Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 14

CONSTANTIN SERGHEEVICH

Olia là một em bé ham hiểu biết, nhanh trí và hay thích tự làm lấy mọi việc. Mặc dù mẹ thường gọi em là Lianca, bố gọi em là Liesca, bà gọi là Aliosa, em vẫn biết rõ tên thật của em là Olga Constantinova Gariunovna và nhà em ở phố Quybisev, số 22, phòng 34.

Sáng nay khi em đang mặc quần áo, mẹ em bảo:

- Lianca, con chóng lớn quá, sắp đầy năm tuổi rồi đấy!

Câu nói của mẹ làm em bối rối, khó hiểu, nhưng lúc đó vì em không cài được yếm nên không kịp hỏi lại: “Đầy cái gì cơ ạ, sao lại đầy hả mẹ” trong khi em rửa mặt, chải đầu, mặc quần áo thì mẹ em đi chợ mua thức ăn mất. Thế là vấn đề vẫn chưa tỏ rõ, nhưng bố đang ở nhà, lập tức em mang theo búp bê Natasa chạy sang với bố.

Nhưng em dừng lại ở cửa. Olia hiểu rằng khi bố hoặc mẹ đang ngồi đọc sách ở bàn thì đừng có mà quấy rầy. Bố mẹ sẽ không chơi với em, không kể chuyện cho em nghe và cũng sẽ không trả lời câu hỏi của em đâu. Những lúc đó mẹ thường đuổi em ra khỏi phòng, bố thì cho phép em ở lại nếu em không làm ồn và tự chơi lấy một mình. Bây giờ em cũng tự chơi như thế: Olia nín thở, rón rén lại gần chiếc đi văng và đặt búp bê xuống.

Olia mới giáp mặt bố từ mùa xuân này, và bố em thực sự là một người tốt. Trước đây khi còn ở xa Leningrad, Olia đã biết em có một người bố. Em đã nhiều lần thấy đồ dùng của bố em: bộ com-lê đang mặc hiện nay, chiếc cặp xách, cà-vạt, mũ lông... thậm chí em được xem cả ảnh nữa, nhưng “thực tế” bố là người thế nào thì em chưa rõ. Có thể đó là một người tốt, cũng có thể là một người nào đó khác, mẹ thường kể cho em nghe, bố em đã chiến đấu chống bọn phát xít thế nào, đưa cho em xem thư của bố và những lúc đó mẹ hay sụt sịt khóc. Sau đó đến ngày chiến thắng. Mẹ và em cùng mọi người trở về Leningrad, mẹ bảo với em bố bị thương nặng, đang nằm ở quân y viện, nhưng không hiểu sao lại mỉm cười.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với bố thật đặc biệt. Olia đã từng có dịp đến các quân y viện. Ở lớp mẫu giáo em được tập hát, học thuộc những bài thơ, sau đó đến các quân y viện để biểu diễn. Các bác, các chú thương binh hoan nghênh các em, thưởng kẹo cho các em và nói chung là các em rất thích thú.

Nhưng ở đây mọi việc lại xảy ra hoàn toàn khác. Khi đến viện, mẹ em vừa mặc chiếc áo choàng trắng vào thì Olia bỗng sợ hãi và òa lên khóc. Mẹ em cố thuyết phục:

- Lianca, con làm sao thế? Sao con lại khóc? Con ngốc ạ! Mẹ con mình sắp vào thăm bố bây giờ mà. Con sắp gặp bố... hiểu chưa? Bố rất yêu, rất yêu con đấy.

Mọi lời khuyên nhủ đều vô ích. Tania Mikhailovna cuống quýt không biết phải làm gì để thuyết phục con. Em bé dứt khoát không chịu đi vào phòng bệnh nhân. Phải đợi để cho em dịu bớt đi. Mươi phút sau, khi đã khô nước mắt, Olia bắt đầu trả lời câu hỏi của các chị hộ lí thì mẹ em mới nói:

- Thôi được rồi. Con chờ mẹ ở đây vậy. Mẹ sẽ vào thăm bố và sẽ nói với bố là con không muốn đến gặp bố.

Olia vội nắm lấy vạt áo mẹ, lắc đầu nguây nguẩy.

- Thế thì làm thế nào bây giờ? Vì bố đang chờ chúng ta mà. Hay con nghĩ lại đi, con đồng ý vào nhé?

