Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 18 - Phần 2

- Constantin Sergheevich, có lẽ chúng ta chẳng nên chơi cái trò bịt mắt đuổi bắt này nữa, - bà Sophia Borisovna bực bội ngắt lời anh - Tôi không có lòng dạ nào để đùa nữa. Cái giọng của một người thẩm phán vụng về mà bà Sophia Borisovna dùng để hỏi Constantin Selgheevich đã làm anh phát cáu, anh hít không khí vào đầy lồng ngực, định bụng sẽ nói một hơi tất cả những gì anh nghĩ về việc này, nhưng anh kịp kìm lại.

- Và tôi cũng không hề đùa - anh lạnh lùng nói. - Bức vẽ của Tamara chỉ động chạm đến tôi. Và chỉ riêng một mình tôi... Tôi không hề thấy có điều gì xúc phạm đến uy tín tôi cả. Bức biếm họa đó không dính dáng gì đến những giáo viên khác. Cả với chị nữa. Chị tiếp tục đi!

Sophia Borisovna cảm thấy Constantin Sergheevich khó chịu nên bà hỏi tiếp có vẻ thận trọng hơn:

- Câu hỏi thứ tư có liên quan đến tờ báo tường. Nghe nói anh cho các em bỏ tờ báo tường phải không?

- Ngược lại! Tờ báo tường sẽ ra hằng tuần nhưng gọi là bản tin.

- Gọi tên là “Vì cái đẹp?” - Bà Sophia Borisovna hỏi anh với một ngụ ý.

- Đó là gọi ngắn gọn... Bản tin gọi là “Chúng ta hãy học tập sao cho đẹp” - thầy giáo giải thích. - Có người cho rằng tên gọi như vậy có chứa đựng một cái gì đó có vẻ tiểu tư sản...

- Thế còn ý kiến anh thì sao?

- Tôi cho là thế nào thì sau này sẽ rõ!

Và một lần nữa Constantin Sergheevich phải dằn lòng nén giận.

- Có những vấn đề tôi từ chối thảo luận một khi chưa biết rõ quan điểm của người đang nói chuyện với mình, - anh nói đứt quãng, gần như theo lối nói quân sự, - và thêm vào đó là khi người nói chuyện với tôi lại có định kiến trước về vấn đề đó.

- Không, anh nhầm rồi. Tôi chỉ định làm cho sáng tỏ những điều chưa rõ thôi. Tôi không hề có định kiến nào cả. Tôi còn muốn hỏi anh thêm về “Lời hứa danh dự” nữa. Trong tập thể giáo viên có người cho rằng việc hứa hẹn này là điều không hợp với quy chế của Bộ ban hành về việc thi đua trong nhà trường, về những loại bảng danh dự và những điều tương tự. - Lời hứa là điều các em tự nguyện đề xuất đấy chứ...

Constantin Sergheevich vừa bắt đầu thì bà hiệu trưởng đã ngắt lời anh.

- Về bản “Lời hứa,” tôi và chị đã thỏa thuận rồi cơ mà, cho nên không động chạm đến nó nữa và đề nghị chị đừng nói người này người kia nói thế này thế nọ nữa. Họ muốn nói gì mà chẳng được...

- Được rồi, - Sophia Borisovna vội vàng tán thành - Hôm nay... - bà liếc mắt xem đồng hồ. - Đúng lúc này đây các em đang tiến hành một cuộc thảo luận về đề tài “hạnh phúc của người phụ nữ...”

- “Hạnh phúc của con người là ở đâu?” chứ! - Constantin Sergheevich chữa lại lời bà.

- Cứ cho là thế đi. Tôi muốn biết là tại sao tổ chức một buổi tọa đàm như vậy mà không có sự chuẩn bị, không phân công người báo cáo, không giới thiệu trước cho các em những tài liệu? Và... tại sao lại chọn đề tài đó để thảo luận?

