên mọi việc thay đổi. Trước kia cô biết cặn kẽ hết mọi việc đã xảy ra ở lớp, còn bây giờ thì chỉ có một mình Valia Belova kể cho cô biết những gì đã xảy ra, và nói một cách lén lút. Gần đây có cuộc họp chi đoàn. Bọn trẻ nói gì ở đó, ra những quyết nghị gì cô không được biết vì Valia không phải là đoàn viên.
Cô giáo hỏi Catia về cuộc họp chi đoàn nhưng theo bản tính đa nghi của cô, cô cho rằng bí thư chi đoàn đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của cô:
- Cũng chả có quyết nghị gì đặc biệt cô ạ. Chúng em nhắc nhở về kỉ luật, về kết quả học tập...
Cô giáo giận và không hỏi thêm nữa, nhưng một lần nữa khẳng định với bản thân mình là quan hệ của các em đối với cô thay đổi đột ngột. Càng nghĩ, cô càng thấy rõ điều đó. Cô còn chắc chắn rằng, các em học sinh bắt đầu lạnh nhạt với cô từ khi thầy Constantin Sergheevich xuất hiện. Tuy không có cở sở gì để khẳng định điều đó, cô vẫn chắc chắn là như vậy. Cô Marina Leopoldovna không hề biết thầy giáo mới đã dạy môn văn học như thế nào. Thứ nhất, đó là công việc của giáo vụ, thứ hai là một môn như văn học thì, theo ý cô, một người nào biết chữ mà chẳng dạy được. Nhưng làm giáo viên chủ nhiệm thì không phải ai cũng làm được. Cô tin chắc rằng thầy Constantin Sergheevich không làm nổi nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm và thế là lớp cưng nhất của cô không có ai để mắt tới. Những việc như cái tát, bức biếm họa ác ý với thầy giáo và việc trao trách nhiệm cho ba cô học sinh giáo dục cả lớp tự nó nói lên điều đó. Nghe thấy chuyện Constantin Sergheevich xin bức biếm họa làm kỉ niệm và không cảnh cáo một cô học sinh nào, Marina Leopoldovna tức lắm, cô còn định đến gặp cô hiệu trưởng về việc này. Kết quả học tập môn tiếng Đức kém hẳn trong thời gian cuối, cô giải thích là lớp không có ai làm công tác chủ nhiệm.
Cho hai điểm hai rõ đậm, cô Marina Leopoldovna ngước nhìn khuôn mặt đỏ như gấc vì ngượng và vì tức của Jenia và hỏi một cách mỉa mai:
- Nào, thế còn hai điểm hai này tôi cho có đúng không?
- Thưa cô, cô hỏi em ạ?
- Dĩ nhiên rồi
- Vâng. Đúng ạ. Giá ở địa vị cô, em cho hai điểm để hai người chia nhau - Jenia trả lời mà không hề nháy mắt.
Cô bạn ngồi cạnh vội kéo áo Jenia, nhưng em hất mạnh ra, thì thầm: “Đừng động vào tôi!” Trong những phút như vậy, theo nhận xét của mẹ Jenia, khi em đã “cắn cương” thì trời cũng chẳng chặn em lại được.
Nghe tiếng chuông, cả lớp thở phào nhẹ nhõm. Marina Leopoldovna thấy tiếng chuông đã làm mặt các em học sinh tươi tỉnh hẳn lên - đó là giọt nước làm đầy thêm cốc nước đo sự chịu đựng của cô. Cô không vào phòng giáo viên mà đi thẳng xuống dưới gõ cửa vào phòng bà hiệu trưởng.
Trong phòng Natalia Zakharovna không phải chỉ có một mình bà. Ngồi đối diện bà là cô giáo thể dục Valentina Vipentiena, hay như đại đa số giáo viên gọi là Valia, cô mím chặt môi một cách bướng bỉnh. Cô gái tốt nghiệp trường đại học thể thao và đã dạy ở trường được hai năm nay. Cô nắm rất tốt môn cô dạy, nhưng không biết cách làm cho các em học sinh ham thích thể thao vì cô không biết tự kiềm chế, không tìm được sự cảm thông giữa cô và học sinh, và vì vậy mà thường hay va chạm, nhất là ở các lớp sáu, lớp 7.
- Mời chị vào, chị Marina Leopoldovna - bà hiệu trưởng mời và quay lại phía Valentina Vipentiena, bà tiếp tục câu chuyện: - Thôi cứ cho là cô đúng. Cho là cô bé ấy không thích học môn thể dục. Nhưng vì lẽ gì mà cô cho em điểm hai?