Em bé ngượng nghịu nhìn mẹ, gật đầu đồng ý. Dọc hành lang hai mẹ con gặp các đồng chí thương binh. Một vài người nói chuyện với em, chào em, xoa đầu và cúi xuống hỏi em điều gì đó, và cứ mỗi lần như vậy, Olia lại sợ hãi nghĩ rằng người đó chính là bố mình. Cuối cùng hai mẹ con vào một phòng, trong đó có kê nhiều giường. Olia rụt rè đưa mắt nhìn tứ phía, mẹ em không do dự gì kéo em về cuối phòng. Rồi họ dừng lại bên một chiếc giường, trên đó có một người lạ mặt đang nằm, chiếc chăn đơn màu xám đắp ngang ngực. Như trong một giấc mơ, em nghe thấy tiểng mẹ vẳng trên đầu:

- Đấy, nó đấy, con bé nhát quá... chả hiểu hôm nay làm sao nó lại thế...

Em bé đứng đấy, nắm lấy váy mẹ, mắt không rời người thương binh. Cả ba im lặng một lúc khá lâu. Cuối cùng, chú thương binh khó nhọc nuốt một cái gì đó đang nghẹn ở cổ rồi nói khe khẽ:

- Chào con, mặt trời bé nhỏ của bố!

Olia rất quen với các tên gọi của mình. Bà thường gọi em là “giọt sương nhỏ,” “con én nhỏ,” “con bé út ít của bà”… và những tên gọi đó hoàn toàn không làm cho em phải quan tâm. Còn cái tên “mặt trời bé nhỏ” do chú thương binh này gọi đã lập tức chiếm được lòng tin tuyệt đối của em đối với chú, Olia vẫn chưa thể tin người lạ mặt này chính là bố em, chính là người mà em hằng suy nghĩ tới trong thời gian gần đây. Em cứ tưởng tượng bố em là một người nào khác cơ...

Sau lời chào của bố, em bé rụt rè buông vạt áo mẹ ra, tiến một bước lại gần giường, đặt tay mình vào trong lòng bàn tay của bố.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên này đã để lại trong em một ấn tượng mạnh mẽ. Ở nhà em thường kể về bố cho bà, cho hai con búp bê và chú gấu Miska sứt tai nghe. Từ ngày ấy bố đã thực sự trở thành người tham gia vô hình vào các cuộc chơi của bé. Trước khi ngủ, thay vào các câu chuyện cổ tích trước đây, bé thường bắt mẹ kể một câu chuyện về bố.

Sau một ngày, trong khi hai mẹ con lại chuẩn bị đi thăm bố, Olia mang búp bê đi theo và luôn miệng giục mẹ. Với tất cả mọi người trên tàu điện, Olia đều nói ngay là mình đi thăm bố, là bố Olia đã đánh thắng hết bọn phát xít, bố em sắp bình phục và bố sẽ về trường dạy học.

Lần này Olia chỉ ngượng nghịu vài phút đầu thôi. Sau khi đã quen, em bắt đầu liên hồi kể em đi tàu điện như thế nào, em thấy những gì trên đường phố, đồ chơi của em có những gì... Constantin Sergheevich mỉm cười nghe con kể, xoa đầu con và thở dài...

Nửa năm đã trôi qua. Bố Olia ra viện và trở thành người bố như mọi người bố khác. Bé Olia có cảm giác em biết bố từ lâu và mãi mãi yêu bố. Và bố em lúc nào cũng vậy, luôn phải chống gậy y như bây giờ...

Ngồi lên đi văng, em bé bắt tay ngay vào việc của mình. Búp bê Natasa đến lúc này vẫn chưa mặc quần áo, chưa chải đầu, chưa rửa mặt.

- Úi dào! - Olia thì thào và cởi váy của búp bê ra - Con gái lớn thế rồi mà vẫn chưa biết mặc quần áo. Xấu hổ chưa? Soi gương xem giống ai nào? Đồ lọ lem, lôi thôi lếch thếch...

Chiếc áo vừa cởi ra, em giũ mấy cái, lấy bàn tay là cho phẳng trên đi văng, bỗng dừng lại với vẻ phân vân: “Có đúng như thế không? Có phải đúng như thế không?” - Em nghĩ.

