Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 15
ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO
Giờ nghỉ giữa buổi, Catia, Jenia và Tamara chờ thầy giáo chủ nhiệm ở đầu cầu thang. Giờ sau là giờ văn nên Constantin Sergheevich thế nào cũng đến trước vài phút. Bản “Lời hứa danh dự” Catia cuộn lại cầm trong tay.
- Thú vị thật! Thầy sẽ nghĩ sao nhỉ?
Tamara trả lời một cách giễu cợt:
- Thầy sẽ nói đây là một sự ngu ngốc, kết quả của những bộ óc còn non nớt. Thầy sẽ bảo việc này chỉ phù hợp với học sinh lớp năm, lớp sáu thôi, còn đối với các học sinh sắp tốt nghiệp thì có phần không thích hợp...
- Đừng có nói bậy. - Jenia bực tức nói - Công nhân cũng còn hứa quyết tâm cơ mà.
- Thế mà cũng đòi so sánh! Học tập giỏi là nghĩa vụ của chúng ta. Đó là tiêu chuẩn. Nếu chúng ta vượt tiêu chuẩn thì hứa hẹn gì hãy hứa hẹn...
Catia giận dỗi cắt ngang Tamara:
- Ba hoa thế đủ rồi đấy! Chỉ có Valia là làm mình băn khoăn...
- Ép buộc cũng không giải quyết được gì, - Tamara nhún vai nói.
- Nó nói với mình là “Lời hứa danh dự” thậm chí còn làm nhục nó. Nó bảo là nó không cần có “động cơ thúc đẩy” kiểu đó nữa, - Jenia cho biết, cô định một lần nữa thuyết phục Valia kí vào bản “Lời hứa” đó.
- Chả nhẽ nó lại nói thế! - Tamara ngạc nhiên.
- Đúng thế.
- Con bé bướng bỉnh.
Catia phản đối:
- Đây không phải là bướng bỉnh. Theo mình thì bạn ấy vẫn còn giận cả lớp vì chuyện với Ania. Bạn ấy vẫn chưa quên cái tát đâu, các bạn ạ.
- Sao lại cái tát ở đây?! Chả nhẽ suốt đời nó cứ bận tâm mãi với cái chuyện ngu ngốc đấy hay sao?! Không muốn kí thì thôi, không cần!
Jenia sôi nổi phản đối:
- Không, mình không đồng ý với bạn thế đâu, Tamara. Đặt vấn đề như thế không được. Làm như vậy không đúng với tinh thần của Đoàn. Với Valia cần phải tìm phương pháp khác.
- Cậu bảo sao? Phương pháp khác à? Rất cần đấy! Bạn đúng là người luôn sẵn sàng che chở cho mọi người. Bạn thiếu tự trọng đấy, Grenesca[25] ạ - Thôi đừng cãi nhau nữa, - Catia chen vào. Phương pháp hay không phương pháp thì với Valia cũng còn phải bận tâm nhiều đấy. Các bạn ơi, thầy đến kìa!
[25] Tên gọi thân mật của Jenia nhưng ở đây dùng ý mỉa mai.
Thầy giáo Constantin Sergheevich xuất hiện ở cầu thang.
- Chào thầy Constantin Sergheevich ạ! - Từ xa các em học sinh đã cất lời chào.
- Chào các em!
- Thưa thầy, chúng em có việc cần báo cáo với thầy.
- Các em nói đi! Hay chúng ta vào thư viện vậy.
- Thưa thầy, chúng em có chìa khóa phòng hóa, - Tamara đề nghị.
Thầy giáo liếc nhìn vẻ mặt lo lắng của các em học sinh, lặng lẽ bước lên cầu thang trước.
- Thưa thầy, chúng em có một việc thế này, - Catia nói vẻ do dự khi họ mở cửa bước vào phòng.
Catia mở tờ giấy ra, cuộn ngược lại cho khỏi cong rồi đặt lên chiếc bàn gần đó. Thầy giáo từ từ ngồi xuống và chăm chú đọc.
