Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 16

VALIA BELOVA VÀ CLARA KHOLOPOEVA

Valia Belova sống trong một căn phòng rộng sáng sủa cùng bố mẹ và ông nội. Bố cô làm thanh tra công tác cứu hỏa. Ông là người tốt bụng, hiền lành và nhu nhược. Thường thường ông về nhà trong tình trạng say mềm vì thế thường kiếm chuyện cãi nhau với vợ. Ông nội thì không bao giờ tham gia ý kiến vào một việc gì và cả ngày đọc tất cả những gì rơi vào tay ông: có thể đó là tờ báo từ năm ngoái, quyển sách giáo khoa hình học, sơ đồ thanh tra công tác cứu hỏa của thành phố hoặc một mẩu của bản tin nào đó mà người ta dùng gói lạp xường. Quan tâm đến việc giáo dục đứa con gái duy nhất trong gia đình chỉ có một mình người mẹ. Phương pháp giáo dục của bà chỉ gói ghém trong việc chiều mọi ý thích của Valia và thán phục kết quả mà em đạt được. Khó khăn lắm bà mới dành dụm được tiền để mua chiếc đàn dương cầm cho con gái khi em lên tám tuổi. Nhưng Valia không thể trở thành một nhạc công. Học được hai ba tháng em cương quyết không chịu học những bài tập chán ngấy đó nữa. Bây giờ chiếc đàn dương cầm đó trở thành của để dành phòng lúc khó khăn, nó chiếm gần một phần ba căn phòng. Không ai chơi đàn cả, nó đã làm cho mọi người chán ngấy và khoảng tám năm nay nó được sử dụng như một cái bàn, một cái giá mà người ta chất lên đấy tất cả những đồ thừa.

Valia từ khi còn nhỏ đã biết đòi hỏi mọi người phải thực hiện ý định của mình. Em có thể khóc khoảng hai hoặc ba tiếng đồng hồ liền, nói đúng hơn, là rên rỉ cho đến khi mẹ em không còn sức chịu đựng được nữa và lúc đó em sẽ nhận được cái mà mình muốn.

Bản tính Valia là hay mê say nhưng sự say mê của em dù đó là thể thao hay làm vườn, thêu thùa hay đục đẽo, đều bị bỏ dở. Chắc cũng vì thế mà trong phòng, ta thấy những chậu hoa khô héo, những cái giá làm dở dang đang vứt lăn lóc dưới chiếc đàn dương cầm, thay vào những chiếc khăn mùi soa hay khăn mặt là những mẩu vải thêu chưa xong.

Valia không công nhận bất cứ ai hơn mình. Trong bất cứ việc gì cũng muốn là người thứ nhất, nhưng nếu việc đó đòi hỏi phải có sự lao động kiên trì thì cô bỏ ngay khi mới bắt tay vào.

Hôm nay Valia thấy khó chịu lắm: tất cả cái trò kí tên vào... “Lời hứa” đó làm cô rất bực mình. Valia cho đó chẳng qua là việc đi hầu mấy đứa học kém. “Lẽ nào tất cả học sinh đều có thể học xuất sắc ư? Chỉ có người ngốc mới không hiểu điều đó” - Cô nghĩ thế trong khi thu dọn sách vở.

Bà mẹ bảo:

- Valia, đặt ấm nước lên bếp tí con.

- Đặt làm gì? Con uống nước chè rồi mà.

- Ông chưa uống, mà mẹ cũng chưa uống...

- Con không có thì giờ đâu. Con đi học muộn rồi đây này!

Cô cho hết sách vở vào cặp, lấy từ mắc áo xuống chiếc áo khoác của bố đã được sửa lại cho và ra đứng giữa phòng, mặc ngay trước mặt mẹ.

- Sao con không mặc măng-tô?

- Con không thích.

- Sao mày không biết ngượng thế, Valia? Chiếc áo măng-tô mới! Hóa ra tao đã vứt tiền đi à.

- Nếu mẹ thích thì để mẹ mặc.

- Tôi không có tiền để mua áo măng-tô đúng mốt.