Đặt áo xuống, Olia rời đi văng lại phía chiếc tủ con ở đầu giường lấy cái kéo và trở lại tiếp tục công việc. Trước hết phải cắt hai lỗ cho áo búp bê đã. Việc này cũng không đơn giản đâu. Cái kéo to này hoàn toàn không tuân theo bàn tay nhỏ bé của Olia.

Constantin Sergheevich ngồi soạn bài, anh hoàn toàn không biết sau lưng anh con gái đang làm gì.

Khi đã cắt xong hai lỗ và Olia đang cân nhắc xem phải làm gì tiếp thì mẹ em vào.

- Lianca, con làm gì đấy? Ai đưa kéo cho con thế? Con làm hỏng áo rồi! Sao con lại cắt áo ra?

Em bé hết nhìn mẹ lại nhìn bố và ngạc nhiên vì sự chậm hiểu của người lớn, em thản nhiên trả lời:

- Mẹ ạ, tự nó rách đấy chứ!

Bố mẹ em cười.

- Chứ sao, Liesca nói đúng. - Constantin Sergheevich tán thành - Quần áo của mọi người thì cũ dần, rồi rách, còn áo của búp bê thì lúc nào cũng mới... Thế bây giờ con định làm gì nữa?

- Bố lại không biết sao? Phải vá lại!

- Tất cả đều đúng như thế - bố em mỉm cười - logic thật là chặt chẽ.

- Không hoàn toàn đúng như vậy, - mẹ em phản đối - đầu tiên là cắt áo búp bê, sau đó đến cắt áo của mình. Đưa kéo đây... Đi sang với bà. Không được nghịch khi bố đang làm việc, bố sắp đến giờ dạy học rồi.

- Ơ mẹ ơi, con sẽ ngồi chơi ngoan mà...

- Không! Không! Sang với bà ngay, không lôi thôi gì hết.

Olia khẩn khoản nhìn bố, nhưng anh im lặng. Phải phục tùng thôi. Bố với mẹ bao giờ cũng thống nhất với nhau. Với bà đấy lại là chuyện khác. Có thể không nghe lời bà, thậm chí ngúng nguẩy nữa nếu không có bố mẹ ở đó.

- Costia, anh mệt à?

Tania Mikhailovna lại gần ôm đầu chồng. Đến nay chị vẫn chưa quen với hạnh phúc của mình. Người chồng thân yêu và là người bạn, anh sẽ mãi mãi không xa rời chị nữa.

Chị trẻ hơn Constantin Sergheevich, và bây giờ khi trên khuôn mặt anh còn in hằn dấu vết của chiến tranh thì sự chênh lệch về tuổi tác càng đặc biệt rõ nét.

Lần đầu anh gặp chị trong một giờ lên lớp của anh vào năm 1940. Khi đó anh ba mươi tuổi. Chị ngồi hiền từ ở dãy bàn phía sau với quyển vở dày để mở trước mặt và cây bút trong tay như sẵn sàng ghi chép bất kì điều gì. Mấy năm đó trong các giờ lên lớp của anh thường có thực tập sinh của trường cao đẳng sư phạm đến dự, và phần lớn họ không để lại những ấn tượng gì, kể cả tên họ. Nhưng Tania thì anh nhớ ngay và không bao giờ quên được. Suốt ngày, anh có cảm giác như chị ở ngay gần đâu đây. Buổi tối khi anh chấm bài ở nhà, anh cũng lại bắt gặp ánh mắt nâu có cái gì hơi sợ hãi của chị. Những ngày này, Constantin Sergheevich giảng bài rất hay, và Tania hiểu rằng sự có mặt của chị rõ ràng đã khích lệ anh.

Mỗi buổi học của anh ngày càng mở ra trước mắt Tania những chân trời rộng lớn của nghề dạy học. Nếu trước đây đã có lúc chị còn đôi chút nghi ngờ trong việc chọn nghề thì giờ đây những sự nghi ngờ đó đã tiêu tan hết. Chị đã chọn một con đường đúng đắn. Chị mong sớm tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm một cách tốt đẹp và bước vào cuộc đời độc lập. Rõ ràng là việc làm của một người có chuyên môn lành nghề bao giờ cũng có sức thu hút người khác.

Ít lâu sau Tania hiểu rằng chị đã yêu anh giáo viên có dáng người cao cao, thông minh và tài năng này. Như thế có gì đặc biệt đâu! Đó là điều có thể đến với mọi người. Trước đây chị cũng đã mơ ước đến tình yêu, khi thấy các bạn có người yêu, chị ngạc nhiên là sao đến nay mình vẫn chưa yêu lần nào.