- À, ra thế! Trông mặt các em tôi biết các em có âm mưu mà. Tamara vẽ phải không? - Thầy bỗng hỏi hình như việc ấy có ý nghĩa gì đó.
- Vâng, em ạ.
- Em có năng khiếu đấy! Trang trí cũng không đến nỗi xoàng đâu.
- Thế còn viết thế nào ạ? - Tamara hỏi, mặt ửng đỏ vì lời khen của thầy.
- Viết thế nào điều đó không quan trọng. Quan trọng là trong đó viết cái gì. Tôi muốn biết các em có hiểu rõ lời đồng chí Kirov buộc các em phải làm gì không. Các em có nghĩ đến điều này không?
Chán nản vì vỡ mộng, các em quay sang phía Tamara và bắt gặp trong ánh mắt cái nhìn giễu cợt.
- Mình đã bảo các bạn mà... - cô ta nói khẽ, - kết quả của những bộ óc còn non nớt.
Thật bực mình. Trong thâm tâm tất cả các em đều tin rằng “Lời hứa danh dự” sẽ làm thầy giáo chủ nhiệm vui lòng, rằng thầy giáo sẽ chúc mừng các em, khen ngợi sáng kiến của các em, chúc các em thành công... Nhưng thay vào đó - vẫn là cái giọng thường ngày. Thầy giáo chăm chú nhìn các em và hỏi:
- Thế các em cần đề nghị gì với tôi? Các em đã bày ra một việc lớn, nhưng khó nói nó sẽ đưa đến cái gì. Các em đã bắt đầu tốt, nhưng hứa thì ta có thể hứa cái gì mà chẳng được. Tất cả vấn đề là ở chỗ có thể thực hiện được đến đâu... và các em có đủ nghị lực và quyết tâm tiến hành công việc đến thắng lợi không...
Thầy đứng dậy, không chống gậy, đi ra phía trước bàn. Trong các giờ học, thầy thường hay đứng, - có lẽ đấy là một thói quen của thầy.
- Thôi, bây giờ chúng ta nói chuyện với nhau nhé. Các em ngồi xuống.
Các em rầu rĩ ngồi vào phía sau bàn, chú ý lắng nghe. Thầy bắt đầu:
- Tôi không nhớ chính xác đồng chí Stalin đã nói vấn đề này như thế nào. Nhưng nội dung đại thể như sau… Thắng lợi không tự nó đến. Những nghị quyết, những bản tuyên ngôn đặc sắc - đấy chỉ là bước đầu và nó chỉ là nguyện vọng, mong muốn đối với thắng lợi. Đối với các em cũng thế. “Lời hứa danh dự” chỉ là bước đầu... À, thế mọi người đều kí cả chứ?
- Thưa thầy, Valia không chịu kí. - Catia trả lời.
- Sao thế?
Tamara trả lời không do dự:
- Thưa thầy, vì bướng nên bạn ấy không kí ạ. Quả là kênh kiệu. Bạn ấy lúc nào cũng cá nhân chủ nghĩa.
- Thật đáng buồn nếu em ấy cứ thế mãi. Các em định làm gì tiếp?
- Với Valia ấy ạ?
- Trước hết với các bạn đã kí.
- Chúng em muốn xin ý kiến thầy trước đã.
- Tôi sẵn sàng, nhưng chắc các em không chỉ nghĩ đơn thuần về lời văn trong bản lời hứa danh dự chứ?
- Tất nhiên không ạ. - Catia vội khẳng định. - Chúng em nghĩ đến nhiều thứ. Trước hết chúng em muốn mỗi điểm ba phải được đưa ra thảo luận, làm rõ nguyên nhân...
- Mỗi tuần chúng em sẽ ra một tờ báo tường chiến đấu. - Tamara báo để thầy biết.
- Những bạn kém sẽ được giúp đỡ kèm cặp để tiến bộ. - Jenia bổ sung thêm.
