Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 19

CUỘC THẢO LUẬN

Jenia nhìn thấy trước là cuộc thảo luận sẽ kéo dài, em bèn có biện pháp đối phó. Cô Vaxivia Antonnovna vừa ra khỏi cửa Jenia chạy lên bàn giáo viên và nói to:

- Các bạn ơi, chú ý này! Ai có tiền?

- Có cần nhiều không? - Nina Sarina hỏi.

- Khoảng mười lăm - hai mươi rúp[29]. Số tiền như vậy rõ là không em nào có cả, nhưng nhiều em móc từ trong ví ra những đồng một rúp và những đồng ba rúp.

[29] Đồng rúp cũ bằng 1/10 đồng rúp hiện nay.

- Chúng ta sẽ thu được! Nào đưa lại đây! Đưa hết lại đây! Đừng có mà keo kiệt đối với việc chung nhé.

- Nhưng để làm gì cơ chứ? - Nina Sarina vừa hỏi vừa chuyển tờ giấy ba rúp nhàu nát cho Jenia.

Jenia giải thích:

- Tổ chức “bữa ăn tập thể.” Chúng ta sẽ ăn bánh. Nina, hôm nay bạn trực nhật. Nhiệm vụ cuối cùng nhé. Bạn ra cửa hàng bánh mì mua mấy chiếc bánh mì bán theo giá tự do nhé. Chỉ cần bánh mì đen thôi, nhanh lên.

- Phải bánh nóng đấy?

- Có vỏ giòn đấy!

- Nina, bạn phải nhanh lên kẻo không kịp đấy! Các cô gái nghĩ rằng sau chuông cho các lớp học buổi chiều thầy Constantin Sergheevich mới đến, vì vậy mà họ còn những mười lăm phút nữa. Cử Nina Sarina đi mua bánh mì xong, Jenia đi tìm Svetlana vì không thấy mặt bạn trong lớp. Cô tìm thấy Svetlana ở chỗ gửi áo khoác và đã mặc xong áo.

- Svetlana, bạn đi đâu đấy?

- Mình đi về.

- Bạn làm sao thế, điên à? Thế còn cuộc thảo luận thì sao?

- Mình không thể ở lại được, Jenia ạ. Thầy Constantin Sergheevich bảo đây là tự nguyện cơ mà.

- Bạn ở nhà có việc gì nào? Hôm nay là thứ Bảy.

- Lại càng phải về. Bao nhiêu là việc, tối anh Igor về.

Jenia có cảm giác là có điều gì đó và thuyết phục Svetlana cũng chỉ vô ích thôi. Bạn ấy không bao giờ làm bộ, và nếu đã quyết định đi về thì nghĩa là có lí do chính đáng. Jenia kéo dài giọng một cách không hài lòng:

- Ừ, hóa ra bạn như thế đấy!

- Bạn kể cho mình nghe với nhé. Được không? Đến nhà mình muộn một tí, - Svetlana mời bạn và chia tay.

Ra khỏi phố, Svetlana bước về nhà, cố gắng không nghĩ đến trường học, đến cô bạn thân ở lại trường, đến buổi tranh luận. Cô chẳng có lí do đặc biệt nào và cũng chẳng có công việc gì đợi ở nhà cả. Chẳng qua cô lẩn trốn không muốn tham gia thảo luận, tuy rất muốn được nghe xem thầy Constantin Sergheevich phát biểu thế nào về hạnh phúc. Cô cũng không hiểu thật rõ ràng tâm trạng tình lúc đó nữa, - không biết tại sao cả ngày hôm nay cô thấy bực mình và nhất định không chịu tham gia thảo luận quan niệm về hạnh phúc. “Hay là quay lại vậy? - Cô nghĩ - Không. Nếu đã quyết định thì coi là xong! Thật không tiện tí nào đối với Jenia!

Các cô gái đón Nina Sarina một cách ầm ĩ khi em còn đang thở hổn hển vì đi quá nhanh và mới về đến hành lang.

