Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 17
LIDA VERSININA
Một làn ánh sáng dịu tỏa từ chiếc đèn bàn, soi sáng một vòng tròn nhỏ, nơi Lida để bút mực và sách vở. Còn phải làm mấy bài tập lượng giác nữa, nhưng Lida từ lâu đã ngồi im lặng, ngả lưng tựa vào thành ghế, mắt đăm đắm nhìn vào chiếc chụp đèn màu xanh. Trên đùi một bức thư để mở.
“Lida mình thật là tệ! Bắt đầu bức thư như vậy không khiến Lida ngạc nhiên chứ? Lương tâm của mình bắt đầu bị cắn rứt - thật quá muộn màng nhưng dù sao cũng còn hơn không bao giờ. Có đúng không?
Hôm qua mình lật lại những trang nhật kí, thấy có chiếc ảnh của Lida với dòng chữ nhỏ li ti như những hạt cườm: ‘Đừng quên người bạn của những ngày vui đã qua’ và mình thấy ngượng quá vì đến nay vẫn chưa viết cho Lida một lá thư nào. Đó là thời gian đẹp đẽ nhất của tuổi thơ và tiếc thay là nó không bao giờ trở lại nữa! Lida còn nhớ không chiếc ghế đá ở trong sân, nhớ những buổi đánh bóng chuyền và những tiếng cười không ngớt... Tất cả những cái đó sao gần gũi thân thương và đồng thời lại xa xôi đến thế.
Chắc Lida biết là mình đã thi đỗ và trường Đại học Điện rồi nhỉ. Đành phải suốt ngày chúi mũi vào các bản vẽ, ngoài ra làm công tác xã hội và chơi thể thao! Về công tác xã hội thì mình làm chủ nhiệm tờ báo tường của khối, còn thể thao - thì vẫn đánh bóng chuyền.
Mình vẫn liên hệ thư từ luôn với các bạn cũ: Vaxia, Andrei và Nicolai. Những năm tháng cùng ngồi ở ghế nhà trường đâu có dễ quên. Chúng mình còn gắn bó suốt cả đời.
Về Vaxia thì ngoài những con ếch, con chuột và thỏ ra, cậu ta không còn thích thú cái gì khác. Andrei thì bị sa lầy mà không tài nào thoát ra được (bãy lầy là tình yêu), hơn nữa cậu ta cũng không muốn bò ra khỏi bãi lầy đó (đúng là chả có luật lệ nào dành riêng cho những thằng ngốc cả). Còn Nicolai thì kiếm được một chiếc máy ảnh và suốt ngày chụp ảnh - chụp bất cứ cái gì lọt vào mắt cậu ấy.
Hình như lần đầu thế này cũng đủ rồi nhỉ. Mình rất muốn nhận được thư Lida và nếu được cả một tấm ảnh nữa. Chắc Lida đã khác xưa lắm rồi nhỉ?
Viết thư cho mình nhé, kể xem Lida sống ra sao? Thích những gì (Mình không dám hỏi - thích ai?)
Mình rất nóng lòng chờ đợi thư trả lời. Viết nhiều vào nhé.
Thôi tạm biệt.
MICA.
T. B. Mình xin lỗi vì viết vội quá. Viết trong giờ nghe giảng bài, giáo sư hơi làm phiền mình. Không biết đến bao giờ thì các ngài giáo sư mới hiểu được là các bài giảng của họ đã làm phiền không cho sinh viên thực hiện những việc hệ trọng!”
Lida nhận được bức thư cách đây hai tuần, nhưng đến nay vẫn chưa chịu khó trả lời. Không có thì giờ và cũng chẳng có tâm trạng nào. Lúc này, khi một nỗi buồn vô cớ len vào tâm hồn cô, cô mới lấy bức thư ra đọc lại và chợt muốn trao đổi với các bạn thời thơ ấu, nhưng bức thư không làm cô cảm động chút nào. Lẽ nào ba năm là một thời hạn dài như vậy? Lẽ nào thời gian có thể xóa nhòa trong trí nhớ tất cả những gì mà mới đây tưởng như còn gần gũi và êm ái? Sau khi đi tản cư về lại Leningrad, Lida ốm và học chậm hơn các bạn cùng lớp một năm. Bây giờ họ đã lên đại học, thế mà cô vẫn là học sinh phổ thông. Ở phòng bên, đồng hồ chậm rãi điểm mười giờ và đưa cô gái về với thực tại, cô ngổi thẳng dậy, uể oải vươn vai và cúi xuống bàn.