- Bác Natalia Zakharovna ạ, nhưng mà em ấy lại không mang theo quần áo thể thao ạ. Em ấy cố tình làm thế để khỏi phải học giờ thể thao, - cô giáo dạy thể dục nói.
- Cứ cho là như vậy đi. Nhưng mà điểm đúng để đánh giá kiến thức của học sinh chứ đâu phải để đánh giá hành động của các em.
- Điểm còn khuyến khích quá trình học tập, - cô giáo bảo vệ ý kiến một cách bướng bỉnh, - lần sau em ấy sẽ không quên mang theo quần áo thể thao và sẽ cố gắng để không bị điểm hai.
- Không. Tôi không thể đồng ý với cô được. Nếu tất cả giáo viên bắt đầu hạ điểm vì các em nhắc nhau, vì nói chuyện trong giờ học, vì quên mang theo sách vở... lúc đó chúng ta sẽ có gì?
- Sẽ nâng cao ý thức kỉ luật! - Cô giáo dạy thể dục nói một cách tự tin và với dáng điệu của một người chiến thắng nhìn sang cô giáo dạy tiếng Đức vừa bước vào và đang ngồi xuống ghế.
Marina Leopoldovna hiểu ngay vấn đề hai người đang tranh luận, nhớ lại hai điểm hai cô vừa cho và suy nghĩ. Tania không thuộc bài và trả lời sai thì hai điểm vẫn còn là điểm cao đối với em, còn điểm hai cho Jenia thì đúng là rơi vào trường hợp giống như trường hợp của cô giáo thể dục vừa bảo vệ lúc nãy.
- Nếu các em vô kỉ luật thì ta hạ điểm hạnh kiểm, ở đây thì có gì liên quan đến môn học? - Bà hiệu trưởng tiếp tục tranh luận - Thế chị nghĩ sao về vấn đề này? - Bà quay lại hỏi cô Marina Leopoldovna.
- Vâng, nói chung là như vậy, nhưng tôi không biết... tôi không được nghe câu chuyện từ đầu - cô Marina Leopoldovna không trả lời thẳng vào câu hỏi.
Natalia Zakharovna ngạc nhiên nhìn cô giáo, vì mọi khi cô Marina Leopoldovna thường tỏ ra nhiệt tình và thẳng thắn trao đổi ý kiến của mình về những vấn đề thuộc về lĩnh vực giáo dục học và phương pháp giảng dạy.
- Thôi được. Chúng ta sẽ không tranh cãi bây giờ. Có thể chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này khi họp hội đồng giáo viên - bà hiệu trưởng quyết định thế và vội ghi gì đó vào sổ tay.
- Tôi có thể đi được chứ ạ? - Cô giáo thể dục hỏi.
- Vâng.
Valentina Vipentiena đứng dậy, bước những bước chắc nịch ra khỏi phòng.
- Còn chị có việc gì đấy?
Marina Leopoldovna mở sổ điểm ra nhìn bà hiệu trưởng, đóng sổ lại rồi ngồi vào chỗ cô giáo thể dục vừa ngồi.
- Chị Natalia Zakharovna, tôi muốn báo cáo thật với chị là ở lớp 10 đang xảy ra tai họa lớn, - cô giáo hăng hái nói, nhưng sửa lại ngay - đang có mầm mống tai họa lớn. Lớp này vốn đã là một lớp yếu, thời gian vừa rồi hoàn toàn không chịu làm việc nữa. Các em bỏ cả học hành và chúng ta chẳng có cách gì cứu chữa. Chị xem này, xem thử cái gì đây. Trong sổ điểm... trừ một vài trường hợp ra còn toàn là điểm ba và điểm hai. Nếu cứ tiếp tục thế này mãi thì kì thi nghiệp lớp 10 sẽ ra sao đây? Thật khủng khiếp! Chúng ta sẽ nhục nhã biết chừng nào khi toàn khu, toàn thành Leningrad biết kết quả thi đó. Trong thời gian cuối các em ấy trở nên hư đốn... Không chịu học bài, không chú ý nghe giảng bài, vẽ tranh biếm họa giễu thầy... Mà nói chuyện làm gì nữa! Đi đến mức đánh nhau thì còn gì!
Natalia Zakharovna cứ để cho cô giáo nói hết và khi cô dừng lại để nghỉ thì bà bình tĩnh nói.