Constantin Sergheevich rất ngạc nhiên khi thấy bà bí thư nắm vững mọi tình hình ở lớp anh như vậy. Anh cảm thấy khó chịu có cái cảm giác của một người trung thực khi bị người ta nghi ngờ là mình đang làm một điều gì ám muội.

- Tại sao lại chọn đề tài như vậy ư? Bởi vì đề tài đó làm các em quan tâm hơn cả. Bởi vì đề tài đó chứa đựng những gì quan trọng nhất. Còn tại sao không có người báo cáo, không có tài liệu trích dẫn? Tại vì, tôi muốn biết ý nghĩ độc đáo của các em, ý nghĩ thật lòng của các em, quan điểm của chính các em, chứ không phải những gì đó lấy trong sách ra. Những ý nghĩ của người khác, tự tôi tôi cũng biết được.

- Nhưng rồi bọn con gái ấy nó sẽ nói cho anh nghe những điều cũ rích vô nghĩa... Cũng đọc trong sách ra... như của Trarxcaia chẳng hạn.

- Cái đó còn để xem. Tôi không hiểu, cái gì đã làm chị hoảng sợ thế?

- Tôi không sợ mà tôi lo là chúng sẽ nói ra những ý nghĩ dại dột, có hại... - bà bí thư bắt đầu, nhưng Constantin Sergheevich ngắt lời bà: - Nói một cách khác là chị không tin vào công việc của các đồng chí của mình? Chị cho rằng trong quá trình mười năm, nhà trường không thể cung cấp cho các em những kiến thức vững chắc, không dạy nổi các em phân biệt được điều tốt, điều xấu, điều có lợi và có hại? Chị cho rằng những cô gái mười bảy tuổi không thể có quan điểm ư?

- Quan điểm thì nhất định là các cô ấy có, nhưng vấn đề là quan điểm như thế nào kia.

- Chị nói như thế nghĩa là thế nào? Những cô gái sinh trưởng và lớn lên trên đất nước Xô viết còn có thể có những quan điểm như thế nào nữa?

- Anh không hiểu đúng tôi, anh Constantin Sergheevich ạ. Tôi không muốn nói về quan điểm chính trị.

- Không... - người thầy ngắt lời bà bí thư. - Chúng ta hãy làm cho vấn đề sáng tỏ. Tôi không thể phân loại và xếp vào các ngăn tất cả những quan điểm... Đã thảo luận là thảo luận. Chúng ta cần quan tâm làm sao cho học sinh của chúng ta biết độc lập suy nghĩ. Có đúng thế không? Hay chị cho rằng cần phải làm khác? Cứ mặc cho các em muốn suy nghĩ thế nào cũng được, thậm chí nghĩ sai, miễn là nói ra những điều đúng đắn? Như vậy ư?

Anh ngừng nói, và khi thấy bà Sophia Borisovna định trả lời câu hỏi của anh, anh đưa mắt nhìn bà hiệu trưởng.

- Có phải như vậy không, chị Natalia Zakharovna?

- Rất đáng tiếc là có cơ sở để đưa đến những kết luận như vậy, - bà hiệu trưởng tán thành.

Bà Sophia Borisovna cau có nhìn cả hai người và lại ghi gì đó vào sổ:

- Và câu hỏi cuối cùng, - bà thở dài nói tiếp: - Việc cô lập Valia. Tôi hi vọng, anh là giáo viên chủ nhiệm chắc anh biết điều đó?

Chỉ đến bây giờ Constantin Sergheevich mới vỡ lẽ, từ đâu mà bà bí thư lại biết hết những điều trên. Nguồn tin là Valia!

- Chị nói về việc cô lập nào cơ? - Người thầy nói không giấu nổi vẻ bực tức. - Valia không kí vào bản “Lời hứa” và chính vì vậy mà đã tự đối lập mình với cả tập thể.

- Đó là em học sinh giỏi nhất của chúng ta, - bà bí thư phản đối.

