Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 20
ĐẾN THĂM THẦY GIÁO CŨ
Trên đường đến nhà ông Sergei Ivanovich, Constantin Sergheevich lấy làm hài lòng khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ sắp đến với vị giáo sư cũ của anh, thêm vào đó anh cũng muốn được nhìn một trong những cô học sinh của anh trong khung cảnh gia đình.
Lida ra mở cửa.
- Thầy ạ! Mời thầy vào nhà. Ba em sẽ rất vui mừng! - Cô mừng rỡ nói và giúp thầy giáo cởi áo khoác.
- Chào em Lida! Chắc là em cho phép tôi gọi em như vậy ở nhà chứ?
- Ôi không được đâu thầy ạ. Em đề nghị thầy phải gọi em là Lidia Sergheevna[31] chứ ạ - cô điệu bộ mím môi lại và nói, nhưng không nhịn được lại phì cười. - Thầy đến đúng giờ quá; Thầy có nghe thấy không, đồng hồ điểm chín tiếng đấy... Em rất rất... sung sướng... Ta đến phòng ba em đi, thầy đi!
[31] Tên gọi đầy đủ khi cô gái đã trưởng thành.
Constantin Sergheevich đưa tay vuốt tóc, sửa ca-vát trước chiếc gương lớn rồi đi theo Lida.
Phòng khách mà anh vừa đi qua cùng với Lida được bày biện một cách nghiêm trang và nhã nhặn. Không có gì thừa. Đồ dùng kiểu cổ làm bằng gỗ đỏ, chiếc đàn dương cầm, những chiếc rèm cửa nặng nề, chiếc đèn chùm bằng pha lê từ thời Alecxandr treo lủng lẳng, mấy bức tranh lớn, vài ba bức kí họa bằng màu nước.
Sàn được đánh bóng lộn đến nỗi có cảm giác như chỉ cần khẽ động vào bàn ghế thì chúng sẽ trượt trên sân như những chiếc xe trượt trên băng.
Ông Sergei Ivanovich đang ngồi trong phòng làm việc của ông với quyển sách trong tay. Ông đứng dậy đi về phía Constantin Sergheevich, đưa hai tay ra đón khách.
- Đây rồi, đúng là núi không gặp được núi[32]. Nào, xem nào, xem cậu “Costia cao kều” bây giờ ra sao nào? - Ông nói và siết chặt tay Constantin Sergheevich. - Thật là tuyệt diệu! Đã là một người đàn ông hoàn toàn trưởng thành rồi...
[32] Câu tục ngữ Nga: “Núi không gặp được núi, chứ người thế nào cũng gặp được nhau.”
- Ba ơi, ba tiếp thầy nhé, con còn phải xuống bếp chỉ huy chứ, - Lida nói.
- Ngồi xuống đây, anh Constantin Sergheevich! Anh hút thuốc nhé...
- Tôi không hút thuốc ạ. Thầy biết không, giá gặp thầy ngoài phố..., thoáng trông thấy là tôi nhận ra thầy ngay, thầy Sergei Ivanovich ạ.
Thời gian đã không làm thay đổi mấy những đường nét quen thuộc trên khuôn mặt nhà bác học. Mái tóc dày hơi xoăn sẫm màu đã làm ông trẻ lâu và khó mà đoán ra năm nay ông đã mấy mươi.
Ông hơi béo ra và nhờ đó mà những nếp nhăn cũng không thấy rõ và dáng người vốn không cao lắm của ông cũng có vẻ vạm vỡ, chắc nịch. “Vẫn cái dáng chắc nịch ấy” - Constantin Sergheevich thầm nghĩ vậy. Còn ông Sergei Ivanovich thì nhận xét:
- Mà tôi cũng không đến nỗi đi ngang qua mặt anh mà không chào đâu. Dù sao thì thời gian cũng trôi qua nhanh quá - không kịp ngoảnh lại nữa. Mới đây, nào có lâu gì, anh mới là một chàng thanh niên nông nổi đấy, thế mà bây giờ đã là một giáo viên dày kinh nghiệm rồi, với quá trình công tác kha khá đấy... Nào, kể cho tôi nghe về bản thân anh xem nào. Anh có gia đình rồi chứ?
