Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 18 - Phần 1

HẠNH PHÚC LÀ Ở ĐÂU?

Đưa mắt nhìn theo những chiếc lá cuốn ở trên mặt đường xào xạc, Constantin Sergheevich chậm rãi bước, trong óc thầm làm những đoạn văn tả cảnh dựa theo cá tính của từng em học sinh.

“Tháng mười đã bắt tay vào việc chuẩn bị. Nó rứt những chiếc lá vàng từ các cành cây đem phủ kín mặt đất, ủ ấm cho các vườn cỏ để có thể qua được mùa đông giá rét. Những thiếc lá rơi nhầm xuống mặt đường trải nhựa và anh chàng gió phải đuổi chúng dọc theo hè phố, nhưng không có cách nào lùa được chúng về vườn.”

Rất nhiều em học sinh có thể tả như vậy, thí dụ như Tania, Jenia, Ania.

“Những ngày cuối cùng cây cối khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy. Những chiếc lá thi nhau rời khỏi cành, run rẩy rơi xuống mặt đất. Lần cuối cùng anh chàng gió nô đùa với chúng.

Anh ta lật đi lật lại ngắm nghía màu sắc sặc sỡ của chúng và sau đó tóm lấy chúng, cuốn trên mặt đường nhựa. Những chiếc lá kêu xào xạc buồn bã vì phải chia tay với anh chàng gió tinh nghịch này.” Nina Sarina, Nadia, Nina Cosinscaia có thể tả như vậy. À thế còn Tamara sẽ tả thế nào đây?

“Ngọn gió tháng mười điên cuồng xé toang những bộ cánh giả tạo của cây cối. Màu sắc sặc sỡ của lá chỉ có thể lừa phỉnh những kẻ cả tin. Lá không cần gì cả - không cần mặt trời, không khí và cả mưa nữa. Chúng lìa khỏi cành một cách không thương tiếc và bình thản đặt lưng xuống mặt đất. Chúng đã chết.”

Constantin Sergheevich đến trường sớm nửa giờ. Bước vào lớp, anh thấy hầu hết các em đã có mặt, chỉ vắng Raia, Tania và Larisa. Nina Sarina đứng sau bàn giáo viên mặt đỏ bừng, đang thuyết phục các bạn một điều gì đó. Nhìn thấy thầy, em im bặt.

- Các em đang làm gì đấy? Họp à?

- Thưa thầy, không ạ. Chúng em tiếp tục cuộc tranh luận hôm qua.

- Vẫn là về việc ấy, - Tamara vừa nói vừa phẩy tay một cách thất vọng - về chức năng của người phụ nữ trong cuộc sống và hạnh phúc con người là ở đâu.

- Tôi có thể dự được không?

Các cô gái sung sướng vỗ tay thay vào câu trả lời. Constantin Sergheevich ngồi xuống một chỗ trống, đặt chiếc cặp trước mặt, nhìn các em một lượt và sẵn sàng nghe. Nhưng không biết sao Nina Sarina vẫn im lặng đứng đó.

- Nina Sarina, em đừng ngại, nói tiếp đi.

- Thưa thầy, em không ngại đâu ạ, nhưng em không có quyền tiếp tục vì hết giờ của em rồi.

- Không sao, cứ nói tiếp! - Tamara cho phép. - Nào ta tiếp tục đi!

Connstantin Sergheevich rất hài lòng vì thấy các em phân chia thời gian phát biểu cho từng người, và không ồn ào như mọi khi. Còn một điều nữa làm anh thấy thích thú là các em đã tự nguyện tiếp tục thảo luận những vấn đề đặt ra ở cuộc họp hôm qua. Nhưng hôm nay chủ đề thảo luận được đem ra phân tích ở khía cạnh hoàn toàn khác, nó gắn liền với một vấn đề nóng hổi nhất đối với các em hiện nay - là việc chọn lựa ngành nghề.

Nina Sarina bình tĩnh tiếp tục:

- Tôi xin dẫn ra đây một trường hợp. Có một cô gái thi đỗ vào trường đại học. Cô đã học bốn năm. Nhà nước phải chi tiền nuôi cô và hi vọng rằng sẽ có thêm một kĩ sư cho ngành công nghiệp, nhưng khi còn đang học cô đã vội vã đi lấy chồng, thế rồi sinh con đẻ cái ra... Và thế là hết.