- Càng đáng buồn cho chúng ta. Theo nhận xét của tôi, đó là cô học trò được nuông chiều quá mức, ích kỉ, khác tính khác nết và rất tự phụ... Các em đã đề ra cho cả lớp một nhiệm vụ tốt, các em tăng cường đòi hỏi ở bản thân, và hiện nay đang bắt đầu một cuộc đấu tranh... Trong đấu tranh, tập thể sẽ được xây dựng và phát triển. Valia đã đối lập mình với tập thể và dĩ nhiên là sẽ bị tập thể là bẻ gãy. “Lời hứa” đã đưa lại kết quả. Tình hình học tập của các em đã tốt hơn trước. Dĩ nhiên, đó mới là những ngày đầu, nhưng nhiệm vụ của tôi chính là ở chỗ làm sao cho cuộc đấu tranh đó không bị yếu đi. Kết quả học tập cần phải được nâng lên đến mức cao nhất có thể, và tiến hành công tác giáo dục gắn liền với học tập, nói đúng hơn, là chung quanh việc học tập.

- Đồng chí Constantin Sergheevich, lẽ nào đồng chí không hiểu rằng nhà trường không phải là nơi để tiến hành những thực nghiệm vô trách nhiệm như vậy ư? Đồng chí có thể cho tôi biết văn kiện nào của Đảng, hoặc có quy chế nào của Bộ cho phép giáo viên có những biện pháp đối xử với học sinh như vậy không? Tôi khẳng định rằng những phương pháp như vậy xa lạ với nhà trường Xô viết. Phải có biện pháp ngay lập tức...

Constantin Sergheevich không thể tự kiềm chế được nữa, trả lời một cách gay gắt:

- Vâng, tôi sẽ có biện pháp, chị Sophia Borisovna ạ, nhưng những biện pháp đó sẽ không phải là những biện pháp chị muốn. Tôi chịu trách nhiệm về lớp học tôi phụ trách nhưng không phải trước cá nhân chị, mà là trước Đảng, trước nhà nước. Cứ cho rằng tôi có cách giáo dục riêng của tôi. Chị không thích cách đó ư? Ở chỗ nào? Chị không đồng ý ư? Tại sao? Chị tìm thấy những sai lầm à? Sai lầm gì? Chị nói cho rõ và lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện với nhau. Đối với tôi, thí dụ như buổi nói chuyện hôm nay chẳng hạn tôi không ưa một tí nào, chị Sophia Borisovna kính mến ạ, và tôi đã phải khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh để nghe chị đến cùng. Chị nói chuyện với ai vậy? Chị nói về những điều gì vậy? Chị lấy ở đâu ra lắm điều bịa đặt thế? Vì dù muốn hay không muốn, chị là cán bộ lãnh đạo của Đảng chứ không phải là người chuyên đi thu thập những chuyện phiếm ở cái trường này. Ai cho chị cái quyền nói chuyện với giáo viên như vậy? Quan tòa cũng không nói chuyện với những tên lưu manh bắt được như vậy... Sau khi tham gia chiến đấu ngoài mặt trận tôi đã về mái trường thân yêu của tôi...

- Bây giờ ở trường đã có những phương hướng mới rồi, anh Constantin Sergheevich ạ - Sophia Borisovna đã kịp xen vào trong khi anh đứng dậy.

- Không có phương hướng nào mới cả và không thể có, đồng chí bí thư ạ. Ta chỉ có một phương hướng thôi. Phương hướng đó do đồng chí Lenin vạch ra và được thể hiện trong toàn bộ cương lĩnh của Đảng, từ khi mà cả tôi lẫn chị còn mới học đánh vần kia. Chúng ta có nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ những người tích cực xây dựng chủ nghĩa cộng sản! Đó, tất cả phương hướng của chúng ta là ở đó!

- Sao anh lại nổi nóng lên thế, anh Constantin Sergheevich? - Sophia Borisovna nói với vẻ làm lành.