- Con chẳng thiết, - cô gái nói với vẻ mặt giận dỗi và đi ra khỏi phòng.

Valia không tôn trọng mẹ vì cho là bà thiếu hiểu biết và hay cáu kỉnh. Cô đối với bố tốt hơn vì bố ít khi rầy la và không bao giờ làm phật ý cô. Ông nội đối với cô hầu như không còn tồn tại trong nhà. Valia chỉ yêu có bản thân mình, nhưng cứ hễ đứng trước gương là cô phải công nhận trên khuôn mặt mình toàn nhược điểm và tự gọi mình là con “xấu gái.” Nhưng lại không phải như vậy. Valia tự gọi mình là xấu gái chẳng qua là để làm điệu đó thôi, thực ra thì cô lại nghĩ khác. Khuôn mặt dễ thương có chiếc mũi nhỏ nhắn hơi hếch và đôi mắt sáng, cái trán rộng và cao, những chiếc răng hơi to và trắng muốt, thân hình nhỏ nhắn gọn gàng, đối với cô đâu có xấu.

Bước trên đại lộ thênh thang, cô nhìn những phụ nữ ăn mặc đẹp qua lại một cách ghen tị và nghĩ đến Lida Versinina, sao số phận đã dành cho nó lắm ân huệ thế, vừa đẹp lại vừa có ông bố là viện sĩ. Sao mà Valia muốn hơn cô gái mà theo ý em là “kiêu kì” đó thế. Nhưng hơn bằng cách nào? Muốn hơn nó, trước hết phải mặc cho thật đẹp, mà Valia thì chỉ có thể mặc bằng tiền của mẹ. Và cô bắt ép mẹ phải bán chiếc đàn dương cầm mà mẹ rất quý.

Valia từ lâu đã có cách đối xử riêng với mẹ. Cô không bao giờ nói thẳng là mình cần gì, mẹ phải tự đoán lấy. Cô biết là mẹ luôn luôn run sợ vì con, nên cô thường hay sa sầm mặt cáu gắt, kêu nhức đầu và bằng mọi cách tỏ ra cho mẹ biết là mình khổ sở như thế nào, cuối cùng nguyên nhân của mọi khổ sở đó chính là bà mẹ. Người mẹ không muốn làm u ám cái “thời thơ ấu hạnh phúc” của đứa con gái độc nhất nên bà nhanh chóng đoán ra nguyên nhân của “tâm trạng bực bội” đó của con gái và vội vàng thực hiện ý muốn của cô.

Cô con gái càng lớn bao nhiêu thì càng đối xử với mẹ tệ bấy nhiêu. Trí nhớ tuyệt vời của Valia đã giúp cô học giỏi nhưng sự tự phụ, ngang bướng và tính ích kỉ được gia đình khuyến khích đã làm cô càng khó tính và kênh kiệu. Cô thường hoài nghi tất cả, có định kiến sẵn với tất cả những gì mà cô vấp phải. Tất cả đều không đúng! Tất cả đều là trò ngu ngốc! Tất cả đều xấu.

Dĩ nhiên là Valia nhận thấy sau khi không chịu kí tên vào bản “Lời hứa danh dự,” giữa mình và tập thể có một sự ngăn cách. Điều đó càng làm cô bực tức và mọi sự cô đều cho là tại Catia, vì Catia cố tình lôi kéo cả lớp chống lại cô để bắt ép cô phải kí tên vào bản “Lời hứa.” “Cứ mặc cho mọi người quỳ gối trước mặt cô ta, tôi không thèm!” - Valia nghĩ thế, tuy trong bụng hiểu rằng, không phải như vậy và hối hận là đã không kí tên ngay từ đầu vào “Lời hứa.” Bây giờ thì muộn rồi. Sự kiêu căng không cho phép Valia nhận khuyết điểm nên cô tỏ vẻ khiêu khích đối với cả lớp. Tình hình trong lớp còn làm cho cô thích thú nữa. Valia thấy “bộ ba chịu trách nhiệm giáo dục” - em vẫn gọi những người nghĩ ra “Lời hứa” như vậy - hình như băn khoăn vì sự ngang bướng của mình. Tamara, người mà cô hơi nể sợ, nhìn cô như chó sói. Jenia hôm qua đã hai lần dụ dỗ cô kí vào “Lời hứa” nhưng cuối cùng chửi cô là “con vật khó tính dài tai” rồi bỏ đi.