- Vâng ạ.
- Có con không?
- Có một cháu gái ạ.
- Anh có hài lòng về cuộc sống không?
- Rất hài lòng.
- Thế còn chiếc gậy này?
- Không sao ạ... Còn có thể xấu hơn.
- Đúng thế. Thế còn công việc thì tôi chẳng phải hỏi nữa. Lida kể cho tôi nghe rất nhiều về anh. Tôi với cháu là bạn của nhau mà, vì vậy mà tôi biết hết mọi việc ở trường. Con bé vốn tính lạnh lùng, ít hoạt động từ nhỏ, thế mà bây giờ tôi cũng không nhận ra nó nữa. Anh đã làm cho bọn trẻ rục rịch rồi đấy...
Constantin Sergheevich đành phải ngồi nghe những điều tốt đẹp về mình, nhưng anh chớp được thời cơ và vội chuyển hướng câu chuyện sang đề tài giáo dục trong gia đình. Vấn đề nóng hổi luôn thu hút sự chú ý của mọi người lúc nào cũng là đề tài cho những cuộc tọa đàm thú vị. Ngoài mặt trận trong quân y viện, ngay cả trên tàu điện và trong khi đứng xếp hàng mọi người đều hăng hái bàn luận về việc giáo dục thế hệ trẻ. Đại đa số cho việc giáo dục trẻ là công việc quen thuộc, đơn giản và dễ dàng. Và họ càng được chuẩn bị về lí thuyết và thực hành ít bao nhiêu, thì họ càng nói về việc giáo dục một cách tự tin bấy nhiêu. Biết bao là ý kiến, quy tắc và những lời khuyên mà Constantin Sergheevich phải nghe?
Gần khuya, thầy giáo xin phép ra về.
- Ba ơi, con tiễn thầy Constantin Sergheevich một đoạn nhé, Lida xin phép bố khi ông đến gần máy điện thoại.
- Lida, muộn rồi đấy con ạ. Để ba gọi ôtô đưa thầy về.
- Không ạ, con muốn ra đường hít thở không khí một tí ạ. Hôm nay đẹp trời mà.
Ông Sergei Ivanovich không trả lời con gái mà chỉ nhún vai.
Hai thầy trò đi dọc trên đại lộ sáng trưng nhưng vắng vẻ. Lida thọc sâu hai tay vào túi áo khoác cúi đầu lẳng lặng bước. Thầy giáo hiểu là cô khó bắt đầu câu chuyện.
- Lida, tôi cảm thấy thời gian gần đây em không được thanh thản lắm. Sao vậy?
- Em đang có nhiều khó khăn lắm thầy ạ. Thầy là người đầu tiên mà em có thể tin tưởng được...
Câu nói sách vở đó không biết cô đọc ở đâu ra nhưng cô đã nói ra một cách đơn giản và nhìn thầy giáo đầy tin tưỏng đến nỗi anh cũng cảm thấy thương cô. Anh trả lời:
- Tôi sẽ rất vui sướng được giúp đỡ em, dĩ nhiên là nếu tôi có thể.
- Nhưng thầy đừng bực em cơ, - cô gái bảo trước với thầy. Cô thở dài và khẽ nói: - Nói ra thì buồn cười thật, nhưng em chán đời lắm thầy ạ. Em cũng không biết là em cần gì nữa. Vươn đến cái gì?
Đạt được điều gì? Chung quanh là một sự trống rỗng. Những câu nói thuộc lòng. Em nghe và đọc chúng đến hàng nghìn lần rồi. Em rất muốn trao đổi với người bạn... Em thú thật với thầy. Em rất cô độc. Em không có một ai thân thích... Các bạn gái ư? Nhưng sao em lại phải cho rằng các bạn ấy hiểu biết hơn em cơ chứ? Thí dụ như Tamara đấy. Bạn ấy cũng tốt, nhưng chúng em lại không hiểu nhau mấy. Em có thể cùng vui chơi giải trí, cùng làm bài với bạn ấy và chỉ có thế. Còn bọn con trai thì em khinh thường.