Bài tập lượng giác không khó lắm nhưng để làm được phải lấy hết nghị lực xua đuổi những ý nghĩa bâng quơ và tập trung tư tưởng...
Hôm nay trong cuộc họp đã nói nhiều về vấn đề đó. Ý chí! Không hiểu cô có cái đó không? Cô có thể làm ngược lại với tâm trạng của mình không, ngược lại với ý muốn của mình không? Có thể không làm được không? Và nếu như cô không biết cách thì phải học vậy. Không thể để một lần nữa phải trải qua cái cảm giác khó chịu như hôm nay được. Lần đầu tiên Lida rơi vào tình trạng buồn cười như thế. Thực ra thì không phải mình cô như vậy. Acxenova Tania cũng không thể trả lời được là hằng ngày sau giờ học ở trường ra, cô không biết mất đi đâu ba bốn tiếng đồng hồ. Nhưng Tania đã nhìn sự việc một cách hài hước và cười xòa cũng các bạn, còn Lida thì lại thấy xấu hổ. Đó là một cảm giác khó chịu kinh khủng! Đứng trước cả lớp với vẻ mặt đần độn ngơ ngác như có lỗi và lặng thinh - còn cái gì đáng sợ hơn nữa? Nhưng khó chịu nhất là trong cuộc họp lại có cả thầy Constantin Sergheevich dự nữa.
Thực tế không biết cô đã làm gì sau bảy giờ tối? Uống chè, không có lẽ cô ngồi uống nước chè cho đến mười giờ tối ư? Như vậy là việc mất đi đâu ba bốn tiếng đồng hồ vẫn là câu đố đối với cô.
Đối với nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên Komsomol giao cho, Larisa Trikhonova thực hiện nghiêm túc nhất. Cô ghi chép đầy đủ những gì cô đã làm sau khi về đến nhà cho đến lúc đi ngủ.
“Đến 4.30: Không làm gì cả. Từ 4.30 đến năm giờ: ăn cơm. Từ năm giờ đến 5.40: nói chuyện với bà. Từ 5.40 đến sáu giờ: thay quần áo dọn dẹp và rửa ráy mặt mũi. Từ 6.00 đến 7.30: có khách. Nói chuyện với khách. Từ 7.30 đến tám giờ: học bài. Từ 8.00 đến 9.40: nghe sân khấu truyền thanh trên đài. Từ 9.40 đến 10.30: học bài. Từ 10.30 đến 11.30: ăn tối và đi gọi điện hỏi về bài học. Từ 11.30 đến 12.40: học bài. Từ 12.40 đến 1.30: nằm xuống và thiếp đi”
Khi Tamara hỏi là Larisa đã nói chuyện những gì với bà từ 5.00 đến 5.40, cô trả lời một cách thành thật là đã nói về việc ai phải rửa bát sau khi ăn cơm. Cuộc họp đã vui vẻ chộp lấy sự giải trí bất ngờ và thế là bao nhiêu câu hỏi từ tứ phía dồn dập đến. Larisa tiếp tục trả lời các câu hỏi với khả năng có thể và các cô gái lại được dịp cười thoải mái. Catia không tài nào điều khiển được cuộc họp như vậy nếu không nhờ thầy Constantin Sergheevich can thiệp.
- Các em cười ai thế? Tự cười mình à?