Clara từ góc phố bước ra. Cô nhìn thấy Valia, đợi bạn, rồi cùng đến trưởng. Clara nói:

- Hôm nay không có văn...

- Được thở chứ sao.

- Bạn nói gì vậy! Lẽ nào bạn không thích những giờ học văn?

- Không, sao lại không thích... Thầy dạy không đến nỗi tồi, có điều về nhà phải đọc nhiều quá, - Valia thú nhận.

Sự xuất hiện của thầy Constantin Sergheevich bắt Valia phải đọc sách. Thực ra, Valia đọc sách một cách thú vị, cô đọc đi đọc lại những tác phẩm văn học, trong giờ học cô luôn bảo vệ quan điểm của mình, sự đánh giá của mình đối với các nhân vật và cách xử sự của họ, nhưng cô vốn không ưa làm việc và cô vẫn giữ một thói thờ ơ như trước.

- Hôm nay cô Anna Vaxilievna sẽ hỏi bài đấy, - Clara báo trước.

- Hỏi thì hỏi chứ!

- Mình thấy lo lo thế nào ấy.

- Chính các bạn có lỗi chứ ai. Tự mua vạ vào thân, bỗng dưng kí tên vào “Lời hứa” mà chả ai cần đến ấy... Mình chẳng hiểu nổi! Bắt chước nhau như đàn súc vật. Một con đi đâu, cả đàn theo đấy. Valia cho rằng tất cả các bạn, ai đã nhẹ dạ kí tên vào bản “Lời hứa,” bây giờ đều hối hận và ghen tị với mình.

- Tiếc là bạn không kí...

- Lại có điều mới lạ thế nữa! Các bạn cần phải đuổi theo cho kịp mình, chứ đâu có phải mình đuổi theo cho bằng các bạn! Dù sao thì mình cũng là học sinh xuất sắc và cho đến bây giờ chưa hề cầu xin ai giúp đỡ! - Valia cáu.

- Việc đâu phải ở chỗ ai bằng ai.

- Thế ở chỗ nào?

- Ở chỗ tinh thần tập thể. Bây giờ thì mình hiểu rõ điều đó. Thầy Constantin Sergheevich đã nói rất đúng. Bây giờ chúng mình quan tâm đến nhau nhiều hơn và tinh thần trách nhiệm cũng cao hơn.

- Mình xin mừng cho các bạn.

- Dĩ nhiên là ban đầu cũng có khó khăn. Mình nghiệm bản thân cũng biết. Hôm qua học bài đến một giờ đêm đấy. Chúng mình đã buông lỏng quá nhiều rồi...

Hai cô bạn có nhiều nét giống nhau trong cá tính. Hai cô đều hay thích đối lập với mọi người, phê phán tất cả cái gì thấy được, nghe được và đọc được.