- Vì lí do gì thế?
- Bởi vì họ cứ nói những chuyện yêu đương vớ vẩn với em mãi.
- Lida, em nói gì vậy? Em đã mười bảy tuổi mà còn cho tình yêu là chuyện vớ vẩn ư?
- Không phải tình yêu là vớ vẩn mà bọn con trai nói những chuyện vớ vẩn cơ ạ. Thế những lời “nịnh đầm” mà chẳng phải vớ vẩn thì là gì ạ? - Cô hỏi và khi nhìn thấy thầy giáo im lặng, biểu lộ sự đồng ý, cô tiếp tục:
- Em luôn biết trước bọn họ sẽ làm gì, nói gì. Và trong sách những chuyện như vậy em cũng đã đọc... Em đã đọc rất nhiều về chuyện này thầy ạ.
- Tôi cũng đã đoán được điều đó...
- Trong cuộc sống sao mọi việc lại đơn điệu và buồn tẻ thế. Các bạn gái khác thường mơ ước một điều gì đó... Tamara còn ngủ cả trên giường xếp để rèn luyện. Các bạn còn có ý thích, sở trường, còn em thì lại không cần một thứ gì cả... Em đúng là Lermontov[33] mặc váy...
[33] Một nhân vật chán đời.
Nói xong điều đó, Lida đưa mắt nhìn thầy giáo một cách thăm dò, cô cứ tưởng sẽ nhìn thấy một nụ cười giễu cợt trên khuôn mặt thầy, nhưng cô đã nhầm. Constantin Sergheevich vẫn có thái độ nghiêm túc như trước. Đôi mắt anh đăm chiêu nhìn mãi về phía trước, nơi mà hai dãy đèn dọc đại lộ gặp nhau. Có cảm giác như anh không nghe cô gái nói mà đang mải suy nghĩ về một điều gì đó riêng tư: “Thầy chắc kinh ngạc trước sự thổ lộ của mình, đến nỗi không biết nói gì với mình bây giờ cả, thầy sẽ thông cảm, an ủi mình hay bực tức với mình hoặc định thuyết phục mình?” - Lida nghĩ như vậy.
Nhưng Constantin Sergheevich lại nghĩ về những điều hoàn toàn khác. Anh nhớ lại cuộc trao đổi với bố cô về việc “giáo dục tự do,” hoặc nói cho đúng hơn, về tình thương yêu mù quáng của bố mẹ. Anh nghĩ rằng những kết quả của việc nuông chiều quá mức đã gây nên những hậu quả thật bất ngờ. Ở một số gia đình, những đòi hỏi của con cái vượt quá khả năng của bố mẹ. Nhưng các em đó vì không quen tiếp nhân sự từ chối nên đã không từ một phương tiện nào để thỏa mãn những nhu cầu đó của mình. Cho nên không có gì là lạ khi một số em đã phải ngồi trên ghế tội phạm. Còn số khác thì lại biến thành những kẻ vô lại rỗng tuếch xấu xa, thành những tên ăn diện kệch cỡm hoặc những “cậu ấm” vô công rồi nghề. Lại có những em trở thành những kẻ háo danh địa vị, giả dối. Ở một số khác, tính kiêu ngạo, sự tàn ác và già cỗi về tâm hồn đã phát triển một cách quá mức... Còn một số các em như Lida thì lại chán đời thất vọng... Thầy giáo hiểu rất rõ rằng, đó chỉ là những lời nói và sau chúng còn có ẩn nấp một điều khác.
Đoán được chính điều gì đã làm cho cô gái lo lắng và cô muốn nói lên điều gì, không phải là khó.
- Được rồi... Có một số việc tôi tán thành với em. Những điều xấu xa thật ra vẫn còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực tình yêu.