- Tôi không hề nổi nóng. Tôi chỉ muốn tuyên bố với chị rằng, nếu chị còn muốn làm việc với tôi thì chị bỏ cái lối đóng vai lãnh đạo ấy đi. Vừa đúng lúc đó cửa mở, bác lao công Phenesca nhìn vào phòng trịnh trọng nói:

- Chị Sophia Borisovna, có đồng chí trên quận uỷ đang chờ chị ở phòng giáo viên... Vẫn là đồng chí hay đến đây đấy.

- Vâng, vâng... tôi đến ngay bây giờ! - Bà bí thư trả lời và nhìn bà hiệu trưởng một cách thăm dò.

- Làm thế nào được, chị cứ đi đi... chúng tôi còn nói chuyện nói nhau một lúc nữa. - Natalia Zakharovna trả lời.

Sophia Borisovna vội vàng nhét quyển sổ ghi chép vào cặp, không chào ai cả, ra khỏi phòng. Constantin Sergheevich nhìn bà hiệu trưởng với vẻ tò mò không cần giấu giếm.

- Không sao... Tôi rất mừng vì anh và chị ấy đã nói chuyện thẳng thắn với nhau, - bà cười nói. - Sophia Borisovna thường thích dùng cái giọng kẻ cả như vậy, nói thật với anh là tôi cố tình làm thinh, không can thiệp vào câu chuyện của hai người. Nhưng nhẽ ra anh không nên nổi nóng như vậy...

- Chị ta lượm lặt đâu ra mà lắm lời bịa đặt vậy, làm tôi không tài nào giữ được bình tĩnh, chị Natalia Zakharovna ạ. Không biết từ đâu ra thế?

- Sao anh lại phải ngạc nhiên? Anh là người mới đến, lại sắp đặt ở lớp mình những “trật tự” khác mọi người; vì thế mà họ “cạo” cho anh một mẻ đấy thôi, - bà hiệu trưởng giải thích nửa đùa nửa thật như vậy. Tôi cũng chẳng giấu gì anh, chính phong cách giáo dục của anh cũng làm tôi chú ý đấy. Tôi cũng muốn được hiểu một cách ngành ngọn cách giáo dục đó, như người ta nói, mấu chốt của nó, hạt nhân của nó...

- Tôi là người theo học thuyết giáo dục của Macarenco, chị Natalia Zakharovna ạ, - người thầy giáo trả lời một cách nghiêm túc. - Tôi cho rằng Anton Xemionovich Macarenco dựa trên cơ sở triết học Mác-xít đã đặt nền móng cho nền giáo dục học Xô viết, và giúp chúng ta, những nhà giáo dục, quét sạch rác rưởi cho nền giáo dục tư sản ra khỏi con đường của chúng ta đi...

- Thì chúng tôi cũng có phản đối Macarenco đâu. Tại sao anh lại cười mỉa mai thế? Chỉ vì anh đã tách rời thực tế thôi. Cả trong những quy chế Bộ gửi về cũng có thể thấy những đoạn trích dẫn Macarenco cơ mà. Viện khoa học giáo dục cũng đang nghiên cứu kinh nghiệm của ông. - Trên lời nói... một cách máy móc, - Constantin Sergheevich phản đối. Macarenco được chúng ta hiểu theo nhiều kiểu khác nhau: trên thực tế thì người ta xử lí hoàn toàn ngược lại. Thử lấy chị Sophia Borisovna làm thí dụ. Chị ấy là một đại diện điển hình của nền giáo dục tư sản. Tất cả những câu hỏi của chị ấy chứng minh điều đó?

- Thế sao? Sao lại là tư sản? - Bà Natalia Zakharovna hốt hoảng hỏi lại bằng một giọng lạc hẳn đi, như không phải giọng của bà vậy. Theo tôi, những câu hỏi của chị Sophia Borisovna chứng minh một điều là chị ấy hết lòng lo lắng đến công việc...