- Chị nói hơi quá đấy, chị Marina Leopoldovna ạ.
- Tôi nói quá ư? Tôi? Ngược lại! Tôi tự kiềm chế và giảm nhẹ đi đấy... Trong người tôi cứ sôi lên đây này! - Nói ra những lời cô ấy cô lấy tay gõ gõ vào chiếc trâm cài trước ngực - Chị hãy nghĩ xem, các em nói với giáo viên bằng giọng như thế nào! Chị thử xem sổ điểm xem! Xem thử kết quả học tập trong thời gian cuối đã sút đi như thế nào!...
- Tôi thấy rồi
- Và chị vẫn thấy hài lòng?
- Không! Nhưng không nên nóng nảy! Ta cứ nói chuyện bình tĩnh với nhau xem sao. Kết quả học tập có sút đi. Đó là điều đúng sự thật. Theo chị thì tại sao lại thế?
- Nói thật chứ?
- Tất nhiên.
- Lỗi tại thầy giáo chủ nhiệm mới... Constantin Sergheevich!
- Vâng, nguyên nhân do anh ấy. Lí do ở anh ấy - bà Natalia Zakharovna tán thành - chính anh ấy cũng nghĩ như vậy.
Vì quá ngạc nhiên nên Marina Leopoldovna lặng đi, không nói ra được lời nào
- Tự anh ta cũng nghĩ thế - Nghĩa là thế nào? - Cuối cùng cô giáo hỏi.
- Chúng tôi cũng có nói chuyện với anh ấy rồi. Anh ấy rất lo lắng về tình hình hiện nay của lớp. Vì chính anh ấy là giáo viên chủ nhiệm của lớp đó mà.
- Chính là ở chỗ đó! - Marina Leopoldovna kêu lên một cách mừng rỡ - Chị lại tin tưởng giao cho anh ấy giáo dục các cô gái như thế... Constantin Sergheevich mới về. Anh ấy lại ốm yếu nữa...
Chỉ bây giờ bà hiệu trưởng mới hiểu hết ý đồ của Marina đến đây và bà lạnh lùng cắt ngang:
- Không cần phải cải tạo bọn trẻ đâu, chị Marina Leopoldovna ạ. Đó là những em gái bình thường như những em gái khác, chỉ bị chệch choạc một chút thôi. Nhưng các em cũng đã nghĩ đến điều đó rồi. Trong thời gian ngắn nữa thì đâu lại sẽ vào đấy thôi, tôi hoàn toàn tin như vậy. Tiện đây, chị cũng thử xem lại phương pháp của chị xem thế nào.
Natalia Zakharovna đưa kính lên mắt xem thời khóa biểu, ngừng một lúc, bà nói tiếp.
- Giờ học của chị thường có trước giờ văn học, và điều đó bắt chị phải có trách nhiệm hơn...
- Tôi chẳng hiểu gì cả, tại sao lại phương pháp? Trách nhiệm gì?
- Chị tưởng tượng xem, sau bản báo cáo sẽ có buổi biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng. Bản báo cáo dễ trở nên tẻ nhạt nếu ta không chuẩn bị thật cẩn thận, không cố gắng làm cho nó hấp dẫn.
- Chị Natalia Zakharovna, trường học không phải là nhà hát, còn tôi cũng không phải là nghệ sĩ - cô giáo giận dỗi phản ứng.
- Có thể thí dụ đó không phù hợp lắm, tôi chỉ muốn...
- Một thí dụ thật kì quặc, cách đặt vấn đề cũng thật kì lạ - Marina Leopoldovna cắt ngang - Tôi đến gặp chị để báo cho chị biết là lớp 10 đang trên đà xuống dốc, thế mà chị lại góp ý cho tôi là cần suy nghĩ về phương pháp. Lạ thật... Lạ hơn nữa là chị còn so tôi với nghệ sĩ! - Marina Leopoldovna nói, giọng run lên vì tức giận và oan ức, chị đứng dậy.
- Tôi không so chị mà so Constantin Sergheevich. Lớp học quả có thay đổi, nhưng tôi tin chắc rằng nó sẽ còn thay đổi nhiều nữa trong thời gian tới... - Bà Natalia Zakharovna nói và không biết rằng bà đã giáng cho cô giáo một đòn nặng thế nào - đã làm tan vỡ niềm hi vọng cuối cùng của cô là được bảo trợ lớp học đó.