Giọng nói quen thuộc đó đã lái cuộc họp sang hướng khác. Tất cả đều nhận thấy là họ đã cười chính bản thân họ. Bất cứ một cô gái nào đứng vào địa vị của Larisa đều không thể trả lời như cô, vì vậy mà có thể nêu cô làm gương. Các cô đều thấy rõ là họ đã phí thời gian vào các việc không đâu, đã sống không theo một nền nếp nào cả, khi học bài thường bị các câu chuyện trong gia đình, việc tán gẫu với bạn bè và tiếp khách bất ngờ đến quấy rầy... Bây giờ thì ai cũng thấy rõ là không thể tiếp tục sống như thế được. Cần phải có thời gian biểu thật nghiêm ngặt. Cuộc họp đã xoay chiều thật lí thú. Tưởng là sự có mặt của thấy Constantin Sergheevich sẽ làm các em rụt rè không dám phát biểu tự nhiên, không ngờ cuộc họp lại xẩy ra hoàn toàn trái ngược. Tất cả các em đã phát biểu một cách tự do, thoải mái, không có sự trách móc nặng lời và những cuộc cãi lí vô ích về những chuyện không đâu...
Giữa ông Sergei Ivanovich Versinin và con gái đã từ lâu có quan hệ thân thiết như bạn bè. Việc Lida đến phòng làm việc của ông để thăm ông hằng ngày vào buổi chiều đã biến thành thói quen không thể thiếu được đối với cả hai người. Bây giờ khi nghe thấy tiếng gõ cửa quen thuộc ông vội đặt tờ báo xuống và ngoảnh mặt ra phía cửa.
- Ba ơi, ba có bận không đấy?
- Vào đi con, Lida vào đi con!
Ông Sergei Ivanovich nheo đôi mắt cận thị lại chăm chú nhìn con một cách lo lắng. “Con bé có vẻ xanh thế. Hay là nó ốm rồi?” - Ông nghĩ vậy và cầm tay con gái áp vào má. Cảm giác được sự ấm áp quen thuộc từ bàn tay đó, ông mới thấy yên tâm.
Lida rất yêu và kính trọng bố. Cô tin chắc rằng ông là người thông minh nhất, tế nhị nhất, có học thức rộng nhất và có văn hóa nhất trong số tất cả những người mà cô biết. Cứ mỗi chiều đến thăm bố, Lida chuẩn bị sẵn một câu hỏi nào đó dù là câu hỏi không đáng kể. Không biết tại sao cô cứ nghĩ chỉ đến thăm không thôi, không có cớ gì thì hơi bất tiện. Và ngay lúc này đây, cô đang trong tình trạng khó xử. Cô rất muốn tâm sự cùng bố. Nói chuyện với bố một cách cởi mở, như với một người bạn nhưng cô lại không biết bắt đầu bằng cách nào.
- Con đã làm xong bài chưa?
- Chưa ba ạ, còn hai bài tập nữa.
- Năm nay con tha hồ vất vả nhé... không phải tự nhiên người ta cấp bằng tốt nghiệp lớp 10 cho đâu.
- Ba đừng dọa con nhé. Chúng nó còn làm khổ con vì cái “Lời hứa” đó. Nhất là Tamara, nó sẽ ra tay đấy. Nó được phân công kèm cặp con mà. Hôm nay ở lớp chúng con còn tranh luận với nhau “hạnh phúc ở đâu” nữa ba ạ. Theo ba thì người ta có thể tìm ra hạnh phúc ở đâu?
Ông Sergei Ivanovich chăm chú nhìn con gái để lựa lời trả lời con. Ông suy nghĩ một lúc rồi nói một cách tin tưởng:
- Lida, hạnh phúc chính ở trong lao động con ạ. Người ta rất vui sướng và hài lòng khi thấy công việc của mình đem lại lợi ích và niềm vui cho người khác.
Lida hơi thất vọng vì câu trả lời của bố, cô xoay sang chuyện khác.
- À ba ơi, ba cho con xem an - bom của ba với, con tìm thử xem có thầy Constantin Sergheevich không?
Cô gái không đợi bố trả lời, với lấy quyển an - bom lần lượt giở từng trang và đến bức ảnh thứ tư cô mới tìm thấy người thầy của mình.
- Thầy đây rồi.
- Đâu? Đây à? Xem nào, xem thử là ai nào. Đây là cậu “Costia[26] cao kều.” À, thế ra bây giờ cậu đang làm việc ở đây đấy.
