Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 13

LỜI HỨA DANH DỰ

Hằng ngày khi tiếp xúc với lớp học, Constantin Sergheevich trong mọi trường hợp luôn cố gắng làm cho các em học sinh lớp 10 hiểu là các em không còn bé bỏng gì và cũng đã đến lúc phải suy nghĩ về bản thân, về chỗ đứng của mình trong cuộc sống. Trong giờ học, anh không bao giờ cắt ngang khi học sinh đang trả lời, không nhận xét, và nếu có em nào nói sai, anh không sửa mà đề nghị một em khác sửa cho bạn. Khi xảy ra những cuộc tranh luận thì anh hướng dẫn cẩn thận.

Càng ngày các em càng thấy bị công việc chung thu hút, trong mọi việc họ đều tỏ ra tự lập... Lúc đầu hơi khó khăn vì chưa quen, nhưng lại cảm thấy rất thú vị. Một số em theo lời của Tamara như gặp một hiện tượng thần bí: Nhờ những bài giảng, những buổi nói chuyện của thầy Constantin Sergheevich, mà khi đọc lại những tác phẩm đã được nhiều lần “mổ xẻ và phân tích,” các em nhận thấy những quyển sách quen thuộc, buồn tẻ ấy ánh lên những sắc màu diệu kì và rực rỡ. Các em có cảm giác như đó là những viên đá quý lạnh lùng, không màu sắc, nhờ bàn tay khéo léo của thầy Constantin Sergheevich đã khắc nên những góc cạnh thần tiên mà những viên đá chán ngắt kia bỗng nhiên biến thành những hạt kim cương lóng lánh.

Ba hôm trước đây, bà hiệu trưởng Natalia Zakharovna đến lớp dự giờ học văn. Bà ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, nhanh nhẹn đi về phía cuối lớp và ngồi xuống bàn cuối cùng. Việc đến thăm của bà hiệu trưởng đối với các em không phải là điều mới lạ, nhưng tất cả đều có ý chờ đợi xem thầy Constantin Sergheevich sẽ xử sự ra sao. Trong chín năm học ở trường này, các em từng chứng kiến nhiều lần sự “xâm phạm lãnh thổ của lớp” như các em thường nói. Đến thăm lớp nào là ban thanh tra của Sở và Phòng giáo dục, các phòng ban khác, những người theo dõi việc thực tập quy chế, những học viên hàm thụ, sinh viên thực tập đã tổ chức nhiều buổi giảng công khai và trong những trường hợp như vậy, khi có mặt các quan khách, thường thường giáo viên xử sự khác hẳn ngày thường. Một số cô giáo vì ngượng nên giảng kém hơn ngày thường. Những người dự lớp tưởng nhầm rằng mình đang dự một giờ học bình thường như những giờ học khác. Không những chỉ có giáo viên, mà chính học sinh cũng xử sự khác khi có mặt người ngoài. Các em không nói chuyện riêng, bằng mọi cách tỏ ra là mình đang chăm chú nghe giảng. Trong lớp tự nhiên hình thành một khối liên minh giữa thầy và trò. Và khối liên minh đó nhằm chống lại những người đến “thăm lớp.”

Natalia Zakharovna ngồi đến cuối giờ, nhưng sau khi bà vào lớp mấy phút các em đã không còn để ý đến sự có mặt của bà, trừ Ania Alechxeeva đang ngồi cạnh bà. Sự có mặt của bà không làm ảnh hưởng gì đến giờ học, và không hiểu tại sao vì thế mà các em cảm thấy rất hài lòng.

Sự say mê văn học đã thể hiện một cách nhanh chóng và bất ngờ. Các em không có đủ thì giờ để học những môn khác. Điều đó bắt đầu làm cho mọi người thấy lo lắng. Cả lớp hi vọng chờ đợi ở “bộ ba” những hành động cương quyết. Thế nào “bộ ba” đó cũng phải nghĩ ra cách gì chứ vì thầy Constantin Sergheevich đã trao cho họ công tác giáo dục lớp. Nhưng “bộ ba” chưa có sáng kiến gì, mặc dù giờ nghỉ nào cũng thấy lớp trưởng, bí thư chi đoàn và chủ nhiệm tờ báo tường biến đâu mất, hình như để bàn luận việc gì ấy. Trong khi Catia biết giữ bí mật, không để ai thấy có điều gì khác thường, thì Tamara và nhất là Jenia trong suốt thời gian cuối lúc nào cũng tỏ ra lo lắng và có vẻ bí mật.