- Đúng, đấy mới là cái chính... thế mới tốt, - thầy Constantin Sergheevich vừa gật đầu vừa nói và nghe với một vẻ thú vị làm cho các em càng thêm hăng hái.
Các em muốn kể tỉ mỉ kế hoạch phấn đấu đã dự kiến của mình cho thầy nghe. Tamara bắt đầu:
- Tờ báo chiến đấu đó chúng em muốn gọi là “Chúng ta sẽ phấn đấu học tập cho đẹp.” Như chúng em đã nói... chống lại cái xấu, vì cái đẹp, nhưng với nghĩa rộng. Tất cả đều tán thành cái đẹp, có thể là trong đạo đức, trong sự hiểu biết, trong bản lĩnh, trong tính các, trong hành động...
- Điểm ba là xoàng! - Jenia nói chen vào, - Điểm ba là thể hiện sự lười nhác. Đấy là điều đáng buồn, là sự mệt mỏi. Còn điểm năm đấy là cái đẹp vì nó biểu hiện phẩm chất tốt đẹp của con người. Nếu em được điểm năm có nghĩa là em không dốt nát, em cố gắng, em lao động cần cù. Thậm chí em còn coi điểm năm là niềm vui, là sự sảng khoái, là trạng thái tốt đẹp của tâm hồn. Và không chỉ đối với em mà còn đối với tất cả mọi người. Là vì tâm trạng con người có tính lây truyền từ người này sang người khác, thưa thầy thế có đúng không ạ?
- Đúng thế.
- Thưa thầy, thầy biết không ạ, rõ ràng khái niệm về cái đẹp có một ý nghĩa lớn đối với chúng em đấy. - Catia nói.
Thầy Constantin Sergheevich nhận xét:
- Rất đúng! Như vậy các em đã suy nghĩ kĩ hết cả rồi, thế các em có biết các em đang nhận trách nhiệm gì không? - Thầy hỏi và lấy trong cặp ra một quyển vở mới. - Phải ghi một tí chứ. Nào chúng ta hãy phác họa một kế hoạch. Đúng hơn là chúng ta hãy sắp xếp lại những gì chúng ta đã dự định. Tờ báo chiến đấu - thế cũng tốt, nhưng có lẽ tốt hơn nên gọi là bản tin hằng tuần. Còn tính chiến đấu là linh hồn của nó. Các em không phản đối chứ?
- Vâng. Thế còn tên gọi “Chúng ta sẽ phấn đấu học tập cho đẹp” vẫn giữ chứ ạ?
- Theo tôi cứ để thế.
- Như thế nghe có... xuôi tai không ạ?
Tamara vui vẻ hẳn lên. Trong suy nghĩ em đã hình dung ra bản tin sẽ như thế nào và vội vã bắt tay vào công việc. Bây giờ trước mắt em đã có một mục đích rõ ràng, lí thú, nhưng khó khăn... Nó không phải như tờ báo tường! Em chăm chú hỏi thầy:
- Thưa thầy, thế còn tờ báo tường thì sao ạ?
Thầy giáo hiểu rõ tâm trạng của Tamara. Công tác biên tập đối với em quả là một nhiệm vụ bắt buộc. Em đã chán ngấy cái việc phải thuyết phục, kêu van đề nghị các bạn nộp bài, chữa bài và thật ra một mình em đã xuất bản tờ báo. Bản tin vừa dự định này cũng không khác gì mấy so với tờ báo tường, nhưng em vẫn cho rằng đấy là một cái gì mới, khác hơn, cần thiết và đặc biệt. Quan trọng là bản tin do họ nghĩ ra và để cho nó có hiệu lực, sắc bén, có tính chiến đấu là phụ thuộc vào chính họ.
- Chúng ta sẽ đóng cửa báo tường chứ? - Thầy giáo vừa hỏi vừa nheo mắt trêu các em.
- Vâng, thế là phải! - Tamara vui vẻ đáp. - Nó làm em mệt lắm.