- Hoan hô! Chúng ta thoát chết đói rồi!...

Hai ổ bánh mì chia cho mười bốn người rõ ràng là hơi ít. Khi hỏi xem có ai không muốn ăn không thì chăng có ai từ chối cả. Thế là đành phải chia. Không tìm thấy được con dao nào thích hợp, đành phải bẻ bằng tay vậy. Những phần không được đều lắm có kèm những miếng thêm nhỏ. Tất cả đều muốn mẩu đầu có vỏ giòn.

Jenia ra lệnh:

- Không ai được động đến đây! Nina, bạn phải đi mua bánh cho lựa chọn bất cứ phần nào. Chọn đi. Bây giờ thì quay lưng lại.

- Jenia đặt tay lên một trong những phần bánh - Phần này cho ai?

Nói ngay.

- Catia. - Nina nghĩ và trả lời.

- Này. Catia nhận lấy. Còn phần này?

- Phần này, nào cho ai nhỉ... - Nina cố tình kéo dài. - Thế đó có phải đầu bánh không?

- Thôi đừng vờ vĩnh nữa! - Jenia nổi cáu - Nói nhanh lên.

- Larisa.

Cứ thế các phần được chia hết cho các cô gái và không ai kêu ca là không công bằng cả. Chỉ có Valia trong bụng rất giận vì Nina gọi tên cô ta sau cùng. Mà cũng chẳng phải là gọi, khi chỉ còn một phần bánh. Jenia bèn đưa cho cô và lạnh lùng nói:

- Hết rồi! Đây là phần của bạn.

Valia định từ chối trước mặt mọi người nhưng lại nghĩ lại. Vừa muốn ăn, với lại việc từ chối như vậy cũng chẳng chứng minh được điều gì.

Khi những lớp buổi chiều bắt đầu học thì thầy Constantin Sergheevich bước vào lớp. Các cô gái đứng dậy. Muốn nhấn mạnh đây không phải là giờ học và mình cũng là một thành viên của tập thể như tất cả các em học sinh, thầy giáo đứng vào một cái bàn học sinh bỏ trống và sau một phút ngập ngừng, trong tiếng cười của cả lớp, thầy nói:

- Chúng ta ngồi xuống thôi chứ... Ai sẽ hướng dẫn buổi thảo luận của chúng ta đây? - Thầy hỏi khi tất cả đã ngồi xuống. - Catia Ivanova nhé!

- Đúng rồi ạ! Catia!

Catia bước đến cạnh bàn giáo viên, dáng ngượng ngập. Em cứ tưởng thầy giáo sẽ hướng dẫn cuộc họp nên không chuẩn bị trước.

- Thưa thầy, thầy đã ăn trưa chưa ạ? - Jenia kêu lên.

- Tôi sắp ăn.

- Thầy ăn với chúng em một miếng bánh mì vậy nhé? - Cô vừa cười vừa bẻ một nửa phần bánh của mình mời thầy giáo.

Constantin Sergheevich cầm lấy mẩu bánh, vui vẻ nhìn các cô học sinh của anh đang ăn và bước đến cạnh cửa sổ. Tâm trạng nặng nề sau buổi nói chuyện ở phòng bà hiệu trưởng đã biến mất khi anh đặt chân vào lớp.

Catia hỏi:

- Bắt đầu được chưa ạ? Còn việc quy định thời gian phát biểu và nói chung...