Cuối cùng thì nội dung của bảng “Lời hứa danh dự” đã được thống nhất và hiện nay Tamara đang cố gắng thể hiện ra giấy. Cô đã nghĩ ra hai phương án mẫu để vẽ ra hai cái khung: một cái cho bố, một cái cho mình. Phía trên vầng dương đang tỏa nắng, trong ánh sáng diệu kì đó lấp lánh chữ “CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN.” Phía dưới, ở góc bên trái một công nhân tay cầm quyển sách, nách kẹp một chiếc compa. Đây là khung của bố. Khung cho mình, Tamara vẽ một nữ sinh mặc đồng phục, tay xách cặp. Phía bên phải cô vẽ một cành lá sồi.

Bố cô ngắm nghía cái khung một hồi lâu:

- Được đấy! - Ông nói và nở một nụ cười hài lòng.

Chiều hôm ấy, Jenia và Catia đến.

- Thế nào, Tamara? - Jenia sốt ruột hỏi từ ngoài cửa.

- Xong rồi! Vào đây.

Vừa vào phòng, các cô nhìn thấy ngay trên bàn “Lời hứa danh dự” và lặng lẽ ngắm nghía.

- Không còn chê vào đâu được! Đẹp quá! - Catia khen - Có điều phải vẽ thêm lên ngực cô học sinh chiếc huy hiệu thanh niên Komsomol nữa.

- Có cảm hứng khích lệ mà lại, - Jenia thêm vào.

- Đúng rồi! Từ trên trời rơi xuống đấy - Tamara làu bàu, có vẻ bình thản đối với những lời trầm trồ khen ngợi của bạn - Còn lời đâu? Cần phải xem lại một lần nữa xem được chưa: có viết hết được vào cái khung này không...

Jenia vội vã rút từ chiếc cặp ra một tờ giấy gập đôi viết kín chữ.

LỜI HỨA

Chỉ có thể trở thành người cộng sản khi ta tự làm giàu trí nhớ của mình bằng những kiến thức mà nhân loại đạt được.

V. I. Lenin

Để xây dựng cần phải có vốn hiểu biết và nắm vững khoa học, để có vốn hiểu biết - cần phải học tập, học tập một cách bền bỉ, nhẫn nại.

I. V. Stalin

Tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tôi có được là nhờ ơn sách vở...

M. Gorki

“Trong năm nay chúng ta sẽ kết thúc năm học cuối cùng ở bậc Phổ thông. Con đường của chúng ta đã rõ ràng và hạnh phúc mà chúng ta có đợc ngày hôm nay là do cha ông chúng ta đã đổ biết bao xương máu. Sự nghiệp trong tay chúng ta!

Để trở thành những con người xây dựng chủ nghĩa cộng sản toàn năng, chúng ta cần phải học tốt. Học với tất cả sức lực và khả năng chúng ta có. Chúng ta xin hứa điều đó.

Nhiệm vụ của chúng ta là: không có một điểm ba nào trong năm học cuối cùng này.

Điểm ba là sự lười biếng! Điểm hai là nhục nhã!

Chúng ta hứa sẽ giúp các bạn học kém để cho tập thể lớp chúng ta sẽ là một trong những lớp tốt nghiệp dẫn đầu của thành phố Leningrad. Chúng ta có thể làm điều đó và nhất định sẽ làm được.”

Sau đó chừa một quãng trống để các em kí tên ngay dưới lời hứa.

“Người cộng sản khác những người khác bởi họ có một phẩm chất tốt đẹp là lời nói không tách rời việc làm, - và khi đã nói và đã hứa, thì dù cho thân thể có tan nát ra thành từng mảnh, cũng phải làm. Cái đó gọi là làm việc và hành động theo kiểu bolsevich.”