Sau đó, khi mọi việc giữa hai người đã quyết định xong xuôi và đến lúc phải nói với mẹ thì chị mới sực nhớ ra Constantin Sergheevich hơn chị đến mười tuổi. Chị nghĩ chắc mẹ sẽ không tán thành. Nhưng khi Tania kể cho mẹ nghe những tình cảm của mình và thú nhận rằng người yêu đã ba mươi tuổi, mẹ chị trả lời như trong một câu ngạn ngữ:

- Tania ạ, đối với thanh niên còn non nớt thì tình yêu chỉ là một thứ trò chơi thôi, còn đối với những người đã trưởng thành thì đó là một ngôi nhà vững chắc. Thanh niên không biết quý trọng những gì đạt được một cách dễ dàng, không biết bảo vệ giữ gìn tình yêu...

Thế rồi họ cưới nhau, và đến nay, Tania vẫn tin rằng không có người phụ nữ nào hạnh phúc hơn chị.

- Anh mệt à? - Chị ngồi lên thành ghế và lấy tay xoa xoa những nếp nhăn trên sống mũi chồng.

- Không, anh không mệt đâu Tania ạ.

- Thế sao anh lại nhăn mặt thế?

- Anh có nhăn mặt đâu, anh đang bận suy nghĩ đấy chứ. Phải làm gì đây với các em học sinh của lớp anh. Các em đó ham thích văn học đấy, nhưng hay lơ là, đại khái, kêu là không có thì giờ...

- Thế anh có thấy các em đó nói đúng không? Chương trình thật là quá nặng, anh ạ. Hôm qua chúng em kiểm điểm lại và thấy là ở các lớp dưới học sinh làm việc tám, chín giờ, còn các học sinh lớp trên thì mười giờ, thậm chí mười hai giờ trong một ngày, nghỉ rất ít. Đó là điều không bình thường.

- Anh biết.

- Với các học sinh có khả năng thì không sao, còn với những em trung bình thì thật tội nghiệp... Anh này, em hỏi ý kiến anh nhé. Ở lớp em có hai học sinh gái học thì không kém, nhưng cứ tách mình khỏi tập thể, không chịu hòa mình với các bạn. Không hề quan tậm đến sinh hoạt chung của nhà trường, cái gì cũng chê bai, đặt tên lóng, tên tục, chọc tức bạn bè... Cả hai em đều có khả năng, phải nói là có tài ấy. Một em vẽ giỏi, em kia thì làm thơ, đọc rất nhiều...

- Thế rồi sao nữa?

- Em đã cố hết sức nhưng không thể lôi cuốn các em vào hoạt động của tập thể được. Không hiểu vì sao hai em lại có thái độ kiêu căng như ngạo nghễ, và hoài nghi như vậy!

- Nguyên nhân có thể tại gia đình đấy, Tania ạ. Em thử vận dụng sở trường của các em ấy xem sao. Em vừa nói cả hai em đều thích nhại lại, thích đặt tên lóng... thế họ làm những điều đó có đạt không? - Constantin Sergheevich hỏi và giải thích thêm - tức là trong việc này họ nói có trúng không, có độc ác, có hóm hỉnh, sắc sảo không?

- Sắc thì có sắc đấy, nhưng không phải lúc nào cũng đúng cả.

- Thế thì em hãy lái cái khả năng đó sang hướng có ích lợi đi... Báo tường thì chắc không phải dành cho họ. Nhạt nhẽo quá! Phải có một cái gì mới, lãng mạn cơ... Và phải để tự các em khởi xướng. Ví dụ như một tờ tạp chí trào phúng của trường. Anh cũng đã nghĩ đến chuyện này. Trào lộng châm biếm cũng là một trong những hình thức giáo dục tốt.

- Đúng. Như thế có thể các em cũng thích... Tania Mikhailovna đồng tình nhưng còn lưỡng lự, chị vẫn chưa hình dung được mình có thể tổ chức được một tờ tạp chí như thế không.

- Nhưng có điều cần tìm một hình tượng làm mọi người phải chú ý, Tania ạ. Một cái gì giống như tạp chí “Cá sấu” chẳng hạn, song nó gần gũi với các em học sinh hơn. Em có hiểu không? Tên gọi của nó phải nói đến các công việc của nhà trường.