Nếu xảy ra tranh luận trong lớp, hoặc trong một nhóm học sinh, thì thường ý kiến của hai cô bạn này giống nhau và họ ủng hộ lẫn nhau. Cả hai đều mê say một việc gì đó trong thời gian ngắn, nhưng chỉ có trồng hoa, thêu thùa, cưa đục không làm thỏa mãn tính ưa hoạt động của Clara. Vào Đoàn Thanh niên Komsomol, Clara say mê hoạt động công tác xã hội và trong khoảng hai năm em được coi là một trong những học sinh tích cực nhất của trường. Nhưng rồi em nguội lạnh dần và biến thành anh “lính trơn” từ lúc nào em cũng không để ý nữa. Không biết những ước mơ, nghị lực của Clara biến đi đâu mất mà chính là uy tín - uy tín của em đã biến đi đâu? Bây giờ không còn ai giới thiệu em, đề cử em giữ chức vụ gì cả, cũng không ai trao cho em nhiệm vụ gì. Clara đã nhiều lần suy nghĩ về sự “đổi thay của số phận” đó và cố gắng tìm nguyên nhân xem tại sao mình lại trở nên nguội lạnh như vậy. Trước kia các bạn thường hay trách em vì ít chịu lắng nghe ý kiến người khác, ít gần gũi “quần chúng,” hay tự ái và tự phụ. Dĩ nhiên là Clara không thể tán thành những ý kiến đó và luôn tìm nguyên nhân bất cứ ở đâu, miễn không phải ở chính bản thân mình. Em thân với Valia từ hồi học lớp 9, nhưng không lâu, chỉ đến lần cãi nhau đầu tiên. Valia không thấy cần thiết phải có người bạn thật thân nên việc cãi nhau với Clara cũng không làm cô buồn khổ mấy. Clara, thì ngược lại rất đau khổ vì đã mất bạn nên nhiều lần cố gắng làm lành để nối lại tình bạn. Sự khao khát những lời âu yếm, sự thông cảm hoặc những ý kiến đóng góp chân tình của Clara còn có thể giải thích là vì em mồ côi cả bố mẹ. Bố mẹ em đã hi sinh trong thời gian thành phố bị phong tỏa. Em có một căn phòng tương đối tốt, nhưng lại ở cùng với hết bà cô này đến bà cô khác.

- Bây giờ bạn sống với cô Lida Marimovna à? - Valia hỏi.

- Ừ.

Valia biết là chỉ có cô Lida Marimovna mới cho Clara ngồi học đến một giờ đêm. Đó là một người đàn bà hay thương người và mến khách, bà vẫn thích an ủi đứa cháu mồ côi và khóc cho nỗi khổ của cháu mãi đến tận bây giờ. Cô để cho cháu hoàn toàn tự do, chỉ thường hỏi han đến sức khỏe và việc học tập ở trường của cháu. Nhưng sự tốt bụng đó chỉ là bên ngoài. Cứ hễ động đến việc mua áo hoặc mua giày cho cháu là bà không có tiền. Hết thời hạn, Clara lại về ở với bà cô thứ hai. Cô Anastaasia Marximovna thẳng tính và nghiêm nghị, cô hay thích dạy bảo và bắt cháu phải hoàn toàn phục tùng cô. Cô không bao giờ an ủi, tỏ ra thông cảm với cháu nhưng lại dè xẻn số tiền lương ít ỏi của mình để mua áo, mua giày cho cháu. Cô Anastaasia hơi thô bạo và cổ lỗ, nhưng Clara quý cô hơn là cô Lida. Sau một lúc suy nghĩ Clara hỏi:

- Này Valia, có phải bạn viết là con gái không thể thân với nhau lâu được không?

- Bao giờ?

- Lúc mà chúng mình viết về tình bạn trong giờ học hóa đấy.

- À à! Mình cũng chẳng nhớ là đã viết cái gì nữa, - Valia nói với vẻ không quan tâm.

- Thế còn mình thì lại nhớ rất rõ. Bạn viết là con gái chỉ có thể thân nhau đến lần tranh luận nghiêm túc đầu tiên là kết thúc.

- Thế thì sao?

- Có phải bạn định nói đến tình bạn của chúng mình không?

- Không phải chỉ của chúng mình. Cứ thử xem, ai cũng vậy... Valia bắt đầu và chợt im bặt. Cô biết Clara định nói gì nhưng cô không muốn đề cập đến việc đó nữa.

- Không, mình không đồng ý với bạn. Bạn xem, Nadia và Ania hoặc Jenia và Svetlana thân nhau lắm đấy thôi...

- Nói thêm nữa đi - Còn Lida với Tamara nữa, - Valia cười khẩy.

- Thì sao? Bọn nó cũng thân nhau. Có thể không được bền chặt lắm nhưng thân. Dù sao mình vẫn nghĩ, nếu có một người bạn thân thật sự, thì cuộc sống sẽ thú vị hơn nhiều... Mình nghĩ, cứ cho là tranh luận với nhau đi nữa thì vẫn có thể đi đến chỗ thỏa thuận cơ mà. Thí dụ, như hồi bạn lừa mình rồi đi với Lida...