X. M. KIROV

- Lẽ nào bây giờ công việc của chúng ta lại không tiến triển được? - Catia nói.

- Các bạn ơi. Thế là chúng ta phải kí tên đầu tiên đấy - Jenia nhắc.

- Dĩ nhiên rồi? Đây, bút mực ở đây này, bạn kí trước đi! - Tamara bảo Jenia.

- Sao lại là mình nhỉ? Bạn kí trước đi.

- Đấy... lại kì kèo mặc cả! Thôi, đưa đây tôi bắt đầu vậy! - Catia giành lấy bút - Thế, thế... Nghĩa là những chuyện mang ra và “chắc là” xin gác sang một bên! Đành phải thúc ép vậy. Nghe không? Chúng mình phải gương mẫu không thì mất hết cả uy tín và chẳng được việc gì ngoài sự nhục nhã ra, - cô nói một cách chậm rãi và kí vào.

Jenia cầm lấy bút và suy nghĩ.

- Bạn còn nghĩ gì đấy? Mọi việc đã quyết định cả rồi! - Tamara nói.

- Để cho bạn ấy làm quen với nội dung một tí chứ... - Catia cười khẩy - Bây giờ bạn ấy mới được đọc lần đầu mà lại.

- Tôi còn thuộc lòng là đằng khác - Jenia ngập ngừng rồi bỗng thở dài - Ôi! Rồi còn phải tuyên truyền, vận động... Các bạn biết không, cần phải gọi từng bạn một đến kí tên chứ không thì lại tranh cãi, bàn ra...

- Bạn cứ kí đi đã! - Catia cắt ngang. Jenia thở dài một lần nữa rồi kí.

- Đành phải cố gắng vậy - cô rên rỉ.

- Thôi đi, đừng có giả vờ nữa - Tamara phát cáu. Bạn hầu như không có con ba nào thì phải.

- Nói như thật! Thế hôm nay cô Marina chẳng cho tôi một con hai là gì. Quên rồi à?

- Đó là do cô ấy... bực quá.

Tamara kí tên một cách cương quyết, không hề lưỡng lự. Cô học khá và không ngại khó.

- Thế giao Larisa cho ai bây giờ? - Cô hỏi các bạn - Bạn này có thể làm hỏng việc của chúng ta đây. Tôi nghĩ, hay là giao cho Svetlana?

- Không được đâu. Svetlana nó còn bận nhiều việc nhà lắm, - Jenia nói đỡ cho bạn - Cứ để Tamara nhận giúp bạn ấy vậy.

- Thôi đi, tôi không muốn dính đến cái bà vừa lười vừa dốt ấy đâu! - Tamara cáu kỉnh trả lời - Hay là ta giao cho Valia?

- Valia thì không ổn đâu! Hay ta đề nghị Nina vậy? - Catia gợi ý.

- Đúng rồi! - Jenia tán thành - Còn Krưlôva Rita thì giao cho Nina. Hai bạn ấy ở gần nhau.

- Lại cãi nhau cho mà xem! - Tamara phản đối.

- Không sao, không sao đâu! Thế chúng ta có phải người lớn không hay là còn bé bỏng quá? Sắp là các cô dâu rồi còn gì - Jenia nói và giơ tay ra dáng điệu rất khôi hài, làm cả bọn phì cười.

- Tôi nhận Lida - Tamara nói.

- Lida không cần giúp.

- Ai bảo thế! Có lúc cần đấy. Lúc nào nổi cơn lên thì vứt cả học hành đấy. Các bạn không biết tính cô ấy đâu.