- Cái đó thì bọn tôi biết rồi! - Tamara nói xen vào, nhưng cô đã kịp thời ngừng lại. - Nào khẽ chứ các bạn, đừng tranh cãi ầm lên. Nào, tiếp tục đi Nina!

- Hình như tôi đã nói hết rồi đấy. Dù các bạn có xoay xở thế nào đi nữa thì cũng không thể túm tóc mình mà tự kéo mình lên được.

- Xong rồi chứ? Thế thì về mà ôm lấy đống tã lót của bạn.

- Tiếp tục đến lượt ai nhỉ? - Tamara hỏi.

- Tôi xin phát biểu, - Nadia đề nghị.

- Không, phát biểu lần thứ hai không được. Lida, đến lượt bạn.

Lida chậm rãi bước đến bàn giáo viên và đưa tay sửa tóc thì Tania chạy bổ vào lớp và ngồi vào chỗ của mình, cạnh thầy Constantin Sergheevich.

- Thực tình mà nói tôi sợ trở nên buồn cười dưới con mắt của thầy Constantin Sergheevich, nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ nói thật tất cả những gì mà tôi nghĩ.

Điều kiện sống và sự giáo dục mà Lida tiếp thu trong gia đình đã để lại những dấu vết sâu sắc trong tính nết cô. Mỗi lần nhìn Lida, Constantin Sergheevich vô tình ngắm nghía những cử chỉ mềm mại, bình tĩnh của cô gái, lắng nghe những lời nói chín chắn, thận trọng của cô và anh ngạc nhiên khi thấy cô có khả năng tự kiềm chế như vậy. Không bao giờ lại thấy Lida bỗng dưng “nhảy chồm chồm” hoặc “hét tướng” lên, hay là thốt ra lời nào thiếu suy nghĩ.

- Chúng ta đọc những tác phẩm văn học cổ, - Lida bắt đầu, - và biết là người phụ nữ sinh ra để yêu. Tamara, bạn đang cười thế.

Bạn hiểu ý nghĩa của từ đó một cách quá ngây ngô và trong phạm vi hẹp. Chuyện đấy đâu có phải về bọn con trai, nói đúng hơn, không chỉ liên quan đến bọn con trai. Tình yêu - đó là một khái niệm rộng lớn. Tình yêu đối với Tổ quốc, đối với khoa học, nghệ thuật...

- Thế thì nói đến phụ nữ ở đây làm gì?

- Đừng cắt ngang thế! Tôi muốn nói là nếu chúng ta đặt câu hỏi hạnh phúc con người là ở đâu, thì phụ nữ cũng là con người như bạn đã biết đấy...

- Gà mái không phải là gà[27] - Nina Cosinscaia nói khẽ có ý châm chọc.

[27] Trong xã hội cũ ở nước Nga có câu tục ngữ: “gà mái không phải là gà, đàn bà không phải là người” tỏ ý coi khinh phụ nữ.

Câu nói thốt ra thật không đúng chỗ làm cho cả lớp phải ngoái cổ lại nhìn. Cô gái ngượng quá vội đưa tay ôm lấy mặt.

- Nếu các bạn đặt ra câu hỏi như vậy. - Lida nhắc lại, - thì tôi xin trả lời. Hạnh phúc trong tình yêu! Tôi cho rằng, đó là tình cảm lớn lao nhất, quan trọng nhất! Thử nghĩ mà xem... từ khi còn nhỏ ta yêu bố mẹ, sau đó yêu mái trường và thầy cô giáo, yêu thiên nhiên và rồi yêu con người...

- Thuộc phái mạnh, - Tamara lẩm bẩm.

- Sao bạn lại sợ cái từ đó thế! Đúng thế, đừng sợ và tự dối mình.

- Lida, đừng tranh luận với bạn ấy nữa. Đầu óc bạn ấy bị sắp xếp lộn ngược đấy mà. - Jenia Smirnova nói một cách bực dọc.

- Còn tôi, thì tôi cho rằng đó là sự vờ vĩnh bên ngoài thôi...

Làm tôi quên mất đang định nói gì rồi! - Lida suy nghĩ một lúc, ngẩng đầu lên và tiếp tục. - Tình yêu đối với mẹ... một tình yêu như vậy phải chăng không là hạnh phúc? - Đi vào đề thôi!

Lida hơi nheo mắt lại nhìn Tamara và vừa đi về chỗ vừa kết thúc.