Ý nghĩ đó làm Tania Mikhailovna thích thú và chị say sưa lắng nghe mọi ý kiến của anh. Về một tờ tạp chí của nhà trường hay việc ra một tập bài tuyển chọn những sáng tác của các em, chính chị trước đây cũng đã nghĩ đến, còn về một tờ tạp chí trào phúng thì chị chưa hề nghĩ tới. Trong số các học sinh gái của chị, có nhiều em làm thơ, viết truyện, nhưng sáng tác của các em có tính chất bắt chước, rập khuôn và các chủ đề thường không có liên hệ gì đến sinh hoạt nhà trường cả. Bây giờ chỉ cần hướng dẫn các em chú ý đến những chủ đề quen thuộc, gần gũi các em hơn thì sẽ rất đạt yêu cầu. Nếu tất cả những sự kiện quan trọng, những hoạt động giáo dục của năm học được mô tả, giữ lại dưới một hình thức văn nghệ thì tờ tạp chí này cuối cùng có thể sẽ trở thành một cuốn biên niên sử của nhà trường.

- Không hiểu vì sao anh vẫn thấy rằng việc tìm một cái tên gọi thật đặt cho tờ tạp chí như thế này là rất quan trọng. - Constantin Sergheevich nói tiếp. - Anh cho rằng đây là một việc không đơn giản. Sẽ phải suy nghĩ kĩ việc này...

Lúc này ngoài hành lang vang lên tiếng lanh lảnh của con gái:

“Tôi[24] từ bàn lăn ra,

Tôi từ bố lăn ra

Tôi từ mẹ lăn ra

Tôi từ Lianca lăn ra...”

[24] Kalaboc tự xưng là “tôi.”

Tania Mikhailovna nhìn chồng và cả hai cùng mỉm cười. Bài hát của con là câu trả lời trực tiếp và thật là tình cờ, song lại như một lời đề nghị rất phù hợp.

Constantin Sergheevich nghĩ: “Kalaboc” - Đúng, đây chính là cái chúng ta đang cần. Không một em bé Xô viết nào lại không biết đến câu chuyện cổ tích Nga hấp dẫn này! Kalaboc tròn, có đặc điểm dịu hiền, nghịch ngợm và hay chế nhạo, chê bai. Kalaboc có thể xuất hiện bất kì nơi đâu. Nó nghe được, thấy được và thấu hiểu mọi điều. Nó lăn từ lớp này qua lớp khác còn trong giờ học nó nằm lặng lẽ ở nơi nào đó trong ngăn bàn hoặc trên cửa sổ. Nó có thể có mặt ở mọi nơi: trong phòng giáo viên, trong gia đình học sinh, trong rạp chiếu bóng, trên đường phố, trong các buổi họp, trong hội đồng giáo viên. Từ cái tên của nó có thể đặt thành những câu ngạn ngữ, những bài ca, ra những bài tập nhạo báng những kẻ phạm lỗi, bóc trần, phê bình những hiện tượng tiêu cực. Kalaboc sẽ bênh vực những bạn bị bắt nạt, tấn công những kẻ lười nhác, tự cao tự đại, những kẻ khoác lác, ba hoa. Vẽ Kalaboc cũng dễ dàng.

- Chính vì vậy, có lẽ nó phù hợp, - anh đăm chiêu nói.

- “Kalaboc!” Phải rồi, “Kalaboc” - không thể nghĩ ra tên hay hơn thế đâu! - Tania Mikhailovna kêu lên.

Nghe đến tên một câu chuyện cổ tích ưa thích, Olia vội chạy vào phòng.

- Ơ mẹ-e-e! - Em giận dỗi dẩu môi ra, giọng kéo dài. - Sao mẹ lại bỏ con?

- Sao lại bỏ con, Lianca? - Chị hỏi, không hiểu vì lí do gì con gái giận dỗi.

- Còn sao nữa! Con không phải điếc đâu. Mẹ vừa kể cho bố nghe chuyện Kalaboc, thế mà không gọi con.

- À à à! Thế là không nên. - Constantin Sergheevich nói. - Tất cả các chuyện cổ tích trên đời này đều là của con, của con hết... Nào, lại đây con gái của bố.