Sau đó các em lập danh sách cả lớp và chia thành bốn nhóm. Nếu làm việc nghiêm túc, hoặc như Tamara nói, “nếu vắt được khả năng của từng bạn ra” thì ta sẽ có thứ tự sau đây:

Có khả năng được huy chương vàng:

1. Belova Valia.

2. Ivanova Svetlana.

Có khả năng được huy chương bạc:

1. Cosinscaia Nina.

2. Krapchenco Tamara.

3. Alechxeeva Ania.

Nhóm thứ ba - cần có sự theo dõi:

1. Smirnova Jenia.

2. Sarina Nina.

3. Acxenova Tania.

4. Versinina Lida.

5. Loghinova Raia.

6. Erefeeva Nadia.

7. Ivanova Catia.

8. Kholopoevna Clara.

Nhóm thứ tư - cần có sự giúp đỡ:

1. Krưlôva Rita.

2. Trikhonova Larisa.

- Các bạn ơi! - Jenia vui vẻ kết luận, khi thảo luận xong danh sách - Không có gì đáng sợ cả! Chúng mình muốn là nhất định sẽ làm được. Ôi! Suýt nữa mình quên! - Cô kêu lên - Mình biết ai nói với cô Marina về cái tát rồi.

- Ai? - Tamara hỏi.

- Valia! Con em gái mình học lớp hai ấy mà, nó nghe thấy hai người nói chuyện trong giờ nghỉ.

- Jenia đừng có lan man chuyện không đâu - Catia nhắc - Ừ, thì nó nói! Nếu nó bịa chuyện - lúc đó thì khác - cứ để cho nó nói, nếu nó thích. Và nói chung các bạn ạ, chúng mình phải phá vỡ cái việc “đóng cửa bảo nhau” này đi thôi. Phải làm thế nào để chúng mình khỏi phải xấu hổ vì những hành động của chúng mình, mà ngược lại, chỉ có tự hào thôi.

Hôm sau họ hẹn nhau đến trường sớm hơn thường lệ và sẽ lấy chữ kí trước khi bắt đầu vào học.

Catia đến trước tiên. Em lấy khóa ở phòng hóa học và sốt ruột chờ các bạn ở chỗ giữ áo ngoài. Cửa mở ra đóng vào liên hồi và tốp năm sáu người, ba bốn người, từng đôi một hoặc một mình, các em học sinh đủ các lứa tuổi vừa vào trường ríu ra ríu rít như bầy chim non. Những em bé nhất đi cùng với mẹ, với bà hoặc với những người bảo mẫu. Ở phòng giữ áo ngoài của các em mỗi lúc càng thêm ồn ào. Các em học sinh bé chưa biết nói khẽ. Các em chỉ biết hoặc im lặng, hoặc nói to.

Một em bé dáng lanh lợi dừng lại bên cạnh Catia, tay đung đưa chiếc cặp màu xanh, bỗng nhiên em gọi ầm lên:

- Na... di... a! Nadia! Bạn làm gì đằng ấy mà lâu thế! Còn phải đợi bạn lâu không đấy! Nadia! Nào, nhanh lên!

- Này, em hét điếc hết cả tai chị đây này! - Catia bảo em bé.

Em bé ngước đôi mắt to lên nhìn chị học sinh lớp 10 và bất giác nhoẻn miệng cười.

- Chị học lớp 10 cùng với chị Svetlana phải không ạ? - Em vẫn nói to như khi nãy.

- Sao em biết?

- Chị phụ trách đội của chúng em khi còn là thiếu niên tiền phong thì chị Svetlana hồi ấy còn học ở lớp 7 lại là phụ trách đội của chị ấy. Chính cái chị học cùng với chị đấy. Khi họp Đội chị ấy có kể về chị Svetlana và định gọi... em bé kể một mạch

- Cái gì? Ai làm phụ trách Đội? Gọi đi đâu? Chị chẳng hiểu gì cả

Em bé trông rất buồn cười. Mải nói chuyện với em bé, Catia không để ý là Tamara và Jenia đã đến, cô chỉ nhìn thấy hai bạn khi họ đã gửi áo măngtô và đang lên cầu thang.

- Sao các bạn làm gì mà lâu thế? - Bí thư chi đoàn phàn nàn, và không chờ hai bạn trả lời, cô nói luôn: - Chưa có bạn nào ở lớp đến cả. Chúng ta sẽ làm thế này nhé. Mình với Jenia đến phòng hóa học mang theo cả “Lời hứa danh dự” đến đấy. Còn Tamara về lớp và đợi. Cứ có ai xuất hiện từ xa thì bạn bảo đến chỗ bọn mình nhé. Rõ chưa? Đi nhé!