- Nếu các bạn trả lời được câu hỏi hạnh phúc là ở đâu, thì tự nhiên khắc hiểu chức năng người phụ nữ ở chỗ nào?

Constantin Sergheevich rất muốn nghe ý kiến Svetlana, nhưng lại đến lượt Jenia. Cô vòng tay lên ngực và bắt đầu.

- Thật là buồn cười... Tôi nói thật với cả lớp là tôi sẽ không lấy chồng đâu. Để rồi xem! Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi tán thành với Tamara. Tôi cũng không đồng ý với cả Lida nữa. Bạn ấy không nói đúng những điều bạn ấy nghĩ. Tình yêu nào. Đối với cái gì và với ai? Thôi đi, Lida, bạn đừng hát những bài tình ca đó cho bọn mình nữa. Chúng mình biết bạn là người thế nào rồi... Bạn chẳng yêu ai cả đâu, ngoài bản thân mình ra. Cũng có thể hơi yêu bố. Mà cũng chẳng phải yêu, chỉ kính trọng thôi.

Constantin Sergheevich đưa mắt nhìn Lida Versinina. Anh không hiểu những gì Jenia vừa nói, những lời trách móc của cô và anh định nhìn nét mặt của Lida để đoán xem Jenia định nói gì.

Nhưng Lida vẫn bình thản vấn sợi chỉ trên đầu ngón tay, từ trên môi vẫn nở một nụ cười thờ ơ như thể câu chuyện kia không có liên quan gì đến cô vậy.

- Còn bạn Tamara bạn cũng phải biết xấu hổ chứ! - Jenia sôi nổi tiếp tục. Bạn định trở thành phóng viên. Mình tưởng tượng được ra là bạn sẽ viết những gì rồi! Mình sẽ là người đầu tiên không đọc bài của bạn! Mình không hiểu... Chúng ta định thảo luận với bọn con trai về việc chọn ngành nghề, thế mà mới thử đã thế Chúng ta lại chơi trò “ú tim” với mình thôi...

- Đề nghị đi vào trọng tâm, - Tamara lạnh lùng nhận xét.

- Sao? Không phải loanh quanh mà cứ nói toạc móng heo ra chứ gì[28]? Tôi cho rằng, cuộc thảo luận này chẳng đưa đến đâu. Giá gì chúng ta nói thật hết ý nghĩ của mình, chứ không phải đọc từ trong sách ra lúc đó may ra mới vỡ nhẽ!

[28] Người Nga có thành ngữ: “không đúng vào lông mày mà phải đúng vào chính mắt.”

- Tamara, em cho tôi có ý kiến, - thầy giáo đề nghị.

- Vâng, xin mời thầy ạ.

- Các em ạ, chỉ còn mấy phút nữa đã đến giờ học rồi. Rõ ràng là chúng ta không thể đi đến kết luận gì. Tôi đề nghị em nào muốn tiếp tục tham gia tranh luận thì sau giờ học chúng ta ở lại độ một tiếng đồng hồ...

- Thế thầy có ở lại không ạ? - Tamara hỏi.

- Nếu các em không phản đối, tôi cũng sẽ ở lại, - thầy giáo trả lời. - Chúng ta không bắt buộc ai cả, nhưng nếu em nào muốn và không bận, thì cứ ở lại.

Trong tất cả các giờ nghỉ ở lớp 10 các em vẫn tiếp tục tranh luận về hạnh phúc, chỉ riêng Svetnala cố tình lẩn tránh vấn đề này.

Không biết tại sao cô có cảm giác là tranh luận về hạnh phúc con người, về tình yêu và đem những trường hợp có thật trong cuộc sống riêng tư của mình ra kể như vậy là không tiện, không tế nhị chút nào. Làm sao mà cô có thể nói chuyện với Lida về tình yêu? Đúng là cô rất yêu mẹ, yêu anh Igor và em trai của cô và cô tìm thấy nguồn hạnh phúc lớn lao trong tình yêu đó, nhưng lẽ nào lại đem nói với mọi người về tình cảm riêng tư đó của mình, tình cảm mà không có thước nào đo được?

Khi chuông vào lớp giờ thứ sáu đã đánh và các giáo viên đã vào lớp, Constantin Sergheevich ngồi lại phòng giáo viên một mình.