Thầy giáo nói tiếp.
- Về bản tin chúng ta sẽ nói sau. Bây giờ chúng ta bàn về cuộc họp. Theo tôi, vấn đề thời gian biểu hằng ngày cần đưa lên hàng đầu. Không thể để sau được. Các em kêu ca không có thời gian chuẩn bị bài. Phải tìm hiểu xem các bạn sử dụng thời gian như thế nào.
- Em xin có ý kiến ạ. - Catia giơ tay đề nghị, khi thầy gật đầu, cô đứng dậy. - Chúng em sẽ làm như sau... Lấy ba bạn làm điển hình để phân tích nguyên nhân. Chúng em sẽ tính từng phút tất cả thời gian từ lúc ở trường về nhà tới trước khi đi ngủ. Như thế sẽ có tác dụng và kết quả tốt...
Tamara hỏi:
- Nói cụ thể đi! Lấy ai để tính? Đề nghị lấy các bạn Larisa, Tania và Lida.
- Sao lại lấy Tania? - Catia hỏi.
- Vì bạn ấy hay ngủ trong giờ học. Cần tìm xem nguyên nhân vì sao.
- Thế Lida thì vì sao?
- Đấy là vấn đề đặc biệt, Catia ạ. Nói chung Lida không biết sử dụng thì giờ để làm gì, đi đâu và vì sao lại dùng thế, Tamara trả lời để bảo vệ ý kiến của mình. - Thưa thầy, thầy có đến dự họp không ạ? - Em hỏi.
- Nếu các em mời...
- Chúng em rất mong thầy đến... À! Còn một việc nữa. Thế có báo cho Valia đi họp không ạ?
Catia liếc nhìn Jenia, nhưng cô bạn chỉ nhún vai.
- Thầy cho ý kiến thế nào ạ?
- Các em tự quyết định lấy.
Họ suy nghĩ. Làm thế nào bây giờ? Vailia không kí vào bản “Lời hứa danh dự” nhưng bạn ấy là thành viên của lớp, mà cuộc họp này là họp chung. Nếu không báo cho bạn ấy biết thì sẽ là một sự trừng phạt đặc biệt. Nhưng “Lời hứa danh dự” là việc tự nguyện cơ mà... Các em biết rằng thầy Constantin Sergheevich chỉ tham gia ý kiến khi nào vấn đề không được giải quyết rõ ràng. Catia liếc nhìn thầy và đề nghị:
- Tôi đề nghị sẽ nói lại với bạn ấy một lần nữa và nếu bạn ấy vẫn từ chối thì chúng ta thôi không mời đi họp nữa.
Tamara không tán thành ý kiến nói lại với Valia, nhưng em cố kiềm chế để không phản đối. Em không muốn khơi lên sự tranh cãi, hơn nữa, hình như thầy Constantin Sergheevich có vẻ tán thành ý kiến của Catia.
- Tôi sẽ nói lại với bạn ấy - Jenia đề nghị.
Các em quyết định cuộc họp sẽ tiến hành vào ngày mai; sau đó thầy Constantin Sergheevich góp một số ý kiến về việc chuẩn bị cho cuộc họp đó.
Sau khi kí vào bản “Lời hứa danh dự,” các học sinh lớp 10 thấy rằng họ đã làm một việc tốt đẹp và hệ trọng, chừng mực nào đó đã thay đổi sinh hoạt hằng ngày của họ. Họ vui sướng trong lòng, nhưng đồng thời cũng lo âu. Một trách nhiệm lớn lao đã đặt trước từng người. Họ có khả năng thực hiện lời hứa của mình không, có xứng đáng với sự tín nhiệm của lớp không, có lừa dối bè bạn không? Các bạn học giỏi đã có những lo lắng, quan tâm đến các bạn học yếu. Trước đây họ thường thờ ơ, bàng quan với những câu trả lời sai, nhưng bây giờ họ đã suy nghĩ khác. “Sao thế? Nó nói lảm nhảm gì trên bảng thế?! Tại sao bạn ấy lại chuẩn bị bài không tốt?”