- Cho tôi đề nghị được không, - thầy giáo nói. - Theo tôi nghĩ, chúng ta nên làm thế nào. Từng người trong chúng ta sẽ lần lượt trả lời một cách ngắn gọn câu hỏi: Hạnh phúc là ở đâu? Tôi nhấn mạnh và đòi hỏi là mọi người phải nói lên ý kiến của mình, nói thật và không nên ngượng gì cả... Trước chiến tranh không lâu, hình như vào năm 1940 thì phải, Mikhail Ivanovich Kalinin[30] trong một cuộc họp đã trách những học sinh xuất sắc của các trường cấp ba một cách chính đáng rằng họ nói hay, đúng nhưng không nói lên những ý nghĩ độc đáo của bản thân mình. Nếu trí nhớ tôi không tồi thì tôi nhớ ông còn so sánh những lời phát biểu đó với những điều “cóp-pi” được... Nào, chúng ta hãy thỏa thuận chỉ một lần và là lần cuối cùng với nhau là: dù cho không hay, không được suôn sẻ nhưng là lời của mình, ý nghĩ của mình. Tất cả chúng ta đều biết lời Mác định nghĩa: “Hạnh phúc là đấu tranh.” Sau định nghĩa đó là một khái niệm bao la, và vì thế mà định nghĩa đó không nhất thiết ai cũng phải nhắc đến. Đừng trốn tránh sau những điều ai cũng biết cả rồi, hãy nói lên ý nghĩ của mình. Khi một người nói xong một lượt, ta sẽ bắt đầu vòng hai. Lúc đó chúng ta sẽ tranh luận, chứng minh, bảo vệ quan điểm của mình. Các em hiểu chưa?

[30] Kalinin M. I. (1875 - 1946): Một trong những lãnh tụ của Đảng cộng sản và Nhà nước Xô viết, nguyên chủ tịch đoàn Xô viết tối cao.

- Hiểu rồi ạ! - Các em đồng thanh trả lời.

Catia nói:

- Ta quyết định thế nhé! Thế thì bắt đầu thôi. Tôi sẽ gọi tên theo vần A B C nhé. Acxenova Tania bắt đầu đi.

- Phát biểu tại chỗ được không?

- Được! - Catia cho phép.

- Hạnh phúc ở đâu ư? - Tania hỏi và trong giây lát trở nên đăm chiêu. Sau đó em tiếp tục một cách cương quyết: - Chắc mọi người sẽ không tin tôi, nhưng tôi vẫn cứ nói... Cách đây không lâu thầy Constantin Sergheevich có nói rằng cứ mỗi buổi tối trước khi đi ngủ nên tự hỏi mình: hôm nay tôi đã làm được điều gì tốt? Tôi rất thích điều đó và bây giờ cứ tối đến tôi nhớ lại xem trong ngày tôi đã làm điều gì tốt. Và các bạn biết không, khi nào tôi làm được một điều gì đó tôi thấy rất sung sướng vì thế mà tôi thấy thật hạnh phúc. Chỉ có thế thôi.

- Ý cụ thể và rõ ràng, - thầy giáo nhận xét. - Đến lượt Ania Alechxeeva được phát biểu, cô đỏ mặt với giọng nói hơi run vì xúc động nhưng cương quyết cô bắt đầu nói:

- Tôi cho rằng, trên trái đất này không có hạnh phúc nào cả. Và nếu như nó có thật thì con người không còn thấy thú vị khi sống nữa. Tôi cho rằng, hạnh phúc giống như mặt trời. Luôn sưởi ấm chúng ta nhưng không cho phép ta đến gần.

Các cô gái đưa mắt nhìn nhau. Ý kiến quả thật là độc đáo, nhưng các em hoàn toàn không chờ đợi điều đó. Catia nhìn thầy giáo, tưởng là thầy sẽ có nhận xét, nhưng Constantin Sergheevich vẫn im lặng.

- Valia Belova!

- Hạnh phúc ở chỗ là tôi đang sống, Valia hơi tái mặt đi khi nói lên điều đó - Mùa hè vừa qua tôi bị ốm và hiểu rất rõ điều đó.

- Mọi người có cảm giác là Valia đã nói xong, nhưng bỗng nhiên cô nói thêm: - Và một khi tôi còn sống tôi sẽ sống theo ý muốn của tôi.

Trong lớp ồn ào hẳn lên. Đó là sự thách thức, nhưng Catia lấy tay gõ mạnh lên bàn và bằng một giọng đầy quyền lực ổn định trật tự.