Trong lớp vắng ngắt. Không có việc gì làm nên Tamara lấy quyển sách giáo khoa hóa ra, ngồi sau bàn giáo viên định bụng sẽ ôn lại một số công thức

Nina Sarina đến. Nina thường là một trong những bạn đến sớm nhất.

- Tamara, bạn đã ở đây rồi cơ à? - cô mừng rỡ và ngạc nhiên reo lên và đặt cặp sách lên chỗ của mình

- Đến ngay phòng hóa học đi! Ở đấy có người đợi! - Mắt không rời khỏi quyển giáo khoa, Tamara nói.

- Ai?

- Sẽ biết!

- Lạ thật! Ai có thể đợi mình ở đó nhỉ? - Nina nhún vai, băn khoăn hỏi lại: Bạn không đùa đấy chứ?

- Thật đấy, không đùa đâu! Đến ngay đi. Và đừng có hỏi lôi thôi gì nữa - Tamara cau có trả lời

Nina không hỏi tiếp nữa. Tính tò mò kích thích, cô vội đi về phía phòng hóa học. Ở đấy đúng là có người đang đợi cô.

- A - a! Đến rồi kia! Chúng mình đợi bạn từ lâu rồi. Nào, đến gần đây, con chim bồ câu nhỏ của tôi ơi! - Jenia âu yếm gọi.

- Ngồi xuống, không có lại ngất đấy, - Catia cười rồi dìu cô gái ngồi vào ghế giáo viên.

Chưa biết đầu đuôi ra sao cả, Nina nhìn “những nhà lãnh đạo” một cách ngờ vực cho đến khi Catia trải ra trước mặt cô bảng “Lời hứa danh dự.”

- Đọc thật kĩ và kí tên vào đây!

Nina đọc lướt thật nhanh rồi đứng dậy.

- Này, biết không... - cô sợ hãi nói - các bạn hình như quá hăng đấy... dẫn đầu trong số các lớp 10... Không được đâu!

- Thế bạn muốn chúng mình là những đứa cuối cùng ư? - Catia hỏi - Thôi, kí đi!

- Đây không phải là chuyện đùa đâu, các bạn ạ

- Thế có ai đùa đâu!

- Mình sợ lắm...

- Thật lạ chưa! Đoàn viên Thanh niên Komsomol mà lại sợ phải hứa học tốt. Bạn có điên không đấy? - Jenia nổi cáu

- Thế nhỡ ra mình bị điểm hai thì sao?

- Không được có điểm hai. Bọn mình không cho phép bạn. Nào, kí đi! - Catia nói dứt khoát, lấy bút chấm mực rồi đưa cho Nina.

Nina ngập ngừng cầm lấy bút, đọc lại một lần nữa “Lời hứa danh dự” rồi hồi hộp kí tên.

- Thế nào? Chưa chết chứ? - Jenia hỏi.

- Kí thì kí gì mà chẳng được, nhưng sau rồi làm thế nào? Bây giờ có lẽ mình sẽ không ngủ được mất!

Trong lúc đó, Ania Alechxeeva vào. Cô lặng lẽ đến bên bàn, đọc “Lời hứa danh dự,” không nói một lời nào và kí tên.

- Cuối cùng thì các bạn cũng nghĩ được ra! - cô khen các bạn và chấm một dấu chấm sau chỗ kí, có vẻ hài lòng.

- Cần phải như thế chứ! Thế mới theo kiểu Komsomol - Catia nói, quay về phía Nina.

- Các bạn tự viết đấy à? - Ania hỏi.

- Thế sao cơ?

- Viết tốt lắm. Có vẻ không giống là các bạn.

- Không phải đâu, bọn mình mời nhà văn đến viết đấy chứ - Bí thư chi đoàn nói.

- Mình cứ tưởng là thầy Constantin Sergheevich chứ - Ania tiếp tục trêu bạn.