Cho đến trước giờ giải lao của buổi học, họ đã được cả thảy tám điểm. Một điểm năm, hai điểm bốn và năm điểm ba. Catia sơ kết kết quả chung và sau khi đã hội ý với thầy giáo, em tin cho các bạn biết hôm nay tổng số điểm có thể đạt được là bốn mươi, nhưng lại chỉ được có hai mươi tám. Nadia phản đối:
- Catia, chúng ta quyết định hôm nay không tính cơ mà.
- Ai quyết định? Bạn quyết định à? Ngược lại thì có. Chúng ta sẽ coi hôm nay là ngày mở đầu.
- Thế không đúng đâu! - Clara kêu lên - Tôi không đồng ý thế! Hôm nay không phải là ngày điển hình, các bạn ạ. Hôm nay không có điểm hai nào cả. Xem sổ điểm chọn ngày khác đi...
- Một ngày kém ấy! - Jenia gợi ý.
- Đúng đấy, một ngày kém kém hơn, - Clara khẳng định.
- Một ngày kém nhất à? - Tamara hỏi lại với giọng giễu cợt.
- Không, không phải ngày kém nhất... Kém vừa thôi. Như thế mới so sánh được. Sao? Thế không đúng à? Clara quay về phía cả lớp - thế mới rõ ràng hơn.
- So sánh gì? - Catia hét lên để cắt đứt cuộc tranh cãi đang bắt đầu kịch liệt - Chả có gì đáng so sánh cả. Bây giờ còn một việc nữa. Ngày mai sau giờ học chúng ta sẽ có cuộc họp những người đã kí bản “Lời hứa danh dự.” Hiểu chưa? - Em đưa mắt nhìn một cách có hàm ý về phía Valia nhưng thấy bạn ấy hoàn toàn không để ý đến lời nói của mình, bèn nhắc thêm: - Valia, chú ý nhé.
Valia nhún vai coi thường và quay mặt nhìn ra cửa sổ. Catia bèn nói tiếp:
- Trong chương trình họp có một vấn đề cần thảo luận. Đó là vấn đề thời gian biểu. Các bạn suy nghĩ rồi ngày mai chúng ta sẽ trao đổi ý kiến. Đề nghị ba bạn: Larisa Trikhonova, Lida Versinia và Acxenova Tania hôm nay về ghi lại thời gian biểu của mình. Bắt đầu từ sau giờ học cho đến lúc đi ngủ.
- Để làm gì cơ? - Lida hỏi.
- Để trên cơ sở đó xem thử chúng ta đã tự tổ chức mình như thế nào và nói chung...
- Thế có thể thay bạn khác vào chỗ tôi được không?
- Không, không được. Chúng tôi đề nghị đồng chí làm việc đó như một công tác của Đoàn!
Lida tức giận nói:
- Các bạn ạ, tôi không hiểu được! Tôi làm sao có thể tính toán cho mình được. Các bạn có biết thế nào là thời gian biểu không? Cần phải tính từng giây, từng hành động...
- Đừng có phóng đại nữa! - Catia không để bạn nói hết - Chúng tôi chẳng đòi hỏi từng giây. Cứ tính cho từng giờ thôi...
- Thầy Constantin Sergheevich đến! - Bạn trực nhật báo tin.
- Xong! Chấm hết! Quyết định rồi! Và xin đừng tranh luận nữa. Nói ít và làm nhiều lên chứ. - Catia vội vã kết thúc và đi về chỗ.
Thầy Constantin Sergheevich vào lớp chào các em như thường lệ: “Chào các em” và đặt sổ điểm xuống bàn, nhưng thầy không ngồi xuống ghế mà đến cạnh cửa sổ. Thầy thường làm thế mỗi khi muốn nói điều gì. Tất cả nóng lòng chờ đợi. Thầy bắt đầu bằng một giọng xúc động và nghiêm trang.