- Im lặng nào! Im nào! Không được tranh luận bây giờ. Ghi vào giấy những ý kiến phản đối của mình. Đến lượt Lida Versinina.

- Tôi không thay đổi quan điểm của tôi. Ở đây mọi người đều đưa ra thí dụ từ bản thân mình, thì riêng tôi, tôi cảm thấy, nếu như có lúc nào đó tôi rất yêu một người nào hoặc say mê một cái gì... thì tôi sẽ vô cùng hạnh phúc. - Lida nói, đầu ngẩng cao.

- Mê say người nào hay là say mê cái gì? - Tamara hỏi lại.

- Sao cũng được.

Catia cương quyết cắt ngang:

- Các bạn ơi, sau rồi hẵng tranh cãi. Trật tự là trật tự chứ! Tamara, nhất là bạn cần đặc biệt nhớ điều đó. Tiếp tục. - Nadia Erefeeva!

Nadia không kịp thở. Tất cả mọi người đang tò mò chờ đợi xem cô nói gì.

- Tôi đồng ý với Ania. Không thể có hạnh phúc được vì con người cần quá nhiều. Các bạn thử tưởng tượng xem! Con người rất tham lam. - Cô nói xong vội ngồi xuống lấy hai tay che lấy mặt.

- Sao bạn lại ngượng? Đã nói ra một điều ngốc nghếch, nào có ai nuốt sống bạn đâu, - Tamara nhận xét một cách mỉa mai, nhưng Catia đã kịp vỗ vào vai cô và cô im bặt.

- Nina Cosinscaia!

Nina đứng dậy mặt đỏ ửng, mắt chớp chớp, cô nói vội vàng:

- Chúng ta hoàn toàn quên rằng... Tôi chẳng hạn, tôi rất thích học và vì vậy mà thấy hoàn toàn hạnh phúc.

Clara ngồi ngay bàn đầu vỗ tay, còn Ania khẽ nói “Khá lắm! Tuyệt!”

- Đến lượt bạn rồi đấy, Tamara. Bây giờ thì bạn có thể tha hồ nói.

Tamara khẽ nhổm dậy và nói rành rọt:

- Quan điểm của tôi mọi người đều đã biết. Tôi có thể nhắc lại. Tôi cho rằng, hạnh phúc ở công việc. Công việc mà mình yêu thích. Không có hạnh phúc nào khác và không thể có được. Hết.

- Rita Krưlova!

Rita không nói vội. Cô còn phải nhìn thầy giáo một cách duyên dáng, thở dài và dang hai tay ra tỏ vẻ bất lực.

- Tôi không biết hạnh phúc là ở đâu. Tôi hiểu là có hạnh phúc, nhưng không thể trả lời câu hỏi đó được. Thí dụ như tôi thích hát và nhiều người bảo là tôi có giọng hát hay... Khi tôi hát và mọi người nghe tôi. Điều đó làm tôi thích thú nhưng đâu đã là hạnh phúc. Theo tôi, nghĩa của từ “hạnh phúc” chúng ta thường hiểu rộng hơn nhiều so với nó thực có. Nói chung là tôi không hiểu?

- Raia Loghinova!

Raia không cần phải nghĩ lâu. Rõ ràng là cô đã chuẩn bị sẵn câu trả lời từ lâu rồi và bây giờ cô nói một mạch bằng cái giọng đều đều bình tĩnh như cô vẫn thường trả lời trong giờ học.

- Tôi cho rằng hạnh phúc cá nhân - đó là thứ hạnh phúc nhỏ bé, tiểu tư sản - không thể gọi đó là hạnh phúc. Khi con người đấu tranh vì hạnh phúc của người khác, lúc đó tự bản thân họ mới thấy hạnh phúc thật sự.

- Đoạn này trích từ đâu ra? - Catia nheo mắt hỏi.

- Đó chả phải là đoạn trích dẫn từ đâu hết, - Raia bình tĩnh trả lời và ngồi xuống.