Constantin Sergheevich đưa mắt nhìn bà hiệu trưởng và anh hiểu ra rằng bà không hề hiểu gì những điều anh vừa tranh luận với bà bí thư, bởi lẽ rõ ràng là bản thân bà cũng hiểu những nguyên tắc giáo dục của Macarenco một cách mơ hồ. Làm thế nào bây giờ? Tiếp tục tranh luận và bảo vệ những tư tưởng mình làm theo, một khi người đang tranh luận với ta có một khái niệm hời hợt và mơ hồ về vấn đề đang tranh luận, thì thật là vô ích.

- Chị nói phải, chị Sophia Borisovna hết lòng lo lắng vì công việc, - người thầy tán thành. - Nhưng những câu hỏi chị ấy đặt ra chứng tỏ là chị ấy còn rất xa lạ với Macarenco.

- Và vì thế mà là đại diện của nền giáo dục tư sản? - Bà hiệu trưởng nói với một giọng giận dỗi, cố nhấn mạnh từ “tư sản.”

- Nhưng tại sao chị cho rằng không thể như vậy hả chị Natalia Zakharovna? - Anh nhẹ nhàng hỏi. - Từ “tư sản” đã làm chị hoảng sợ ư? Nhưng chúng ta nào có sợ nói đến những tàn dư của chế độ tư bản? Tàn dư của chế độ tư bản là gì nếu không phải là tư sản? Nào, ta hãy phân tích đến nơi đến chốn xem sao. Chúng ta kế thừa ở chế độ tư bản những nền khoa học phát triển, trong số đó có cả giáo dục học. Có lẽ không cần nói với chị rằng, tất cả những khoa học đó đều phục vụ nhu cầu của xã hội tư sản và chúng ta phải đưa vào một số lĩnh vực khoa học những sửa đổi cơ bản. Chị nhớ lại xem, hồi đầu thế kỉ 20, trong nền giáo dục tư sản có biết bao trào lưu khuynh hướng khác nhau đã từng đấu tranh với nhau?

Constantin Sergheevich nói và khi nhìn thấy bà Natalia Zakharovna chăm chú nghe, anh tiếp tục:

- Trên nền của nhà trường công cộng cũ. Một số khuynh hướng trong số đó tỏ ra cách mạng. Nó bám rễ vào nhận thức, vào thực tế giảng dạy của giáo viên chúng ta và bằng cách ấy chuyển sang nhà trường Xô viết. Không phải dễ gì mà từ bỏ những phương pháp giáo dục quen thuộc đó? Theo tôi nghĩ, trong từ “nền giáo dục tư sản” không có gì là xúc phạm đối với chị Sophia Borisovna cả... Nhưng nếu chị không thích từ đó, chị cảm thấy khó chịu, thì ta không dùng nó nữa vậy... Macarenco có một cách nói rất phù hợp là giáo dục “tay đôi.” Đó là định nghĩa rất chính xác quá trình giáo dục của nền giáo dục tư sản. Việc giáo dục các em được phó thác vào tay những ông giám thị, những bà quý phái, những người chuyên lên lớp dạy đời và từng người trong bọn họ tha hồ mà tác động đến những em bé được họ bảo trợ theo ý thích của họ: thuyết phục, dạy dỗ, vạch mặt, sỉ nhục, bất cứ lúc nào cũng có thể thuyết lí dài dòng về đạo đức, bảo trợ hoặc đơn giản là chỉ ra lệnh, bắt buộc. Tóm lại là ta có một đôi thầy giáo và học sinh. Nhân cách của người giáo dục và người chịu sự giáo dục gặp nhau và giữa họ đương nhiên xuất hiện cuộc chiến đấu tay đôi. Lẽ nào mỗi lần chị gọi vào phòng một em học sinh, khiển trách em một điều gì đó mà không cảm thấy sự phản ứng ngầm từ phía em?

Bây giờ bà Natalia Zakharovna mới hiểu vấn đề là ở đâu, bà nói một cách tự tin hơn:

- Tất cả những điều đó cũng khá thuyết phục, nhưng anh mới nói về hình thức bên ngoài... Mà chị Sophia Borisovna lại lồng vào đó một nội dung khác kia.