- Thầy chưa hề biết tí gì nhé.

Ba bạn nữa vào, Svetlana, Lida và Clara.

- Nào, mình cũng không phản đối... Dẫn đầu thì dẫn đầu - Svetlana mỉm cười nói, kí vào bản “Lời hứa danh dự.”

- Các bạn nói huyênh hoang quá đấy! Giá viết khiêm tốn hơn một tí - Lida nhận xét.

- Thế nào là “khiêm tốn hơn một tí?”

- “Là một trong những lớp tốt nghiệp dẫn đầu của thành phố Leningrad...” Hơi quá đấy.

- Thế bạn muốn chúng mình sẽ là những người xếp thứ 20 à?

- Nói chung là không nên viết những lời lẽ như thế. Chúng tôi hứa sẽ học tốt - Chỉ cần thế!

- Nghĩa là bạn không muốn kí tên chứ gì? - Catia nói có vẻ dọa.

- Không, sao lại thế? Dĩ nhiên là mình sẽ kí - Lida uể oải nói, tay cầm lấy bút ở Svetlana.

- Đúng là phải làm như vậy!

Clara cầm bảng “Lời hứa danh dự,” thì thầm đọc và suy nghĩ.

- Thật đúng là phái yếu! - Jenia thở dài - Nào sao bạn thần người ra thế?

- Các bạn ơi, cái này phải thảo luận xem đã chứ - Clara nói. Các bạn nghĩ ra việc này là rất tốt, mình không có phản đối gì cả, nhưng mình nghĩ rằng phải đưa ra cuộc họp thảo luận đã.

- Chúng ta sẽ bàn cách thực hiện như thế nào cho tốt lời hứa đó. Nào, kí tên đi!

- Gượm đã nào, Catia...

Nhưng Catia rất hiểu là nếu bắt đầu tranh cãi, thì hôm nay các em không thể thu thập được hết chữ kí.

- Thế bạn không muốn kí tên chứ?

- Sao lại không? Mình chỉ...

- Bạn sợ cho bản thân chứ gì? - Catia cắt ngang - Sợ làm việc à? Thế bạn ở trong đoàn làm gì? Để cho có số lượng à?

- Cái đó thì nói bậy rồi! - Clara cáu - Theo mình chưa ai phải đỏ mặt vì mình cả... Chưa nói xong, Clara đã nhớ lại cái việc xảy ra hôm thầy Constantin Sergheevich vừa đến. Cầm lấy bút, cô kí tên vào “Lời hứa danh dự.”

Những em khác đến phòng hóa học, đọc lời hứa kí vào và ngồi vào chỗ.

Nina sau khi đọc xong bảng “Lời hứa” mặt đỏ ửng đưa mắt nhìn Catia, nhưng Catia không để cho Nina kịp nói.

- Sao đấy? Có việc gì thế? Các bạn thì chỉ thích nói thôi. Cứ ít lời nhiều việc cho!

Nina xấu hổ, kí tên và vội về chỗ ngồi.

Tania Acxenova sau khi đọc xong nhăn nhó và không biết bắt chước ai mà lại gãi gãi.

- Vâng...! Cái này khó gặm đây!...

- Nào, Tania, chẳng cần phải “gặm” đâu - bỗng nhiên Catia nói như van lơn - lẽ nào bạn ngại à?

Tania không nhịn được phì cười và kí tên. Thay vào Tania là Larisa. Các em đang sốt ruột chờ đợi xem Larisa đối với “Lời hứa danh dự” như thế nào?

- Không đâu, Catia! - Larisa nói quả quyết - Môn toán thì mình có thể hứa được, chứ còn những môn khác thì không được đâu.

- Được!

- Tôi còn là ngốc hay sao? - Larisa cáu - Không có điểm ba nào?! Có mà ốm! Tôi không kí tên đâu! Sau này các bạn lại không để cho tôi yên.

- Larisa, bạn là đoàn viên Komsomol cơ mà - Svetlana trách móc.

- Ừ, bạn thì dễ nói, còn tôi, tôi không muốn sau này phải xấu hổ.