Catia nói:

- Xin lỗi hình như tôi quên là đã đến lượt mình. Bây giờ tôi xin phép được nói. Tôi đồng ý với Raia. Hạnh phúc trong cuộc chiến đấu vì hạnh phúc của người khác. Nhưng tôi không tin bạn ấy. Bạn ấy nói điều mà bạn ấy không nghĩ. Thế mà chúng ta đã hứa với thầy Constantin Sergheevich là chỉ nói lên những điều mình nghĩ. Raia, bạn nói cho bọn mình xem bạn đã đấu tranh cho hạnh phúc của người khác bao giờ và thấy hạnh phúc như thế nào?

- Tôi chuẩn bị để làm điều đó, - Raia thản nhiên trả lời.

- Không nên tranh luận bây giờ các em ạ, - thầy Constantin Sergheevich ngắt lời Catia và bắt chước cô nói thêm: - Ghi vào giấy ý kiến phản đối của mình.

Catia trả lời theo kiểu quân sự:

- Xin tuân lệnh ạ!

- Jenia Smirnova! Nói đi!

Jenia sẽ không phải là Jenia nữa nếu em cũng nói lên ý kiến của mình giống mọi người. Em đứng dậy, khịt mũi và lẩm bẩm:

- Hè! Hè! Nói nghe mới dễ chứ - nói ý kiến mình trong khi mọi người đã nói hết rồi.

Nhưng bất chợt cô giương đôi mắt to lên nhìn thầy giáo và nói thật đơn giản và cảm động:

- Thầy Constantin Sergheevich ạ, em có một em gái bé... Nó còn bé tí... Nó sắp lên hai. Em yêu nó lắm thầy ạ. Khi nào nó vui vẻ và khỏe mạnh... thì em thấy hạnh phúc! Thầy có hiểu em không ạ.

- Hiểu chứ.

Catia nhận xét:

- Hơi lặt vặt, nhưng dù sao thì cũng độc đáo! Larisa, nói ý kiến của bạn đi.

- Nói thật chứ? - Larisa hỏi và uể oải đứng dậy.

- Dĩ nhiên là nói thật.

- Tôi biết là các bạn sẽ không tán thành với tôi, nhưng vì đã quyết định nói thật với nhau thì tôi nói thế này... Tất cả phụ nữ đều thích mặc đẹp. Đó là sự thật? Thế đấy... Và nếu người phụ nữ mặc đẹp, họ có tất cả mọi thứ họ muốn thì theo tôi chẳng cần gì hơn nữa. Đấy, hạnh phúc ở đấy các bạn ạ.

Cả lớp phản ứng ý kiến đó một cách ầm ĩ. Người thì vỗ tay, kẻ đập bàn.

- Điên rồi à?

- Ôi trời ơi, Larisa!

- Đúng là bạn ấy đã thốt lên thật lòng!

Tania thét lên:

- Đồ hạnh phúc giẻ rách? Chỉ có bạn mới nghĩ được điều đó thôi!

Larisa bực mình nói:

- Sao các bạn lại la hét ầm ĩ lên thế. Nào tôi đã nói điều gì quá đáng?

- Bạn ấy đùa đấy!

- Sao các bạn lại còn không biết cô ta ư?

- Cuốn gói đi thôi? Cuốn gói thôi, Larisa! Chuồn đi!...

- Ôi mặc kệ. - Larisa giận dỗi ngồi xuống.

Catia phải khó nhọc lắm mới ổn định lại trật tự.

- Nào, các bạn ơi! Trật tự chứ nào! Ghi vào giấy ý kiến mình đi Clara Kholopoeva!

Constantin Sergheevich từ lâu đã để ý thấy Clara là cô gái ham hiểu biết và đọc nhiều. Ý kiến của cô còn thú vị ở chỗ là vấn đề về hạnh phúc đối với cô gái mồ côi còn có một ý nghĩa đặc biệt và chắc cô suy nghĩ nhiều về vấn đề đó.