Nhưng rất đáng tiếc là ở xã hội ta mọi người chưa quen nói chuyện với thanh niên về tình yêu và cứ để họ tự giải quyết lấy vấn đề đó... Đúng... những điều xấu xa ở đây không phải là ít.
Nhưng lẽ nào việc làm cho tình yêu trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa lại không phụ thuộc vào chính em?
- Thế thầy cho rằng em lại có thể yêu ư?
- Dĩ nhiên là thế!
- Không đâu ạ. Em thử rồi, nhưng chẳng được gì cả.
Thầy giáo cố giấu nụ cười, nói một cách nghiêm túc:
- Em đừng thử - Tôi nói trước với em là việc thử đó của em chẳng được gì đâu. Tình yêu sẽ tự nó đến và em còn không nhận thấy được nữa cơ.
- Thế nhỡ ra nó không đến thì sao ạ?
- Không đến có nghĩa, là không đến chứ sao. Tôi muốn ngăn chặn em trước. Đừng lầm lẫn đấy! Chung quanh em có rất nhiều người. Hãy cẩn thận. Những kẻ suồng sã, có kinh nghiệm hơn và hợm mình bao giờ cũng đến trước. Trong lĩnh vực tình cảm, cần có sự dũng cảm kiểu khác cơ. Em phải nhớ rằng, một con người sống có mục đích, một người chân chính bao giờ cũng khiêm tốn và đôi khi còn rụt rè nữa kia. Phải biết nhận xét và phân biệt đâu là giả dối, nhất thời và đâu là thật sự và sâu sắc. Tôi nhắc lại tình yêu sẽ tự nó đến. Không nên tìm kiếm và vội vã, và điều chính là đừng chia năm xẻ bảy nó ra. Tôi lấy một ví dụ thế này. Ta có một viên kim cương. Viên kim cương rất to và đẹp đó đáng giá là một triệu đồng. Nhưng nếu đem đập nó ra thành từng hạt nhỏ, cứ cho là một trăm viên kim cương nhỏ, thì lúc đó mỗi viên chỉ đáng giá không hơn một nghìn đồng. Thế nghĩa là được...
- Mười vạn ạ.
- Đúng thế. Thay vào chỗ một triệu... Tôi nghĩ rằng đối với tình cảm cũng vậy...
- Thí dụ của thầy thật hay, - Lida tán thành. - Nhưng làm sao để biết được đâu là thật và đâu là giả ạ?
- Tôi cũng không biết. Điều đó rất khó. Điều chính là không được vội vàng. Đừng chạy trước cuộc sống. Mọi việc đều sẽ đến đúng lúc của nó... Còn về việc em chán đời ấy mà, thì cái đó chẳng qua là vì em được cuộc sống quá ưu đãi và cho đó là lẽ tự nhiên không hề nghĩ xem có thể cuộc sống của mình được xếp đặt hoàn toàn khác. Chắc không bao giờ em nghĩ rằng chiếc áo khoác em đang mặc đây đối với nhiều cô gái ở tuổi em chỉ là ước mơ không bao giờ đạt được? Em có bao giờ nghĩ về điều đó không?
Lida ngạc nhiên nhìn thầy giáo.
- Giá như em sống khó khăn hơn một chút, thì có lẽ sẽ không còn sự chán đời nữa mà sẽ có nguyện vọng, ước mơ, sẽ có cả trách nhiệm nữa...
Hai thầy trò ra đến đại lộ Kirov, thầy giáo dừng lại:
- Tôi rất vui lòng là đã được em tin cậy và thổ lộ tâm tư. Chắc là từ giờ đến cuối năm chúng ta sẽ có nhiều dịp nhắc đến vấn đề này.