[26] Costia là tên gọi thân mật của Constantin.
- Thầy ở đây trông buồn cười quá ba ạ.
- Đúng rồi... đúng thế... là một chàng trai vụng về, lóng ngóng nhưng rất được việc, ba có thể nói là thông minh nữa!... Thấy chưa con Lida, trong đời cũng có những vòng quay thế đấy. Lúc đó ba đâu có nghĩ là chàng trai này sẽ dạy và giáo dục con gái mình?... Thật lí thú! Được đấy... ba sẽ rất vui mừng được gặp anh ta.
- Ba viết cho thầy mấy chữ đi.
Ông Sergei Ivanovich xoay chiếc ghế tựa quay về phía bàn, đeo kính vào, lấy ra tờ giấy, phong bì, suy nghĩ một lúc rồi viết thư mời thầy Constantin Sergheevich đến nhà chơi.
- Nói chung là... mời thầy giáo đến không có công việc gì liệu có tiện không? Ông Sergei Ivanovich hỏi và đưa chiếc phong bì cho con gái.
- Sao lại không tiện ạ?
- Ba cũng chẳng biết nữa, con gái ạ... Giáo viên là những người hay nguyên tắc lắm.
- Nhưng thầy lại là học trò của ba cơ mà...
- Trong chừng mực nào đó là như thế thật. Lida gượm nào... hôm nay con có vẻ khác thế nào ấy. Con có điều gì lo lắng phải không?
- Có môn lượng giác... Con đi làm bài đây!
Về phòng Lida lại ngồi vào học bài. Sau khi nói chuyện với bố cô cảm thấy nỗi buồn biến đâu mất và thay vào đó là một tâm trạng ngược lại - phấn chấn và hơi bực tức. Trong những phút thế này cô muốn đạp đổ một cái gì đó, hoặc nói những lời gay gắt, xúc phạm người khác, hoặc “cho ra một tiết mục nào đó.” Chán một nỗi là bố cô không hiểu tâm trạng của con gái. Cô đợi chờ ở ông những lời nói khác thường và cô muốn nói chuyện với ông về tình yêu.
Tình yêu - đó là một tình cảm lớn lao nhất. Tình yêu mãnh liệt hơn cái chết. Tình yêu cai quản cả thế giới. Và tự nhiên... ai cũng cho rằng “hạnh phúc chỉ tìm thấy trong lao động.”
Dĩ nhiên là bố cô giống như tất cả các nhà giáo dục khác, thường trốn tránh những câu chuyện đứng đắn. Vì đến nay bố vẫn cho cô còn bé dại...
Lida cười khẩy...
Còn bé dại! Đến chủ nhật này cô đã tròn mười tám tuổi rồi! Các bạn sinh viên đã để mắt đến cô từ lâu. Những chàng trai mà cô có dịp làm quen, ban đầu ngượng ngùng đỏ mặt tía tai không biết nói gì với cô, liền sau đó đã vội cầu cạnh để được làm bạn với cô. Những bức thư, những chuông điện thoại liên hồi đã làm cho cô phát chán. Tuy trong bụng cô thấy thích sự theo đuổi đó nhưng bên ngoài cô luôn tỏ ra xa cách, lạnh lùng.
Lida mất mẹ từ hồi nhỏ. Có một bà họ hàng xa xa dạy nhạc cho Lida, theo lời đề nghị của cố cô, đã lĩnh trách nhiệm giáo dục con bé. Tuy bà sống trong gia đình đã lâu, nhưng dù cố gắng đến đâu bà cũng không thể thay thế mẹ đẻ cô được.
Nỗi buồn hôm nay không biết từ đâu đến đã lén lút xâm chiếm tâm hồn cô gái. Tự nhiên cô cảm thấy nghẹn ngào như muốn khóc.
“Mình làm sao thế này? Mình cần cái gì nhỉ? - Lida suy nghĩ - Thật sung sướng biết bao nếu chia sẻ được với một con người thông minh, tế nhị và có thể tin cậy, nói hết cho họ những điều đã tích lại từ lâu trong lòng...”