Catia ôm vai bạn và thân mật nói:

- Đừng sợ, Larisa. Chúng mình sẽ móc bạn đằng sau kéo đi như kéo sà lan vậy, bạn còn vượt bao đứa ấy chứ.

- Kéo thế nào cơ?

- Giúp đỡ bạn mà - Jenia giải thích.

- Các bạn sẽ học hộ tôi bài hay là nhắc bài.

- Đừng có nói bậy nữa! - Catia cáu - Kí ngay vào nhanh lên!

- Tôi không kí! - Larisa bướng bỉnh nói.

- Đừng có mà làm cho tôi nổi khùng nhé!

- Thế bạn sẽ làm gì tôi?

- Tôi hỏi... Bạn có tin bọn tôi không?

- Bọn tôi là ai vậy?

- Tất cả. Cả cái tập thể Đoàn Thanh niên này. - Vừa nói Catia vừa đưa tay chỉ tất cả những người có mặt.

- Ừ, thì tin.

- Thế thì đừng do dự nữa. Kí ngay đi! Larisa cầm lấy bút lưỡng lự và trước khi kí còn dọa Catia:

- Coi chừng đấy... Bạn sẽ chịu trách nhiệm.

- Đồng ý. Mình sẽ chịu trách nhiệm, còn lại thì chịu khó học nhé.

Lúc Rita vào phòng, Jenia thì thầm với Catia:

- “Đối tượng” này là khó xơi nhất. Mà lại không phải là đoàn viên Komsomol.

Nhưng Rita đã làm mọi người bất ngờ một cách thú vị. Cô đọc xong bảng “Lời hứa” nhìn thấy hầu hết các bạn trong lớp kí, cô không thốt ra lời nào, cầm lấy bút và cúi xuống bàn. Các bạn vỗ tay nhiệt liệt.

Valia xuất hiện ở ngưỡng cửa, lúng túng dừng lại, tưởng mọi người vỗ tay mình.

- Valia, vào đây! - Jenia gọi. Khi bạn đến gần, Jenia chìa bảng “Lời hứa” ra: Nào đọc đi!

- Cái gì thế?

- Thì cứ đọc đi.

Trong khi đọc trên khuôn mặt Valia phảng phất một nụ cười giễu cợt. Đọc xong cô nhún vai.

- Tôi không cần phải hứa. Ai học kém thì cho họ hứa - cô cắt ngang và về chỗ.

- Gượm đã, đợi tí đã nào... Bạn điên rồi à? Đó là việc chung của chúng mình cơ mà! - Jenia bực tức nói.

- Xin mời! Nào tôi có ngăn cản các bạn đâu?

- Nhưng bạn lại đứng ngoài cuộc - Catia nói.

- Ngược lại! Các bạn có thể lấy điểm của tôi để tính phần trăm, nếu mà các bạn cần, chứ kí thì không. Tôi học cho tôi chứ không phải học để khoe khoang...

- Nhầm rồi! Bạn học cho Tổ quốc! - Catia phản đối.

- Toàn những từ chung chung!

- Đó là việc riêng của bạn ấy, - Ania nói khẽ vửa đủ nghe, nhấn mạnh chữ riêng và tất cả mọi người sực nhớ ra là Valia rất hay dùng từ đó.

Catia không định tranh luận ngay lúc ấy với Valia vì Nadia và Raia đã đến. Người tới sau cùng của lớp là Tamara.

- Cái này để làm gì? - Raia hỏi nhún vai và không đợi trả lời, kí tên vào.

Nadia vỗ tay reo:

- Ôi các bạn ơi! Thế này thì tôi chả bao giờ đoán ra được! Các bạn định gửi đến tòa soạn để đăng báo à?

- Chúng ta sẽ không gửi đi đâu cả. Kí tên vào đây! - Catia giục bạn.

- Gượm đã nào, Catia... - Nadia nài và đến gần bàn. Tất cả mọi người đều biết là cô muốn hỏi ý kiến Ania, ai cũng buồn cười.

- Kí ngay đi thôi! - Ania nói từ chỗ ngồi.

- Bạn thấy nên thế à?