Clara bắt đầu nói, đầu cúi:

- Mỗi một người sống vì một lí tưởng nào đó. Mỗi một người đều có mục đích của cuộc sống. Con người càng tài giỏi bao nhiêu thì mục đích cuộc sống càng to lớn bấy nhiêu. Tôi muốn nói hạnh phúc là ở chỗ ta đạt được mục đích của mình. Trên đường đi đến mục đích có rất nhiều trở ngại. Chiến thắng được mọi trở ngại đó, con người ta thường cảm thấy hạnh phúc.

- Hạnh phúc trong chiến thắng! Tôi không phản đối!

Tamara đồng ý nói to lên.

- Và khi nào thì con người đạt được mục đích? - Catia hỏi.

- Không... Không bao giờ con người đạt được mục đích cả.

Thí dụ như cách mạng chẳng hạn. Lẽ nào Lenin lại cho rằng mọi việc đã xong xuôi? Dĩ nhiên là Người đã từng hạnh phúc khi giai cấp vô sản đã chiến thắng, nhưng cách mạng không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Mục đích - là chủ nghĩa cộng sản.

- Thế còn bạn? - Nina Sarina hỏi.

- Tôi cũng có mục đích của tôi và tôi đang đấu tranh để đạt tới. Tôi sẽ nhận bằng tốt nghiệp lớp 10 và tôi sẽ hạnh phúc, nhưng chưa phải thế là xong. Mục đích còn ở phía trước. Trường học chỉ là phương tiện...

- Mục đích của bạn là gì? - Nina Sarina lại hỏi.

- Nhưng chắc là không giống như mục đích của bạn đâu!

Clara bực bội phun ra.

- Không được cãi tay đôi với nhau nữa? Vấn đề rõ rồi! - Catia nói. Người cuối cùng là Nina Sarina. - Về bản thân, thì tôi không có gì để nói. Dĩ nhiên là mỗi khi thầy cho em điểm năm thì em sẽ thấy vô cùng hạnh phúc, - Nina quay về phía thầy Constantin Sergheevich nói.

- Dĩ nhiên là tôi sẽ cho em điểm năm nếu em xứng đáng được.

- Em cảm ơn thầy. Nhưng dù sao tôi cũng muốn nói là mẹ tôi rất hạnh phúc bởi vì bà có một gia đình hòa thuận, có con cái và bố... À quên và chồng. Và mỗi khi nhìn mẹ, tôi hiểu ngay niềm hạnh phúc chân chính của người phụ nữ.

- Rõ... õ? - Tamara dằn từng tiếng kéo dài ra.

- Hết một vòng rồi! - Catia nói và quay về phía thầy giáo.

- Bây giờ đến lượt thầy ạ, - Lida nói và cả lớp reo lên:

- Bây giờ đến lượt thầy...

- Thầy phát biểu ý kiến ạ...

Các cô gái lại làm ồn. Constantin Sergheevich giơ tay lên ra hiệu, và khi cả lớp im lặng rồi anh lấy ngón tay trỏ dọa:

- Không đâu, các em ạ. Chúng ta có thỏa thuận thế đâu. Tôi có thể sẵn sàng phản đối lại ý kiến của một số em, nhưng chắc là các em sẽ tự làm lấy điều đó. Ý kiến của tôi thì tôi sẽ phát biểu muộn hơn. Tại sao? Bởi vì tôi biết các em còn quá ít. Không thể chỉ nói những lời chung chung. Dĩ nhiên là tôi có thể lấy thí dụ trong văn học, hướng dẫn các em đi đến một định nghĩa chung chung nào đó... Nhưng tôi không muốn. Về vấn đề hạnh phúc mỗi một người trong các em phải tự quyết định lấy. Đó sẽ phải là quan điểm của từng em một.

- Thế bao giờ thầy nói ý kiến của thầy ạ? - Lida Versinina hỏi.