- Dĩ nhiên, đó chỉ là hình thức giáo dục. Thế còn kết quả thì sao?

- Và kết quả cũng sẽ phải khác.

- Chị cho rằng, nếu chúng ta lồng vào những hình thức cũ một nội dung mới thì nhất định vì thế mà kết quả sẽ khác đi ư? Còn tôi, tôi không nghĩ rằng chỉ bằng những bài thuyết giáo về đạo lí có thể giáo dục cho các em có tính cách của con người Xô viết, của một người cộng sản.

- Chúng ta cho những khái niệm... các em sẽ hiểu.

- Hiểu thì chắc chắn là các em hiểu rồi, nhưng liệu các em có tin tưởng vào điều đó không hoặc có rèn luyện không - đó lại là một vấn đề khác. Chị cứ suy nghĩ xem và chị sẽ hiểu là một nội dung mới đòi hỏi phải có hình thức mới. Những mục đích mới của việc giáo dục bắt buộc chúng ta phải xem lại tất cả các cơ sở. Chính Lenin đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng cách cải tiến một cách cơ bản quá trình học tập, tổ chức và giáo dục thanh niên, mới có thể đạt được mục đích là làm sao cho thế hệ trẻ sẽ xây dựng một xã hội không giống xã hội cũ, nghĩa là xã hội cộng sản. Theo chị thì khi Lenin nói về việc cải cách cơ bản việc giáo dục, người chỉ có ý nói đến nội dung thôi và không quan tâm đến hình thức ư?

Bà Natalia Zakharovna trở nên đăm chiêu. Những lời của Constantin Sergheevich chứng tỏ cho ta thấy rằng, những gì anh vừa nói đều đã được suy nghĩ kĩ và không phải chỉ một lần. Sau một lúc suy nghĩ bà nói:

- Câu chuyện của chúng ta trở nên quan trọng hơn tôi tưởng nhiều. Và tôi rất mừng khi nhận thấy điều đó. Chính bản thân tôi cũng muốn biết rõ... Có một vấn đề đã từ lâu làm tôi băn khoăn... Trong thực tế chúng ta vẫn thường lo lắng làm sao cho học sinh của chúng ta có được kiến thức, nói lên được những suy nghĩ đúng đắn, thế còn các em nghĩ gì, hành động như thế nào ngoài phạm vi nhà trường, chúng ta thường biết rất ít và hầu như không làm gì để có thể biết nhiều hơn. Như tôi chẳng hạn, tôi bận bù đầu vì những công việc hành chính, quản trị đến nỗi không còn một chút thì giơ nào để làm công tác giáo dục cả. Quan tâm duy nhất của tôi - là kỉ luật. Kỉ luật và kết quả học tập.

- Chị Natalia Zakharovna ạ, tôi sợ rằng chúng ta lại hiểu về kỉ luật không giống nhau, - Constantin Sergheevich nói, nhưng biết lỡ lời, anh vội thêm: - Với chị Sophia Borisovna đấy. Chị ấy cho kỉ luật là phương tiện giáo dục. Bằng cách ra lệnh bắt buộc, khiển trách, động viên, chị ấy đã không cho tính cách của các em phát triển, đã dập tắt những sáng kiến, những nguyện vọng và ý chí của các em và đã đạt được sự ngoan ngoãn và đồng thời là sự bình an bên ngoài. Đúng thế không?

- Nào, thì cứ cho là như vậy đi.

- Mà sự bình an bên ngoài - đó là... nói với chị như thế nào nhỉ... Giữa những người cộng sản có những người đang thật sự xây dựng chủ nghĩa cộng sản, nhưng cũng có những người chỉ làm ra vẻ đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản thôi. Chính họ là những người chỉ cần đạt được sự bình yên bên ngoài...

- Tôi không phản đối... Nào, thế còn quan điểm về kỉ luật của anh?