- Lạ chưa! Thế đầu bạn để trên cái cổ dùng để làm gì đấy? - Tamara cáu.

Nadia quay lại bàn giáo viên, cầm lấy bút, nhưng trước khi kí tên còn nói như luyến tiếc:

- Thế là mình kí cuối cùng à...

Catia đứng trên bục, giơ tay lên và khi cả lớp im lặng rồi, cô bắt đầu với một giọng trang nghiêm và cảm động:

- Các bạn, các đồng chí! Tôi muốn chúc mừng các bạn nhân dịp các bạn đã quyết định một việc hệ trọng. Nhưng phải nhớ rằng “Lời hứa” mà chúng ta đã kí vào hôm nay không phải chỉ là những lời nói hay... Đó là những lời nói mà bao giờ việc làm cũng phải đi đôi với nó. Giống như những đoàn viên Komsomol chúng ta sẽ phấn đấu để thực hiện lời hứa. Phải nhớ rằng bây giờ chúng ta đã bị ràng buộc bởi “Lời hứa” và phải giúp đỡ nhau. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả chúng ta. Có thể có người cho đây là việc nhỏ mọn, không đáng kể... Tôi cho rằng nghĩ như vậy là sai. Không có việc gì là việc nhỏ mọn cả. Tất cả những việc lớn lao đều do những việc nhỏ gộp lại. Không được có một điểm ba nào trong toàn năm học - đó là nhiệm vụ cụ thể của chúng ta! Các bạn biết đấy, không có hiện tượng nào lại không có nguyên nhân cả. Hãy suy nghĩ xem, các bạn phải công nhận là lớp mình có thể học ở mức điểm bốn và điểm năm. Nếu như chúng ta có điểm ba, thì lí do thường là vì lười... Dĩ nhiên là có thể có những lí do khác, nhưng chúng ta sẽ kịp thời phát hiện, phân tích và khắc phục, các bạn hãy tin rằng điểm năm có đủ cho mọi người và các thầy, cô giáo cũng rất thích cho điểm năm...

- Thí dụ, cô Marina! - Có giọng em nào vang lên.

- Nếu cô không thích ai, đừng có hòng nhận được điểm năm của cô ấy.

- Nhưng trong lớp ta, có ai bị cô ấy không ưa đâu? - Catia hỏi, nhưng sực nhớ là nếu tiếp tục như thế này thì sẽ lạc đề, em vội im ngay.

Nói những chuyện lặt vặt có tính chất cá nhân lúc này không ai muốn cả. Mọi người đều phấn khởi, có cảm giác như đang làm một việc lớn lao, sao em lại cho phép nghĩ đến bản thân như vậy. May sao, ngoài Jenia ra không có ai có thể phàn nàn gì về cô Marina cả, vì vậy mà các câu hỏi của Catia không có ai hưởng ứng.

- Nói về “trung bình chủ nghĩa” và “cái đẹp” đi - Tamara nhắc.

- Khoan đã - Catia trả lời - Lúc nào chúng mình nói chuyện với thầy Constantin Sergheevich sẽ hay.

- Nhưng này! Hôm nay không được tính đâu đấy nhé! - Bỗng nhiên Nadia kêu lên làm cho cả lớp bật cười.

- Thế các bạn định chuyển “Lời hứa danh dự” đi đâu? - Larisa hỏi.

- Chả chuyển đi đâu ca. “Lời hứa danh dự” này bọn mình định treo trong lớp.

- Và tất cả các thầy các cô sẽ đọc à? - Nadia sợ hãi kêu lên.

- Bạn sợ gì vậy? - Jenia hỏi.

- Cứ mặc cho mọi người đọc. Chúng mình có định ăn cắp điểm năm của họ đâu. Chúng mình sẽ lao động để kiếm những điểm năm.

- Tất cả những trò đó thật chẳng thông minh chút nào! - Valia nói rõ to và tất cả quay về phía cô.

Vừa lúc đó, thầy Vaxili Vaxilievich bước vào phòng, và câu nói của Valia không được ai trả lời. Giờ học bắt đầu.