- Có thể mãi về sau này. Khi nào tôi thấy rằng lời nói của tôi không phải vô ích. Khi tôi thấy rằng các em thật sự cần đến ý kiến của tôi. Còn bây giờ ta bắt đầu phát biểu vòng hai nhé. Các em tranh luận đi, chứng minh đi, bảo vệ ý kiến của mình nhưng không được lồng quan hệ cá nhân vào đấy. Và không được giận nữa. Đừng sợ những lời phê bình và câu đùa vui. Những ý kiến phản đối chân thành, thiện chí, dù nó có được thể hiện qua hình thức gay gắt đi nữa, bao giờ cũng mang lại lợi ích. - Anh quay về chỗ mình gần cửa sổ và nói thêm. - Các em đừng phản đối Larisa mà hãy cố gắng chứng minh với bạn ấy là ý kiến ấy sai. Đó không phải là khuyết điểm mà là nỗi bất hạnh của bạn ấy. Còn ý kiến của Valia. Đó là một vấn đề đặc biệt. Tôi muốn tin rằng lúc đó Valia đã bồng bột nói như vậy nhưng chắc không nghĩ thế. Xin mời các em tiếp tục thảo luận.

- Nào, ai xin phát biểu? - Catia hỏi.

Mấy cánh tay giơ lên xin phát biểu. Constantin Sergheevich với cảm xúc hài lòng nhìn các em học sinh. Mắt các em sáng lên, ai cũng nóng lòng muốn phát biểu. Ania đang vội vã ghi gì đó vào giấy. Jenia vừa giơ tay vừa trao đổi với Lida.

Catia vẫn giữ thứ tự A, B, C cô cho Tania phát biểu. Cuộc tranh luận bắt đầu.

Thầy giáo tưởng là những ý kiến phản đối sẽ tập trung vào vấn đề “hạnh phúc kiểu giẻ rách” theo như lời Tania nói. Nhưng không có một em nào nhắc đến “ý kiến độc đáo” đó cả. Các em cũng không hề phản đối Valia, nhưng ở đây lại là lí do khác: Vì quan hệ của cô với cả tập thể. Cuộc tranh luận lớn đã nổ ra chung quanh cách định nghĩa mơ hồ của Clara “Một lí tưởng nào đó ư?” Nào đó nghĩa là thế nào? Nhiều em phê phán kịch liệt quan điểm của Ania và Nadia. “Có hạnh phúc trên trái đất này không? Các bạn ấy hiểu ý nghĩa của từ đó như thế nào?” Tamara đã đập tan quan điểm của Lida và Nina Satina, cô còn gọi mấy bạn là những người thời cổ chỉ chuyên lo lắng đến hạnh phúc cá nhân. Và điều đó đã làm cho các bạn cô phản đối kịch liệt.

Khi Constantin Sergheevich sực nhớ ra thì ngoài đường trời đã tối. Với sự đồng tình của tất cả mọi người, cuộc tranh luận chuyển sang một hôm khác. Các cô gái vẫn tiếp tục tranh luận ầm ĩ và kéo nhau xuống cầu thang. Lúc Constantin Sergheevich mặc xong áo khoác và ra khỏi phòng treo áo, Lida đến cạnh anh. Trong tay cô cầm một chiếc phong bì.

Cô gái mỉm cười duyên dáng nói:

- Thưa thầy, thầy có thư của ba em ạ, trên phong bì em có đề địa chỉ và số điện thoại.

Constantin Sergheevich rút từ trong chiếc phong bì bỏ ngỏ ra một tờ giấy và đọc.

“Anh Constantin Sergheevich thân mến! Nếu anh chưa quên tôi thì tôi sẽ rất vui lòng được tiếp anh vào chủ nhật này.

Anh đến vào khoảng chín giờ tối nhé.

S. Ivanovich của anh.”

- Tức là ngày mai à? - Đọc xong lời mời anh hỏi.

- Vâng ạ.

- Cảm ơn em. Tôi sẽ đến vì tôi rất muốn được gặp thầy Sergei Ivanovich.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3