- Các em! - Hôm nay tôi rất sung sướng và tự hào vì đã làm quen với bản “Lời hứa danh dự” tuyệt vời của các em...
Catia liếc nhìn Jenia và hai cô ngồi thẳng dậy. Tamara ngoái cổ lại và vui vẻ nháy các bạn.
- Đối với các em đó là một hành động bình thường. Chẳng có gì mới lạ, chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng thực ra không phải thế! Nguyện vọng trở thành một người có học thức, hiểu biết rộng, nghĩa là một người có ích cho tổ quốc, nguyện vọng trở thành con người tốt hơn, phong phú về tâm hồn hơn, đẹp đẽ hơn - lẽ nào đó không phải là một nguyện vọng bình thường của từng thanh niên Xô viết - người xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai? Các em đã tự nguyện, không chịu sự bắt buộc nào cả, làm theo tiếng gọi của trái tim mình là đã hứa với nhau học cho thật tốt và phấn đấu cả lớp sẽ tốt nghiệp cấp ba một cách xuất sắc...
Thầy Constantin Sergheevich ngừng lại, nhìn ra cửa sổ: “Bằng lời lẽ nào đây, bằng thí dụ nào để có thể giải thích cho các em gái mười bảy tuổi này hiểu được cái điều cơ bản đang làm anh xúc động lúc này? Ngay chính thầy cũng nhớ rất lờ mờ ngôi trường cũ mà có những việc ta chỉ có thể hiểu được khi ta đã trải qua.” Thầy đưa mắt nhìn sang bức tường có treo chân dung Usinki mỉm cười với ông như với người quen cũ, và tiếp tục:
- Nếu các em thử mặc những chiếc áo cũ mà các em đã mặc hai ba năm trước, các em sẽ nhìn thấy các em sẽ lớn lên như thế nào và thậm chí các em sẽ tự thấy ngạc nhiên. Bởi vì chính các em không để ý là các em đã lớn lên như thế nào... Đối với tôi cũng tương tự như vậy. Chiến tranh đã đẩy tôi ra khỏi ghế nhà trường. Tôi đã từng qua Đức, Hung và Tiệp, được tiếp xúc với những thầy giáo ở đấy và tự nhiên tôi hiểu là, chúng ta đã trưởng thành như thế nào. Tôi không muốn nói ở nước ta mọi cái đều đã tốt đẹp, còn ở các nước đó mọi cái đều không tốt. Không phải thế. Chúng ta hãy còn nhiều thiếu sót, và “Lời hứa danh dự” của các em có thể biến thành một tờ giấy rỗng tuếch, hình thức và khoe khoang, nếu những lời hứa đó không đi đôi với việc làm. Cả trước kia các em cũng đều biết là không có kiến thức thì không thể trở thành người cộng sản được, và để trở thành những người xây dựng tương lai thành thạo như các em đã viết trong bản “Lời hứa,” cần phải học tập hết khả năng của mình. Nhưng tại sao từ trước đến nay các em không học như thế! Cái gì đã cản trở các em? Tôi có cảm giác là vì các em biết thế nhưng không hoàn toàn hiểu... không nhận thức hết. Mà biết và hiểu đó là hai vấn đề rất khác nhau. Tôi tin rằng, “Lời hứa” đã giúp từng người trong các em cảm thấy được trách nhiệm của mình trước tập thể, giúp các em hiểu được giá trị của mình đối với tập thể, giúp các em rèn luyện cho mình có sự kiên trì, bền bỉ, có ý chí... và giúp các em “biết cách học tập” như Vladimir Ilyich Lenin đã dạy. Biết cách học tập - đã, đang và sẽ mãi mãi là một trong những nhiệm vụ cơ bản của con người Xô viết... Và, khi nào các em nắm được môn khoa học đó, không có khó khăn nào có thể làm các em chùn bước được. - Thầy giáo kết thúc, đi lại bàn và giở sổ điểm ra.