Một lúc sau bác lao công Phenesca ngó vào phòng. Tuy đã có tuổi nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn, luôn tất bật và quan tâm đến một người. Bác biết tên tất cả các em học sinh và nắm vững hết mọi việc xảy ra trong trường. Bác Phenesca đã làm việc trong trường hơn bốn mươi năm. Nhiều người đã tốt nghiệp trường bây giờ dẫn con mình đến học, việc đầu tiên là họ tìm bác lao công để gửi gắm. Họ cảm động ôm lấy bác khóc và nhờ bác để mắt hộ đến em học trò mới này - đó là con gái họ mà có khi còn là cháu nội họ nữa. Bác Phenesca được bà hiệu trưởng đăc biệt tin cậy nói theo lời của bà trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna, thì Phenesca giữ vị trí một “tham mưu bí mật” của bà hiệu trưởng.

- Anh Constantin Sergheevich, bà Natalia Zakharovna gặp anh đấy, - bác Phenesca bảo thế, mà mặt bác nhăn lại dúm dó như một quả táo nướng.

- Bà ấy ở trong phòng có một mình thôi ạ? - Constantin Sergheevich vừa hỏi vừa bước ra khỏi phòng giáo viên.

- Không. Ở dưới đó còn có cả Sophia Borisovna. Cả hai người có vẻ bực bội, không hài lòng điều gì ấy. Nhưng anh đừng lo anh Constantin Sergheevich ạ. Bà hiệu trưởng ủng hộ anh đấy, mọi việc rồi sẽ qua thôi. Constantin Sergheevich ngạc nhiên nhìn bác và tuy là anh không để ý đến lời nói của bác, anh hiểu là bác có thiện cảm với anh.

Cảm tình của bác lao công Phenesca thường phụ thuộc vào các cô học sinh trong trường. Bác như miếng giấy thấm hút hết những lời bình luận của học sinh và trên cơ sở đó đánh giá các thầy cô giáo.

- Chị Natalia Zakharovna, chị cho gọi tôi ạ? - Constantin Sergheevich hỏi và bước vào phòng bà hiệu trưởng.

- Vâng. Mời anh ngồi xuống đây. Chị Sophia Borisovna có một số vấn đề cần hỏi anh... Tôi cho rằng những người cộng sản cần phải giáp mặt nhau và nói chuyện thẳng thắn với nhau.

- Nào tôi có từ chối việc đó đâu, - bí thư chi bộ nói khẽ.

- Thế thì nói thẳng với nhau đi.

Constantin Sergheevich ngồi xuống, đặt chiếc gậy vào giữa hai chân, chuẩn bị nghe. Bà Sophia Borisovna sang ngồi bên ghế đi văng, mở cặp lấy ra quyển vở ghi chép, sửa cặp kính to bằng sừng trên sống mũi và lật sổ tìm thấy được trang cần thiết. Bí thư chi bộ là một người đàn bà không còn trẻ, dáng người đẫy đà. Bà dạy môn lịch sử và hiến pháp Liên Xô. Tóc bà nhuộm màu hạt dẻ, dáng dấp đi đứng không được uyển chuyển nhẹ nhàng, màu da mặt và nhất là mũi bà luôn đỏ như người từ ngoài trời lạnh vào.

Bà Sophia Borisovna nói năng rõ ràng, nhưng không mạch lạc và có vẻ quan trọng.

- Anh Constantin Sergheevich ạ, - bà Sophia Borisovna bắt đầu nói, mắt vẫn không rời quyển sổ ghi chép, - trong tập thể giáo viên người ta bàn tán nhiều về cách giáo dục của anh nên tôi và chị Natalia Zakharovna muốn anh nói rõ cho biết...

- Không... đó là chị muốn biết rõ đấy chứ, chị Sophia Bonsovna. - bà hiệu trưởng lạnh lùng cắt ngang. - Tôi không có gì cần phải biết rõ cả. Tôi đã nói hết với chị rồi đấy.

- Vâng. Tôi sẽ không phiền đến chị.

Constantin Sergheevich đưa mắt nhìn bà hiệu trưởng. Bà Natalia Zakharovna ngồi ngay ngắn khác thường, trong tay bà luôn sẵn sàng chiếc kính. Bà cau đôi lông mày và mím chặt môi chứng tỏ là bà đang kiên nhẫn nghe câu chuyện...

- Thế này... - bà bí thư chi bộ quay về phía người thầy giáo và bắt đầu: - Tôi có ghi bảy câu hỏi và tôi muốn anh giải đáp hộ.

Câu thứ nhất. Người ta bảo là anh trốn tránh trách nhiệm giáo dục các em và giao lại cho ba cô học sinh làm. Có phải thế không?