Đôi môi vừa dẩu ra đó bây giờ đã kéo dài ra và biến thành nụ cười. Ném búp bê lên đi văng, Olia chạy lại phía bố và nhanh chóng trèo lên đùi.

- Kể chuyện gì cho con bây giờ? Chuyện chó sói và những chú dê con nhé?

- Không. Tốt nhất là bố hãy kể... hãy kể chuyện cái cọng rơm, chiếc giày và bong bóng.

Constantin Sergheevich biết rất nhiều chuyện cổ tích và hầu như tất cả những chuyện đó anh đã lần lượt kể cho con gái nghe. Olia thường nghe bố kể với niềm thích thú, mặc dù em chỉ thích một số ít chuyện trong số đó. Đó là một câu đố đối với các bậc cha mẹ là giáo viên. Những chuyện em thích, em đã thuộc lòng có thể tự kể lại được, nhưng em vẫn sẵn sàng nghe lại chúng hằng ngày. Và cứ mỗi lần khi “bong bóng nổ tung vì tiếng cười” thì Olia lại vỗ tay cười vang y như thể em mới nghe lần đầu vậy.

Tania Mikhailovna không nghe chuyện, chị vào bếp giúp mẹ.

Một phút sau Olia đã ngồi gọn vào trong lòng bố, im lặng. Nghe hết một chuyện, em lại bảo với bố kể tiếp những chuyện khác, nhưng Constantin Sergheevich liếc nhìn đồng hồ vội vã nói:

- Thôi con ạ. Bố phải đi dạy học bây giờ. Bố sắp có giờ lên lớp rồi. Tối bố về sẽ kể cho con hai chuyện...

- Chuyện những con gấu, bố nhé?

- Ừ. Bố sẽ kể chuyện những con gấu.

- Chuyện Kalaboc nữa, bố nhé?

- Ừ. Cả chuyện Kalaboc nữa.

- Nhưng đừng cho con cáo ăn thịt nó thì hơn...

- Không, không. Bây giờ bố sẽ mang Kalaboc đến trường và để nó ở đấy.

- Bố ơi, thế Kalaboc mấy tuổi hả bố?

- Kalaboc mấy tuổi ấy à? Ờ - ờ - ờ! Kalaboc rất nhiều tuổi! Hơn một trăm năm, cũng có thể đến hai trăm ấy!

Con số này không giúp ích gì cho trí tưởng tượng của Olia và em đành xếp chuyện Kalaboc sang một bên.

- Bố ơi, tối bố sẽ kể cho con nghe nhé, chuyện gì nữa hả bố?

- Chuyện hoàng tử Ivan và con sói xám!

- Không... chuyện cái mũ đỏ.

- Thôi, được rồi, con gái yêu ạ, bây giờ bố phải đi. Tối bố con mình sẽ kể với nhau nhiều. Nào, thơm bố đi, Liesca.

Biết bố cúi xuống sẽ khó khăn, Olia vội nhảy lên ôm lấy cổ bố.

- Bố sẽ về ngay. Bố chỉ có hai tiết thôi, - anh nói - Con ở nhà phải ngoan đấy. Phải nghe lời bà và không được nghịch.

- Không được nghịch tí gì hả bố?

- Có thể vừa vừa thôi, nhưng không được nhiều.

- Ít ít thôi, bố nhé!

- Được, được... một ít thôi... Liesca của bố, Liesca nhé! Thôi, tạm biệt mặt trời bé nhỏ của bố...

Bước chân trên đường phố anh vẫn giữ ấn tượng này và nghĩ về những chuyện cổ tích của trẻ em. Là một thầy giáo, anh muốn biết xem vì sao con gái anh lại thích những chuyện này, không thích những chuyện kia. Những chuyện em thích cũng không nhiều: “Ba con gấu,” “Cọng rơm, chiếc gậy và bong bóng,” “Kalaboc,” “Con gà mái hoa,” “Chó sói và bảy con dê,” “Chiếc mũ đỏ”… Có lẽ chỉ thế thôi. Thế nghĩ là thế nào? Bí mật của thành công là ở đâu? Trẻ em thích gì trong những chuyện này? Đã nhiều lần bằng những câu hỏi gợi ý, anh đã định làm rõ câu đố này nhưng không thể nào đoán ra được. Olia không thể tự giải thích vì sao em thích các chuyện này hơn các chuyện kia.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3