- Tôi cho rằng cần phải coi kỉ luật là một hiện tượng thuộc phạm vi đạo đức và mang ý nghĩa chính. Một khi ở trường học cả quá trình giáo dục được tổ chức một cách đúng đắn thì những hành vi của các học sinh vô kỉ luật được coi như hiện tượng chống tập thể, vô đạo đức, đi ngược lại với quyền lợi chung của tập thể. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào để những hành động sai trái của những học sinh vô kỉ luật được đưa ra toàn tập thể bàn luận chứ không phải chỉ có giáo viên mới được bàn đến.

Bà Natalia Zakharovna nói với vẻ trầm tư:

- Cũng được... điều đó thì không cần phải phản đối nữa. Chúng ta đang cố gắng để thực hiện điều đó.

- Chỉ bằng những phương tiện như thế này thì nhiệm vụ đó sẽ không bao giờ thực hiện được cả.

- Không sao lại thế... tôi hiểu là cuối cùng mọi việc đều dẫn đến kết quả là phải giáo dục thông qua tập thể và vì tập thể, nhưng lúc đó thì vai trò của người giáo dục trong tập thể như thế nào?

Anh không quên vai trò của bản thân thầy giáo đấy chứ?

- Ngược lại. Tấm gương của chính thầy giáo rất quan trọng. Thầy giáo - đó là nhân tố cơ bản và quyết định. Nghệ thuật của người thầy giáo Xô viết là làm thế nào cho các em nhận thấy ở họ không phải là người thanh tra, là người nắm quyền mà là người đồng chí lớn tuổi hơn, dày dạn kinh nghiệm, một người lãnh đạo hiểu biết. Và giáo dục các em chớ nên tách rời chúng khỏi thực tế khách quan sinh động. Chúng ta chuẩn bị các em cho tương lai, nhưng lại quên mất rằng các em đang sống, đấu tranh và có những sở thích của các em...

- Vâng, vâng... tôi hiểu, tôi hiểu... - bà hiệu trưởng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tay mân mê chiếc kính. Tất cả đều rất đúng. Chỉ cần nắm tay trẻ dắt khi nó chưa biết đi. Còn sau đó cứ để cho nó tự chạy lấy. Anh định nói điều đó chứ gì.

- Vâng, chính thế! Nhất là ở các lớp lớn.

- Nhưng nếu để cho chúng tự mình... Nói thật với anh, anh Constantin Sergheevich ạ, tôi lại sợ là kỉ luật không đứng vững mất! Anh xem ở những trường nam các em đã làm những gì? Càng ngày càng tồi hơn...

- Điều đó xảy ra chính vì ở những trường đó không xây dựng được các tập thể trẻ em tốt. Nói lên nguyện vọng, thảo luận, đồng ý với nhau, nhưng làm việc thì vẫn theo phương pháp cũ. Sức mạnh của tập thể trẻ em - đó là sức mạnh vĩ đại, chị Natalia Zakharovna ạ!

Hồi chuông vang lên sau cửa, bà hiệu trưởng nhìn đồng hồ, đặt chiếc kính sang một bên. - Anh có cuộc tọa đàm bây giờ phải không - bà cười và nhắc Constantin Sergheevich - không có người báo cáo và đề cương tóm tắt!... Cứ thế... Tôi sẽ rất vui mừng nếu việc thí nghiệm của anh dẫn đến kết quả tốt.

- Đây không phải việc thí nghiệm, chị Natalia Zakharovna ạ.

- Có một số giáo viên cho đó là thí nghiệm. Nhưng anh đừng để ý đến việc đó nhé... cứ mặc họ nói! Còn ở tôi thì anh sẽ luôn luôn tìm thấy sự ủng hộ, dĩ nhiên, là nếu điều đó không vượt quá phạm vi cho phép.

- Không có những phạm vi đó đâu chị Natalia Zakharovna ạ. Nó chỉ có trong sự tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Không ai có thể cấm chúng ta làm việc tốt hơn chị ạ.