- Ồ sao bạn cứ hay thích nhắc lại chuyện cũ thế nhỉ, - Valia cắt ngang bạn với giọng khó chịu.

- Không, mình muốn nói là giá gì hồi đó chúng ta cởi mở hết được tâm tình cho nhau thấu thì có phải đã hiểu nhau không. Dĩ nhiên là mình đã giận bạn một cách vô lí, nhưng lúc đó bạn cũng không phải với mình... cũng có lúc phải biết nhượng bộ chứ. Nhất là nhượng bộ bạn...

- Thế thì bạn đi mà nhượng bộ. Mình có cấm bạn đâu, - Valia cáu kỉnh nói.

- Thấy chưa, bạn thật là... Mình là đứa làm lành trước, thế mà bạn lại...

Trong giọng nói của Clara có sự hờn giận nên Valia cũng cảm thấy thiếu lịch sự đối với người bạn cũ. Dù sao thì Clara đối với cô vẫn còn tốt hơn tất cả những người khác.

Khoác lấy tay bạn cô nói:

- Đừng giận mình, Clara. Hôm nay mình đang bực mình, nhưng bạn thì không dính dáng gì đến đâu.

- Có chuyện gì thế?

- Thế hôm qua bạn không để ý là Catia nó trêu mình à? “Valia chú ý nhé!” - Cô nhại lại bí thư chi đoàn và liếc nhìn Clara. - Bạn không nghe thấy à? Lúc nói trong cuộc họp đó! - Cô nhắc.

- Mình không để ý...

- Bạn không để ý thì có tất cả mọi người để ý đến.

- Nhưng chỉ có những người đã hứa mới họp cơ mà...

- Ừ, thì sao? Thế còn nhấn mạnh làm gì! Nói thế là đủ rồi. Lại còn nhắc: “Valia nhớ đấy!” Làm như mình cần nó lắm ấy!

- Không. Bạn giận không đúng đâu. Catia đối với mọi người như nhau cả.

- Với tất cả? Phải không? Cả với bạn và mình nữa à? Nhầm rồi, Clara. Bạn cho rằng việc chúng mình trêu thầy Constantin Sergheevich họ để cho ta yên đấy?

Một ý nghĩ đến với Valia một cách đột ngột. “Hay là quay lại chơi thân với Clara? - Valia nghĩ - Chính nó chả van xin là gì? Lúc đó mình sẽ biết được tất cả những việc thảo luận ở các cuộc họp và bọn nó nghĩ gì về mình”… Nghĩ thế cô thấy vui hẳn lên và Valia nói tiếp với một giọng khác:

- Không phải lo. Họ còn nhắc cho ta nhớ đến chuyện đó. Để rồi xem! Họ nhắc cả bạn nữa.

- Tất cả các bạn đã quên chuyện ấy từ lâu rồi, - Clara trả lời một cách bình thản.

- Bạn nghĩ vậy à? Nhầm rồi! Bạn thật là ngây thơ Clara ạ. Catia rất hay nhớ dai và kín đáo. Tamara thì khinh mình ra mặt. Chính nó bảo với mình thế. Còn về Ania mình không nói cũng biết...

Clara nghe những điều đó và rất ngạc nhiên. Em hoàn toàn không ngờ là trong thời gian ngắn như vậy mà Valia đã kịp tích lại từng ấy sự căm ghét và bực bội đối với các bạn cùng lớp, những người không hề có lỗi gì với Valia cả. Nếu trước kia có những va chạm không đáng kể giữa Valia và các bạn, thì rất chóng quên đi. “Có điều gì xảy ra với nó thế nhỉ?” - Clara nghĩ ngợi. - Chính bạn ấy bướng, không chịu kí tên vào “Lời hứa,” thế mà bây giờ lại đổ lỗi cho mọi người. Nhưng Clara không nói ra những suy nghĩ đó của mình vì biết không thể làm cho Valia lay chuyển, còn cãi nhau với bạn thì cô không muốn. Clara chưa từ bỏ hi vọng sẽ nối lại tình bạn cũ.

Câu chuyện dừng lại ở đó và đôi bạn im lặng đi đến trường, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.