- Không. Không phải như vậy, - Constantin Sergheevich bình tĩnh trả lời. - Tôi là giáo viên chủ nhiệm và tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc giáo dục các em ở lớp 10. Câu trả lời như vậy có làm chị hài lòng không?

- Nhưng làm sao để có được sự nhất quán giữa câu trả lời của anh và việc anh tuyên bố trước lớp là các em đã đủ lớn khôn rồi...

- Thế không đúng như vậy sao?

- Và anh... - Sophia Borisovna to giọng nói - cho rằng không cần phải giáo dục các em nữa?

- Lẽ nào tôi lại nói thế? Có lẽ đó là lỗi của người ghi tốc kí.

- Người ghi tốc kí nào? - Bà bí thư chi bộ ngơ ngác hỏi.

- Thế chị trích dẫn lời phát biểu của tôi từ nguồn nào vậy. - Đến lượt Constantin Sergheevich hỏi, nhưng anh nhìn thấy bà bí thư nheo mắt một cách cáu kỉnh, anh tiếp tục với một giọng thân mật: - Chị Sophia Borisovna ạ, người ta đã thông báo cho chị không chính xác rồi. Đúng là tôi có nói một điều gì đó tương tự như vậy, tương tự nhưng lại khác xa cơ. Chị muốn biết tôi đặt vấn đề như vậy làm gì phải không? Để ngay từ những ngày đầu, tránh sự phản kháng không cần thiết từ phía các em. Nếu như tôi tuyên bố với các em là tôi sẽ giáo dục các em, là các em hãy còn nhỏ, là tôi phải chịu trách nhiệm từng bước đi của các em, thì sẽ gây nên sự phản ứng ngầm ở các em và điều đó khó có thể khắc phục được. Như một nhà giáo giàu kinh nghiệm, chắc chị cũng hiểu được điều đó.

Bà Sophia Borisovna ghi điều gì đó vào sổ.

- Tôi sẽ tự kết luận sau, - bà nói. - Câu hỏi thứ hai... Nếu anh là giáo lên chủ nhiệm thì chắc anh có thể trả lời cả câu hỏi thứ hai: Cái tát! Giữa Ania và Valia có sự hiểu nhầm nhau thế nào đó và cuối cùng thì cô thứ nhất tát cho cô thứ hai một cái. Anh đã có biện pháp gì đối với trường hợp này?

- Việc đó xảy ra từ bao giờ? - Thế nghĩa là thế nào? Anh không biết gì về việc đó ư?

- Tôi chỉ nghe chị Marina Leopoldovna nói loáng thoáng thế, nhưng cụ thể thế nào không rõ. - Thế là anh cũng không có ý định tìm hiểu xem sao? - Để làm gì cơ?

- Sao lại để làm gì? Anh là thầy chủ nhiệm của chúng mà lại.

- Chị Sophia Borisovna, tôi rất lấy làm buồn vì hình như chúng ta hình dung vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở lớp 10 có khác nhau. Lớp gồm toàn các cô gái mười bảy tuổi và là đoàn viên Komsomol. Tôi cho rằng các em có thể tự giải quyết lấy việc đó tự tìm ra lối thoát đúng đắn. Dĩ nhiên là tôi sẽ can thiệp vào việc này nếu các em xin ý kiến tôi, còn tự ý mình thì tôi sẽ không can thiệp trong những trường hợp như vậy. Hơn nữa việc đó đã xảy ra khá lâu rồi. Còn câu hỏi thứ ba?

Câu nói cuối cùng của Constantin Sergheevich cho biết là anh đã trả lời xong. Bà bí thư lại đánh dấu vào sổ ghi chép và tiếp tục.

- Tamara vẽ biếm họa làm ảnh hưởng đến uy tín giáo viên, anh đã có biện pháp gì và người có lỗi đã bị xử lí như thế nào?

- Biện pháp - người thầy giáo nói với giọng giễu cợt. - Tôi có dùng biện pháp. Bức biếm họa vẽ rất tài và tôi đã xin làm kỉ niệm.

- Điều đó thì tôi có biết!

- Nếu như chị đã biết thì còn hỏi tôi để làm gì nữa?

- Tôi có biết nhưng không hiểu. Biện pháp như thế thì có vẻ giống một sự khuyến khích hơn là khiển trách.

- Chính là sự khuyến khích mà lại. Con bé thật có tài.