Lida trở về nhà lòng thanh thản như trút được gánh nặng. Tâm hồn cô nhẹ nhõm, vui vẻ. Cô đã kể một cách trung thực những điều mà trước kia cô cho là không thể nói ra, là đáng xấu hổ nếu đem kể cho ba cô nghe. Thầy Constantin Sergheevich không ngạc nhiên, không trách móc về sự bi quan của cô, không nhắc nhở đến nghĩa vụ của đoàn viên Komsomol, về nghị lực, ý chí... Nghĩa là không có gì đáng kinh khủng trong tâm tư tình cảm của cô cả. Tất cả những cái đó đều là ngẫu nhiên, nhất thời và nhất định cô có thể khắc phục được. Điều cô thích nhất là thầy giáo đã nói về tình yêu. Bây giờ thì Lida tin chắc chắn rằng có thể còn lâu, nhưng nhất định tình yêu sẽ đến với cô và sẽ giống như một viên kim cương lớn. Không... Dĩ nhiên là cô không thể chia năm xẻ bảy, đập vỡ ra thành nhiều mảnh niềm hạnh phúc lớn lao của cô. Mà đã là hạnh phúc thì bao giờ cũng phải lớn lao.
Ở chỗ ngoặt của phố người ta đang làm việc. Một cây sào được gắn vào đường tàu điện, dọc theo sào có kết một dãy đèn sáng báo hiệu chỗ này đang sửa đường. Phía sau là một toa tàu, từ đó tua tủa những dây điện để nối đường tàu. Một đội nữ công nhân đứng theo hàng dọc đang bóc đường ray, nói cười vui vẻ. Họ làm việc đó một cách nhịp nhàng và hăng hái làm cho chính Lida muốn bắt tay vào việc. Cô đứng một hồi lâu ở góc đường dõi theo cách tiến hành công việc một cách có tổ chức và khéo léo của những công nhân làm ca đêm. Đến sáng mai thế nào họ cũng chữa xong và sẽ được trả tiền.
Lao động của họ biến thành tiền - cô gái nghĩ thế và bất giác cô hiểu được, cảm giác được một cách rõ ràng rằng tiền không phải là những tờ giấy được in trong xưởng ra mà đó là sự biểu hiện một giá trị nào đó do sức lao động của con người tạo nên. Ý nghĩ đó xuất hiện một cách đột ngột đến nỗi lúc đầu làm cô gái phải ngạc nhiên.
Lida chậm rãi bước về nhà.
“Đây chính lông trên cổ áo khoác của mình đây, - cô nghĩ, - do người đi săn đã lặn lội trong rừng, theo rình con thú và cuối cùng đã giết được nó. Lông này anh đem bán cho nhà nước và nhận tiền. Sức lao động của anh ấy biến thành lông thú, lông thú - biến thành tiền. Ba mình làm việc ngày đêm và cũng nhận được tiền, và đưa tiền đó mua áo khoác có cổ lông này cho mình.”
Lida nhớ lại thầy giáo nói về chiếc áo măng-tô của cô. Thật thế, sao Ania Alechxeeva, Clara Kholopoeva phải mặc những chiếc áo cũ với những chiếc cổ loại lông rẻ tiền đã sờn và đối với họ áo đã quá chật và ngắn? Tại sao Svetlana hoàn toàn không có áo măng-tô mùa đông?... Tại sao? Tại sao mình lại có chiếc áo đẹp như thế này? Phải chăng vì mình tốt hơn các bạn? Không! Dĩ nhiên là không phải! Chỉ đơn giản bởi lẽ mình là con gái của một ông viện sĩ mà thôi... Nhưng có phải suốt đời mình sẽ sống bằng trợ cấp của bố đâu. Sẽ đến lúc mình phải tự nghĩ đến việc mua áo măng-tô, bánh mì và tất cả những thứ cần thiết cho một con người có văn hóa như: thức ăn, quần áo, giày dép, nhà hát, xi-nê, sách vở... Từ trước đến nay mọi việc đó chẳng bao giờ mình phải lo đến cả và tưởng rằng tất cả mọi việc đương nhiên phải như thế và sẽ mãi mãi như thế... Thế nghĩa là thế nào? Tại sao không bao giờ mình nghĩ đến những điều đó? Sống chẳng khác con chuồn chuồn bay thấp, bay cao trong chuyện ngụ ngôn của Klưrov cả...